Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
770
116.616.551
 
Nước mắt người xuất gia.
Khánh Phương

Cha tôi thường nhắc một hình ảnh không phai mờ trong suốt thời thơ ấu: những pho tượng “Di Lăng nhịn ăn mà mặc Di Lặc nhịn mặc mà ăn”... trôi bập bềnh trên sóng nước vùng hải đảo để rồi “hoá” trong vô cùng sóng cả khơi xa, đem theo cả niềm tiếc nuối vô minh đối với cái lung linh thăm thẳm của thế giới Đẹp và huyền ảo mà trí óc trẻ thơ kế thừa được trong mỗi lần nắm chéo áo bà nội tôi đi chợ xa, qua ngôi chùa cổ của cả tổng. Niềm tiếc nuối ấy lại gặp trong những thường dân hôm nay ngồi nhẩm đếm những ngôi chùa đẹp nhất của xứ Kinh Bắc xưa đã cùng chung số phận cả dân tộc tiêu thổ kháng chiến: chùa Bách Môn( Trăm cửa), chùa Giỏ, chùa Dận, chùa Đài, chùa Lim, chùa Hàm Long, chùa Phật Tích... Chùa Hàm Long đã được xây lại dọc ngang như nêm, ăng ten parabol ngất ngưởng trên nóc, chùa Phật Tích như một công trường ngổn ngang bê tông sắt thép. Các nhà nghiên cứu đã thống nhất, nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam đã và chỉ có thể sống một cách hữu cơ với những ngôi đình chùa cổ vừa thiêng liêng vừa tiện ích của cộng đồng, mà số phận, cũng như con người, không ngừng xáo động với giông gió thời cuộc.

 

Phế tích của những phế tích

 

Pho tượng đá Adi đà chùa Phật tích cao 2,77 mét( cả bệ), niên đại 1057, niềm tự hào của mỹ thuật cổ Việt Nam, ngự trong gian thượng điện mới cất nhưng đã tuyềnh toàng. Những vết sẹo ngang dọc kéo thành hàng chia năm sẻ bảy mình tượng, do bị quân Pháp trước năm 1954 lấy làm bia tập bắn, được trám bằng một thứ nhựa sẫm màu loang lổ, tựa như những vết thương mới tiều tuỵ u uất. Chuyên gia Liên Xô từng ví sự hoàn hảo của tỷ lệ, hình khối, đường nét từ nếp áo, bờ vai, tấm lưng của bức tượng “như một cơ thể sống”; nhưng trong tình cảnh này, cơ thể ấy chỉ gợi cảm giác về sự đổ vỡ, gá lắp và một cái gì gần như sự mất mát thương tâm.

Bất luận quan điểm của những người phục chế ra sao, pho tượng từng là kiệt tác của điêu khắc cổ cũng không thể cứ trong cái lốt tang thương như vậy cho đến nhiều năm sau.

 

Trong gian nhà tổ chùa Phật Tích, 2 tủ kính nhỏ sơ sài vừa bằng đồ lề gian hàng xén chợ quê, chứa những chứng tích cuối cùng của khối kiến trúc nội công ngoại quốc được chúa Trịnh Tráng phục dựng vào giữa thế kỷ 17: một bức tượng trang trí đỉnh cột đầu người mình chim, những thớt đá chạm khắc và bệ thờ sứt sẹo, vài tượng Kim cương nhỏ bằng đá, một tấm ngói nguyên vẹn hình lá đề có hoa văn rồng thời Lý... Cùng năm đôi voi, tê giác, trâu, ngựa, , kỳ lân đá hình thù cân đối ngộ nghĩnh đứng rải hai bên thềm, tấm bia Chính Hoà( 1686) bị chém ngang lưng, chỉ còn nửa đầu; là những nhân chứng cuối cùng còn lại của một giai đoạn nghệ thuật Phật giáo từng đạt đến thành tựu huy hoàng.

           

Một dải phía Tây Hà Nội, xứ Đoài xưa với mây trắng, đá ong và các công trình quý giá, may thay được bảo tồn trong nguyên trạng thế kỷ 16 đến 19  chỉ với chút ít chắp vá hoặc ít nhất giữ được gần đủ số tượng và nội thất: Tây Phương, chùa Mía, Trăm gian... các đình Chu Quyến, Tây Đằng, Đông Viên, Đông lỗ, Liên Hiệp...

 

Các chùa dù sao cũng là nơi yên ổn của tượng vì vẫn tiếp tục sống trong cộng đồng, khó khăn lớn nhất là chiến đấu với những kẻ săn cổ vật. Còn những ngôi đình từ lâu chỉ đóng vai trò bảo tàng, trở nên cách biệt, nằm chơ vơ dãi dầu cùng nắng táp mưa xối, đối mặt với ngàn lẻ một sự tàn phá bất kỳ.

           

Có thể coi việc còn lại những chứng tích dù ít ỏi của mỹ thuật cổ trải qua bao biến động lịch sử, là những cơ may thật sự. Việc cố cho được ướm mình vào tấm áo huy hoàng của người xưa hay làm lại những đồ cổ giả đều là không tưởng và cũng không cần thiết.

 

Mỗi năm được hàng chục ngàn lượt khách tham quan, trong đó số đông là những sinh viên nghệ thuật, khoa học xã hội, nhưng những di sản không nhiều lắm còn lại vẫn có nguy cơ chỉ sống cuộc đời phế tích của những phế tích. Trong con mắt thiếu vắng xúc cảm đối với cái thật, trong thẩm mỹ bị bó hẹp quá mức của đời sống tiện nghi hiện tại và xu hướng thực dụng lan tràn như một năng lực chủ yếu.

 

Cuộc lột xác của những ngôi chùa?

 

 

Năm 1952, muốn thị uy trước dân chúng, quân Pháp đã ràng xích sắt vào những chân cột lim đại đình làng Đình Bảng, một trong những kiến trúc thế kỷ 17 hoàn hảo nhất, rắp tâm cho xe bọc thép đánh sập ngôi đình. Hơn chục vị bô lão, có dân làng ngầm hậu thuẫn, đã dàn hàng trước xe tăng giặc quyết bảo vệ bằng được ngôi đình thiêng liêng. Sau một ngày trời vừa bị vừa chống đối quyết liệt vừa bị “binh vận”, quân Pháp phải tháo lui. Không sự song hành, hoá thân thậm chí được cưu mang nào đối với nghệ thuật cổ, thấu suốt bằng việc gắn bó với đời sống tâm linh bất khả xâm phạm của cộng đồng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, khi “tâm linh” nhuốm màu sắc dị đoan và vụ lợi, chùa chiền đa số được kiến thiết theo tầm nhìn thực dụng, thì có khác.

 

Sư bác Thích Minh Nhiên chùa Phật Tích mời trà chúng tôi trong gian nhà tổ. Nhà sư còn quá trẻ vốn xuất thân từ một gia đình đông con có người cha bị nhiễm chất độc màu da cam ở chiến trường B, vừa mới mất, và hai người anh em liền kề với ông bị di chứng tinh thần. Câu chuyện thế sự đầy khắc khoải của sư bác về người, về đời khiến chúng tôi bất ngờ và hình như đôi mắt rất sáng của ông long lanh nước. Cũng như con người, đình chùa nơi ẩn náu của nghệ thuật cổ cũng mang những vết hằn, thương tích, sự dở dang và cả nhân dạng thực của đời sống.

 

Theo một quy luật không thể cưỡng, những ngôi chùa hiện tại có vào cuộc lột xác trong nhiều con mắt dửng dưng vô cảm của đời sống tiêu thụ, thì chính những giá trị nghệ thuật từng được nó cưu mang, có thể là một câu trả lời, có thể như một lời mách nước, hay một cái duyên đòi hỏi người nghệ sĩ của thực tại tự tìm thấy, vượt lên và đi xa.
Khánh Phương
Số lần đọc: 3493
Ngày đăng: 23.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiến trúc sư,họ là ai ? - Nguyễn Trọng Huân
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam - Tạ Hòang Vân
Giải thưởng Pritzker - Khuyết danh
Ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc - Khuyết danh
Pháo đài Masada cổ đại - Khuyết danh
Diệt vong huyền thoại Maya - Khuyết danh
Cittàslow - những thị trấn chậm - Khuyết danh
Thừa Thiên - Huế: Thêm 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia - Khuyết danh
Người xây tháp Chàm ở thế kỷ XXI - Khuyết danh
Chùa Xvayton - An Giang - Khuyết danh