Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
490
116.598.606
 
Cơm bình dân
Nguyễn Văn Ninh

Tôi tên là Hồng, sinh ra ở vùng quê lúa. Mẹ tôi bị câm, không chồng. Không biết tôi sinh ra do sự khao khát hạnh phúc của bà hay một gã đi săn tìm khoái cảm mới bằng cách chiếm đoạt, hoặc là một cơn nhục dục của cả hai người? Tôi có ở đời là kết quả của tình yêu hay tội lỗi? Tất cả chỉ có mẹ tôi biết, mà bà bị câm, cho nên tôi chịu.

 

         Từ nhỏ, tôi sống trong dè bỉu, diễu cợt, chọc ngoáy của thiên hạ. Chỉ biết lấy nước mắt an ủi. Mà người xung quanh cũng tệ. Họ cứ thích đàm tiếu bên cái sự thiệt thòi của người khác. Lớn lên, tôi thay đổi hẳn cách suy nghĩ: càng hiền lành, càng cam chịulà ngu. Muốn sống phải trổ sừng mọc gạc, tức là phải đanh đá để cho thiên hạ biết.

 

       Thói quen chửi lại, tạo nên tính cách đanh đá, ngoa ngoắt. Tính cách đưa đến số phận. Con gái trong làng mười sáu, mười bảy là có nơi có chốn. Còn tôi cứ trơ ra, thật chán đời!

 

         Ở cùng làng, có môt bà đi buôn chuyến trên Hà Nội. Bà nói: có một quán cơm bình dân cần người. Nếu tôi đồng ý thì lên làm cho người ta. Ăn tại đó, ngủ tại đó và cuối tháng lĩnh lương. Lương...lương ư! Cái từ vừa lạ, vừa thích. Lên Hà Nội ư? Còn gì bằng. Thật là mừng! Ra được khỏi luỹ tre làng là sướng rồi!         

*

          Đêm tôi nằm cùng chị Sửu, người giúp việc từ lâu rồi ở quán này. Hai chị em nằm ngay cái gian bán hàng, dồn mấy cái bàn trải chiếu lên để ngủ. Mùi thức ăn còn ế, sực lên mũi. Mấy hôm đầu chưa quen, nôn nao khó chịu. Lũ chuột rúc rích suốt đêm. Chúng vừa đi kiếm ăn, vừa đi kiếm bạn tình. Nghĩ tới đó tôi lại khao khát, khao khát lắm lắm. Thương cho chị Sửu cô đơn, cô đơn đến tuổi này thì cô đơn suốt đời! Cùng một con người như nhau, phải cùng một khao khát như nhau nhưng sự bất hạnh lại khác nhau. Chị Sửu- cái tên gọi đau cả mồm- ông Báu chồng cô Chung vẫn hay nói thế. Chị nói:

- Em vào đây làm, quần áo mặc cẩn thận, nhớ kéo khoá, cài cúc cho tươm tất, kẻo lại phật lòng bà chủ.

 

       Tôi vâng. Tiếng "vâng" lẫn trong cái ngáp nghe như âm gió.

 

       Chị vẫn nói tiếp, dường như chị không có ai để trò chuyện, nên có tôi chị nói hơi nhiều hay cái tuổi già không có chồng khó ngủ mà vậy.

- Con Thành, em biết không?

- Có- tôi đáp- cô Chung vẫn kể: "Nó làm ở đâyvà vừa mới về quê lấy chồng, sợ quá lứa hết thì rồi cũng giống như chị. Chôn vùi tuổi xuân ở đây”.

 

         Tôi nói như cướp lời. Nói xong mới thấy mình quá đáng, sợ chị tự ái, tôi giơ tay bịt mồm lặng im xem chị thế nào? Không, chị không tự ái. Chị chỉ thở dài rồi thôi. Có lẽ con người hiền lành quá, thật thà quá, cho nên làm mướn suốt đời. Xua tan bầu không khí im lặng, cắt tiếng thở dài của chị, tôi tiếp:

- Con gái nhà quê mà đã bước chân ra thành thị kiếm ăn thì về quê lại càng không có cơ hội. Trai nhà quê quan niệm gái ra thành phố là thế này, thế nọ, thế kia, xem như mất.

Chị cười, cái cười như diễu cợt tôi còn khờ quá. Quê quá. Quê một cục, khiến cho tôi bực. Ý nghĩ trong tôi như dè bỉu lại chị. Chị cũng nhà quê có khác gì. Tôi còn có hy vọng vào tương lai. Chứ chị gần bằng tuổi mẹ tôi mà chưa biết mùi đàn ông, lại còn điệu vặt. Tôi ngồi bật dậy:

- Cười?...Chị cười cái gì?- Tôi đanh đá hỏi.

- Khờ quá, em khờ quá. Em gái của chị ạ

Chị vẫn điềm đạm khiến cho tôi phải lặng im.

- Con Thành bị đuổi, là do nó cẩu thả trong ăn mặc, cúc trên cài xuống khuyết dưới để khe hở cho ông chủ liếc thấy, cứ dán mắt mãi vào. À...mà nó đang tuổi dậy thì, quần áo chẳng có. Vài bộ mang từ nhà quê đã cũ, sứt hết đường chỉ. Ông chủ thì thích, bà chủ thì ghét, rồi ghen, rồi đuổi nó. Ở đây đuổi biết bao nhiêu là đứa rồi? Vì ghen, vì vụng về...Cũng có đứa làm tốt nhà chủ cứ giữ rịt lương lại, thành thử muốn về nó cũng phải sinh ra chầy bửa.

Tôi cắt ngang lời chị:

- Hạng của em chắc là ông chủ không thèm nhìn đến

- Không ạ! Em liệu mà phòng thân.

- Em nghe nói có lần ông Báu cắt tóc đi tu.

- Tu gì? Tu hú! Ông ta doạ như thế cho có đạo đức, cho mụ vợ bớt ghen. Chứ mã ấy thì tu gì?

*

         Hàng ngày,buổi trưa là bận nhất, công việc cứ úi hụi lên. Cô chủ tôi có duyên lạ. Duyên bán hàng. Khách đến đông, gọi chồng gọi chéo. Nơi gọi thêm cơm, nơi gọi nươc mắn, thịt, rau, xì dầu, ớt...linh tinh khiến tôi mụ hết cả đầu. Khách giục, cô chủ gọi giọng lanh lảnh: "Con Hồng đâu rồi?”

 

        Công viêccứ kéo dài đến hai giờ chiều mới được ăn cơm. Ông Báu sai tôi rót cốc bia. Ông chê tôi không biết rót. "Bia là phải có bọt". Mày rót trông như nước đái!”. Rồi ông cầm cốc bia xoay xoay, nhay nháy con mắt cười khó hiểu? Tôi vừa bưng bát cơm. Ông hỏi: "Hồng, em đã biết đứng bếp chưa?”. Tôi đáp: "cháu chưa”. Cô Chung lườm lườm rồi nói: "Anh lạ, nó mới tí tuổi đầu thì xưng bằng chú chứ lị”. Ông chủ không đáp lời, cười hi hí.

 

      Cơm xong, tôi mang bát đĩa đi rửa. Ông chủ vẫn ngồi bên vại bia và mấy cái móng giò. Uống ít, không ăn, cứ nhìn tôi khó hiểu. Có tiếng kẹt ở phòng cô Chung. Ông quát tôi:

- Mày rửa cho cẩn thận, vỡ một cái là tao mất năm ngàn đấy.

- Không thấy có người ra, ông cười cười nhìn tôi. Lại có tiếng kẹt ở phòng cô Chung. Ông lại quát:

- Năm ngàn một cái đấy, mày rửa khéo vỡ.

 

         Bực thật. Kiểu cách quát người của ông làm cho tôi bực thật. Năm ngàn một cái là cái gì. Giá mà ở nhà tôi cũng không thua, nhưng ở đây, tôi lép vế nên đành ngậm miệng. Thoáng trong lúc buồn bực tôi lại nhớ đến bà tôi. Người đàn bà quanh năm suốt đời mò cua, bắt ốc. Trước lúc ra đi có cầm tay tôi mà dặn rằng: "Không có tiền vừa hèn, vừa kém. Cháu nhớ lấy mà cố gắng làm giàu. Làm giàu lương thiện cháu nhé. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời đâu cháu ơi”. Rồi bà chết! Đám ma rất là buồn. Lại vào một buổi chiều đông mưa phùn ảm đạm lại càng buồn hơn nữa! Buồn đến nẫu ruột đứt lòng!

*

         Ban đêm đi ngủ, tôi không thích mặc coóc-xê. Đêm qua cởi ra, tôi giặt tất. Thành thử tôi phải mượn của chị Sửu. Vội vàng tôi lấy nhầm phải đồ của cô Chung thải ra. Nó rộng quákhiến hai vú cứ lủng lẳng như hai quả mướp. Cái áo vải ép trắng mặc lâu đã vàng. Coóc-xê đen bên trong lồ lộ. Ông chủ nhìn rồi cười tủm. Việc bận quá tôi không thể buông tay để thay cái khác.

 

          Mấy đứa nhóc con cô Chung đi học hết. Suốt ngày chỉ có ba người đàn bà chạy trước mặt một người đàn ông. Chị Sửu gầy quắt queo, mái tóc quăn tự nhiên, nụ cười méo xệch. Khói than tổ ong hun làm da chị đen như chấy, nhìn mất hứng. Cô Chung thì càng ngày càng lớn ngang. Mặc dù cô rất chịu dậy sớm đi bộ, nhảy dây, xăm mi mắt, tỉa lông mày, sơn móng tay chân. Vẫn không giữ được cái nhìn của ông chủ. Bóng bà vẫn không che rợp được tôi. Mắt ông đổ rồn về tôi, ừng ực. Ba người đàn bà cũng ba mùi khác nhau. Cô Chung mùi xà bông, nước hoa ngan ngát. Chị Sửu toàn mùi hành hoa, rau thơm. Còn tôi mùi nước rửa bát lẫn mùi xà bông lux.

 

          Hôm nay cô chủ đi giả nợ cho một cái đền xa nhà. Chị Sửu đi chùa Hà. Quán đóng cửa. Buồn quá, tôi xin đi Hồ Gươm. Ông nói: "Hồ Gươm cũng như cái ao quê đi làm gì”. Muốn đi chơi loanh quanh vài phố lại sợ lạc, đành thôi. Tôi lên nhà mở tivi xem. Ông chủ xăng xái:

- Xem tivi à?Trời! Thôi bỏ, toàn những chương trình nhạt toẹt-Ông úp hai lòng bàn tay xoa xoa vào nhau, cười-để chú mở video cho cháu xem.

          Và ông mở video thật, rồi đi pha cà phê. Ông hỏi tôi uống gì. Tôi bảo không. Ông hỏi tôi và gạ tôi đến bốn năm lần. Tôi vẫn không. Pha xong, ông ngồi cạnh chỗ tôi để uống, mặc dù bàn ghế còn rộng thêng thang. Ông nhấp nháp và nói:

- Hồng à! Cháu có cái tên thật đẹp, mà người cũng rất đẹp, thích thật.

Tôi đáp:

- Thích gì! Hồng nhan bạc phận chứ thích gì!

- Cháu khờ lắm cháu ạ. Bây giờ là hồng nhan là...”bạc triệu”cháu ơi. Hô hô hô....

 

          Ông cười rồi đặt tay lên đùi tôi xoa nắn rồi vuốt nhẹ.Trong tôi như có một dòng điện chạy xuyên suốt, tê dại. Cảm giác bất lực buông xuôi lan toả, đầu tôi quay cuồng...Không lẽ mình lại buông xuôi cho lão ta ? Lẽ nào tôi lại lặp lại kiếp đàn bà giống như mẹ tôi lần nữa ? Không được ! Tôi vùng dậy và quát vào mặt lão:

- Không được, vợ ông đấy, ông chưa chán à?

Hàng ria rung rung, cặp mắt có vẻ tử tế, nuối tiếc cầu xin. Ông nói:

Vợ...vợ anh? À vợ anh, vợ anh cũng như cơm bình dân ấy mà. Anh thích em bởi em là cơm tám, cơm làng tôi, cơm hoa sen...cơm nhà hàng. Ô hô hô.

Tôi vội vàng chạy ra ngoài đường, sang quán nước chè, tôi nhặt hộ rau cùng với bà cụ.

*

Tôi vẫn bình thản ở lại làm việc, bởi chưa có gì xảy ra. Mà cũng không có ai quá ngu đem tâu chuyện với cô chủ. Lại nữa, làm ở đây gấp mấy lần ở quê làm ruộng, nên tôi vẫn ở.

 

Thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi lại thấy ông Báu. Ông vừa đe nẹt dỗ dành lại vừa nịnh nọt tôi, hôn hít sờ soạng lên những chỗ kín đáo. Mùi mồ hôi, mùi nước bọt nồng nồng. Người tôi không mảnh vải, chân tay ngoi ngóp bất lực. Cuối mỗi giấc mơ là cô Chung xuất hiện giữ tợn, cầm gậy phang tới tấp vào đầu, vào mặt, vào người tôi. Miệng đay nghiến chửi rủa thậm tệ ...

 

Tối nay, tôi đang cúi vặn máy nước để rửa bát. Ông Báu từ trong hàng đi ra, tay véo vào mông tôi thô tục không biết lần thứ bao nhiêu rồi. Tôi vứt bát đũa ra đó, chạy vào trong quán. Ông Báu cũng bước luôn vào tay cầm khăn măt ướt lau lau. Tôi sẵng giọng:

- Làm ở đây không chỉ đỏ mồ hôi nước mắt mà còn sây xước cả người.

Chị sửu quay lại hỏi tôi:

- Có chuyện gì vậy em?

Ông chủ quát:

- Con Hồng, mày im cái môm đi. Mày không nói cũng không ai bảo mày câm cả.

Tôi đáp:

- Không nói người ta lại cho là ngu.

Cô Chung lườm, tôi im lặng. Tất cả im lặng.

*

          Đêm hôm đó, tôi nghe rì rầm ở phòng cô Chung. Sáng hôm sau, cô thanh toán tiền công cho tôi về quê. Chị Sửu tiễn tôi một đoạn. Khi chuẩn bị chia tay chị nói:

- Em có muốn đi làm ở một nhà khác không?

 

         Tôi nhìn chị giây lát rồi gật đầu. Chị dẫn tôi vòng vèo qua một vài phố nữa rồi vào trong một gia đình. Gia đình này đang cần người giúp việc.
Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2550
Ngày đăng: 01.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về hưu - Huỳnh Mẫn Chi
Trăng treo trên toa tàu - Tiến Đạt
Người đi về phía rừng - Thu Trân
Ân ma - Tâm Đào
Bước ra từ cuộc đấu giá - Bích Ngân
Hồng Hạnh - Hư Thân
Mùa sẽ còn dài - Mường Mán
Cỏ Xanh - Nguyễn Ngọc Tư
Người đàn bà xấu số - Nguyễn Văn Ninh
Lá vỡ - Trần Huyền Trang