Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
764
116.621.848
 
Chuyện đời như kịch
Nguyễn Văn Ninh

        

         Vượt ra ngoài đê là đến phố Bãi. Người phố này đa phần là lao động nghèo, những người tỉnh lẻ về kiếm sống có thu nhập thấp, đều ra ngoài này thuê nhà. Mỗi người một nghề. Nhà ông Hoát có bốn người đến thuê thì bốn người bốn quê. Ông chủ cũng là người nhà quê nhưng bây giờ là loại nửa quê nửa tỉnh. Năm người năm quê. Người ở lâu nhất trong cái nhà trọ này là Hanh. Anh nấu bếp cho một nhà hàng. Tính tình chân thật nghĩ gì nói nấy,   nói nhiều, hơi lẩm cẩm, nhưng đó lại là một con người đáng quý biết động viên người khác. Người thứ hai là Huynh, một người từng trải, lịch lãm. Biết sống và biết chơi. Hùng là sinh viên ăn bì bõm suốt cả ngày, ngủ nhiều hơn học, kiến thức cơ bản trong giáo trình mới chỉ “hình như”  thôi. Cuối cùng là một tay viết văn.

 

           Tay này tốt nghiệp khoa Văn có cuộc sống hơi kín đáo. Lý ra hắn vẫn phải nghe lời cha hắn về quê làm cho một đài truyền thanh huyện thì hắn lại gân cổ ở lại thành phố, vì thành phố là nơi hội tụ văn hoá nghệ thuật. Hắn muốn ở lại chăm chút cho cái nghiệp văn chương của mình. Nghiệp văn hay nghiệp chướng? Hắn bị “ông già” cắt viện trợ.

 

           Trước kia, hắn ao ước viết những trang văn tươi đẹp ca ngợi cuộc sống, ca ngợi những đôi trai thanh, gái lịch dìu nhau đi dạo, mắt trong mắt, tay trong tay âu yếm.

 

           Giờ đây phải cận cảnh với cuộc sống và con người, và ngay với chính cuộc đời hắn. Tự sống, tự trau dồi và viết. Hắn thấy cuộc sống khắc nghiệt hơn nhiều.

 

     Phố người ít học, nhà thấp, quán cũng tuềnh toàng. Trước mặt nhà ông Hoát là một quán bún, giá cả bình dân, ăn thì rất chán. Ngày đầu mới mở cũng đông khách, nhưng ngày càng thưa dần do lượng và chất đã cân lại.

 

      Giữa buổi, quán bán bún thảnh thơi. Vài mụ có chồng ngồi lẫn với các cô gái chưa yêu. Tuổi chừng nửa cái năm mươi. Tha hồ tán gẫu. Chị Phượng “bàn tay vàng” bảo với Thà:

- Mày không lấy chồng đi. Ở thế mãi, buồn!

- Chị mối cho em. 

- Thích lấy Tây thì cứ đưa cho chị một cái dây!

- Đắt thế em lấy ta thôi.

- Vậy thì nhà ông Hoát đấy - chị chỉ sang nhà đối diện - toàn đực rựa không à. Trông thằng nào cũng “máu”. 

Cô Lương có hàm răng già trước tuổi thêm vào:

- Lấy bọn ấy? Mạt! Quê!

Mụ Thục bán bún tiếp:

- Đúng! Lời là phải lấy chồng giám đốc cho thoả cái đời làm con gái, Thà ạ!

- Mấy ai mà lấy được chồng giám đốc hả “mẹ”?

 

Chị Phượng nói. Thà xấu hổ đứng dậy ra về. Bà Thục nói với chị Phượng “bàn tay vàng” .

- Mấy tay ở trọ nhà ông Hoát tuy nhà quê đấy nhưng không phải tay vừa. Tao thấy ông Hoát ca thán liên tục.

- Mẹ phải lòng ông ấy à mẹ ơi? - chị Phương nói - mà cái lão Hoát thật là ghê ghớm. Cứ như mẹ chồng.

 

Ông ta đàn bà còn thua. Giọng nói sang sảng đến chối tai, lão ta ấy à? Thật là một con người kinh tởm. Mua bó rau thêm củ hành, hôm qua rồi mua hai lạng vải nhét trộm vào miệng ba que còn tí chết. Không buôn bán mà trữ cân trong nhà. Đi chợ mua gì cũng qua hàng thịt quay để cân, mang về lại còn cân lại. Đứa nào bán cho lão ta một lần, lần sau thấy phải chạy mất dép.

- Gớm chị giỏi nhỉ, mụ bán bún nói.

- Có giỏi mới được gọi là Phượng “bàn tay vàng” chứ mẹ - chị cười hô hô.

 

Ông Hoát cũng là một con người quá đáng, có tiền cho vay nợ lãi. Những cái giẻ rách không vứt đi nhét đầy trong vài ngăn tủ. Trong nhà đầy vỏ chai la-vie, bia tàu, lon nước giải khát, hộp xà phòng nhựa lổn nhổn như bãi tập kết chỉ tổ làm mỏi mồm mấy cô vệ sinh phòng dịch. Ông là đàn ông nhưng tâm tính lại hệt như đàn bà. Ai thảo miệng tác động vào cái tính tẩn mẩn, vặt vụn lão vạnh cái môi dưới oang oang : Phải chắt chiu chứ - nhưng chỉ chắt chiu của ông ta thôi, chứ của người ta bòn đãi đến từng gấu váy.  Nào là chạy sang bà bán bún xin ít nước dùng, chạy lại hàng phở xin ít hành hoa thái. Thế còn được, đằng này lại còn bòn đãi cả của thằng viết văn nghèo kiết xác. Năm thì mười hoạ không mua cho lão nải chuối, quả đu đủ. Thì cũng nghe tiếng bấc tiếng chì, tiếng khoan tiếng nhặt, chợt gần chợt xa. Lại nữa, là cái tính tham ăn. Sáng mai lão cứ ngủ cho đến 8-9 giờ để trốn bữa ăn sáng. Vãn chợ lão mới cắp rá đi mua. Hôm thì mớ thịt vụn, hôm thì mớ xương ế đem về băm băm, chặt chặt. Lúc ăn thì húp xì xoạp bụng ễnh ra như lợn xề. Nói về lão ta chỉ thấy xấu. Đã đành là vậy. Hôm nào lão ta đi mua một bát phở, lão phải quay bát ba vòng, ngắm kỹ, sau đó đòi thêm rau, thêm hành, thêm nước, thêm bột ngọt. Một trăm vị khách như lão ta chỉ đem mà dẹp tiệm. Xấu người, xấu nết, tính bon chen.

 

Người ở chợ dù có tử tế, đến tháng chậm tiền thì hơi phiền. Lão, mặt sưng mày sỉa, đá thúng đụng nia, chửi mèo quẹo chó, đứng đụng nồi ngồi đụng giường. Trọng viết văn suốt ngày đóng đinh trên gác xép. Tiền nhuận bút không đủ húp cháo. Suốt ngày viết viết, lách lách, xoá xoá, ghi ghi. Nó ngu chứ viết văn mà làm gì? Kiếm tiền hơn. Tiền- thước đo của lòng người.

 

Anh Hanh rủ Chiến và Hà Lầm đi uống bia. Thằng Chiến con bà bán cháo quẩy cùng phố. Trông nó ngồ ngộ, vô tư như thằng ở rừng về. Chuyện ở quanh phố thì kể vanh vách: Chị Phượng hay đi vào các chợ siêu thị để móc túi nên gọi là Phượng “bàn tay vàng”, con Hồng và Thơm đi “bán hoa” nên gọi là “Hồng nhan bạc triệu” và Thơm “bướm vàng”. Ông Huy mười tối đi công việc cả mười đến hai ba giờ sáng mới lóc cóc đạp xe đạp về gọi là Huy “nhà quay phim”... Nó dừng lại tợp một ngụm bia suy nghĩ một điều gì đó. Rồi hỏi : “À, anh Trọng ơi. Tại sao anh lại lấy bút danh là Hà Lầm?”. Như khơi đúng nguồn, Hà Lầm được thể hát hay trong quãng vắng: “Hà là Hà thành, Lầm là lầm than, hay nói ngắn ngọn là Hà thành lầm than”. Thế ư, anh nói cái gì cũng có lý... Vâng, nhất là hôm bố em chửi em lớn rồi không đi kiếm việc mà làm. Em bực lắm! Bố không hiểu cho em. Em cũng có muốn ở nhà đâu? Hôm ấy anh động viên em sinh ra ở đời có ai chọn được bố được mẹ...? Em đừng cãi lại bố, cứ bình tĩnh suy nghĩ kiếm việc lương thiện mà làm. Lúc đó em nghĩ không có ai hiểu được bằng anh - Hà Lầm hỏi - Nhà em có đứa em gái phải không? – Dạ phải. Nó bỏ nhà, suốt ngày lêu lổng và đánh đề anh ạ. Em thương nó lắm. Hôm được đề thì cứ mua cho nhà cái nọ, cái kia. Hôm thua nó lại nhịn đói, mua ít quả mận quả mơ theo tàu theo xe để bán- nó tên gì?- Dạ nó tên Thương.

 

Tan cuộc về nhà ông Hoát dằn mạnh con dao xuống thớt- thoáng ở đếch đây ấy, ở cái nhà này được gì?- Thằng Hùng đang pha nước. Lúc ấy có cả ông Phú người ở phố trong ra phố bãi chơi. Ông hay mang quà, vài chiếc kẹo lẻ nhón được ở đâu đó, gói bánh quy vừng ra công, bánh to như cái cúc áo, vài quả dưa cuối gánh. Xem chừng cũng vênh lắm. Vênh vang hơn nửa là ông cũng có cửa hàng ở trong phố có đứa con gái làm me tây, hỉ hả vì sự tươi đẹp. Nhưng ở trong phố không có ai thích nghe, nói đúng là không có ai, chỉ là khen đểu. Nhưng không cắt nghĩa được giọng người, vì thế ông phải ra phố bãi để nói chuyện. Để khoe.

 

Thằng Chiến nhanh nhẩu: “Cháu chào ông, ông đến chơi”. Ông Phú rút chiếc khăn mùi xoa, quệt qua mũi tỏ rõ sự sang trọng, nói- “Ừ, chào cháu, ông mua dưa đây- bắt đầu bài ca muôn thủa- eo ôi, khiếp! Dưa dạo này đắt quá cơ, giả mãi nó mới bán cho mình hai nghìn một cân. Mua xong bớt có một trăm mà nó nhất định không cho bớt”. Dừng câu chuyện lại ông rút khăn quẹt ngang mũi, tiếp - Con gái ông mới mở quán bar đông khách lắm cơ. Quán của nó thật là sang trọng, tên quán vừa Việt vừa Tây: Quỳnh- Mixen”- Ông Phú nói như mở đường cho thằng Chiến. Hắn năn nỉ: “Ông ơi, ông về hỏi chị xem có cần người trông xe không?”.

 

Nó ngồi ghếch đùi quần lót ống rộng. Ông Phú nhìn vào của quý của nó một lúc, đáp: “Có, nó có nhận người vào nhưng mà phải là người lịch sự”. Thằng Hùng nói leo vào: “Anh Chiến thì ai nhận, quần nhiễu chứ hơn đâu” Ông Phú quay sang Hà Lầm hỏi: “Này anh nhà văn, anh xem cái các-vi-zít của tôi có đẹp không nào”. Ông dừng lại dò xét tay viết Hà Lầm nói tiếp: Đẹp! Đẹp chứ lị. Cái cửa hàng to mà không có các-vi-zít thì cũng không ra gì? - Hà Lầm nghĩ ngợi một lúc. Hắn nhớ lại, lão này thỉnh thoảng cho nó ấm chè. Cho nên phải giả lại cái ơn đó. Bằng một thứ ngôn từ mát tai kẻ ưa nịnh, hắn khen: “Ồ, thật là đẹp, thật là sang trọng, thật là lịch sự, thật là tuyệt vời”. Ông Phú đắc chí: “Thế mới đúng là bố vợ của thằng Tây chứ. Thằng Hùng thêm vào: “Ông ơi, cháu nghe thằng Tây nó gọi bố bằng “bô” có phải không ông? “Đúng!”. Ông cười nhe mấy cái răng vàng như răng chó nướng, câu chuyện vẫn lan man.

 

Con gái là phải lẳng, xí xớn, đong đưa, mồi chài một tí may ra mới kiếm được tấm chồng. Nghe theo lời khuyên, Thà may một loạt quần áo ngắn, áo hở nách, hở bụng. Trông cũng gợi nhưng không bằng cave. Cứ tầm chiều lại ra quán nước ngồi, đôi chân gác dài theo ghế. Thỉnh thoảng lại đong đưa hòng câu mấy anh ở trọ. Bài bản thế mà chẳng bén duyên, cứ như nước chảy đôi dòng. Hùng hát: “Đường vào tim em băng giá”. Tay viết Hà Lầm càng không có cháo mà húp, nợ tiền nhà, tiền cơm bụi, tiền thuốc nước. Vậy mà lý tưởng, nhiệt huyết vẫn đầy ắp. Vốn sống ngày càng được bồi bổ thêm, hơi thở ở đời phả vào không ít. Cái sự viết cũng cần mẫn lắm mà sao các toà soạn vẫn cứ dửng dưng. Chán đời! Hắn sinh ra bia rượu, chân nam đá chân xiêu. Miệng vung ra những câu nghe uể oải, chán sống. Văn chương của hắn viết ra như thế nào?

 

Một hôm ông Hoát đi từ sáng đến chiều tàn mới về. Khi về ông giữ một bộ mặt thản nhiên. Như thường lệ, ông quét nhà, ông tắm rửa. Xong xuôi, ông mở tủ lấy quần áo. Lúc này ông ta mới la lên rằng ông mất trộm. Quần áo đảo lộn lung tung. Tình ngay lý gian, còn ai vào đây nữa? Lão ta rên rẩm với một giọng cay đắng.

 

- Ôi chao, quân lừa đảo! Ôi chao, quân mất dạy! Thế mà cũng đòi…

- Đến lúc này xem như đã định đoạt. Thân phận Hà Lầm phải rời khỏi phố Bãi. Lòng tự ái của hắn có cả tảng, dày dày thêm lên khi nghe lão Hoát la mất trộm. Hắn vén đồ đi luôn trong đêm.

Chị Phượng “bàn tay vàng” đi kiếm ăn ở nơi xa về gặp. Nghe chuyện xong chị lồng lên như con quỷ cái, miệng chị đay nghiến một hồi “Tổ sư cái bố già hàm hồ, ngậm máu phun người. Liệu chừng khi chết có đất nào chôn được lão ta không? Chỉ có trôi sông, chỉ có cống rãnh, chỉ có beo có hùm…”. - Nói xong chị móc túi. Trọng từ chối. Chị Phượng gầm gào: “Trời ơi, ông nhận cho tôi nhờ. Tôi biết, tôi tồi tệ, tôi xấu xa. Tôi đáng nguyền rủa. Bởi vì tôi đi ăn cắp. Tôi có ngày cũng bị người ta đánh cho toạc mặt”. Chị dừng lại rồi chân tình hơn. “Cầm lấy đi em, cầm lấy cho chị bỏ nghề”. Trọng nói: “Vâng, em xin! Nhưng chị phải bỏ nghề đi chị nhé”. Chị Phượng gật…

Hắn đi khuất dần vào trong đêm. Sau hàng cây, bóng dáng những cô gái làm tiền đi lại vật vờ. Có tiếng gọi quen thuộc. Tiếng con Thương: “Anh Trọng ơi! Anh trọng… em đã biết hết mọi chuyện rồi. Anh bỏ phố mà đi thật ư?”. Trọng nói: “Anh ra đi, nhưng anh vẫn nhớ đến tụi em, Thương ạ. Trọng ngừng lại nhìn Thương rồi ngạc nhiên: “Còn em! Em đi đâu về mà mặt mày bầm tím thế? Em bị đánh à?”.

 

Thương gục đầu vào vai Trọng. Trọng thân tình: “Về đi, về nhà đi em ạ. Em thử nghĩ xem, trong một trăm người đi trên tầu, trên xe, có người họ đi thăm người thân sau bao năm xa cách, có người họ đi tìm hài cốt đồng đội mình đã ngã xuống ở chiến trường, có người về thăm mẹ già trước lúc lâm chung. Em nghĩ xem khi trên đường họ mất cắp? Em và chị Phượng đều là người tốt cả. Người tốt “phải biến đổi hoàn cảnh chứ đừng để hoàn cảnh biến đổi” (1) em ạ.

Thương khóc nức nở.

(1): Câu nói trong phim “Câu chuyện ở phố Bronx” phim Mỹ

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2399
Ngày đăng: 20.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Linh giác - Tiến Đạt
Đêm xóm chùa - Đoàn Lê
Ma giấu - Tâm Đào
Cam Lồ sa mạc - Hư Thân
Kim - Nguyễn Nguyên An
Chuyến xe chở nặng ân tình - La Thị Ánh Hường
Đêm Cam Vận - Tiến Đạt
Ăn sống - Ngô Ngọc Trang
Quan Âm tóc rối - Hư Thân
Rồng đá - Vũ Ngọc Tiến