Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
732
116.517.053
 
Rối nước
Nguyễn Văn Ninh

Tôi không hợp với cha.

Lớn lên thấy mình không hợp với các anh, các chị.

Thư  anh Mùa gửi. Anh viết: Chú Mỡ. Anh mới đi Hà Nội về. Trên ấy có “cái” kịch múa rối nước. Mấy con rối đẽo bằng gỗ thả vào nước, người đứng phía sau giật dây cũng ra bài ra vở. Hay.

Chú về quê chơi. Anh em mình gặp nhau một bữa. Anh em có gì thì bỏ qua đi. Chú cứ biền biệt mắt tăm.

 

Về đi nhé.

Anh của chú. Mùa!

Tôi nghĩ ngợi.

 

Từ ngày thoát ly, tôi ít về quê. Xa lâu thành quen. Lần này, đến sáu năm mới về lại. Sáu năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Trong đời người được mấy cái sáu năm?

Quê tôi giờ đây đã khác. Nhà tranh vách đất ít đi, nhưng thế vào đấy không phải là những cơ ngơi hoàn chỉnh: nhà bằng dang dở, chắp vá; nhà xây tạm bợ, hở hang. Điều đó cũng dễ hiểu bởi cách làm của người quê tôi cò con nên mọi biến đổi không phải là sự cất cánh bay lên mà chỉ là chuyền cành bước đoạn... Nhưng thôi, đó là chuyện của xóm làng. Tôi về quê là để thăm anh em trong nhà. Và, nhân tiện tìm kiếm một vài điển hình làm kinh tế giỏi cho  bút ký định viết: “Lối đi ngay dưới chân mình”.

 

Xe ca đổ bến đúng giờ làm buổi chiều, thị trấn hơi vắng. Hai bên đường những nhà cao tầng mọc lên chen chúc với những nhà cấp bốn. Cảnh tượng giàu nghèo mất cân đối. Trước quầy bán đồ điện tử là hàng mía, bã mía chất đống vương vãi, ruồi nhặng bay xanh rợn. Tiệm trang điểm cô dâu bên cạnh quán cháo lòng, tiệm làm đầu cạnh lò mổ lợn. Hiệu chụp ảnh kiêm xay bột gia súc, bán giống, bán tinh lợn. Vài cái ao hoang, rác bẩn lềnh bềnh, mùi thối thốc vào mũi.

Đến cổng nhà anh Mùa, tôi hết sức ngạc nhiên. Dù được biết qua thư và từ người quê ra, nhưng khi tận mắt vẫn là điều mới lạ ! Nhà tầng ốp đá, tường cao cổng kín, cửa sắt có khoá. Qua khe cửa song sắt tôi nhìn vào, cây cảnh bày hai bên lối đi, các chậu cây thiếu kinh nghiệm chăm sóc đang tàn tạ, lá úa vàng, cành lả tả. Chị Đỗ nghe tiếng gọi, mặt hoan hỉ, lạch bạch chạy ra. Mới xem qua cũng biết chị đang mắc bệnh còi xương thừa thịt - một thứ bệnh quái y của những người tự dưng nhàn rỗi. Chiếc váy loà xoà những ly chồng chất lên nhau, giống đồ mua lại của người khác. Chật ních! Chị phải mở rộng cạp. Đường may vụng về của một thợ vườn trong thị trấn. Trông xiêm y, nếu người lạ họ nghĩ chị là con hầu con sen, ai biết được đây là bà chủ. Cái mũi bạnh bẹt co giãn tự nhiên. Trên gương mặt, sự mãn nguyện đẫy đà đã hiện ra... Chẳng biết phép tiên nào đưa người đàn bà chỉ biết đứng bên chuồng lợn, chuồng gà, cạnh đống phân, bên thửa ruộng, suốt ngày túi bụi với rau, cám, chuối bèo - mùi bùn hôi xồng xộc; mà giờ, nước hoa thoang thoảng chủ một biệt thự  sang trọng, trông tây tây. Chị reo lên:

 

- Ôi chú ! Chú Mỡ !...

Tiếng reo to, nhưng vướng mỡ cổ nên tịt ngắc trong họng. Nghe cứ âm âm, lạc lạc...

- Ôi ! Chú Mỡ, quý hoá quá.

- Rõ !

Tôi chặc lưỡi, nay lại thêm cái giọng xa xôi. Giàu có nên lời ăn tiếng nói có vành có mỏ, vật chất thay đổi ý thức chị tôi! Chẳng bù cho mấy năm trước, mỗi khi thấy tôi, anh chị hay dùng từ vác mặt với mò về.

- Từ ngày anh chị làm nhà mới, đến nay chú mới về.

- Em bận lắm, anh chị tha lỗi cho em.

- Không! Lỗi lầm gì, chú về là mừng rồi - Chị dừng lại nhìn tôi giây lát rồi tiếp - Chú trông nhà mới có xịn không ?

- Xịn!

Chị mở mấy vòng xích, tôi bước vào, chị lại tiếp tục quấn lại. Thấy người, gà tan tác, bay nhẩy loạn xạ, kêu quang quác. Phân gà vịt vương vẩy lên các bông hoa chậu kiểng, lông gà dắt lên những tầng cây si, hòn non bộ bị một bát kẹ lúa choán ngự.

 

Quay lưng lại với vườn hoa là một ngôi nhà cấp bốn, mái ngói đen xì, điểm những viên ngói đỏ chót mới thay, trông giống một chiếc áo vá vụng. Tường, rêu chết đen thui, từng tảng hồ rơi lộ những viên gạch non pha mầu vàng ệch loang lổ xuống dưới. Cửa sổ sơn xanh niêm yết một hàng đinh, lâu rồi, nên đinh đã gỉ. Cảnh nhà cho biết hai chủ không ưa gì nhau. Bên này một nhà ngoảnh mặt ra đường bên kia nhà con, nếp cũ, xây xung quanh, trong dựng gỗ. Thấy tôi nhìn lâu lâu chị, Đỗ châm chọc:

 

 -Nhìn làm gì cái nhà ông ấy. Ngu bỏ mẹ ! Hồi tôi mang quà sang biếu xin cho con Thơm lên ít điểm để được tiên tiến. Thế mà vợ chồng lão ta cứ khăng khăng từ chối, “dân không thức thời”. Làm cho anh Mùa tuột mất số tiền thưởng cho gia đình có con học khá. Nhà này mất tờ giấy gia đình Văn hoá. Tôi định sửa lại lời chị là tấm Bằng khen cho bạn đọc hiểu nhưng thôi. Tôi biết về đây sẽ được nghe khối chuyện của anh chị kể. Những chuyện “khôn khôn” và “dại dại”. Tôi đặt chân lên kệ, con chó Tây xích ở hè sủa ông ổng. Chị  quát chó. Nghe tiếng chủ, con chó nằm im.

Nhà mát lạnh như kem. Gạch men Trung Quốc lát nền bóng loáng, bộ sa lông đệm da, bàn kính. Hai bên bàn để hai cái bô tiện cho người hút thuốc lào xì sái. Thoáng nhận xét, gia chủ là người tính toán cẩn thận. Ba cái tủ chiếm ba mặt trong phòng. Tủ đứng có gương dài soi toàn thân, tủ tường có gương soi nửa người trên. Trong tủ, những ô ngăn kính được bày biện nào là vỏ kem vinamilk, vỏ nước giải khát yo-mots và những cây cảnh nhựa. Trông tức cười. Chiếc tủ ly không kém phần đình đám, đặt một cây san hô, hai bộ sừng sơn dương và một bộ lông cáo nhồi bông. Xem ra, rừng vàng biển bạc anh có tất. Bốn bức tranh Xuân, Hạ, Thu, Đông chia làm đôi treo hai bên, giữa là một bức tranh ăn của Thái. Bức tranh chụp một con gà khoả thân mất đầu và hai chân. Gà mổ phanh bụng nằm úp trên đĩa rau xanh. Hai con cua và hai con tôm nằm trên hai đĩa. Một loài cứt lộn lên đầu, một loài bò ngang được anh đưa lên làm tranh thờ tiên tổ. Ba cái nóc tủ là ba cái bàn thờ. Mỗi bàn có đến vài bát hương, chân nhang cắm chật. Thấy tôi nhìn lâu, chị thẽ thọt:

 

- Tranh của anh Vụ mua cho đấy. Anh mua hai cái, một treo ở nhà, một cho vợ chồng tôi. Đẹp ! Hợp cảnh phải không chú ?

- Phải !

Chị tiếp: “Hồi làm nhà xong. Anh Mùa tính là mời khách đến khánh thành luôn nhưng anh Vụ nhắn bảo đừng vội. Anh nói có mấy xã trong huyện sắp chia. Chờ chia xong hãy mở. Khiếp quá, vợ chồng tôi phải hoãn lại chờ trong ba tháng mới làm được! Hôm đó khách của anh Mùa, khách của anh Vụ, số tiền mừng nhà mới gần đủ số tiền xây nhà”.

Tôi vươn vai trên ghế, ngáp một cái cho tỉnh táo rồi ra sau rửa mặt. Chị đi theo, vừa làm người phục vụ khăn chậu, vừa giới thiệu đồ đạc tỷ mỷ như hướng dẫn viên trong bảo tàng. Chị giới thiệu từng đồ vật mà chủ của nó đem đến biếu tặng. Theo như lời chị thì thứ nào cũng “xịn”. Tôi ngẫm ngợi, khen:

- Tài thật.

 

Chị dừng lại. Vì lời khen của tôi, gương mặt trở lên bừng sáng. Chị cười tít cả mắt, mọi nét gồ ghề vỡ oà, gương mặt phẳng lì những vòng tròn toả lan như cối hồ đánh loãng. Bất giác tôi nhìn mà tự hỏi: “Chị của tôi đâu?”

 

Khi tôi cúi mặt xuống bể nước thì được nghe câu nói bực bõ của chị. Chị nói găn gắt:

- Chú Mỡ tính coi, anh làm chủ tịch huyện, em làm chủ tịch xã được rồi. Đằng này chú Được cứ mỗi lần lên chơi lại nằn nèo anh Mùa cân nhắc cân nhắc. Cân nhắc lên huyện? Thật khó chịu. Mặt chị lại ra vẻ đăm chiêu đau đớn, bi hài? Như chồng chị mới làm được ở huyện ! Mà các anh em nhà tôi cũng lạ, học hành chẳng ra gì cứ đòi làm “ông nọ bà kia”...

 Nét mặt chị dãn dần ra tươi tỉnh trở lại.

- À, tôi quên mất tôi phải ra chợ mua đồ ăn về nấu một bữa ngon ngon cho hai anh em gặp mặt.

Chị cẩn thận ra đi không quên khoá cổng. Tôi lên giường nằm.

Chị đi chợ về được một lát thì có tiếng xe máy xình xịch ngoài cổng. Chị lanh lảnh gọi tôi trên lầu:

- Chú Mỡ ơi ! Anh về ! Anh đã về

Tôi bật dậy như chiếc lò xo, muốn ra để xem bề ngoài của ông anh sau nhiều năm không gặp. Anh cũng như bao vị xếp khác không lẫn vào đâu được: complet, cà vạt. Bộ comple của anh trông rát buồn cười, tỉnh lẻ. Hai ống gẫy vênh về một phía như biểu tượng của môn chạy điền kinh ở trong các thế vận hội, hoặc là biển hiệu đường của ngành giao thông. Anh cười lộ những chiếc răng nửa trắng nửa vàng suộm vì khói thuốc. Và trong cái cơ thể của anh nó phinh phính tràn trề dư thừa nhiều phần bụng. Anh bước lên cái hè nhà anh mà trông anh ngơ ngác!...

- Chú về lần này rất hợp lý.

Anh bắt tay và nói. Tôi phân vân ?

Chị pha trà và bộc lộ niềm tự hào - chú thấy anh chú có tài không - anh xen luôn vào lời chị - làm việc căng thẳng đau đầu quá. Những thông tư chỉ thị của Trung Ương, của tỉnh đưa về. Anh là chủ tịch phải đứng mũi chịu sào, phải kiện toàn, chỉ đạo rèn rẹt, quán triệt đến nơi đến chốn, kế hoạch cứ phải đạt trên trăm phần trăm... Nói xong mặt anh hân hoan. Vừa như cười, vừa như mãn nguyện hãnh diện. Trông nó cứ rung chuyển từng khu một, hớn hở lan sang cả mặt chị. Cả hai gương mặt ngời ngời hạnh phúc. Rồi anh dừng lại nghiêm trang nét mặt nói điều quan trọng:

- Tôi có ý tưởng này chưa nói với ai. Thực lòng từ lâu đến nay ở mảnh đất này, tôi không phục ai hết cả. Giờ có chú về. Chú là người học nhiều hiểu rộng, chú cũng là người đầu tiên anh thổ lộ.

Như đang đứng trước một cuộc họp cực kỳ quan trọng. Anh e hèm vài cái cho đỡ tắc họng, tay phác vào không khí.

 

- Người ta biết đến nước Pháp vì có tháp Ép phen, Trung Quốc có Vạn Lý trường thành và Mỹ có Nữ Thần tự do. Nên tôi cũng muốn cho họ biết đến quê mình có nhiều sang trọng: nhà một tầng, hai tầng, ba tầng... Mà chú đã biết cha ông ta có câu “Một năm làm nhà 3 năm giả nợ”. Vậy thì tại sao chúng ta không làm nhà nhỉ. Cứ làm nhà, cứ vay Ngân hàng mà làm. Ngân hàng cũng nên mở rộng qui cách cho vay kiểu này. Ai chứ dân ở đây tôi hiểu lắm. Có một cái nhà mới mọc lên họ đến ăn mừng à: một ngày, hai ngày, ba ngày.Hôm nay người quê, mai huyện, kia tỉnh...Thôi thì số tiền đó cũng được hời hời rồi. Cộng với 3 năm nữa dư thừa trả nợ. Chứ cứ để cho họ tự tích góp tự lo liệu? Ôi chao lâu lắm!

Anh vừa dứt lời chị tiếp luôn:

 

- Anh em nhà chú học nhiều, hiểu nhiều. Còn tôi chả được học mấy. Nhưng sống với anh của chú tôi khôn ra và tôi mạo muội nghĩ rằng có “an cư mới lạc nghiệp”, cứ có nhà có cửa ắt giàu sang.

Anh chị nói dài nói nhiều quá, tôi nghe mơ màng, tai nọ bỏ tai kia, nên đành gật - Vâng ! Phải đấy.

Cơm nước xong anh La mệt đi nằm. Tôi xem chương trình thời sự. Chị ngồi bên kể chuyện: “Anh của chú ngủ sớm quen rồi. Chả hôm nào anh xem ti vi. Mua ti vi là để cho thằng Thu với con Thơm xem bông hoa nhỏ”, hoạ hoằn lắm anh ấy mới xem được một đoạn phim. Tối đến là muốn ôm khư khư lấy vợ, chả bù cho chú, thanh niên có khác. À !... Mà chú lấy vợ đi thôi. Lấy vợ quê mình cũng được. Gớm con gái quê mình ối đứa xinh, làm ăn bén ngọt phết. Chú còn nhớ cô Nành không ?- Tôi bâng khuâng ?- Cô Nành ở dưới xóm ấy, dạo này cũng làm ở huyện. Khiếp vàng đó đeo lủng lẳng ở tai ở tay, cổ đeo mấy cái kiềng. Chú ngồi uống nước một mình, để tôi đi rủ cô ấy sang chơi.

 

Chị nói dai, nói nhiều như cái đầu từ vượt. Nói không biết chán. Tôi cũng ậm ừ cho chị đi. À, mà tôi cũng muốn xem gương mặt của cô Nành ra sao. Cô Nành ngày xưa tôi không quên được vác chổi quét gầm giường chị dâu lúc hai giờ, sáng đêm tân hôn. Chị đi được một lát, tôi cũng chả còn hứng thú để xem. Tắt ti vi, tôi thả hồn theo khói thuốc, từng lọn khói quấn quện bay bay. Đầu óc lâng lâng mù tịt, những việc toan tính trước khi về quê tan biến dần...

 

Sáng hôm sau, dậy. Tôi ngồi xem anh Mùa cạo râu. Anh có tật hay cạo tóc ở trán. Cạo lâu ngày làm cho nó hơi hói. Anh đứng trước gương, nghiên ngửa, xoắn xoáy điệu đàng như con cua đương lột; dù gì thì cái vỏ mới kia cũng vẫn là hình hài của con cua. Động tác của anh gợi cho tôi nhớ về một thủa thơ ấu. Năm đó tôi theo anh đi đánh cá ở cánh đồng vào một mùa mưa. Anh úp được con cá gáy đưa tôi cầm bỏ giỏ. Bỏ giỏ rồi anh vẫn sợ mất, một bờ ruộng nhỏ bé anh không thể đập chết con cá được. Anh đưa đầu cá vào miệng cắn nát toét. Mồm máu, mùi tanh tưởi. Ngày đó tôi trộm nghĩ suốt đời anh chỉ là thằng úp nơm úp đó, sống quanh quẩn trong làng. Ngờ đâu con vịt bay lên mà đôi lúc lại lầm tưởng mình là thiên nga. Từ chỗ thoát nạ mù chữ, anh đi học trung cấp, trở về huyện, với cách làm mẫn cán anh được cử đi học tại chức! Giờ thì lãnh đạo huyện?... Sau một hồi chuẩn bị. Anh dẫn tôi đến gặp các vị chức sắc trong huyện.

Việc đầu tiên là tôi phải ăn sáng. Một vị nói - ở đây có thói quen là đưa nhau ra quán. Anh cũng thế. Chúng tôi vào một quán cháo lòng, tiết canh. Giữa tầng hơi nước bốc lên từ những bát cháo nóng, anh giới thiệu các vị trong ban lãnh đạo của huyện để cho tôi làm quen. Hình ảnh các vị mờ mờ nhạt nhạt lại còn lấp láp bởi những hành hoa rau thơm...

 

          Gắng mãi mà không hết, tôi dừng lại ở nửa bát.

Một vị cắn ngang củ hành nhai nhồm nhoàm. Nước bọt bắn ra tứ tung vẩn lên mùi khó chịu. Vị ấy nói: “ Trong bụng của chúng tôi mỗi thằng chứa một đoạn rất giống nhau. Đó là doạn ruột?” - Tất cả trong quán cháo cùng cười rộ.

Bẩy giờ ba mươi đã có mặt đầy đủ. Tám giờ thì vào cuộc họp. Cô Nành lách người đi ra. Tôi hơi phân vân? Vị nào cũng hân hoan mừng rỡ. Ai cũng muốn để lại một cử chỉ, để trong bài viết của tôi có hình ảnh đẹp về họ. Báo cáo tôi ghi tóm lược; dân số, an ninh, quốc phòng, điện đường , trường, trạm... Ba cuộc cách mạng. Cô Nành thông báo đã đặt tiệc ở quán.

Đây là câu chuyện tôi nhớ và ghi lại ngoài quán ăn.

Nâng li chúc tụng. Anh Mùa nói: Kính thưa quí vị. Bữa tiệc hôm nay rất là đặc biệt, đặc biệt lắm, đặc biệt ở đây là có chú Mỡ chú em tôi. Chú Mỡ là nhà văn, nhà báo ở trung ương về. Nào mời quí vị cạn chén thứ nhất. Mọi người dô lên một tiếng và cùng cạn. Anh Mùa nói tiếp: “Cuộc đời như vó câu qua cửa sổ. Tôi nhớ ngày xưa chăn trâu. Chăn trâu khổ lắm. Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi chăn em còn khổ hơn nhiều. Tất cả những người trong quán cùng cười dô lên hệt như phiên bản Gặp nhau cuối tuần.

 

Anh vỗ vào vai tôi, nói tiếp. “Ngày xưa tôi và chú Mỡ đây cùng ra đồng bắt cá, bây giờ thằng em tôi nó là chú em tôi”. Nó giỏi lắm. Nó viết lên tờ giấy thành ra chữ ra câu bài bản cho người ta đọc. Nó thâm canh bằng 29 chữ cái. Còn tôi, tôi viết trên cánh đồng hôm nay, cánh đồng 50 triệu.

Anh vòng tròn tay trên đầu.

 

Một người ngồi bên cạnh rỉ vào tai tôi. Anh Mùa nói năng dân dã mà hay phết. Tôi á. Tôi cũng đi sinh hoạt nhiều nơi rồi nhưng tôi chưa thấy  ở đâu có ai nói dân dã mà hay như anh Mùa quê ta. Rồi người đàn ông ấy như không muốn nói cho riêng mình tôi nghe mà đứng dậy leo lẻo: “Kính thưa quí vị! Hôm nay có chú Mỡ là em của anh Mùa, có anh Mùa là anh chú Mỡ cả hai anh em đều là bậc tri giả, anh minh. Kinh tế trên thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, ở ta cũng vậy. Ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Làm những gì ư. Tiện thể tôi cầm theo báo cáo mà ban nãy chưa kịp đọc trong cuộc họp, tiện thể đây tôi xin trích đọc một vài con số để chứng minh cho điều trên.

 

Anh Mùa khoát tay, tôi không hiểu là anh ra lệnh cho chánh văn phòng ngồi xuống hay là cho những người đang cười kia im đi. Điều đó chỉ có những người làm việc với anh mới hiểu được ý anh giống như một phụ tá hiểu được ý bác sĩ trong ca mổ. Chánh văn phòng chuyền báo cáo cho anh Mùa và ngồi xuống. Anh Mùa đọc: Huyện mình một trăm phần trăm các xã đã có sân đánh ten- nít, ở các thôn là khoảng ba mươi hay hơn gì đó những là... phần trăm sân đánh ten - nít. Cho đến nay đã qui hoạch được ba khu công nghiệp. Khu công nghiêp A là. Khu công nghiệp B có nhiệm vụ chức năng là. Và khu công nghiệp C dành cho ưu tiên, vấn đề này còn phải đưa ra bàn bạc thảo luận nhiều, phải không các đồng chí? Khu công nghiệp A là khu công nghiệp do chính tay tôi phác thảo ra. Nhân đây tôi cũng xin kể hơi dài dòng một chút về khu công nghiệp này. Đó là một lần tôi đi công tác về đến đầu huyện, mót quá tôi xuống cánh đồng. Đi xong tôi lắng tai nghe được tiếng rì rì, đó là tiếng  máy.

 

 Hỏi ra thì biết nơi ấy có xưởng cưa nhà ông Đành. Hỏi chi tiết thì biết. Đây là xưởng mộc đóng quan tài. Tôi cho rằng đây là cách làm ăn rất hay. Là con người sinh ra ai chả không có ngày chết. Ngày đó nhất định phải có áo quan, nghĩa tử là nghĩa tận mà. Như vậy là được quá rồi, mỗi người phải tiêu thụ một cái áo quan. Ngay lập tức tôi cho qui hoạch nơi này thành khu công nghiệp quan tài. Nguyên liệu tại chỗ, nhân lực tại chỗ, tiêu thụ tại chỗ, nếu thừa ta xuất khẩu! Sau đó đi thị sát thực tế lại phát hiện thêm phân xưởng sản xuất tiểu sành nhà ông Đạch. Đây cũng là sản phẩm không thể thiếu được đối với nhu cầu phục vụ con người trong giai đoạn cuối cùng. Lại một ý tưởng nữa nảy sinh trong đầu tôi. Khu công nghiệp B ra đời từ đó. Sản xuất tiêu thụ tại chỗ, nếu thừa ta xuất khẩu! Hiện tại đã qui hoạch xong, tường bao đã dựng, sân đã san phẳng, chỉ chờ các nhà đầu tư nhảy vào thế là thành công.

 

Lời anh Mùa vừa dứt, chánh văn phòng tiếp luôn. Nhân thể có chú Mỡ mới về chơi. Chú Mỡ vừa là khách nhưng cũng là người nhà, cũng từ quê hai vụ lúa mà đi ra. Chú ở trên trung Ương mười tay, mười mắt, quan hệ nhiều, nhìn xa trông rộng hơn. Tôi có một đề nghị này, chú mời đài truyền hình về làm cho huyện mình một cái phim đọc[1] trên ti vi ấy. Huyện mình mà lên ti vi thì quá được rồi. Báo cáo với các anh các chị, báo cáo với chú Mỡ là nhà báo nhà văn. Sắp tới đây, ven các khu công nghiệp là một loạt các viện mọc lên để phục vụ nếp sống và văn minh công nghiệp đấy.

 Viện? Tôi phân vân? Các anh nói khiến tôi hoa mắt chóng mặt.

 

- À tôi quên mất. Chánh văn phòng nói- Tôi mới nhớ ra. Về nếp sống văn minh khu công nghiệp là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Ngoài một bộ phận dân cư ở đó là một loạt các dịch vụ ăn theo. Sẽ là có rất nhiều các viện. Viện tẩm quất mát sa, viện làm đầu gội tóc, viện trang điểm cô dâu, viện ảnh áo cưới thời trang... Rồi các loại dịch vụ khác như cà phê vườn, ca ra ô kê...mọc lên tưng bừng.

Câu chuyện được kéo dài ra rất lâu. Chiều đó xe đưa tôi đi một vòng trong huyện. Nhờ đi xe của chủ tịch nên đến đâu cũng được tiếp đón nồng nàn. Không ngoa như lời chủ tịch nói, xã nào cũng có hoạt động văn hoá thể thao, làng văn hoá mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Quả thật quê tôi có một bước tiến dài, tiến xa và tiến lên. Cánh đồng xanh xanh tầm mắt ngày xưa, đất loại một, nơi đầu nguồn nước thuỷ lợi. Ngày trước tôi còn nhớ, đất này là đất ưu tiên cho các gia đình chính sách. Bây giờ cánh đồng đã đi đâu, ruộng lúa đã đi đâu. Thế vào đấy là một sân ten nít chình ình, trước cửa sân là mấy người đàn bà ngồi lê la, trước mặt là cái mẹt bày mấy gói bỏng ngô, lạc rang và thuốc lá. Kinh doanh một loại mặt hàng cạnh tranh nhau trong tình cảnh không có khách mua. Xa xa là cánh đồng mà ngày xưa sau mỗi mùa gặt, bọn tôi thường ra đồng đuổi nhau chạy chán chân không hết bây giờ thành khu qui hoạch công nghiệp. Có lẽ đây cũng là chiến lược mang tầm vĩ mô của huyện.

 

Cánh đồng 50 triệu nằm ở đâu.

Tôi rất phục anh tôi. Anh Mùa sinh ra là để làm những điều vĩ đại. Lâu nay tôi cứ đề cao sự học hành, là bằng cấp.  Nhưng rồi học hành, bằng cấp cũng mua được, chức danh cũng chẳng khó gì. Thì ra tất cả cũng chỉ là cách làm. Làm như thế nào, làm ra sao và làm cho ai, trong khi làm nhất định có cái sai nhưng lý đúng là đã làm. Như vậy thì phục tài lãnh đạo của anh tôi quá còn gì.

Bữa tối, khác với cách suy nghĩ của tôi là giống y như bữa trưa. Tất cả ra quán. Không! Bữa tối được tổ chức tại nhà ăn của huyện. Tại đây bữa tiệc được bày ra như những báo cáo. Phòng văn hoá huyện cũng tới, ăn và nghe hát y như trên Hà Nội. Tôi vừa ăn vừa cảm thấy xấu hổ, lần lần trong túi áo ngực của mình rút cây bút bi đưa xuống túi quần. Tôi nhớ lại bức thư anh Mùa gửi cho tôi. Trên Hà Nội có cái “món” múa rối nước hay chú nhỉ. Không hiểu anh có thâm ý gì không? Múa rối thì cứ múa rối chứ cần gì đến nước.

Tối khuya mới về đến nhà anh Mùa, người tôi mệt, uể oải bởi bia rượu và những lời chúc tụng. Tôi đi nằm vẫn không bỏ thói quen cầm quyển sách, tờ báo. Tìm khắp nhà không được một quyển sách, không một tờ báo. Tôi thắc mắc. Anh nói nói cười cười: “Mua cái xổ số còn có cơ may trúng thưởng”.


[1] Phim mà chánh văn phòng nói ở đây có thể là phim tài liệu, phóng sự... Ông chánh nói vội nên không rõ lắm đó là phim gì?

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2269
Ngày đăng: 29.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về đâu hoa phượng - Bùi Công Thuấn
Ổ Chuột và ngai vàng - Hồ Tĩnh Tâm
Nhạt nắng sân trường - Trần Lệ Thường
Ám ảnh - Vinh Huỳnh
Cuối tháng - Nguyễn Văn Ninh
Chuyến Xe Giối Già - Nguyễn Thị Thu Hiền
Tiếng gọi của con chim sáo - Bích Ngân
Chú Năm tôi - Nguyễn Hồ
Âm bản chiến tranh - Vũ Ngọc Tiến
Hai đứa bé-Hai Ông Thánh, Người mẹ- Gã đàn ông và… - Hồ Tĩnh Tâm