Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.542.577
 
Giấc mơ giữa trưa
Nguyễn Văn Ninh

Ngoài trời mưa.

 

Ra trường đã hai năm rồi tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Ngoài trời mưa nhiều, mưa vùi dập  ước mơ khát vọng. Nằm ngủ.  Tôi mơ gặp lại người bạn nhỏ bé học cùng lớp năm xưa nay đã có chồng. Bạn đến thăm tôi nhưng chỉ đứng ngập ngừng ngoài cánh cửa rồi lặng lẽ đi. Đi trong mưa.

Tôi mơ mình vừa đọc xong bản tin đăng cậu bé  mới mười một tuổi và viết tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết có tựa là Người mẹ cuối cùng. Trong cuốn tiểu thuyết cậu viết về nhiều người mẹ. Mỗi người chỉ ở với cậu một khoảng thời gian ngắn khi hai người vừa có những tình cảm tốt đẹp về tình mẫu tử thì người mẹ đó lại chia tay. Cậu viết như tự truyện. Người đàn bà nuôi cậu lúc ấy vô tình đọc được cuốn tiểu thuyết khi cậu đang viết. Người ấy đã lấy trang cuối cùng đặt lên làm trang đầu tiên.

 

Mưa chiều đông nhè nhẹ. Đường phố ấn tượng bởi hai cô gái đi xe máy, tóc dài quét cả xuống đường, áo dài ướt nước in nổi làn da. Vạt áo dài vắt ra phía sau xe che luôn biển số. Nhìn họ quen quen. Hình như hai cô ấy là diễn viên thì phải, ngày xưa tôi cũng đã từng quen nhưng thời gian này tôi ít có điều kiện gặp lại. Họ cũng đã đi qua một số đoàn kịch, chạy xô trên nhiều sàn diễn nhưng không đủ sống nên đã năm bảy lần chuyển nhà trọ và tối qua đến xem phòng trọ cạnh phòng tôi. Gặp lại bạn cũ trong tình cảnh này cũng buồn. Tôi định nhấc tấm thân mình, đi thuê phòng trọ nơi khác nhưng không làm sao nhấc nổi.

 

Trong lúc buồn tôi muốn về quê vài ngày cho đỡ chán. Nhưng về quê lại càng buồn và chán hơn. Quê ít việc người đông, cuộc sống đơn điệu nghèo nàn, cảnh quê người quê như tấu lên khúc ve sầu mùa hạ hoặc ùng oàng như tiếng ếch nhái ngày mưa. Chỉ vậy. Tất cả chỉ có vậy và như chẳng có gì để nói. Thôi thì cứ ở lại đây, ngắm bốn bức tường phòng trọ với những cảm xúc không đầu không cuối, những cảm xúc bất chợt đến bất chợt đi, phân mảnh và dị bản. Từ ngày ra trường tôi ít được gặp bạn bè. Thỉnh thoảng có gặp người này người kia họ quở tôi là gầy và già đi. Nhiều người cùng khoá với tôi, ra trường thì béo lên. Nhưng rồi bạn bè lại hỏi tôi là vẫn phát huy cuộc sống như ngày xưa chứ. Tôi định trả lời là thất bại, thất bại thảm hại nhưng rồi lại không muốn trả lời nữa vì nói ra đôi khi lại bị những lời bình phẩm không hay. Cuộc sống trước là hồn nhiên, cuộc sống bây giờ là khó nói. Tôi không nói đến sự to tát trong tham vọng, mà chỉ là nói điều nhỏ nhoi để tìm sự bình yên cho mình. Mà sự bình yên không phải là miếng cơm manh áo. Nếu chỉ là miếng cơm manh áo thì cũng đơn giản, nhưng ngày này qua ngày khác cũng chỉ hai bữa cơm thì thật chán, cũng không phải là tôi cầu thị một cái gì đó cao sang hơn, xa hoa hơn. Ảo tưởng ngọt ngào như cái kẹo, nhiều ảo tưởng là nhiều kẹo rồi một ngày ảo tưởng không đến nữa bi kịch đầy ứ hự, đắng đót.

 

Có lần tôi nhịn đến năm ngày mà vẫn không có cảm giác thèm cơm. Thân hình gầy như xác ve, hút thuốc suốt ngày rát lưỡi, nỗi buồn cuốn theo khói thuốc bay lên trần nhà. Mọi cái xa lạ trở nên quen, mọi thói quen trở nên xa lạ. Có một điều tôi không nói ra, khát vọng âm ỉ trong tôi đó là tìm được sự chân tình. Sự chân tình là xa xỉ, hiếm hoi, của quí, của độc.

Người bạn học phổ thông năm xưa, bây giờ thành đạt nói. “Sống toàn sinh là hơn cả, sống khuyết điểm là bậc thứ, chết là thứ nữa, sống bức bách là sau cùng”. Cuộc sống của tôi bây giờ là cuộc sống sau cùng, tôi đã trải qua cái chết! Chết nghĩa là không biết làm phục hồi cái chưa sống. Bức bách là chưa tìm được chỗ thích nghi. Nếu cứ lập luận kiểu này thì không có cái nào là cái sau cùng, cũng không có cái nào là cái trên hết. Mọi cái đều bình đẳng và đều phải trải qua. Và biết đâu, khi mình tìm được sự thích nghi mình lại chán. Vậy là mọi việc, mọi cái không nên trầm trọng, cũng không thờ ơ không nên vội vàng mà cũng không quá chậm chạp. Cuộc sống như bông hoa đến thì thì nở.

 

Ngoài trời vẫn mưa.

Bức tranh bột mầu tôi mua treo trên tường cách đây vài tháng. Bức tranh vẽ túp lều liêu xiêu dưới chân một quả đồi bên cạnh bờ biển. Vài con thuyền chơi vơi trên sóng. Đã bao nhiêu năm rồi biển vẫn thế và đồi vẫn thế, vẫn tồn tại và dữ dằn. Chỉ có thuyền và túp lều mong manh, những gì do người ta tạo ra đều mong manh. Mong manh với thiên nhiên, mong manh ngay cả với những ý nghĩ của con người. Sau lần treo bức tranh ấy tôi đi  vào Đà Nẵng,  rồi vào Hội An. Những ngày hè nóng nực. Biển ở đây thật thích. Các bãi tắm liên tiếp và gần nhau với những tên gọi khác nhau. Ban đầu tôi cứ cho là sự bày đặt nhiều tên bãi tắm để câu khách. Thực tình tôi đã nhầm. Có lội xuống biển mới biết biển nông sâu. Chỉ một dải bờ ngắn mà sóng mỗi nơi một khác. Lạ thật! Biển như người sinh đôi, gương mặt giống nhau  tính tình lại khác nhau. Cả một tuần tắm biển cũng không hiểu được biển. Phải chăng biển cũng như tình yêu càng tìm hiểu lại càng không hiểu, càng yêu lại càng không biết nhiều về tình yêu. Mọi việc cứ tiến triển từ đơn giản, đên rối rắm, phức tạp lại quay về giản đơn. Khi mọi cung bậc dừng lại một điểm, chuyển động mất, tình yêu cũng hết. Cần phải chuyển động. Tôi thấy mình biết ơn chuyến đi và cảm ơn những người mình đã gặp.

 

Bức tranh treo trên tường chưa được lâu nhưng tôi cứ nghĩ một ngày không nhìn thấy nó thì thế nào. Tôi không biết! Tôi run sợ với những gì đang gắn bó với mình bỗng một ngày lại bỏ mình mà đi. Một nỗi buồn khó tả mang màu xanh mát rượu - màu trót yêu!

Trong phòng, vẫn chỉ là những đồ đạc quen thuộc, chăn xô gối  lệch, báo đọc chất thành tệp bay mùi mốc, sách vở quăng quật khắp nhà. Không nấu ăn nên chẳng có gì để cho chuột đến. Thỉnh thoảng có con chạy nhầm vào phòng nó lại cắn đùa vào chân rồi bỏ đi. Ý nghĩ loé lên trong đầu. Tiểu thuyết Hoá thân của F. Kafka viết về người đàn ông biến thành con rán. Còn tôi mong mình biến thành con chuột. Chỉ có con chuột mới đi được đến nhà nọ nhà kia, rúc đầu vào những chạn bát, nếm thử món ăn nguội còn sót lại. Chuột sẽ viết sách, sách không giao giảng hạnh phúc lứa đôi thiên đường và địa ngục, cần phải sống như thế này đừng như thế kia, đừng sa vào các tệ nạn xã hội, nào là nghiện ngập, nào là cờ bạc, nào là đĩ điếm, luôn thận trọng với những quan hệ, hãy dùng bao cao su, khám bênh thường xuyên và ăn uống đủ chất! Khong vu khống người này, đừng đỏ thừa người kia, hãy tham gia các hoạt động phong trào, hằng tối ngồi xem các trò game show truyền hình, tiện mồm và thích thể hiện tài năng đoán trước, thế đấy, cần phải như thế đấy, phải sống như đám đông từng sống.

 

Tôi nghĩ, chỉ có chuột mới biết được những ước mơ, những hoài bão, những mộng mơ hão huyền, chuyện chăn gối lứa đôi đôi, chuyện đêm khuya tức tưởi, chuyện thèm lạt, chuyện đưa người cửa trước rước người cửa sau, chuyện vắng chồng, chuyện đồng sàng dị mộng, những âm mưu, kỹ xảo năng lực kỹ thuật... Độc giả của chuột là người đọc, người ta sẽ giật mình. Người ta sung sướng khi thấy có cuốn sách viết như điểm huyệt, cuộc sống được phơi bày ra với những gì người ta chưa biết hoặc đã biết nhưng chưa gọi thành tên. Cuộc sống không ngọt ngào, cuốc sống đầy bản năng và cám dỗ. Cuộc sống không có nơi nào thật như khi ở trên giường. Hai người trên giường chỉ có một nửa sự thật, một người cô đơn sự thật tăng lên gấp đôi, những độc thoại nội tâm sự tự thú của những xúc cảm thân thể. Sự thật sẽ giảm đi khi số người tăng lên. Trong đám đông không tìm được sự thật mà may ra chỉ tìm được một chút xẻ chia, an ủi... Độc giả sẽ đọc say mê, hoặc là sẽ vứt ngay cuốn sách khi mới đọc được mấy trang đầu. Cuốn sách không phải là sản phẩm nhòm qua khe cửa mà là sự chứng kiến. Tiếng kêu thất thanh, tiếng kêu hoan hỉ, lời thầm thì tiếng rên la, khát khao ẩn ức. Những cuộc đời cô đơn và thác loạn ngay trong ý nghĩ, vùi dập tấm thân mình bằng bàn tay của mình và nghĩ về những lứa đôi tan  vỡ nguyên nhân lại do chính mình nghĩ ra và phán xét. Chỉ có một mình thì làm sao biết được mình kém ai.

 

Mưa vẫn mưa, mưa mùa hè tầm tã, mưa tàn hoang, mưa bầm dập, mưa xót xa. Mưa lộp cộp vào tấm tôn, rì rào trong cây lá, mưa làm cho đất ướt mềm như cuộc tình ao ước bấy lâu nay. Mưa là ái ân của trời và đất. Tôi gặp lại người em gái năm xưa thi đại học. Em nói trong nước mắt em thi trượt rồi. Em ra thành phố tìm việc. Thành phố đầy cám dỗ một người như em không xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành để thuận lợi hơn trong cuộc đánh đổi. Em cũng không xấu đến mức thảm hại, xấu đến độ ví như em có mua được điện thoại di động nhắn tin cho bạn trai. Nhận được tin của em người ta không vui mà chỉ thêm bực mình. Nếu có nhắn tin lại cũng chỉ là cái lệ phải nhắn đi nhắn lại, hoặc là lịch một lần rồi mãi mãi bái bai. Xấu phải chấp nhận làm việc quần quật may ra em mới tìm được miếng cơm manh áo. Mà thôi! Nói chuyện dung nhan xấu cũng như nói về cái đẹp nói mãi có hết đâu. Em đẹp vừa phải. Em đễ dàng bị lợi dụng, em sa ngã vào vòng tay phố phường, em không thể thay đổi số phận mà bị số phận đổi thay từ một gái quê thành gái partime. Tôi mơ em về bên tôi. Em ngủ lại đây đêm nay. Em ném túi đựng mấy bộ quần áo vào góc phòng rồi nằm xuống chiếu, vẫn nguyên xiêm y như chẳng nói lên điều gì. Em buồn, căn phòng vừa trật chội vừa mênh mông.

 

Đêm dài, đêm mênh mông. Với bao điều trở đi trở lại, cảm xúc phơi bày trong ý nghĩ, cảm xúc giấu đi như người câm mất tiếng nói của mình. Cảm xúc buồn vui, cảm xúc nhân bản, cảm xúc huỷ diệt. Nhục nhã và đớn hèn, âm mưu và thủ đoạn tất cả đều từ cảm xúc mà ra. Em cắt ngang những dòng suy nghĩ của tôi, em nói. Đã mấy năm rồi nhỉ, em khẽ hỏi tôi rồi lắc đầu klhông nhớ được. Năm năm rồi, em học sau anh hai khoá phổ thông. Anh ra trường đã được hai năm. Bảy năm với anh đã khẳng định được điều gì ở thành phố này chưa? Tôi lắc đầu, em kể tiếp. Năm năm qua em trượt dài, trượt nhiều từ trượt đại học đến trượt từ người đàn ông này sang người đàn ông khác, rất nhiều đàn ông. Em khong biết mình đang ngủ hay đang thức, đang mơ hay đang tỉnh.

 

Em cũng chẳng biết được họ đang làm gì em, kiếm tìm một cái gì trong em, thôi thúc em, sáng tạo em, giải toả em. Họ muốn em là một dòng sông lớn chứa đựng bao con suối nhỏ, bao nhiêu kênh rạch mương máng đựng trong lòng mình bao nỗi niềm rồi cuốn sạch ra biển khơi. Không em không phải là dòng sông. Em chỉ đẹp và thơ mộng theo ảo tưởng của em, em của bây giờ là em sinh ra từ mộng ảo nhất thời của chính em. Em không vĩnh hằng như dòng sông. Em là la va bô, là bệ xí như một cái máy chạy hết công xuất, sau mỗi làn nghỉ em tra dầu, quẹt mỡ bôi trơn, dòng đời cứ chảy vào em rồi từ em chảy ngược ra với dòng đời. Chảy đi em ơi! Em nhìn vào đâu để sống? Mụ trông nhà vệ sinh, mắt nhìn vào đít thiên hạ, mỗi lần khách đi xong mụ lấy tiền. Đời mụ còn có cái để mà kiêu, người ta đi xong mụ cầm xô nước dội ào, mùi thối hoăng vào mũi mụ cũng chỉ thế, ra khỏi hố xí mụ hít thở khômg khí trong lành, còn em rửa không xong, cọ không sạch, chùi càng không hết vì nó gắn liền với em, ở trong em và mãi mãi theo em. Chảy đi! Ngày xưa với những ngây thơ và những ước mơ, em cho rằng cuộc đời mình cứ nghĩ ra rồi mình đi tới, bây giờ với em đừng nghĩ gì, đừng nghĩ gì nhiều.

 

Có nghĩ ra cũng chỉ là thế thôi, thực hiện được khó lắm. Anh ạ, em biết anh hơn cả anh biết em. Anh ở trong căn phòng trọ tồi tàn này nhưng tham vọng của anh còn ghê lắm, ảo tưởng của anh về những gì mà anh sẽ thực hiện còn lớn nên anh mới có những mảnh lực riêng để tự đày đoạ mình và sống trọn vẹn cho những  gì mình đang nghĩ. Đến được với đích ngắm cũng chỉ có ít người, số đông gục ngã trên đường đi, còn rất nhiều nữa không thể kể hết được sẽ chết ngay từ những bước đi đầu tiên. Ngay cả khi đến được bờ bên kia rồi người ta cũng chưa hạnh phúc đâu, người ta lại nghĩ có một bờ bên kia, một bờ bên kia nữa và có rất nhiều những bờ bên kia mới là những bến bờ mà người ta cần phải đến. Nhưng thực tình chẳng có bờ bên này, em khẳng định chẳng có bờ bên này nên làm gì có bờ bên kia. Tất cả đều do tưởng tượng mà ra, rồi bơi lội, rồi ngụp lặn, rồi đóng thuyền chèo đò, rồi bắc cầu để đi tới. Đi tới đấy nhưng đi tới đã xong chưa hay chỉ là mở ra những khoảng trống chông chênh xáo trộn, băn khoăn. Thế đấy và thế đấy, tất cả đều bất tận và bất tận đến vô cùng và vô cùng không giới hạn. Một người đần bà cô đơn khao khát có người đàn ông, một người đàn bà như em có nhiều đàn ông lại cũng chỉ khao khát một người đàn ông. Khi nào thì đủ, khi nào thì thiếu là danh giới mong manh. Xoá đi một dòng sông là biển, xoá biển bằng đại dương và xóa đi đại dương lại chính là bằng đất liền...

 

Em cười tươi.

Em nói được những điều như thế là do từng trải, sự từng trải và khổ đau khiến cho lời nói mất đi sự hồn nhiên và ảo tưởng, lời nói mang nặng bi kịch riêng tư. Em từng trải nhiều hơn sự tưởng tượng trong đầu của anh. Em không ngây thơ. Trong những năm qua em trải qua biết bao nhiêu đàn ông, đàn ông đối với en như bàn chải trong khách sạn chỉ một lần và không trở lại. Còn với em, nhiều như vậy nhưng đâu đã đủ. Em cần một người đàn ông của em cơ và thế là em cũng yêu. Người em yêu bẩn thỉu hơn, đê tiện hơn, ghê tởm hơn. Nhưng em yêu và vì em yêu, người đàn ông ấy tàn bạo với em hơn cả khách làng chơi nhưng bởi vì em yêu nên nương theo tình yêu mà chiều chuộng, mà giữ gìn. Người em yêu cũng vô lý hơn cả nhưng vì em vẫn yêu nên sự vô lý lại là có lý. Yêu khiến em khổ đau và từng trải hơn. Đến một ngày người em yêu bỏ em mà đi em cũng không ân hận gì. Được và mất quan trọng gì, cái quan trọng là mình được sống đầy đủ trong cái cảm giác ấy. Hay lắm, đừng bỏ phí. Mình mà sống trong sự điều tiết những cảm giác của bản thân là mình vớ vẩn...

 

Rồi em ngủ. Em vẫn nói lảm nhảm và chép miệng. Tôi không ngờ từ làng quê xa xôi đi ra rồi lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Tôi thầm nghĩ nếu em được học hành tử tế chắc là em sẽ trở thành nhà xã hội học. Em sẽ nói những câu gắn với cuộc sống hơn và ít sách vở hơn những giáo trình. Nhưng nhiều cô gái điếm lại không có cơ hội đi học còn nhiều người đi học lại có nhiều cơ hội thành gái điếm, nhưng giữa có học và biết nhận thức khác xa nhau! Phăng Tin không viết văn nhưng nhiều người viết văn là Phăng Tin, đánh đĩ để đến được với nghệ thuật thì cũng có, và người dùng nghệ thuật để đánh đĩ cũng khá nhiều.

Cơn mưa ào rồi tạnh. Tôi tỉnh dậy trong những suy nghĩ triền miên về giấc mơ. Và đó chỉ là giấc mơ.

 

Bức tranh bột màu treo trên tường chỉ là màu xanh. Màu xanh của biển, màu xanh của trời và màu xanh của đồi núi. Chỉ có màu xanh thôi nhưng gam màu khác nhau. Phải chăng biển có gam màu xanh thẩm, trời xanh trong và đồi núi xanh lá cây. Tất cả đều tồn tại, không qui định nhau mà liên quan đến nhau. Có vậy mới nên tranh chứ. Cuộc đời có em và có anh, có nhiều người nữa. Mỗi người một phận, vừa qui định nhau vừa chẳng thể qui định nhau… Và như giấc mơ tồn tại bên cạnh mỗi con người.

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2601
Ngày đăng: 01.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ trụ câm - Vũ Đình Giang
Cô gái bán bánh mì - Đậu Viết Hương
Cầm chầu HÁT BỘI - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng gọi ngàn - Đoàn Giỏi
Muộn - Trần Thị Bảo Châu
Bữa ăn trên cỏ - Nguyễn Văn Ninh
Kẻ trộm đêm cuối năm - Trương Hoàng Minh
Cái rùng mình của vũ trụ - Bích Ngân
Người chiến sĩ năm xưa - Sỹ Tâm
Biển gọi - Nguyễn Trọng Tấn