Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
842
116.526.040
 
Giá trị nhục cảm (tiếp theo và hết)
Bùi Đức Hào
 
                                                                                                
   « L’érotisme est une poétique corporelle et la poésie une érotique verbale
(Tính nhục cảm là một thi pháp thân thể và thi ca là một nhục cảm pháp ngôn từ) » 
 
 (Octavio Paz)
                                                                                                                                                
                                                                             
 
III. Nhục cảm giữa lòng khoa học và xã hội hiện đại
 
 
Trong một thế kỷ qua, chỉ riêng trong giới hạn thế giới nội tại nơi chính mình, loài người đã may mắn được « mở mắt » với vô số những khám phá mới lạ, trên bình diện tâm lý cũng như thể lý. 
 
Ở đây, ta sẽ không tranh luận, cũng không đi sâu vào những giả thuyết được đưa ra bởi nhà sáng lập phân tâm học hay một số khiếm khuyết, sai lầm của ông, mà khá nhiều tác giả đã đề cập đến trong mấy năm gần đây 76-78. Tất nhiên, riêng về khoản « nợ » của vị bác sĩ thần kinh học thành Vienne lừng danh này đối với các bậc đàn anh, ta vẫn có thể ghi nhận rằng chẳng những Schopenhaueur 75 mà cả La Mettrie (chú thích 66b) từ lâu cũng đã nói tới hiện tượng dồn nén tâm lý (refoulement) và cái siêu ngã (surmoi) 80, là những khái niệm bản lề trong học thuyết Freud. Cũng như không thể bất công mà quên mất Fourier, người đã từng đi trước trong việc cảnh báo về những hậu quả tai hại mang sắc thái bệnh lý – và thậm chí cả tội ác hình sự – phát xuất chỉ từ việc nhục cảm bị trấn áp, vùi dập (CT 71, sđd, tr. 22).
 
Song, phải nhìn nhận Freud đã có những cống hiến rất đáng kể cho nhân loại, đặc biệt trong việc góp phần giải mã nhiều hiện tượng tâm lý phức tạp, mà nhất là những sự kiện ở tuổi ấu thơ 81, cùng những hệ quả quan trọng – có khi trầm trọng – của chúng trên cá tính và hành vi con người. 
 
Quả thế, cái giai đoạn tưởng như trinh nguyên thánh thiện nhất đời người ấy, hóa ra lại là thời kỳ âm ỉ nảy mầm của mọi hình thức dục tính, kể cả những gì khó tưởng tượng nhất :
 
« […] l’enfant apportait des germes d’activité sexuelle avec lui en venant au monde et jouissait déjà d’une satisfaction sexuelle en même temps qu’il était nourri (khi chào đời, đứa trẻ sơ sinh mang với nó những mầm mống hoạt động dục tính và đã bắt đầu hưởng thụ cảm khoái tình dục rồi, cùng lúc với chuyện ăn uống) » (sđd, tr.205).
 
Ở đó, theo Freud, đã ẩn tàng dục thể lưỡng tính, nghĩa là có cùng lúc – trong trạng thái tiềm thể – cả hai dạng đồng tính [homosexuel] và dị tính hétérosexuel] (sđd, tr.13, 63), tức là y hệt ý tưởng pho tượng cổ đại Hermaphrodite say ngủ mà ta đã thấy trên ! Thêm vào đó, còn có hiện tượng con người một lúc nào đó có thể bị đảo tính [inversion], tức thay đổi ham muốn tình dục, chỉ yêu kẻ cùng giới tính dù bản thân vốn không thuộc trường hợp đồng tính luyến ái (sđd, tr.55-75). Mặt khác, cũng ngay từ thuở « nhân chi sơ » ấy – ghê gớm thay ! –, đã hiện diện nơi mọi người đầy đủ mọi yếu tố bẩm sinh sẵn sàng cho những « lệch lạc » tình dục về sau, khi thuận lúc, dưới những hình thái tạm dịch là loạn dâm [perversions] (sđd, tr.22,110), và xin lưu ý rằng Freud luôn cẩn thận yêu cầu phải hiểu các từ ông xử dụng theo nghĩa tâm-y học chứ không phải đạo lý. 
 
Trên cơ sở hàng loạt nghiên cứu bệnh lý, Freud cũng đã xác định mối liên hệ mà ông cho là có tính nhân quả giữa cái libido (tạm dịch là dục năng, vì là một « năng lượng » tuy không đo được) với những bệnh chứng rối loạn tâm lý (névrose) cùng những tác phong ứng xử bạo liệt, tàn ác [cruauté] phát lộ ngay từ nhỏ (sđd, tr.7, 15, 16, 103,145). Wilhelm Reich còn đi xa hơn, nêu giả thuyết rằng « bất hạnh tình dục » là mầm mống của nhiều tai họa cá nhân lẫn tập thể như chủ nghĩa cuồng tín, luồng phẫn hận xã hội, là những thứ – theo ông – đã dẫn tới chủ nghĩa quốc xã (CT 54, sđd, tr.147) …
 
Trên kia, ta đã thấy qua lắm điều thái quá – thậm chí cuồng loạn – trong thần thoại Hy-La. Nhưng, cũng chính những huyền thoại đó, trước tiên, đã gợi hứng một cách phong phú cho phân tâm học : Freud dựa vào đó có lẽ để thai nghén các luận điểm, hay ít ra cũng để chính thức đặt tên cho một số ý niệm trong lý thuyết của mình (ví dụ mặc cảm Œdipe); bạn thân của ông là Karl Abraham, một chuyên gia đồng hành nổi tiếng, nhắc tới nhiều huyền thoại trong các bài viết 82, với những « nhân vật » quen thuộc trong trí tưởng phương Tây như Ouranos (sđd, tr. 13), Prométhée (tr.27), Dionysos (tr.58) v.v… Kế đó, đến lượt mình, phân tâm học đã tác động trở lại trên những huyền thoại bằng cách soi rọi vào đó ánh sáng « giải mộng » của lý thuyết vô thức. Hãy nghe Abraham tóm tắt thật cô đọng :
 
« Huyền thoại là vết tích đời sống tâm thức ấu thơ của một dân tộc, và giấc mơ là huyền thoại của một cá thể (le mythe est le vestige de la vie psychique infantile d’un peuple et le rêve est le mythe de l’individu) » (sđd, tr.66).
 
Thật ra, diễn ngôn phân tâm học không phải « từ trên trời rơi xuống » mà là nối tiếp, kết tinh của nhiều suy nghiệm, tư duy, vốn là đặc trưng sáng chói của truyền thống văn minh phương Tây. Nói tới mối tương quan giữa các huyền thoại với vô thức và nhục cảm chằng hạn, cả Abraham lẫn Freud đều vay mượn khá nhiều những kiến giải của Adalbert Kuhn (1812-1881) trong lãnh vực huyền thoại học so sánh (mythologie comparée) cũng như của Rudolph Kleinpaul (1845-1918) 83 về đặc tính ngôn ngữ. Riêng Abraham (sđd, tr.16) rất tâm đắc với cách nói « công thức » của nhà văn giàu óc nghiên cứu này : « l’homme sexualise l’univers (con người tính dục hóa vũ trụ) ».
 
Câu nói rất khớp với lập luận của Freud khi ông đưa ra định nghĩa mở rộng về dục tính, cho nó một nội dung tình nhiều hơn tính :
 
« Premièrement la sexualité est dégagée de sa mise en relation trop étroite avec les organes génitaux, et elle est posée comme une fonction corporelle plus englobante et visant au plaisir, qui n’entre que secondairement au service de la reproduction ; deuxièmement on met au nombre des motions sexuelles toutes celles qui sont simplement tendres ou amicales, auxquelles notre usage linguistique applique le terme plurivoque d’“amour”
(Thứ nhất, tính dục được tách khỏi lối đặt thành tương quan quá gần gũi với những bộ phận sinh dục, và nó được nêu lên như một chức năng thân thể bao trùm hơn, nhắm đến khoái lạc, chỉ phục vụ một cách rất thứ yếu cho việc sinh sản ; thứ hai, ta quy hết về động thái tình dục tất cả những cái chỉ đơn thuần là tình cảm thắm thiết hoặc thân ái, mà thói quen ngôn ngữ thường tình hay áp dụng cho chúng cái từ đa nghĩa “ thương yêu”) » 84. 
 
Đó cũng là tiền đề cho những định nghĩa chính xác, phức tạp và do đó đầy đủ nhất hiện nay 85 mà ta cần tham khảo để nắm vững vấn đề, thay vì chỉ dựa trên kiến thức chưa chắc đã mấy cập nhật của mình.
 
 
 
Nằm ở giao điểm của nhiều bộ môn khoa học và chi phối phần lớn hoạt động con người, nhục cảm chính là « đầu dây mối nhợ » của tiến trình vận hành – ngày càng bớt đi vẻ bí hiểm – trong cơ thể con người, dưới ánh sáng những nghiên cứu nội tiết học (endocrinologie) và sinh học thần kinh (neurobiologie) : mấy năm gần đây, Lucy Vincent được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông ở Pháp 86, như một chuyên gia quảng bá kiến thức. Quyển Comment devient-on amoureux của bà cùng những cuốn sách Allan Pease xuất bản, mà nhiều người đã trích dẫn 87, đề cập đến vai trò tích cực của những phân tử kỳ diệu – được tiết ra trong quá trình hoạt động nhục thể – đối với sức khỏe cũng như hạnh phúc con người như ocytocine, dopamine và nhất là endorphine : từ hiệu ứng giảm đau, chống stress cùng chứng mất ngủ đến tác dụng hữu ích trên các bệnh tim mạch và quá trình lão hóa cơ thể. Điều thú vị là những gì Lucrèce viết theo trực cảm cách đây 20 thế kỷ (CT 54, sđd, tr.165) về tác dụng của những hoạt chất loại phéromone, như ta gọi ngày nay, đã được khoa học hoàn toàn chứng thực.
 
Tuy vậy, cái cơ sở sinh hóa của dục năng mà khoa học phát hiện một cách ấn tượng thế kia, đến nay vẫn chưa cắt nghĩa hết được mọi chuyện : chẳng hạn Freud đã chỉ ra sức dai dẳng lạ thường của nhục cảm, tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi người ta mất hết các tế bào tính dục do bị thiến hoặc già nua (sđd, tr.178).
 
Đằng khác, không cần đợi đến khi công nghệ tiên tiến ra đời, những công bố của Freud từ đầu thế kỷ XX nhìn chung đã góp phần soi rõ bản chất con người với những nét đặc thù về tình dục – quả lạ lùng dưới mắt dư luận, ngay cả đến hôm nay, nhưng là tự nhiên và phổ quát –, đồng thời cho nó cái cơ may hoặc niềm hy vọng sẽ nhận được sự thông hiểu, thấu cảm và do đó lòng bao dung của xã hội, cái xã hội đã sản sinh lối lên án máy móc từ trước đến giờ, vốn chỉ dẫn tới toàn những hậu quả đáng tiếc, thậm chí thảm kịch cá nhân hoặc gia đình. Dưới một góc độ rộng lớn hơn, những quan sát bao quát và tinh tế về phát triển tuổi thơ 88 của Freud là những dữ liệu quan trọng cho việc theo dõi, xử lý, giáo dục con cái bởi các bậc phụ huynh am hiểu và, trong một chừng mực nào đó, cũng là bản biện hộ để có thể áp dụng trường hợp giảm khinh cho hiện tượng « ác hóa tự nhiên » xảy ra ở một số cá nhân gặp cảnh không may lúc thiếu thời.
 
Tính nhân bản toát ra từ sự nghiệp nghiên cứu của Freud, không phải chỉ dừng ở đó. Cái đẹp nhất, bất ngờ nhất, trong lý thuyết của ông – theo thiển ý – có lẽ là cách lý giải về hiện tượng thăng hoa (sublimation). Quả thế, đối nghịch với « kịch bản » đầy vẻ u minh về tính dục con người trên những trang khác trong toàn bộ tác phẩm của mình, ở đây cha đẻ phân tâm học mượn một thuật ngữ phòng thí nghiệm lý-hóa để chắp cánh cho dục năng đường hoàng thoát xác, nếu không về nơi « những thành tựu xã hội hoặc đạo đức cao cả » 89 thì cũng nhập vào cõi sáng tạo diệu kỳ, đặc biệt trong lãnh vực nghệ thuật (CT 81, sđd, tr.214-215) : ai dám bảo Freud là méo mó bi quan và hạ thấp phẩm giá con người ?
 
Nhà thơ Mễ Octavio Paz (1914-1998), Nobel văn chương 1990 – người được coi 90 là có tầm ảnh hưởng văn học ngang hàng với những Jorge Luis Borges, Gabriel García Márquez, Pablo Neruda –  còn cho thực thể thân xác chuyển hóa cao thêm một mức nữa, hầu như bay theo quỹ đạo thần kỳ của mỹ học, để trở thành … phi vật thể :
 
« Le sexe est la racine, l’érotisme est la tige et l’amour la fleur. Et le fruit ? Les fruits de l’amour sont intangibles. C’est là une de ses énigmes 
(Nhục dục là rễ, tính nhục cảm là nhành và tình yêu là hoa. Thế còn quả ? Quả của tình yêu thì không thể sờ thấy được. Đấy là một trong những bí nhiệm của nó). » 91
 
 
 
 
Trong mỗi cá thể, nhục cảm chiếm lĩnh một vị trí quan trọng và tế nhị như thế, cho nên xã hội nào cũng dành phần can thiệp với mục đích trấn áp. Đó cũng là lý do thúc đẩy triết gia Herbert Marcuse (1898-1979), học trò của Husserl và Heidegger, tìm cách trả lời – qua tác phẩm Eros et Civilisation xuất bản năm 1955 92 – cho câu hỏi có tính học thuật về mối mâu thuẫn đối kháng giữa một bên là đòi hỏi cá nhân về sắc dục và bên kia là sức ép thống trị của cộng đồng. Dựa vào lập luận của Adorno chống quan điểm xét lại của Karen Horney và Erich Fromm về phân tâm học, Marcuse đã duyệt lại một cách phê phán – đồng thời bổ túc và triển khai – cách tiếp cận của Freud. Và ông đi đến kết luận : nhu cầu bản năng lành mạnh của con người là hoàn toàn tương thích với đời sống văn minh, hạnh phúc, bao lâu cá thể không bị câu thúc bởi một xã hội lạm quyền, đội lốt những danh nghĩa giả tạo.
 
Văn minh, đó cũng chính là từ đắt giá mà một chuyên gia người Việt mới đây đã dùng để phát biểu thẳng thắn :
« Ở góc độ xã hội, nếu dục tính vẫn bị xem là điều cấm kỵ thì xã hội ấy chưa văn minh 93 ».
 
Ông ta có lý. Và ta sẽ càng hiểu hơn hoàn cảnh « đặc thù » của xứ ta, khi đọc những dòng dưới đây về câu chuyện dịch… lách tác phẩm Phong nhũ phì đồn (丰乳肥臀) của giải Nobel văn chương 2012 :
 
« Cách đây vài năm, dịch giả “Báu vật của đời” đã giãi bày với báo chí : “Vì cái tựa sách, tôi đã luẩn quẩn mất 3 tháng.  May quá, dịch đến trang cuối thì tìm được cái định nghĩa của Mạc Ngôn : “Báu vật của thiên nhiên là bầu trời, báu vật của đời là vú to mông nở”. Vì sao dịch giả không để nguyên “Vú to mông nở” như đúng cách gọi mà Mạc Ngôn muốn, chắc độc giả cũng tự hiểu. Đã bước vào U90, dịch giả Trần Đình Hiến vẫn ao ước : “Tôi rất mong đến lúc nào đó được gọi sự vật bằng đúng tên của nó”. » 94
 
Gọi sự vật bằng đúng tên của nó, tự muôn đời, phải chăng đã thuộc về những nguyên tắc bất di dịch của trung thực trí tuệ ? 
 
An ủi cho chúng ta là những dấu hiệu tích cực đến từ xã hội công dân dám mạnh dạn nêu bật vấn đề nhục cảm : bài viết của Tống Văn Công năm 2011 95, nhân sáng kiến tổ chức tọa đàm ở Cà phê Thứ bảy của nhạc sĩ Dương Thụ, là một ví dụ điển hình. Trước đây, trong một đoản văn dí dỏm nhưng không kém phần xúc tích, Chân Phương cũng đã không ngần ngại kêu gọi trực khởi, ngay từ tựa đề : « Trong thơ nên có… vú » 96. Đỗ Lai Thúy thì đạo mạo, hàn lâm hơn và quan tâm đến khía cạnh « sư phạm » cần thiết, khi ông nhắc nhở rằng “ý thức sâu sắc về những gì tiềm ẩn trong vẻ đẹp thân thể của con người tạo nên cảm xúc thẩm mĩ”. 97
 
Rõ ràng, nếu không « ngồi tù » trong thành trì ý thức hệ, ai cũng có thể dễ dàng bắt được nhịp đập con tim thời đại, thể hiện khá rõ ràng qua báo chí, chẳng hạn như mấy lời « phi lộ » đáng khích lệ này trên một tạp san cuối tuần :
 
« Loạt bài của Tiền Phong Chủ nhật về yếu tố tính dục trong văn chương đương đại (trong các số TPCN ra ngày 23/4, 7/5, 14/5, 21/5) đã thu hút được sự quan tâm của độc giả. Loạt bài đã tạm khép lại nhưng vẫn còn những học giả và bạn đọc muốn nêu ý kiến… » 98
 
Mãi đến hôm nay, trên vấn đề nhục cảm, nếu nhà cầm quyền vẫn cứ còn loay hoay lúng túng, ngượng nghịu, mất tự nhiên lẫn tự tin, thì may thay ở nước ta đã xuất hiện những người có tầm nhìn như Trần Ngọc Hiếu, giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, mà độc giả phải ngả mũ trước kiến thức và tài diễn đạt khi ông trả lời phóng viên. 
 
Được hỏi về nỗi « lo ngại vì văn học Việt Nam ngày càng nhiều những tác phẩm có tính chất dục tính », ông khẳng định :
 
« Tôi chưa thấy đây là dấu hiệu đáng ngại vì ít nhất đó là hiện tượng cho thấy xã hội có nhu cầu nhận thức về tự do cá nhân, nhiều rào cản, định kiến xã hội ít nhiều đã bị dỡ bỏ. »
 
Do văn học đích thực luôn đứng về phía kẻ yếu trước những thiết chế kìm kẹp, do « sứ mệnh của văn học là khai phóng con người cá nhân », do « tình dục, xét đến cùng, gắn liền với thân thể, mà đó lại là lãnh địa của cái riêng tư, nơi chứa đựng những bí ẩn sâu thẳm nhất, tinh tế nhất, phức tạp nhất của con người », cho nên :
 
« Viết về tình dục chính là một điểm then chốt để văn chương có thể phát lộ những khía cạnh bạo lực tinh vi của các thiết chế xã hội đối với thân thể, giới tính và rộng hơn, đối với đời sống cá nhân con người. 
 
Các nghệ sĩ lớn trong văn học nghệ thuật khi khai thác đề tài tình dục thường đem vào trong tác phẩm của mình những phản biện rất sắc sảo mang tính văn hóa hay tính chính trị. Có thể thấy điều này qua những tác phẩm của Tanizaki Junichiro, Kenzaburo Oe (Nhật Bản), Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn (Trung Quốc), Elfriede Jelinek (Áo)... »
 
Trở về với văn học Việt, ông nêu một nhận xét xác đáng :
 
« Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao cho ta thấy chính tính dục lại là thứ đánh thức cái mà ta vẫn gọi là “nhân tính” ở nhân vật. Nó không chỉ là cõi tối tăm, sa đọa của dục vọng. Ở phương diện này, Nam Cao có lẽ còn hiện đại hơn cả Vũ Trọng Phụng. » 98
 
 
André Malraux, trong lời tựa cho tác phẩm nổi tiếng nhất của D. H. Lawrence, bản tiếng Pháp 99 in năm 1932 – L’Amant de Lady Chatterly –, cũng nhấn mạnh đến nhân tính như phạm trù chủ đạo :
 
« […] l’intérêt essentiel de ce livre, et aussi l’intérêt historique : l’érotisme y cesse d’être l’expression de l’individu. Il devient un état de l’âme, un état de vie […] Lawrence ne veut être ni heureux ni grand ; il veut être (Cái hay chủ yếu của quyển sách này, và đó cũng là cái hay có tính lịch sử, là : nhục cảm ở đây hết còn là sự biểu đạt của cá thể. Nó trở thành một trạng thái tâm hồn, một trạng thái sống […] Lawrence không muốn sướng mà cũng chẳng muốn thành vĩ đại ; anh ta muốn hiện hữu. » 
 
Và ông kết luận :
 
« Il s’agit de détruire notre mythe de la sexualité : de faire de l’érotisme une valeur (Vấn đề là hủy phá cái huyền thoại về tình dục của chúng ta đi, để làm cho tính nhục cảm thành một giá trị). »
 
 
Huyền thoại thì chỉ ảo. Cái thật là cái được chứng kiến mỗi ngày, là giá trị nền móng, là hệ quy chiếu (système de référence) cho người ta sống với, trong đời. 
 
Từ bản năng, nhục cảm đã vượt lên hàng bản thể. Từ thôi thúc sinh lý, nó trở thành thao thức hiện sinh. Có lẽ đó là yếu tố cơ bản của những chuyển biến nhân sinh quan và động thái xã hội đương đại, mà những đại diện nổi trội trong lãnh vực ngôn luận truyền thông như đài BBC ở Anh hay tạp chí Esprit ở Pháp đều không ngớt quan tâm và không sợ nhầm lẫn khi chọn bài vở 100 hoặc phát hành số báo riêng 101 chung quanh chủ đề.
 
                                                                                           x
                                                                                     x          x
 
 
 
Nhân tính, trong ý nghĩa sâu sắc và toàn diện của nó, là nhân tính được nhận thức. Vì vậy, nhục cảm đích thực không chỉ đồng nghĩa với tự do mà bao hàm cùng lúc tự chủ, tự tại, tự trọng : những đặc trưng của chủ thể ý thức.
 
Nhục cảm, như sự sống, là đặc ân tạo hóa ban cho. Nó là sức tự làm mới như chu kỳ xuân hạ thu đông. Là ngũ quan của hạnh phúc. Là đam mê, hưng phấn, là hứng khởi, sáng tạo. 
 
Cho trần thế tao nhân, nó hiến dâng trọn vẹn, như hương thơm quả ngọt, như mây thắm suối trong : như kỷ vật bất ly thân của một thiên đường đã mất.
 
Freud không cường điệu khi ông viết « […] combien la sexualité élargie de la psychanalyse coïncide avec l’Eros du divin Platon (quan điểm tính dục mở rộng của phân tâm học trùng hợp biết bao với khái niệm Nhục cảm của Platon thần kỳ !) » (CT81, sđd, tr.51).
 
Cõi Ý của ngôi sao Bắc đẩu Triết học phương Tây này thì lúc nào cũng siêu việt. Nhưng thực tế cuộc đời không suôn sẻ, ngời đẹp như thế : ngay trong thế kỷ XX mà tác phẩm Người Tình của Phu nhân Chatterly viết bởi D. H. Lawrence còn phải chịu dao kéo kiểm duyệt suốt ba mươi năm trời ở Anh và Mỹ, cũng như tiểu thuyết Ulysse của James Joyce phải bỏ xứ lưu vong vì lệnh cấm xuất bản…
 
Cho nên, nhục cảm bao giờ cũng chứa đựng những thách thức, với mình và với người. Không chỉ hạn hẹp trong phạm trù thưởng thức thụ động, nó có lúc quyết liệt chẳng kém một mặt trời Galilée giữa mù sương Trung Cổ, có lúc âm thầm hun đúc để trở thành đối tượng, nếu không là biểu tượng, cho những nỗ lực phấn đấu – có khi là chiến đấu –  như Nguyễn Văn Trung, từ những năm 1960 giữa môi trường Miền Nam thủ cựu, đã can đảm chỉ ra :
 
« Không có sự đối lập giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Do đó, tranh đấu cho những giá trị vật chất có một ý nghĩa thiêng liêng cao cả và cũng là tranh đấu cho những giá trị tinh thần đích thực, như Péguy đã quả quyết : “Cái thiêng liêng cũng là xác thịt” và “Phúc cho những kẻ chết vì đất thịt này”. » 102
 
 
Từ xác thịt, nhục cảm dự phần vào lý tưởng hợp nhất tâm-thân. 
 
 
Từ đất thịt, Xuân Diệu đã bay bổng, lĩnh xướng – một lần cho vĩnh cửu – khúc hoan ca hương vị cuộc đời :
 
                                                       
  « Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi ! »
 
 
 
 
Nguồn : bản gửi của tác giả
 
 
Chú thích ( phần III)
 
80/ La Mettrie đã dùng từ « remords » để chỉ cái « siêu ngã » trong thuật ngữ của Freud : http://www.etudier.com/dissertations/l%27Homme-Est-Une-Machine-Selon-La/270133.html
81/ Trois essais sur la théorie de la sexualité (nguyên tác tiếng Đức in lần đầu tiên năm 1905), Sigmund Freud, bản dịch tiếng Pháp của Marc Géraud, nxb Points (2012)
82/ Psychanalyse et culture, Karl Abraham, nxb Payot, Paris (1969)
83/ « La mort est un mort », Freud lecteur de Rudolph Kleinpaul,
https://www.cairn.info/revue-cliniques-mediterraneennes-2004-1-page-209.htm; 
Karl Abraham có nêu rõ xuất xứ các bài viết của Kleinpaul mà ông quan tâm (sđd, tr. 16)
84/ Sigmund Freud présenté par lui- même, S. Freud, bản dịch của F. Cambon, nxb Gallimard, Paris, « Folio Essais » (1984), tr. 63
85/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Sexualit%C3%A9_humaine
86/ Lucy Vincent, chimiste de l'amour (13/02/2010, cập nhật 19/6/ 2017), 
http://www.lejdd.fr/Societe/Sciences/Actualite/Lucy-Vincent-chimiste-de-l-amour-172299 ; http://rmc.bfmtv.com/emission/lucy-vincent-l-invitee-de-14h20-du-0501-861806.html . Xem thêm :
https://fr.wikipedia.org/wiki/Lucy_Vincent 
87/ Je pense donc je jouis, Sylvain Bosselet, nxb Max Milo (2014), tr. 277-279 ; Olivia Gazalé, trong Je t’aime à la philo (chú thích 54), đã dành hai trang 232-233 cho những thông tin lấy từ Comment devient-on amoureux?, Lucy Vincent, nxb Odile Jacob (2006). 
Xem thêm : http://laneurobiologiedelamour.e-monsite.com/pages/2-les-hormones-impliquees/a.html ;  http://www.e-sante.fr/plaisir-desir-sexuel-apport-neurosciences/actualite/1249#paragraphe2
 
88/ Ngoài những chi tiết trong tác phẩm nền tảng đã dẫn ở chú thích 81, Freud đã nhấn mạnh nhiều lần khía cạnh này, chẳng hạn như qua câu dưới đây:
« C’est l’éducation reçue dans la première enfance qui laisse la plus profonde empreinte. Le petit bonhomme est déjà entièrement formé dès la quatrième ou la cinquième année et se contente de manifester plus tard ce qui était déposé en lui dès cet âge. »(Introduction à la psychanalyse, S. Freud [1916-17], bản dịch S. Jankélévitch, nxb Payot, Paris,1922, Ch. XXII, tr. 335)
89/ Psychanalyse et théorie de la libido, S. Freud (1923), bản dịch của Altounian, Bourguignon, Cotet và Rauzy trong Résultats, idées, problèmes II. 1921-1938, nxb PUF, Paris (1985), tr.74
90/  https://fr.wikipedia.org/wiki/Octavio_Paz
91/ La Flamme double. Amour et érotisme, OCTAVIO PAZ, bản dịch ra tiếng Pháp của Claude Esteban,
Coll. Du monde entier, nxb Gallimard (1994), tr.37
92/ Eros et Civilisation, Herbert Marcuse (Boston 1955), bản dịch của J.-G. Nény và Boris Fraenkel, nxb Minuit (Paris,1963)
93/ Trò chuyện cuối tháng, Trần Hữu Đức (25/03/2017) : http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/O-goc-do-xa-hoi-neu-duc-tinh-van-bi-xem-la-dieu-cam-ky-thi-xa-hoi-ay-chua-van-minh-433989/
94/ Chủ đề về sex : Văn học dịch được ưu tiên hơn ?, https://www.tienphong.vn/van-nghe/chu-de-ve-sex-van-hoc-dich-duoc-uu-tien-hon-1146850.tpo
95/ Sex trong xã hội đương đại và thuần phong mỹ tục Việt, Tống Văn Công :
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/sex-trong-xa-hoi-111uong-111ai-va-thuan-phong-my-tuc-viet
96/ Trong thơ nên có… vú, Chân Phương, http://amvc.fr/Damvc/ChanPhuong/LyLuan/TrongThoNenCoVu.htm
97/ Bút pháp của ham muốn, Đỗ Lai Thúy, Nxb Tri thức, Hà nội (2009), tr. 88
98/ Văn chương tính dục nở rộ : Không phải là dấu hiệu đáng ngại, Trần Ngọc Hiếu (18/06/2017),
http://www.tienphong.vn/van-nghe/van-chuong-tinh-duc-no-ro-khong-phai-la-dau-hieu-dang-ngai-1159294.tpo
99/ L’Amant de Lady Chatterley, D.H. Lawrence, bản dịch tiếng Pháp của Roger Cornaz,
Nxb Gallimard (Paris), 1932
100/ Khi niềm hoan lạc bị coi là bệnh hoạn, Brandon Ambrosino, BBC Future (10/6/ 2017),
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-40235110
101/ Le sexe après la révolution, Tạp chí Esprit, số tháng bảy& tháng tám 2017, Pháp 
102/ Trích từ Ca tụng thân xác, Nguyễn Văn Trung, nbx Nam Sơn, Sài Gòn, 1967, được giới thiệu trên mạng ở đây :
https://komo.vn/ca-tung-than-xac-p1056.html
 
Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 2053
Ngày đăng: 13.02.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giá trị nhục cảm (phần 2) - Bùi Đức Hào
Giá trị nhục cảm (phần 1) - Bùi Đức Hào
Khi Elena Pucillo kể: khi yêu văn chương người ta không có tuổi - Nguyễn Thị Thanh Xuân
Từ Trường Ca Đăm San đến Sống chụ son san - Phạm Cao Phong
Còn một chút gì để nhớ - Phạm Thanh Chương
Cõi Hồng, thăm thẳm phận người - Lê Thành Văn
Ý nhỏ về giai thoại Vua Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Từ chuyện viết mới tiếng Việt đến nhà văn Nguiễn Ngu Í - Phan Chính
Định niệm - Võ Công Liêm
Vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước lân bang dưới thời Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Cùng một tác giả