Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
595
116.535.101
 
Đi chơi
Lê Thành Văn

 

 

Hôm qua tôi đưa tôi đi chơi

Tay cầm hòn đá

Tay cầm hòn đá

Đá hỏi

Sao chỉ có hai chúng ta?

 

(Rút từ tập thơ Lão ngư Kỳ Tân

của Bùi Minh Vũ,

NXB Hội Nhà văn, 2014)

 

                                      

LỜI BÌNH CỦA LÊ THÀNH VĂN:

 

PHÍA SAU LỜI ĐÁ HỎI

 

Bùi Minh Vũ làm thơ nhiều, cách tân thơ khá quyết liệt trong những năm gần đây. Tập thơ Lão ngư Kỳ Tân xuất bản năm 2014 dày gần 300 trang in quả là một sức bật lớn đầy ngoạn mục sau nhiều năm chắt lọc từ khối lượng thi phẩm hàng ngàn bài thơ in tản mạn trên báo, tạp chí cũng như các trang mạng trong và ngoài nước. Nhưng "quý hồ tinh bất quý hồ đa", giữa nhiều tập thơ đã trình làng và bản thảo mà tôi đọc được, Đi chơinhư một tiếng vọng thẳm sâu của cõi hồn, cõi thơ Bùi Minh Vũ mà tôi bắt gặp, đồng cảm và sẻ chia. Có phải tâm thức cô đơn trong hành trình miên du của kiếp người tạm bợ đi tìm cái đẹp, nòi thi sĩ hữu tình dễ nhạy cảm như Bùi Minh Vũ đã bật trào cảm xúc thành tiếng thơ đồng vọng để đối thoại với muôn đời.

Ngắn gọn và mới mẻ trong ngôn ngữ biểu đạt, Đá hỏi mở đầu bằng một câu thơ có vẻ khác thường:

Hôm qua tôi đưa tôi đi chơi

Câu thơ có 8 tiếng, tác giả sử dụng toàn thanh bằng (B) nghe cứ nhẹ thênh như một cuộc rong chơi vô định, "không còn không còn ai/ ta trôi trong cuộc đời" (Ru ta ngậm ngùi - Trịnh Công Sơn). Nghệ thuật trần thuật ở đây rất cụ thể, có thời gian "hôm qua", có hành động "đi chơi" của nhân vật trữ tình xưng "tôi". Có điều lạ, tôi không đi chơi với ai khác mà lại đi chơi với chính tôi, còn lại "đưa" nhau nữa mới trang trọng chứ. Người đọc một thoáng trầm tư, mỉm cười như thể xem thi sĩ muốn biểu đạt điều gì sau cách kể chuyện có vẻ lẩn thẩn ấy. Quái, sao lại "tôi đưa tôi đi chơi" nhỉ?! Hay là có sự nhầm lẫn nào chăng? Câu thơ đầu tiên vì vậy phảng phất chút gì như là khói sương huyền ảo, dù tác giả đang hồi ức lại một cuộc đi chơi đã diễn ra ở thì quá khứ tương đối rành mạch, cụ thể. Sự song hành có vẻ thiếu lôgic trong hành trình "đi chơi" đã khiến cái tôi trữ tình tác giả phân thân, tách rời để đối thoại. Dấu hiệu của thơ hậu hiện đại chăng? Vì phân mảnh cái tôi trữ tình, biểu đạt phi lí cũng là một kiểu đặc trưng của thơ siêu thực, thơ hậu hiện đại như một số người quan niệm. Bởi thơ Việt Nam từ xưa đến nay, dù có phân thân cỡ nào người đọc cũng dễ cảm nhận, không rắc rối tù mù đến thế. Trong thơ trung đại, ta bắt gặp cái tôi cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan trong Qua Đèo Ngang khi phải đối diện với chính mình giữa chốn sơn lâm hùng vĩ mà cảm thương cho tiếng "con quốc quốc" kêu vì nỗi niềm nhớ nước: "Dừng chân đứng lại: trời, non, nước/ một mảnh tình riêng ta với ta". Người đọc đồng cảm cho nỗi niềm tác giả dưới ánh chiều tà bâng khuâng nhớ nước khi chỉ có "ta với ta". "Ta với ta" hóa ra cũng chỉ là một, là cái tôi hoài cổ của chính nhà thơ mà thôi. Ở câu thơ đầu của nhà thơ Bùi Minh Vũ, chúng ta thấy cách biểu đạt khác hẳn. Thay vì nói đại ý như lời một bài hát "một mình tôi về với tôi" thì tác giả nói khác đi, tạo nên một cách diễn đạt mới mẻ, lạ lẫm song vẫn phù hợp với tâm trạng trữ tình. Cõi đời trống vắng, không còn ai thì tôi tự đưa tôi đi chơi vậy! Gắng đọc bằng tâm cảm, câu thơ dần dần hé mở nỗi niềm của tác giả nếu chúng ta chịu khó nghiền ngẫm và suy tưởng. Hết sự ngạc nhiên khi chạm câu thơ đầu trong cách biểu đạt khá lạ, nhà thơ đã khiến người đọc phải giật mình, trố mắt mà nhìn cái hòn đá trong tay của "hành nhân" trong một cuộc dạo chơi lạ đời hiếm gặp:

Tay cầm hòn đá

Tay cầm hòn đá

Hai dòng thơ lặp lại nguyên văn, không thêm bớt một tiếng nào là một dụng ý nghệ thuật. Có lẽ chúng ta không nên hiểu câu thơ ở nét nghĩa thực mà phải xuất phát từ một nỗi ám ảnh về kiếp người và nỗi cô đơn trong nhiều ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Với Trịnh, cát bụi và đá cuội là những hình ảnh biểu thị cho sự phù du và khát vọng "cũng cần có nhau" của đồng loại. Tôi biết Bùi Minh Vũ mê nhạc Trịnh, câu thơ trên của anh cũng chỉ là sự va đập hình ảnh, va đập cảm thức trong quan niệm tương đồng về kiếp người phù sinh. Trịnh viết: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Bùi Minh Vũ lại đưa hai bàn tay cầm hòn đá cuội thông qua cấu trúc trùng điệp mà réo gọi lòng người về một sự cô đơn kinh hoàng của kiếp sống. Tôi thường nghĩ, khi người ta làm chuyện lạ đời là lúc họ cần người nhất, thiết tha yêu cuộc sống trần gian này nhất. Cụ Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng cưỡi bò vàng vào chùa cùng với "gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì" cũng là để thiên hạ thấu cảm với cái tôi chính mình sau một đời làm quan ngang dọc, giờ về hưu đơn điệu buồn tẻ, từ đó mà bày trò để cảm khái với thế nhân. Vả lại, trong thời đại chúng ta đang sống, mỗi ngày chỉ cần mở máy tính ra là cả thế giới ùa vào, vậy mà con người lại cô đơn khủng khiếp. Hiện thực đáng sợ về một thế giới vật chất đang dần lấn át thế giới tinh thần của con người thì hành động "tay cầm hòn đá" trong một cuộc rong hoang với chính mình là một tiếng thét gọi, tiếng hô vọng đầy bi thiết về kiếp người cô lẻ và buồn tênh. Cuộc dạo chơi với đá là một khoảng trống đến lạnh hồn mà con người phải đối diện trong hiện tại, và có lẽ rồi cả tương lai chăng? Tác giả không nói ra, chỉ trần thuật một hiện thực với cuộc trải nghiệm của chính mình đủ khiến người đọc rưng rưng nước mắt.

Bút pháp huyền ảo, đậm màu sắc cổ tích một lần nữa được nhà thơ Bùi Minh Vũ sử dụng triệt để bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa ở hai câu thơ kết bài càng thấm thía hơn về một nỗi buồn sâu thẳm. Đá và người ở đây không còn tách biệt mà trở thành tri âm, tri kỷ để rồi cùng song hành đi về phía cô liêu:

Đá hỏi

Sao chỉ có hai chúng ta?

Đọc đến hai câu kết, bao nhiêu sự lạ lẫm ở những dòng thơ đầu đã được hóa giải, nói đúng hơn là nhà thơ đã giãi bày cho một nỗi niềm cô đơn, u buồn của chính mình và đồng loại giữa một thế giới đầy bất trắc hiện nay. Câu hỏi tu từ kết thúc bài thơ như chạm khắc vào nỗi lòng của bất kì ai về một nỗi khao khát hòa điệu, yêu thương giữa cuộc đời hư ảo này. Câu hỏi cũng là niềm trắc ẩn của chính mình, đồng thời dự báo về một tương lai cô độc của cõi nhân sinh.

Toàn bộ bài thơ Đi chơi chỉ có 25 tiếng, cô đọng và hàm súc trên cái nền của sự biểu đạt khá tân kỳ, song đã khái quát được nỗi niềm muôn thuở của con người về nỗi cô đơn và sự tha hương của chính mình trong một thế giới u buồn và đầy trắc ẩn. Thi phẩm cũng là tiếng lòng đầy khao khát, hoài mong về một tình thương yêu, đồng cảm giữa con người với nhau "trong tiếng thở của thời gian rất khẽ" và chóng tàn phai của hư ảo kiếp người!

 

Lê Thành Văn
Số lần đọc: 1255
Ngày đăng: 12.02.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chabbi - nỗi khắc khoải phận người - Cao Thị Hồng
Tôi hát về ngày không em “một giọng thơ, một giọng hát” - Bùi Minh Vũ
LÊ THANH PHÁCH "Hồn neo đậu bến sông quê" - Lê Ngọc Trác
Tình như còn mới... - Yến Nhi
Lê Minh Chánh 'mười năm vẫn mới màu hoa cũ' - Phan Nam
Bùi Giáng "Một thiên tài kỳ dị" - Phạm Thanh Chương
Thế thái nhân tình – qua thơ Đặng Xuân Xuyến - Đỗ Anh Tuyến
Ý Nhi, trái tim tự do - Nguyễn Đức Tùng
Bài thơ về năm tháng - Từ Sâm
Tính chất siêu thực trong thi ca của Thanh Tâm Tuyền - Võ Công Liêm