Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
616
116.443.214
 
Ý nhỏ về giai thoại Vua Minh Mệnh
Lê Ngọc Trác
 
Trong cuộc sống đời thường, những người nổi tiếng như các văn nghệ sĩ, chính khách, nguyên thủ quốc gia hay hoàng đế đều có nhiều giai thoại hấp dẫn. Phần lớn các giai thoại của các nhân vật nổi tiếng đều được truyền tụng qua các bài viết hay các câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Nhìn chung nội dung nhiều giai thoại đều mang tính ca ngợi hay phê phán. Chúng ta người đời nay, khi tiếp xúc với các giai thoại qua văn bản mang tính lịch sử hay truyền miệng tự rút ra một kết luận về các giai thoại của các nhân vật nổi tiếng.
Các giai thoại chung quanh hoàng đế Minh Mệnh cũng như thế. Ông là một trong những vị vua thời cận đại có nhiều giai thoại được lưu truyền trong dân gian.
Trong bài viết nhỏ bé này, xin được nêu sơ lược nội dung các giai thoại về vua Minh Mệnh:
- Thuận Thiên cao hoàng hậu mơ thấy vị thần trao một cái ấn ngọc đỏ như mặt trời. Sinh ra Nguyễn Phúc Đảm (sau này lên ngôi là vua Minh Mệnh).
- Khoảng năm 1819, khi còn là thái tử, đi dạo chơi ở hồ Tịnh Tâm, khi về nằm mơ, Nguyễn Phúc Đảm gặp một người học trò đầu đội mũ cỏ, tay cầm gậy nhọn xiên qua mặt trời. Nguyễn Phúc Đảm đem chuyện trong mơ hỏi quan Thái Bộc. Người này gieo quẻ, đoán mộng và giải thích: Người đội nón là học trò, mũ cỏ là chữ Trứ. Chữ Trứ có nét phảy qua là chữ Nhật. Tức là cái gậy xiên mặt trời. Từ Lam Sơn tức quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Đám mây ùn lên phía tây là điềm có loạn. Người cầm gậy dẹp loạn. Xin Thái tử cho tìm về dùng người này sẽ giúp cho Thái tử. Nghe lời quan Thái Bộc, Thái tử cho tìm người học trò tên Trứ. Khoa thi cũng có người tên Nguyễn Công Trứ đỗ thủ khoa. Sau này, chính Nguyễn Công Trứ dẹp loạn Phan Bá Vành, Nùng Văn Vân... Được Minh Mệnh giao làm Doanh điền sứ, có công khai hoang 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình)...
- Mỗi đêm, vua Minh Mệnh gọi đến 5 cung phi vào hầu. Một đêm, vua giao hợp đến 6 phi tần, có đến 5 người thụ thai sinh là quý tử. Nhà vua có phương thuốc bí truyền để giao hoan, làm tình, gọi là "Minh Mạng thang", "Nhất dạ, lục giao, sinh ngũ tử"!...
- Có một phi tần không được vua ban ơn "mưa móc", khi vua Minh Mệnh đang ngủ đã lén hôn lên má vua, làm tỉnh giấc. Minh Mệnh nổi giận ra lệnh xử tội chết cho người phi tần đáng thương!...
- Huệ phi là một trong nhiều bà vợ của Minh Mệnh. Bà thường nói với những người thân cận: "Dù được vua yêu thương bao nhiêu đi nữa, thì khi từ biệt cõi trần, tôi cũng ra đi với hai bàn tay trắng...". Khi bà mất, vua Minh Mệnh đến tận chỗ nằm của bà, bảo người hầu mở hai bàn tay của Huệ phi cho vua đặt 2 nén vàng. Nhà vua ngậm ngùi: "Đây, trẫm cho phi cái này để ra đi!...".
Người đời sau đọc hay nghe những giai thoại trên, có người sẽ nghĩ Minh Mệnh và Nguyễn Công Trứ là thần nhân; Có khi, nhìn Minh Mệnh là một nhà vua tàn độc, ác nhân dâm dục... Cũng có khi, là một hoàng đế đa tình, nhân hậu! Điều này cho chúng ta nhận thấy, nhiều giai thoại của người nổi tiếng, từ nghệ sĩ đến lãnh tụ hay hoàng đế đều được thêu dệt bởi mục đích ca ngợi hay đả phá, theo chủ quan "yêu, ghét" hoặc là ý đồ chính trị của tác giả sáng tác ra những giai thoại ấy!...
Trong nhiều giai thoại về vua Minh Mệnh, sau này, nhiều người ấn tượng với câu chuyện Minh Mệnh và Bà Huyện Thanh Quan:
Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở phường Nghi Tàm, Vĩnh Thuận, Hà Nội. Bà là vợ của ông Lưu Nguyên Ôn làm Tri Huyện Thanh Quan ở Thái Bình. Nguyễn Thị Hinh là một nữ sĩ thời cận đại, văn hay, chữ đẹp. Triều Minh Mệnh bà được mời vào cung làm Cung Trung Giáo Tập, dạy các công chúa và các cung phi. Bà để lại cho hậu thế những bài thơ nổi tiếng, trở thành di sản của văn học Việt Nam, gồm: Thăng Long hoài cổ; Qua chùa Trấn Bắc; Qua đèo Ngang; Tức cảnh chiều thu; Cảnh đền Trấn Võ; Cảnh Hương Sơn. Bà Huyện Thanh Quan đã sống qua các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.
Theo nhà văn Hoàng Ngọc Phách: Một hôm, trong buổi tiệc chúc mừng các quan, vua Minh Mệnh đã có nhã hứng, viết chữ đại tự: Phúc và Thọ theo nghệ thuật thư họa. Viết xong, nhà vua hỏi ý kiến nhận xét của các quan trong triều. Nhiều vị đại quan áo mão cân đai đều cúi đầu tung hô: Chữ của nhà vua đẹp tuyệt, nét bút của vua như rồng bay phượng múa; rõ ràng là nét chữ của thánh nhân. Chỉ riêng Bà Huyện Thanh Quan nhỏ nhẹ tâu: "Phúc tối hậu, Thọ tối trường" (Chữ Phúc rất dày, chữ Thọ rất dài). Rõ ràng, nữ sĩ đã nhẹ nhàng ẩn ý chê nét bút chữ viết của nhà vua vừa ốm vừa dài! Nhân lúc ấy, Minh Mệnh khoe bộ chén sứ kiểu Trung Quốc có in hình phong cảnh non nước. Nhà vua yêu cầu mọi người làm theo vịnh bộ chén sứ. Trong lúc mọi người đang tìm ý tìm vận, thì Bà Huyện Thanh Quan đã làm xong 2 câu thơ vịnh: "Như in thảo mộc Trời Nam lại / Đem cả sơn hà đất Bắc sang". Minh Mệnh rất thích và khen hai câu thơ của nữ sĩ. Cũng trong một lần tan chầu, xong công việc triều chính, vua Minh Mệnh cùng trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống với các quan. Nghe vua có ý kiến, các quan đều tung hô: "Ý của đức kim thượng là thánh ý, là cao xa, là tuyệt diệu. Chúng thần là người trần mắt thịt làm sao biết được, làm sao có ý nhận xét cho được!...".
Qua hai mẩu chuyện trên, nhiều người sẽ nhận ra: Việc góp ý với lãnh đạo, lãnh tụ như thế nào còn tùy thuộc vào nhân cách, bản lĩnh và sự tinh tế của từng người được hỏi ý kiến. Và, nhận ra một điều: Từ thời xưa cho đến thời nay, ở thời nào, xung quanh các nhân vật nổi tiếng, nhất là ở vị trí lãnh đạo cũng đều có đông những kẻ nịnh, chỉ biết ton hót đề cao bề trên của mình một cách thái quá. Thời nay, chúng ta cũng thường nghe một số quan tâng bốc lãnh đạo, lãnh tụ: "Ý kiến của đồng chí như ngọn đèn 1.000 watt, lời của thủ trưởng làm em sáng ra! Ý kiến của anh như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mở đường cho chúng em...".
Trở lại với những giai thoại của những người nổi tiếng kể cả của vua chúa... mang nội dung tích cực hay tiêu cực, tất cả đều tùy người cảm nhận. Nhưng thật ra, những nhân vật nổi tiếng, từ nghệ sĩ hay đến hoàng đế đi nữa, thì điều quan tâm và đáng nói hơn cả là: Nhân vật nổi tiếng có để lại công trình hữu ích cho đất nước, hậu thế hay không? Công lao và sự nghiệp của người ấy có là tấm gương sáng cho đời sau hay không mà thôi!
Riêng đối với Minh Mệnh là một trong những vị vua nổi bật, luôn chăm lo việc đất nước và triều chính, có nhiều công lao đối với đất nước và dân tộc. Triều đại Minh Mệnh là một thời kỳ rực rỡ của triều Nguyễn. Điều này lịch sử đất nước đã từng chứng minh và khẳng định.
 
 
Lê Ngọc Trác
Số lần đọc: 1435
Ngày đăng: 08.01.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ chuyện viết mới tiếng Việt đến nhà văn Nguiễn Ngu Í - Phan Chính
Định niệm - Võ Công Liêm
Vị thế nổi bật và ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước lân bang dưới thời Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Thị độc Trần Phương - Nguyễn Thanh
Suy ngẫm về nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập - Tuấn Giang
Nghệ sĩ Thanh Sang – Tiếng hát buồn thiên cổ - Nguyễn Thanh
Nhà thơ Tố Phang – danh sĩ đất Nam bộ - Nguyễn Thanh
Thế giới nguyên vi đêm hoàng lệ. - Phan Đình Dũng
Hoàng Như Thủy An "Từ thơ đến họa" - Vương Kiều
Bob Dylan và những hòn đá lăn - Phan Nam
Cùng một tác giả