Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
571
116.382.514
 
Cô giáo nhỏ của tôi
Tiểu Nguyệt

 

     Tôi với Huyền Trân là đôi bạn thân từ thuở nhỏ, chúng tôi cùng lớn lên bên lũy tre làng, cùng chơi trò u quạ, nhảy dây, trốn bắt,  mua bán  hay thả diều trong những chiều trên cánh đồng sau mùa gặt, cùng thắt những chiếc chong chóng rồi ngồi quay ngoài bụi duối. Thuở ấy, mẹ của Huyền Trân làm nghề tráng bánh. Sáng nào tôi cũng qua học với Huyền Trân, hai đứa cùng giải những bài tập thầy cho về nhà. Làm bài tập xong, tôi cùng Trân phụ mẹ phơi bánh tráng. Hai đứa bữa nào cũng được mẹ Trân cho ăn bánh ướt, (bánh vừa mới tráng còn nóng hổi, mềm mại, ăn rất ngon); chúng tôi cuốn nguyên cái, mỗi đứa cầm một chén nước mắm ớt tỏi, chấm ăn ngon lành. Tôi ăn bánh ướt nhà Trân riết rồi ghiền, bữa nào không qua nhà bạn là nhớ; nhớ bạn, nhớ mùi bột gạo chua chua, thơm thơm và nhớ những chiếc bánh ướt nóng vừa mới vớt ra, hấp dẫn. Hầu như ngày nào tôi cũng sang nhà Trân để học, để cùng Trân phơi bánh, cùng ăn, cùng đùa giỡn cho hết buổi.

     Huyền Trân học rất giỏi, bài toán nào khó mấy Trân cũng giải ra. Huyền Trân giảng bài giúp tôi như thầy giáo, bạn ấy nói rành rọt, rõ ràng, dễ hiểu cho nên tôi tiến bộ rất nhiều. Tôi hay gọi Trân là “cô giáo”, Trân giảy nảy lên cho rằng tôi  cố tình“chọc quê”; nhưng tôi luôn xem bạn ấy như cô giáo thật, và rất ngưỡng mộ bạn. Trân xứng đáng để trở nên một cô giáo tốt, bởi không những Trân học giỏi, mà bạn ấy còn là một người khí khái, có lòng tự trọng cao.

 

     Một hôm, trên đường đi học về, hai chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện  huyên thuyên thì có chiếc xe jeep của Mỹ chạy qua, ép sát vào và ném cho chúng tôi hai quả cam vàng. Tôi lật đật chạy lại lượm, nhưng Trân kéo tay tôi lại và nói:

     -Đừng lượm, tụi nó khinh.

     Tôi tiếc lắm nhưng cũng nghe lời bạn, tôi nói với giọng tiếc rẻ:

     -Uổng quá! Hai quả cam vàng thiệt ngon, nó cho hai đứa mình chớ khinh gì.

     -Nó cho sao không dừng lại đưa tận tay, bộ cậu không thấy nó liệng xuống đất sao; nó làm vậykhông phải là nó khinh mình à?

     Tôi cứ ngoái đầu lại nhìn chừng hai quả cam, nhưng Huyền Trân đã nói rất đúng nên tôi chỉ yên lặng cắm cúi đi, mà trong lòng tiếc ơi là tiếc.

     Hai chúng tôi đều thi đậu vào đệ thất, cả hai cùng ở trọ nhà người bà con để đi học. Chiều thứ bảy đạp xe về nhà, chiều chủ nhật lại lên để sáng hôm sau đi học sớm. Huyền Trân vẫn là cô giáo nhỏ của tôi, giảng giúp tôi những bài toán khó. Cô giáo Trân rất khó tính, giảng bài rất kỹ rồi để tự tôi làm bài, không cho coi bài Trân đã làm sẵn. Bài toán làm lỡ vội vã không ngay dấu bằng, dấu cọng trừ một chút là bị gõ một cái “cốc”  liền; nhờ vậy tôi cũng chỉnh chu hơn. Hai chúng tôi vẫn chung lớp, chung trường, chung nhà trọ nên càng thân nhau hơn; đi chơi đâu đều đi cùng, lúc nào cũng đủ cặp. Những ngày nghỉ học hai đứa thường theo bạn về nhà chơi, hái xoài, hái ổi ở tít trên Phước Bình, Phước Mỹ. Chúng tôi thường đèo nhau trên chiếc xe đạp, hai vạt áo dài cột lại; quần thì bị sên xe cạp te tua trông rất buồn cười, vậy mà vui, mà thích. Lúc nào Huyền Trân cũng chở tôi, ngược gió nằm rạp người xuống mới đi nổi; vậy mà bạn ấy lúc nào cũng ưu tiên cho tôi ngồi sau, có lẽ vì bạn ấy thấy tôi ốm yếu sợ đạp mệt nên lúc nào cũng muốn giúp tôi chăng? Ngày ấy, lũ học trò miền quê chúng tôi, không có thú vui gì khác ngoài việc rủ nhau về thăm quê bạn để được ăn cây trái trong vườn nhà.

 

     Đặc biệt hơn, Huyền Trân cùng có chung sở thích với tôi, đó là thích thi ca và âm nhạc. Chúng tôi thường tập những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhạc sĩ Phạm Duy hay Ngô Thụy Miên; và hay hát cùng nhau trong những chiều ngồi trước hiên nhà trọ. Những buổi chiều như thế buồn lắm, nhất là những chiều mưa; hát cho vơi nỗi buồn, vơi nỗi nhớ nhà. Huyền Trân ước mơ sẽ được là một y sĩ, một cán bộ điều dưỡng. Huyền Trân muốn được tận tâm khám chữa bệnh cho những người nghèo khổ, neo đơn; muốn giúp họ trở về cuộc sống lành mạnh, mang đến họ chút niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Còn tôi, tôi ước sao sau này mình sẽ là một cô giáo, sẽ tận tình chỉ dạy cho thế hệ sau những gì mình học được. Tuy hai chúng tôi có những ước mơ không giống nhau, nhưng ai cũng tâm huyết với ước mơ của mình, hết lòng vì công việc. Không hiểu sao hai chúng tôi lại có nhiều điểm chung đến vậy, có lẽ vì thế nên chúng tôi gắn bó nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Thế rồi hai chúng tôi chắp cánh cho ước mơ bay bổng, vẽ ra một tương lai rạng ngời. Huyền Trân thủ thỉ cùng tôi: “Nguyệt biết không, nếu mình là một y sĩ, bác sĩ hay một điều dưỡng viên, mình sẽ hết lòng với công việc khám chữa bệnh, mình sẽ an ủi để bệnh nhân bớt đớn đau vì bệnh tật, sẽ đưa họ trở về cuộc sống lành mạnh. Sau này nếu có tiền, mình sẽ làm một phòng mạch khám chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ nhiều hơn cho người nghèo khổ, neo đơn…”. Và tôi nghĩ rằng, với khả năng và tấm lòng nhiệt huyết như thế, chắc chắn Huyền Trân sẽ làm được. Tôi cũng sẽ như bạn ấy, nguyện với lòng sẽ tận tình truyền đạt kiến thức mình học được một cách tốt nhất, nếu tôi là cô giáo.

     Ước mơ là thế, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được ước mơ của mình trong đời, nếu chưa đủ duyên lành. Sau mùa xuân năm 75, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cả tôi và Huyền Trân đều không thể bước vào ngưỡng cửa đại học; vì cả hai chúng tôi có lý lịch “không được trong sáng”. Đó là điều đã làm chúng tôi đau buồn nhất khi đang ở vào tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết.

 

     Tôi về quê làm ruộng, công việc nhọc nhằn. nhưng tôi  cảm thấy vui vì tự tay mình làm ra hạt gạo, miếng ăn cho chính đời sống mình; và  được sống bên màu xanh của đồng ruộng, bên tình thương yêu của quê nhà, tôi cảm thấy an bình. Tôi bằng lòng với những gì mình đang có; vì tôi biết có cố gắng cách nào cũng không thể khác. Huyền Trân theo người cô đi buôn gạo trên tàu nên có dịp ra vào Nha Trang thường xuyên. Trên tàu, hay trên đường lận đận bán buôn, nếu gặp bạn bè cũ nay là sinh viên về thăm nhà; bạn ấy thường kéo chiếc mũ vải sụp xuống, không muốn ai nhìn thấy mình. Mỗi lần Huyền Trân ghé lại thăm tôi, bạn ấy tâm sự thật lâu, làm cả hai chúng tôi đứa nào cũng không cầm được nước mắt. Trân nói: “Mình đã gặp tụi con Hồng, con Thúy, con Mai. Tụi nó là sinh viên về thăm nhà, trông oai lắm Nguyệt ơi! Mình không dám giáp mặt tụi nó, chỉ lén nhìn thôi và thấy thèm làm sao. Nếu mình được học nữa, chắc chắn mình sẽ học ngành y. Mình yêu chiếc áo blue trắng ấy vô cùng, cái màu trắng tinh khôi, trong sáng làm sao. Ước mãi mà không thể nào, buồn ghê.”

 

       Ước mơ còn mãi đấy, nhưng Huyền Trân đã rời bỏ thế gian này để ra đi mãi mãi, với cơn “sốt ác tính” sau khi đi nuôi người cha học tập cải tạo ở Ngân Điền về. Hai lần đầu Huyền Trân đi thăm về không sao, nhưng lần này được trại cho ở lại một đêm để chăm sóc Cha đang sốt cao; không hiểu sao về nhà vài ngày sau là bắt đầu lên cơn sốt. Hai tay bạn ấy không tự chủ được, cả người trông đờ đẫn. Tôi ở với Huyền Trân ba ngày cuối, Huyền Trân cầm chén cháo không nổi, hai tay run run múc cháo ăn nhưng không múc được chút cháo nào; vậy mà bạn ấy vẫn đưa cái muổng không vào miệng và cứ nhai như mình đang ăn cháo vậy. Tôi hoảng quá hỏi bạn ấy: “Ngon không? Trân biết mình đang ăn gì không?”. Bạn cười ngờ nghệch: “Biết sao không, cháo chớ gì, ngon mà”. Má bạn ấy lật đật nhờ người chở vào bệnh viện, nhưng đã không còn kịp; hai ngày sau Huyền Trân đã ra đi vĩnh viễn. Tôi bàng hoàng như vừa qua cơn mê, còn đâu người bạn chân tình để sẻ chia những vui buồn, để cảm thông và an ủi nhau. Tôi khóc, khóc như một đứa trẻ vòi mẹ, tức tưởi “Trân ơi! Sao bỏ mình mà ra đi như thế, ước mơ được mặc chiếc áo blue trắng tinh khôi của bạn, nếu không vào đại học được mình cũng có thể làm y tá trong làng được mà, như cô Thủy xóm mình đó; nửa hôm, gà gáy gì nếu có ai cần là cô ấy đều mang cái xách thuốc trên vai đi liền, thấy không?Sao bạn không thực hiện những gì bạn ấp ủ, mà ra đi sớm như vậy. Từ nay mình biết chia sẻ cùng ai những buồn vui, những khó khăn trong cuộc sống này. Mình cầu cho bạn được an vui trong cõi vĩnh hằng. Trân ơi!”.

         Mỗi lần tôi về quê, lúc nào tôi cũng ghé lại thắp cho Huyền Trân nén nhang; nói cho bạn ấy những gì mình đã trải qua, dù bạn ấy chỉ cười nhìn tôi không trả lời. Nhưng tôi biết Huyền Trân luôn cảm nhận những gì tôi nói, luôn nhìn thấy tôi, và hết lòng chia sẻ cùng tôi trong cõi vô thường này.

 

 

  07/2017    

 

 

Tiểu Nguyệt
Số lần đọc: 1362
Ngày đăng: 27.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trấn Bạch Dương - Nguyễn Đức Tùng
Võ…lại côn(*) - Phan Tấn Thiện
Bóng ma của đời sống - Tiểu Nguyệt
Con Non - Tru Sa
Tình bạn phá sản - Nguyễn Anh Tuấn
Cỏ dại hồi sinh - Bùi Thanh Xuân
Tình yêu nhiệm màu - Mã Lam
Cuộc hội ngộ câm - Trương Văn Dân
Nụ hôn đầu, tình yêu cuối. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Duyên - Trần Yên Hòa