Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
704
115.998.681
 
Bút ký triết học số 9
Nguyễn Văn Thượng

 

 

Democrite (460 - 370 TCN) cho rằng, trong tư cách một thực thể sinh học, con người là một sinh vật được cấu thành bởi hai yếu tố - thể xác và linh hồn, và do vậy, con người vừa gắn chặt với xã hội đồng thời có một định mệnh thiêng liêng riêng biệt so với mọi thực thể khác. Mọi cái mà con người đã nhận biết trong chiều sâu chính bản thân mình được thể hiện ra trong bản chất vật chất của con người. Con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, mang phẩm giá cao quý có hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể. Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt là lý trí và ý chí. Lý trí không do thiên phú nhưng là nhờ khả năng trừu xuất từ những hình ảnh mà giác quan cung cấp.

 

M. Scheler cho rằng ba bản năng sống đầu tiên của con người thật là bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng quyền lực. Theo M. Scheler, những bản năng sống cơ bản đó đã quy định sâu xa sự vận động của đời sống con người dưới các hình thức xã hội phức tạp như nền kinh tế, thể chế hôn nhân, thiết chế nhà nước. Có lẽ bản năng sống và những khát vọng sống của con người đã được kết tụ trong các hiện tượng, các thể chế xã hội phức tạp đó. Đàng khác, đời sống con người cũng là biểu hiện của bản nguyên tinh thần, nguyên tắc tối cao quy định bản chất con người. Tình yêu, sự sám hối, thiện tâm, thất vọng, ý chí tự do đều là biểu hiện phong phú của bản nguyên tinh thần. Chưa có một thực thể nào phức tạp như con người khi tiềm lực thần thánh và bản năng sinh vật lại ẩn giấu bằng một phương thức duy nhất nào đó. Con người, một “nhiệm sinh” mang đầy tính độc đáo, bí ẩn phong phú trong bản thể độc đáo vừa tự nhiên, vừa xã hội, vừa tinh thần.

 

Tư tưởng cận đại của Âu Mỹ đặt con người làm chủ đề cho những suy tư của họ; tiếc rằng những suy tư ấy không phải lúc nào cũng đưa lại những giải đáp thỏa đáng, nếu chưa nói là lôi theo những hậu quả tai hại. Ta hãy lấy thuyết tiến hóa làm thí dụ: khi nói rằng loài người bởi loài khỉ mà ra thì có lẽ có người sẽ tủi hổ bởi vì mình không phải là con rồng cháu tiên mà chỉ là con cháu của khỉ đột đười ươi. Chính vì nhân danh thuyết tiến hóa như vậy, cho nên các nhà nhân chủng Đức quốc xã đã biện minh cho thuyết diệt chủng, vì phù hợp với định luật thiên nhiên: các chủng tộc kém văn minh cần phải nhường chỗ cho các chủng tộc tiên tiến; và dĩ nhiên chính sách thực dân cũng là một hệ luận chính đáng của thuyết tiến hóa. Một áp dụng khác của thuyết tiến hóa có thể nhận thấy trong ngành phân tâm: theo đó, con người hành động do bản năng thúc đẩy, chứ chẳng có tự do gì: con người bị “thú tính” chi phối nhiều hơn là do “nhân tính”. Triết học cận đại của Âu châu đã đặt con người làm trọng tâm của các suy tư; con người tự lập tự quyết, chủ thể của văn hóa và lịch sử. Các vấn đề về con người cần phải được chính con người giải đáp, chứ không theo “thiên mệnh”. Theo họ, tôn giáo chính là lực lượng chậm tiến, làm cho con người tha hóa, vong thân.

 

Kant cho rằng con người không thể thấu hiểu được bản chất của vạn vật, thì ông Hegel chủ trương ngược lại: con người có khả năng vươn lên đến tuyệt đối. Lịch sử của nhân loại là một cuộc tiến hoá không ngừng nhằm thể hiện kế hoạch của Tinh thần tuyệt đối. Tuy nhiên ông Ludwig Feuerbach (1804-1872) lưu ý rằng Tinh thần tuyệt đối của Hegel chung quy cũng là chính con người mà thôi, bởi vì “đâu phải là Thiên Chúa đã tạo ra con người, nhưng con người đã tạo ra Thiên Chúa”. Con người là Thiên Chúa của con người (homo homini deus est). Có thể coi đây là khởi điểm của tôn giáo “vô thần”, được thay thế bằng tôn giáo “nhân bản”.  Karl Marx (1818-1883) cho rằng vai trò của triết học không phải là giải thích thế giới con người nhưng là biến đổi thế giới và xã hội bằng những cuộc cách mạng triệt để. Thiên Chúa hoặc Tinh thần là những chuyện mơ hồ; cái thực sự Tuyệt đối chính là Vật chất; con người có vai trò biến đổi vật chất bằng hành động, bằng những cuộc cách mạng xã hội. Theo khuôn mẫu của Emile Durkheim, con người cũng là sản phẩm của xã hội, chịu ảnh hưởng của tập tục xã hội hay của văn hóa: vô phúc cho ai muốn tỏ ra lập dị không chịu đi vào khuôn khổ, bởi vì hắn sẽ bị đào thải hay đè bẹp.

 

Tuy nhiên, nếu chấp nhận rằng một quan niệm triết học lệch lạc về con người sẽ có thể dẫn tới những hậu quả không lường được tác dụng không nhỏ đối với hạnh phúc con người. Thực vậy, cuộc đời của con người sẽ thay đổi rất lớn khi tin rằng mình chỉ phải là sản phẩm của vật chất và sẽ trở về với vật chất. Chính khi chấp nhận thực thể tinh thần tồn tại trong xác thể con người mới có khả năng tinh thần vươn lên trên vật chất và hơn thế nữa là đi vào đời sống siêu việt. Công trình phát triển nhân bản quy chiếu về tính bất tử của thân phận con người cũng giải thích căn do của bao nhiêu khắc khoải dằn vặt trong con tim con người. Mối xâu xé ở nội tâm bắt nguồn từ cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa sự lựa chọn vật chất và giá trị tâm hồn, tâm linh và tự do, giá trị của tình bằng hữu, tình yêu đồng loại. Tiếc rằng hiểu biết không trọn vẹn về bản chất con người đã bẻ gẫy trật tự liên hệ với vũ trụ và Tạo Hoá, từ đó các liên hệ xã hội và môi trường cũng bị rối loạn.

 

 

 

Khi con người chỉ được đánh giá như một cái máy không hơn không kém; khi đời sống tinh thần, phẩm giá, nhân vị, tự do càng vắng bóng trong giáo dục và đời sống tương quan, con người có khác chi sản phẩm kỹ thuật bào chế trong ống nghiệm, có thể được đào tạo qua các phương pháp tuyên truyền đại chúng, và có thể đưa vào hoạt động theo “lập trình” của một thể chế độc tài nào đó muốn toàn trị xã hội.

 

Người viết không muốn phản kháng lại bất cứ luận thuyết nào đã có, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ được nhìn thấy qua các hiện tượng bên ngoài, chỉ là vật chất tiến hoá đơn thuần mang lấy định mệnh huỷ hoại của vật chất, nhưng tồn hữu trong thực tại sâu xa hơn. Con người có thể đạt tới chân lý một cách chắc chắn không phải bằng phương tiện vật chất. Giá trị của con người không hệ tại những việc chinh phục khoa học kỹ thuật, nhưng ở chỗ biết khám phá ra chân lý của cuộc đời, biết yêu mến ngưỡng mộ điều thiện mỹ. Nói khác đi, một con người cao quý không phải vì là một nhà bác học thông kim bác cổ cho bằng một nhân vị thiện lương thiêng liêng.

 

Viết ngày 20/06/2017

 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1714
Ngày đăng: 25.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 08 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 07 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 06 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 05 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Cùng một tác giả