Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
761
116.507.349
 
Bút ký triết học số 07
Nguyễn Văn Thượng

 

 

Soren Kierkegaard (1813-1855) chủ trương rằng Thượng đế không thể đạt được bằng một tiến trình duy lý, rằng đức tin Thiên chúa giáo là đầy những mâu thuẫn và rằng mọi cố gắng duy lý hóa là cố gắng thất công. Kierkegaard sớm bị rơi vào tình trạng phân cực tinh thần, và không bao giờ ông có thể giải quyết được những đối kháng và bất đồng nội tâm của một con người luôn đầy ưu tư và cảm thấy mình cô đơn trước mặt Thượng đế. Với định mệnh bi tráng, con người là hiện diện của tổng thể vật chất trong thời gian mà vận mệnh lại hướng về vĩnh cửu.

 

Victor Eremita đã phát biểu vào giữa thế kỷ XIX như sau: “Chỉ có chân lý mang tính cách xây dựng thì mới là chân lý thực sự”. Những giằng co đầy cảm tính giữa những đòi hỏi của trí năng và sự buồn chán riêng tư, lòng đạo đức kính sợ Thượng Đế và sự bất an tinh thần, tình trạng sống mâu thuẫn nội tâm dai dẳng đã tạo nên những ý nhiệm cơ bản cho suy tưởng của nhà triết gia hiện sinh. Suy tưởng phát sinh từ trong nỗi sợ hãi và sự nghi nan khủng hoảng. Chính sự hoài nghi dai dẳng đã trút lên con tim sự sợ hãi và lên tâm tư nỗi khắc khoải nghi hoặc về tính bất toàn của vận mệnh quá mong manh của con người. Nếu tính chất của con người như một sản phẩm vô tri của tiến hoá vật chất, cộng chút thời gian, thêm giả thiết ngẫu nhiên thì con người có hơn gì loài thuỷ sinh, côn trùng, vạn vật có sinh khí khác, vì rõ ràng chúngcũng đều là kết quả của mối tương tác vô tri giữa ngẫu nhiên và nhu cầu. Nếu đọc từ quan điểm duy vật, trong sự cuồng tín vào tiến hoá hiện đại thì chắc chắn, không có Thượng Đế thì đó là sự thật, và rồi tiến hoá sẽ đưa đến một kỷ nguyên Robocon theo nghĩa đen. Nếu không có Thượng Đế thì mọi người, dù đẹp xấu cũng chỉ là một kết hợp tình cờ của quy luật tiến hoá, lúc nào đó người ta cũng sẽ tìm được quy tắc tạo nên một con người từ nhân bản vô tính, tế bào gốc hay công nghệ nano, vậy chúng sẽ như con người, đột nhiên xuất hiện trong một vũ trụ không có mục đích để sống một cuộc đời vô mục đích mà chỉ làm theo những quy luật rồi diệt vong.

 

Bao lâu suy tưởng như thế, ta sẽ vẫn còn phân luồng trong hoài nghi về thân phận con người trong mối liên quan sống còn với ý niệm Thượng Đế, có nghĩa là sẽ vẫn còn những mối bất đồng và nhiều cuộc cãi cọ chung quanh, và điều đó sẽ đưa tới không ít đổ vỡ cay đắng. Chính sự hoài nghi triền miên này làm mất khả năng tín thác, tình yêu thương và tự do nội tâm. Theo Kierkegaard, một người tin tưởng Thượng Đế thực sự không chỉ công khai bày tỏ quan điểm tín ngưỡng của mình mà thôi mà còn phải hành động và sống, không chỉ lý luận mà còn diễn tả qua cuộc đời sự hiện diện tất yếu của Thượng Đế và hiện hữu của đời người. Với Nietzsche, Lời Kinh đã bị dứt tuyệt hoàn toàn với cái chết của Đức Kitô; còn đối với Kierkegaard thì ngược lại, đó là sự bắt đầu. Để dấn thân trung thành của với niềm tin vào Thượng Đế đòi hỏi một thái độ cư xử mềm dẻo giữa con tim và tinh thần. Nhà văn Dostoyevsky đã viết: “Nếu không có sự bất diệt thì chúng ta đều có phép làm mọi sự”. Và cách nào đó, lối sống duy vật chất phản ảnh tính ích kỷ, sống cho những nhu cầu của chính mình, vì cuộc đời chỉ là vật chất tự sinh ra và bị huỷ diệt nên hãy liều lĩnh thực hiện bất cứ điều gì không phải là tư lợi; hy sinh là khái niệm dứt khoát cần loại bỏ. Vậy, nếu gạt bỏ nguyên tắc Thượng Đế hiện hữu và công bình, thử hỏi trên cõi đời này, ai có thể nói giá trị nào đúng, giá trị nào sai? Mất đi ý niệm về Thượng Đế, đạo đức mất tất cả ý nghĩa, đồng nghĩa với chiến tranh, áp bức, tội ác, ma tuý, đĩ điếm và các điều ác cũng ngang bằng sự trung thành, trong sạch, tình thương đồng loại và tương tế quốc tế? Tình huynh đệ, bình đẳng, tình yêu và điều thiện cũng biến mất cùng với Thượng Đế. Triết gia Jean Paul Sartre nói: “Tất cả những gì chúng ta đương đầu chỉ là những thực tế trơ trọi, vô giá trị”. Có ai muốn sống cuộc sống vô nghĩa, vô mục đích, vô giá trị? Thế nên, họ cần có Thượng Đế để hiểu chính mình, hiểu mọi lẽ đời đang tồn tại và giải thích quá khứ với ánh sáng chân thật không pha màu sắc cải lương hay chính trị tả khuynh hay hữu khuynh.

 

Bowne nói: “Nhân vị toàn vẹn và toàn hảo chỉ có thể tìm thấy trong hữu thể tuyệt đối và vô hạn” (x. ‘Encyclopedia New Catholic’, P11, tr.173). Để hiểu rõ hơn sự hiện diện của Thượng Đế, hãy lắng nghe nội tâm, lưu tâm đến nụ cười hoan lạc của tâm hồn. Thượng Đến tạo nên trong ta trạng thái say khát vui hưởng ngây ngất tột đỉnh hoặc một ý chí dốc lòng hăng say đến vong thân cho chân - thiện - mỹ, ở đó con người quên đi nỗi lo chết của mình. Tinh ý, sẽ nhận ra dấu vết của vĩnh cửu triển khai trong kỳ gian. Kierkegaard đã nói: “Đam mê xây lên đỉnh chóp của hiện hữu. Đam mê là biểu hiện của vĩnh cửu trong đời sống của chúng ta. Bởi lẽ đời sống nhân loại là sự pha trộn giữa vĩnh cửu và tạm thời, đam mê đã biểu tỏ cuộc đấu tranh ở đó con người nỗ lực hướng về vĩnh cửu” ( x. ‘La Philosophie moderne’, tr.104).

 

Giá trị chân lý, luân lý và đạo lý mà xã hội có thể tiến hành qui chiếu, soi xét hay phán xử các hoạt động nhân thế chỉ giữ được trật tự bên ngoài không điều khiển được nội tâm. Tất cả các giá trị nhân sinh như công lý, cái đẹp, đạo hạnh ở đời đều phải nhân danh một chuẩn mực tuyệt đối, và hành trình của chúng buộc phải tiến đến chuẩn đích đó, Thượng Đế. Song, trớ trêu thay, không cách nào làm cho Thượng Đế phải hiện lên trong phòng thí nghiệm. Con người khao khát chỉ có thể ngẫm ra Thượng Đế bằng nẻo đường siêu nghiệm, đôi khi trong thường nghiệm vũ trụ và ứng xử xã hội. Con đường mang đầy đủ hình ảnh của Thượng Đế là con đường siêu nghiệm của tâm linh. Có người nói: Hãy để linh hồn tự do phóng đi trên đôi cánh siêu việt của mình”. Đúng thật vậy nhỉ, nào ta lên đường tìm gặp Người! Và kìa, ngôi sao mai đã xuất hiện...

 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1754
Ngày đăng: 17.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút ký triết học số 06 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 05 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 04 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 3 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 2 - Nguyễn Văn Thượng
Bút ký triết học số 01 - Nguyễn Văn Thượng
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
Albert Camus, 50 năm sau ngày mất (1960-2010). Ông hoàng của triết học Phi lí - Hiếu Tân
Martin Heidegger "Sự thật của hiện hữu" - Võ Công Liêm
Kant "Một lối phê bình triết học" - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả