Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
569
115.992.739
 
Bên chân trời viễn mộng, con tim chất đầy nỗi nhớ cố hương .
Nguyễn Văn Thượng

 

Ta trôi miết theo sông hồ lưu hải
Sớm chiều vân du cánh nhạn bay 
Quên xuân đến, hoa vàng tươi nở
Hay hạ về vương vương mấy đường tơ...

Quê nhà ta xa lắc lơ


Mây trắng cuộn bơ vơ thành nỗi nhớ

Quê mẹ đã ấp ôm suốt tuổi thơ

Dòng suy tưởng cứ tuôn trào bỡ ngỡ

Cho ta thêm những nỗi nhớ vô bờ...

 

Nhớ về cảnh đồng quê cũng khiến ta dễ trở thành thi sĩ. Niềm yêu đã chảy đầy trong trái tim. Từ yêu đến nhớ, nhớ những hình ảnh chân quê mộc mạc quê hương. Có lẽ ở mỗi đứa con của miệt sông nước gần cuối tổ quốc này, cái chất “đồng quê” ấy đã chuyển hóa thành suy tưởng chứa đầy hồn quê, tình quê và đã trở thành một nỗi hoài niệm đáng yêu, day dứt, hờn dỗi mà lại rất chất phác chân tình. Với những ai không sợ bị gán cho nhãn mác “nhà quê chính hiệu” sẽ cảm nhận trong chất “nhà quê” ẩn chứa một cảm thức về nỗi nhớ cố hương, vì những tháng năm phải sống biền biệt trong cảnh ly hương. Nỗi nhớ ấy, dường như là sự an bài của định mệnh, nó không chỉ hiển lộ trong bữa cơm đầy hương vị sông nước - đồng bằng mà còn là một thực thể trong tâm thức của ta qua những cuộc thiên di như những cuộc hành hương hay trong tháng ngày lưu lạc “giang hồ”:  

 

Và trong những tháng ngày “lưu lạc” ấy, ta tìm ánh sáng giữa bầu trời đầy sao vẫn đung đưa ta như mẹ hiền ru giấc đầu nôi thơ mộng. Nỗi niềm luôn khắc khoải một cảm thức về nỗi nhớ cố hương lại xui ta viết, viết tràn trề như dòng sông quê mẹ. Nỗi nhớ ấy có phải là tâm thức hiện sinh hiện hữu trong ta, là tiên đề tạo nên dự phóng cho ta hoà quyện rất sâu xa trong huyết tộc với quê hương. Ta không thể không thấy nao nao một nỗi nhớ cố hương khởi lên từ khắc khoải mênh mông của suy tưởng triết học, của niềm thiêng liêng rực rỡ của thần học dội vào lòng ta như những con sóng vỗ bờ. Nỗi nhớ ấy như được chưng cất từ tâm khảm, tan chảy vào những suy tưởng thường ngày như một thứ mật đắng nhớ mong và xa cách...

                                   

Cảm thức về nỗi nhớ cố hương là căn tính ở mỗi người trong kiếp nhân sinh đã được nâng lên thành một qui luật mang tính phổ quát. Đó là cái tình hoài hương trong những ngày xuân phải sống “lênh đênh” xa cách, khi mà nhu cầu đoàn tụ, sum họp bên ngôi nhà ấm êm ở quê hương mỗi khi Tết đến, đang là khao khát thiêng liêng đối với con người hơn bao giờ hết!?

                                      

Hình như trong cõi nhân gian này, tất cả những lữ khách đích thực đều mang trong mình cảm thức của kẻ tha hương!? Và chính điều này đã kết tinh trong suy tưởng nỗi nhớ cố hương như dấu ấn của nỗi đau xa cách.  luôn mang trong cõi lòng một mối “sầu vạn cổ” của kẻ ly hương. Song, cảm thức về nỗi nhớ cố hương  không chỉ đơn thuần là sự cách xa, là nỗi buồn và niềm thương nhớ đến quặn lòng đối với cố hương mà đó còn là nỗi cô đơn của thân phận vốn là một yếu tính của kiếp người. Và khi nỗi cô đơn đẩy đến tận cùng thì cảm thức về nỗi nhớ cố hương kết lại thành nỗi đau nhân thế.

 

Phải chăng, trong những suy tưởng triết học thấm đẫm nỗi buồn nhân thế cũng là một giá trị kết tinh từ thân phận của thi nhân trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng “giang hồ”, sống như kẻ không nhà, sống trong đói cơm, thiếu áo và chỉ còn có đam mê suy tưởng để dựa vào đó mà tồn sinh, mà hiện hữu. Phải chăng một thứ định mệnh ràng buộc ta với những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến đi thành công xen đan thất bại. Đi vào trong triết học để suy tưởng là chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn kiếp hiện sinh để chia sẻ một chút gió bụi buồn của tháng ngày, rồi lại chia lìa nhau suốt đời. Trong khi đi tìm kiếm lý tưởng sống cho mình, chọn cách đi để tồn tại làm người có tôn nghiêm, ta cũng biết đến nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát. Hành trình ấy là chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh.

 

Nhiều khi, trong chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng giang hồ đó đã đốt cháy trong tâm thức ta một khao khát trở về, một khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào trong suy tưởng ấy ngọn lửa khao khát của một ngày về mà có khi ta đã trở thành “kẻ xa lạ” trên chính quê hương mình. Viết cho nỗi nhớ cố hương mang dằn vặt tính hiện sinh của thân phận, của thế giới nội cảm kết tinh và lan tỏa. Đó không phải là những “tinh tú rực rỡ” vô hồn mà là những “vì sao trơ trọi” của nỗi cô độc phận người trong kiếp tha hương. Vì vậy, nó gần gũi với tâm cảm của con người như một sẻ chia, bởi trong kiếp sống lênh đênh phận người.

 

Có thể nói, số phận đã vận vào suy tưởng như một định mệnh, để rồi ta mãi mãi là một kẻ suốt đời rong ruổi trên dặm đường thiên lý mà ngày trở về chỉ là một ước vọng mù khơi. Người ta nói, khát vọng gắn bó con người với quê hương luôn là một hằng số văn hóa, là cội nguồn của sự sống. Và, kiếp tha hương chỉ khiến nỗi nhớ cố hương đầy thêm trong tâm cảm. Đây cũng là chìa khóa giải mã cảm thức về nỗi nhớ cố hương, một giá trị nhân văn còn neo đậu mãi ở bến bờ tâm thức của người tiếp nhận và là căn tố tạo nên sự bất tử của đời...

 

21/06/2017

 

Nguyễn Văn Thượng
Số lần đọc: 1440
Ngày đăng: 26.06.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trăng trên mỏ quạ - Tiểu Nguyệt
Kẻ lai vãng trước sân chùa - Phạm Nga
Chở ba dạo phố - Bùi Thanh Xuân
Hương gió đà thành - Phan Trang Hy
Trên triền nắng bến sông chờ... - Nguyễn Văn Thượng
Gợi nhớ một thời - Phan Văn Thạnh
Lê Sa Đà hòa âm cung bậc thân yêu - Tâm Nhiên
Tự tình Giêng - Hai - Mặc Phương Tử
Ước vọng & Tâm xuân - Mặc Phương Tử
29 tết ra ngồi cà phê quán chợ nhìn cuối năm - Vũ Dy
Cùng một tác giả