Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.465.974
 
Những Dời Đổi Địa Hình và Mối Hoài Cảm Thi Ca
Trần Văn Nam

 

(Cám ơn nhà thơ Thành Tôn đã cắt dán trình bày Tập thơ Trường Ca của tác-giả Trần Văn Nam (gồm 2 bài thơ trường ca và một bản dịch qua Anh ngữ). Anh Thành Tôn lại sưu tập cho vào thêm một bài trường ca thứ 3 của tác giả, nhan đề: “Những Dời Đổi Địa Hình và Mối Hoài Cảm Thi Ca”. Tảc giả nghĩ đó là một bài văn xuôi tùy-bút viết về những biển dâu địa-chất-học của Lịch Sử thành lập đất Việt ngàn triệu năm trước; lồng vào trong ấy 9 bài thơ lục-bát cảm hứng về địa-hình dời đổi, sáng tác từ năm 1976 đến 1979. Cám ơn nhà thơ đã cảm nhận đây là loại văn-bản có tính chất của một bài thơ trường ca - Trần Văn Nam)

***

Những hiểu biết về địa hình dâu biển của đất Việt kể lại dưới đây được viết theo trí nhớ dựa vào hai cuốn “Lịch Sử Thành Lập Đất Việt” của tác giả Trần Kim Thạch (xuất bản năm 1970) và “Thiên Nhiên Việt Nam” của tác giả Lê Bá Thảo (xuất bản năm 1977).

 

1/.Vào khoảng 25 triệu năm trước, Sông Hồng Sông Lô chảy trên một vùng núi cao gần 100m đối với vị trí mặt sông bây giờ. Đó là do sự bào mòn đào xới của dòng nước. Bây giờ đi trên sông, có những nơi vách đá dựng đứng.  Khoảng trống mà dòng sông đi ở giữa là toàn bộ khối đất đá bị đem hết ra biển dưới dạng phù sa sỏi cát:

 

Bầu Trời Hẻm Vực Sông Lô

 

Bầu trời hẻm vực trên sông

Hai bên vách đứng thuyền không có bờ

Đào sâu thung lũng bao giờ

Con sông xẻ núi réo chờ biển khơi

Sông Lô trăm thước ven trời

Bây giờ xuống thấp cho đời giao thương.

 

(Thơ làm năm 1979)

 

2/. Xa xôi hơn nữa, vào khoảng 250 triệu năm trước, khi vận động tạo núi Hi Mã Lạp Sơn do hai lục địa trôi giạt đụng vào nhau, ảnh hưởng giây chuyền của trận va chạm lục địa đã tạo ra các vùng núi non ở Bắc Việt, mạnh mẽ nhất là tạo ra cao nguyên Châu Mộc do địa hình trũng thấp hai bên sông Đà bị uốn cong lên thành những nếp gấp khổng lồ:

 

Đàn Bò Sữa Trên Châu Mộc

 

Vận động IN-ĐÔ-XI-NI

Kéo hai dãy núi chen ghì vào nhau

Trũng sâu uốn nếp chồm mau

Cao nguyên thành lập ngàn sau xanh rờn

Bây giờ trời đất cao hơn

Đàn bò sữa ngóng mây vờn thảo nguyên

Biển dâu cải biến lâm tuyền

Đồng chăn Châu Mộc trăng huyềnlên cao.

 

(Thơ làm năm 1978)

 

3/. Ca dao xưa có câu:“Lênh đênh qua cửa Thần Phù - Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.Đọc qua, ta có cảm nghĩ cửa Thần Phù là một vùng biển sâu đầy sóng gió. Xưa kia thì như vậy, ngày nay cửa Thần Phù không còn nữa. Cửa biển này bây giờ đã lùi sâu vào đất liền đến 8 cây số. Đó là do phù sa của các sông bồi lắng. Sự hình thành do phát triển dần Châu Thổ Bắc Việt đến nay vẫn còn đang tiếp diễn, phù sa bồi tụ lấn dần ra biển:

 

Qua Cánh Đồng Thần Phù

 

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Ngày xưa biển cả tuyệt mù sóng xanh

Bây giờ gió nội đồng quanh

Giật mình còn tưởng âm thanh biển trời

Biển bờ rút nước ra khơi

Phù sa bồi đắp tặng người thế gian.

 

(Thơ làm năm 1978)

 

4/. Phá Tam Giang ngày xưa cũng là nơi sóng dữ khó qua. Ca dao vẫn còn lưu truyền:“Yêu em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.  Phá Tam Giang là nơi ba cửa sông Ô Lâu đổ ra biển. Phá Tam Giang nằm lọt trong Phá Thuận An. Ngày xưa cửa phá nằm xa hơn về phía Nam. Năm 1897, một cơn bão dữ dội đem tới một đợt sóng thần đưa cát từ biển khơi về làm cửa Phá cũ bị lấp và một cửa Phá mới được thành hình ở Phía Bắc. Cửa Phá cũ bây giờ là một cồn cát cao chừng 5 mét, dài và rộng chừng một cây số. Cửa lấp ấy cũng đã được dân gian lưu truyền qua ca dao:“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn - Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”:

 

Phá Tam Giang Đã Cạn

 

Cách nay gần đúng trăm năm

Sóng thần từ biển xa xăm đổ về.

Sau cơn giông bão bốn bề

Những cồn cát chắn nặng nề giăng ngang

Bây giờ qua Phá Tam Giang

Ba sông lặng sóng nhắn chàng yên tâm.

 

 (Thơ làm năm 1979)

 

5/. Cam Ranh là một trong vài vịnh biển tốt nhất thế giới. Diện tích rộng gần 350 cây số vuông. Bán đảo Cam Ranh vươn dài ra biển 12 cây số. Vịnh biển được che chở bốn phía do núi dài vây bọc, chỉ thông ra biển bằng một eo biển.  Vịnh biển rộng mà lại sâu, được che chở bốn phía núi non, có thể chứa được cả một hạm đội lớn vào trú ẩn, dễ kiểm soát chống tàu ngầm và phi cơ đến tấn công. Biển trong vùng Vịnh rất yên lặng làm bồi tụ cát ở ven bờ, mà cát bồi tụ ở Cam Ranh là loại cát tốt nhất thế giới về độ tinh khiết cho chế tạo pha lê và kính quang học. Trữ lượng cát ở Cam Ranh lại rất lớn, có đến hàng trăm triệu tấn:

 

Sóng Biển Tắt Dần Trong Vịnh Cam Ranh

 

Mênh mang sóng biển tắt dần

Trùng khơi cát đến trắng ngần biển xanh

Núi ngoài vây bọc Cam Ranh

Vịnh trong bồi tụ những thành cát xây

Miên man trữ lượng sâu dầy

Cám ơn biển lớncho đầy tài nguyên.

 

(Thơ làm năm 1979)

 

6/. Vùng hạ lưu sông Đồng Nai quanh Hố Nai, Long Bình và Thủ Đức có những vùng đồi cao đến 100 mét, rất rộng, thoai thoải. Đó là các vùng phù sa cổ. Sông Đồng Nai nhỏ, không đủ sức tạo ra các vùng phù sa cổ ấy. Nên có thể chính sông Cửu Long thuở xa xưa đã chảy qua vùng này và tạo ra các bậc thềm phù sa ấy. Về sau, do vận động tạo núi ở Cam Bốt làm cho Nam Bộ sụt lún xuống thấp dần về vịnh Biển, do đó sông Cửu Long trượt dần về phía Nam ở vị trí bây giờ, từ giã vùng Biên Hòa nhưng vẫn còn lưu dấu là các vùng phù sa cổ rất cao rất rộng và những trũng thấp khép kín thường thấy ở Hậu Nghĩa, Tây Ninh và Biên Hòa:

 

Sông Cửu Long Từng Qua Sài Gòn

 

Biên Hòa đất gợn nhiều nơi

Do phù sa cổ tạo đồi lấp hang

Sài Gòn đổ nắng chói chang

Nước ngầm sông cũ tiềm tàng mộng xanh

Với di tích cổ lập thành

Ngày xưa Sông Mẹ đã quành qua đây

Nay sông dời xuống chân mây

Phù sa lớp lớp theo đầy dòng trôi

Lại xây đắp lại tô bồi

Cho miền Tây cũng đâm chồi trổ bông.

 

(Thơ làm năm 1978)

 

7/. Vùng Long Khánh hiện vẫn còn lưu dấu hơn một trăm núi lửa, hình dạng các hỏa sơn vẫn còn hiện rõ. Cách đây vài chục triệu năm, hơn 100 ngọn núi ấy đều hoạt động, lửa ngút trời, tro bụi mịt mù bao phủ. Ngày nay tất cả đều ngưng hoạt động, chỉ còn là những sóng đất im lìm, toàn vùng được trải đều bằng một lớp đất đỏ với bề dầy độ chừng 5-10 mét. Dưới 10 mét là các lớp đá do lửa lỏng từ các hỏa sơn chảy xuống và rắn lại, chưa bị tan rã thành đất đỏ:

 

Long Khánh Trong Mù Mịt Hỏa Diệm Sơn

 

Trăm núi lửa cháy bập bùng

Một trời tro bụi mịt mùng hỗn mang

Triệu năm sau, đất hóa vàng

Qua vùng Long Khánh xóm làng tịnh yên

Rừng cao su gió nổi rền

Nghe như thiên địa bồi đền tiêu vong.

 

(Thơ làm năm 1979)

 

8/. Thuở xa xưa, dãy Trường Sơn chỉ kéo dài đến Quảng Ngãi mà thôi, dưới nữa là biển. Biển đó mang tên là Vịnh Nam. Cát bụi phù sa do các dòng sông ở đất liền đổ vào Vịnh Nam, bồi tụ dưới đáy thềm lục địa, rồi do vận động tạo núi nâng lên thành những ngọn núi gọi là Trường Sơn Nam, và nối liền vào Trường Sơn Bắc làm thành hình dạng đất Việt như bây giờ:

 

Cát Bụi Làm Nên Trường Sơn Nam

 

Trường Sơn đến Quảng Ngãi thôi

Dưới nữa là biển sóng nhồi Vịnh Nam

Mưa mùa nước lũ sông lam

Sông mài đá núi xuống làm phù sa

Đất bùn tích tụ bao la

Chất thành dãy núi nhô ra biển trời

Nam Sơn từ đáy biển khơi

Nối vào muôn đỉnh Vạn đời Trường Sơn.

 

(Thơ làm năm 1976)

 

9/. Triệu triệu năm trước, núi Sam núi Sập ở vùng Châu Đốc Long Xuyên còn nằm sâu dưới lòng đất. Mưa gió bào mòn đất làm trồi lên các ngọn núi đó:

 

Gió Mưa Mài Mòn Châu Đốc

 

Đất xưa thẳng tắp chân trời

Núi vùng Châu Đốc một thời có đâu

Dưới lòng đất, núi vùi sâu

Gió mưa mài mặt địa cầu vạn niên

Trồi lên mặt phẳng bưng biền

Núi Sam núi Sập vào miền nhân gian.

 

(Thơ làm năm 1976)

 

 

(Trích nơi cuốn sách “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam-Phân Định Thi ca Hải Ngoại”, từ trang 115. Sách xuất bản năm 2006 tại California)

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 1455
Ngày đăng: 04.05.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhờ có sai lầm mà Yến Lan được nhắc tới - Lâm Bích Thủy
Vài ý nghĩ vụn về chuyện làm văn - Võ Công Liêm
"Bàn tay nhỏ dưới mưa" tiểu thuyết của Trương Văn Dân - Hoài Huyền Thanh
Đông - Juan thời hiện đại - Đặng Xuân Xuyến
Thơ và Thủ pháp Ẩn dụ - tâm linh - Yến Nhi
Augustin, Kaddour, Meursault - Hiếu Tân
Tác giả của huyền thoại - Võ Công Liêm
Tình yêu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc nhìn nữ quyền luận - Cao Thị Hồng
Câu chuyện Nguyễn Du đi hát phường vải từ giai thoại dân gian đến "Huyền thoại" khoa học - Phạm Quang Ái
Cây chuối xuân "Độc sáng" trên dòng chảy của văn học so sánh - Chế Diễm Trâm
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)