Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
575
115.984.507
 
Truyện Lục Vân Tiên với tranh minh họa đã bị lãng quên 120 năm tại Pháp
Vương Kiều

 

 

 

          

          Năm 1883 dịch giả Abel des Michels đã dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp với tựa đề “ Histoires de Luc Van Tien “[Lục Vân Tiên- Cổ Tích Truyện]. Và qua bản dịch nầy, Đại úy Eugène Gilbert, lúc ấy là Phó Đề Đốc Hải Quân Pháp, đang làm nhiệm vụ tại Huế, đã say mê tinh thần trung hiếu – nghĩa khí của Lục Vân Tiên và tình yêu thủy chung của Kiều Nguyệt Nga, nên đã không ngại hoài công tìm cho được một họa sĩ có tài thể hiện được toàn bộ vẻ đẹp của tác phẩm qua màu sắc minh họa. Họa sĩ ấy tên là Lê Đức Trạch, đang làm việc tại “ Ban Thư Lại Chế Họa Đồ Thức “ chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế. Điều thú vị là Đại Úy Eugène Gilbert sợ họa sĩ Trạch không hoàn thành nổi minh họa cho tác tác phẩm nên ông nhờ thêm một họa sĩ khác vẽ nữa. Vậy là Lục Vân Tiên qua bao cuộc bể dâu của thế sự vẫn rung động lòng người khắp bốn phương. Và truyện Lục Vân Tiên có tới hai bản minh họa đã bị bỏ quên hơn một thế kỷ tại Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương thuộc Viện Pháp [ Académie des Inscriptions et Belles-Lettres-Institut de France ].

      Dưới đây là bài phỏng vấn của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp [RFI][ phát vào ngày thứ 6 – 11/11/2016] với nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux ở Trường Cao Đẳng Thực Hành – Ephe, người đã cùng Olivier Tessier [Viện Viễn Đông Bác Cổ-EFEO] biên tập và in ấn, được Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành vào tháng 4/2016.

 

      RFI : Thưa nhà nghiên cứu Pascal Bourdeax, có thể nói Lục Vân Tiên Cổ Tích Truyện có minh họa là bản thảo minh họa màu đẹp nhất và sống động nhất tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu và cũng có thể nói, tự thân bản thảo nầy đã là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vậy tại sao phải chờ đến 120 năm sau độc giả mới được chiêm ngưỡng tác phẩm nầy ?

      Pascal Bourdeaux : Để trả lời câu hỏi nầy, có thể nói : “ Có Trời mà biết “, cũng có thể nói, đã có một cơ hội đặc biệt, khi có một người Việt Nam đến Pháp, được mời đến Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp để có thể tìm lại bản thảo nầy, đúng là được “ ngủ “ hơn 100 năm trong kho tài liệu cũ của viện nầy. Người đó là giáo sư Phan Huy Lê được mời đến Paris và đoàn đi theo giáo sư đã rất may mắn tìm được tài liệu nầy. Cô phụ trách thư viện của Viện đã mở “ fond “ và đã cho xem một số tài liệu rất quý và rất cũ của Việt Nam, trong đó có bản thảo nầy chưa được ai biết.

      Vì vậy chúng tôi thấy cần phải công bố tác phẩm nầy, và vì đúng thời điểm đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ mở văn phòng đại diện tại TP – Hồ Chí Minh nên chúng tôi quyết định biến công việc nầy thành biểu tượng cho hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong ngành xã hội nhân văn. Nói một cách khác, công việc xuất bản và công bố tác phẩm nầy là bước đầu tiên của quá trình hợp tác và nghiên cứu mà chúng tôi hy vọng là bền lâu giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là với miền nam Việt Nam.

      RFI : Ông có thể cho biết về nguồn gốc tác phẩm minh họa Lục Vân Tiên nầy của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ?

      Pascal Bourdeax : Vào khoảng năm 1895 – 1897, một nho sĩ của triều đình Huế, tên là Lê Đức Trạch, còn gọi là Thó đã minh họa Lục Vân Tiên cổ tích truyện theo yêu cầu của một người Pháp, một sĩ quan hải quân đang làm nhiệm vụ tại Huế. Ông khám phá ra Lục Vân Tiên nhờ bản dịch sang tiếng Pháp năm 1883 của Abel des Michels. Đại úy

Eugène Gilbert rất mê truyện thơ nầy và đã đề xuất với “ Thư Lại Chế Họa Đồ Thức “ [một viên chức làm việc trong cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế] tự do thể hiện tác phẩm theo cảm hứng của họa sĩ. Khi tác phẩm hoàn thành, những bức tranh mà chúng ta thấy là sự thể hiện theo đúng phong cách Việt Nam một cách sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam theo yêu cầu của một người Pháp.

      Một trong những điểm đặc biệt là không phải chỉ có một, mà có hai họa sĩ vẽ minh họa tác phẩm nầy. Vì lo ngại họa sĩ đầu tiên Lê Đức Trạch không hoàn thành được toàn bộ khối lượng công việc nên Eugène Gilbert đã đề xuất một họa sĩ khác tiếp tục công việc. Có thể nói đó là một kiểu cạnh tranh giữa hai họa sĩ. Thế nhưng Lê Đức Trạch đã hoàn thành công việc. Trong tác phẩm chúng ta có thể chiêm ngưỡng được năm bản vẽ xuất hiện ở phần cuối tác phẩm do nghệ sĩ thứ hai thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng cho phép so sánh công việc của hai họa sĩ.

      RFI : Xuất phát là bản thảo bằng chữ Nôm, tác phẩm Lục Vân Tiên Cổ Tích Truyện do Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hành, lại được in bằng ba thứ tiếng [ Việt-Pháp-Anh] ông có thể giải thích một chút quá trình biên tập và phát hành, tác phẩm đã được thực hiện như thế nào ?

      Pascal Bourdeaux : Toàn bộ công việc mất khoảng năm năm, tính từ lúc phát hiện ra bản thảo vào tháng 9/2011 đến lúc phát hành vào tháng 4/2016, chúng tôi đã làm việc dựa trên bản chữ Nôm được chép trên các bản vẽ và bản dịch sang tiếng Pháp của Abel des Michels năm 1883. Thực ra trước bản dịch của Abel des Michels đã có hai bản dịch khác và tính đến nay đã có tám bản dịch sang tiếng Pháp. Điều nầy thực là đặc biệt.

      Chúng tôi cố gắng tôn trọng bản gốc của Abel des Michels, nhưng có sửa một số lỗi vì chữ quốc ngữ trong bản dịch thời kỳ đó lại có nhiều phương ngữ miền nam Việt Nam vào thế kỷ 19 vẫn chưa đồng nhất như hiện nay.

      Nhận thấy giá trị thẩm mỹ và thị giác của bản thảo, chúng tôi quyết định dịch sang cả tiếng Anh để những người không biết tiếng Pháp hay tiếng Việt có thể thưởng thức. Việc dịch sang tiếng Anh được dựa trên văn bản tiếng Pháp. Dĩ nhiên việc nầy sẽ đặt câu hỏi về tính khoa học nhưng chúng tôi đã giải thích rõ nguyện vọng là đưa ra một bản tiếng Anh sát với bản gốc nhất. Vì vậy chúng tôi chú giải các bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Pháp cũng như thêm vào các lời giải thích.

      RFI : Có thể nói là Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn có những tiêu chí rất cao về chất lượng của một ấn phẩm vừa về nội dung và kỹ thuật. Đây có phải là một trong những lý do mà tác phẩm Lục Vân Tiên được xuất bản tại Viện Viễn Đông Bác Cổ - EFEO ?

      Pascal Bourdeax : Đúng vậy, điều mà chúng tôi muốn là làm cho công việc nghiên cứu và quá trình kỹ thuật, bản thảo đẹp đến nỗi buộc chúng tôi cố gắng làm mọi việc một cách chính xác, tỉ mỉ để sao phóng như bản gốc [fac-similé]. Chúng tôi mong là khi cầm tác phẩm trong tay, độc giả tưởng như là đang được cầm bản gốc. Chính vì vậy, kỹ thuật hiệu chỉnh màu và tất cả công việc liên quan đến kỹ thuật chụp ảnh, khắc hình chuyên nghiệp đã cho phép chúng tôi gần như giữ nguyên màu sắc của bản thảo.

      Phải nói đây là một điều may mắn, vì trong vòng một thế kỷ không một ai đụng đến tác phẩm nầy, vì thế mọi sắc tố, màu sắc vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó chúng tôi đã in theo gần đúng khổ của bản thảo, chỉ lệch 5%. Cuối cùng chúng tôi đã làm việc với một nhà in chuyên in về loại tác phẩm như vậy để có được tác phẩm hoàn thiện nhất và giống với bản gốc nhất.

Để thay lời kết, trong lời nói đầu [trang 2] của Lục Vân Tiên, giáo sư sử học Phan Huy Lê đã nhận xét “ Đây là truyện tiếng Nôm đầu tiên được minh họa đầy đủ đến như vậy. Tôi có cảm nhận bước đầu là những tranh vẽ nầy mang ảnh hưởng hay có nguồn gốc từ tranh nhân gian Việt Nam, nhất là dòng tranh Đông Hồ [Thuận Thành – Bắc Ninh]. Vấn đề cần nghiên cứu, so sánh cụ thể, nhưng rõ ràng đây là một nguồn tư liệu quý, mở ra khả năng nghiên cứu nghệ thuật minh họa so sánh nguồn gốc và phong cách nghệ thuật của nó.

 

                                                                                      VƯƠNG  KIỀU lược thuật

Minh họa của họa sĩ Lê Đức Trạch 

Vương Kiều
Số lần đọc: 2535
Ngày đăng: 03.12.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặng Thơ Thơ, không có biên độ giữa thực và hư - Đặng Phú Phong
Phỏng vấn về Nguyễn Viện - Bùi Hoằng Vị
Phút giây nhìn lại… - Nguyễn Hòa vcv
TRÒ CHUYỆN VỚI "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" - Trần Trung Sáng
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Đặng Phú Phong
Nói chuyện với suối hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên(*) - Đinh Cường
Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật - Nhật Chiêu
Sự Đau Khổ Của Những Người Vô Tội - Nguyễn Hồng Nhung
ÁNH SÁNG TRÁI TIM VÀ NHAN SẮC CỦA GIỌT LỆ TRÊN MI NGƯỜI THIẾU NỮ - Nguyễn Hàng Tình
Những giai thoại lý thú về Hemingway - Nguyễn Thị Hải Hà
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)