Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
516
115.970.669
 
Tản mạn về nghĩa của "mực tàu" 墨艚 (phần 2)
Nhiều Tác Giả

 

 

Nguyễn Cung Thông[1]

Phan Anh Dũng[2]

 

Tiếp theo bài 1 "Tản mạn về nghĩa của mực tàu", phần này (bài 2) bàn sâu hơn về phạm trù nghĩa của mực và tàu qua các văn bản Hán Nôm với lăng kính văn hóa và ngôn ngữ mở rộng. Dựa vào các dữ kiện từ văn bản Hán Nôm, phạm trù nghĩa của mực (tiếng Việt) và tàu (tiếng Việt) đã từng có nhiều nét nghĩa mà hầu như ngày nay ít ai biết đến, hay chỉ còn vết tích trong một số từ kép. Một khuyết điểm của chữ La Tinh (chữ quốc ngữ) cũng có thể dễ dàng nhận ra khi mực chỉ mực viết, ghi bằng chữ Hán  墨 mặc bộ thổ, so với mực là dây ghi bằng chữ Hán 纆 mặc bộ mịch. Chữ mặc bộ thổ có tần số dùng là 25920 trên 434717750 so với chữ mặc bộ mịch (dây) có tần số dùng là 39 trên 237243358 (chữ hiếm). Cách ghi âm tiếng TQ hiện đại trong các bài này dựa vào hệ thống pinyin (Bính Âm) phổ thông hiện nay. Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), PGTN (Phép Giảng Tám Ngày), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/1931/1954), HV (Hán Việt), Trung Quốc (TQ), BK (Bắc Kinh), tiếng Pháp (P.), tiếng Anh (A.). Phần này có trọng tâm là nêu ra các liên hệ ngữ âm nhưng không nhất thiết xác định nguồn gốc (Việt cổ hay Hán cổ …) của các trường hợp này.

1. Quá trình tiến hóa tự nhiên từ cụ thể sang trừu tượng trong ngôn ngữ

Nhìn rộng ra các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh/Pháp có từ line (ligne P.) chỉ đường thẳng, dây và có gốc từ tiếng La Tinh linea nghĩa là sợi dây (thằng HV). Thời Trung Cổ, line tiếng Anh còn là dây để đo khi xây nhà hay mức độ, cho thấy văn hóa phương Tây phần nào triển khai từ khái niệm thẳng qua dây (đo):

on the right lines (đúng đường) hàm ý đúng hướng, đúng luật so với out of line (ra khỏi đường) hàm ý không đúng phép tắc

come of a good line sinh ra từ dòng (đường) tốt - con dòng cháu giống

official line đường lối chính thức (chính sách)

fall into line ngã /rơi (đi) vào đường chính, theo đúng (làm theo) lề lối

front line đường (tuyến) đầu, mặt trận

on the line trong tình trạng cân bằng (đường thẳng), trong tình trạng nguy hiểm

...

Trong thế giới điện toán ngày nay, line còn có nghĩa là đường dây điện (thoại) hay mạng (Internet) . Càng ngày càng nhiều hoạt động online (dùng mạng/Internet) như tra cứu, viết bài, mua sắm, liên lạc trực tiếp (Skype), học hành, đọc báo, nghe nhạc ...

bad line  đường dây không tốt so với good line (đường dây nối tốt, tín hiệu rõ)

offline (hors ligne P.) ra khỏi đường dây, không có nối đường dây - giới công nghệ thông tin trong nước thường dùng từ “gặp gỡ offline” để chỉ việc gặp mặt trực tiếp, không qua mạng

online (en ligne P.) dùng mạng/trên mạng như online bank là ngân hàng trên mạng

...v.v...

 Trong khi đó văn hóa Á Đông lại hỗn hợp mực và dây đo (trong cách dùng thằng1 mực 繩墨 so với chừng mực tiếng Việt) để dẫn đến khái niệm quy củ2, lề lối, pháp luật. Mực đã chiếm vai trò chủ động (so với dây thẳng) trong các cách dùng giữ mực, ra mực, cầm mực, coi mực, mực mẹo (mực hàm ý lề lối, phép tắc), có mực (không phải là có mực viết mà có nghĩa là có lề lối/ quy tắc) … Tiếng Việt từng dùng nhiều từ kép dùng mực chỉ thể thức, khuôn phép mà bây giờ ít thấy dùng nữa, vết tích còn lại trong cách dùng chỉ trạng thái như rất mực3, một mực. Trong khuynh hướng phát triển trên, văn hóa Tây phương đã dùng những từ khác nhau để chỉ mực nước: như level (tiếng Anh) và niveau (tiếng Pháp), đều có nguồn gốc La Tinh libra (cái cân, hàm ý thăng bằng). Khuynh hướng mở rộng nghĩa từ cụ thể đến trừu tượng còn thấy trong tiếng Anh: như chữ law (pháp luật) có gốc Ấn Âu *legh nghĩa là đặt xuống, để xuống (có tính chất cố định,không thay đổi) và các từ liên hệ là lay lie (nằm xuống) và law (pháp luật). Luật lệ tiếng Anh còn là là rule (règle P.) có gốc là tiếng La Tinh regula: nghĩa là cây gậy thẳng, thước kẻ ... Trong truyền thống Hán văn, mặc (mực viết) mở rộng nghĩa để chỉ văn chương, màu đen và tham ô (tiêu cực) như mặc lại 墨吏 là quan chức tham ô (Tả Truyện). Quá trình mở rộng nghĩa trong tiếng Việt lại khác hẳn, mực hàm ý quy củ, khuôn phép (tích cực), theo lề lối - phù hợp với nét nghĩa mực là dây (đường thẳng) viết bằng bộ mịch. Điều này cũng phần nào cho thấy một khuyết điểm của con chữ La Tinh so với loại chữ ô vuông (Nho): không phân biệt được rõ nguồn chính xác của từ mực. Do đó ta thường gặp các từ kép như thằng mặc, mặc xích (mực thước) ... để làm rõ nghĩa mặc (mực) hơn. Vấn đề trở nên phức tạp khi mực bộ thổ (mực viết) từng được dùng như mực (dây) bộ mịch, ghi nhận trong tác phẩm Giải Trào 解嘲 của học giả Dương Hùng 揚雄 (53 TCN - 18 SCN). Có thể vì khả năng lẫn lộn trên mà tiếng Việt sau này đã thêm từ mức (thanh sắc - so với mực thanh nặng - td. quá mức) để chỉ mức độ, trùng hợp với  dạng mức là một loại cây có gỗ mịn dùng để làm con dấu.

2. “Mực tàu có hiệu đốc thằng thẳng ngay”

Câu trên trích từ Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa - bản chụp lại từ trang 334 cuốn "TỪ ĐIỂN SONG NGỮ HÁN VIỆT: CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA" (CNNAGN) của TS Hoàng Thị Ngọ (NXB Văn Học 7/2016).

Để ý chữ Nôm mực (mặc)     trong CNNAGN là dị thể hiện diện thời nhà Tống (960-1279), một điểm đáng được đào sâu để tìm hiểu thêm chính xác thời điểm CNNAGN ra đời, nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.

Khái niệm thẳng (ngay) ghi khá rõ trong CNNAGN, cũng như VBL nhắc đến dụng cụ kẻ đường thẳng trên gỗ (trang 728). Đốc thằng4 trong CNNAGN (mực tàu có hiệu đốc thằng thẳng ngay) lại được Ngũ Thiên Tự5 ghi rõ là dây tàu, rất phù hợp với nghĩa mực ghi bằng bộ mịch (nghĩa là dây) và tàu là dụng cụ đựng mực hình giống chiếc tàu. Ý này còn được bảo lưu qua thành ngữ "Thẳng mực tàu đau lòng gỗ" (Béhaine/Taberd 1772/1838, Huỳnh Tịnh Của/1895, Génibrel/1899). Vì đã ghi nghĩa của mực Tàu vào thời mình là encre de Chine, LM Gustave Hue/1937 cảm thấy quan tâm đến nghĩa của "mực tàu" trong thành ngữ trên nên mở ngoặc chua thêm dây đo (du cordeau)! Đáng chú ý là thành ngữ trên chỉ còn 6 chữ "mực thẳng mất lòng (cây) gỗ cong" (VNTĐ/1931/1954), chữ tàu đã biến mất nhưng nội dung không thay đổi: điều này cho thấy mực đóng vai trò chủ chốt trong cụm từ mực tàu. Các dị bản của thành ngữ trên: cây vạy ghét mực tàu ngay, dây mực mất lòng cây gỗ cong ...v.v... Học giả Trương Vĩnh Ký (1886) thì ghi rõ ràng hơn

Cordeau sm. dây giăng mức, dây đo, mực tàu

Génibrel (1899) cũng ghi nghĩa của kéo mực

Tirer le cordeau, tracer une ligne  (kéo dây đo, kẻ đường thẳng) (Génibrel - trang 470)

Cần chú ý là vào thời Béhaine (1772) đến thời Taberd (1838) "mực tàu" vẫn còn hai nghĩa chính

 

amussis, atramentum sinicum

amussis là dây đo, thước kẻ (thẳng) và atramentum (mực) sinicum (Trung Hoa)

 

Nét nghĩa cổ hơn (dây đo) ăn khớp hoàn toàn với định nghĩa của mực tàu trong CNNAGN và VBL. Không phải ngẫu nhiên mà CNNAGN lại xếp mực tàu vào mục dụng cụ thợ mộc (Mộc công bộ đệ thập bát) và Ngũ Thiên Tự xếp đốc thằng vào mục Công (Phụ công khí - đệ cửu tiết). Trong đó liệt kê các đồ nghề của thợ mộc như bay, bào, đục, khoan, cưa ... và dĩ nhiên mực tàu. Cũng nên thêm ở đây là thành ngữ bốn chữ "Văn phòng tứ bảo" 文房四寶 hiện diện thời Nam Bắc Triều (420-589) hay là bút, mực, giấy và nghiên. Mực (viết) là một trong bốn đồ quý của làng văn, chứ không phải của thợ mộc. Sau khi phân tích chữ mực, chúng ta hãy xem lại chữ tàu.

3. Tàu không có nghĩa là người/nước Trung Hoa vào thời CNNAGN và VBL

Khi viết về thoi mực, LM de Rhodes không ngần ngại ghi là thoi (thỏi) mực của Tàu (TQ, VBL trang 774), nhưng khi viết về mực tàu thì ông lại không nhắc đến TQ. Một lý do dễ hiểu là tàu trong mực tàu, theo cách tiếp cận ngôn ngữ sắc sảo của de Rhodes, vào thời kỳ bấy giờ không có nghĩa đó. Các cách dùng tàu trong CNNAGN và VBL đều không có ý chỉ người Tàu (Trung Quốc) hay nước Tàu (theo kiểu hiểu ngày nay). Thí dụ như

 

Tức bát cả thay tàu Ngô (CNNAGN - Chu xa bộ đệ thập nhị)

...

Tàu voi có hiệu tượng tàu (CNNAGN - Cung thất bộ đệ thập nhất)

...v.v...

Để chỉ nước hay người Trung Hoa, VBL đã dùng các từ:

- Ngô (nước Ngô, thằng Ngô, bí Ngô - cũng hiện diện trong CNNAGN)

- Đại Minh (không thấy dùng Đại Thanh trong các tác phẩm còn để lại của de Rhodes)

- Nhà Hán (Xem thêm bài 1 về hiện tượng tên người/nước TQ gia tăng bội phần trong từ điển Béhaine/Taberd, Huỳnh Tịnh Của từ thời VBL)

Vấn đề sẽ sáng tỏ phần nào hơn khi xem sự khác biệt của cách dùng mực tàutàu mực, như học giả Génibrel ghi lại trong nét nghĩa thứ 5 trong 7 nét nghĩa được liệt kê:

        Một phần trang 730 "Dictionnaire annamite français" của Génibrel (1899)

Tóm lại, các dữ kiện từ CNNAGN và VBL/PGTN, cũng như từ các cách ghi nhận của Béhaine/Taberd và các học giả gần đây hơn như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Génibrel đều cho thấy mực tàu không chỉ có nghĩa là mực (viết) của người Tàu (TQ) như cách hiểu hiện đại. Mực và tàu có phạm trù nghĩa rộng (xem bài 1), nghĩa dây đo (kẻ đường thẳng của thợ mộc) của mực tàu đã mai một - phản ánh quá trình tiến hóa tự nhiên của ngôn ngữ - luôn thay đổi và mang theo phần nào dấu ấn của lịch sử. Cách gọi người TQ là Hán, Đường, Ngô, Đại Minh, Đại Thanh và khách, chệc, tàu, xẩm ... cho thấy vết tích trong ngôn ngữ của nhiều đợt giao lưu theo thời gian, đặc biệt là giai đoạn cuối cùng của quá trình Nam Tiến trong lịch sử mở nước và giữ nước của dân tộc ta.

4. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của - NXB Sài Gòn 1895),  Dictionnaire annamite français  của Génibrel (1899),       Dictionarium Anamitico Latinum (Béhaine…Taberd  1773…1838), Petit dictionnaire francais annamite của  J. B. P Trương Vĩnh Ký - NXB Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1884 (Sài Gòn), cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La) in lại bởi NXB Khoa Học Xã Hội (1991); có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn (xem thêm phụ chú 2) http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Người đọc cần tham khảo cuốn "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" do TS Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải - NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 1985). Ngoài ra, để cho liên tục và rõ ý, bạn đọc có thể xem bài viết “Tản mạn về nghĩa của mực tàu  墨艚 (phần 1) trang này chẳng hạn http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm ...v.v...

1) Chữ thằng 繩 (thanh mẫu thuyền 船 vận mẫu chưng 蒸 bình/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

食陵切 thực lăng thiết (TVGT, QV)

神陵反 thần lăng phản (NTLQ 玉篇零卷, LKTG)

神氷反 thần băng phản (NTLQ 玉篇零卷)

神仍反 thần nhưng phản (LKTG) (A)

市并切 thị tịnh thiết (NT, TTTH)

神陵切,音乗 thần lăng thiết, âm thặng/thừa (TV, VH, LT, CV)

以證切,音孕 dĩ chứng thiết, âm dựng (TV, LT, TVi) (A)

弭盡切,音泯 nhị tận thiết, âm mẫn (TV, LT)

石證切,音乗 thạch chứng thiết, âm thặng/thừa (TV, LT) (A)

乗融切 thăng dung thiết (VB)

時征切,音成 thì chính thiết, âm thành (TVi)

神融切, 音崇 thần dung thiết, âm sùng (TVi)

TNAV ghi thanh mẫu 審 thẩm, vận bộ 庚青 canh thanh - dương bình

CV ghi cùng vần 庚 繩 澠 譝 憴 (canh, thằng) - bình thanh

CV cũng ghi cùng vần 孕 繩 鱦 媵 (dựng thằng dắng)- khứ thanh

湥人切,音神 thốc nhân thiết, âm thần (CTT)  ...v.v...

Giọng BK bây giờ là shéng, mǐn, yìng, shèng so với giọng Quảng Đông sing4 sing2 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] shun3 [沙头角腔] sin2 [客英字典] shin2 shun2 [海陆丰腔] shin2 [梅县腔] shun2 shin2 [台湾四县腔] siin2 [东莞腔] sin2 [宝安腔] sin2 [客语拼音字汇] sin2, tiếng Nhật là jou bin you và tiếng Hàn là sung. Các cách đọc phiên thiết của thằng (A) cho thấy khả năng thằng đọc thành thừng mà vết tích còn trong cách dùng dây thừng (so với thăng ~ thưng, mặc ~ mực …). Một điểm đáng ghi nhận là QV/LKTG/NT/TTTH/TVi ghi nghĩa của thằng là 直也 trực dã (so với thí dụ ở phần trên về nghĩa của chữ line tiếng Anh).

2)  Quy củ  規矩  khuôn tròn và thước vuông, nghĩa mở rộng chỉ mẫu mực, khuôn phép (từng dùng trong Lễ Thư - Lễ Kí)

3)  Alexandre de Rhodes (1651) Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (thường gọi là từ điển Việt Bồ La) bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội (1991). LM de Rhodes cũng viết cuốn Phép Giảng Tám Ngày (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum - 1651), trong đó "rất mực" được dùng 10 lần như "có mẹ nào khi đói rất mực" (các trang 259, 155, 157, 190, 245, 231, 221, 218, 216, 201) , ‘quá mực’ (trang 217) Tuy nhiên VBL chỉ ghi nét nghĩa mực (viết – VBL trang 488) và mực tàu để kẻ đường thẳng (VBL trang728) và ghi "rứt mực" (VBL - trang 664).

4) Thằng đốc 繩督 từng có nghĩa là thẳng thắng, hiện diện trong tác phẩm Tân Đường Thư (Vương Quân Khuếch truyện) của Âu Dương Tu (1007-1072) và thời Minh có Trầm Đức Phù (1578-1642) cũng dùng cụm từ này. Cụm từ đốc thằng trong CNNAGN là một chỉ dấu cần tìm hiểu thêm để xác định thời điểm CNNAGN xuất hiện.

5)  Vũ Văn Kính/Khổng Đức biên soạn (2002) Ngũ Thiên Tự - NXB Văn Hóa Thông Tin, Thành Phố HCM. Trang 24 ghi đốc thằng - dây tầu



[1] Nhà nghiên cứu, Melbourne, Úc.

[2] Kỹ sư, chuyên viên nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế, Việt Nam

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 1975
Ngày đăng: 19.11.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một hướng mới tiếp cận hiện thực của Đạo diễn Đặng Nhật Minh - Nguyễn Anh Tuấn
Văn chương và con người - Võ Công Liêm
Bùi Hữu Nghĩa - Rồng vàng Đồng Nai - Nguyễn Thanh
Trương Vĩnh Ký và Gia Định Báo - Trần Xuân Tiến
Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa - thưởng thức ly vang ý thượng hạng! - Vũ Thu Hoài
Hội Nghị Những Người Viết Văn Trẻ Toàn Quốc Lần IX Vẫn Chưa Nhập Cuộc Với Các Trào Lưu Văn Học Hiện Nay - Lê Hưng Tiến
Nho giáo Korea qua tiểu thuyết "Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan" - Trần Xuân Tiến
Sứ điệp văn hóa nơi cuộc sống tha hương - Nguyễn Đăng Trúc
Kính gửi cụ Nguyễn Du "nhân dịp về Hà Tĩnh vào ngày Giỗ lần thứ 196 của đại thi hào (10.8 ÂL) - Nguyễn Anh Tuấn
Lữ Kiều của Huế và một thời Ý Thức. - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)