Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
606
116.600.506
 
Giới thiệu tác giả, tác phẩm (3) - Nguyên Minh
Từ Sâm

 

 

 

Nguyên Minh, tên thật: Nguyễn Chí Minh

Nguyên Quán: Huế, sinh năm 1941 tại Phan Rang

Chủ trương Tạp Chí Ý Thức – Sài Gòn 1970

 

Tác phẩm: Đám Tang đa đa (Ý Thức – 1972), Căn Nhà Hoang (Tập truyện – 2000),Tưởng Chừng Đã Quên (NXB Thanh Niên – 2007), Ngôi Nhà Số 11 (NXB Thanh Niên – 2009),  vv…

 

Chủ biên tập san Quán Văn (ra hàng tháng từ 2011 - NXB Thanh niên, NXB HNV)  đến nay đã gần 40 số.

 

 

Nha Trang. Hè 2010. Tại nhà tôi. Anh Nguyễn Hòa vcv chủ biên vanchuongviet.org, Nhà văn(NV) Trương Văn Dân (từ Ý về), Nhà thơ Trần Hồ Thúy Hằng (từ Sài Gòn ra), Nhà thơ Uyên Nguyên (từ Úc về). Dịch giả Hiếu Tân (từ Vũng Tàu ra), NV Khuất Đẩu (từ Ninh Hòa vào). Đặc biệt có NV Nguyên Minh (từ Sài Gòn ra).

 

Trừ Trần Hồ Thúy Hằng là em út, còn lại là những bậc đàn anh về tuổi tác và nghề nghiệp của tôi.

 

Anh Nguyên Minh người thấp nhỏ, hành trang là túi vải học sinh màu cháo lòng. Hai bộ đồ, không khăn mặt, không bàn chải đánh răng.

 

Nhà chật. Nhưng mọi người quyết tâm bám trụ căn phòng trên lầu như gác chim. Kẻ nằm giường, người nằm sàn, người dựa lưng vào tường và…thức.

 

Anh Nguyên Minh đưa ý tưởng làm tập san Quán Văn. Hầu như ai cũng hưởng ứng bằng tinh thấn. Nhưng không giấu được ánh mắt lo lắng. Các tạp chí hàng chục biên chế ăn lương nhà nước mà làm ra không phát hành được. Liệu có trụ nổi mươi số không?.

 

Rồi vài lần nữa anh ra Nha Trang, và tôi đã đã hình dung đứa con anh đang thai nghén đang lớn dần lên chờ ngày trở dạ.

 

Tôi thích những sự khác biệt. Anh thường ngày ít nói, rất ít nói. Anh như trái tim, bình thường nhịp đập khe khẽ, nhưng khi đã có cảm hứng về tình yêu thì dâng đầy cảm xúc, nhộn nhịp không ngưng nghỉ.

Một người như bị bỏ quên trong trong sự náo nhiệt của diễn thuyết. Một sự lặng im như cơn bão đang hình thành từ áp thâp.

 

Một sự  tĩnh lặng của biển đang sóng lừng. Sóng chao đảo tàu thuyền nhưng   không có gió. Sóng từ đáy biển cuộn lên.

 

Anh là thế.

 

Mới 29 tuổi anh đã cùng nhóm bạn chủ trương tạp chí Ý Thức. Anh viết bài, đặt nhà in và hì hục…phát hành.

Tôi chưa được may mắn đọc những trang viết của anh khi Ý Thức khuấy động một thời văn học miền Nam.

 

Xin trich mọt đoạn hồi ức của anh,

 

“Đầu tiên, tại Huế vào năm 1957, vào thời ấy ở Huế thường có những nhóm văn thơ tập trung chín mười anh em, tuổi chưa tới hai mươi, thường là những học sinh, sinh viên, như nhóm Thiên Thanh, Hai Mươi, v.v… Nhóm chúng tôi được mang tên Gió Mai. Gồm có Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Hoài Linh, Thùy Linh (Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ), Hồ Thủy Giũ, Nguyên Thạnh (Nguyễn Mậu Hưng), Thiên Nhất Phương (Châu văn Thuận), Nguyên Minh. Hồ Thanh Ngạn… Hàng tháng ra một số báo, bài vở tác giả tự viết tay, tập trung lại đóng thành một tập duy nhất, rồi truyền tay nhau mà đọc. Thỉnh thoảng ra một vài tập thơ của từng tác giả như U Hoài thơ của Lữ Kiều, Thác Loạn của Lữ Quỳnh, Những Người Cùng Đi tuyển tập thơ của nhiều tác giả. Tuyển tập thơ văn Gió Mai, in ronéo. Hết bậc trung học ở trường Quốc Học, anh em bắt đầu tản mác. Lữ Kiều, Nguyên Thạnh vào Sài Gòn học Y Khoa, Thùy Linh, Hồ Thủy Giũ, Nguyên Minh vào Sư Phạm Qui Nhơn, Lữ Quỳnh, Hồ Thanh Ngạn nhập ngũ, ở Huế chỉ còn Châu văn Thuận vào Đại học Sư phạm. Từ đó Gió Mai không ra báo thường xuyên. Tại Qui Nhơn, Thùy Linh, Nguyên Minh, Hồ Thủy Giũ, cùng bài vở của anh em trong nhóm từ xa gởi về làm một số Gió Mai tha hương, Chủ biên: Thùy Linh (Trần Hữu Ngũ).

 

Năm 1967, tại Phan Rang, khi Ngy Hữu và Nguyên Minh về dạy học tại đó, tập họp bài vở anh em trong nhóm ở xa làm một số Xuân Gió Mai, in roneo, khô 21x30. Đến năm 1969, Gió Mai mở rộng và đổi tên là Ý Thức, hai tháng ra một số báo, in ronéo. Lúc này, nhóm chủ trương có thêm Trần Hữu Lục, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc). Tòa soạn : Theo chân người viết. Thực ra là 11 Nguyễn Thái Học. Phan Rang. Báo ra được 6 số thì dọn vào Sài Gòn, ra chính thức Bán nguyệt san văn học nghệ thuật, in Typô rồi đến Offset, phát hành rộng rãi toàn quốc. Tòa soạn đặt tại 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Chủ nhiệm trên pháp lý là Dược Sĩ Nguyễn thị Yến, một người bạn gái của Nguyên Minh, không biết gì về văn chương, trên thực tế là Nguyên Minh với chức danh trên giấy phép do Bộ Thông Tin cấp là Tổng Thư Ký. Tại tòa soạn, những số báo đầu tiên có Thái Ngọc San, Nguyễn Mai phụ tá, sau đó có Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương vào giúp sức với Nguyên Minh. Báo ra 24 số thì tạm đình bản. Đầu năm 1975, Ý Thức ra bộ mới do Lữ Kiều chủ biên. Báo vừa in xong số 2 tháng 3 năm 1975 xảy ra, chưa kịp phát hành.”

 

 

 

 

Anh tặng tôi Căn Nhà Hoang, Tưởng Chùng Đã Quên, Ngôi Nhà Số 11. Đặc biệt khi đọc Căn Nhà Số 11 trên một chuyến tàu về quê.

 

Khi đến dấu chấm cuối cùng của cuốn sách. Tôi gọi điện cho anh. Gà gáy rồi, Anh còn thức không. Anh còn thưc. Không biết sao đêm nay anh không thể nào nhắm mắt được. Em cũng thế. Hay là anh thức vì em, vì một bạn đọc bình thường đang nghe anh kể chuyện.

 

Tôi nói. Em có muốn về một nhát cắt hạnh phúc hay đau đờn của quá khứ mà khi đọc anh em từ bỏ ý định. Vì anh đã viết cho em rồi. Đọc anh có em trong đó. Em viết sợ bị...thừa.

 

Một lần cùng nhóm bạn văn ra Qui Nhơn. Tháp Bánh Ít che khuất một góc trời. Ai cũng leo lên góc trời đó để tặng thưởng cho bàn chân và nhịp thở lên đỉnh vinh quang.

 

Anh ở lại phía sau đồi. Hỏi ra mới biết. Anh bỏ qua sự kiêu hãnh  mà lằng nghe tiêng oan hồn dưới chân mình. Khi người chiến thắng  hát khúc hoan ca bay lên trời cao thì cũng từng ấy âm thanh của tiếng khóc đang thấm ướt cỏ cây dưới đất.

 

Anh là nhà văn của nỗi đau, của lòng nhân từ.

 

Mới đó mà đã bước qua năm thứ 7, tập san Quán Văn sắp có đứa con thứ 40. Một tập san không biên chế, không tài trợ, không quảng cáo mà một số đưa đến tay bạn đọc trong và ngoài nước trên 500 bản sách thì quá tuyệt vời.

 

Như trở về tuổi 30. Tuổi 75, anh lại viết, lại cặm cụi in, cặm cụi phát hành…

Đó là niềm vui, là liều thuốc để trị cái “bệnh” nghiền sách của anh.

 

Cái “bệnh” của anh, được “bệnh: như anh, bao người mơ mà có được …đâu.

 

Mong anh đừng bao giờ hết “bệnh”.

 

 

Xin giới thiệu với bạn đọc truyên ngắn nhà văn Nguyên Minh dưới đây.

 

(tác phẩm do người viết tự chọn )

 

 

 

 
 

NGÔI NHÀ SỐ 11

Truyện ngắn

 

Nhân ngày giỗ thứ 42 của ba mạ tôi, chúng tôi từ các tỉnh đều về đây tụ họp. Tất cả chúng tôi, tóc đã bạc trắng, lưng đã còng, mắt đã mờ, tai đã lãng. Người nhỏ nhất là tôi, cũng gần bảy mươi, huống hồ gì các anh chị đã hơn tám mươi. Có thể lần họp mặt trong ngày giỗ này là lần cuối, chắc gì sang năm, không biết ai trong số này sẽ từ giã cuộc đời. Chúng tôi đều muốn lần này trở về, nhìn lại cái thị trấn bé nhỏ ngày nào đã từng nuôi sống chúng tôi với biết bao kỷ niệm êm đẹp thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành cũng như những khổ đau qua từng giai đoạn biến đổi kinh hồn của lịch sử.

 

Dễ chừng gần mười năm nay tôi mới về lại nơi này. Nhớ lại ngày xa xưa. Lúc bấy giờ phố xá chỉ có một dẫy nhà trệt thấp lè tè, mái ngói âm dương phủ rong rêu, đánh mốc từ chiếc cầu Đạo Long dài thượt bắc qua con sông Dinh suốt năm tháng nước cạn trơ ra những bãi cát trắng mênh mông, đến cái cống ngắn ngủn nằm trên con kênh dập dềnh những cánh bèo lục bình mà chúng tôi gọi là cầu Ông Cọp. Con phố ngắn, hai đầu nhỏ hẹp, chính giữa phình ra như cái bụng của con ểnh ương. Nơi đó, mọc lên cái chợ ba gian xưa cũ vắng tanh người buôn kẻ bán, cùng bến xe ngựa, lưa thưa vài ba chiếc, lọc cọc chở khách chạy trên những con đường đất đỏ nham nhở những sỏi đá. Giữa phố sừng sững ngôi Chùa Ông. Bề thế. Sặc sỡ màu sắc. Tượng lân phụng bằng sành sứ ôm trái châu tròn trong veo như quả bong bóng, gắn trên mái ngói uốn cong. Ngày lễ hội, trống chiên vang rền khắp phố. Ngôi Chùa này được người Tàu lập nên từ xa xưa, thờ Quan Công, Trương Phi và Lưu Bị.

 

Từ lâu, người Tàu đến lập nghiệp ở đây. Họ tổ chức nhiều Bang để giúp đỡ nhau gây vốn lập nên những nhà buôn vải vóc, tiệm tạp hóa hay các quán ăn, phòng ngủ. Chỉ lưa thưa vài người Việt, gốc gác cũng từ các tỉnh miền Trung theo ông cha là quan lại triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm đến, mở tiệm chụp ảnh, quán sách, nhà may. Chừa lại một dãy phố ngắn, chủ nhân là người Ấn độ chuyên bán hàng mỹ phẩm. Đối diện, bên kia đường là một tiểu học độc nhất cho cả tỉnh, muốn học lên nữa phải ra Nhatrang hoặc vào Sài Gòn mới có trường trung học.

Bây giờ chiếc cầu Đạo Long được xây đúc lại, kiên cố. Chiếc cầu cũ đã gãy vì bom đạn, chỉ còn hai đầu cầu đứng trơ vơ như một vết tích chiến tranh để lại. Ngôi Chùa Ông vẫn còn nguyên vẹn. Vẻ cổ kính như nhắc lại một thời vang bóng.

 

Bây giờ thị xã bé nhỏ ngày xưa của tôi cũng đã lột xác, thay đổi gần như hoàn toàn.

 

Thị xã vừa làm lễ lên ngôi thành phố. Tấn, người bạn văn của tôi còn sót lại nơi này, đèo tôi trên chiếc xe gắn máy, chạy một vòng thành phố mới. Những con đường nhựa mới tinh, rộng rãi, láng bóng, chính giữa là một luống đất chạy dài như sợi chỉ, trồng san sát những hàng cây cảnh. Hai bên đường dựng lên những trụ điện, ốm nhom, cao ngòng, mang những bóng đèn tỏa sáng, nhìn xa như những ngọn đuốc, dẫn từ khu phố về bãi biển, ngang qua những dãy nhà cao tầng mới mọc lên. Con đường dài gần 5 cây số, giữa đường sừng sững một tượng đài cao vút trên một quãng trường rộng lớn, lát cỏ xanh rờn. Hình như nơi này ngày xưa là động cát mênh mông, một vùng đất chết, đã mọc lên một nghĩa địa. Hơi gió mát từ biển thổi vào lồng lộng. Dọc theo bờ biển, trước những hàng dương liễu, những khách sạn, những dãy nhà nghỉ, mọc lên như nấm. Bãi cát trắng tinh, sạch sẽ. Ngồi ngoài trời ở một nhà hàng sang trọng, tôi nhìn mây bay, tiếng sóng vỗ rì rào bên tai, tôi mơ màng cố tìm lại một vài kỷ niệm xa xưa, nhưng bấy giờ trí óc tôi cứng ngắt, khô cằn. Tôi như đến một thành phố mới nào xa lạ.

 

Rời biển. Tấn lại chở tôi về hướng phía núi,  ngang qua một thị trấn nhỏ ngày nào, có những ngọn tháp qua bao nhiêu thời gian vẫn còn đứng trơ vơ giữa trời, trên ngọn đồi lỏm chỏm những sỏi đá. Buồn thiu. Ngày trước, hai thị trấn này nối liền nhau một khoảng cách hơn 5 cây số là những bãi đất hoang sơ. Bây giờ, dọc hai bên đường mọc lên san sát những ngôi nhà mới kiểu cách, công sở bệ vệ, trường học nhiều tầng khang trang. Đường sá trở nên rộng rãi, sạch sẽ. Phố xá là những dãy nhà cao tầng, đẹp đẽ, sang trọng. Xe hơi, xe gắn máy nhịp nhàng chạy như thoi đưa khắp nơi, ngang qua những ngã tư, ngã năm, có gắn đèn xanh đèn đỏ, như hầu hết những thành phố lớn trong nước.

 

Sự đổi thay như lột xác của kén tằm, làm tôi choáng ngộp. Tôi mang cảm giác của một người khách lạ từ phương xa mới đến đây tham quan. Những bạn bè, người thân của tôi đã từng sinh ra, lớn lên nơi này, sau năm 1975 đã ra đi giờ quay về cũng cùng một cảm giác như tôi.

 

Tôi phải đi tìm lại dấu vết ngày xưa, như nhà khảo cổ đào xới dưới mấy tầng đất cát đã chôn vùi một thành phố cũ. Tôi lang thang qua những con đường ngày xưa có những hàng cây me tây cổ thụ. Giờ trơ trụi, chúng đã bị chặt đi nhưng chưa có cây gì thế chân. Tôi đứng ngẩn ngơ trước ngôi chùa cổ đã được tân trang, hàng rào bằng tường gạch xây cao, cổng vào bằng cánh cửa sắt. Sân chùa lát gạch hoa láng trơn. Tôi nhìn vào tận sâu như tìm kiếm ai. Người tình 50 năm về trước. Tôi đứng lặng người rất lâu. Hồn tôi như lạc vào cõi xưa.

 

Như có ai đó dẫn dắt tôi, rời bỏ nơi này, đến xóm đạo tìm lại nhà thờ cổ kính. Đến nơi, tôi dạo quanh một vòng, rồi mới đến ngồi trước bậc thềm cao nhiều tầng, ngẩng mặt nhìn lên ngọn thánh giá màu trắng gắn trên chóp nhà thờ cổ kính, lờ mờ trên nền trời xanh lơ. Nơi này còn đâu dấu chân người yêu cũ một thời cùng tôi lang thang dạo quanh khu nhà thờ trong đêm noel. Thời gian đã xóa đi tàn tích cũ. Nhà thờ được chỉnh trang lại, sơn son thếp vàng. Cánh đồng rộng mênh mông thơm mùi lúa chín trước cổng nhà thờ đã biến mất, trở thành những khu nhà mới mọc. Ngọn gió từ biển thổi vào đã lảng xa. Tôi lắng nghe tiếng sóng vỗ ngày nào hai đứa chúng tôi yêu nhau chợt nhận ra âm thanh đó, như tiếng thì thầm của tình yêu. Bây giờ bên tai tôi lùng bùng tiếng động cơ xe gắn máy. Tôi chán nản, bỏ về.

 

Tấn lại chở tôi lên bờ đê. Buổi chiều nắng vàng. Tôi đứng trên con đê đã được tráng nhựa, nhìn xuống dòng sông, tìm lại bãi cát trắng rộng mênh mông, nơi đó biết bao kỷ niệm tuổi thơ của tôi với lũ bạn cùng lứa đã vui đùa thỏa thích. Dòng sông cũng thay đổi theo thời gian, và mùa này nó nở rộng ra. Nước đục ngầu và chảy xiết, trông dữ tợn, không hiền hòa như xưa. Một nỗi buồn không tên đang chen vào hồn tôi. Bước xuống con đê, tìm lại ngôi nhà của cô bạn láng giềng thân yêu ngày nào tôi đã từng đến chơi và nghe cô hát. Tiếng hát êm đềm đã đưa tôi vào những giấc mơ thần tiên. Tôi không nhận ra được nữa. Trong tâm tưởng của tôi đó là một ngôi nhà có mái ngói âm dương, phía trước có một hàng hiên cùng những chậu kiểng trồng những cây hoa hồng. Bây giờ, cả dãy nhà cổ đã thành những nhà hai tầng đúc kiên cố. Tất cả đều mới lạ với tôi.

 

Tôi vẫn mang cảm giác này khi bước chân vào căn nhà cũ. Số 11. Tên đường và số nhà vẫn được giữ nguyên, không như các con đường khác trong thành phố này đã thay tên đổi số. Mặt tiền ngôi nhà này, em tôi đã phá đi, xây cất lại. Bề thế. Sang trọng. Thời thượng. Những kệ tủ kính, những giàn vi tính hiện đại. Em tôi cho biết vài hôm nữa nơi này thành một công ty phát hành sách. Tôi mỉm cười, đắc ý. Cũng hơn ba mươi năm trước ngôi nhà này tôi cũng đã sửa sang lại, và mọc lên một nhà sách lớn, cùng một nhà in offset.

 

Cảm giác xa lạ kia biến mất khi tôi bước xuống căn nhà sau. Căn phòng của mẹ tôi vẫn còn đó. Căn gác nhỏ, cầu thang gỗ vẫn còn nguyên, chưa phá đi. Tôi bước lên từng bước một và lắng nghe có tiếng chân ai nhẹ nhàng theo sau. Như ngày xưa, tiếng mưa rơi rỉ rả chen vào tiếng guốc gõ đều, rất khẽ. Bây giờ đâu rồi. Không còn. Không còn cả hình bóng người con gái tóc thề, mảnh khảnh, có đôi mắt to, đen, lúc nào cũng ươn ướt lệ. T. đó. Đâu rồi. Đã bốn mươi năm. Nhìn lại bên trong căn gác. Sàn gỗ đã gập ghềnh. Trần nhà đã bong lên. Tường gạch nước vôi đã tróc từng mảnh. Những khung cửa sổ cũng mục nát. Ngày xưa, tôi đã ở trên gác này. Tôi nhìn quanh như tìm lại những khuôn mặt bạn bè, đã từng tựu tập nơi đây, làm nên tờ báo Ý Thức. Bây giờ, kẻ còn người mất. Có người còn ở lại quê hương. Có người lưu lạc nơi xứ người. Tất cả, dù tuổi đã cao, nhưng vẫn còn theo nghiệp văn chương.

 

Bóng tối tràn vào lúc nào tôi không hay. Tôi không muốn bật đèn lên, cứ để trầm mình dưới ánh sáng mờ mờ đó. Đêm nay, tôi không trở lại ngôi nhà mới của em tôi. Tôi muốn ngủ lại nơi căn nhà yêu dấu này, bao nhiêu khuôn mặt thân yêu của ba tôi, mẹ tôi, các anh chị tôi, cùng người tình cũ và bạn bè tôi cứ lần lượt hiện ra, từ trong cõi lòng, từ lâu họ nằm tận đáy sâu, giờ có dịp trỗi dậy.

Ngôi nhà này, thật sự đã nhiều lần do tôi chỉnh trang lại. Ban đầu, nó là căn nhà cũ lụp xụp của một bà lão. Ba mẹ tôi mua lại, đập phá nó đi, cất thành ngôi nhà mới, tường gạch, mái ngói, và nền tráng xi măng. Thời ấy, sau đại chiến thứ hai, năm 1945, đã là khang trang, sang trọng. Phía trước nhà có hàng hiên hẹp đủ để vài người ngồi hứng mát. Cánh cửa cái bằng gỗ lim bóng nhẵn, nặng nề. Hai bên là hai cửa sổ cân đối. Đặc biệt gian nhà giữa có trổ một cửa hông thông qua căn nhà người tình của ba tôi. Đến khi người ấy đi lấy chồng, bức tường được xây lên ngăn cách giữa hai nhà, thành một khuôn viên nhỏ hẹp. Thuở nhỏ, mỗi lần chị em tôi phạm lỗi, anh tôi đã nhốt chúng tôi vào đó. Hai vách tường chỉ cách nhau hơn một mét, nhìn lên trời thì thấy một khoảng trời mây. Một hình phạt mà mãi sau này tôi cứ nhớ hoài. Tù túng. Không chạy nhảy được, chị em tôi chỉ biết ca hát. Mà hát to thì bị la là làm ồn, hát nhỏ thì ngứa miệng. Chúng tôi nhìn nhau thấy cái miệng nhép nhép phát ghét, nên gây lộn. Lớn lên, khu đất đó thành chuồng nhốt mấy con gà đá của ba tôi. Khi ba tôi mất, người chủ nhà thương lượng mua lại, và tôi bịt cánh cửa đó.

Giữa gian nhà trên và gian nhà dưới nối liền bằng một cái sân nhỏ lộ thiên, nền lát gạch bát tràng. Mỗi lần trời mưa, nước từ mái nhà đổ xuống, ngập cả sân, chị em tôi tha hồ đưa những đôi chân trần non nớt lội lung tung. Có khi lấy giấy vở cũ xếp thành những con thuyền thả xuống vũng nước để thấy nó trôi lềnh đềnh, lúc nước rút cạn, những mãnh giấy ướt mèm tả tơi nằm trơ trơ trên sân. Sau này một lần sửa lại nhà, tôi đã lợp mái che, chỉ còn nghe những tiếng mưa rơi ào ào như thác đổ trên mái tôn.

 

Bây giờ, tôi nghe từ trong cõi lòng vọng lên những tiếng bùng bùng như tiếng trống, khi thưa thớt khi dồn dập. Tôi ngẫn ngơ khi chưa nhận ra đó là âm thanh gì, nhưng tôi biết chắc đó không phải là tiếng trống. Âm thanh đó rất quen thuộc, từ lâu đã đi vào tuổi thơ của tôi. Và biến mất, rất lâu, rất lâu. Nằm kín tận đáy lòng. Giờ trổi lên như những chiếc thuyền giấy tuổi thơ đó. Lềnh đềnh. Lốp đốp. Tôi cười đắc ý khi nhận ra là tiếng dồi bóng vang vang trên nền sân gạch. Tiếng chân chạy. Tiếng cười chọc quê của các chú cầu thủ bóng đá của ba tôi, khi tôi lẻo đẻo chạy theo dành lại trái banh trong chân anh tôi. Tôi thấm mệt và muốn chảy nước mắt vì tức tối. Hôm nay, từng khuôn mặt của các người cầu thủ bóng đá của ba tôi bỗng dưng lại trào lên.

 

Cùng lúc, những khuôn mặt từng người thân yêu khác đã từng sống trong ngôi nhà này dồn dập, chen lấn nhau, bao quanh tôi, đè lên thân xác tôi, bóp nghẹt trái tim tôi làm tôi đau đớn. Tôi muốn vùng dậy nhưng tay chân tôi cứng đơ như cành cây khô. Tôi chỉ kịp nhận ra có những giọt nước chảy dài trên khóe mắt mình. Rồi vang lên từng tiếng mõ, tiếng chuông, những ai đó đọc kinh cầu nguyện lẫn trong tiếng khóc nức nở gục đầu xuống chiếc quan tài của Mẹ tôi. Khói hương mù mịt, đàn con cháu mặc chiếc áo tang trắng đang quì gối vái lạy trong tiếng tụng kinh buồn bả trước vị bài của Ba tôi cũng ập đến như những con sóng bạc đầu từ ngoài khơi ầm ầm vỗ mạnh rồi nhấn chìm tôi xuống lòng biển cả. Trước khi thân xác tôi tan biến mất, chập chờn những bóng ma thân yêu là Mẹ tôi, Ba tôi, Chú Vĩnh, Anh Chín, Tân đang nắm tay nhau xoay tròn quanh tôi. Như một vòng chắn không cho tôi thoát ra khỏi ngôi nhà số 11 này./.

 

 

 

Ảnh.1-2 Tạp chí Ý thức 1970 và Tập san Quán Văn 2011.

 

3- Trái sang Nhà thơ Thơ Mã Lam, Nhà văn (NV) Nguyên Minh, GS Nguyên Đăng Hưng, Từ Sâm, Dịch giả Hiếu Tân,  NV Trương Văn Dân, NV Khuất Đẩu

 

4-Lễ ra mắt Tập san Quán Văn Tại Qui NHơn (NV Nguyên Minh và các bạn văn  ở TP HCM, Bình Thuận, Nha Trang, Tuy Hòa, Qui Nhơn..)

 

 

 

 

                               

    

 

 

   

 

   

  

 

 

 

Từ Sâm
Số lần đọc: 2178
Ngày đăng: 05.07.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giải pháp quản lý nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” - Đỗ Quyên
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 3) - Đặng Ngọc Tuân
Ý Nghĩa của Nghệ Thuật - Võ Công Liêm
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 2) - Đặng Ngọc Tuân
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (Phần 1) - Đặng Ngọc Tuân
Đẩy nhanh nhân tố sân khấu thị trường Hướng tới nền nghệ thuật hội nhập toàn cầu hóa - Tuấn Giang
Duy cảm khái niệm ( Sensual Concepts) - Tuấn Giang
Bài 2/ Thêm Sáu Hình Bìa Bản Nhạc Của Họa Sĩ Duy Liêm - Trần Văn Nam
Bài 1/ Kỷ Niệm Thơ: Gặp Lại Vài Bài Thơ Cắt Báo Từ Thời 1950 - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Luyến (thơ)
Làng (thơ)
Khuyết (thơ)
Ảo (thơ)
Nợ em (thơ)
Tôi (thơ)
Sắn (thơ)
Ghép (thơ)
Chị (thơ)
(thơ)
Thằng Tít-rằn (truyện ngắn)
Gánh (thơ)
Nụ hôn trầm tích (truyện ngắn)
Cổ phần đêm 30 (truyện ngắn)
Gửi trái tim (tiểu luận)
Văn nghệ khai Xuân (điểm sách)
Mùi của bếp (tạp văn)