Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
702
116.539.974
 
Kiên Giang - Mộc mạc "Một sắc thơ miệt vườn"
Nguyễn Thanh

 

 

             Nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) - đúng ra năm sinh: 1927 - tên thật Trương Khương Trinh (bút danh khác: Hà Huy Hà, Ngân Hà, Trinh Ngọc, Cửu Long Giang…, gốc người làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang). Ông còn là ký giả, soạn giả cải lương hàng đầu cùng thời với Năm Châu, Viễn Châu, Thái Thụy Phong, Quy Sắc…và là thầy của hai soạn giả tài danh: Hà Triều - Hoa Phượng. Bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc, công chúng rất hâm mộ. Vở cải  lương Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho Thanh Nga (1942-1978) đạt giải Thanh Tâm (1958) và trở thành “nữ hoàng sân khấu”. Trước 1975, Kiên Giang phụ trách ban Thi văn Mây Tần trên đài Phát thanh Sài Gòn, làm thơ và viết cho các báo : Tiếng chuông, Tiếng dội, Điện tín, Tia sáng…Ông tham gia phong trào ký giả đi ăn mày, dẫn đầu đoàn biểu tình chống chế độ Cộng hòa đàn áp đặt quy chế khắt khe lên báo chí nên bị vào tù. Sau ngày thống nhất đất nước, Kiên Giang làm Phó đoàn Cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng Nghệ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm : + Tập thơ: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Lúa sạ miền Nam, Quê hương thơ ấu. + Vở cải lương : Người đẹp bán tơ (1956), Người vợ không bao giờ cưới, Áo cưới trước cổng chùa, Phấn lá men rừng, Hồi trống trường làng, Lưu Bình Dương Lễ…, +Tân cổ giao duyên: Đội gạo đường xa, Người đẹp bán tơ, Hương cau quê ngoại, Cô gái miền Tây… Cuộc đời nhà thơ được hảng phim Truyền hình TP. HCM (TFS) thực hiện thành phim (1999) với nhan đề: “Chiếc giỏ đời người”. Thơ Kiên Giang được coi là ấn tượng giọng thơ chơn chất, mộc mạc của người Nam bộ.

 

                Trong lịch sử văn học Việt Nam, Rạch Giá (nay là Kiên Giang) từng được coi là vùng đất thơ phương Nam với hiện diện của nhiều danh sĩ trên văn đàn : nhà thơ Mạc Thiên Tích (1706-1780) với Chiêu Anh Các, đôi uyên ương thi sĩ : Đông Hồ (1906-1969) - Mộng Tuyết (1914-2007), Sơn Nam (1926-2008) cùng người bạn văn nghệ đồng hương tri kỷ Kiên Giang… và còn nữa dấu ấn không phai của nhà thơ lãng tử yêu nước Nguyễn Bính (1918-1966) tại Hà Tiên … Với Kiên Giang, một khuôn mặt thơ thuộc thế hệ đàn em gần gũi với Nguyễn Bính, mà phong cách thơ có nhiều sắc điệu cọng hưởng với tác giả “Lỡ bước sang ngang”.

 

                 Nhà thơ Kiên Giang sinh ra tại làng Đông Thái, Gò Quao, vùng U Minh Thượng, cùng quê với nhà văn Sơn Nam. Thuở nhỏ, anh học trò Trương Khương Trinh sống với gia đình tại quê nhà, sau lên Rạch Giá vào tiểu học. Thi đậu bằng Tiểu học Pháp Việt, Khương Trinh lên Sài Gòn học trường Lê Bá Cang rồi trở xuống Cần Thơ, học lớp Đệ Nhị (nay là lớp 11) trường Nam Hưng (khu vực Tư thục Nam Cường, sau đó là trường Tân Văn tọa lạc  khoảng giữa đường Phan Đình Phùng hiện nay). Tại đây, nhờ có khiếu văn chương, anh được thầy giao cho thực hiện tờ bích báo lấy tên là “Ngày xanh”. Anh lo biên tập bài vỡ kiêm luôn việc trình bày là vẽ và trang trí. Cô bạn học Nguyễn Thị Nhiều có nét chữ đẹp, giúp anh nắn nót lo chép bài vở. Nhiều có cái tên mộc mạc, dân dã nhưng vóc người duyên dáng với khuôn mặt thanh tú và mái tóc huyền liêu trai buông thỏng ôm ấp đôi bờ vai. Gia đình người bạn gái theo đạo Thiên Chúa, nên anh học trò giỏi văn nghệ đa tình thường lén theo rình bạn đi lễ tại nhà thờ Chánh Tòa (ở đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) mặc dù mình là người ngoại đạo.

                                                                      1

 

 

Tình cảm giữa hai người rất “thơ”, và có lẽ trong cõi lòng sâu kín, họ cũng đã cảm nhận nhau tình yêu trong thầm lặng, chẳng khác nào chuyện tình nên thơ giữa chàng thi sĩ tài hoa Pháp Félix d’Avers () và người đẹp Marie Nodier (trong bài thơ “Tình tuyệt vọng” mà nhà văn Khái Hưng (1890-1946) đã dịch rất hay từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (1)). Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Kiên Giang cùng những người bạn thanh niên yêu nước như Nguyễn Bính, Sơn Nam vào vào khu 9 cùng toàn dân, tham gia chống giặc ngoại xâm. Bài thơ nổi tiếng một thời “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” (2) của Kiên Giang mang tình tự của tác giả và có nguồn gốc xuất phát từ thời điểm, không gian này.

 

                Kiên Giang là một nhà thơ yêu nước, một soạn giả, một ký giả được sinh ra tại Hậu Giang và lớn lên trong kháng chiến 9 năm chống Pháp ở Nam bộ. Ngoài những vở cải lương mang đề tài lịch sử, văn học, những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa cao đẹp trong dân gian,  Kiên Giang thể hiện trong tác phẩm tấm lòng chơn chất, tình cảm dung dị hồn nhiên của con người miền Nam.  Tác phẩm Kiên Giang được coi là thông điệp chung nhà thơ nói hộ tâm tư trong sáng, tình cảm thanh cao cho bà con, làng xóm và đồng bào mình không chỉ vủng sông nước ruộng đồng mà còn cho khắp cả ba miền quê hương ruột thịt. Nếu trước đây có dịp được nghe những bài thơ Kiên Giang chọn ngâm trên sóng đài Phát thanh Sài Gòn của ban Thi văn Mây Tần, thính giả bốn phương cũng đã nhận ra được tính nhất quán ở chủ đề những bài thơ và lập trường chân chính của người phụ trách chương trình. Đó là tình yêu làng xóm, nghĩa tình đồng bào ruột thịt, gián tiếp nói lên lòng yêu quê hương, tinh thần bảo vệ đất nước và ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

 

              Với Kiên Giang, trước tiên, bài thơ nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” được coi là thiên tình sử đẹp tuổi học trò thời hoa niên, lồng trong bối cảnh chiến tranh của tác giả với cô gái có đạo yêu nghệ thuật văn chương ở khu Nhà Thờ Lớn tại Tây Đô - tác phẩm đã làm cho tên tuổi nhà thơ thêm rạng rỡ trên thi đàn. Hầu hết những bài thơ còn lại trong ba thi phẩm của tác giả, đều nói lên được cái tình cảm hồn hậu, chơn chất và ngôn ngữ thơ dung dị, giản đơn như lời ăn tiếng nói thật thà của con người miệt vườn Tây Nam bộ. Thơ Kiên Giang đa phần nghiêng về tả cảnh và tự sự. Kiên Giang là thi sĩ của miền sông nước Hậu Giang nên người đọc thường bắt gặp những cảnh quen thuộc nơi quê hương tác giả. Đó là hình ảnh của con sông Hậu hiền hòa mang nước dòng nước ngọt phù sa màu mỡ cho ruộng lúa vườn cây như đem hơi thở trong lành về cho bà con làng xóm : “Đây Hậu Giang, đây Hậu Giang/ Nhánh sông gắn bó Cửu Long Giang/ Phù sa cuộn chảy trong lòng nước/ Khói sóng hòa hơ thở xóm làng…” (Đẹp Hậu Giang). Yêu đất nước là yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rún còn in đậm dấu vết kỷ niệm của người thân và biết tự giác đứng lên cầm súng,  đấu tranh bảo vệ tổ quốc : “Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo/ Anh làm chiến sĩ giữ quê hương/ Giữ màu áo cưới người yêu cũ/ Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường” (HTTCTAT).

 

                  Thơ Kiên Giang là những bức tranh hồn hậu về gia đình, về trường học được phác họa đơn sơ, chơn chất mà tinh tế và trữ tình, dễ lôi cuốn người đọc vì dễ hiểu, dễ nhớ, chỉ đọc qua một lần có thể thuộc ngay. Dù có người bảo thơ Kiên Giang có giọng điệu gần gũi với Nguyễn Bính, vì hai thi sĩ nổi tiếng này, ngoài cá tính tương đồng ngẫu nhiên, họ đã có dịp sống và công tác văn nghệ gần nhau lúc còn ở trong chiến khu. Đọc lại thơ Kiên Giang, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc, gần gũi của mọi người trong gia đình, nơi trường học…Đó là cử chỉ bỡ ngỡ của cậu học trò nhỏ ngây thơ rất dễ yêu, bắt đầu làm quen với từng con chữ viết xa lạ

                                                                      2

 

 

lúc mới vào tiểu học dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo : “Từ khi cô giáo tập em đồ/ Không kê giấy chậm em vô ý/ Để dấu tay lem vở học trò ” (Đồng xu giấy chặm). Bút pháp Kiên Giang, dù mộc mạc đơn sơ nhưng tác giả đã nắm bắt tài tình được những chi tiết đáng giá. Cũng như những dòng thơ mới thất ngôn dung dị nhưng đầy hình tượng và sắc màu theo đó nhà thơ đã nhớ lại và mô tả về người mẹ quê Nam bộ tão tần và đáng kính: “Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ/ Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân/ Khói trắng lên trời như tóc bạc/ Con ngờ khói tóc quyện mây Tần” (Khói trắng). Những đường nét, vệt màu tiêu biểu trong bức tranh sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn hiện diện trong chiều dài và độ sâu của thơ Kiên Giang. Từ chiếc “Bánh ống Trà Vinh” xinh xắn, thơm ngọt đến hình ảnh đặc thù Nam bộ của chiếc cầu tre quen thuộc bắt gặp rải rác ở các sông rạch đồng bằng, luôn được nhà thơ Kiên Giang trìu mến mô tả bên cạnh những câu ca dao ý vị : “Ai ở làng quê…/Đã từng …/ Qua nhịp cầu tre/ Tiếng hò tiếng hát/ Dưới mái nhà tranh/ “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi/ Khó đi mượn chén ăn cơm/ Mượn ve mua rượu, mượn đờn kéo chơi”. Tiếng “Sàng gạo” vang vọng sột soạt trong ánh hoàng hôn bảng lảng với người mẹ hiền mái tóc trắng phau, tiếng “Xe trâu” cót két, lang thang trên lối mòn làng quê, là những âm vang quen thuộc trong đời nhà thơ: “Mẹ rắc hoàng hôn theo hạt tuyết/ Cám bay phảng phất quyện hương cau/ Nghiêng nghiêng bóng xế sau lưng mẹ/ Gạo trắng như màu tóc trắng phau” (Sàng gạo)- “Xe trâu cót két/ Cót két xe trâu/ Bánh xe nằng nặng in sâu lối mòn…” (Xe trâu). Bài thơ”Tiền và lá” mang tính triết lý khiến ta dễ ngậm ngùi về một thói đời không phải là hiếm gặp ở cõi nhân gian : “Tiền không là là em ơi/ Tiền là giấy bạc của đời in ra/ Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em” (Tiền và lá”). Còn nữa, vẫn với lời thơ chơn chất, thật thà và bút pháp bình dị, hồn nhiên, nhà thơ Kiên Giang tiếp tục cho ta hình tượng những con đò, chiếc quán đình làng.. luôn đưa ta về với quê hương, nguồn cội. Trên tất cả ở nội dung thơ Kiên Giang vẫn là tình yêu đất nước quê hương như luôn bàng bạc theo từng tứ thơ, câu thơ :”Quê hương là máu, là xương thịt…/ Nếu ai xâm chiếm đến quê hương/ Tình quê sẽ hóa ra tình nước/ Tình nước đúc thành súng với gươm…/ Dân đứng lên siết chặt quân hàng/ Giặc vào đây, giặc sẽ rã tan…” (Tình quê tình nước).

 

               Với tình cảm nhạy bén của một nhà thơ cộng với sự năng nỗ bộc trực của một ký giả, Kiên Giang không thể thờ ơ trước các vấn đề thời sự chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội. Những ngày đất nước chưa giải phóng, nhà thơ đã hăng hái tham gia, dẫn đầu đoàn biểu tình chống chế độ khắt khe với giới báo chí mà không sợ tù đày. Phong trào chống chế độ độc tài mục nát đã phong tỏa chùa chiềng, đàn áp ni cô, nhà sư xuống đường, sau sự kiện tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, Nhất Chi Mai, rồi đến hành động quả cảm coi thường mạng

sống của Quách Thị Trang, Mai Tuyết An…Cả đến cái chết của anh sinh viên Mỹ Morisson từ bên kia bờ Thái Bình đương đã thiêu trước lầu Năm Góc để chống đối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ, đòi hòa bình tại Việt Nam, Kiên Giang đều có làm thơ để bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ, tiếc thương: “Nhất Chi Mai, Morisson/ Đôi bồ câu trắng giữa lòng thiên thu” (KG) – “Mai Tuyết An, Mai Tuyết An/ Là hoa mới nở giữa vườn xuân/ Tuổi băng trinh đẹp màu thanh khiết/ Ánh mắt chưa hoen lấm bụi trần…”(KG). Những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, thấy các cô gái đua nhau hăm hở lấy chồng Mỹ - cũng như phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc gần đây, nhà thơ thay lời người mẹ, bày tỏ nỗi niềm : “Một sáng qua đò đi chợ Tết/Mẹ khuyên con gái lọc lừa yêu/Lấy chồng ngoại quốc, quên nguồn gốc/ Tiền

bạc đâu xe sợi chỉ điều/ Mai mốt nó về bên xứ nó/ Dân mình đùm bọc đức con lai/ Lớn lên nó                                 

oán hờn cha mẹ/ Tham bã phù hoa bỏ giống nòi” (KG). Chúng tôi không quên khoảng thời                                                

                                                                   3

 

 

gian giữa “Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc” và “đấu tranh  chống đế quốc Mỹ”, những ngày anh em giáo viên, sinh viên học sinh có tư tưởng tiến bộ, hăng hái làm tờ tạp chí “Văn nghệ Miền Tây” (3) vào cuối năm 1967, được gặp Kiên Giang và Sơn Nam ở khu Nancy (cuối đường

Trần Hưng Đạo, Sài Gòn). Hay dưới khung trời đêm Tây Đô xám xịt, thỉnh thoảng thành phố gầm rung lên với tiếng bom do phi cơ B52 dội xuống U Minh vào đầu năm 1970 khi làm VNMT và tờ Lập trường (4)  tại quán cà phê “Giọt buồn” của cô giáo Mai trước sân xưởng Cơ khí tại đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30/4, đối diện với Bệnh viện 121 bây giờ). Những lần lại được gặp mặt nhau, các anh Kiên Giang, Sơn Nam, nhà văn yêu nước Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng) cùng nhà báo Mặc Tuyền, các anh tặng sách, gởi sách cho chúng tôi bán hộ và không quên nhắc nhở nhóm biên tập giữ vững lập trường dân tộc. Những cây bút văn nghệ tại Cần Thơ lúc ấy : Ngũ Lang, Nguyễn Bá Thế (Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ), Nguyễn Xuân Vũ, Huyền Vân Thanh… là những tác giả thường có thơ được Kiên Giang chọn ngâm và bình trong chương trình của ban thi văn Mây Tần do anh phụ trách trên đài Phát thanh. Ngày nay, những anh em cùng nhóm dạo ấy, nếu may mắn còn khỏe mạnh và được gặp lại nhau, thường không quên nhắc lại những kỷ niệm đẹp về nhà thơ quá cố Kiên Giang kèm theo những lời chia sẻ ân tình chung thủy về một bậc văn nghệ đàn anh.

 

                    Tóm lại, Kiên Giang là một khuôn mặt thơ đáng kính trong dòng thi ca yêu nước suốt cả hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân và đế quốc. Tài hoa ở nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng tài năng trên văn đàn, sân khấu mà còn nổi bật nhân cách ở sự nhạy bén trong hoạt động và đấu tranh xã hội. Chính nhà văn Sơn Nam, người bạn cùng quê và “đồng thanh khí” của Kiên Giang đã chân tình thổ lộ : “Đây là người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”. Nội dung thơ Kiên Giang thiên về đề tài quê hương, làng xóm, tình yêu đất nước và sinh hoạt dân dã nơi làng quê. Về nghệ thuật, ít khi nhà thơ dùng từ hoa bay bướm như Nguyễn Bính vốn là một nhà thơ gần gũi với ông. Lời thơ Kiên Giang giống như cuộc đời thi sĩ, luôn sáng trong, giản dị, như tiếng nói tự nhiên, mộc mạc của người Nam bộ nên rất giàu tính nhân văn, được nhiều người thuộc lòng. Do vậy, ta có thể nói : thơ Kiên Giang đậm tính “về nguồn”, và tạo nên một sắc thơ đặc biệt của miệt vườn.

 

                         22. 05. 2016

                                                                                                                        

 

(1)  Xem KTNN số 834  ra ngày 10.10.2013 bài “Danh sĩ và giai nhân” của Ngũ Lang, tr. 13

(2)  Cũng là tên tập thơ của Kiên Giang, do họa sĩ Duy Liêm vẽ bìa. NXB Phù Sa Sài Gòn

       ấn hành trước 1975

(3)  “Văn nghệ Miền Tây”, Tạp chí Văn nghệ (1967-1970) ra được 5 số, do Ngũ Lang

      chủ trương biên tập, cùng  sự cộng tác của một số nhà văn, SVHS có tư tưởng tiến bộ

      và lập trường dân tộc, yêu nước, chống xâm lược. Số đặc biệt Xuân Mậu Thân (1968)

      được GS. Pháp văn Nguyễn Bá Thảo - nguyên Phó Chủ Tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ

      mang ra chiến khu (5/1968)

(4)  “Lập trường”, tạp san Xuân 1970 ra tại Vị Thanh (nay là Hậu Giang)

      do Ngũ Lang chủ  trương biên tập với sự cộng tác của Nguyễn Bá Thế, Nhất Tâm, Sơn Nam,

      Kiên Giang, Nguyễn Xuân Vũ…

     

      

                                                                                           

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3968
Ngày đăng: 28.06.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu tác giả,tác phẩm - Man Nhiên - Từ Sâm
Inrasara - nhà nghiên cứu, phê bình thơ thời kỳ đổi mới - Chế Diễm Trâm
Du Tử Lê - Đặng Phú Phong
Trịnh Cung - Đặng Phú Phong
Việt Thương (Nguyễn Văn Giai) - Hồn lãng tử trong áo choàng linh mục - Mai Bá Ấn
Nguyễn Huyền Thạch và thơ màu xanh phai - Mai Bá Ấn
Lê Văn Ngăn "Cuộc đời và thơ ca" - Vương Kiều
Kiệt Tấn , đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời - Trương Văn Dân
Tôn Phong* - ngọn nến tự cháy - Từ Sâm
Phạm Phú Hải 'Thi sĩ dị thường' - Tâm Nhiên
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)