Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
510
116.488.312
 
Giai nhân - qua nét vẽ của Họa sĩ Lê Trung
Nguyễn Thanh

 

                                          

       Họa sĩ Lê Trung tên thật là Lê Toàn Trung, có nơi ghi là Lê Ngọc Trung (sinh năm 1919), gốc người Châu Đốc (An Giang). Ông tốt nghiệp trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định, nguyên là cựu sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Đương (1938), có học thêm với giáo sư Besson, Claude Lemaire, La Jonchères. Lê Trung được biết đến như một họa sĩ vẽ chân dung, phong cảnh, tĩnh vật…thường vẽ bằng phấn màu, màu nước theo trường phái hiện thực. Họa sĩ Lê Trung được chú ý nhiều hơn ở những bức tranh vẽ phụ nữ rất đặc biệt với một bút pháp riêng mà thế hệ nghệ sĩ tạo hình sau ông rất ngưỡng mộ trong đó có Lê Minh, một họa sĩ sở trường về minh họa truyện chưởng, phiêu lưu và trinh thám ở Sài Gòn vào khoảng giữa thế kỷ trước. Dù số lượng tác phẩm được biết tới không nhiều và cũng ít nghe nói tham gia triển lãm nhưng họa sĩ Lê Trung đã gieo vào lòng người xem tranh Nam bộ những cảm nhận đặc biệt khi đứng trước những bức tranh vẽ chân dung người phụ nữ của nghệ sĩ.

 

 

              Không gian vùng Bảy Núi (còn gọi là Thiên Cấm sơn), địa phận Châu Đốc với dãy Thất Sơn huyền bí, nằm tiếp giáp đất Hà Tiên Thập cảnh thơ mộng và xứ chùa Tháp cổ kính thuộc miền biên giới Tây Nam bộ. Vùng đất mới với đồi núi chập chùng, đền chùa san sát còn in đậm dấu vết của một thời khai hoang, cũng là chiếc nôi lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật : Bác Tôn Đức Thắng (1888-1980), nhạc sĩ Phan Nhân (1930-2015), các nhà văn : Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Nguyễn Văn Hầu (1922-1995), thi sĩ Việt Châu (1918-1946), nghệ sĩ Kim Chưởng (1926-2014)…và họa sĩ Lê Trung đều xuất thân từ vùng đất An Giang màu mỡ.

 

           Lần dò theo dấu chân mỹ thuật để tìm hiểu về Lê Trung, người họa sĩ được coi ít có người biết rõ về cuộc đời và sư nghiệp dù ông là họa sĩ đã một thời nổi tiếng vẽ chân dung người đẹp. Trong hoàn cảnh hạn chế tư liệu văn hóa ở một vùng còn bị ảnh hưởng chiến tranh trước đây, ta hãy đi ngược dòng thời gian, trở về với hoạt động nghệ thuật và báo chí tại Sài Gòn từ những năm đầu của nửa sau thê kỷ 20 để hiểu thêm về khuôn mặt nghệ thuật đặc biệt này.

 

            Ở Nam bộ, những người thế hệ cao tuổi còn nhớ lại, tại thành phố lớn Sài Gòn được gọi là hòn ngọc Viễn Đông, cứ đến những ngày gíáp Tết báo hiệu bằng ngọn đông phong se se lạnh, hiu hắt thổi về dưới bầu trời nội ô xám xịt, công việc của giới làm văn nghệ trong đó có họa sĩ xem ra bận rộn hơn những ngày thường trong năm. Giữa không khí ồn ào, ngột ngạt với nhịp độ sinh hoạt dồn dập căng thẳng thường nhật của một đô thị hàng đầu, mọi người đều có vẻ vội vàng, chắt chiu từng phút giây trong công việc. Dù nghe nói và từng xem tranh nhiều, công chúng nghệ thuật vẫn ít có dịp hiểu về chàng họa sĩ tài hoa Lê Trung với nét vẽ giai nhân rất đặc thù không thể nhầm với tranh của bất cứ họa sĩ nào khác. Bên cạnh một họa sĩ Duy Liêm thời ấy - thường hay xuất hiện trên chiếc xe Lambretta gồ ghề - với nét cọ kỷ hà sắc bén góc cạnh khi vẽ hình ảnh con người và cảnh vật trên những bìa nhạc, bìa sách báo. Rồi một Lê Minh, cây cọ sung sức chuyên vẽ minh họa truyện trinh thám, phiêu lưu hay truyện chưởng rầm rộ một thời. Nhưng người yêu văn hóa nghệ thuật vẫn hiếm khi được diện kiến tận mắt  một Lê Trung bằng xương bằng thịt trong hiện thực. Vậy mà, từ thập niên 1950 trở đi, tranh vẽ

 

                                                                  1

 

người phụ nữ của nhà họa sĩ Lê Trung trên bìa sách, bìa lịch hay những tờ báo Xuân như : Sài Gòn Mới, Sân khấu Mới, Tia sáng, Phụ nữ Ngày mai, Phụ nữ Diễn đàn… vẫn xuất hiện như trăm hoa đua nở hình ảnh những người đẹp do họa sĩ họ Lê vẽhết sức được ngưỡng mộ trong mọi tầng lớp độc giả và công chúng nghệ thuật. Lúc bấy giờ, tranh vẽ phụ nữ của Lê Trung được xem là sáng giá nhất so với các họa sĩ khác như Phi Hùng, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Lê Minh…ở Sài Gòn. Người ta mê tranh phụ nữ do họa sĩ Lê Trung vẽ đến mức sau Tết nguyên đán, họ còn tiếc, thận trọng đem cắt hình ảnh người đẹp trên bìa báo Xuân, đem dán trang trọng lên tường nhà để mọi người tiếp được tực chiêm ngưỡng giai nhân.

 

              Trên trang bìa tờ báo xuân khổ lớn hay tờ lịch treo tường dạo ấy, họa sĩ Lê Trung quen với cung cách vẽ chân dung bán thân - kiểu như một ảnh chụp - của người đẹp (đôi khi có cặp theo chiếc nón lá úp trước mình, hay chiếc nón lá đội trên đầu). Nhưng người tinh mắt rất dễ nhận ra ngay hầu hết khuôn mặt các cô gái do họa sĩ Lê Trung vẽ ở đâu cũng đều giống y như một hay ít ra cũng phảng phất đến hơn phân nửa nét tương tự. Lúc nhỏ khi mới vào Tiểu học, thỉnh thoảng tôi cũng được nghe nói họa sĩ lấy hình mẫu, nhất là khuôn mặt ở cô em vợ xinh đẹp của mình mà không biết thực hư thế nào ?! Thuở còn là một cậu học trò nhỏ yêu hội họa, thú thật tôi cũng đã từng hằng giờ say mê ngắm nhìn hình ảnh những giai nhân dưới nét vẽ tài hoa của người họa sĩ miền núi Cấm.

 

                Nếu đã có dịp xem tranh phụ nữ của Lê Trung, ta nhận thấy họa sĩ luôn nhất quán  trong kỹ thuật và phong cách. Đối tượng là một phụ nữ đẹp với những vẻ đặc thù : có nét chung cọng hưởng với tính cách của hầu hết những người đẹp dưới nét cọ của nhiều họa sĩ khác nhưng cũng có nét riêng hình thành từ bút pháp độc đáo của họa sĩ. Sắc thái chung là vững vàng kỹ thuật, nắm chắc tỷ lệ cơ bản áp dụng cho các phần ở khuôn mặt, thân người, tứ chi... Nhưng đặc điểm riêng, tạo nên phong cách của tác giả là điều đáng lưu ý hơn ở họa sĩ. Lê Trung không vẽ một cách ước lệ theo lối cổ điển như một điệp khúc mà ta thường gặp ở các họa sĩ hàn lâm tiền phong xuất thân bài bản từ lò ‘Mỹ thuật Đông dương’. Đó là vẽ phụ nữ thì thân hình phải mảnh mai, đi đứng cần ra vẻ thướt tha, yểu điệu. Lê Trung cá tính mà sáng tạo, kinh điển mà thực tế. Ở những người đẹp qua nét cọ tinh tế của họa sĩ Lê Trung, khách thưởng ngoạn sành điệu sẽ cảm nhận ra được những cung điệu sắc màu mới lạ bàng bạc trong từng nghệ phẩm của ông. Người thiếu nữ trong tranh của Lê Trung có vẻ sống thực và gần gũi với hình ảnh của những cô gái lao động khỏe khoắn Nam bộ, tháng năm quen với cảnh chân lấm tay bùn nơi chốn rẫy bái, ruộng đồng. Nhìn lại những người đẹp do Lê Trung vẽ, ta dễ nhận ra điều hiện thực : các cô là những thiếu nữ diễm lệ, ngực nở lưng săn, mũi dọc dừa thon thon, môi mọng hình tim như thèm gọi, nhìn thật đắm mắt. Thân hình cô gái tròn trịa, hứa hẹn một sinh lực tràn đầy, mắt bồ câu trữ tình trên khuôn mặt hồng đầy đặn bóng láng, toàn thân hừng hực sức sống như cây trái, cá tôm, sông nước miền Nam. Rõ ràng thực tình đây là mô hình lý tưởng tiền đề của những cô gái lao động trong xã hội ta hôm nay. Duy có điều, tôi còn chút băn khoăn suy nghĩ là nếu họa sĩ làm cho mái tóc người đẹp bớt đi một chút vẻ chải chuốt, bóng láng đài cát, đôi mày giảm đi vẻ tỉa tót, bớt cắt nét sắc cạnh, và cánh tay chiếc áo bà ba kéo dài ra thêm một chút để tránh vẻ cũn cỡn thì hợp lý vô cùng.

 

              Chung kết lại, hình ảnh những cô gái trong tranh của họa sĩ Lê Trung là những bức chân dung phụ nữ đẹp, kết tinh được nhiều ưu điểm về kỹ thuật, bút pháp điêu luyện và thể hiện phong cách độc đáo riêng của một họa sĩ nhà nghề đã kinh qua bài bản từ một trường mỹ thuật chuyên nghiệp.  Do vậy, trong khoảng thời gian thập niên 1950-1960, khi chưa có

                                                                      2

 

 

phong trào đăng ảnh chụp chân dung tài tử, nữ nghệ sĩ ca nhạc, sân khấu hay minh tinh màn bạc như Thanh Nga, Thanh Thúy, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… vị trí những họa phẩm minh họa giai nhân hình thành dưới bàn tay tài tình, khéo léo của họa sĩ họ Lê luôn được xếp hàng đầu, được thế hệ nghệ sĩ tạo hình cùng thời hoặc đàn em thực sự trân trọng. Nó có giá trị nghệ thuật đích thực của một tác phẩm mỹ thuật mẫu mực, luôn được nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước săn đón, tìm mua hay đặt vẽ, khiến tác giả không kịp đáp ứng nhu cầu của khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Trên cơ sở thực tế đó, ta không thể nhất trí với ý kiến của  Trịnh Cung khi ông bảo tranh vẽ chân dung người đẹp của Lê Trung thuộc loại “sến” vì được quá nhiều người săn đón trong đó đa phần là giới lao động bình dân. Như vậy, không rõ họ Trịnh họa sĩ dựa trên cơ sở nào ? Ai cũng hiểu rõ, văn chương nghệ thuật thuộc phạm trù thượng tầng kiến trúc, phi vật thể nên đánh giá nó không phải là điều đơn giản. Văn nghệ xưa nay vốn là một vườn hoa mênh mông, trăm hương nghìn sắc hiếm có ai đủ điều kiện để cảm nhận, thẩm định chính xác giá trị của một thể loại nào. Không thể vì cảm tính, ngẫu hứng thấy ai làm khác, không theo quan điểm nghệ thuật hay trường phái của mình thì phiến diện, cường điệu khẳng định là họ sai. Dùng từ “sến”, tôi nghĩ đã xúc phạm đến họa sĩ Lê Trung và coi thường cả những ai ngưỡng mộ tranh của nghệ sĩ họ Lê, vì đã hàm ý đánh giá tất cả một trình độ thấp kém ít chữ nghĩa, ngang hàng với giai tầng khiêm tốn nhất trong xã hội. Bởi lẽ, từ “sến” có thể ám chỉ đứa ở : con ‘sen’, hay ‘ oshin” chỉ mới được du nhập vào Nam bộ gần đây…thì lại càng khập khiễng vô lý. Người tinh tế có suy nghĩ và biết tự trọng không ai dám sử dụng từ này. Trường hợp giống như trong lĩnh vực âm nhạc, hễ ca khúc nào được lắm người yêu thích, hát nhiều vì phổ thông dễ hát thì bảo đó là nhạc “sến” như tác phẩm của các nhạc sĩ Lam Phương, Thanh Sơn (1938-2012), Vinh Sử, Đài Phương Trang… Vậy thì, bên cạnh loại nhạc được gọi là nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ… những ca khúc sáng tác ngẫu hứng theo kiểu “mì ăn liền” ít được ai biết, ai hát, ai nhớ, ai cảm trừ ‘tác giả” chỉ hát được một lần trước công chúng thì gọi tên là gì? Còn trong địa hạt thi ca, thơ của Nguyễn Bính, Anh Thơ…ai cũng yêu thích vì dễ hiểu, dễ nhớ…thì gọi thế nào ? Ở phạm trù mỹ thuật, tác phẩm của các họa sĩ lập thể hay trừu tượng…siêu thực : Picasso (1881-1973), Kandinsky (1866-1944), Nguyên Khai, Paul Klee (1879-1940) … rất quái đản, hủ nút, không ai hiểu mà cũng ít có người săn đón tìm mua thì gọi là thượng lưu, quí tộc chăng ?

 

                 Liên hệ chi ly một chút để nhớ, và tìm cho Lê Trung một chỗ đứng rõ ràng và xứng đáng với tài năng, công sức của một họa sĩ đã đóng góp cụ thể trong mảnh đất mỹ thuật nước nhà : Lê Trung, nhà họa sĩ có nét bút tài hoa chuyên vẽ phụ nữ cho bìa sách báo, với phong cách đặc biệt một thời vang bóng ở Nam bộ.

 

                               05. 2016

                                                                               

 

 

 

                                                                          

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3131
Ngày đăng: 19.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Văn Đệ - Nghệ sĩ hội họa bậc thầy - Nguyễn Thanh
Tô Dự - Họa sĩ của Phong cảnh quê hương - Nguyễn Thanh
Tranh thờ Nam Bộ - Nguyễn Thanh
Danh họa Picasso - Nguyễn Thanh
Tây Đô - Năm thập niên không gian Mỹ thuật - Nguyễn Thanh
Đấu giá Tranh Lê Phổ và Bùi Xuân Phái Tại Paris - Trần Trung Sáng
Cây xanh Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái - Trần Trung Sáng
Ngôn ngữ hội họa (Qua sắc thái của Jackson Pollock) - Võ Công Liêm
Triễn lãm Mỹ Thuật - Xuân Ất Mùi Năm 2015: Mùa Xuân và Con Giáp - Trần Trung Sáng
Bàn về "Học và Tự Học trong Hội Họa" - Nguyễn Huy Lộc
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)