Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
525
116.588.633
 
Bán lý tưởng vì yêu
Trọng Huân

 

Ông giáo Bản nghỉ việc gần ba chục năm rồi. Do đau yếu nên ông giáo nghỉ theo chế độ một cục. Ông là dân sống lâu nhất trong ngõ. Hồi tôi mới chuyển tới đây, từ nhà mình nhìn chếch sang một tẹo, thấy căn nhà cấp bốn lợp ngói ọp ẹp của ông giáo. Nghe nói, trước đây ông từng dạy toán, hay vật lý gì đó ở một trường cấp III trong thành phố. Ông sống độc thân. Ngoài hộ độc thân là nhà ông ra, còn có nhà một bà già nữa trong tận ngõ, cũng dạng hộ độc thân. Ông giáo hom hem, y như kẻ suy dinh dưỡng nặng. Dù hè chí đông, bao giờ cũng thấy ông giáo sù sụ khăn quấn cổ, vận ngoài chiếc áo len kiểu đan tay ngày trước.

Ngõ ấy, có lẽ nhà tôi là nhà duy nhất ông giáo đôi khi ghé vào làm chén trà, huyên thuyên dăm ba câu chuyện: nào ông Thủ tướng nhiệm kỳ này chèo lái con thuyền đất nước ra sao; bà bộ trưởng kia lãnh đạo còn non, hay cứng tay chèo; đôi khi ông giáo còn bàn rộng ra cả chuyện thế giới. Tôi nhớ tối ấy đi làm về muộn, bật điện được một lúc, thì nghe tiếng ông giáo đánh tiếng ngoài cổng:

- Anh nhà báo về chưa đấy?

- Dạ. Thầy chờ cho em một tẹo!

Tôi lật đật chạy ra.

- Nhà báo hay tin Liên Xô đổ chưa?

- Đổ? Ai bảo thầy giáo thế? Mà thầy giáo nói nho nhỏ thôi!

- Đổ! Đổ sụp rồi. Lão Goócbachốp…

Thế là câu chuyện nổ như ngô rang, cứ oang oang ông giáo dong từ cổng dong vào tận nhà, chuyện Liên Xô nó đổ sụp. Trong câu chuyện ông giáo Bản nhấn đi nhấn lại cụm từ phương tiện với mục đích – cụm từ tôi nghe đến nhẵn tai.

- Này! Cha Ensin gớm ra phết nhé. Lão chơi nước cờ cao, hất đổ được tay Goócbachốp! Đấy, quan trọng là anh phương tiện. Lão Ensin đạt được mục đích, phá tan được thứ liên bang anh em ô hợp, ọp ẹp, rộng từ Đông sang Tây là do cao cờ, biết sử dụng phương tiện.

Ông giáo Bản có chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ. Lúc đó có nhà đã sắm xe máy Kim vàng giọt lệ, còn ông giáo vẫn lọm cọm cưỡi chiếc xe đạp cà tàng, nhìn chả còn thấy nhãn mác. Ông bảo, nó hiệu xe Phăngpôlít - chính hãng Pháp quốc. Nghe ông kể, chiếc xe truyền từ đời ông nội của ông (dịp cải cách ruộng đất, ông cụ bị quy thành địa chủ), rồi sang đời bố ông và nay truyền tới ông, vắt qua hai chế độ, mấy chính thể, năm mươi năm vẫn chạy tốt. “Vật kỷ niệm thiêng liêng lắm, còn hơn cả lý tưởng tôi theo.” - ông cười, bình luận vậy và cao giọng khẳng định như đinh đóng vào cột lim:

- Dù có chết đói, nhất quyết tôi không bán nhá. Bán, quá bằng tôi bán lý tưởng à?

Ông kể: Cuối năm 1972, B52 Mỹ trải thảm đài phát sóng phát thanh Mễ Trì. Lịch sử - dịp ấy Đài Tiếng nói Việt Nam ngưng sóng đúng chín phút. Tối đó có việc, ông nghỉ đêm ở gần khu vực đó. Ông giáo vác xe chạy thục mạng mấy cây số, giữa bom rơi đạn lạc. “May chiếc xe không hề hấn gì, chả dính tí mảnh bom đạn nào nhé!” Ông thường tự hào nhắc lại chiến tích ấy. Người không lo, ông lại đi lo chiếc xe đạp “không bị dính tí mảnh bom đạn nào”, thật kỳ lạ. Có bận tôi hỏi ông:

- Sao thầy không lên đời xe máy, hay thửa con xe đạp Nhật, đi cho sướng!

- Dào ơi! Nó là thứ phương tiện ấy mà!

Nói thì vậy, tôi biết ông giáo túng bấn lắm. Về nghỉ một cục, tiền đem gửi ngân hàng, rồi trườn trượt mất giá, chỉ vài năm sau ông cựu giáo học thành ra trắng tay. Nay thì ông giáo tằn tiện trong chi tiêu, khắc khổ mà sống. Biết hoàn cảnh ông vậy, lại là người khái tính, thi thoảng tôi san sẻ chút ít gì đó cho ông giáo, song cũng rất tế nhị: hôm thì dăm cân gạo, nói là cơ sở biếu tặng quà nhà báo; mai lạng trà, vẫn cơ sở kính biếu. Có thế, ông giáo mới chịu nhận. Túng thì túng, nhưng bước chân ra khỏi nhà, dù đông chí hè, ông giáo Bản đều trang trọng cổ quấn khăn và mặc ngoài chiếc áo len đan tay. Ông giáo rất thích đề cập chuyện chính trị, lại hay triết lý nữa, nhất là khoản phương tiện với mục đích. Có lần ông giáo triết lý:

- Đấy! Anh nhà báo cứ nghiên cứu, cứ đọc đi, kể cả cổ sử. Nếu ta biết áp dụng, biết sử dụng anh phương tiện, có khi còn giành cả giang sơn. Cứ xem ông Lê Lợi, nào ông ta có quý báu gì dòng giống nhà Trần, song vẫn dựng con cháu họ lên. Mục đích xong rồi, ông ta giết béng luôn. Hay vua Lê Thánh Tông suy tôn đạo Nho, ông này cũng chỉ dùng thứ đạo ấy làm phương tiện thôi… Ông rất kính phục cụ Hồ, coi là bậc kỳ tài trong cách sử dụng phương tiện.

Ông giáo Bản còn dẫn chứng một lô cách thức sử dụng phương tiện để đạt được mục tiêu, mục đích. Ông có kiểu triết lý rất lạ: mục đích thì có một, nhưng phương tiện thì nhiều lắm. Ông lấy ngay ví dụ, ngày trước sáng sáng đến trường dạy học, dù phương tiện là xe buýt, hay xe đạp, sáng bảy rưỡi đều phải có mặt ở trường. Vậy thì dùng phương tiện là xe đạp như ông, chả được sao.

                                             

                                    **************

 

Một hôm tôi sang nhà chơi, đúng lúc ông giáo đang dùng cơm. Món ăn của ông bữa ấy không thanh đạm như mọi khi, tức chỉ lỏng chỏng xoong cơm, xoong canh lõng bõng nước cùng nhúm rau, bên cạnh là bát muối vừng truyền thống. Mâm cơmcủa ông giáo bữa đó có phần thịnh soạn - thấy thêm phần đĩa thịt.

-  Hôm nay thầy xơi cơm sang quá!

-  Ấy, thịt chuột đấy! Nó sa bẫy tối qua. Bảo chuột đồng, chứ đến anh chuột cống thành thị lắm giun nhiều sán, cứ ninh hầm cho kỹ, thì sán, giun, vi trùng đều chết ráo. Ăn vào vẫn bổ, lại còn lành nữa! 

Thảo nào, lâu nay sang chơi nhà ông, ngõ ngách nào cũng thấy đặt bẫy chuột. Không rõ mấy cái lồng chim treo quanh nhà, có phải ông dùng để bẫy chim không? Vừa gắp và xơi miếng thịt chuột xong, thầy giáo Bản chỏ thẳng đôi đũa về phía tôi, hùng hồn tuyên bố và phân tích về cung cách sử dụng phương tiện của “cánh tư bản nhà chúng nó”:

- Giàu, sướng là nhờ chúng biết cách thức sử dụng phương tiện đấy. Lũ chúng bóc lột tinh vi lắm. Cứ bóc lột tận xương tận tủy người lao động qua giá trị thặng dư – chính ngài Max đã bóc mẽ chúng ra. Bóc lột quá, thế nên chúng phải gánh chịu hậu quả, cứ khủng hoảng triền  miên, hết thừa lại sang thiếu!

Sau này không thấy ông phân tích, đả động đến thứ phương tiện của “phe ta” về tính kế hoạch, mà trước đó khi Liên Xô chưa sụp đổ, ông thường đem ra phân tích và ca tụng.

Chả rõ căn nhà ọp ẹp của ông giáo tồn tại đến năm thứ bao nhiêu? Nó thuộc thứ loại phương tiện sống kiểu gì? Sau dịp B52 trải thảm Hà Nội, rồi tiếp đến hiệp định hòa bình Pari ký kết, dân Hà Nội từ các nơi sơ tán lục tục kéo nhau về. Sau dịp ấy, thầy giáo Bản dựng lên căn nhà lợp ngói. Mấy chục năm rồi, nay dân ngõ đều lên đời, nhà mái bằng cao hai, ba tầng, riêng ông giáo vẫn sống trong căn nhà ọp ẹp. Hay ông giáo muốn để lại một dấu tích về ngày hòa bình chiến thắng, dân sơ tán kéo nhau về Thủ đô? Giờ mỗi trận mưa, thầy giáo Bản huy động khuân vác mọi thứ phương tiện trong nhà: xoong, nồi, xô, chậu,... bày ra la liệt trên nền nhà để chống chọi với mưa dột.

 

                               *****************

 

Dân sống lâu trong ngõ kể: Ngày còn trai trẻ, lúc vừa tốt nghiệp sư phạm, anh giáo Bản dạy học ở một trường cấp III trong thành phố. Trong ngõ có cô làm công nhân ở nhà máy dệt Mồng Tám tháng Ba, tận dưới phố Minh Khai. Cứ sớm sớm, chiều chiều, khi hết ca đi làm về, cô thợ dệt tay tung tẩy cặp lồng, bước qua nhà anh giáo. Trong nhà, anh giáo Bản âm thầm ngó ra ngắm nhìn cô công nhân thợ dẹt dệt. Anh ngó nhìn tận khi bóng hồng khuất hẳn trong ngõ. Những lúc ấy tâm thần chàng trai chỉ còn tơ tưởng đến bóng hồng với cái eo thon thon, phủ ngoài bằng chiếc áo chiết ly màu xanh thẫm, tóc tết đuôi sam vắt vẻo sau lưng,... Bên vòi máy nước công cộng, đôi lần anh giáo đã đánh tiếng, còn cô thợ dệt cứ nước đôi đáp lại:

- Anh giáo cứ nói thế! Bọn em dân thợ thuyền, sao bì được với anh giáo.

Cô thợ dệt và bà mẹ hình như cũng biết việc anh giáo đang để ý nhà họ. Dịp ấy là ngày Nhà giáo. Thuở đó đói kém lắm! Lương thực của dân Hà Nội toàn mì sợi, bột mì, hay bo bo độn. Anh giáo lâu nay còn  lưỡng lự, rồi đi đến quyết định, sẽ ngỏ lời yêu cùng cô thợ dệt. Anh giáo cẩn thận đạp xe xuống tận làng hoa mãi Hồ Tây, mua bó hoa tướng, toàn thược dược tím, mỗi bông to gần bằng cái bát ăn cơm. Chỉnh tề ca vát đỏ tươi, sơ mi trắng lốp, sơ vin áo trong quần ka ki thẳng nếp, chàng giáo Bản trịnh trọng ôm bó hoa tươi thẳng tiến đến nhà cô gái.

Vừa bước ra khỏi cửa, dân ngõ tò mò ngó nhìn, xì xầm bình phẩm. Đám trẻ con thấy cảnh lạ, rồng rắn một lũ theo sau. Xua chúng cũng dở - một lũ tí nhau cười nói huyên thuyên; còn để chúng bám đuôi, thật bất tiện vào đúng thời khắc quan trọng của cuộc đời – đi ngỏ lời cầu hôn.

Bước vào nhà người ta, anh giáo trịnh trọng cất lời xin trước với bà mẹ, “Cho phép cháu tặng em nó bó hoa...”. Đây là cách thức anh giáo biểu hiện tình yêu đang rực cháy trong lòng. Ngỡ ngàng thấy anh giáo trang trọng ôm bó hoa đột ngột xông vào nhà mình, lại nhìn lũ trẻ thập thò, chỉ trỏ, cười nói hô hố trước sân, bà mẹ của cô gái giận quá, sa sầm nét mặt. Còn cô gái nghe anh giáo xin phép mẹ mình việc như thế, thẹn thùng, vội vàng chạy tọt xuống bếp. Bà mẹ đành chỉ còn phép kiêu kỳ bắc bậc với anh chàng đang dưng đến tỏ tình con gái nhà mình:

- Khí không phải! Nhà tôi rất cảm ơn anh giáo! Mẹ con tôi góa bụa, không quen dùng hoa. Xin rước anh giáo lại nhà và làm ơn, rước giúp bó hoa về cho!

Anh giáo ngẩn mặt, ôm bó hoa tươi, đứng như trời trồng giữa nhà. Anh đâu ngờ rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này, ở lại chẳng đặng, tặng hoa không xong. Cuối cùng chàng ta đành ngắc ngứ chào bà mẹ, tẽn tò ôm bó hoa ra về. Đến cả tuần sau dân ngõ còn túm tụm kháo chuyện: Nào bà mẹ bảo, anh này ngộ chữ. Thời buổi đói kém thế này, quà tặng là gói bánh bích quy, cân đường hoa mai, hay hộp sữa Ông Thọ, có ý nghĩa không. Mà đi rạm ngõ, lại kéo theo một lũ trẻ ranh. Người lớn, họ hàng nhà trai đâu hết? Chẳng lẽ họ chết tiệt rồi a? Khéo bó hoa ấy là của đám học trò biếu tặng nhân ngày Nhà Giáo cũng nên. Con gái họ nhận, hóa ra bằng nhận của thừa ư!                                     

                          

                         *******************

Sau đợt công tác, từ trên gác nhìn sang nhà ông giáo, tôi thấy lạ: tường nhà được quét lớp vôi trắng lốp. Trong nhà hình như thấp thoáng bóng dáng phụ nữ.

        Cô thợ dệt năm nào, nay vẫn độc thân và thành ra một bà lão rồi. Tuổi già ốm đau, bà lão đang nằm viện mà không người chăm sóc. Ông giáo Bản biết chuyện, đâm ra phân vân. Đến hay không đến thăm hỏi bà ấy? Nếu đến, mà đi tay không, có tiện chăng? Hiện trong nhà không một đồng, một cắc. Ông giáo Bản chợt nhớ đến tay sưu tầm đồ cổ, đồ cũ, lâu nay vẫn gạ gẫm mua lại chiếc Phăngpôlít. Phân vân mãi rồi ông giáo cũng đi đến quyết định, mang kỷ vật thiêng liêng, cũng là thứ phương tiện lâu nay ông sử dụng, đem nó đi bán.

        Bệnh viện Bạch Mai nhiều người tò mò nhìn ngó: có ông già ăn bận trang trọng, chiếc áo len đan tay, cổ thắt ca vát đỏ tươi, tay xách cặp lồng, tay ôm bó hoa thược dược tím, bước đi lập cập.

Phòng bệnh nhân lạnh lẽo, giường ga trắng toát. Đang nằm trên giường, thoáng thấy bóng dáng ông già, bà già lặng đi. Ông lão lặng lẽ ngồi xuống cạnh bà lão, nhè nhẹ đặt cặp lồng cháo, lúng túng nhìn ngó chiếc tủ dành cho bệnh nhân. Thấy chiếc cốc thủy tinh, ông giáo vụng về cắm những nhành hoa thược dược tím...

Bà lão rưng rưng, tay run run giơ ra đón nhận bát cháo từ tay ông giáo già. Cho đến tận phút giây đó cả hai còn như ngỡ ngàng. Họ tự hỏi, tại sao đến đận này cơ chứ - tính từ thuở hãy còn ở cái tuổi thanh xuân ấy?

 

Sơn La, ngày 06/12/2014

 

Trọng Huân
Số lần đọc: 1744
Ngày đăng: 10.11.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sân ga u buồn - Trần Băng Khuê
Bão ngoài trời bão trong lòng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có một mùa tựu trường - Nguyễn Đức Tùng
Vượt Đại Tây Dương - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hạnh phúc và bất hạnh - Chu Tất Tiến
Thiên đường sụp đổ - Tru Sa
Hoa mai chùa cổ - Mai Bá Ấn
Tiếng hát cô bé bán rong - Thiên Thanh Xanh
Mắt cũ - Trần Băng Khuê
Kha công tử - Thái Quốc Mưu
Cùng một tác giả
Kỷ niệm thơ (truyện ngắn)
Lỗi em (truyện ngắn)
Bức hoạ (truyện ngắn)
Thật Mặt (truyện ngắn)
Nhân cách đói (truyện ngắn)
Mất ngựa (truyện ngắn)
Kẻ trông chùa (truyện ngắn)
Ao làng (truyện ngắn)
Khóc nghề (truyện ngắn)
Khi người ta đói (truyện ngắn)
Kỷ vật (truyện ngắn)
Ngõ xóm (tạp văn)
Con nhà sẩm (truyện ngắn)
Hoài niệm... (tạp văn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Cuốn sổ tay (truyện ngắn)
Chuyển nhà (truyện ngắn)
Số kiếp…! (truyện ngắn)
Tôi cưới vợ (truyện ngắn)
Chết… vì nhục (truyện ngắn)
Làng ma (truyện ngắn)
Đêm tân hôn! (truyện ngắn)
Thằng đói (truyện ngắn)
Viếng ma (!) (truyện ngắn)
Vĩ nhân (truyện ngắn)
Cúc ơi! (truyện ngắn)
Hoa cúc quỳ (truyện ngắn)
Sống gửi... (truyện ngắn)
Ông sư… (truyện ngắn)