Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
687
116.517.407
 
7 ngày ở Kuala Lumpur, Malaysia
Thái Quốc Mưu

 

 

Thú thật, chẳng biết từ bao giờ, trong tôi đã có “dòng máu kỳ thị” và xem Malaysia chỉ là một quốc gia chậm tiến, nếu không nói là còn man rợ, nhưng tôi phải cực kỳ ngạc nhiên về sự tiến bộ sau khi đặt chân lên quốc gia nầy. Malaysia đã chuyển mình và thực sự là một con rồng ở Đông Nam Á.

 

Chỉ 10 năm Malaysia tiến gần bằng Nhật và 5 năm theo kịp Singapore. Trước khi đi vào cuộc hành trình trên xứ người, tôi xin gởi đến quý độc giả sơ lược về lãnh thổ Malaysia.

 

Quốc gia Malaysia, có hai hòn đảo chính, chia thành hai vùng rõ rệt: Tây và Đông Malaysia. Tây Malaysia được gắn liền với đất liền, nên gọi là bán đảo, còn Đông Malaysia nằm ngoài khơi Thái Bình Dương. Hai nơi nầy cách nhau một vùng biển 640 cây số. Cả hai vùng có chung diện tích độ 329.750 cây số vuông. Bán Đảo Tây Malaysia chiếm gần 60% tổng số diện tích. Chiều dài 800 cây số, nơi rộng nhất 330 cây số. Đông Malaysia có chiều dài 1.130 cây số, nơi rộng nhất 275 cây số. Liên bang Malaysia có 13 tiểu bang và 3 hạt. Kuala Lumpur là thủ đô và cũng là hạt lớn nhất của quốc gia nầy.

 

Theo thống kê năm 2004, Malaysia có gần 24 triệu người. Mật độ trung bình 72 người/cây số vuông. 59% dân số Malaysia sống ở đô thị. Họ dùng 3 ngôn ngữ chính: Malaysia, Hoa và Anh.

 

Malaysia là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nền giáo dục tuyệt vời. Học sinh bắt đầu cắp sách đến trường cho đến khi học hết lớp 12 không phải đóng học phí và được cấp toàn bộ sách vở. Vào đại học, được chính phủ cho vay tiền để học, sau khi ra trường nếu có việc làm và có khả năng trả nợ thì trả, nếu không có việc làm, không có khả năng trả nợ thì  đương nhiên được xóa nợ. Thường việc xóa nợ rất ít xảy ra. Học sinh vào trường được quyền chọn ba ngôn ngữ: Malaysia, Hoa và Anh.

 

Thông thường, mỗi học sinh đều học hai ngôn ngữ. Và tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Trong lãnh vực văn học, công trình quan trọng nhất là Sejarah Melayu (Biên Niên Sử Malaysia), được viết từ năm 1500, mặc dù được viết theo lối tiểu thuyết, nhưng mô tả đầy đủ những sự kiện trong các triều vua Hồi giáo Malacca. Vào thế kỷ 18, chế độ thực dân làm ảnh hưởng đến nền văn học của Malaysia.

 

Năm 1876, tờ báo sử dụng tiếng bản xứ đầu tiên được lưu hành trong nước.

 

Nền kiến trúc Malaysia chịu ảnh hưởng chính của hai dòng văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, ngoài ra còn ảnh hưởng của Ma Rốc và các nước Hồi giáo...

 

Năm 1998, khởi công xây dựng công trình Petronas (còn gọi là Kall), hoàn thành vào năm 2003. Đây là hai toà tháp “sinh đôi” đứng song song với nhau (nên gọi là Tháp Đôi). Tháp Đôi có 88 tầng cao 452 mét, trước năm 2004, được xem là cao nhất thế giới. Kiến trúc nầy đậm nét văn hóa Hồi giáo Malaysia.

 

Về tài nguyên, Malaysia có khoảng 8.000 loài thực vật trong đó có gần 3.000 loài thân gỗ. Đặc biệt, cây Dái Ngựa (Đầu sư?) và cây Tếch thông thường cao hơn 50 mét và đường kính tới 3 mét. Vùng Đông Malaysia có loài hoa lớn nhất thế giới tên Rafflesia.

 

Ngoài ra, Malaysia còn có khoảng 500 loài chim, 100 loài bò sát, 80 chủng loại thằn lằn khác nhau và rất nhiều loài động vật hoang dã có kích thước lớn: voi, sư tử... Rừng Malaysia chiếm tới gần 59% diện tích. Nguồn lợi chính của Malaysia là dầu mỏ, quặng thiếc, gỗ, cao su, cây dừa cọ (một loại dùng để lấy dầu dùng trong ngành dược, trồng mênh mông bát ngát như dừa Bến Tre, dừa Tam Quan) và nguyên liệu khô.

 

Năm 1957, Malaysia giành được độc lập, nhờ đó việc phát triển sản xuất chiếm ưu thế. Thời gian 1970 - 1990, Malaysia thật sự chuyển mình biến thành một trong những con rồng châu Á.

Đầu năm 1991, chính quyền Malaysia đặt ra chương trình qui mô “Vision 2020” biến Malaysia thành một nước công nghiệp. Kế hoạch nầy đã đưa Malaysia trở thành một trung tâm kinh doanh kỹ nghệ cao toàn vùng Đông Nam Á. Trong thời điểm 1997 - 1998, trước sự suy thoái về kinh tế của cả khu vực và cả thế giới, Malaysia không chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái nầy là nhờ “Vision 2020”.

 

Trung bình mỗi năm Malaysia tăng trưởng 6,2% kinh tế. Ngân sách năm 1997 thu 23 tỉ USD, chi 20 tỉ USD. Năm 2002 GDP của nước nầy là 94,9 tỉ USD. Malaysia không có trợ cấp thất nghiệp. Khi sang Malaysia, tôi hỏi Ngành Sáng - người Hoa, sống nhiều đời ở Kuala Lumpur, vì sao? Ông đáp: “Nước chúng tôi nhiều việc làm lắm, chúng tôi thiếu rất nhiều công nhân, chính phủ còn thuê mướn công nhân ở Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia... vì vậy đâu thể trợ cấp cho những người lầm piếng (lười biếng).”

 

Tháng 9 năm 2005, tôi về VN, trong một buổi dạ tiệc ở Đệ Nhất Khách Sạn, Hoa Sứ I, tình cờ tôi gặp ông Gan Cheng Hai (Ngành Sáng), Tổng Giám Đốc Công Ty Nhập Khẩu Continental Foodwear SDN ở Kuala Lumpur, công ty nầy cung cấp giầy dép cho toàn lãnh thổ Malaysia.

Ngành Sáng, là người Hoa, sinh trưởng ở Malaysia, trước 1975 ông có sang Việt Nam làm ăn ở Chợ Lớn, trong khi gia đình ông nhiều đời vẫn ở Malaysia. Thời gian Việt Nam và Trung Quốc “chọi nhau”, ông Ngành Sáng trở về Malaysia sum họp với đại gia đình.

 

Vì muốn bắt nhịp cầu mở rộng công việc làm ăn, sau đêm ấy, những buổi tối chúng tôi thường hẹn hò gặp nhau. Trong những buổi tọa đàm, ông Ngành Sánh thường tỏ vẻ không hài lòng nhiều vấn đề ở đất nước Việt Nam, chê Việt Nam dơ, và những nhu cầu công cộng cho người dân còn kém quá, đồng thời ông không tiếc lời ca tụng Malaysia. Và, ông mời tôi sang thăm gia đình ông và Kuala Lumpur. Tôi nhận lời.

 

Tháng 8-2005 về nước, sau khi nghỉ ngơi, tôi gọi ông Ngành Sáng hẹn ngày bay sang Malaysia. 10 giờ sáng ngày 08.8, tôi cùng bà Chu Thị Kim Anh, Giám đốc công ty sản xuất và xuất khẩu dép có quay lên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam bay sang Kular Lumpur và đáp xuống phi trường K.L.I.A Airport lúc 11:30 giờ.

 

Hành khách trên chuyến bay nầy, đa số là những chàng thanh niên “trên khắp nẻo đường đất nước”, sang lao động ở Malaysia. Nhân cơ hội nầy, tôi làm một cuộc phỏng vấn nhanh:

 

- Cháu người Tỉnh nào?

- Dạ! Quảng Trị

- Còn cháu?

- Dạ! Cháu ở Quảng Ngãi.

- ...

- Làm thế nào các cháu được đi lao động nước ngoài?

- Nhờ dịch vụ đó bác.

- Dịch vụ họ ăn bao nhiêu?

- Dạ, hai mươi triệu.

- Hai mươi triệu? Mình nghèo, làm thế nào để có số tiền đó?

- Họ ứng trước cho mình và trừ vào tiền lương.

- Ở Mã Lai, mình làm mỗi tháng được bao nhiêu?

- Ba triệu, bác!

- Như vậy trừ hết chi phí mình còn được bao nhiêu?

- Dạ khoảng hơn triệu.

- Hợp đồng mình làm được bao lâu?

- Ba năm.

Tôi biết trong lòng họ đang nôn nao và hồi hộp...

 

***

 

Rời phi cơ, chúng tôi lên xe điện vào nhà ga phi cảng làm thủ tục nhập cảnh, ở đây tôi thấy nhân viên làm việc không có mặc đồng phục, có những phụ nữ họ mặc toàn y phục đen dài và mặt được che kín chỉ chừa hai con mắt. Đến chỗ hải quan, tôi cũng thấy như vậy. Cả hai nơi làm việc rất nhanh và vui vẻ. Phần đông họ là người có nguồn gốc Trung Hoa.

 

Sau khi làm xong các thủ tục, tôi bắt đầu quan sát nhà ga phi cảng. Đó là một công trình kiến trúc quy mô, nguy nga tráng lệ có tầm vóc quốc tế, hoàn toàn tân tiến, không như phi cảng Tân Sơn Nhất của chúng ta.

 

Đón chúng tôi tại lối ra phi trường là một phụ nữ ngoài bốn mươi - bà Ngành Sáng, bà nói tiếng Quảng Đông địa phương, hơi khó nghe. Tôi, gốc Quảng Đông nửa vời, nghe, hiểu tiếng được tiếng không, nhưng cũng tóm tắt được ý, bà chuyển lời chồng đến xin lỗi vì bận việc bất ngờ, nên không thể ra đón chúng tôi.

 

Ngồi trên chiếc Toyota đời mới, rời phi cảng chạy trên xa lộ gần 45 phút mới vào thủ đô Kular Lumpur. Trên xa lộ chúng tôi thấy toàn là xe hơi nườm nượp nối đuôi nhau, không thấy bóng một chiếc xe gắn máy bất cứ loại nào. Hình ảnh trên xa lộ xe hơi đông đảo chẳng khác gì ở các tiểu bang North và South Carolina của Mỹ.

 

Về đến nhà, bà Ngành Sáng dẫn chúng tôi lên phòng ở tầng trên. Đó là căn phòng rộng rãi như Master Room của những ngôi nhà có giá khoảng trên hai trăm ngàn ở Mỹ. Quan sát toàn phòng, tôi thấy tiện nghi đầy đủ như ở Mỹ, khác ở điểm là nhà lát toàn đá hoa cương, nhưng máy lạnh lại là loại máy sử dụng cho từng phòng. Sau nầy, tôi có hỏi ông Ngành Sáng về vấn đề nầy, ông cười đáp: “Tại sao chúng ta phải xài máy lạnh cho cả nhà, trong khi đó là điều không cần thiết?”

 

Còn gas thì sao? Ở Malaysia không có hệ thống Gas đến từng gia đình nhưng Mỹ, mà lại dùng gas bình. Tôi hỏi: “Vì sao ở đây các công ty Gas không đưa gas vào mỗi nhà?” Ông Ngành Sáng đáp: “Gas được chánh phủ bảo trợ một phần giá, cho nên không thể lập hệ thống đưa gas đến từng gia đình, vì nếu làm như vậy, gas sẽ bị ăn cắp rất nhiều, không kiểm soát được.”

 

Gần một giờ chiều trong ngày, Ngành Sáng về tới, ông vội vã lên lầu tìm chúng tôi. Ông hối hả xin lỗi và bảo chúng tôi thay đồ đi ăn. Chúng tôi xuống xe trước nhà hàng người Hoa, điều đập vào mắt tôi là bảng hiệu. Từ bảng hiệu của nhà hàng, chuyển sang bảng hiệu các nơi khác, thấy chữ nghĩa người Malaysia viết như vầy, Restorant, Pharmasy, Pulis (cảnh sát),...                 Không để tôi ngạc nhiên, ông Ngành Sáng cười nói: “Ở đây, chúng tôi viết nửa Tây, nửa Mỹ và nửa Malaysia.” Nói xong ông cười.

 

Trong khi gọi thức ăn ông bảo chúng tôi gọi những món ăn đắt tiền và ngon, chúng tôi bảo vợ ông ta “đi chợ”, trước khi order, bà ấy giải thích cho chúng tôi hiểu rõ từng món ăn và hỏi chúng tôi nên chọn món nào. Xong, ông Ngành Sáng hỏi chúng tôi uống gì. Tôi đáp, “Diệt xà” (trà nóng)..., bạn Kim Anh nói “Sweet Tea”... tóm lại không ai dùng Beer cả. Bà Ngành Sáng nói: “Ở Kuala Lumpur rất ít người “nhẩm chẩu” ở nhà hàng.”

 

Món ăn nhà hàng Hoa ở Malaysia hoàn toàn khác xa khẩu vị món ăn người Hoa ở Việt Nam hay ở Mỹ. Tất cả đều lơ lớ, ít dầu mỡ và thiếu chất đậm đà. Đặc biệt, Ngành Sáng dù là một tay cự phách trong nền kinh tế ở Kuala Lumpur, và đối với ông, chúng tôi là khách đến từ xa, nhưng trước khi tàn tiệc, mọi người đều căng bụng, Ngành Sáng đã không ngần ngại chia xớt hết phần ăn còn lại vào chén bát của ông và vợ con ông.

 

Ông chân thành nói: “Ở đây chúng tôi không dám phí phạm thức ăn. Đã gọi thì phải ăn cho hết. Không như ở Việt Nam, khi đến nhà hàng gọi cho nhiều, ăn không hết rồi bỏ. Tại sao ta phải làm như vậy?” Xong ông cười nói: “Ở Việt Nam ra hàng quán ăn, người ta hay la to “một, hai, ba! Dzô! Dzô!” Họ phí những đồng tiền rất vất vả mới kiếm được!”

 

Khoảng 4 giờ, chúng tôi lại “bị bắt đi ăn”. “Ăn cho hết tất cả những món ăn của Malaysia trong một tuần.” Trên xe Ngành Sáng cười nói.

 

Sau đó chừng hai, ba tiếng đồng hồ, trước khi đến China Town, ông Ngành Sáng đưa chúng tôi đến một chỗ ăn rộng lớn ngoài trời. Ở đó, có hàng trăm chiếc bàn chữ nhật, hoặc tròn sắp xếp thẳng hàng và được sử dụng không biên giới.

 

Đối diện bên kia là một dãy xe - kiểu xe hủ tiếu ở Sàigòn trước 1975, bán đầy đủ các món ăn, đa số là các món nướng. Sau lưng những chiếc xe bán thức ăn là một hàng dài xe hơi kiểu du lịch - xe của những người bán thức ăn, khi bán xong họ lái xe về. Chúng tôi vừa ngồi xuống thì hàng loạt tiếp viên cùng chạy đến, họ luôn miệng “chào hàng” (Ở đây, khi họ đem thức ăn đến thì trả tiền ngay, vì có đến hàng trăm chiếc bàn và bất cứ người bán nào cũng được đặt thức ăn trên những chiếc bàn đó).

 

Quanh chúng tôi, thực khách ăn những món nướng và uống trà nóng, trà đường hoặc Café.

 

Điều làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên, ở chỗ ăn ngoài trời như thế, với hàng trăm chiếc bàn đông nghẹt người như thế, mà mọi người ăn uống rất lặng lẽ, êm đềm. Cá biệt, cách chúng tôi chừng 9, 10 bàn, có 4 chàng thanh niên đang uống Beer tưng bừng. Ngành Sáng chỉ tay về phía đó rồi nói: “Họ là người Việt Nam sang lao động ở đây.”       

 

Như để chứng minh lời của Ngành Sáng là đúng, một tiếng chửi thề Đ.M, lạc lõng to lên. Tôi và người bạn đồng hành đưa mắt nhìn nhau. Nhân đó, tôi hỏi ông Ngành Sáng về tình hình lao động Việt Nam sang làm việc ở Malaysia. Ông Ngành Sáng đáp: “Họ siêng năng, cần cù nhưng hay gây gổ, chúng tôi không thích họ, vì khu họ ở con chó, con mèo chạy ngang đều bị họ bắt làm thịt.” Ông vừa nói vừa xòe bàn tay cứa ngang trước cổ. Xong, tiếp: “Dân lao động ở đây, người Indonesia hay ăn cắp, người Việt Nam nhậu nhẹt quậy phá, chỉ có người Ấn là hiền lành.”

 

Ăn xong, chúng tôi đến khu phố Tàu (China Town). Đến đây rồi, tôi thật sự kinh ngạc về khả năng “xâm chiếm và bành trướng” của người Hoa ở khắp nơi trên thế giới. Đó là một khu phố vào đêm thứ Hai mà người đông nghẹt, phải chen, lách vai nhau đi, chẳng khác gì người và xe gắn máy trên đường phố Sàigòn trong giờ cao điểm. Ngành Sáng luôn nhắc nhở: “Coi chừng lạc!” Ở đây người ta bày bán đầy đủ tất cả các mặt hàng, đặc biệt là đồng hồ. Đồng hồ nhiều vô số kể, nhưng có lẽ đó là hàng mạo hóa.

 

Ra xe trước khi về nhà, ông Ngành Sáng chở chúng tôi đến Trà Quán. Vào đây, không phải để uống trà, mà để ăn món “Quấy Linh Cù”. Đó là thức ăn nhẹ, có màu xanh và hình thể giống như sương sâm Việt Nam. Giá mỗi chén 4 Gringrit (= 1dollar, thời điểm đó). “Quấy Linh Cù” dường như chỉ có ở Tàu Malaysia (dường như bây giờ ở Việt Nam đã có?)

 

Những ngày sau, ông Ngành Sáng lần lượt chở chúng tôi đi viếng các thắng cảnh và những công trình kiến trúc ở Kuala Lumpur: Tòa Tháp Đôi, đại siêu thị Sunway cao 5 tầng, ngay từng dưới của siêu thị nầy có cả sân trượt băng.

 

Có lẽ Mall nầy còn lớn không thua gì Georgia Mall ở Mỹ. Đi đâu, tôi cũng thấy đường phố đều sạch sẽ. Điều đáng chú ý có lẽ là những nhà vệ sinh công cộng. Gần như, tất cả nhà vệ sinh ở Malaysia - kể cả nhà vệ trong phi cảng quốc tế K.L.I.A Airport đều mang sắc thái rất Malaysia, rất sạch nhưng không nơi nào có để giấy vệ sinh, họ chỉ thiết kế một vòi nước ngắn cho khách “làm cái việc ấy” sau khi bài tiết. Nhưng, nó vẫn có thứ để chúng ta giải quyết vấn đề, dù phải trực tiếp bằng tay.

 

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến “nỗi kinh hoàng” khi vào phòng vệ sinh trong siêu thị An Đông và nhà vệ sinh ở tầng trệt phi cảng Tân Sơn Nhất, Việt Nam. Hai nơi nầy chẳng có giấy và cũng chẳng có nước để... Tôi lại chợt nhớ câu chuyện vui “Chàng sinh viên Pháp gặp chàng sinh viên Việt Nam bèn khoe: “Các nhà khảo cổ chúng tôi vừa tìm được những sợi dây đồng, điều nầy chứng tỏ tổ tiên tôi từ xưa đã biết dùng điện thoại rồi.” Chàng sinh viên Việt Nam tỉnh bơ đáp: “Không nhà khảo cổ nào có thể tìm được một sợi đồng trên đất nước tôi. Bởi vì từ ngàn xưa tổ tiên tôi đã biết dùng vô tuyến.” Dân mình “khôn, thông minh” mà cũng tinh ranh, ma mãnh hết sảy!

 

Gần 7 năm sống ở Nam Vang, Kampuchia, tôi thấy ở thôn quê, người nông dân thường ra đồng làm việc bài tiết, xong, họ dùng gót chân quẹt, rồi vừa đi vừa chà gót chân trên đồng ruộng. Tôi lại nhớ hai câu trong kho tàng Ca Dao Việt Nam:

“Anh thương em lấy cây quẹt đít,

Em đi rồi anh hít hít cái cây!”

 

Vậy, ta thử so sánh, nhà vệ sinh ở Malaysia thì có vòi nước, ở Miên người nông dân sau khi “đi đồng” thì dùng gót chân để chùi, còn nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam thì chẳng có gì cả. Phải chăng quý nhà lãnh đạo phi cảng Tân Sơn Nhất (thời 2004ù), ở siêu thị An Đông và ở nhiều nơi khác nữa trên đất nước ta muốn “tiến bộ” kiểu như chàng sinh viên ở trong câu chuyện vui trên đây? Hay là họ muốn sửa hai câu ca dao trên thành:

“Đi cầu rồi lấy tay quẹt đít,

Bước ra ngoài hít hít cái tay” (Hi!)

 

Mỗi ngày, sau thời gian đưa chúng tôi đi du ngoạn, ông Ngành Sáng vội vã đến văn phòng, giải quyết vài công việc, thời gian đó, ông giao phó chúng tôi cho bà Ngành Sáng. Bà gọi thêm một bà bạn người Hoa, họ hè nhau chở chúng tôi đi massage. Điều nầy làm tôi chợt nhớ ở Việt Nam. Có lần, vào Rex massage, khi tôi vào phòng rồi, một thiếu nữ đẹp, trên dưới hai mươi, hai tay bưng vào một ly trà ấm, giọng ngọt lịm: “Mời anh uống nước.” Tôi trợn mắt hỏi: “Mầy gọi tao bằng anh? Cháu ngoại của tao còn lớn hơn mầy đó.” Cháu ấy vội vàng nói: “Con xin lỗi bác, con gọi bác như vậy là vì mấy ông già Việt Kiều vào đây họ bảo gọi bằng anh chứ không cho con gọi bằng chú hay bằng bác.” Nghe qua, tôi cảm thấy xót xa vô cùng! Những thằng già nào đó ở hải ngoại rủng rỉnh chút tiền về nước dễ biến thành thứ chó trâu. Trở ra hải ngoại còn vênh mặt khoe khoang về nước tha hồ ôm gái non, chẳng biết đó là điều sỉ nhục cho quê hương đất nước.

 

Chửi như vậy, không có nghĩa tôi là một nhà đạo đức - Đạo đức gì cái thằng vốn “lang bang chi địa, quậy mút mùa Lệ Thủy” như tôi (cười)! Nếu về quê hương, muốn có chút tình còm để dung dăng dung dẻ cho vui, tôi cũng chỉ tìm những góa phụ ngấm nghé với tuổi mình, tuyệt đối chẳng làm một thằng mù trước sắc đẹp ở hàng con cháu. Theo chân hai bà, chúng tôi bước vào phòng massage Trung Quốc trong Mall, trong phòng có chừng 15, 16 chiếc ghế massage, đã đầy khách làm chân. Bà Ngành Sáng nhanh nhẹn lại quầy mua phiếu, trong khi một nhân viên của họ đến bảo chúng tôi, cởi giày và rửa hai bàn chân. Tôi cùng bà Kim Anh ngạc nhiên, làm theo.

 

Một bà khách phốp pháp vừa xong bước ra phòng, tôi được nhường ưu tiên. Vào phòng, trong khi nằm massage, tôi phải gồng mình chịu “tra trấn”. Massage kiểu Trung Quốc là kiểu massage ấn huyệt, họ ấn tận tình không chút khách sáo, những đầu xương hai bàn tay massage viên, ấn, xoáy, ma sát vào những huyệt đạo trên lưng và hông tôi không một chút nương tay. Sau đó, tôi ra ngoài ngồi ghế tựa để họ massage chân.

 

Bấy giờ tôi mới thấy, họ nắm tay lại như cú đấm, đầu xương lóng gốc và lóng giữa của ngón tay giữa nhô cao, và họ dùng nó tận sức xoáy vào chân tôi. Thật là khủng khiếp. Khi “phái đoàn” chúng tôi massage xong, bà Ngành Sáng lại quầy lấy và phân phát mỗi người một tấm giấy. Trên tấm giấy của tôi, họ ghi các chứng bệnh bằng Hán tự: “Hai bắp chân đau, tiểu đêm nhiều, ngủ ngáy...” Tôi lại một phen kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc trong thán phục. Tôi móc bóp lấy tiền tặng Tip, họ cười, lắc đầu không nhận. Người bạn của bà Ngành Sáng cười nói: “Người Malaysia không có nhận tiền boa!” Trời đất, tiền tặng mà không nhận. Đúng là “đồ điên!” Chẳng biết đến khi nào người Việt mình “biết điên” và “biết chê tiền” như người Malaysia?

 

Mấy ngày sau, có lẽ nhờ cơn hành hạ “từ buổi massage ấy”, hai bắp chân tôi hết đau. Tôi nói với ông Ngành Sáng điều đó, ông ta bảo: “Vậy chiều nay ngộ đưa nị đi massage nữa.” Tôi lắc đầu cười từ chối.

 

Thứ Sáu tuần lễ ấy, ông Ngành Sáng lái xe đi rước hai đứa con gái lớn học nội trú về, chúng nói tiếng Anh xen trong tiếng Hoa và tiếng Malaysia. Sáng hôm sau, cả nhà Ngành Sáng và chúng tôi đi cao nguyên Genting.

 

Nằm trên cao độ 1.802 mét Genting uy nghi sừng sững trên những chòm mây bạc. Xe đến thị trấn Gentong Jaya, ở cao độ 950 mét, ông Ngành Sáng “đuổi” chúng tôi và vợ con ông xuống xe để đi cáp treo lên Genting. Mình ông lái xe vòng quanh núi đi lên. Hệ thống xe cáp treo nơi đây là cả một công trình to lớn, nó đi xuyên qua nhiều đỉnh núi ngợp mây mù, tôi có cảm giác mình là Tôn Hành Giả đang cân đẩu vân lên náo loạn thiên cung. Có lẽ phải khoảng 15, 20 phút hệ thống cáp mới đưa chúng tôi “bay” đến Genting.

 

Từ trong nhà ga trên đỉnh núi nhìn ra tôi thấy mây trắng, mây xám lững lờ trôi bên ngoài khung cửa kính. Trên cao nguyên Genting có rất nhiều khách sạn loại nhiều sao, nhưng nếu muốn được ngủ đêm nơi đó, phải gọi đặt phòng từ tuần trước. Bước ra ngoài phòng kính, khí trời se lạnh rất dễ chịu, chúng tôi đi trong mây, bỗng tôi thấy hai chàng thanh niên Việt Nam. “Tha hương ngộ “đồng hương”, tôi rất mừng, định tiến tới, nhưng tôi vội chùn chân, khi một trong hai người ấy nói: “Đ. mẹ, nó nói chờ, mới đi tiểu ra đã đi đâu mất. Biết tìm đâu đây?” Hóa ra họ là những người đi du lịch bị... lạc đàn. Tôi rất buồn, chẳng hiểu vì sao, dân tộc ta có nhiều từ thanh, đẹp mà giới trẻ bây giờ không chịu dùng, lại dùng những ngôn từ khiếm nhã khó nghe.

 

Khu giải trí ở Genting rất nhiều trò chơi, đặc biệt có Casino rộng, lớn với hàng nghìn máy kéo, bàn chơi bài,... Nơi nầy thu hút đông khách nhất. Tôi không có máu mê cờ bạc, nhưng đã chơi thì “chơi hết biết”. Trước khi kéo máy, tôi nhớ một lần đến Casino xem Show ca nhạc, ở đó nhạc sĩ Song Ngọc là một trong nhiều vị chủ nhân. Tôi nói đùa: “Toa chỉ cho moa làm thế nào để đánh trúng vài chục ngàn đi!” Song Ngọc cười đáp:

 

- “Dễ ợt, “toa” đừng đánh gì hết.”

 

Vào sòng bài không đánh tức là thắng rồi. Nhưng mấy ai chế ngự được lòng ham muốn của mình để được cái thắng không chơi ấy?

 

Đêm ấy, Ngành Sáng lời được $400.00 Gringrit, tôi nướng hơn $800.00 Gringrit mới chịu về phòng ngủ.

 

Trưa hôm sau chúng tôi trở lại Kuala Lumpur. Trên đường về Ngành Sáng ghé vào nhà hàng bên đường. Thực đơn nhà hàng nầy toàn là đồ biển: Sò huyết, cua, sò, cá... tất cả đều nướng. Vừa đến ven đô Kualar Lumpur, Ngành Sáng lại đưa chúng tôi vào nhà hàng. Tôi đưa mắt nhìn bà Kim Anh, nói: “Kỳ nầy trở lại Mỹ tôi bị lên cân!”

 

Trong khi ăn, tôi nói với Ngành Sáng: “Nị cho ăn vừa vừa thôi, ăn như vầy làm sao ăn nổi?” Ngành Sáng cười ha hả: “Mai nị về rồi, phải ăn cho biết hết các món ăn Malaysia mới được.”

 

Tuy được khao mỗi ngày ăn 5, 6 lần, lần nào vợ chồng con cái của Ngành Sáng và chúng tôi cũng “không hề khách sáo” và không lần nào Ngành Sáng để lại dĩa phần ăn còn lại. Một vài lần, chính tôi hoặc người bạn đồng hành phải ra tay chia đều tất cả phần ăn còn lại cho mọi người.

 

***

 

9 giờ sáng thứ Hai ngày 15.08.2005, Ngành Sáng đưa chúng tôi ra phi trường trở về Việt Nam.

 

Ngồi trên xe, tôi nói với Ngành Sáng, “Cám ơn nị và gia đình nị đã dành cho ngộ nhiều thời gian trong một chuyến du lịch vui vẻ và đầy hứng thú”. Ngành Sáng khoác tay nói: “Sao nị cám ơn?” Đột nhiên, ông ta đổi cách xưng hô thân mật - lối xưng hô của người Hoa: “Tao với mầy không phải là anh em sao?” Bà Giám Đốc Kim Anh nói bâng quơ một mình: “Ở đây thật là sạch sẽ, còn về con người tôi cảm thấy họ rất yên bình.”

 

Xe chạy phăng phăng trên xa lộ, tôi nhìn ra ngoài quan sát, tất cả những chân đồi nằm xa xa dọc theo xa lộ dưới chân đồi đều được xây những nấc thang, có nơi còn được xây bằng đá, gạch kiên cố và có những con mương nhân tạo bằng xi-măng khởi đầu từ đỉnh xuống chân đồi. Họ chống sạt, lở và bảo vệ thiên nhiên.

 

Tôi nói, như phiền hà: “Ở đây nhà nào cũng có một hai chiếc xe hơi, nhưng parking ở các khu thương mại quá eo hẹp, đậu xe rất khó khăn.” Ngành Sáng nói: “Có sao đâu, mình nhường nhau đậu là được.” Trời đất, đúng là luận điệu huề vốn!

 

Nghe Ngành Sáng nói như vậy, tôi nhớ lại, hôm ông ta chở chúng tôi đi gội đầu, đến nơi, không còn chỗ đậu xe, ông đậu ngay bên ngoài chiếc xe khác đang nằm trong parking ngang. Bà Kim Anh nhìn tôi cười cách đậu xe bít lối ra ấy, tôi hỏi Ngành Sáng: “Nị đậu xe như vậy người ta làm sao lấy xe?” Ngành Sáng cười nói: “Hỏng có sao, khi họ ra mình sẽ thấy!”

 

Vào tiệm tóc, Ngành Sáng bảo người chủ tiệm nhìn giùm, có người ra lấy xe thì nói với ông ta biết. Thì ra, Ngành Sáng chẳng thấy mà chủ tiệm nơi ông ta đến “phải có trách nhiệm” thấy. “Quái quỷ” thật!

 

Về gội đầu, có lẽ phải nói như thế nầy, ở Malaysia massage kiểu Trung Quốc thì kinh hoàng nhất nhưng hiệu quả nhất; còn gội đầu thì tồi tệ nhất trong những thứ tồi tệ. Ở Việt Nam. những tiệm tóc gội đầu tuyệt nhất.

 

Vừa cho xe vào Parking trong phi trường Ngành Sáng vừa nói với tôi: “Xe hơi ở đây là cái chân, mỗi nhà ít nhất cũng phải có một hai chiếc xe. Những người giàu có trong gia đình mỗi người một chiếc.” Tôi đùa: “Chẳng hạn như nhà nị phải hôn?” Ngành Sáng cười nói: “Hai đứa con gái của ngộ đi học nội trú, đâu cần có xe. Chừng nào nó ra trường cũng phải mua.”

 

Ngành Sáng cười rồi nói: “Ở Việt Nam, người ta lái xe hay giành đường lắm, họ không biết nhường nhau. Ở đây chúng tôi lái xe biết nhường nhau. Mình nhường một chút còn hơn để tai nạn xảy ra. Tai nạn xảy ra làm mất thời gian nhiều hơn!” Rồi ông ngần ngừ cười tiếp: “Ngộ thấy ở Việt Nam người ta kỳ lắm, cái gì không vừa ý thì “Lụ Mẹ”  liền, ở đây người ta không thích gây gổ. Chúng tôi thích bình yên.”

 

Nghe Ngành Sáng nói, tôi giật mình, phải chăng ông ta muốn nói về hai trường hợp xảy ra tại bàn nhậu ở chỗ ăn ngoài trời và ngoài cửa nhà ga xe cáp treo trên Genting không?

 

Vào trong nhà ga phi cảng, Ngành Sáng ân cần dặn dò chúng tôi đủ thứ, ông còn có ý muốn mua bánh ngọt cho chúng tôi ăn trên máy bay. Tôi từ chối. Sau cùng Ngành Sáng nói: “Chừng nào về tới Việt Nam, nhớ gọi phone cho ngộ “piết!”

 

Chúng tôi bắt tay giả từ.

 

Ngồi trên chiếc Vietnam Airlines trở về Việt Nam, tôi suy nghĩ miên man những gì tôi đã thấy, nghe, cảm nhận được từ chuyến du hành trên xứ người. Tôi thầm nghĩ, chẳng biết đến khi nào quê hương yêu dấu của tôi CHUYỂN MÌNH THÀNH RỒNG đây? Tôi không thể trả lời. Đó là chuyện của những nhà lãnh đạo đất nước Việt Nam. Nhưng tôi khẳng định, đi du lịch bất cứ nơi nào mà ở đó có “thổ địa” thì cuộc du hành mới tuyệt vời nhất.

 

Cám ơn Ngành Sáng và gia đình ông đã cho chúng tôi 7 ngày tuyệt vời trên đất nước Malaysia.

 

 

Liên bang Malaysia

 

Tháp Petronas (còn gọi là Kall hoặc Tháp Đôi)

Các thanh niên Việt Nam sang lao động tại Malaysia ra phi trường về nước.  Ông Ngành sáng (thứ hai từ trái sang) và tác giả (giữa)

 

Cầu vệ sinh ở phị trường Malaysia

 

Toàn cảnh khu giải trí Genting

 

Khách sạn Gentinh (trên đỉnh Genting)

 

Hồ Genting, trên đỉnh Genting

Thái Quốc Mưu
Số lần đọc: 2624
Ngày đăng: 31.10.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hà Nội, những ngày khó quên - Trần Dzạ Lữ
Điệu Valse của Văn Cao - Hà Phan
Người cùng thời với cha tôi - Yến Lan
Hào nhoáng Trịnh Công Sơn - Hà Phan
Tản mạn về một người bạn - Trần Dzạ Lữ
Xin góp đôi lời - Vĩnh Thông
Tròn trăng tháng tư - Phan Trang Hy
Mỗi ngày mừng tuổi mẹ - Tâm Thường Định
Trong nỗi âu lo - Phạm Thanh Chương
Từ nay khép lại - Phạm Thanh Chương