Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
582
116.535.251
 
Nỗi lòng của con nhân ngày giỗ cha là thi sĩ
Lâm Bích Thủy

                

 

 

 Cha tôi ra đi đúng vào Rằm Trung thu (15-8-1998 âm lịch nhằm ngày 5-10-1998 dương lịch). Hàng năm, cứ gần đến ngày, mẹ tôi lại chộn rộn nhắc các con, dù ở xa cũng về quê để làm giỗ. Nay, mẹ không còn, biết ai thay mẹ nhắc nhỡ! Song có một điều, đối với cha tôi, ông còn là một người thầy nhân từ, trọng tình, trọng nghĩa với đời, với người; cho dù không ai nhắc, chị em tôi ở hai đầu đất nước, cứ đến Rằm là tự khắc rủ nhau về nơi mà cha đã ra đi, thắp cho ông nén tâm hương tường nhớ để cha đỡ cô quạnh ở nơi suối vàng! 

  Chắc có bạn biết, cha tôi - nhà thơ Yến Lan-một trong bốn nhà thơ của Tứ Hữu Bàn Thành- đó là dải đất mà người đời thường tâm đắt: “Bình định là đất võ nhưng ẩn chứa trong mình những bí ẩn về văn chương”  Ngoài bút danh Yến Lan, người ta còn gọi ông là linh Lân. Tên ấy, do ông Trần Thống, ở Kiên Mỹ (quê vợ nhà thơ Quách Tấn), đại diện người yêu thơ lúc bấy giờ, lấy tên bốn con linh vật để đặt cho: - Hàn Mặc Tử-long, Yến Lan-lân, Quách Tấn-qui, Chế Lan Viên-phụng. Tuy ngẫu hứng gọi cho vui, nhưng nó lại vận đúng vào nhân cách và phong thái thơ từng người một cách kỳ lạ...

   Đối với linh lân, nếu bạn nào chưa biết, hãy xem bài viết của nhà văn Lê Hoài Lương:    

 

 “ Ôi cái sự tình của ông, sao nghĩ tới thấy buồn thương.

 Trong nhóm thơ Bình Định, ông là linh Lân. Lân, vận vào ông sao đúng thế. Sách xưa mô tả lân là linh thú, mình giống nai, đuôi giống trâu, móng như ngựa, lưng có lông ngũ sắc, bụng thì vàng, một sừng. Đặc biệt đây là con thú nhân đức, không ăn các sinh vật, đi cỏ không nát! Ông hiền lành đức độ một đời, văn nhân thi hữu nhiều lứa tuổi khác nhau đều chung nhận xét này. Linh lân lành hiền và từng chói sáng trên thi đàn với “Nhóm thơ Bình Định” và “Trường thơ loạn” ít nhất tới giờ mọi người vẫn ngưỡng mộ với Bến My Lăng và Bình Định 1935. Riêng Bến My Lăng cái bến thơ đẹp lộng lẫy và kỳ ảo không thể thiếu trong danh mục những bài thơ hay nhất nước Việt Nam thế kỷ XX .!....

 Ông đã về với cái bến trăng huyền ảo của ông cách đây đúng 10 năm (nay là 17 năm NV). Lạ lùng thay lại nhằm đúng vào đêm trăng đẹp nhất trong năm: Trung thu. Ông lặng lẽ về với trăng trong niềm hân hoan lớn của trẻ nhỏ tùng cắc múa lân, ông - con linh – thú - lân lành hiền đi không làm đau cỏ!              (Báo Bình Định 5/10/2010)

 

  Trong hơn 60 năm cầm bút, tại vùng đất võ Bình Định, cùng thời với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nếu kể về công và tâm huyết cho quê thì Yến Lan không kém cạnh ai về tài, tri thức, tầm và sự sáng tạo trong nghệ thuật. Nhưng, thật công tâm mà nói thì không ai gắn bó với quê hương xứ sở bằng Yến Lan. Với quê, nơi chôn nhau cắt rốn; ông dành tình cảm của mình vào bốn bài thơ: Bình Định 1935, Bình Định 1945, Bình Định 1947 và Bình Đình 1976. Ông đã làm cho thị xã An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung trở nên bất hủ, để người người yêu thơ tìm đến chiêm ngưỡng, bởi vì có cái “Bến My Lăng” do ông đặt tên. Hơn thế nữa; thơ Ông viết về Bình Định với niềm  tự hào và vui sống bình dị, thanh bình ở miền có nhiều ánh trăng huyền hoặc. Nhưng đằng sau cái vẻ rất đời thường ấy trong Ông ẩn chứa cả một cuộc tự thanh lọc để giữ chất người của chính mình:

 

   Sự nghiệp văn chương ông chọn để mưu sinh và tâm huyết cả đời, ông đã nghiệm ra nhiều điều và tự đánh giá mình bằng lời trăng trối với con khi biết qũi thời gian không còn nhiều; ông gọi hai con gái lớn lại và nói:

   “Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này; ba nghèo không có gì để lại cho hai con, nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào-mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn châu báu, tiền bạc, nhà cửa…”  Thực ra, ông không biết rằng, chúng tôi đã rất tự hào về người cha thi sĩ của mình; bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.

 

 Tài năng của ông ư? Vì ông là một nhà thơ khiêm nhường nên ít ai quan tâm đến! Nhưng, ít ai biết, ngay những ngày mới đặt chân lên đất Bắc, khi Bác Hồ kêu gọi các văn nghệ sĩ soạn “Cương lĩnh mặt trận Tổ quốc diễn ca” để truyền bá trong nhân dân. Cùng soạn với ông, còn có 16 nhà thơ khác; nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn tác phẩm của Yến Lan.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Phó Tổng thư ký thường trực Hội nhà văn Việt Nam, tại lễ tưởng niệm nhà thơ Yến Lan, tchức ở Hà Nội, ngày 8-10-1998. đã sơ lược quá trình hoạt động nghệ thuật của Yến Lan:

   “...Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở và sớm được khẳng định. Truyện ngắn đầu tay của Yến Lan bút danh là Xuân Khai được thưởng giải cao của báo Thanh Nghệ Tỉnh khi Yến Lan chưa đầy hai mươi tuổi. Truyện ngắn của Yến Lan liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ hai, Tiểu thuyết thứ năm và nhiều tờ báo khác. Yến Lan viết cải lương, viết kịch và thành lập đội kịch mang tên ông. Đoàn kịch Yến Lan với vở “Bóng giai nhân” đã từng lưu diễn ở Huế, Hà Nội. Thanh Hóa…

 

  Còn trong Cách mạng  và 9 kháng chiến, đóng góp của Yến Lan cũng được nhà giáo dạy triết học tại Trường Đại học Qui Nhơn, thầy Cao Kế cho rằng:  “Nếu có một tác giả nào sau này viết về lịch sử thơ ca Cách mạng của Việt Nam và tỉnh Bình Định thì phải thấy cho hết con người Yến Lan đã đóng góp như thế nào và đánh giá cho đúng cái tác dụng to lớn những bài thơ Yến Lan đã viết khá hay trong những ngày đầu Cách mạng như: “Bình Định 1947”, một bài thơ mà nội dung phục vụ Cách mạng kịp thời và về phương diện nghệ thuật ai cũng phải công nhận là một bài thơ rất hay.

   Chính những bài thơ ông làm lúc này đã có tác động đến đội ngũ trí thức làm cho họ tin vào Cách mạng và theo Cách mạng…”

 

 Trước những đóng góp thầm lặng của Yến Lan cho nền Văn học Việt Nam và tỉnh Bình Định, Nhà thơ Trần Ninh Hồ đã chia sẻ nỗi day dứt trong lòng: “Vị trí của Yến Lan lớn, nhỏ đến đâu trong thi đàn nước nhà, điều đó còn chờ sự lắng đọng của nhận thức, phẩm bình và thời gian; nhưng có điều dễ thấy ở Yến Lan: Ông là một thi tài thật sự đặc sắc!”

 

   Năm nay, là ngày giỗ thứ Mười Bảy của Yến Lan; tính ra, một khoảng thời gian cũng không phải là ngắn so với đời thi sĩ. Trãi qua khoảng thời gian đó, những oan trái đối với nghệ sĩ trong cái gọi là Nhân văn Giai phẩm, người ta đã sửa sai, người từng bị gán tội oan đã được hoàn lại đúng giá trị, phẩm giá và tài năng, như nhạc sĩ, Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Quang Dũng v.v... đã và đang được Đảng, nhà nước khôi phục quyền lợi mà họ rất xứng đáng được quyền hưởng. Đã có những con đường, trường học mang tên Văn Cao, Quang Dũng, Nguyễn Bính, và cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nơi các ông sinh ra và tại thành phố lớn. Dẫu với Yến Lan, chỉ có thể có tại Qui Nhơn thôi, thì hầu như ông đang bị dần đi vào sự lãng quên, mặc dù khắp các trang web trên mạn dày đặt những thông tin về nhân cách, tài, đức của ông mà với bạn vong niên, đồng niên không thể phủ nhận được; thế mà Ông không có nỗi một con đường đàng hoàng ở thị xã An Nhơn, hay Thành phố Qui Nhơn mang tên ông, hay một phòng lưu niệm để lưu giữ những kỷ vật có thể là báu vật cho các thế hệ mai sau.

 

   "Nhớ đến Yến Lan là người ta nhớ đến một nhà thơ, suốt đời ông sống cho thơ và cho quê, cho đến phút chót... Ông là con người của thơ ca, là những gì mà thơ mang trong mình nó: Thanh sáng, tinh túy và cao thượng. Ông yêu thơ trong thầm lặng như một mối tình dài (...), người làm thơ lớp sau gọi là "bố già" của loại thơ tứ tuyệt, tưởng đã mấy người được như thế" (Ngô Văn Phú).

 

 “Theo cảm nghĩ của tôi, với tài năng và sức lan tỏa của cụ, đáng lẽ cụ phải được quê

hương nhìn nhận ngay từ nhiều năm trước. Nhưng những ngày có hân hạnh hầu chuyện cụ Yến Lan, tôi biết tính cụ, ôn tồn, hòa nhã và hết sức tự trọng. Cho dù sự thiệt thòi luôn luôn xảy ra thuở sinh thời, điều ấy có hề chi với con người đã đi qua bao thăng trầm nhân thế, lặng lẽ trọng nghĩa nhân và ái ngại trước trò chơi phù thế ồn ào.   (Nguyễn Thanh Mừng)

 

Và người đọc cho rằng; Thơ tứ tuyệt tài hoa của thi sĩ Yến Lan, những bài thơ như là sự chắt chiu cả cuộc đời lao động nghệ thuật miệt mài và tâm huyết. Nhưng việc nghiên cứu và xuất bản thơ Yến Lan vẫn còn quá ít ỏi, chưa xứng với những đóng góp của ông cho thi ca dân tộc. Bởi vậy, nghiên cứu thơ ca Yến Lan để góp phần xác định vị trí vốn có và những đóng góp của ông trong nền thi ca nước nhà là việc làm cần thiết”

 

   Dẫu rằng thời gian gần đây, một số bài báo trên báo chí cũng như các tạp chí chuyên ngành có quan tâm hơn đến tên tuổi Yến Lan và sự nghiệp văn thơ của ông. Có thể kể ra đây một số cái tên đáng chú ý như: Trần Minh Nguyệt, Xuân Tùng, Trần Ngọc Tuấn, Trần Hoàng Nhân, Mang Viên Long, Duy Phi... nhưng những cây bút trên mới dừng ở kể lại những dòng hồi ức gắn với nhà thơ Yến Lan, những kỉ niệm đẹp về con người chí tình chí nghĩa ấy chứ chưa có một công trình tập hợp đầy đặn nào mang tính nghiên cứu hay hội thảo về thơ Yến Lan như những nhà thơ khác.

 Ngưỡng mộ tài, đức Yến Lan. Nhà thơ Trúc Thông, một tác giả cách tân thơ Việt Nam hiện nay, nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan đầy cảm phục: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm…”.

 

  Ấy vậy mà những ghi nhận lặng lẽ đó không làm thay đổi được cách nhìn của quê huơng Bình  Định đốì với Yến Lan. Bởi, là con của ông, làm sao tôi có thể trả lời, giải thích những câu hỏi mà chỉ những người có trách nhiệm cao nhất về Văn học Việt Nam hay của tỉnh Bình Định mới trả lời được:   

 Chị LBT ơi, chị thử “kêu oan ” cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định xem sao. Em nghĩ có thể lãnh đạo tỉnh thiếu thông tin chăng ? Hoặc bộ phận tham mưu quá yếu kém  (Khungcuahep:)

 

  Có những day dức trong lương tâm người Bình Định:

“Ôi một danh nhân văn hóa Bình Định - Người thổi hồn cho đất và người Bình Định nhưng chưa được Quê hương Ông ghi nhận và tưởng thưởng công lao (Bạn có biết hiện nay, tại Quy Nhơn có rất nhiều tên đường là các nhà văn nổi tiếng Việt Nam nhưng chưa có tên đường Yến Lan và chưa có một nơi để làm Nhà lưu niệm cho đúng nghĩa tại Thị xã An Nhơn). Mong các nhà báo góp tiếng nói để Thi sĩ Yến Lan được an ủi, "ngậm cười" đối với hậu thế và lòng tri ân của quê hương đối với cuộc đời, sự nghiệp đã cống hiến cho quê hương".

 

 Song nặng lòng hơn là sự hoài nghi ...

   “Tôi thích thơ Yến Lan từ thưở học phổ thông. Ông là một tài năng thơ và một nhân cách mà thời đại ông không đủ bản lãnh và lòng tốt để chấp nhận. Cho nên nếu có bi kịch đến với ông thì hãy biến điều ấy thành thơ.   “Lê Hồng Ân”

 

 

 

 

 

 

Lâm Bích Thủy
Số lần đọc: 2098
Ngày đăng: 21.09.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bồ Đề Đạt Ma "Thiền Tổ đầu tiên" - Võ Công Liêm
Kierkegaard "Nhật ký của kẻ mê hoặc" - Võ Công Liêm
Thân - Mệnh và những băn khoăn(1) - Đặng Xuân Xuyến
Thủ Đô Helsinki - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có phải bài thơ "Độc tiểu thanh kí" của Nguyễn Du từng bị ngụy tác? - Nguyễn Cẩm Xuyên
Lời hứa của tình yêu vĩnh cửu - ổ khóa khắp thế gian - Nguyễn Hồng Nhung
Mười hai luật vũ trụ và hai mươi mốt phụ luật - Nguyễn Hồng Nhung
Giá trị thực của thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời. - Lâm Bích Thủy
Những tác động ảnh hưởng các trào lưu âm nhạc bên ngoài vào giới trẻ. - Tuấn Giang
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - bản hòa ca về cái cô đơn của con người đương đại - Trần Thị Ty
Cùng một tác giả
Tình lên ngơ ngác (truyện ngắn)
Chàng Ngốc (truyện ngắn)
Thư cảm ơn (sự kiện)