Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
481
115.988.927
 
Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng
Nguyễn Hàng Tình

 

 

 

Tôi luôn bị ám ảnh bởi chiếc gùi trên vai của người phụ nữ miền Thượng. Hình ảnh giản dị, thậm quen, gần đấy, sờ được, thế mà tôi vẫn thấy lạ, như có một khoảng cách, khoảng cách rất miên man, lút vào huyền thoại, vỗ vào đầu tôi về một sự chiêm vọng vượt qua thể vật chất…

 

       

         Dĩ nhiên gùi thì làm bằng tre mây, còn cái lưng của người gùi nó là bằng da thịt Con người rồi.

 

                                                    Gùi tâm hồn

                                                          

         Chiếc gùi mà tôi thấy là hình ảnh hàng ngày ở ngay trên đường phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Pleiku, An Khê, Buôn Hồ, Bảo Lộc.  Va ngay giữa “Thiên đường du lịch” _Đà Lạt cũng vậy.  Động cơ xe cộ  xuôi ngược chảy theo dòng dưới lòng đường, thì họ xuôi ngược theo dòng của họ trên vỉa hè. Đến “đi chợ” mà vẫn không muốn rời khỏi chiếc gùi. Đi “phố” mà  vẫn cứ an nhiên với chiếc gùi. Chẳng hiểu có sẵn một ý thức về Luật giao thông từ trong máu hay một khả năng nhận thức Trời cho về một trật tự đi đứng cho tử tế nhất mà bao giờ họ cũng đi thẳng hàng. Sẽ không bao giờ có thể thấy họ giăng hàng ngang, đi năm ba hàng, hay đổ xuống lòng đường. Trên chiếc gùi đó, chuyến ra là đầy cả một gùi ngo, bắp, phong lan, hay quả bí, nhánh chuối, mớ sắp ong, hay đôi trái bầu hồ lô... Chuyến về là một gùi quần áo, bột giặt, thực phẩm công nghiệp… Cũng không bao giờ thấy họ vừa đi vừa đùa giỡn. Họ không bao giờ vứt rác ra đường đi. Không bao giờ họ muốn gây chú ý. Cũng hiếm thấy nụ cười. Họ lặng linh mà đi, bước thật êm, khoảng cách thật đều. Họ đi theo dòng tự nhiên của sinh hoạt và sinh tồn, đời sống bình dị lặng trôi. Họ đàng hoàng và tử tế đến mức làm chúng ta hổ thẹn về sự  ý thức ở nơi công cộng, văn hóa khi ở đô thị. Ăn mặc của họ không bóng láng, môi má họ không son phấn, nhưng sự nhỏ nhẹ của họ khi bán hàng và mua hàng thì muốn học theo cũng khó. Sự ngắn gọn và  giản dị trong thông tin họ đưa ra cho phía tiếp nhận khá nhanh, nên thường không cần trao đi đổi lại nhiều, và cũng không phải đối phó trong chuyện bán mua.

           Một khả năng đi bộ siêu phàm. Chỉ toàn là phụ nữ. 

         Nhưng hình  ảnh họ bền bỉ hơn khi ngược xuôi trên những con đèo. Họ bước ra từ cửa rừng, bước lên từ mảnh ruộng. Bóng họ đổ xuống thảo mộc, còn chân thì giẫm nát cần lao. Những người đàn bà Mạ trên đèo Quảng Khê(Dak Nông), K’ho trên đèo Đinh Trang Thượng, Bảo Lộc, đèo Chuối, M’Nông trên đèo Nam Ka, Ê Đê trên đèo Ea H’leo, Chu ru trên đèo Dran… Những gùi bắp, gùi lá môn, gùi củ rừng, gùi trái cây, gùi con heo, gùi con gà, gùi củi, gùi măng lồ ô, gùi lá bép, gùi cây chổi đót, gùi những chai nước... cứ hiện lên theo tiết trời, hay từng mùa mưa nắng. 

         Chẳng riêng trên những con đèo kia đâu. Khắp nơi nơi, chỗ nào còn làng bon chỗ đó còn chiếc gùi. Chỗ nào có phụ nữ chỗ đó có chiếc gùi. Nó hiện ra mỗi ngày ở  những rẻo cao nguyên M’nông, Di Linh, M’Drak, Ayun Ba, hay Nhơn Cơ, Tân Rai, Đạ Tẻh, Dak Rlap, Lak, Romen, Sa Thầy, Ngọc Hồi, vào tận xa tít Đinh Trang Thượng, Tu Tra, Pró, Lộc Lâm, Sơn Điền, Gia Bắc, Kon Rẫy, Kon Plong, Chưprong, Chư Pảh... Nhiều ngàn tấm ảnh tôi đã chụp về hình ảnh họ gùi  cỏ cây, hoa trái đi về như thế  nhưng không giải mã được sức bền màu nhiệm của họ. Tôi chỉ có  thể nói là ở những lúc đó, nhìn sâu vào dáng vẻ con người cùng chiếc gùi trên vai  họ, tôi có cảm giác sức nặng của vật chứa trong gùi cứ chực uốn cong cái  lưng của người đàn bà sơn cước. Mà cớ sao lúc nào gùi cái gì trên lưng họ cũng lặng lẽ thế nhỉ. Đi lặng thinh, nhưng  có khi trong đó là cả một gùi vui. Và làm sao không có lúc là cả một gùi buồn. Họ gùi cả nương đồi, núi cao, rừng thẫm, suối sông, thung sâu. Họ gùi mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây. Họ gùi phân bón đến con trùng. Khi đã gùi thì họ khổ  thân thể họ và khỏe cho cơ thể họ. Họ mệt nhoài nhưng họ mãnh liệt. Họ gùi thì “vô tội” với việc đào bới, moi móc thiên nhiên, lùng sục nguyên liệu hóa thạch_việc làm của những người “Văn minh”. Không có xe máy, xe kéo đã đành, vậy mà nhiều nhà có, cô, chị, em, bà  vẫn cứ gùi, thích gùi. Yêu lao động thì cần đến cái gùi. Gùi cái hữu hình cho đến cái vô hình. Họ gùi từ quá khứ cho đến hiện tại, tương lai. Nhìn đôi mắt mênh mang, vô cùng, trong vắt thiên nhiên của họ kìa. Ngắm đôi chân mòn chai vì lội bộ của họ đi.

 

                        *

 

          Đời mỗi người phụ nữ không biết phải qua bao nhiêu cái gùi như vậy nhỉ. Bốn năm tuổi đã thấy chiếc gùi be bé trên lưng; đến 60,70,80  tuổi mà vẫn thấy gùi lang thang trên đường. Gùi cho đến khi nằm một chỗ trên giường thì mới tạm rời chiếc gùi. Và cho đến khi chết đi thì mới vĩnh biệt chiếc gùi. Họ gùi niềm kiêu hãnh của họ, sự vĩ đại của họ, và cả số phận của họ. Họ gùi từ xã hội công xã bộ lạc vào xã hội bán khai; từ bán khai vào xã hội Cộng hòa. Từ xã hội  Cộng hòa hòa vào thời đại Toàn cầu hóa.  Tôi phục sát đất trước sự tần tảo, sức bền, ý chí, trách nhiệm, và tình yêu lao động sâu xa của “Người Mẹ” trong họ, và nghiên mình trước vẻ trầm mặc đó. Có một sự cứng rắn  huyền ảo trên đôi lưng kia. Ông cha họ “phát minh” ra chiếc gùi là để hữu dụng trong việc đựng, phục vụ hay tốt hơn khi lao động sản xuất, gọn nhẹ và cơ động  tuyệt vời khi leo núi, lội đèo, lên rẫy, xuống ruộng…, ấy thế mà có khi tôi chủ quan  trách móc cho rằng là để “ hành” xác người đàn bà. Đến độ, nhiều khi tôi cứ muốn “giải phóng” họ khỏi chiếc gùi, mà không tìm ra phương lối cũng như cách thức. Nhưng ý tưởng của tôi cũng có thể là sự “xúc phạm” đến họ, vì sự thương cảm là hành động nông nổi khi đứng trước điều thiêng liêng, và cái cao vời. Họ là những tượng đài di động. Chẳng có tượng đài nào hay ho nhất về Tây Nguyên bằng tượng người phụ nữ gùi cả. Phạm Văn Hạng, điêu khắc gia nổi tiếng, ông hãy tạm dừng việc tạc tượng anh hùng đi, đủ rồi đó, dành yêu thương cho biểu tượng sâu nhất của kiếp người. Hình ảnh họ hiện ra trên sườn núi, dưới thung sâu, ven sông, ven suối. Đường “Ra phố” như ra … Thế giới khác. Và đường về làng đẹp như một bản hoang ca. Chiếc gùi nó làm sống động đời sống người sơn cước, làm lung linh nền kinh tế rẫy nương, nó vận vào nhà sàn, nó vận hơi thở, tâm hồn của người làng, bon. Nên Chiếc gùi nó ảm ảnh  hình ảnh xã hội và văn hóa người miền Thượng, đến độ các điểm du lịch ở Buôn Đôn(Dak Lak), ở Đồi Mộng Mơ, Thác Prenn (Đà Lạt) người ta dùng ngay nó để kiếm tiền: cho du khách mang vào để chụp ảnh, mười lăm ngàn VNĐ cho một lần chụp như thế. Nó có ý nghĩa và giá trị văn hóa đến độ giờ đây người ta lùng sục vào các làng buôn để sưu tập gùi. Những bảo tàng tư nhân do người đến từ đồng bằng lập ra về vật dụng người miền cao ngày càng nhiều, nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu thiếu chiếc gùi. Người Kinh lên Tây Nguyên còn bị chiếc gùi hớp hồn, “đồng hóa” ở một số hoạt động sản xuất. Đố thu hoạch trà không dùng gùi thì lấy thứ gì tuyệt hơn. Hái đậu, hái điều, bẻ bắp…  chiếc gùi cũng là cứu cánh phổ biến nhất.

            Nhưng chiếc gùi trên vai người phụ nữ Tây Nguyên không chỉ đơn giản là “công cụ lao động”.  Ngay khi “ Đi Phố”, chiếc gùi vẫn cứ lồng lộng, hiên ngang. Gùi đấy là gùi cái tâm hồn rồi. Cứ như ai giỏ xách da, gấm, nhung lụa của Ý, Hàn, Mỹ, Pháp… thì tùy. Nhiều khi cho họ các loại túi xách này để dùng đi phố, chưa chắc họ xài. Họ cứ… Chiếc gùi !

 

                       *

      

             Mọi thứ đã quét qua qua đất nước Việt Nam, thì cũng quét qua Tây Nguyên này, từ công nghệ và cơ khí, khoa học và  giáo dục, thay cây lúa rẫy bằng cây công nghiệp cà phê, cao su, tiêu, điều, hoa, rau…, nền nông nghiệp hàng hóa  thế chỗ nền nông nghiệp tự cung tự cấp, trao đổi cũ xưa.  Mà chiếc gùi vẫn “sừng sững” trên vai của người đàn bà miền Thượng. Sự hiện hữu của chiếc gùi kia cứ như thách thức kỹ thuât, văn hóa, và nhất là lịch sử. Mà như Y Phôn, bạn tôi, nhạc sĩ viết về Tây Nguyên được hết thảy công chúng thừa nhận đúng và sâu sắc nhất, rải ra từng nốt lời: “ Chị gùi tiếng gió. Chị gùi tiếng mưa. Chị gùi tiếng trống. Chị gùi tiếng Chiêng. Chị gùi nhà sàn đơn sơ…”.  Chiếc gùi nó ám ảnh Tây Nguyên. Thế thì Y Phôn mới viết cả một bài hát về “Chiếc gùi” như vậy. Ở miền Thượng này, ai chẳng biết, chiếc gùi trên vai người Phụ nữ, là câu chuyện về vai tṛ người Mẹ, người phụ nữ trong cộng đồng, là nguyên một vấn đề lớn…

                                            

                                                 Bóng đổ mẫu hệ

 

        Là vai trò tồn tại của bất cứ ai, là biểu tượng, linh hồn “chủ chốt”, là hiện thân của sự tần tảo và mạnh mẽ, kiên cường, bền tâm, trước thiên nhiên màu nhiệm cũng như cuộc sống sinh giản dị hàng ngày. Phụ nữ/Người Mẹ/ Chế độ “Mẫu hệ” là một. Đó là trụ chống, mạch dẫn trong từng nóc nhà, ở từng làng, bon, plei, buôn, phận người. Có thể “thiếu Cha” nhưng không thể “thiếu Mẹ”, vì Người mẹ  là vai trò của tạo hóa, chi phối từng sinh linh buổi ấu đến về già, là tồn tại của gia đình, và cộng đồng cư dân, xã hội. Từ xa xưa đã thế mà cho đến giờ vẫn “vận hành” êm ái vậy.

 

                             *                                                       

 

           Lạc thời chăng ? Hay có lý lẽ riêng để nó  mặc nhiên trường tồn ? Kỳ diệu là đang ở thế kỷ 21 rồi, nó vẫn bền bỉ tự tin. “Mẫu hệ” không  hề mất đi,  không hề nhường ngôi,  không hề “bị cướp”, như những gì sâu kín nhất của sắc dân trên cao này. Tại sao người ta vẫn cứ Mẫu hệ ? Nay người bản địa nghèo còn không ít, nhưng người hay những làng bon giàu có thiếu gì. Ấy vậy mà dù có ở nhà xây, đi xe hơi, rẫy vườn rộng lớn, cà phê đề huề, nhạc poprock tưng bừng đến làng buôn vẫn cứ Mẫu hệ. Nam Nam Thanh niên chơi tóc vàng kiểu Hàn Quốc, nữ Thanh niên chơi dày cao gót kiểu Kinh và son phấn kiểu Anh thì vẫn cứ … Mẫu hệ. Và tại sao họ xài máy giặt Sanyo, liên lạc với những bạn hữu ở các sắc dân“Phụ hệ” bằng  máy tính hiệu Apple kết nối Internet, đi về Sài Gòn bằng máy bay Boeing, xem giải bóng đá Ngoại hạng Anh hay theo dõi bầu cứ Tổng thống Mỹ bằng tivi Samsung màn hình phẳng vẫn cứ… Mẫu hệ ở nhà. Luật pháp cho tự do lựa chọn họ Cha hoặc Mẹ thì vẫn cứ chọn họ Mẹ, cho con. Tại sao những người tôi quen như  những vị tiến sĩ  ở Viện khoa học Nông lâm nghiệp Ea K’mak, mấy vị giáo sư ở Đại học Tây Nguyên, những bác sĩ trong ngành Y khoa ở Dak Lak, Gia Lai, mấy tướng tá người bản địa trong Quân đội Nhân dân, mấy ngài đại biểu Quốc hội người Jrai, Ê Đê, K’ho của tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, và cả những bạn của tôi hoạt động vực nghệ thuật nào Krajan Dick, Y Phôn, Cill Trinh, Yzak … vẫn mang họ mẹ. Trí tuệ cả đấy, hiểu biết sâu rộng cả đấy, tâm thế hội nhập cao đấy, thậm chí có quyền uy và ảnh hưởng trong xã hội, nhưng sao họ không lựa chọn “quyền của Cha”, họ Cha. Điều kỳ diệu gì khiến đàn ông trong mỗi nóc nhà, dòng tộc, sắc dân đó chẳng bao giờ đi “đòi” Phụ hệ (!?).  Sống nhiều trong các làng buôn, lắng giữa văn hóa và tâm hồn họ, nhận ra chính người Phụ nữ cũng chẳng hề muốn “ôm”, hay để ý việc “giữ” Mẫu hệ đâu. Chuyện “vai trò” Nam Nữ thực ra nhẹ tênh, cứ như ráp vào vậy thôi, người nào cũng được, giữ họ cho con, nhưng thường là phụ nữ, vì xưa nay “chạy” thế, rất ổn rồi. Tất cả nó cứ tự nhiên chảy, tự nhiên tồn tại.

        Tự sự tồn tại vững chãi chế độ “Mẫu hệ” ở Tây Nguyên, mới thấy “Phụ hệ” chưa chắc còn là lập luận hợp lý khi đề cập cho quá trình “phát triển” của con người từ xã hội bộ lạc hay Công xã nguyên thủy vỡ ra, tiến lên tất yếu, từ  mẫu hệ… Dùng duy lý để giải phẫu sự phân công lao động hay vai trò nam-nữ trong nhà, dòng họ, cộng đồng là mấu chốt để “nắm quyền” trong căn nhà, và vv… ấy,  không hẳn là khoa học, phổ quát, hay là chân lý duy nhất. Mọi thứ khoa học, công nghệ, nhận thức phát triển họ đều đồng hành, trang bị vào từ tay chân đến đầu óc, nhưng sao họ không khước từ hay đoạn tuyệt “Mẫu hệ”?  Liệu cái tính giản dị, tự nhiên nhất, là ước lệ trong sự cử “đại diện” giữa cha và mẹ cho việc ghép một cái họ vào cái tên của đứa con cho đủ đầy đầu đuôi, nguồn gốc, là thuận theo tự nhiên, là văn minh siêu hạng hơn không. Bằng chứng là cũng chẳng mấy khi thấy người ta phải đặt nặng vào việc một đứa con sinh ra phải mang họ ai giữa hai ta, và thực tế các cơ quan hữu trách của chính quyền cũng không vất vả với việc tranh chấp “họ”giữa bố hoặc mẹ ở một đứa con, công dân. “Phụ hệ” chưa chắc là con đường đúng, nhận thức văn minh thấu triệt nhất.

         Từ sự tồn tại hợp lý và nhẹ nhàng đó, mới thấy chẳng phải dùng hành chính, hay khoa học cho việc “ họ cha”, hay “họ mẹ”, vấn đề là chung sống có hòa thuận, hạnh phúc, tiền bạc rủng rẻng trong ngân hàng, bệnh tật thì thong thả vung tiền chăm trị, phát triển, văn minh, hội nhập được, và trên hết là yêu thương nhau thật sự hay không, ăn đời ở kiếp với nhau không thôi. Lấy họ cha mà suốt ngày cãi cọ, lấy họ cha mà liên tục ly hôn và thay vợ, lấy họ cha mà bỏ bê con cái, lấy họ cha mà ăn chơi nát tương nhân phẩm, lấy họ cha mà sống với thế gian giả trá, ác hiểm, lấy họ cha mà không hề có xúc cảm với làng mạc, quê xứ, phố phường của mình… thì “ Phụ hệ” là cái quái quỉ giá trị gì! Đôi khi, ta phải nghiên mình trước nhận thức sống thuận theo tự nhiên, giản dị, tầm nhìn dài hơn của trời đất mà người trong cõi người chỉ là một sinh vật trong muôn loài. Chưa chắc Phụ hệ làm con người sống tốt với nhau và chan hòa với thiên nhiên. Bạn mẫu hệ, nên khi muốn tìm đất canh tác bạn không hạ xóa nguyên một cánh rừng, vì trong máu bạn rừng là Mẹ xứ. Bạn mẫu hệ nên khi giận ai bạn dùng hòa giải làm giải pháp xử thế chính yếu, hàng đầu. Bạn mẫu hệ nên khi hận ai đến mấy bạn cũng không thể dùng mã tấu để chặt đôi con người. Bạn mẫu hệ nên bạn cũng không nói “không” thành “có” và không nói “có” thành”không”. Bạn Mẫu hệ nên bạn biết trộm cắp là điều làng ghê tởm nhất. Bạn mẫu hệ nên bạn biết suối là đầu nguồn nước(Mẹ), nên người đầu suối không thể thả ô ế ra suối, vì dưới kia còn những người đồng loài_Bạn còn cúng cả bến nước. Bạn mẫu hệ nên khi bạn ra đời người ta “thổi linh hồn” vào bạn để bạn nhớ mình là Con người, khác với con vật, mà là con người thì không được phản lại con người và thiên nhiên. Bạn mẫu hệ nên cà phê thu về, hay chiếc xe máy Honda sắm được là của cả nhà chứ không phải của riêng người mẹ, hay người chồng, đứa con. Bạn mẫu hệ nên người đàn ông bạn xem là chồng có thể sang nhà bạn ở mà không nề hà  xấu hổ. Bạn mẫu hệ nên bạn phải có trách nhiệm với chồng và chồng phải có trách nhiệm với bạn sòng phẳng. Bạn mẫu hệ nên lên xe buýt đi từ Chưse  đến Pleiku, hay từ Madagouil lên Bảo Lộc bạn có thể nhường ghế cho người đàn ông sức khỏe không ổn ngồi mà không để ý đến “phái yếu” “phái mạnh”, giáo điều “nữ nhi”- “nam tử”, “phu”- “thiếp”, Quân- Sư -Phụ, hay “ tại gia tòng phụ, xuất giá tong phu, phu tử tòng tử”... Chẳng cơ quan pháp luật nào từng bắt bạn trộn cà phê với bắp để bán. Họ cũng chẳng thấy bạn gian lận cái cân trong lúc cân con lợn hơi. Chẳng ai từng than phiền bạn đưa bao bắp mối mọt ra bán mà bảo là bắp thơm. Chẳng thương lái nào thấy bạn bán một trái bí đao mà đòi tính tiền hai trái…. Bạn trung thực đến rốt ráo, luôn uy tín và trọng danh dự. Tôi đây phụ hệ nhưng chế biến thực phẩm để bán cho người tôi pha thêm hóa chất để tăng lời; Tôi đây phụ hệ nhưng giao làm đường giao thông cho quốc gia tôi ăn bớt nhựa đường và sắt thép; Tôi đây phụ hệ nhưng đi học tôi gạ tình lấy điểm; Tôi đây phụ hệ nhưng làm quan tôi “chạy chức”; Tôi đây phụ hệ nhưng tôi cứ bám vào hội sở mà giữ cục lương tháng dù nó hoạt động chính trực hay mù tối; Tôi đây phụ hệ nhưng không bao giờ  tôi sống… như Người; Tôi đây phụ hệ nhưng “nói thật” là thứ gì đó rất “xa xỉ” với tôi… Vậy thì “Phụ hệ” nó đưa con người đi đến Văn minh gì vậy !?

             Mẫu hệ nay cho dù vương vấn những nhược điểm nhỏ từ dạo ban sơ, nhưng sao mấu chốt nó lại có thể hướng đến những giá trị lớn, lâu dài, cốt lõi, phổ quát nhất của trời đất, con người. Mẫu hệ, tự thân nó nhân hậu, công bằng, bình đẳng đến kỳ diệu. Tưởng nó “khó hiểu”, là cổ xưa, nhưng vỗ mặt vào nhau đi, sẽ thấy “phụ hệ” mới là cõi khó hiểu, và phức tạp.       

                                                               

                                                                    Lý lẽ tạo hóa

           

               Có một sự xung đột nào trong sự tồn tại đó không, hỡi miền Thượng ? Biểu tượng “Mẫu hệ” hay, đẹp nhiều thế, nhưng hình như có gì đó quá sức người Phụ nữ, và bất công. Nhưng lý lẽ tồn tại của truyền thống, quan niệm, nhận thức, văn hóa sắc tộc, thế giới con ngýời, không phải nhý một cái máy cő khí để hiểu gọn ghẽ con ốc, chiếc vít, hay nhý chiếc máy tính hiểu theo qui trình cài đặt phần mềm. Thuộc về con người là thuộc về sự huyền nhiệm của tự nhiên.

 

                            *

 

           Bây giờ là thời hiện đại mà họ vẫn cứ Mẫu hệ, cứ…Gùi. Tôi nhớ bài hát “ Chiếc gùi” của Phôn còn có câu  thâm hậu vô cùng: “ Chị gùi bến nước ngày xưa”. Dù Lễ cúng Bến nước có không còn, hay lễ cúng Mưa, cúng Lúa mới cũng thế(vì nay đã trồng cây công nghiệp cả rồi!)… thì tinh thần Mẫu hệ, Nữ thần Mặt trời(tổ tiên) vẫn còn đó. Nên dù có đập “vỡ tim” tôi, tôi vẫn cứ đoan chắc:  Cả sơn nguyên nằm trong… chiếc gùi đấy! Nên không dễ có ngày khép lại hệ thống “Mẫu hệ” ở miền Thượng này. Biết đâu các xã hội Công nghiệp, hay ta gọi là “ Văn minh”, Tiên tiến ( nhưng “thành tựu” đều xây dựng nên từ sự tàn phá thiên nhiên cùng khả năng khai bóc tài nguyên để phục vụ cho điều này) kia, đến một ngày nào đó, tự dưng họ cũng vận hành theo sự giản dị hóa, thuận theo tự nhiên, và quay lại những  giá trị hòa thuận với trời đất thay vì giá trị lâm thời là cái chủ chốt(“họ” mà con phải theo) phải từ cái có quyền lực sức mạnh chi phối trong phân công lao động, cùng với áp đặt ý chí lên trên trật tự thiên nhiên, mà trước hết là rằng: “họ” của ai, giữa cha và mẹ, không phải là điều quan trọng… Hòa thuận, vui, bền, công bằng, thuận tự nhiên, mới là điều quan trọng, hợp lý.

          Tất cả rất thật, quen thuộc, thân thương, cõi người đó thôi, quanh ta, một bộ phận của chúng ta; nhưng sao ta cảm giác về sự xa xăm mà  không thể cắt giải.

 

 

                      t

a.      Người con gái K’ho Cill

b.      Người con gái M’nông

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3135
Ngày đăng: 14.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã Tiên
Một thời không dễ quên - Lâm Bích Thủy
Ghi chép tháng sáu - Junius - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Đêm trôi cùng Hương Giang - Nguyễn Nhã Tiên
Một góc nhỏ Cali… - Phan Chính
Tản mạn về Huế - Huyền Chiêu
MỸ SƠN "Nhớ và quên" - Nguyễn Nhã Tiên
Ghi chép Március – Tháng Ba - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Tọa đàm về tác phẩm của Hamvas Béla - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép November 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả