Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.534.483
 
Một Võ Thị Hảo - Chỉ một
Tru Sa

 

                      

 

Bây giờ, tôi đã khó để gặp lại cô giáo của mình- nhà văn Võ Thị Hảo. Nói mình là học trò của cô thì chưa hẳn đúng vì tôi chưa làm lễ bái sư, hay cụ thể có sự gắn bó quá nhiều để gọi đấy là sư đồ. Như những ai được cô giảng dạy, truyền cảm hứng, tôi luôn nhận mình là học trò, và tôn cô Hảo như ân sư.

 

Năm 2010, tôi học kì cuối ở khóa Sáng tác-lí luận phê bình ( Phần còn sót của trường Viết Văn Nguyễn Du xưa, và nay đã là khoa viết văn-báo chí.) Lớp tôi buộc phải bảo vệ tốt nghiệp bằng những sáng tác văn học. Ai ở tổ văn thì nộp văn, tổ thơ nộp thơ. Ai phê bình thì nộp nghiên cứu phê bình. Tiếc rằng, lớp tôi chẳng một ai đủ dày dặn để theo phê bình trừ một anh lưu ban khóa trên với điểm số kỉ lục. Thời gian học trong khoa, bốn năm. Cũng bốn năm, tôi đã ngao ngán dần với không khí lớp học. Lớp trưởng đưa danh sách để mỗi người chọn ra một nhà văn để hướng dẫn. Tôi tính chọn bừa một người, vì ai thì cũng thế. Luôn khen, chê theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” và đánh giá tác phẩm qua việc đăng báo. Cái tên Võ Thị Hảo ở trang sau nên tôi không thấy. Một người bạn đã tự ý thêm tôi vào nhóm có cô Hảo. Tôi không phản đối, cũng không tán thành mấy. Chỉ gật theo cách chống chế rằng sao cũng được.

 

Ngày in bản thảo nộp, tôi chọn đúng bốn truyện. Đấy đều là bốn truyện ngắn mới, chưa hề đăng, in hay nộp sáng tác định kì những năm trước. Về việc này, tôi là đứa phá luật. Bởi, những người còn lại ở tổ văn đều làm đúng quy định : 2 truyện cũ, hai truyện mới. Người hướng dẫn, kiêm bảo vệ tác phẩm là nhà văn Võ Thị Hảo, nên tôi buộc phải nghiêm túc hơn. Trước đấy, trừ lần nộp bài sáng tác định kì đầu tiên cùng những quan sát sau đấy tôi đã hiểu tiêu chí của việc chấm. Các nhà văn, đều tên tuổi và chấm theo gu riêng của mình. Nhiều người trong khoa ( lớp tôi, lớp trên, lớp dưới) luôn kiêng dè việc bị điểm thấp môn sáng tác nên đã phải viết theo gu của người chấm bài. Nhà văn chuyên về hiện thực, thì họ sẽ viết truyện có yếu tố hiện thực, nhà văn lãng mạng thì họ ngả theo khuynh hướng lãng mạng. Nhà văn khoái chủ để chiến tranh, thì sẽ được nhận tác phẩm có màu về chiến tranh. Trước mỗi kì sáng tác định kì hai tuần lễ đổ lại, lớp tôi loạn cả lên. Về danh tính người chấm để sửa, viết bài hợp với gu. Rồi, ai quá biếng nhác việc viết thì đóng cửa phòng để viết ngoáy một truyện như cách chống chế. Chẳng thiếu người đã nhờ bạn cùng lớp, khóa trên viết giúp. Nhờ không xong thì xin. Không xin được truyện thì xin thơ. Bí bách quá thì lôi bài viết nộp sơ tuyển đầu vào chỉnh sửa, thêm thắt, khai triển thêm để nộp. Cũng chỉ trong thời gian này, lớp tôi sôi động hẳn. Việc viết hăng say. Chưa kể những cuộc thăm phòng nhau để trao đổi ý tưởng, nhờ sửa bài cũng hăng hái và thường xuyên hơn. Một người bạn bảo tôi rằng “Tớ viết liền một lúc năm truyện, oách chưa?” Tôi bảo “Sáng tác mà cứ phải dồn ép mới chịu ra thế ư?” Người kia cười, và gạ tôi đọc, tôi lắc. Tôi không có thói quen đọc những trang văn bị dồn ép, bất đắc dĩ phải viết. Trước ngày trả bài, ai cũng lo lắng về điểm số cũng như việc tác phẩm sẽ bị đem chỉ trích trước toàn lớp. Họ thấp thỏm, thấy mất ngủ và còn có người cộng trừ điểm các môn học để nếu môn sáng tác quá thấp thì lấy môn khác đắp vào. Riêng tôi, chẳng mấy tin vào nhận định của các nhà văn chấm bài. Luôn là những khen chê vô thưởng vô phạt. Sự chính xác chỉ nằm trong một khuôn khổ. Góp ý cũng chỉ tương đối. Và, thường thì chưa có ai bị điểm quá thấp hay bị chê bai quá tơi tả dù rằng cần thiết phải vậy. Tôi luôn chọn những bài dưới trung bình để nộp sáng tác định kì. Điểm số của tôi luôn là 7. Tôi nghĩ con số này đủ an toàn để mình không thành nạn nhân của những mạt sát, đố kị nếu trót điểm cao và được thầy cô tâng bốc quá nhiều.

Bảo vệ tốt nghiệp là phần cuối cùng trong môn sáng tác. Ngoài việc được hướng dẫn, sẽ phải phản biện. Điểm nhân hệ số 3, nên không thể cẩu thả. Tôi chọn bốn truyện ngắn trung bình để nộp. Ngày cô Hảo hẹn gặp nhóm bọn tôi để gửi lại phần sửa, lần đầu tiên tôi sững sờ. Thứ nhất, tôi luôn nghĩ người có lối viết táo bạo, gai góc như cô thì rất khó gần, hoặc khắt khe đến từng cử chỉ. Gặp. Cô Hảo nói chuyện rất dịu dàng, cử chỉ nhỏ nhẹ và luôn tươi cười. Thứ hai, bản thảo của từng người trong nhóm đều nát bét bởi mực đỏ. Cô Hảo mở từng trang và chỉ ra những sai sót từ ngôn từ cho đến chi tiết và độ bay của ý tưởng. Bốn bài của tôi gần như bị gạch đỏ hết. Đọc những phần cô Hảo sửa vào, rồi những dòng nhận xét tôi thấy thuyết phục. Cô Hảo bảo nhóm tôi về sửa, rồi nộp lại. Lần gặp sau, tôi đã nộp bốn truyện khác, trên trung bình. Lần này, bản thảo vẫn bị gạch nhem nhuốc. Đường bút của cô Hảo có ở khắp nơi trên bản thảo, bao gồm cả lời phát biểu mở đầu tác phẩm tốt nghiệp. Cô Hảo gạch từng chữ sai, rồi viết ngoài lề chữ sửa. Nếu lề đã hết chỗ thì viết lên trên chữ gạch hoặc chú thích trang sau. Nhiều chỗ tôi ưng ý thì cô Hảo gạch hết. Phần thoáng nhất của truyện chỉ là những dòng lên xuống do Font 1,5. Bốn truyện, với bốn cái kết cô Võ cũng gạch xóa. Những chữ thừa, thiếu hoặc thiếu hoàn chỉnh gắn bó với dòng trên hoặc nhan đề truyện. Nhóm ba người, ba bản thảo đều bị gạch tan nát thế. Chỉ là bản thảo của tôi bị “kiểm duyệt” quá gay gắt. Nhìn vào trang nào cũng tù mù. Giấy trắng như bị nhuộm đỏ hết. Lần này, tôi choáng thật. Rồi thì, tôi nghĩ rằng cô Hảo dù cao tay hơn các thầy cô từng chấm bài tôi nhưng cũng chỉ hơn họ phần nào đấy. Thêm vài lí do tôi tự họa trong đầu nhằm xóa đi cơn choáng vì bản thảo bị “chẻ” tan nát. Đấy là cô có ác cảm với tôi nên đã nặng tay như vậy, rồi thì cô Hảo đã không thích bài tôi viết chứ không phải nó không hay, cô Hảo từng làm biên tập lâu năm nên quen việc cắt xẻo bản thảo…Sau ngày gặp, nhóm tôi về lại trường. Hai người kia, cùng các nhóm còn lại gặp nhau và tổ chức ăn uống. Lớp tôi luôn có thói quen tụ tập, ăn nhậu dầm dề ngày này qua tháng nọ. Tôi tách ra, tìm một chỗ thật vắng để xem lại bản thảo. Đêm, tôi mở xem một lần nữa và bị thuyết phục ngay. Trước hết, cô Hảo đã quá hiểu những gì tôi viết ra. Những phần gạch cần thiết để tứ truyện không bị rườm. Câu sai, đã được sửa chuẩn và gợi hơn. Còn những đoạn bị gạch cụt, tôi vẫn nghĩ là hay nhưng không phải trong truyện này và hoạt cảnh truyện này.

 

     “Còn quá rườm rà, lởm khởm trong khi những điều này cá nhân phải tự làm được.” – Đấy là lời cô Võ nói với nhám tôi, và cũng là nói với tôi. Những cuộc hẹn để gửi, hướng dẫn bài vở không diễn ra ở cùng một địa điểm. Đều là những quán café quanh Hà Nội, khi là tại nhà cô Hảo, lúc lại ngay trên vỉa hè (Lúc đấy cô Hảo bận, nhóm tôi gặp cô trên đường Nguyễn Đăng Ninh. Cô Hảo đã quành xe vào vỉa hè, rồi đứng giảng giải những chỗ sai cho từng người. Cô Hảo gọi từng người vào một, thành ra nhóm ba người phải thay phiên nhau như môn đấm bốc loại trực tiếp.) Những bữa café, cô Hảo là người mời. Nhóm tôi không túng đến mức không đủ tiền cho một cốc café. Chỉ là cô Hảo ngăn lại bảo “Nếu ai trong bọn em, có bài đăng báo thì cô mong được mời nước.” – Cô nói thế, và cười thế. Sau lần đấy vẫn chưa ai trong nhóm mời nước cô, vì chẳng ai có bài gì đăng. Nhãn quang biên tập cô Hảo làm tôi nể. Trong nhóm tôi có người đã lấy truyện người khác đem nộp. Bốn truyện, một của anh ta còn lại đều đi xin. Điều này cô đã nhận thấy khi đối chiếu chữ trong văn. Chuyện về anh chàng này, tôi và lớp tôi điều biết và im lặng. Cô Hảo không biết nhưng “cảm” được. Một điều bất thường như hai nét chữ trên một trang giấy. Như lo ngại bại lộ, anh chàng kia nói rằng “Hai truyện đầu em viết thời trước khi vào học, hai truyện sau viết năm cuối.” Cô Hảo chỉ gật gù, hẳn cô vẫn thấy sự bất minh vì nhiều lúc hỏi về hai truyện đi xin, anh này vẫn ấp úng. Nhưng rồi, anh chàng này cùng một cô trong nhóm cũng xong bản thảo sớm hơn tôi. Tôi mắc kẹt lại vì những lỗi quá nhiều, dày và tổ bố. Ngoài mấy cú điện cô Hảo gọi, tôi vẫn phải in lại bản thảo để đến gặp cô lần sau chót. Chính trong thời gian này tôi phải vất vả nhất. Việc sửa, khi có góp ý vốn không mất nhiều thời gian, thế nhưng, tôi lại mất quá nhiều vào việc sửa. Bởi, tôi đã phải đọc, đánh giá lại bằng không chỉ nhãn quan cô Hảo. Một chữ, dù được cô Hảo sửa tôi vẫn phải nghĩ mãi xem ngoài từ của cô còn có từ khác thế mà vẫn phải của tôi không. Thay thế, phá triệt và cải tổ lại từng truyện một. Rõ ràng ngôn từ lúc đấy của tôi còn quá non yếu, vụng về và lằng nhằng. Chính tôi lúc này, khi đọc lại bản thảo thời gian đấy còn thấy phải sửa nhiều hơn thế. Tôi có kể việc này cho bọn bạn trong lớp và nhận được những tràng cười thỏa thê. Tiếng cười, là sự nhạo báng vì họ coi rằng bản viết của tôi tan nát là phải. Ai dễ tính thì bảo tôi “Cứ sửa theo cô.” Tôi đáp “Không hoàn toàn.” Tôi sẽ sửa theo dấu gạch của cô Võ, nếu thấy cần thiết phải vậy. Tôi là kẻ ngang ngạnh và không bao giờ thay đổi theo người khác, trừ khi cần thiết phải thế. Một anh cùng lớp bảo tôi “Mày cứ quan trọng, làm nhanh còn đi chơi. Viết lắm mệt người. Đời còn dài.” Tôi lắc, bỏ về trong khi họ đang nài tôi ở lại dự tiệc tối ngoài sân thượng. Quá lâu rồi, tôi vốn không tự đồng hóa mình vào những người cùng lớp. Họ thường bảo tôi lập dị. Bởi tôi không thường rượu chè thâu ngày tháng, như họ, không đào hoa cặp kè nhiều cô gái/chàng trai cùng lúc, như họ, không bao giờ bị bắt quả tang khi đang ân ái trong phòng kí túc, như họ, không mua sách có chữ kí theo phong trào rồi đem chính cuốn sách đấy kê chân bàn, lót giường, như họ, và càng không hằn học, đâm lưng nhau do đố kí văn tài, như họ. Tôi không nghĩ tôi lập dị hợn họ, chỉ là tôi khác họ. Vậy thôi.  

 

Trong những nhóm bảo vệ tốt nghiệp thì nhóm tôi có vẻ nhọc nhất. Phải in đi in lại, sửa đi sửa lại nhiều lần mới xong. Nhóm khác, chỉ đến một, hai lần để gửi và nhận bản thảo về. Rất hiếm có sự biên tập quá mạnh như của cô Hảo. Mực đỏ dành viết những lời khen. Thơ, hay văn đều thế cả. Hoặc, nếu nhóm nào quá kém thì cũng chỉ bị chỉ trích cửa miệng. Lúc đặt bút phê, chỉ đọc thấy những lời tiếc nuối vì chưa đến, kèm theo lời động viên mang tính tuyên huấn. Trong lần gặp cuối cùng ở quán café sát hồ Giảng Võ. Lần này, là lần sửa bài cuối cùng. Cả nhóm ngồi chung bàn để nghe những lời phê cuối cùng. Tất cả đã xong xuôi. Dù chỉ bước đầu, tạm coi là thế. Tôi hỏi cô Hảo “Em nghe các bạn khác kể rằng, mấy thầy cô họ nhận dễ tính. Em thấy cô thật sự khắt khe quá, dù điều đấy là tốt.” Cô Hảo vẫn cười. Mỗi lúc nói, cô thường cười nhẹ. “Cô làm hết trách nhiệm của mình thôi. Vì là năm cuối cùng, nên cô muốn tạo một mặt bằng tốt nhất cho các em. Những lỗi mà các em mắc. Lớn thì cô đã sửa, nhỏ cô cũng đã sửa. Chẳng phải cô quá khắt khe, đấy vẫn là trách nhiệm của cô, vì khi gửi báo hay ra sách chẳng bao giờ họ sửa giúp em những lỗi quá vặt thế này đâu.” Cuộc gặp khá lâu, từ bốn giờ chiều đến gần bảy rưỡi tối. Nhóm ba người, một đã về trước. Tôi và cô bạn đi cùng ở lại. Cô Hảo có hỏi tôi rằng có trách gì cô không khi cô quá mạnh tay. Tôi bảo “Không cô ạ, dù em hơi choáng. Đây mới thực sự là trả bài sáng tác định kì. Lời của cô thẳng thắn, thật và cần thiết như sự thật vậy.” Cô Hảo nói với tôi “Cô mất nhiều thời gian với em hơn các bạn khác. Những gì cô góp ý thì trong bài cả rồi. Những truyện của em viết đều đứng được, nhưng không phải vậy là dừng. Em có một tố chất hiếm, và cần phát huy. Vứt những cái lởm khởm, thừa thãi thì em sẽ rất khá.” Tôi ghi nhớ lời của cô Hảo, đến cả lúc này. Cuối buổi, một người nhóm khác đến để gửi cô Hảo bản thảo, để cô đọc và có câu hỏi phản biện. Cô bạn mang theo một túi quà, đủ lớn để ai cũng thấy. Bản thảo cô Hảo nhận, quà thì không. Lời cô Hảo : “Em ạ, muốn làm việc gì chăng nữa, phải sống sạch trước đã.” Cũng lúc đấy, tôi nhớ ngày đầu tiên qua nhà gửi cô Hảo bản thảo. Tôi mang theo một cân cam, và cô Hảo đã bắt tôi mang về với lí do “Cô giúp các em không phải vì quà.”

 

     Bản thảo tôi gửi đến chỗ nhà văn Khuất Quang Thụy không có một lời chê. Tôi cũng không nhận được câu hỏi phản biện nào. Mực đỏ đã dành viết những lời khen. Buổi bảo vệ rồi cũng xong. Không một ai phản biện tôi hết. Mọi sai sót, cô Hảo đã bổ khuyết và bản thảo của tôi hoàn mỹ tuyệt đối.

     Một năm sau, tôi có ra một tập truyện. Tựa là “Hóa Trang” in ở nhà xuất bản hội nhà văn, Tạ Duy Anh biên tập và viết giới thiệu. Tôi mang sách tặng cô Hảo. Tôi và cô Hảo đã có cuộc tái ngộ thật vui. Lần này cô Hảo cũng nói về lần bảo vệ tốt nghiệp. Cô đánh giá về lớp tôi. Rằng, lớp tôi có hai người cô Hảo xét ổn. Một, là lớp trưởng cũng là thủ khoa. Theo lời cô thì anh này, đã sạch nước cản và rất khôn ngoan khi chọn lấy con đường an toàn và an phận, điều này sẽ hạn chế đi sự bứt phá, cô tiếc. Người nữa, là tôi. Cô Hảo vẫn chưa quên nói tôi có “tố chất hiếm”, cô nói thêm, rằng tôi đã dám đào vào những trầm tích dưới đền thờ, dù còn chút do dự, cô vẫn chưa quên đã sửa ngôn từ tôi vất vả thế nào, và theo cô, chỉ cần sửa được lỗi sơ đẳng này, bút lực tôi sẽ  tiến ngày càng xa, cô mừng. “Cầm bút, không phải để viết cho khuây. Nhà văn, thực sự phải góp được tiếng nói của mình vào xã hội. Bất công còn, nhà văn còn.” – Đấy là lời cô Hảo và tôi nhớ.

 

     Trong lần gặp đấy, tôi đã hỏi cô Hảo về tập sách “Ngồi hong váy ướt của cô.” Tập sách không được cấp phép trong nước vì lí do “Nhạy cảm” Tôi hỏi thử cô còn cuốn nào không. Cô Hảo lắc, vì ngay đến chính cô còn chưa được chạm vào. Hẳn cuốn sách bị cấm đem về nước. Cùng với “Dạ tiệc Quỷ” đây là cuốn thứ hai của cô Hảo không được cấp phép. Vẫn lí do “Nhạy cảm” Cô Hảo dường như đang viết một cuốn, dài với chủ đề lịch sử. Cô Hảo sẽ vẫn viết, dù lưỡi kéo kiểm duyệt đã mẫn cảm đến mức luôn ngoác rộng lưỡi với cái tên Võ Thị Hảo.

Giờ, tôi đã khó có thể gặp được cô Hảo. Vì công việc, và vì con đường cô chọn không dành chỗ cho những tán ngẫu tào lao. Ngày trước, cô Võ bảo tôi có trách gì cô khi đã biên tập bản thảo tôi tan nát như vậy không. Tôi nghĩ tôi phải trách mình. Lúc trước, và lúc này. Tôi đã không đem những sáng tác tốt nhất của mình đặt vào tay cô Hảo. Ngay đến tập sách tặng, tôi cũng đã nhân nhượng chọn những truyện làng nhàng để in. Tôi từng hẹn cô mười năm, kể từ thời điểm tặng sách. Ngày gặp lại, tôi sẽ tặng cô cuốn sách khá nhất, được viết ra với tất cả những gì tôi có. Dù được in hay không, tôi cũng sẽ đem đến (dạng bản thảo), tặng như sự tri ân và biết ân đối với cô. Giờ, chưa đến mười năm tôi đã xong. Một tập bản thảo hoàn chỉnh, khá nhất tính đến thời điểm này. Tôi không chắc sẽ viết thêm tập truyện nào khá, phá bỏ được tập này. Tôi không liên lạc được với cô Hảo. Đấy là điều tiếc nuối nhất của tôi. Cũng đây là điều tôi luôn trách mình khi không thành thật, gửi cô những truyện khá nhất trong thời gian hướng dẫn tốt nghiệp.

 

     Chỉ một điều, tôi tự an ủi mình. Tôi là học trò xuất sắc nhất trong số những học trò được cô giảng dạy ở khoa viết văn (Trường Nguyễn Du xưa và khoa viết văn–báo chí bây giờ) Số học trò còn lại, đã từ bỏ nghiệp văn. Họ tiến thân bằng nhiều con đường, phần lớn bắt đầu từ khóa học “Cảm Tình Đảng”. Ai còn viết văn thì chọn lối viết mơ màng “vô thưởng vô phạt”, tụng, ca những chiến công thời Bác Hồ. Một học trò, luôn vỗ vai nhận mình là con cháu Phù Đổng Thiên Vương đã phản bội cả Tứ Bất Tử khi đã tuyên bố trên Facebook “Nghe truyện Nữ Oa vá trời, em cứ thường tưởng tượng,ngày xưa khi lấy đất đá ở TQ để vá trời, bà Nữ Oa để rơi vãi và tạo thành quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa như bây jo. Có lẽ vì thế nên bây jo người TQ đang lấy lại phần đất của mình... Ko biết iem tưởng tượng thế có dc k các "Thầy"? Mọi ng cùng tưởng tượng đi ạ,biết đâu laik đc in trong sách giáo khoa chứ chả chơi.hehehe”  (nguyên văn không sửa một dấu).” Bản thảo, thứ tôi dành tặng tri ân cô Hảo, tôi sẽ giữ bên mình. Tôi mong ngày được gặp lại cô để cung kính hai tay dâng cô, với lời nói “Những gì em có là thành quả của người, my Sensei.”

 

19/5/2015

 

Đã Đăng Trên Da Màu

 

Tru Sa
Số lần đọc: 2317
Ngày đăng: 07.07.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc bốn dấu ấn của hiện hữu - Nguyễn Hồng Nhung
Wolfgang Amadeus Mozart "Huyền thoại của một thiên tài" - Võ Công Liêm
Nhà nhạc học Trần Văn Khê - Phạm Văn Kỳ Thanh
"Vài nết Đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn" Những trang viết nặng lòng với quê hương của Phan Bá Ất - Phùng Thành Chủng
Một giáo trình ở trường Đại học sư phạm Huế viết sai lệch về quan điểm nghệ thuật của Hồ Chủ Tịch - Võ Văn Kha
Những xuống cấp ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - Tuấn Giang
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 5" - Nguyễn Đức Tùng
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 4" - Nguyễn Đức Tùng
Tuần - Triệt và những dấu hỏi (trích trong cuốn TỬ VI KIẾN GIẢI / Đặng Xuân Xuyến ; Thanh Hóa ; 2009) - Đặng Xuân Xuyến
Nhà báo Trân Châu như tôi được biết... - Phùng Thành Chủng
Cùng một tác giả
Kẻ không nương náu (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Những Bình Minh (truyện ngắn)
Bản âm (truyện ngắn)
Tường Sắt (truyện ngắn)
Vật Choàng (truyện ngắn)
Bóng đèn (truyện ngắn)
Tháo Mắt (truyện ngắn)
Người gù (truyện ngắn)
Chữ (ký)
Con Non (truyện ngắn)