Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
455
115.871.244
 
Tản mạn về từ Hán Việt : Sinh thì là chết? (phần 11.3)
Nguyễn Cung Thông

 

 

Các phần trước của loạt bài "Sinh thì là chết?" (11.1 và 11.2) đã ghi nhận các khả năng liên hệ sinh thì với cách đọc Hán Việt và phương ngữ ở phía Nam Trung Quốc (TQ). Phần này chú trọng đến các phương ngữ ở VN và từ đó đưa ra  một cách giải thích về nguồn gốc của sinh thì. Hi vọng với các cách nhìn khác nhau, ta có thể hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của cụm từ sinh thì: trong đó không thể thiếu các yếu tố của phương ngữ, chữ Nôm, chữ Hán và tôn giáo (Phật Giáo và Công Giáo).

 

1. "Lộn thì" cũng có nghĩa là chết

Không phải chỉ có cách dùng sinh thì, lộn thì trong tiếng Mường1 (Bi, lỗn thì) cũng có nghĩa là chết. Béhaine (1772) và Taberd2 (1838) cũng ghi nhận lộn đời (lỗn tời, Mường Bi)

 

Ngài lỗn thì pớ ngày dấp  (ngài chết từ hôm qua)

Khà đỉ lỗn tời pớ năm hơ (tay ấy chết từ năm ngoái)

Tiếng Mường - ở các miền cao và xa thành thị - có khả năng duy trì một số cách dùng và âm cổ so với tiếng Việt hiện đại. Phần sau sẽ ghi lại các cách đọc để cho thấy tại sao sinh 生 lại dùng để kí âm thăng (lên). Tìm hiểu lịch sử tiếng Việt không thể bỏ qua tương quan rất gần giữa tiếng Việt và Mường3, hay là một chi của nhánh (ngôn ngữ) Môn-Khme. Nhờ vào các mối liên hệ trên mà ta có thể truy nguyên một số từ cơ bản tiếng Viêt.

 

2. Âm răng/ săng/thăng được kí âm là sinh

Răng có một dạng chữ Nôm là lăng 夌  (cũng dùng để ghi âm săng), như

 

 

Tóc đã thưa, răng đã mòn (Bạch Vân Am Thi Tập/Nguyễn Bỉnh Khiêm -  lăng + bộ nhục)

Răng trên răng dưới hai hàng mọc ra (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa -  bộ xỉ + lăng)

...v.v...

 

Từ góc độ kí âm, ta còn thấy trong An Nam Dịch Ngữ4 (tiếng Việt thế kỉ XV - XVI) cách dùng chữ sinh/sanh 生 để ghi âm răng

 

285.  牙象 ..... 生翁威               {nha tượng ..... *sanh ông voi}

288.  象牙 ..... 翁威生               {tượng nha ..... ông voi *sanh}

...

503.  牙     ..... 生        {nha       ..... *sanh}

...

628.  象牙 ..... 翁威生               {tượng nha ....  ông voi *sanh}

...

So sánh với các cách đọc răng trong tiếng Mường

 

thăng là răng (Mường Bi - Hoà Bình) cũng là thăng (vd. thăng bằng)

Chiềng thăng ủn dầm ngãi (hàm răng em đen nhánh)

...

 

 

săng là răng (Mường Lâm La, Làng Lõ, Như Xuân, Thái Thịnh)

thăng là răng (Mường Bi, Ngọc Lạc, Mĩ Sơn)

...v.v...

Thành ra, chữ Hán sinh/sanh 生 dùng để ghi âm thăng hay săng (răng) có cơ sở giải thích vào thời tự điển Việt Bồ La/VBL5  ra đời. Ngoài ra, dạng sang cũng có thể đọc là thang vào thời VBL - LM de Rhodes ghi lại ba lần

 

Sang, vi sang … vi thang, idem.            (VBL – trang 676)

Thang, vi thang ... vi sang,idem.             (VBL - trang 743)

Ui (Vi) sang ... ui thang, idem.    (VBL - trang 865)

 

VBL đã ghi nhận chính xác, dựa vào phạm trù nghĩa, khi chia các mục sinh thành 6 mục riêng biệt kể cả âm sinh (kí âm của thăng, lên), và ba lần ghi cách dùng sinh thì

 

Sinh, lên ... sinh thì, giờ lên ... đã sinh thì ... (VBL - trang 688)

rước ... đức Chúa blời rước ... sinh thì, idem.  (VBL - trang 661)

dẹon (dọn) ... dẹon sinh thì ... dẹon chữ …(VBL - trang 169)      {đế ý cách dùng dọn sinh thì ~ sắp chết/hấp hối cho thấy sinh thì khó có nghĩa là gần chết theo một số tài liệu gần đây}

 

3. Quán tính của âm Hán Việt/HV

Cụm từ sinh thì đã từng hiện diện trước thời VBL, như trong các tài liệu bằng chữ Nôm của LM J.Maiorica (từ năm 1632 đến 1656). Dựa vào các dữ kiện phương ngữ VN ở trên, ta có thể thấy là cách đọc sinh thì đã duy trì cách đọc HV rất khắn khít. Cứ nhìn mặt chữ Nôm  生時 là thường đọc sinh/sanh thì, dù rằng chỉ là một dạng ghi âm tiếng Việt gần đúng - cộng hưởng với các lời truyền đạo trong thời kì phôi thai - làm cho cụm từ sinh thì có một sức sống riêng biệt, khác hẳn với cách hiểu sinh thì (sinh thời, thời còn sống) của đa số quần chúng.

Một điểm cần khai triển thêm ở đây là cách dùng từ La-Tinh ethnicis trong VBL, thường dịch ra tiếng Việt là lương dân, người lương. Chính VBL đã ghi rằng sinh thì là mượn cách nói của người ngoại đạo (lương dân). Thật ra ethnicis là một dạng (dative case) của danh từ  ethnicus cũng như các dạng ethnicoram (genitive case) ...v.v...  Ethnicus dùng để chỉ những người không theo đạo Công Giáo/CG, phần nào phản ánh tín ngưỡng của đa số dân chúng vào thời kì các nhà truyền đạo CG đến VN. Trong các ghi nhận của VBL về lương dân, ta thấy các cách dùng như

 

… đang niên tháng sở tri (trang 200); thiên sinh nhin nhin thành thiên (trang 746); thiên phủ - địa phủ - thuỷ phủ (trang 606); chúc đài (trang 119, 192); thiên thai ư tí, địa tích ư sử, nhên sinh ư dần (trang 853); tống sao, nhương sao (trang 827); đa hành ác nghiệp (trang 314); linh hồn, giác hồn, sinh hồn (trang 337); khâm, thượng khâm, hạ khâm (trang 360); mục đồng (trang 483, nhệt (nhật) thực (trang 782); nguyệt (ngoệt) thực (trang 542); sinh kí tử qui, sống thì gởi, chết thì về (trang 687); người lương dân nói, tạo thiên lợp địa (trang 724) ...v.v...

 

Rõ ràng là ‘lương dân’ thời này biết nhiều chữ (và âm) Hán, có phải phản ánh chính xác đa số dân chúng hay không? So với từ La-Tinh populus chỉ lương dân, dân lành hay dân chúng một cách tổng quát, VBL cũng dùng chữ này cho mục thứ dân. Đây là vấn đề rất thú vị và cần tìm hiểu sâu xa hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

Tóm lại, ta có một cơ sở vững chắc liên hệ âm sinh với săng/thăng vào thời VBL trong cụm từ sinh thì, phạm trù nghĩa của sinh thì có khác với cách hiểu sinh thì (sinh thời) trong tiếng Việt hiện đại. Tầng lớp "lương dân" tinh thông chữ Hán (“có học”) đã gián tiếp duy trì cách đọc cổ6, cũng như phạm trù nghĩa rất đặc biệt, của sinh thì trong tiếng Việt. Khởi đầu bằng chữ Nôm7 ghi lại âm đọc, sau đó quán tính của âm HV đã ‘hoá đá’ phần nào cụm từ sinh thì cho tới ngày nay. Vấn đề trở nên đáng chú ý khi cách dùng của người ngoại đạo lại trở thành thuật ngữ CG mà ít người nhận ra được.

 

4. Phụ chú và phê bình thêm

Để cho liên tục, bạn đọc có thể tham khảo hai bài viết trước (phần 11.1 và 11.2) cùng đề tài "Sinh thì là chết?" trên trang http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4642%3Atn-mn-v-t-han-vit-sinh-thi-la-cht-phn-111&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi  hay  http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20780 …v.v…

Bài viết của Henri Maspero (1883-1945) "Études sur la phonétique historique de la langue annamite, les initiales" BEFEO 12, 1912, trang 1-126 - tuy cách đây đã lâu (1912) nhưng có nhiều liên hệ đến phần 11.3 này (phần phụ âm đầu l và r). Maspero đã dựa một phần vào các công trình về phương ngữ tiếng Việt trước đó, như của LM Léopold Cadière, ghi nhận trường hợp kỳ lạ (curieux - nguyên văn tiếng Pháp) của cách đọc răng là thăng (tiếng Mường Ngọc Lặc, Mĩ Sơn). Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác.

 

1)  Nguyễn Văn Khang  (Chủ biên) 2002 "Từ điển Mường-Việt" NXB Văn Hoá Dân Tộc (Hà Nội)

 

2)  Taberd Jean-Louis 1838  南越洋合字彙 "Dictionarium Anamitico-Latinum" Fredericnagori vulgo Serampore: Marshman - dựa vào bản viết tay của LM Pigneau de Béhaine (1772)

 

3) Các bài viết liên quan đến nhóm ngôn ngữ Việt Mường có thể đọc trên mạng như của Nguyễn Phú Phong, "Nghiên cứu về nhóm ngôn ngữ Việt-Mường", trang http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/nghiencuungonnguviet-muong.htm ...v.v...

Bản đồ ngôn ngữ nhóm Việt Mường trích từ trang http://ngonngu.net/index.php?m=print&p=303

 

4)  Vương Lộc 1995 "An Nam Dịch Ngữ" NXB Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội - Đà Nẵng).

 

5)  Alexandro (Alexandre) de Rhodes 1651 “Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum” (thường gọi là từ điển Việt Bồ La) - NXB Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM - 1991).

 

6)  thì  時 có một dạng âm cổ phục nguyên là *zji, dạng thì luôn luôn hiện diện trong các tài liệu bằng tiếng Việt cho đến khoảng giữa thế kỉ XIX - sau đó dạng thời mới xuất hiện (nguyên âm trước/không tròn môi/nhỏ của  /tʰi̤/  đã trở thành nguyên âm sau/lớn hơn của  /tʰə̤:j/). Bạn đọc có thể tham khảo về các dạng biến âm của thì trong bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt - thời thì (phần 6.2)" trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4101%3Atn-mn-v-t-han-vit-thi-thi-phn-62&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi

 

Cũng như mạng tương ứng với mệnh HV 命 (mạng là âm cổ hơn), vang tương ứng với vinh 榮 (vang hay *ĭwɐŋ là âm cổ hơn), thăng/săng/răng cũng đã được kí âm là sanh/sinh 生 - một dạng cổ phục nguyên của sinh/sanh là *shang. Dấu hoa thị * dùng để chỉ âm cổ phục nguyên. Các chữ viết tắt trong bài này là LM (Linh Mục), BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161). Chữ sinh/sanh 生 (thanh mẫu sanh 生, vận mẫu canh 庚 bình thanh, khai khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

所庚切 sở canh thiết (TVGT, ĐV, QV, LT)

師庚切,音甥 sư canh thiết, âm sanh (TV, VH, CV, TVi)

所京切 sở kinh thiết (NT, TTTH)

所敬切 sở kính thiết (QV, CV, TVi)

所慶切,音貹 sở khánh thiết, âm *sánh (TV, VH, LT - sanh khứ thanh)

所景切,音眚 sở cảnh thiết, âm sảnh (TV, VH)

所辛切 sở tân thiết (TVKC 集韻考正)

息正切,音性 tức chánh/chính thiết, âm tánh/tính (CV, TVi) - tính đọc là xìng (BK bây giờ)

師莊切,音商 sư trang thiết, âm thương (VB, TVi, KH) - thương đọc là shāng (BK bây giờ)

桑經切,音星 tang kinh thiết, âm tinh (TVi, KH) - tinh đọc là xīng (BK bây giờ)

尸連切,音羶 thi liên thiết, âm thiên (TVi, KH)  - thiên đọc là shān (BK bây giờ)

所臻切,音甥 sở trăn thiết, âm sanh (CTT) - trăn 臻 đọc là zhēn (BK bây giờ), sanh 甥 đọc là shēng (BK bây giờ)

...v.v...

 

Giọng BK bây giờ là shēng so với giọng Quảng Đông saang1 sang1 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] sang1 sen1 [海陆丰腔] sen1 sang1 sien1 [梅县腔] sang1 sen1 sien1 [沙头角腔] sang1 sien1 [客语拼音字汇] sang1 sen1 [陆丰腔] sang1 sen1 [东莞腔] sang1 [台湾四县腔] sen1 sang1 sien1 [宝安腔] sang1 | sen1 潮州话:思楹1 徐楹1 思英1 ,sên1(seⁿ) cên1 (chheⁿ) sêng1(seng). Một dạng âm cổ phục nguyên là *shang (sanh giọng Nam bây giờ là gần âm cổ hơn so với sinh giọng Bắc VN). Để ý dạng sang1 của giọng Mân Nam.

 

7) Một đoạn văn xuôi viết bằng chữ Nôm cho thấy sinh thì  生時 dùng nhiều lần,  trích từ "La vie de Saint Ignace de Loyola” 1644. “Ông Ác Y Na Khu Truyện” 翁垩衣那枢傳 là một trong những lưu tích ban đầu trong thời kỳ truyền đạo CG và giao lưu văn hoá ở VN. Không phải ngẫu nhiên mà Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi lại chỉ dụ cấm đạo tại Nam Định vào năm 1533:  "Gia-tô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hoà nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân I-nê-khu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ Gia-tô tả đạo truyền giáo". Tạm dịch: “Đạo Gia-tô, theo ghi chép của tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (A)”.

 

(A) các làng này thuộc các huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường, tỉnh Nam Định bây giờ. Để ý thêm là giọng Nam Định/Thái Bình (các khu vực thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ như Hải Dương ...) vẫn hay lẫn lộn hai phụ âm đầu s và th.

Nguyễn Cung Thông
Số lần đọc: 5467
Ngày đăng: 29.01.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường Phật giáo - âm Hán Việt phạm hay phạn? (phần 1.1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt Sinh thì là chết? (phần 11.2) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 11.1) - Nguyễn Cung Thông
"Ngôn Hoài": Một bài Kệ Thiền rất khó dịch. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp - Ngọ- Ngũ -ngựa (phần 13) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp - Ngọ ngựa (13A) - Nguyễn Cung Thông
Chữ Sanskrit, chữ Hán liên quan đến Vu Lan Bồn - Vương Trung Hiếu
Lẫn lộn n và l? (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 5) - Nguyễn Cung Thông
Cùng một tác giả