Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
738
116.541.475
 
Thanh Thảo và Trường Ca "Đám mây hình người thợ săn và con chó"
Mai Bá Ấn

 

 

            Tạp chí Thơ (Hội NHà văn Việt Nam) số 6-2014 vừa công bố Trường ca “Đám mây hình người thợ săn và con chó” - Trường ca thứ 11 của nhà thơ Thanh Thảo. Đây là Trường ca được Thanh Thảo lấy cảm hứng nhân chuyến thăm cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên địa chất toàn cầu vừa được UNESCO công nhận năm 2010), ghé thăm Nghĩa Trang Vị Xuyên (2012). Từ Cao nguyên đá trở về, đang còn lâng lâng với cảm giác do những mẫu hóa thạch của các loài có niên đại 400 đến 600 triệu năm về trước mang lại, bồi hồi với cảm giác khi đứng trước 1.698 ngôi mộ đồng đội ở Vị Xuyên; tác giả lại đón nhận dồn dập nhiều thông tin nóng hổi... Nào là chuyến lưu lạc 7.000 km của chàng trai H’Mông Vừ Già Pó; nào là chuyện học sinh, giáo viên bản Sam Lang vượt suối đến trường bằng cách chui vào túi ni lông; nào là Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam… Tất cả đó đã được nhà thơ nối kết rồi bùng nổ thành một trường ca với 689 câu thơ và 2 đoạn tin được kết cấu như một bản giao hưởng hiện đại không phân chương mục, ngập tràn thi hứng.

 

            Đứng trên cao nguyên đá ngắm mây bay hay chính những đám mây vô danh lang thang như những linh hồn trong buổi chiều Vị Xuyên nhức nhối? hay chính là bước chân lang thang như mây trời của chàng trai H’Mông Vừ Già Pó? hay những áng mây Tổ quốc bay quanh Hoàng Sa trên vùng biển Đông non nước linh thiêng?… Có lẽ là tất cả để làm nên một kết cấu giao hưởng hiện đại nhiều giọng, nhiều bè mang đậm chất sử thi.

 

Chuyện “Tranh vân cẩu” trôi nổi giữa bầu trời như một biểu tượng của sự biến chuyển, đổi thay của trò đời thì ai cũng biết. Ở “Đám mây hình người thợ săn và con chó” thì Mây là một nhân vật chính. Sự biến đổi của nó chính là sự hóa thân thành các nhân vật. Nhân vật chính “Đám mây” có hình “Người thợ săn” và “Con chó” là bước thiên di của loài người vượt qua Siberie, Hoàng Hà, Trường Giang để dừng chân lại với Đồng Văn. Vì lẽ đó, những nhân vật này trong trường ca không còn là “vân cẩu mòng mòng” mà gắn chặt với ý đồ khai thác nội dung của tác giả. Đó là mối quan hệ giữa Mây và Gió:

mây bay như nỗi buồn phiêu dạt khắp trời biết nơi nào dừng

quê hương mây ở đâu?

ai xua đuổi mây nếu không là gió…

gió xua đuổi ta nhưng không gió làm sao ta bay

không gió đời ta thành giẻ rách

chứ đâu phải mây.

Mây bay nhờ Gió, và vì vậy, Mây hóa thân thành người H’Mông vừa lãng mạn vừa lẫm liệt, kiên gan:

gió làm nên người dân ta trong sạch

dựng nhà nơi chất ngất

dưới bóng cây cổ thụ mồ côi

mải mê cách biệt

vách nhà khoét lỗ châu mai lẫm liệt

những cặp mắt sáng trưng

địu con xuống núi sáo vân vi lừng khừng.

Mây lại hóa thân vào trong từng hoa văn trên chiếc váy những thiếu nữ H’Mông xinh đẹp. Khi thêu xong chiếc váy có hoa văn hình đám mây cũng chính là là lúc Mây trụ lại hóa thân thành những người H’Mông vừa tảo tần vừa bay bổng, chọn đất này làm Tổ quốc đầu tiên để hình thành nên văn hóa H’Mông:

cô gái thêu một vầng mây trên váy

thêu một đời tảo tần lên đá

thêu xanh thẳm điệu kèn

lên âm u màu đêm

ba năm xong một chiếc váy

ba trăm năm xong một chỗ dừng

ta đám mây ngũ sắc

thiên di

ta bầy chim trú rét

Siberie

ngậm từng cọng cỏ đỉnh cao

tìm tổ quốc

gặp cao nguyên cỗi cằn

cắm chốt.

Chính Việt Nam nhân hậu bao dung đã đón Mây về, sau khi Mây đã vội vã lánh xa vùng đất giá băng, cạm bẫy; những vùng đất tanh tưởi mộng bá quyền:

nhưng có thứ còn giá hơn băng tuyết

kinh hơn cạm bẫy

những Trường Giang Hoàng Hà đã tới

sao lòng chua xót khôn nguôi

chó yêu ơi đánh hơi gì nơi ấy

mà giục ta mau vội bước dời

có đàn chim nào ngày lang bạt

hướng mây băng về phương nam xa xôi.

Về với Việt Nam, Mây đã bình tâm dừng lại bên cao nguyên đá, rồi nối rộng vòng tay quê hương từ núi rừng đến biển thẳm xa khơi:

Việt Nam

ta đến với Người nơi chót núi

ta đến với Người lúc cùng đường

đá của Người bảo bọc ta

từng hạt ngô nuôi ta lớn

và gùi nước trĩu nặng

dạy ta bài học biển khơi.

Có Tổ quốc rồi, Mây hóa thân thành con chó Dũng Cảm” để cùng con người bảo vệ nước non:

con chó của ta vốn nòi Dũng Cảm

dắt ta bay qua các vùng trời;

thành Người thợ săn”  lấy đá làm đạn, vùng lên, lăn đá xuống đầu thù”:

bác thợ săn niềm vui khốc liệt

giương súng kíp

con chó săn đam mê lốc xiết

ngửi mùi chồn hương

trời làm cao nguyên đá

người H’Mông làm khẩu súng này

khoan nòng

đá hay đạn ghém

đỉnh núi cao hay bờ vực hiểm

đều vũ trang

đá lăn

đá lăn

đá lăn

lăn đá

xuống đầu thù.

Mây hóa Đá, Đá thành Mây:

đám mây người thợ săn và con chó

lững thững bay trên cao nguyên gió

Đồng Văn

mình là mây hay đây là đá

ta đang bay hay mây đang hạ

cánh giữa ngút ngàn

đá.

Thiên di như Mây, và Mây lại tiếp tục hóa thân thành chàng trai H’Mông Vừ Già Pó với ý chí kiên cường, lòng yêu nước khôn khuây trên bước đường lưu vong:

lang thang năm châu lục

vẫn là người H’Mông

có lúc

Vừ Già Pó là tôi

từ Mèo Vạc…

không bay

cuốc bộ hơn 7000 km.

Mây hóa thân thành Vừ Già Pó thì con Chó săn lại hóa thành Con vẹt đã theo chân chàng trai H’Mông qua vạn dặm trường:

một con vẹt

thường ăn ngô trên nương Mèo Vạc

bay theo tôi

7000 km

trong đêm vượt thác cao đèo dốc

chân trần

lướt qua nhiều quốc gia chủng tộc

con vẹt trò chuyện cùng tôi

cứ như mình sinh ra là bạn

và kiên định một giống nòi, một Tổ quốc mà thôi:

“Việt Nam là của tôi!” Vừ Già Pó

“Tôi là của Việt Nam!”

xin đừng hỏi

tôi đến từ đâu?

dẫu đất nước tôi toàn đá

tôi cứ yêu đất nước mình vật vã…

Tổ quốc tôi là Việt Nam.

Yêu nước, Mây cũng trở trăn cùng vận nước khó khăn ngay giữa thời bình:

nhà dựng áp đỉnh núi

chắc mà chưa xong

cầu treo chông chênh thác lũ

rồi mà chưa xong

con ta chui bao ny lông vượt suối

qua mà chưa xong

đám mây người thợ săn và con chó

nhàu nhò núi lở mưa giông.

Trước Nghĩa trang Vị Xuyên, Người thợ săn lại hóa thân thành Vàng Xín Dư - người Xã đội trưởng Tả Ván “ba lần đánh thắng quân Trung Quốc” dù bị lừa vì lựu đạn dỏm (hàng dỏm) do chính “người anh em” viện trợ:

lựu đạn chày Trung Quốc

ném không nổ

còn lại là súng kíp

chúng tôi đã ba lần đánh thắng quân Trung Quốc

khi chúng tràn sang làng bản chúng tôi

được khen thưởng

chúng tôi cười

được phong anh hùng

chúng tôi vui

thế thôi.

Hòa bình rồi “Con chó Dũng Cảm” lại hóa thân thành “con chó đồn biên phòng” để cùng Người thợ săn Vàng Sín Dư ngao du cho thỏa thích chí tự do vốn có của người H’Mông:

Vàng Xín Dư nói với tôi

ông muốn cưỡi lên đám mây cuối trời

cùng con chó của đồn biên phòng

ngao du cao nguyên đá

có phút giây không mua được bằng tiền

không đổi được bằng vòng vàng hay quần áo đẹp

có niềm vui phấn khích như sương

có cú bay

chói ngời hạnh phúc

có đám mây

đẫm màu mơ ước.

Mây ẩn mình trong gió, biến hình vào hơi thở lứa đôi trong những phiên chợ tình hòa bình như một nét văn hóa tiêu biểu của người H’Mông:

đám mây người thợ săn và con chó

cài đỉnh gió

chờ trăng

ta đang biến hình thở sâu nghĩ ngợi

phiên chợ chưa tàn.

Nhưng bọn giặc đã bị Vàng Xín Dư và đồng đội đánh tan tác ở cao nguyên đá đang hăm he chiếm giữ biển Đông. Những Người thợ săn, Những con chó trận, những Vàng Xín Dư lại hướng về với biển:

lũ giặc từng tràn qua cao nguyên đá

giờ lại lấn xâm biển cả

chó ta ơi, hãy đánh hơi lần nữa

nhận đúng mùi tanh tưởi kẻ thù xưa…

xin hãy nhận chúng tôi hỡi những người lính biển

lão thợ săn và con chó trung thành

súng kíp của ta dù thô sơ cũ kỹ

chưa bao giờ bắn chệch hồng tâm.

            Có thể nói, lấy Đám mây làm nhân vật chính để từ đó biến hóa thành những dạng nhân vật đa dạng và phong phú là thành công của Thanh Thảo. Dù sự biến hóa cứ như “vân cẩu mòng mòng” ấy, nhưng trường ca vẫn không bung ra khỏi cấu trúc bởi sự hợp lý trong nối kết giữa thời gian quá khứ, thời gian hiện tại và cả phía tương lai, các nhân vật xuất hiện trong trường ca dù là gió, là mây trên trời hay những con người thực trên cao nguyên đá; dù lãng đãng như Mây hay gan lì như Đá vẫn đọng lại những câu thơ đầy xúc cảm:

nắm xôi tím nước mắt em cay xé

đưa ta qua biết mấy thăng trầm

trên đám mây cuối ngày lặng lẽ

con chó và ta tóc xõa mưa dầm

chúng ta bay lang thang tìm hạnh phúc

có ngờ đâu hạnh phúc lại quá gần

nắm xôi tím mái đầu giờ bạc trắng

vẫn như xưa thơm từng ngón tay cầm.

            Nếu Trường ca Chân đất (2012) được Thanh Thảo cấu trúc theo kiểu “vòng tròn đồng tâm” thì “Đám mây hình người thợ săn và con chó” là kiểu cấu trúc đồng hiện, lấy Đất và Trời làm trục, mà cụ thể ở đây là xoay quanh trục chính giữa Đá và Mây (Tôi đã thống kê sơ bộ có đến 39 từ Mây và 65 từ Đá xuất hiện trong trường ca). Cho nên, dù có liên tục biến đổi, thay vai nhân vật thì tất cả đó cũng chỉ là những nhân vật phái sinh từ “Đám mây” kia. Cấu trúc trường ca theo một trường liên tưởng xuất phát từ mạch tư tưởng cảm xúc của chính tác giả trường ca, vì thế, “Đám mây hình người thợ săn và con chó” cứ tự do bay, tự do biến mà không một trường đoạn nào văng ra khỏi chuỗi cấu trúc của trường ca.

            Một điều cần chú ý về nghệ thuật chính là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thống và sự xuất hiện các yếu tố hậu hiện đại trong trường ca này. Đó là những câu Lục bát biến thể rất tự nhiên:

rừng xa nhạc ngựa tái tê

em mơ đá nở đầy khe hoa vàng

Vừ Già Pó về Mèo Vạc

lang thang cuối đất cùng trời

quê mình cứ vẫn thế thôi quê mình;

và những khổ thơ Bảy chữ thiết tha:

chúng mình đi chợ tình anh ạ

chợ tình như đất nước thật thà

cao nguyên đá làm sao hết đá

tình yêu thành núi mọc trong ta…

Yếu tố hậu hiện đại xuất hiện rõ nét ở những liên văn bản và sự trộn lẫn các loại hình văn học nghệ thuật khác nhau. Tôi hân hạnh được đọc trường ca mày qua bản mail của tác giả trước khi in trên tạp chí Thơ. Tại bản gốc này (mà bản in Tạp chí Thơ không in), Thanh Thảo cho in cả hình Vừ Già Pó và Con vẹt kèm theo, hình Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, hình ảnh chui bao ni lông lội sông đi học cùng hai đường links (https://www.youtube.com/watch?v=2rzhToA0R78 để nghe bài hát “Sông Lô chiều cuối năm” của Minh Quang khi đứng trước Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên và https://www.youtube.com/watch?v=l4X6IJUN8DA để nghe “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương” khi đứng giữa cao nguyên đá).

 

Như vậy,  từ sự xuất hiện của văn xuôi Tô Hoài, những mẫu tin trên báo (văn hóa đọc) đến âm nhạc Nguyễn Văn Thương, Minh Quang (văn hóa nghe), từ các hình ảnh đăng kèm (văn hóa nhìn) đến các đường links dẫn (văn hóa mạng), “Đám mây hình người thợ săn và con chó” đã mang lại những hiệu ứng tích cực để người đọc đương đại đến với Trường ca một cách tự nhiên hơn. Và tất nhiên, sẽ còn rất nhiều người khám phá ra những điều thú vị khác ở Trường ca này.

 

   Quảng Ngãi, tháng Ngâu, Giáp Ngọ, 2014

Mai Bá Ấn
Số lần đọc: 2682
Ngày đăng: 30.09.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Gấm" trong Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trần Kim Đức
Bài thơ "Em" của Hồ Minh Tâm từ góc nhìn Tâm lý học - Nguyễn Thị Minh
Lãng mạn như tác giả 'Thơ tình viết trên bao thuốc lá' - Trần Dzạ Lữ
Đặng Phú Phong đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Đặng Phú Phong
Nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975 - Cao Thị Hồng
Nguyễn Nguy Anh, vọng gọi chiều bằng cả hồn thơ... - Nguyễn Nguyên Phượng
Dấu ấn tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong Nghiên Cứu – Phê Bình Văn học ở Đô thị miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Ngẫu hứng đọc “Thơ tình viết trên bao thuốc lá” của Nhà Thơ Trần Dzạ Lữ - Võ Quê
Cao Thị Hồng: Người cần mẫn, sáng tạo trên cánh đồng văn chương... - Trần Hoài Anh
Đặng Châu Long đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Hoa mai chùa cổ (truyện ngắn)