Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
753
116.010.075
 
Cảm thức lưu vong trong tiểu thuyết của Milan Kundera
Trần Thanh Hà

 

      Có lẽ từ xưa đến nay các đại thi hào luôn phải đối mặt với hoàn cảnh nghiệt ngã, cuộc sống trôi nổi, phận số đau thương. Hay chính những hoàn cảnh bi đát đó đã làm nên thiên tài ?

       Nếu không mồ côi cha từ năm 10 tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi và khi trưởng thành phải lăn lộn chật vật hơn 10 năm…thì làm sao có được một Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ và những áng thơ thấm đẫm tính nhân đạo chắt lọc từ “ con mắt nhìn xuyên sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”;   Nếu thời thơ ấu không phải trải qua những giằng xé trong tình cảm gia đình, lớn lên phải chịu cảnh lưu đày trong 15 năm thì làm sao có được một Huy- Gô với kiệt tác Những người khốn khổ mang “ tiếng vọng âm vang của thời đại”; Nếu không phải là người Do Thái, sống trong cảnh bạo chúa của cha mình, ba người chị bị chết trong trại tập trung thì làm sao có được một Kafka nhìn con người giãy giụa trong mê cung cuộc đời sâu sắc và thê thảm đến thế; Nếu không tham gia vào Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, không lưu lạc từ Pháp đến Tây Ban Nha sang Cu Ba và mang trên thân thể hàng trăm vết thương thì làm sao Hemingway gióng được tiếng chuông nguyện hồn bi thiết cho nhân loại; Nếu không bị đưa vào trại học tập cải tạo 10 năm, cải tạo giáo dục 7 năm, phải bỏ quê hương sang Pháp thì làm sao có một Cao Hành Kiện lang thang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đi tìm sự an bình với Linh Sơn…

    Có thể cuộc sống nổi trôi đã mang đến cho các nhà văn nhiều trải nghiệm quý giá, vốn sống phong phú. Nhưng có lẽ sức nặng bên trong mới là căn nguyên tạo nên những kiệt phẩm. Và, Kundera, một hiện tượng trên văn đàn nhân loại cũng không nằm ngoài quy luật trên. Là một người Tiệp di cư sang Pháp, Kundera trải qua kiếp sống lưu vong và điều này soi bóng trong nhiều sáng tác của ông.

    Theo các nhà Phân tân học thì bao giờ những ẩn ức bị dồn nén cũng tìm cách để bộc lộ ra ngoài, nhiều khi sự bộc phát nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ thể. Vậy nên, trong tác phẩm văn chương ta vẫn nhận ra thấp thoáng cuộc đời, thân phận, tâm trạng của nhà văn. Trong tiểu thuyết của Kundera, cảm thức lưu vong  có một ý nghĩa đặc biệt.

    Trước hết, cảm thức lưu vong chi phối đề tài, cách tạo dựng tình huống, xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của Kundera. Thường , mỗi nhà văn hào hứng với một số đề tài nào đó. Đề tài  là sở trường, là sở thích và hơn thế,  là nỗi ám ảnh khiến nhà văn phải trở đi trở lại với nó dưới nhiều dạng thức khác nhau. Vì lý do đó, tiểu thuyết của Kundera đều là những cuộc hành trình. Với Đời nhẹ khôn kham là cuộc hành trình của Tomas, Tezera; với Sự bất tử là hành trình của Agnés, Rubens; Trong Bản nguyên  là hành trình của  Santal và Jan – Mark; Trong  Điệu Valse giã từ bắt đầu hành trình của Jakub; Và Vô tri là cuộc hành hương vĩ đại của Irena và Josef…Mỗi cuộc đời của các nhân vật in dấu ấn một đoạn đời mà nhà văn trải qua. Nếu xâu chuỗi những tác phẩm của Kundera ta sẽ nhận ra sự trở lại của các nhân vật với những con người được hóa kiếp không ngừng để làm nên lịch sử  đời mình và lịch sử nhân loại : Mở đầu là cuộc ra đi  về một nơi xa xôi bất định, với quá khứ đóng lại sau lưng của Jakub ( Điệu Valse giã từ) nối tiếp là cuộc sống trôi nổi của Tomas ( Đời nhẹ khôn kham) và kết thúc là sự trở về của Josef ( Vô tri). Đó cũng là từ lúc Agnés ( Sự bất tử) rời khỏi nhà đến cuộc sống tha hương của Tezera ( Đời nhẹ khôn kham) và cuối cùng là sự hồi hương của Irena ( Vô tri). Viết về những cuộc đời lưu vong không phải Kundera đang thuật lại thân phận của mình; mà với ông, kiếp đời lưu vong tiêu biểu nhất cho thân phận con người hiện đại. Bởi những người lưu vong là kết quả của cuộc biến động lịch sử, xã hội; những người lưu vong luôn phải gặp nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã; và, những người lưu vong là hiện thân của thời đại bất ổn.

     Các nhân vật trong tiểu thuyết của Kundera dù thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp khác nhau đều rơi vào một tình huống là bị đánh bật ra khỏi cuộc sống bình an. Có khi là do những biến động của lịch sử, có lúc là do sự đổ vỡ về tình cảm, và cũng có khi chẳng vì một lý do rõ ràng nào …Tình huống bị đánh bật ra khỏi mái ấm êm đềm vừa chứa đựng một chiều sâu tư tưởng vừa là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của Kundera. Bởi, khi bước chân ra khỏi nhà, các nhân vật trong tiểu thuyết của ông sẽ nhận thức về thế giới, về con người và về chính bản thân, để rồi cũng như chàng  Don Kihote trong tiểu thuyết của Cervantes nhận ra : sự việc ở đời phức tạp hơn anh tưởng.

    Hoàn cảnh lưu vong buộc con người phải đối diện với nhiều tình thế bất ngờ, những hoàn cảnh đặc biệt không thể lường trước được. Chính điều này làm nên một đặc điểm nổi bật trong tiểu thuyết của Kundera đó là tính ngẫu nhiên. Rym Kheriji  qua chuyên luận Boudjedra và Kundera, đọc cơ thể mở (Lyon,2000) tìm hiểu hai tiểu thuyết Điệu Valse giã từ và Đời nhẹ khôn kham  đã nhấn mạnh vào tính tùy hứng, sự ngẫu nhiên trong sáng tác của Kundera. Cũng tìm hiểu về tính ngẫu nhiên trong tiểu thuyết của Kundera, Thierry Parent  đã khẳng định tính ngẫu nhiên là trung tâm văn bản của ông; và qua ba tiểu thuyết Điệu Valse giã từ, Đời nhẹ khôn kham và Sự bất tử Parent nghiên cứu các hiện tượng và hậu quả ngẫu nhiên để nhìn nhận Kundera như một nhà văn cung cấp “lý thuyết của tính ngẫu nhiên”.

     Điều quan trọng là cảm thức lưu vong mang đến cho Kundera một cái nhìn toàn diện về thân phận con người trong thời hiện đại. Cảm thức lưu vong khiến nhà văn Tiệp nhận ra lưu vong không đơn thuần là hoàn cảnh sống mà còn là tình thế lưu vong trong tim trong hồn mỗi con người. Hay nói như Heidegger đó là Vong thể. Vong thể là con người không được sống như mình mong muốn, không được sống thật với bản chất vốn có của mình. Họ bị chi phối, bị điều khiển bị đẩy đi bởi một thế lực khác. Có thể nhận thấy qua các tiểu thuyết của Kundera một chủ đề xuyên suốt : Sự biến mất của con người trong thế giới hiện đại. Từ chủ đề lớn đó, mỗi tác phẩm của ông lại khám phá một tình huống hiện sinh, một phương diện của cái tôi, một mẫu sự sống mới. Sự bất tử bộc lộ tình thế của con người sống trong thời đại công nghiệp khi chiếc máy ảnh của paparazi (người chụp ảnh trộm những người nổi tiếng) thay thế con mắt của Chúa. Thay vì con người được chở che, dựa dẫm, an ủi nhờ con mắt của Chúa soi thấu thì bây giờ con người bị lột trần, phơi bày, bêu riếu dưới ống kính của cái máy ảnh. Nhân vật Agnés không thể sống như những gì mình mơ ước, như những gì là thật với chính bản thân. Hình ảnh cô lấy tay ôm ngực nhìn vào gương được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như gửi gắm niềm khát khao tuyệt vọng tìm ra chính mình. Đó cũng là hình ảnh ca sĩ Jacques Brel bị những người thợ ảnh vây dồn trước bệnh viện, nơi anh điều trị bệnh ung thư. Người ca sĩ ấy đang cố che mặt mình trong cơn tuyệt vọng để chống lại ngàn ống kính ác nghiệt. Goethe, Beethoven, Hemingway những nhân vật lịch sử tưởng chừng như bất tử nhưng cũng được hậu thế đem ra tòa án vĩnh hằng. Bởi vì, thời đại thông tin khoa học không đánh giá những tác phẩm của họ mà đi tìm hiểu giới hạn sự vĩ đại của họ, soi mói vào cuộc sống cá nhân, sở thích riêng tư của họ. Đây là lời của Hemingway nói với Goethe: “Những cuốn sách của chúng ta có lẽ sẽ chẳng được đọc mấy nữa. Từ cuốn Faust của anh chỉ còn lại vở opera ngu ngốc của Guno. Và có lẽ may ra còn được câu thơ nói về tính nữ vĩnh hằng hấp dẫn chúng ta...Nhưng cuộc đời anh thì mọi người sẽ không bao giờ ngừng quan tâm, soi mói đến từng chi tiết nhỏ nhặt.”  Chậm rãi của Kundera lại đặt ra một tình thế hiện sinh khác.  Đó là con người đối mặt với tốc độ chóng mặt của thời hiện đại, bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống, những vấn đề bên ngoài như lịch sử, chính trị, xã hội làm biến mất con người. Tốc độ được coi là giá trị tối thượng của thế giới say mềm kỹ thuật. Phương châm của Vincent, Julie là nhanh, nhanh hơn nữa và nhanh mãi biến họ thành máy móc.. Tiểu thuyết Chậm rãi cũng trở lại chủ đề xuất hiện trong Sự bất tử. Đó là báo chí, truyền hình đè bẹp con người cá nhân, tô vẽ hình ảnh của họ. Và khi được xem là vĩ nhân, là người nổi tiếng thì cùng lúc đó phải đánh mất cái tôi của riêng mình: “Vinh quang đã nướng trụi của ông toàn bộ sự tự do, và bây giờ thì ông biết: thời nay chỉ những đầu óc hoàn toàn vô thức mới cảm thấy vui lòng khi tự nguyện đeo sau lưng họ cái chảo của sự nổi tiếng... Ông cảm thấy mình bị lột trần ra và không có gì che đỡ. Đó là lần đầu tiên trong đời ông khao khát mong mỏi được trở thành vô danh.”  Nếu như ở Sự bất tử các nhân vật cố gắng vùng vẫy phá vỡ hình ảnh để tìm ra mình thì ở  Bản nguyên nhân vật Santal và Jan - Mark lại cuống quít đi tìm hình ảnh của mình. Câu chuyện về một đôi tình nhân lao vào một trò chơi thoạt tiên là để giúp người yêu tự nhận ra mình, đã đi vào một cơn ác mộng. Và, hình như Santal nhận thấy mình trong những giấc mơ cũng như Jan - Mark tìm thấy mình trong tiểu thuyết của anh. Họ nhận ra điều ấy và hãi sợ khi không nhận ra đâu là bản nguyên của mình. Trong tưởng tượng, trong giấc mơ hay trong sự thật?  Một câu chuyện thực trở thành một giấc mơ hủy diệt. Trong Đời nhẹ khôn kham, sự biến mất cái tôi cá nhân không phải do máy móc kỹ thuật mà do nhà nước chuyên chế. Nhân vật Jan Prochazka và giáo sư Vaclav Cerny chơi thân với nhau, nhưng họ không thể ngờ rằng tất cả cuộc trò chuyện trong bàn tiệc đều được bí mật ghi âm lại. Vào năm 1970 hay 1971, muốn làm mất uy tín của Prochazka, cảnh sát cho phát những cuộc nói chuyện ấy trên đài phát thanh. Như vậy, cái riêng tư và cái công cộng là hai thế giới khác nhau về bản chất nhưng lại bị nhập làm một. Nói về thân phận con người trong xã hội hiện đại, Kundera nhận xét : “việc tiết lộ đời sống riêng tư của người khác, khi nó trở thành thói quen và quy tắc, đưa chúng ta vào thời đại mà cuộc được thua lớn nhất là sự sống sót hay biến mất của cá nhân”.  Và ông kết luận: “ Nhà nước càng tù mù bao nhiêu, thì các công việc của cá nhân càng phải công khai bấy nhiêu; chủ nghĩa quan liêu dầu là đại diện của một việc công lại là vô danh, bí mật, mã hóa, tối nghĩa, trong khi con người riêng tư lại phải buộc phơi bày sức khỏe, tài chính, hoàn cảnh gia đình của mình ra, và nếu bản án của các phương tiện thông tin đại chúng đã quyết định như vậy rồi , thì anh sẽ không còn có được một khoảnh khắc riêng tư nào hết cả trong tình yêu, lẫn trong bệnh tật, cả trong cái chết. Ý muốn xâm phạm vào chốn riêng tư của người khác là một hình thức cổ xưa của tính hung hăng, ngày nay được thể chế hóa ( chủ nghĩa quan liêu với các phiếu của nó, báo chí với các phóng viên của nó), được chứng thực về mặt đạo đức ( quyền được thông tin trở thành quyền thứ nhất trong các quyền con người) và thi vị hóa ( bằng cái từ đẹp : công khai).”

    Con người trong xã hội hiện đại bộc lộ Vong thể rõ nhất trong tình dục. Bởi chính điều cá nhân nhất, riêng tư nhất, bản ngã nhất lại không thuộc về mình. Ngay trong đời sống dục tình họ không hiểu nổi mình, không nhận ra mình và cuối cùng họ ghê tởm chính mình. Các nhân vật Tomas (Đời nhẹ khôn kham) hay Jaromil (Cuộc sống không ở đây) và Jan Mark (Bản nguyên)...mãi mãi không hiểu tình yêu là gì. Họ tìm đến các cô gái như một thú vui, mà còn tệ hơn là có khi họ chẳng có chút niềm vui nào ngoài nỗi khinh bỉ , vậy mà họ vẫn âu yếm, vuốt ve người yêu như một tình nhân tuyệt vời nhất… Nhìn chung các nhân vật của ông càng bội thực với dục tình bao nhiêu thì lại càng chết đói tình người bấy nhiêu.

     Cái tôi cá nhân ngày càng bị triệt tiêu, con người lao vào cuộc truy tìm cái tôi của mình. Song, việc làm đó trở thành không thể. Những giới hạn của lịch sử, xã hội, chính trị đã chặn đứng cuộc truy tìm đó, và Kundera đã khám phá ra điều ấy. Ông đã từng khẳng định : “Việc soi rõ những giới hạn đó đã là một khám phá to lớn”. Tác phẩm của Kundera đã đặt ra một câu hỏi căn bản : đâu là khả năng còn lại của con người trong một thế giới mà quyết định bên ngoài đã trở thành nặng trĩu đến nỗi những động cơ bên trong chẳng còn chút trọng lượng nào nữa?. Chính vì lẽ đó, bi kịch của Sabina cũng là bi kịch của nhiều thân phận người: “Bi kịch của cô không phải là bi kịch những điều nặng nề mà là bi kịch những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Rơi xuống đời cô không phải là hệ lụy mà là cái kinh phù khôn kham của nhân sinh”.  Có thể nhận thấy trong tiểu thuyết của Kundera vấn đề này được trở đi trở lại như một điều nhức nhối về thân phận con người. Từ cuốn đầu tiên Chyện đùa: Tôi bước đi trên những vỉa hè phủ bụi đó và tôi nhận ra cái nhẹ bồng nặng trĩu của hư không đè nặng cuộc đời tôi. Đến Điệu Valse giã từ: Raxkolnikov đã chịu đựng tội ác của mình như một bi kịch và cuối cùng đã quỵ xuống dưới sức nặng hành vi của mình. Còn Jakub thì ngạc nhiên thấy sao hành vi của mình lại nhẹ bồng đến vậy, nó chẳng đè nặng lên anh, nó chẳng kéo anh xuống chút nào hết. Và anh tự hỏi phải chăng cái nhẹ bồng kia còn khủng khiếp hơn cả những tình cảm của nhân vật Nga nọ. Và trong cuốn Cuộc sống không ở đây: Đôi khi Jaromil có những giấc mơ kinh hoàng: anh mơ thấy mình phải nâng lên một vật cực kỳ nhẹ, một chén trà, một cái thìa, một chiếc lông, và anh không làm sao nâng nổi, vật càng nhẹ thì anh càng yếu, anh qụy gục xuống dưới sức nhẹ bồng của nó. Và ở Sách cười và lãng quên: Cái túi rỗng không trong dạ dày anh đó, chính là sự phi trọng lượng không thể chịu đựng nổi. Và giống như một sự quá mức lúc nào cũng có thể biến thành cái ngược lại với nó, cái nhẹ bồng bị đẩy đến cực độ đã trở thành trọng lượng khủng khiếp của cái nhẹ bồng và Tamina biết rằng cô không còn có thể chiụ đựng được nó thêm một giây nào nữa.

    Mất bên ngoài bởi các thế lực xã hội, mất bên trong bởi không kiểm soát được bản năng…hình như chưa đủ; nhà văn Tiệp còn nhận ra con người còn mất cả quá khứ, hiện tại và tương lai qua câu chuyện hồi hương của Irena và Josef trong Vô tri. Nhân vật Josef trở về và thấy nhà cửa của anh bị tịch thu và anh không còn hứng thú với việc nghĩ về quá khứ và tự  nhủ “mình chỉ có một cuộc đời và mình muốn sống ở nơi khác”. Và anh sẵn sàng chấp nhận lãng quên quá khứ cũng như chấp nhận mọi người quên lãng mình. Còn với Irena, cuộc sống cô hiện tại và tương lai là ở Paris, nhưng Sylvie không nghĩ như vậy và bạn bè của Irena ở quê nhà cũng không nghĩ như vậy nên họ không hề quan tâm đến hai mươi năm xa quê hương của cô. Cuộc sống mà cô đã từng sống và cảm nhận được hạnh phúc bị từ chối khi : Đám phụ nữ nói không ngừng và gần như không thể áp đặt cho cuộc trò chuyện ấy một chủ đề … những lời của cô tách xa khỏi những mối bận tâm của họ, không ai buồn lắng nghe cô nữa cả. Irena mong muốn được hòa nhập với cuộc sống tại quê hương nhưng cô lại bị Josef bỏ rơi. Vậy, với Irena, cô không thể nhận ra mình thuộc về nơi nào và cả thế giới mênh mông kia cô không biết đâu là chốn dung thân.

Cách ứng xử duy nhất khi con người bị mất cả bên ngoài lẫn bên trong là sự dối trá. Dối trá vì con người không được sống với bản chất thật của mình, dối trá vì xã hội đầy rẫy sự lừa lọc. Điều này Kundera gọi là Kitsch. Khai thác từ Kitsch như một trụ cột của nhiều cuốn tiểu thuyết, Kundera chỉ ra những khía cạnh biểu hiện cái Kitsch với các nội dung: có thái độ kitsch, cách ứng xử kitsch, nhu cầu kitsch của con người. Sự dối trá xuất hiện trong Thời Hiện Đại hiển nhiên trong các mối quan hệ như tình đồng nghiệp, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa…nên từ chỗ chỉ là cách tự làm đẹp mình trong mắt của mọi người thì sự gian trá đã biến thành bản chất cho đến mức con người tự dối trá chính mình ( đỉnh điểm của sự lưu vong trong tâm hồn). Đó là hình ảnh của  Laura  sau khi ly hôn đã nhiều lần thay đổi bạn tình nhưng vẫn làm ra vẻ đau khổ và ngụy trang cho mình một chiếc kính râm: “ Hồi đó nàng không rời kính ra và khi gặp bạn bè chỉ xin lỗi:“ Đừng giận mình mang kính, nhưng mình khóc đến sưng cả mắt nên không thể không mang được.”…Chiếc kính trở thành vật thay thế của nước mắt, nhưng nó khác với nước mắt thật ở chỗ không gây hại cho mí mắt, không làm đỏ, sưng mắt, thậm chí làm khuôn mặt nàng dễ coi hơn.” Hình ảnh của Bertrand “ làm trò” trước ống kính truyền hình được Kundera tái hiện lại như sau: “ Bertand ngồi cúi xuống người bệnh và ống kính cho thấy ông đang truyền cho bệnh nhân hy vọng chữa lành bệnh. Khi ông thốt ra từ “ Hy vọng” lần thứ ba, thì người bệnh bỗng nhiên phát khùng…Bertrand khiếp đảm: ông không thể nói nên lời được nữa, chỉ gắng hết sức cho khuôn mặt tươi cười, và ống kính quay hồi lâu chỉ một nụ cười đông cứng lại đó của con người đang run lên vì sợ hãi…”  Câu chuyện tiêu biểu nhất biểu hiện quá trình biến cái dối trá bên ngoài thành bản chất bên trong là Edouard và Chúa. Vốn là người ngoại đạo nhưng Edouard lại yêu một cô gái rất sùng đạo là Alice, để chiếm được tình yêu của cô anh bắt đầu đọc Kinh thánh, nghiên cứu thần học và cùng cô đến nhà thờ. Chuyện anh đi nhà thờ đã bị lãnh đạo nhà trường phát hiện và bị thẩm vấn; tuy nhiên trước mặt bà hiệu trưởng anh vẫn nói dối một cách trâng tráo về đức tin của mình. Bởi “ Edouard không được phép thoát ra khỏi bộ quần áo ngụy trang tôn giáo  mà một ngày nọ anh đã khoác lên mình” . Kết cục, dù đã chia tay với Alice, bản thân không có chút đức tin nào nhưng anh thỉnh thoảng vẫn đến nhà thờ và mỉm cười hạnh phúc.

            Như vậy, cảm thức lưu vong đã khiến cho cái nhìn của Kundera về thân phận con người đạt đến chiều sâu triết học, mang giá trị nhân bản sâu sắc mà ít nhà văn đương đại nào có được.

    Cảm thức lưu vong không chỉ mang đến cho Kundera những chiêm nghiệm, suy tư về thân phận con người trong thời đại ngày nay mà cảm thức đó còn là một nội lực bí ẩn tác động đến tư duy nghệ thuật của ông. Bàn về tính chất bất định của tiểu thuyết Lukac đã có một hình ảnh ẩn dụ rất thú vị khi cho rằng : “ Tiểu thuyết diễn tả về cõi không nhà siêu việt”. Còn với Kundera, ông cho rằng bản mệnh của tiểu thuyết gắn chặt với bản mệnh con người trong xã hội hiện đại; Nên chăng vì thế, cảm thức lưu vong đã mang đến cho ông quan niệm về tiểu thuyết mới mẻ và anh minh. Từ cuộc sống nổi trôi, bất ổn của thân phận, Kundera chỉ ra tính bất định của tiểu thuyết. Tính bất định được thể hiện qua quan niệm của ông về những khả năng, về tính ngẫu nhiên, về cái hiền minh của sự lưỡng lự. Điều này có nghĩa là khi con người không thể đoán định được tương lai đưa đẩy mình đến đâu thì cuộc sống ( cũng như tiểu thuyết) sẽ chỉ là cách đưa ra những tình thế giả định. Bên cạnh đó, khi mình không thể làm chủ cuộc sống của chính mình thì cuộc đời chỉ là tập hợp của vô vàn những sự kiện ngẫu nhiên. Và, khi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh và nhiều quan niệm khác nhau thì con người sẽ nhận ra không tồn tại một chân lý vĩnh hằng. Cuộc sống lưu vong cũng như tiểu thuyết sẽ giúp cho con người khám phá, nhận thức được những tình thế của cõi người và những mặt khác nhau của tồn tại. Tiểu thuyết đưa ra  những khả năng, tính ngẫu nhiên, các tình thế của cõi người…là những điều mà Kundera đã đề cập trong Nghệ thuật tiểu thuyết.

    Những người sống trong cảnh lưu vong thường được sống ít hơn những người bình thường khác; Nhưng, họ luôn được đền bù bởi họ vẫn còn được sống tiếp dù họ đã qua đời. Chính những kiệt tác được nảy sinh trong những hoàn cảnh nghiệt ngã sẽ làm cho tên tuổi các nhà văn sống mãi. Và, trong vấn đề này, Kundera cũng không là ngoại lệ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.          Kundera. M (2001), Tiểu luận, NXB Văn hóa Thông tin.

2.          Kundera.M (1999), Tiểu thuyết: Sự bất tử, Chậm rãi, Bản nguyên, NXB Văn hóa Thông tin.

3.          Kundera. M (2002), Đời nhẹ khôn kham, NXB Văn học.

4.          Kundera. M (2003),  Cuộc sống không ở đây, NXB Văn hóa thông tin

5.          Kundera. M (2004),  Điệu Valse giã từ, NXB Hội nhà văn

6.          Kundera. M (2009), Những mối tình nực cười, NXB Văn học

7.          Kundera. M (2010), Vô tri, NXB Hội nhà văn

 

            

Trần Thanh Hà
Số lần đọc: 3507
Ngày đăng: 10.04.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi thế là hình ảnh hóa thân đi từ tử cung cứu chuộc - Võ Công Liêm
Dục tính trong tiểu thuyết của Kundera - Trần Thanh Hà
Tri thức thức tỉnh: về màu sắc - Nguyễn Hồng Nhung
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 7] - Phạm Tấn Xuân Cao
“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân - Hà Thủy Nguyên
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 6] - Phạm Tấn Xuân Cao
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 5] - Phạm Tấn Xuân Cao
Linh hồn là gì? - Cư sĩ Minh Đạt
Tại sao Tân Hình Thức? - Nguyễn Đức Tùng
Mê ở Ta Bà, sực nhớ quê hương là Cực Lạc - Hồ Dụy