Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
437
115.986.082
 
Gửi hồn ra Đông Hải
Văn Thành Lê

 

Cha ông ta đã bỏ lại nơi quần đảo xa xôi có tên gọi dân gian là Bãi Cát Vàng ấy biết bao máu và nước mắt để giữ yên nơi được xem là “Ngọn hải đăng” thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc.

 

Rẽ phải từ nhà họp thôn Bắc An, xã Hòa Tiến, tôi gặp anh Nguyễn Hoanh đang gánh đôi gàu tưới mấy vạt rau chuẩn bị Tết. 5 năm trước, khi thực hiện thiên bút ký Nghìn năm vàng dấu cát về những người từng ra Hoàng Sa công tác, tôi phải hỏi đường từng chặng một để tìm nhà ông Nguyễn Nhự và qua ông Nhự, tôi biết được cha anh, ông Nguyễn Giáo. Cả hai đã nhiều lần ra Hoàng Sa làm nghề “đo mưa đếm gió”. Ông Giáo ra đảo hai đợt, đợt sau vào đầu năm 1974, theo kế hoạch sẽ ăn Tết Giáp Dần ngoài đảo. Vì thế, khi ông bị bắt sau sự kiện ngày 19-1 năm đó, cả nhà không ai hay, chỉ đến khi ông trở về với thần sắc khác lạ mọi người mới biết là ông đã ăn Tết… tuốt bên Quảng Châu, Trung Quốc.

Tết trong trại giam và di ngôn của một cựu tù

Một người Đà Nẵng nữa, anh Nguyễn Văn Cúc, hiện ở 85 Trần Thanh Mại, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, cũng bị buộc phải ăn Tết xa nhà như thế. Anh ba lần ra Hoàng Sa, lần thứ ba theo phái đoàn do Thiếu tá Phạm Văn Hồng - sĩ quan Lãnh thổ Phòng 3, Quân đoàn I của quân đội Việt Nam Cộng hòa - dẫn đầu, trong đó có một nhân viên người Mỹ, khảo sát thực địa để làm sân bay trên đảo. Xong đâu đó, đoàn lên tàu vừa rời khỏi đảo thì gặp tàu chiến Trung Quốc áp sát vào, buộc quay về lại đảo. Hải chiến nổ ra liền sau đó...

Ngày 20-1-1974, đúng 28 tháng Chạp, 49 tù binh, trong đó cả nhân viên người Mỹ, bị Trung Quốc bắt xuống tàu đưa về đảo Hải Nam rồi đi Quảng Châu. “Trong thân phận người tù, không ai còn bụng dạ nào nghĩ đến Tết, anh Cúc nhớ lại. Đến trại thu dung tù binh Quảng Châu gần núi là đúng mồng 1 Tết, trời rét căm căm… Nó bắt chúng tôi hớt tóc 3 phân giống dân Tàu, phát áo quần mới... Cán bộ nó nhiều người nói tiếng Việt rất sõi. Nó cứ luôn mồm bảo mình chiếm đảo nó. Mình thì dứt khoát khẳng định Việt Nam chúng tôi đang giữ đảo, các anh bắt về đây…”.

Anh Lê Lan, một trong gần 20 người quê Hội An ăn Tết trong nhà tù Quảng Châu 40 năm trước, không quên những bữa ăn lúc đầu rất kham khổ khiến anh nghĩ tới cảnh Tết đoàn tụ ở quê nhà mà ứa nước mắt. Sau đó, khi quốc tế biết tin thì các anh mới được ăn uống đàng hoàng theo thông lệ. “Nó nói chủ quyền của nó ở Hoàng Sa có từ lâu rồi, từ hồi nhà Tống, nhà Đường chi đó. Mình nói Hoàng Sa là của Việt Nam, có gắn bia chủ quyền đàng hoàng… Mấy anh lính hải quân của mình có kiến thức chuyên ngành về biển đảo nên cãi tay đôi thẳng thừng với nó về chủ quyền. Nó tập mình hát bài Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi sông liền sông của Đỗ Nhuận. Mình thì hát Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy, vang vọng khắp nhà tù, nghe đã lắm”.

Riêng ông Giáo, về lại nhà, mỗi lần nghe ai hỏi ăn Tết bên Tàu như thế nào là lại chạnh buồn. Thỉnh thoảng ông tản bộ qua thăm ông Nguyễn Nhự nhà gần đó. Ông này nay tuổi đã gần 90, từng ra đảo cả thảy ba lần, từ 1969 đến 1972, được Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cử ra công tác ở Ty Khí tượng Hoàng Sa. 25 năm trước, ông Giáo khi biết mình không qua được bạo bênh, gọi anh Hoanh đến, đưa cho xem ba tấm hình rồi dặn anh cất kỹ, có ngày cần dùng tới chúng. Tấm thứ nhất chụp ông Giáo và một đồng nghiệp đứng trên bãi cát, phía sau là biển khơi mênh mông. Tấm thứ hai là hình ông Giáo đang ghi chép sổ sách, hướng mặt ra phía ống kính. Tấm thứ ba chụp ông đứng trước cửa phòng làm việc, ba chữ Ty Khí tượng nổi bật phía trên.

 

Anh Hoanh đoán là mấy tấm hình này cha anh chụp trong lần ra Hoàng Sa năm 1973, chứ nếu năm 1974 thì đã bị Trung Quốc tịch thu hết rồi. Ông Nhự nhìn tấm hình người em họ của mình đứng trước một cái hộp màu trắng có mái che (ông gọi là “lều khí tượng”) mà cảm thấy như mình còn đang ở Hoàng Sa. Chiếc máy đo nhiệt độ, đo độ ẩm đặt trong cái hộp trắng đó thì ngày nào mà ông không đụng tới. Cạnh đó là những cây phượng, cây dương liễu, bồn nước, nhất là cái ghế nơi ông và đồng nghiệp thường ngồi chơi cờ...

 

Có ngày cần dùng tới chúng. Di ngôn của người cựu tù năm nào đã là hiện thực. Những tháng ngày trước thời điểm 19-1-2014 kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, tôi đã thấy mấy tấm hình của ông Giáo (đã đăng trong bút ký Nghìn năm vàng dấu cát trên trang baodanang.vn từ đầu năm 2010) cùng với nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử khác về Hoàng Sa xuất hiện trên nhiều bài báo, trang mạng. Đó là những viên đạn bắn vào chiếc loa tuyên truyền ngoa nguýt về chủ quyền Hoàng Sa của Trung Quốc, là những viên gạch chung sức xây nên tượng đài chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Mong ngày ra lại Hoàng Sa

Hôm tôi về Hội An là một sáng trời quá đẹp. “Đẹp”, theo cách nói của ông Hai Song là vừa đủ hửng nắng sau gần cả tháng trời âm u và lạnh lẽo để ông có thể “tút” lại cái ghe nhỏ đang đặt cạnh gốc dừa bên dòng sông Hoài trước nhà mình để chuẩn bị “đánh cú Tết”. Năm nay tròn chẵn tuổi 80, ông trông vẫn như lần đầu tôi gặp 5 năm trước.

 

Ông tên thật là Tạ Song, khi đang làm y tá ở Ban Quân y Chi khu Điện Bàn, Tiểu khu Quảng Nam, thì cuối năm 1970 được lệnh ra Hoàng Sa. Đó là đợt thứ 44, cái đợt mà mỗi khi nhắc tới ai cũng công nhận ông là tay “sát ngư” khét tiếng ở nơi có tên gọi thuần Việt là Bãi Cát Vàng này. Ngày đó cá cắn câu, rúc vào kẹt đá ngoài đảo là mấy tay mơ đành bó tay chịu mất luôn lưỡi câu. Riêng Hai Song nhờ có loại cước cỡ lớn mang từ đất liền ra nên con nào cắn câu là ông lượm sạch.

 

Đợt 45 ra đảo thay ông là anh Lê Lan, một y tá chưa tới 20 tuổi đồng hương Hội An với ông. Được ông tin tưởng “bàn giao” lại cái lưỡi câu và “nghề” câu, anh Lan hai lần ra đảo là cả hai lần làm các cư dân ngoài đó nể phục vì tài câu cá, không hổ danh là “đệ tử ruột” của thầy Hai Song. Tháng 10-1973 anh lại ra đảo, đợt 54, khi còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết đợt công tác, về đất liền lãnh một lần 3 tháng lương để cưới vợ thì Trung Quốc tấn công đảo. Anh ngồi trên sân thượng của Đài Khí tượng Hoàng Sa, nhìn qua ống nhòm thấy Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa bị dính đạn của Trung Quốc, bốc cháy và chìm dần mà đau lòng...

 

Từ cái duyên Hoàng Sa, ông Hai Song và anh Lê Lan trở thành đôi bạn, mỗi khi có sự kiện gì ngoài Sở Nội vụ Đà Nẵng hay UBND huyện đảo Hoàng Sa là “đeo” với nhau như cặp bài trùng. Anh Lan làm tài xế, đưa ông đi mọi nơi mọi lúc.

 

Lúc 9-10 tuổi anh Lan đã biết đến Hoàng Sa rồi, bên cạnh nhà anh có người ra công tác ngoài đó. Vì thế, khi bước bước chân đầu tiên, thở hơi thở đầu tiên trên Bãi Cát Vàng của Tổ quốc, anh có cảm giác gần gũi, máu thịt như đến làng quê của chính mình. “Chừ, lớp trẻ ngày nay có được mấy đứa biết tới Hoàng Sa?! – anh hỏi với giọng điệu của một lời than buồn. Tạp chí Non Nước có đăng bài Nghìn năm vàng dấu cát anh tặng tôi 5 năm trước, bạn bè mượn đọc quanh. Cũng có mấy đứa nhỏ đọc qua, hỏi về Hoàng Sa, về hải chiến... Tôi nghĩ mãi, vì sao đến chừ chưa có một kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về Hoàng Sa đến với mọi người, nhất là lớp trẻ?...”.

Ông Hai Song đưa tay xem thử lớp sơn trên ghe đã khô chưa, nghe tôi hỏi, ông vẫn nhắc lại chắc khừ như 5 năm trước: Rất mong có ngày ra lại Hoàng Sa, chỉ sợ tuổi già có những điều không nói trước được. Ông nói nhắn: Nếu chú về có gặp anh Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa thì nói giùm tui một chuyện. Hồi mô ảnh ra đảo xây dựng trụ sở huyện đảo thì cho tui được đi theo làm bảo vệ, rảnh rỗi thì đi câu cá. Nhớ quá…

 

Hờn căm trừng mắt lửa…

 

Ông Phạm Khôi hiện ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, đi lính địa phương quân, ra Hoàng Sa đầu năm 1969. Để tôi dễ hình dung ra độ lớn của hòn đảo này, ông đưa tay “minh họa” rằng nó chỉ bằng cái hình thang được hình thành bởi 4 con đường Lý Tự Trọng, Đống Đa, Quang Trung và Nguyễn Thị Minh Khai. “40 năm trước, lúc nghe mất đảo qua ra-đi-ô, tui nghĩ phải làm cách nào đó để lấy lại đảo – ông bức xúc. Mình giữ đảo qua mấy đời vua rồi, chừ mất răng được. Nếu tôi còn sống, cho tôi được một lần ra lại đảo”.

 

Anh Nguyễn Văn Cúc thì mấy ngày nay bỗng dưng trở thành “diễn viên”, hết đoàn làm phim này tới đài truyền hình khác đến “mời” anh kể lại cuộc Hải chiến Hoàng Sa. Tết Giáp Dần 40 năm trước, vợ anh, chị Nguyễn Thị Mỹ, đã khóc cạn nước mắt khi đang mang thai đứa con thứ hai còn chồng thì bặt vô âm tín ngoài đảo. Anh về từ cõi chết, cũng như ông Giáo, tìm lại tấm ảnh anh chụp chung với chuẩn úy Thịnh bên cầu tàu Hoàng Sa trong lần anh ra đảo sửa chữa hệ thống nước ngầm trong Đài Khí tượng do Pháp để lại. Nhìn kỷ vật mà anh cho là vô giá này, anh bảo: “Ước vọng lớn nhất của đời tôi là một lần nữa được đặt chân đến Hoàng Sa!”.

 

Ở Hội An còn có một người lính truyền tin ba lần ra Hoàng Sa, ông Phan Ngọc Chung, 80 tuổi, nhà hiện ở 18 Lê Lợi. Lần cuối cùng ông được lệnh lên chiến hạm ra tiếp cứu Hoàng Sa nhưng nhiệm vụ bất khả thi vì đảo đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Ông quay về lại cảng Tiên Sa đúng giao thừa, gặp một anh lính hải quân trẻ đang giữ máy truyền tin. Anh lính nói chú về là khỏe rồi, cháu chừ đang chờ lệnh ra đánh lấy lại Hoàng Sa. Ông gửi hết các loại bánh trái lại cho anh lính vui Tết: Cậu ăn uống giữ sức khỏe, ra ngoài đó gắng sức đánh mà lấy lại đảo. Anh lính đượm buồn: Biết tới hồi mô thì chú cháu mình gặp lại. Ông nắm chặt tay anh lính: Chuyện đó chẳng nói trước được, có duyên thì gặp nhau ngoài đó cũng nên…

40 năm rồi, ông Hai Song mỗi khi tạt ngang số nhà 18 Lê Lợi đều ghé vào rủ ông Chung đi... Hoàng Sa. Ông Chung nhìn lại những gương mặt xưa trong quyển Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa phát hành năm 2011, trầm ngâm nói với tôi như nói với chính mình: Người lính hải quân đó chừ không biết ở đâu, còn sống cũng đã trên 60 tuổi rồi… Sau cặp mục kỉnh, đôi mắt bát tuần chừng như tiếc nuối giấc mơ gặp-nhau-ngoài-đó chưa thành hiện thực.

 

Những ngày này, biết bao tài liệu, khảo cứu của nhiều tác giả tên tuổi và của cả những người-trong-cuộc của Hải chiến Hoàng Sa ngày nào xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Cuộc hải chiến năm nào mỗi người nhìn và kể lại có thể khác nhau đôi chút, nhưng có một điểm không thể nào khác hơn được, đó là tất cả đều chung một nỗi đau từ tận cùng trái tim mình, rỉ máu như con chim cuốc đêm đêm khắc khoải những tiếng kêu thê thiết.

 

Chiều 30 Tết Giáp Dần 1974, đúng 3 ngày sau khi thất thủ Hoàng Sa, nhà thơ Phạm Lê Phan từ Gia Định cầm lòng không đậu đã viết Bài cho hải đảo hờn căm với những câu thơ thê thiết cháy lòng: Lời biển gọi cuối năm/ Hờn căm trừng mắt lửa/ Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa… Mẹ đứng mũi Sơn Chà/ Gửi hồn ra Ðông Hải/ Ðảo nổi giận nên biển cuồn sống dậy/ Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau…

40 năm rồi, không chỉ những cư dân Hoàng Sa xưa mới đêm ngày gửi hồn ra Đông Hải, mà gần trăm triệu con dân Việt trên khắp thế giới đã đang và sẽ mãi trừng mắt lửa hướng về quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc mà rưng rưng một tình yêu xứ sở. Tôi tin rằng, những trái tim mang giòng máu Việt vẫn mãi sục sôi một nhịp đập hướng về Hoàng Sa, đạp lên bất cứ thế lực ngăn trở nào để một mùa xuân “châu về hợp phố”…

Đà Nẵng, 13-1-2014

V.T.L.

Anh Nguyễn Văn Cúc (đứng) và chuẩn úy Thịnh ở cầu tàu Hoàng Sa 41 năm trước. (Ảnh do anh Cúc cung cấp)

             

 

Ông Nguyễn Giáo ghi chép số liệu trước lều khí tượng (trái) và chụp ảnh lưu niệm trước Ty Khí tượng Hoàng Sa. (Ảnh do gia đình ông Giáo cung cấp).

Hình ảnh, bài viết trong Kỷ yếu Hoàng Sa gợi nhớ ông Phan Ngọc Chung những năm tháng khó quên ở đảo.

Ông Hai Song ước mong được ra lại Hoàng Sa để làm bảo vệ và trổ tài... câu cá.

 

 

 

Văn Thành Lê
Số lần đọc: 1845
Ngày đăng: 24.03.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép Februar - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi Chép December-2013 - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép November - 2013 - Nguyễn Hồng Nhung
- Nguyễn Hồng Nhung
Ở đó sông có một mùa buồn - Ngọc Vinh
Đại-hội Triết-học Thế-jới kì 23 tại Đại-học Athens, Greece từ 4 tới 10 tháng 8 - Nguyễn Quỳnh USA
Cách mạng tháng Tám ở quê tôi - Lâm Bích Thủy
Buổi ra mắt sách Đại nguyện của đá & tác giả tác phẩm Người đồng hành quanh tôi - Minh Nguyễn
Ký Ức Vĩnh Cửu - Nguyễn Hàng Tình
Về An Giang thăm núi - Diệp Hồng Phương