Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
450
115.987.370
 
Chữ Sanskrit, chữ Hán liên quan đến Vu Lan Bồn
Vương Trung Hiếu

 

 

Trên Năng lượng mới (PetroTimes), tác giả An Chi viết một loạt ba bài (1) để phản bác những nhận định trong bài Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan Bồn (THTNVLB) của chúng tôi đăng trên Vanchuongviet.org (28/2/2012) (2). Thiết nghĩ việc hiểu đúng Vu Lan Bồn và những từ ngữ liên quan là điều cần thiết đối với lễ Vu Lan nên chúng tôi tiếp tục bàn luận về vấn đề này.  

 

1. Có bao giờ bạn thấy ai đó giảng giải một chữ không có thật trong tiếng Sanskrit bằng những từ ngữ đầy chất học thuật chưa? Xin thưa, người liều lĩnh, dám làm điều đó chính là ông An Chi. Ông Chi đã tỏ ra cao siêu khi phân tích chữ ullambana như sau: “Ullambana gồm có ba hình vị : ud (trở thành ul do quy tắc biến âm samdhi khi d đứng trước l) là một tiền tố, thường gọi là tiền động từ (préverbe) chỉ sự vận động từ dưới lên, lamb là căn tố động từ có nghĩa là treo và ana là hậu tố chỉ hành động. Vậy Ullambana có nghĩa là sự treo lên”.  

Điều thứ hai mà ông Chi dám làm là phân tích chữ Sanskrit nhưng lại căn cứ vào chữ viết từ mẫu tự Latinh chứ không phải từ chữ Sanskrit gốc! Đây là một việc làm rất phản khoa học.Nói cách khác, dường như ông An Chi chẳng biết gì về tiếng Sanskrit. Trong tất cả những bài của ông An Chi mà chúng tôi đã từng đọc trước đây, toàn bộ những chữ Sanskrit mà ông Chi đã phân tích, dẫn chứng đều là chữ phiên âm sang mẫu tự Latinh, không hề thấy mặt mũi chữ Sanskrit gốc ở đâu cả. 

Khi chúng tôi nhận xét ông An Chi giải thích một từ…“không có thật” trong tiếng Sanskrit” thì ông Chi phản đối: “ông Hiếu đã sai khi nhấn mạnh rằng ullambana là một từ không có thật vì nó không hề xuất hiện trong bất kỳ văn bản tiếng Sanskrit nào, kể cả những từ điển Phạn ngữ. Xin nhớ rằng, đã từng có thời người ta khẳng định là tất cả mọi con thiên nga đều trắng. Rồi cũng đến lúc người ta đành phải ngớ ra mà công nhận rằng, ừ thì cũng có những con màu đen.Việc ông không thấy từ ullambana không có nghĩa là nó không tồn tại”. 

Điều chúng tôi cần là ông Chi chứng minh từ ullambana có trong văn bản tiếng Sanskrit nào, thế mà ông lại chống chế bằng cách đem chuyện thiên nga trắng, đen để biện hộ. Thật buồn cười khi ông Chi viết: “Biết bao nhiêu từ không có mặt trong từ điển mà vẫn tồn tại ở ngoài đời”. Vâng, quả thật có nhiều từ như thế, tuy nhiên, đâu thể nói kiểu đó là đã chứng minh được từ ullambana có trong văn bản tiếng Phạn (?). Thôi thì chúng ta đành chờ vài chục hoặc vài trăm năm sau để xem “việc chứng minh thiên nga” của ông Chi có đúng trong trường hợp ullambana hay không!

Cuối cùng ông Chi lấy từ lambana ra để biện hộ: “chính ông Hiếu cũng đã vô tình và gián tiếp góp phần chứng minh cho sự tồn tại của danh từ “ullambana”. Chính ông đã thừa nhận rằng, “lambana là danh từ có trên 10 nghĩa, trong đó có một nghĩa quan trọng liên quan tới khái niệm chúng ta đang bàn, đó là sự treo ngược”. Bên cạnh sự thừa nhận này của ông Hiếu, ta còn có sự ghi nhận tiền động từ “ul’” (< ud) kết hợp với căn tố LAMB thành “ul-lamb” trong từ điển nhưA Sanskrit English Dictionary của M. Monier - Williams (Reprint: Delhi, 1999) hoặc Dictionnaire sanskrit-franais của N. Stchoupak, L. Nitti, L. Renou (Paris, 1932). Trong rất nhiều trường hợp, những quyển từ điển này chỉ ghi căn tố động từ mà không ghi danh từ phái sinh chỉ hành động. Cho nên ta không thể vì thế mà phủ nhận sự tồn tại của danh từ phái sinh chỉ hành động liên quan đến một số căn tố, trong trường hợp này là “ullambana”. 

Thêm một lần ông Chi đã suy đoán để “chứng minh” một cách hết sức khiên cưỡng. Ông Chi vẫn không thể cho thấy bằng chứng  ullambana có trong văn bản tiếng Sanskrit nào. 

2. Chúng tôi cho rằng “ana अन không phải là hậu tố chỉ hành động khi kết hợp với lamb लम्ब्.Khi hai thành phần này kết hợp sẽ thành “lambana” (लम्बन).Lambana là danh từ có trên 10 nghĩa, trong đó có một nghĩa quan trọng liên quan tới khái niệm chúng ta đang bàn, đó là sự treo ngược”

Ông Chi phản bác: “Với cái đoạn trên đây của ông Hiếu thì những ai bập bẹ tiếng Sanskrit cũng thấy được rằng ông không hề hiểu những gì mình đã viết. Vừa mới khẳng định rằng “ana” không phải là hậu tố chỉ hành động khi kết hợp với “lamb” thì ông liền tự phủ nhận mà nói rằng khi hai thành phần “lamb” và “ana” kết hợp với nhau thì sẽ thành “lambana”, mà “lambana” có một nghĩa quan trọng là “sự treo ngược”. Nếu “ana” không phải là hậu tố chỉ hành động thì làm thế nào mà danh từ “lambana” do ông đưa ra lại có thể có nghĩa là “sự treo ngược”. 

Xin thưa, ông Chi đã sai lầm khi nhận định như thế (chẳng đọc kỹ nhưng lại thích phê phán).Nhìn chung, ông Chi tỏ ra rất lơ mơ về cách cấu tạo ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Sanskrit. Ý chúng tôi muốn nói rằng cái từlambana có nghĩa là “sự treo ngược” là do toàn bộ từ này tạo thành nghĩa như thế chứ không phải do ana là hậu tố chỉ hành động khi kết hợp với lamb. Chúng ta thường thấy có rất nhiều từ chứa hai thành phần trong tiếng Anh hay Pháp.Thành phần sau của chúng chẳng hề là từ bổ nghĩa cho thành phần trước.Thí dụ trong tiếng Anh, hangdog có nghĩa là “người đê tiện”. Nếu tách rời thì "dog" và “hang” là hai từ có nghĩa khác nhau,dog chẳng bổ nghĩa gì cho hang cả. Tương tự như vậy, ladybug có nghĩa là “con bọ rùa”, bug (con rệp) chẳng bổ nghĩa gì cho lady (người nữ, quý bà) cả. 

3. Chúng tôi viết: “nếu phân tích “ud” उद् là tiền tố thì theo Cologne Digital Sanskrit Lexicon, ud không phải là tiền động từ như ông An Chi đã khẳng định. Ud là tiểu từ (particle), làm tiền tố (prefix) cho động từ và danh từ. Nếu xét về động từ thì ud chính là giới từ (उपसर्ग, preposition) mang nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo trường hợp nó kết hợp với động từ nào. 

Ông Chi trả lời: “Ông Hiếu khẳng định như trên là vì ông theo Cologne Digital Sanskrit Lexicon còn chúng tôi thì theo những nguồn khác. Về cái tiểu từ “ud” mà ông gọi là “prefix” (tiền tố) đó thì Grammaire du sanskrit của Jean Varenne (Presses Universitaires de France, Paris, 1971) giảng rõ tại §56, tr.43 như sau:

“À l’autre extrémité du mot, c’est-à-dire, en fait, juste avant la racine, le sanskrit utilise les préfixes, souvent appelés pré verbes par référence à la valeur constamment verbale de la racine”. (Ở đầu kia của từ, nghĩa là, thực ra, ngay trước căn tố, tiếng Sanskrit dùng các tiền tố, thường gọi là tiền động từ (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) do quy chiếu về giá trị động từ thường xuyên của căn tố).

Varenne đã viết như thế.Vậy chúng tôi gọi “ud” bằng tên thường gọi của nó, nếu không hợp lý hơn thì thôi, chứ sai ở chỗ nào? 

Đoạn song ngữ trên đã cho thấy trình độ dịch sang tiếng Việt của ông An Chi ra sao, xin miễn bàn. Ở đây, điều chúng tôi muốn nói là, trong trường hợp tiếng Sanskrit, cái chưa đúng của ông Chi nằm ở chỗ dịch là “tiền động từ” (pré verbes?).Theo chúng tôi, dịch préverbe là “tiền tố động từ” thì chính xác hơn. Nếu cho rằng Udlà tiền tố động từ thì chấp nhận được, và ở đây,  chức năng của nó là giới từ  (उपसर्ग, preposition – chúng tôi nhấn mạnh), làm tiền tố cho động từ chứ không phải là“tiền động từ”. 

3. Ông Chi viết: “Ông Hiếu lại đưa chuyện “chậu và bát” ra để phản bác chúng tôi nhưng ở đây ông đã đi lạc đề. Chúng tôi thì nói đến “chậu” trong tiếng Việt còn ông thì lại nói đến cái chậu “bồn” ở bên Tàu. Chúng tôi viết: “Đựng thức ăn trong loại đồ dùng đó (tức cái chậu) mà dâng lên cho chư tăng thọ thực là một hành động hoàn toàn thất nghi và thất lễ”. Đây là chúng tôi phê bình cách dịch của hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi vì hai ông đã viết: “Bồn là cái chậu đựng thức ăn. Cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường chư tăng vào ngày Rằm tháng 7 để cầu nguyện cho vong hồn những người đã chết không còn phải đọa cảnh khổ nữa”. 

Xin thưa, ông Chi đã cố tình lái sang chuyện khác. Thực chất ông Chi cho rằng thức ăn phải “đựng trong bình bát" mới “đàng hoàng lịch sự”. Ông Chi đã dựa vào từ “bình bát” trong bản dịch dưới đây để khẳng định như thế:

Phải toan sắm sửa chớ chầy

Ðồ ăn trăm món trái cây năm màu

Lại phải sắm giường nằm nệm lót

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang dầu

Món ăn tinh sạch báu mầu

Ðựng trong bình bát vọng cầu kính dâng

(Diễn ca kinh Vu Lan bồn) 

Chúng tôi thật không ngờ ông Chi chỉ dựa vào bản tiếng Việt để phê phán cách dịch của người khác – một việc làm đáng chê trách. Trong bài THTNVLB chúng tôi đã chứng minh rằng đoạn văn chữ Hán trong bàiPhật thuyết Vu lan bồn Kinh (tương ứng với đoạn dịch tiếng Việt mà ông Chi đã trích dẫn từ Diễn ca kinh Vu Lan bồn) không hề có chữ bát 钵 (bát ăn của nhà sư, ở Việt Nam gọi là bình bát), nhưng lại có hai chữ bồn 盆,  và bồn 盆 ở đây chính là “ loại bồn đựng thức ăn cúng dường có bề ngoài giống như cái chậu, được gọi là Phật bồn hay Tấn bồn”. Nói về nguồn gốc của thuật ngữ Vu Lan Bồn thì phải nói về cái “bồn” bên Trung Hoa mới chính xác chứ, tại sao ông Chi lại bảo rằng chúng tôi lạc đề? 

4. Ông Chi khẳng định “Vu Lan là dạng nói tắt của "Vu Lan bồn".Ðây là ba tiếng đã được dùng để phiên âm danh từ Sanscrit Ullambhana. Từ này thoạt đầu đã được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ôlambàna. Dạng phiên âm cổ xưa này đã được Từ Hải khẳng định. Về sau, Ôlambàna được thay thế bằng dạng phiên âm mới là " Vu Lan bồn"…”. 

Đây là một nhận định hết sức không tưởng của ông An Chi. Ullambhana cũng là một từ không có thật trong tiếng Sanskrit, vậy làm sao có thể sử dụng để phiên âm thành ba tiếng “Vu LanBồn”? Trong bài THTNVLB chúng tôi đề nghị ông Chi chứng minh từ Ullambhana trong tiếng Sanskrit viết như thế nào, có nghĩa ra sao nhưng ông Chi không tài nào chứng minh được. 

5. Khi chúng tôi viết: “ từ có khả năng nhất để phiên âm thành Ô lam bà nã     và Ô lam bà noa 烏藍婆拏 chính là avalambana (अवलम्बन), một danh từ có nghĩa là“sự treo ngược” và cũng có bốn hình vị (ava-lam-ba-na) tương ứng với bốn chữÔ lam bà nã hay Ô lam bà noa

Ông An Chi phản bác: “Ông Hiếu bàn chuyện liên quan đến ngữ học nhưng ngay đến một khái niệm ngữ học cơ bản là “hình vị” ông cũng không nắm vững: Ông đã nhầm lẫn về cả số lượng hình vị lẫn ranh giới của hình vị. Từ “avalambana” chỉ có 3 hình vị mà thôi và đó là “ava”, “lamb” và “ana”. 

Đến đây thì chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự võ đoán của ông Chi. Ông cho rằng từ “avalambana” chỉ có 3 hình vị ( “ava”, “lamb” và “ana”). Thế tại sao ông không chứng minh 3 hình vị đó viết như thế nào và có nghĩa ra sao trong tiếng Sanskrit?(Đã nhiều lần chúng tôi thấy ông An Chi khẳng định mà chẳng đưa ra chứng cứ gì cả). 

Theo chúng tôi, để phiên âm thành Ô lam bà nã 乌蓝婆拿 hay Ô lam bà noa 烏藍婆拏 thì người Trung Hoa có thể chia từ avalambana (अवलम्बन) thành 4 phần như sau: ava (अव) + lam (लम्) + ba (ब) + na (न). 

Ông Chi phán tiếp: “nếu gọi “ava” là “hình vị” – đây đúng là một hình vị – thì “lam”, “ba” và “na” chỉ là những âm tiết vô nghĩa chứ không phải là hình vị vì hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa. Cho nên cả “âm tiết” lẫn “hình vị” đều không thể là cái tên chung cho 4 thứ phụ tùng mà ông Hiếu đã tháo rời”. 

Có thật “hình vị” chỉ đơn giản là “đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa” như ông Chi định nghĩa hay không?Xin thưa, ông Chi biết một mà không biết hai. 

Về hình vị (morpheme), trang grammar.about.com cho biết như sau: 

- “Morphemes are commonly classified into free morphemes (which can occur as separate words) and bound morphemes (which can't stand alone as words)”.

Nghĩa là:

“Các hình vị thường được phân loại thành hình vị tự do (có thể xuất hiện như những từ riêng biệt) và hình vị phụ thuộc (không thể đứng một mình như các từ)”.

Trang này nhấn mạnh hơn:

- “Free morphemes are those which can stand alone as words of a language, whereas bound morphemes must be attached to other morphemes”.

Nghĩa là:

-  “Các hình vị tự do có thể đứng riêng như những từ trong một ngôn ngữ, ngược lại, các  hình vị phụ thuộcphải được gắn với những hình vị khác”. 

Như vậy, nếu phân tích một từ có hai hình vị trở lên trong tiếng Sanskrit, ta thấy có thể có những hình vị tự do(chứa nghĩa như những từ cụ thể) và những hình vị phụ thuộc (không có nghĩa). Thí dụ trong từ avalambana(अवलम्बन): 

+ ava (अव) là hình vị tự do (gốc từ), có nhiều nghĩa: xuống, xuống từ, ở dưới, đi xuống, tắt, đứt, rời, xa, xa cách…

+ lam (लम्) là hình vị phụ thuộc, hình thành nghĩa tùy theo từ nào đó. Thí dụ: lamate (लमते) (động từ): giỡn, giải trí, vui đùa, ham thích…

+ ba (ब) là hình vị phụ thuộc, mẫu tự thứ 38 trong bảng chữ cái Sanskrit, một loại âm môi.  

+ na (न) là hình vị tự do (gốc từ), có nghĩa là “không, không hề…”, tương ứng với từ “no” trong tiếng Anh.                                                                                                                                                                   Trong từ avalambana (अवलम्बन) có hai gốc từ là ava (अव) và na (न). Do đó, rất có khả năng đây là từ ghép giữa avala(m) (आवाल) và bana (बाण) để hình thành từ avalambana (अवलम्बन) mang nghĩa mới. Nếu đi sâu vào ngữ pháp thì rất phức tạp, do đó, ởđây, căn cứ vào những dẫn chứng trên, ta có thể bác bỏ nhận định của ông Chi: “lam”, “ba” và “na” chỉ là những âm tiết vô nghĩa chứ không phải là hình vị”. 

Ở đoạn khác, ông Chi nghĩ rằng chỉ có ông mới biết những khái niệm ngữ học...cơ bản (!): “chúng tôi còn sợ ông Vương Trung Hiếu không nắm được “âm tiết” là gì nữa ấy chứ!”. Thế rồi ông Chi giảng: “Nếu là âm tiết, gọi một cách bình dân là “tiếng”, thì “avalambana” có đến 5 tiếng : a – va – lam – ba – na. Âm tiết là đơn vị phát âm ngắn nhất trong chuỗi lời nói .Cái được ông Hiếu “tháo” ra thành “ava” thì có hai âm tiết là “a” và “va” cho nên cái tên “âm tiết” (tiếng) không thích hợp để gọi “ava”. 

Có lẽ, nhận định của ông An Chi chỉ làm hoa mắt những người yếu bóng vía, không biết tiếng Sanskrit.Một lần nữa, ông Chi phân tích âm tiết của một chữ trong tiếng Sanskrit bằng chữ phiên âm chứa mẫu tự Latinh chứ không sử dụng từ gốc. Và ông phân tích chữ phiên âm ấy theo âm tiết…tiếng Việt (!). Trên thực tế, chữ अवलम्बन (avalambana) chỉ có 3 âm tiết mà thôi, đó là अव (ava) –लम् (lam) –बाण (bana).

Xin lưu ý, do phiên âm sang mẫu tự Latinh là ava, lam và bana nên chúng ta thấy trong đó ava và bana đều có 2 nguyên âm, nhưng khi đọc thì ava được phát âm thành một tiếng (âm tiết) và bana cũng vậy.

Trong tiếng Hindi chữ अवलम्बन (avalambana) cũng có 3 âm tiết, tạm phiên âm là ô – lăm – bờn.Bạn có thể kiểm tra điều này khi đưa từ अवलम्बन vào khung dịch của Google (chọn dịch từ tiếng Hindi), nhấp chuột vào biểu tượng chiếc loa để nghe đọc từ này.

Nhìn chung, rất có thể do अवलम्बन (avalambana) có 3 âm tiết nên người Trung Hoa đã phiên âm từ này thành 盂 (Vu) 蘭 (Lan) 盆 (Bồn) và cũng rất có khả năng do अवलम्बन (avalambana) có thành 4 hình vị nên người ta mới phiên âm thành 乌蓝婆拿 (Ô lam bà nã) và 烏藍婆拏 (Ô lam bà noa).

6. Riêng lễ Cúng cô hồn và lễ Vu lan được sáp nhập thành một như thế nào thì chúng tôi đã trình bày đầy đủ trong bài Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan Bồn rồi, xin miễn nhắc lại ở đây. 

 

 

************************

(1): Lại bàn về mấy tiếng Vu lan bồn (số 274, 15/11/2013), Hình vị và nghĩa của từ AVALAMBANA (Năng Lượng Mới số 276 ,22-11-2013), Không sợ Trịnh Công Sơn cười sao? (số 278 ,29-11-2013).

(2): http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18057

 

 

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 3417
Ngày đăng: 08.12.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lẫn lộn n và l? (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 5) - Nguyễn Cung Thông
Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay : tiến trình của Kinh Lạy Cha - Nguyễn Đăng Trúc
Cái Thú Dịch Thuật - Chân Phương
Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật - Hoa - Việt - Nguyễn Đăng Trúc
Công Cuộc Truyền Giáo Tại Quảng Nam Năm 1623 Và Vấn Đề Ngôn Ngữ 2 - Trần Duy Nhiên
Công Cuộc Truyền Giáo Tại Quảng Nam Năm 1623 Và Vấn Đề Ngôn Ngữ 1 - Trần Duy Nhiên
Khoa Học Về Các Ký Hiệu 2 - Đinh Hồng Hải
Khoa Học Về Các Ký Hiệu 1 - Đinh Hồng Hải
Cùng một tác giả