Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
768
116.612.396
 
Sử gia bị đạo sử (PHẦN BA)
Nguyễn Lục Gia

 

 

[DẪN NHẬP: Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ & Sự kiện là sách Lịch sử của tác giả Đinh Kim Phúc nhưng có tên trên Biên mục xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam ở thể loại sách Chính trị mang số hiệu 1276. Đây là một tập sách đã qua mắt được các cơ quan thẩm định và in ấn cùng khá đông đảo độc giả bởi sự sao chép của nó đối với nhiều công trình nghiên cứu có trước của các sử gia. Những sử gia phát hiện bị đạo sử trong sách này bước đầu nhận diện gồm có các tên tuổi: Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Nhã, Lãng Hồ, Hãn Nguyên, Quốc Tuấn; thậm chí ngay cả tác giả họ Đinh cũng sao y một số đoạn văn bản đã được trình bày trước đó ]

Tác phẩm sử học có nhiều sử đoạn sao chép từ các công trình nghiên cứu khác (ảnh chụp của tác giả).

 

 

Tập san Sử Địa số 29 (trang bìa phô tô) có đăng tải công trình nghiên của Lãng Hồ, Quốc Tuấn (ảnh chụp của tác giả).

 

4. Với Lãng Hồ trong chuyên luận “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”

 

“Thêm vào… thiết tưởng cũng nên chứng dẫn ra đây vài đoạn lấy trong bộ Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, một vị lão tăng đời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa dưới triều Nguyễn Phúc Châu ngày 29 tháng giêng năm Ất Hợi (13.3.1695) và rời chùa Thiền Lâm để vào Hội An về Quảng Đông ngày 28 tháng 6 cùng năm đó, (7.8.1695)…

Qua mấy đoạn văn vừa trích dẫn ở Hải ngoại kỷ sự, ta có thể nhận thấy rằng trong khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được hành xử dưới nhiều hình thức…” (tr.92-94).

Hai khổ dẫn nhập và nhận xét tài liệu này của học giả Lãng Hồ được tìm thấy trong Luận cứ & Sự kiện như sau:

Bộ Hải ngoại Ký sự của nhà sư Thích Đại Sán đã được nhiều người biết đến khi nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại Việt vào thế kỷ XV – XVII. Tác giả là một nhà sư đời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa dưới triều Nguyễn Phúc Chu ngày 13.3.1695 và rời chùa Thiền Lâm vào Hội An để về Quảng Đông ngày 7.8.1695.

Đọc các đoạn văn tại quyển III của Hải ngoại Ký sự, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau… (tr.27).

 

5. Với học giả Quốc Tuấn trong chuyên khảo “Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”

 

5.1. “Năm năm sau khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt với sự đại bại của Nhật bản tại Thái Bình Dương, đưa tới việc nước này phải từ bỏ các đất đai ở ngoại quốc, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm được trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ quân phiệt…

Lần đầu tiên Trung Cộng chính thức lên tiếng về vấn đề này là khi tổng thống Phi Luật Tân Quirino trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 17.5.1951 đã đưa ra luận cứ là vì quần đảo Trường Sa đứng về phương diện địa dư ở kế cận quần đảo Phi Luật Tân nên nó phải thuộc về Phi Luật Tân. Hai ngày sau, ngày 19.5.1951, Bắc Kinh đã phản ứng và tuyên bố (…).

Tuy nhiên Trung Cộng không đưa ra được một bằng chứng nào chứng tỏ Trường Sa thuộc quyền Trung Hoa làm chủ…” (tr.218).

Diễn đoạn lịch sử trên đã được mô tả lại trong Luận cứ & Sự kiện như sau:

Như chúng ta đã biết, năm 1945 Nhật Bản đã bị các nước Đồng minh đánh bại trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nên phải đầu hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ bỏ các đất đai ở nước ngoài mà Nhật Bản đã chiếm được trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ quân phiệt, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1949, tổng thống Philippin Quirino đã tuyên bố là vì quần đảo Trường Sa ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines. Hai ngày sau, ngày 19.5, Bắc Kinh đã có phản ứng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố như sau (…).

Tuy nhiên Trung Quốc chỉ nói chứ không đưa ra được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý, để chứng minh Trường Sa thuộc quyền Trung Quốc” (tr.109-110).

 

Gần như không có gì khác biệt nếu không nói y hệt trong suốt 14 trang sách chuyên khảo của Quốc Tuấn (từ tr.218 đến 231) với 13 trang sách của ĐKP (từ tr.109 đến 121), từ sự kiện, văn bản trích dẫn, nhận xét cho đến ngay cả phần chú thích tài liệu. Luận cứ & Sự kiện đã sử dụng toàn bộ sử đoạn này để giải thích cho cái gọi “Hai là” trong đề mục “Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”.

 

5.2. “Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư thuyền và thương thuyền và giám đốc một trường hàng hải (không phải là Hải Học viện Phi Luật Tân như nhiều tài liệu cho đến nay vẫn đề cập tới một cách sai lầm) đã khám phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Phi Luật Tân (một hòn đảo khoảng 4.550 dặm vuông ở Tây Nam thủ đô Manila và Bắc Borneo) khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông hy vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận.

 

Tuy nhiên mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp tục khám phá những hòn đảo này trong một chuyến du hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV – vẫn được dùng để huấn luyện các sinh viên trường hàng hải của Cloma – do thuyền trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng. 40 thủy thủ trên tàu, tất cả đều có quốc tịch Phi Luật Tân, đã dựng quốc kỳ Phi Luật Tân trên một hòn đảo và chính thức tuyên bố chiếm hữu đảo này theo tục lệ quốc tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng họ đều niêm yết cáo thị chiếm hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù lao với diện tích tổng cộng là 64.976 dặm vuông, là “Freedomland” (Đất Tự do).

 

Ngày 15.5.1956 Cloma chính thức thông báo cho Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Phi Luật Tân Carlos P. Garcia hay là những công dân Phi Luật Tân đã quan sát, trắc lượng và chiếm hữu “một lãnh thổ ở Nam Hải bên ngoài hải phận Phi Luật Tân và không thuộc thẩm quyền quản hạt của nước nào”. Cloma cũng nói thêm là lãnh thổ này đã được Cloma và những người đồng sự chiếm hữu” (tr.231-232).

Dưới đây là phần tái hiện trên Luận cứ & Sự kiện:

 

Trước đó, trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma phát hiện một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Philippines khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông có ý định lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, và khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956, Cloma mới lại tiếp tục khám phá những hòn đảo này trong một chuyến du hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV – vẫn được dùng để huấn luyện các sinh viên trường hàng hải của Cloma – do thuyền trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng. 40 thủy thủ trên tàu, tất cả đều có quốc tịch Phi Luật Tân, đã dựng quốc kỳ Phi Luật Tân trên một hòn đảo và chính thức tuyên bố chiếm hữu đảo này theo tục lệ quốc tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng họ đều niêm yết cáo thị chiếm hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù lao với diện tích tổng cộng là 64.976 dặm vuông, là “Freedomland” hay Đất Tự do.

 

Ngày 15.5.1956 Cloma chính thức thông báo cho Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Phi Luật Tân Carlos P. Garcia hay là những công dân Phi Luật Tân đã quan sát, trắc lượng và chiếm hữu “một lãnh thổ ở Nam Hải bên ngoài hải phận Phi Luật Tân và không thuộc thẩm quyền quản hạt của nước nào”. Cloma cũng nói thêm là lãnh thổ này đã được Cloma và những người đồng sự chiếm hữu (tr.129-130).

5.3. “Về phía Đài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc qua đại sứ ở Manila, đã phản kháng mạnh mẽ cùng Chính phủ Phi Luật Tân, viện cớ rằng quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thế kỷ 15. Chúng tôi rất tiếc không được rõ nội dung sự phản kháng này nên không biết luận cứ của Đài Loan ra sao.

 

Cần nói thêm là song song với việc phản kháng tại Manila, phát ngôn viên Đài Loan loan báo việc phái một lực lượng đặc nhiệm (task force) tới quần đảo Trường Sa “có thể và chắc chắn sẽ xảy ra” và quả thực một hạm đội Đài Loan đã được phái tới nơi trong một thời gian ngắn để ngăn chặn mọi việc không hay xảy ra.

Nhận được tin này, Ngoại trưởng Phi Luật Tân vội vàng chỉ thị cho Đại sứ Phi Luật Tân tại Đài Bắc là Narciso Ramos báo cho chính phủ Đài Loan “không nên quá e ngại về diễn biến của tình hình”…

 

Ngày 10.7.1971, trước ngày khai mạc Hội nghị kỳ thứ 6 của Hiệp hội các quốc gia Á châu và Thái Bình Dương (gọi tắt là ASPAC) trên cấp bậc tổng trưởng tại Manila, trong một buổi họp báo tại điện Malacanang (phủ Tổng thống Phi Luật Tân), Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos tố cáo quân đội Trung Hoa Dân Quốc đang chiếm đóng đảo Thái Bình (Itu Aba, hay Ligaw theo tên Phi Luật Tân) đã tăng cường sự phòng thủ đảo này (…) Sau hết ông loan báo thêm là vì việc Đài Loan thiết lập một đồn binh tại đảo Thái Bình không có phép và sự thỏa thuận của các quốc gia đồng minh nên Phi Luật Tân đã yêu cầu Chính phủ Đài Loan rút quân đội khỏi nơi này.

Lời tuyên bố này đã gây ra phản ứng tại nhiều quốc gia. Vài ngày sau khi có lời tuyên bố này, Chính phủ Anh và Hoà Lan loan báo họ khước từ quyền giám hộ trên những đảo này. Chính phủ VNCH qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Lắm ngày 13.7.1971 tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa mà các dữ kiện lịch sử và pháp lý chứng minh là thuộc về Việt Nam ít nhất là từ thế kỷ thứ 19. Ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của Cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu tại Hòa hội Cựu Kim Sơn ngày 7.9.1951.

Về phần Đài Loan, Ngoại trưởng Châu Thư Giai đã tuyên bố rằng quần đảo Nam Sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung Hoa và quân đội Đài Loan đã chiếm đóng quần đảo này trong hơn 20 năm qua” (tr.235, 238).

Còn đây là phần hùng biện của ĐKP trong một đề mục có tên “Đài Loan hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam”:

Về phía Đài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc, qua đại sứ ở Manila, đã phản kháng dữ dội với Philippines và viện vào cớ là quần đảo này thuộc về Trung Hoa từ thế kỷ XV [Chúng tôi không biết luận cứ của Đài Loan ra sao và căn cứ vào đâu Đài Loan cho là chủ quyền đó có từ thế kỷ XV? Có thể chính quyền Tưởng Giới Thạch vin vào những viễn du của Thái giám Trịnh Hòa trong thời nhà Minh chăng?].

Song song với việc phản kháng tại Manila, phát ngôn viên Đài Loan còn loan tin phái một lực lượng đặc nhiệm tới quần đảo Trường Sa “có thể và chắc chắn sẽ xảy ra”, và quả thực một hạm đội Đài Loan đã được phái tới nơi trong một thời gian ngắn để thị uy.

Nhận được tin này, Ngoại trưởng Philippines vội vàng chỉ thị cho Đại sứ Philippines tại Đài Bắc là Narciso Ramos thông báo cho Chính phủ Đài Loan trấn an “không nên quá e ngại về diễn biến của tình hình”…

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang ngày 10.7.1971, trước buổi khai mạc hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Hiệp hội các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương tại Manila, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tố cáo quân đội Đài Loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Ba Bình (Ligaw theo tên Philippines) không được sự cho phép và thỏa thuận của các quốc gia đồng minh, nên Philippines đã yêu cầu chính phủ Đài Loan rút quân đội khỏi nơi này.

Lời tuyên bố của Tổng thống Marcos đã gây ra phản ứng tại nhiều quốc gia. Vài ngày sau khi có lời tuyên bố này, các Chính phủ Anh và Hà Lan loan báo hai nước khước từ quyền giám hộ trên quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Sài Gòn, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa mà các dữ kiện lịch sử và pháp lý chứng tỏ là thuộc về Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu tại hội nghị San Francisco ngày 7.9.1951.

Về phần Đài Loan, Ngoại trưởng Chu Thư tuyên bố rằng quần đảo Nam Sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung Hoa và quân đội Đài Loan đã chiếm đóng quần đảo này hơn 20 năm qua (tr.124-125).

Thật là hoàn hảo bởi nghiên cứu viên ĐKP đã thay lối viết cũ của một số danh xưng bằng kiểu viết hiện đại, như Phi Luật Tân thành ra Philippines, Cựu Kim Sơn thành San Francisco hay Thái Bình thành Ba Bình!

 

6. Với… chính tác giả trong “Hoàng Sa – Trường Sa: luận cứ & sự kiện”

 

            Không chỉ tái hiện công trình nghiên cứu của các sử gia trong Luận chứng & Sự kiện, ĐKP còn lặp lại nguyên xi một số trích đoạn này cùng các văn đoạn khác để giải đáp cho hai vấn đề đặt ra ở hai đề mục nhưng thực chất chỉ là một: đề mục “Giới hạn cương vực vùng Hoa Nam của Trung Quốc” và đề mục “Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa”. Tại các trang từ 100 đến 108, sách đã sử dụng không sót một chữ nào văn bản của các trang từ 27 đến 31, 54-55, 66 và 75. Rõ ràng rằng đây là công nghệ cắt dán văn bản chứ không phải công trình khoa học được nghiền ngẫm và viết ra bởi một nhà nghiên cứu.

           

Rốt cục, ngoài các học giả cùng công trình nghiên cứu của mình bị đánh cắp như đã chỉ ra trên đây, còn có bao nhiêu nhà sử học khác là nạn nhân của Luận cứ & Sự kiện?

 

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Kim Phúc (2012), Hoàng Sa – Trường Sa: luận cứ & sự kiện, Nxb Thời Đại, TP. HCM.

2. Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa (1975), “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa, số 29, Nhà sách Khai Trí Bảo Thọ, SG.

 

 

 

Nguyễn Lục Gia
Số lần đọc: 3592
Ngày đăng: 26.09.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sử gia bị đạo sử (PHẦN HAI) - Nguyễn Lục Gia
Sử gia bị đạo sử (PHẦN MỘT) - Nguyễn Lục Gia
Lịch sử khủng hoảng - Khổng Ðức
Hỏi – đáp về thời Âu Lạc - Nguyễn Văn Toàn
Từ hành hương đến du lịch – Khái lược lịch sử bản sắc - Đinh Lê Na
Dấu tích miếu thờ Nguyễn Hoàng ở Gio Linh, Quảng Trị - Nguyễn Hoàn
Đôi dấu vết lịch sử ở vài miền xa khuất - Trần Văn Nam
Câu chuyện về hoàng tử Miến Điện Myingun lưu vong ở Saigon - Nguyễn Đức Hiệp
Vị trí chiến lược vùng đất Hà Giang qua đánh giá của Nguyễn Công Trứ - Hồ Bạch Thảo
Cao Biền Một Nhân Vật Nhiều Huyền Thoại. - Nguyễn Cẩm Xuyên