Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
607
116.444.400
 
VÀNG và LỬA
Vũ Ngọc Anh

                         

 

                          [TUYÊN  VÔ  TÍN]

 

        Hình như có một sự cái nhiên nào đó trong niềm tin của nhân loại, tự cho phép mình TIN vào một điều gì đó mà mình NGƯỠNG vọng. Thế cho nên, khi con người tiếp xúc được với nhiều thuyết lý khác thì cái lẽ đương nhiên này xảy ra: một số người theo tín ngưỡng này, một số đi vào tôn giáo khác. Và cái tình trạng cải giáo luôn luôn xảy ra trong các dân tộc khi có giao tiếp văn hóa. Và cũng chính sự giao lưu văn hóa đã đẩy lùi hoặc xóa sổ cũng như làm biến dạng một số niềm tin (gọi là tín ngưỡng). Tình trạng một tôn giáo chết hoặc một tôn giáo được khai sinh cũng là một thông lệ của loài người.

 

                                       Thực trạng đó chúng ta gọi là gì?

 

          Chắc chắn là do ở chổ “tin” hoặc “không tin”; và nhân loại đã hành sử cái quyền tự do chọn lựa của mình. Nếu nhân loại đã không có cái quyền chọn lựa niềm tin thì cộng đồng dân tộc ấy đã không có “đa tín ngưỡng tôn giáo”. Mà hiện nay, không một quốc gia nào là không đa tôn. Tính cách đa tôn giáo cho phép chúng ta hiểu rằng thị hiếu của con người không ưa cái “độc tôn”.

 

          Bản thân sự việc đa tôn giáo tự bày tỏ cho chúng ta một điều lý thú: “KHÔNG TIN !”

 

          Vâng, Tổ tiên tôi không tin cái Ông Trời có cái quyền sanh sát, thưởng phạt tùy hỷ, nên các ngài đã bỏ niềm tin ấy để nhận một thông tin mới: Kiếp, Nghiệp, Nhân quả, Luân hồi…Niết bàn,

 

          Và các Tổ phụ tiếp theo của tôi lại tiếp tục từ giã cái loại luân hồi vòng vo phiền nhiễu ấy để tiếp thu cái Ân Sủng Cứu Rỗi của một Thiên Chúa Nhân Từ cầm cân phán xét.

 

          Việc “cải giáo” đích thực là một lời tuyên bố “không tin” cường liệt nhất ! Dứt khoát nhất !

 

          Lịch sử loài người là một chuỗi dài lịch sử cải giáo liên miên.

          Lịch sử tôn giáo nhân loại là một lịch sử cương quyết nói lời “không tin” mãi mãi.

 

          Amon-Ra không còn thuyết phục được tôi nữa nên tôi mới cầm cuốn kinh Coran bước vào đền thánh Allah [Một người Ai Cập nói như vậy]

          Thượng đế Tonacateculti cũng như Kinh thánh Tcoamoxtl mất hết giá trị trong niềm tin của tôi nên tôi đi tìm niềm tin mới trong Tân Ước của Chúa Jésus [Một người bản địa Châu mỹ nói như vậy].

 

          Kinh Veda – Upanishad cùng các thần Inou – Vishnou – Brahma xem ra bất lực trước tương lai của tôi nên tôi xin phép rời đền thánh để bước vào cửa Chùa với niềm tin Giải Thoát của Đức Thích Ca Như Lai [Một người Ấn độ nói như vậy]

 

          “Tôi từ Thần Đạo đi ra, rồi đi vào Phật Giáo; và từ đây tôi lại bước thêm bước nữa vào Nhà thờ Chúa Jésus Christ” [Một người Nhật nói như vây]

 

                                                         Và, vân…vân…

 

          Có không tin mới có cải giáo. Đó chính là cái nguyên tắc: “TỰ DO TÍN NGƯỠNG”.

 

          Tự do tín ngưỡng là tự do tin và tư do không tin. Nếu nhân loại mất đi cái “tự do không tin” thì hẳn nhiên mất đi cái “tự do tín ngưỡng” rồi. Tôi có không tin điều này thì tôi mới có thể tin điều khác. Tôi không thể tin điều nay, rồi tin thêm điều khác, rồi lại phải tin thêm điều khác nữa… chồng chất đầy đầu tôi những điều chống nghịch lẫn nhau như thế đựợc.

 

          Cái may của nhân loại là không phải bất cứ ai tung ra điều gì cũng đều là “chân lý” tất; mà cứ chân lý(!) nào cũng đúng thì chắc hẳn nhân loại này hóa rồ cả rồi. Chính ở tại điểm “chối từ chân lý” mà nhân loại mới tự điều chỉnh được thế cân bằng cho chính mình. Cân bằng ở đây mang tính loại trừ như nhà vườn tỉa cành nho.

 

          QUYỀN CẢI GIÁO có tính cách mặc nhiên thừa nhận QUYỀN VÔ TÍN.

 

          Như thế, “vô tín” là quyền cái nhiên trong tín ngưỡng (tôn giáo) – nhưng nếu không được công nhận thì làm sao có những vụ cải giáo ? Nhà truyền giáo nào không vận động cải giáo ?

 

          Một tôn giáo được khai sinh, hay một tôn giáo mới bước vào một địa phận nào, hay ve vãn một chủng tộc nào, thì nơi đó đã hiện diện cái niềm tin, cái tín ngưỡng, cái tôn giáo nào đó rồi….Lịch sử tôn giáo cũng xưa như nguồn gốc của chủng tộc ấy. Vậy mà tôn giáo cũng còn non trẻ hơn cả sự hình thành ra chủng tộc. Khi nhân loại biết được mình thì đồng thời cũng biết luôn cái hình thức tín ngưỡng mà chưa biết gì về thời xa xăm trước đó, nên đành phải gọi là “tiền sử” thôi.

 

                                                              @

 

          Nếu cắt đứt cái mắt xích “vô tín” thì ai ở  tôn giáo nào vẫn cứ phải ở trong tôn giáo đó.

 

          Người bước từ tôn giáo này sang tôn giáo khác đều phải qua nhịp cầu vô tín.

 

          Vô tín chính là ý thức nền tảng trong tôn giáo. Không bác bỏ được niềm tin cũ, không lập nên được niềm tin mới.

 

          Thích Ca không phủ nhận Thượng đế (isavara) trong Bàlamôn giáo thì không đưa ra được một ý niệm mới về Kiếp – Nghiệp – Luân hồi – Giải thoát và cái lý Duyên khởi.

 

          Mahomet không phủ nhận bản tính Thiên Chúa trong Jésus Christ và tính cách thiêng liêng của Tân Ước thì Kinh Coran vô giá trị.

 

          Khi thuyết giáo cũng thế, nhà thừa sai không “nói xấu” tôn giáo đối thủ thì làm sao thu phục được tin dồ về cho mình.

 

          Câu chuyện “VỊ THẦN TẠO HÓA MAHA BRAHMA BẤT LỰC” được ông Huỳnh Văn Niệm sưu tầm sau đây là một ví dụ:

 

-        “Này Kavaddha, một đạo đồ thắc mắc tự hỏi: “Không biết bốn đại nguyên tố (i) đất, nước, lửa, gió của người chết biến đâu mất mà ta tìm hoài không thấy?”… và y đi đến cùng trời gặp cả Tứ Đại Thiên Vương để hỏi; nhưng chẳng có Chúa tể nào trả lời được. Sau cùng, Vua Vassavati và các thiên thần hầu cận cũng bí lối và khuyên y nên yết kiến Đức Đại Phạn Thiên (Maha Brahma)…

-         

Được diện kiến Đức Maha Brahma, người đạo đồ kính cẩn van lơn: “Hỡi Đấng Vô Cùng Cao Cả, xin Ngài cho biết xem bốn chất: đất, nước, lửa, gió biến đi đâu mất không để lại dấu vết gì cả. Tôi đã khó nhọc lướt gió tung mây, vượt lên cả sáu tầng trời dọ hỏi mà chẳng được lời giải đáp.”

 

Đại Phạm Thiên nói: “Này ông khách quí, chính ta là Maha Brahma cao cả, có quyền năng vô tận, sáng tạo đủ thứ, điều khiển tất cả, thấy hết biết hết. Ta sắp đặt an bài vũ trụ, ta là thủy tổ của muôn loài vạn vật, từ các giống hữu tình đến núi sông,cây cỏ…khí hậu, thời gian, không gian…Ta là chúa tể tạo tác ra vạn hữu hiện nay và sau nữa.”

 

Người đạo đồ không hiểu gì hết: “Kính Đức Vô Cùng Cao Cả! Không phải vậy đâu! Quyền năng vô tận và bản lĩnh vô biên của Ngài tôi đã được nghe người thế nói lại nhiều rồi. Tôi chỉ xin Ngái cho biết bốn nguyên tố đó biến đi đâu?”

Này Kevaddha, nhưng Đức Đại Phạm Thiên cũng lập lại những lời phô trương uy lực của mình như trước, sau khi thiên khách hỏi đến ba lần. Túng thế ông ta liền kéo người đạo đồ ra ngoài chỗ vắng và rỉ tai: “Xin quí khách cảm phiền, thật ra từ nào tới giờ, tất cả mấy vị Phạm Thiên khác đến đây sau tôi và đinh ninh rằng tôi là chúa  tạo hóa ra tất cả, thấy hết, biết hết, điều khiển muôn loài vạn vật. Nếu tôi trả lời không biết trước mặt họ thì coi kỳ quá. Vậy xin ông bạn thông cảm giùm, vì chính tôi cũng mù tịt về những điều đó.”

 

“Đức Phật kể lại chuyện khôi hài trên đây để bài bác lý luận của nhóm Bàlamôn thường khoe khoan rằng họ hiểu thấu tất cả về thế giới siêu hình. Nhưng rốt cuộc chúng chỉ là bọn vuốt lươn nhũi như trạch, nói cong nói queo mà chẳng ăn nhằm vào đâu cả.” (Lời soạn giả -tr.31)

 

        [“Chính Đạo Tinh Hoa- Giới-Định-Tuệ ” – Huỳnh Văn Niệm xb.1974-trích từ tr.28 đến tr.31]

                                                                             &

         Và xin thêm một ví dụ khác: “Phép Giảng Tám Ngày”của AlexandredeRhodes (ĐắcLộ) do Tinh Việt Văn Đàn xb.Saigon-1961-từ tr.75 đến tr.85) – [Chúng tôi chỉ xin tóm tắt]:

 

     Tác giả “phê” về ba đạo:

-        “Đàng thứ nhất là đàng về hay chữ, gọi là đạo Nho. Đàng thứ hai là đàng kẻ thờ quỉ mà làm việc dối, gọi là Đạo. Đàng thứ ba là đàng kẻ thờ bụt, gọi là đạo Bụt”(tr.75)

 

*-ĐẠO BỤT : giáo ngoài và giáo trong.

            “Bên Thiên Trúc quốc thì có vua tên Tịnh Phạn, mà đẻ con (Thích Ca), dạ thì sáng, song kiêu ngạo lắm”(tr.75-76)…

             “Vì vậy giáo bụt thì có hai đàng: một gọi là giáo ngoài, mà dạy người ta thờ bụt, dối vậy, hay bày đặt những truyện giả kể chẳng xiết; xiêu dối thế gian mà lòng về thờ bụt, cho nên phạm tội vô hồi vô số. Lại có giáo khác, gọi là đạo trong, càng dối nữa rằng chẳng có Chúa nào hóa ra thế gian này, mà làm vậy thì mở đàng cho người ta phạm mọi tội đầu lòng. Cho nên ai phải đạo bụt trọng độc ấy, thì quỉ quái hơn kẻ theo đạo ngoài vậy. Vì vậy ông Khổng Tử, là kẻ Đại minh lấy làm thầy nhất, trong sách thì gọi đạo bụt những đạo mọi vậy.”(tr.77)  -ii-

 

*-ĐẠO LÃO : “giáo này thì thờ ma quỉ mà làm những phép giả, cùng chẳng có thờ Lão Tử sốt, nhưng ở tối tăm mù mịt vậy. Có một câu lấy bởi Lão Tử mà thôi, rằng: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tan sinh vạn vật.” Ví bằng có ai hỏi đạo ấy, hay là đàng, bởi đâu mà có? nó thì thưa rằng: hư vô tự nhiên chi đại đạo, mà mọi sự hóa ra thế nào, thì chẳng biết đí gì nữa. Vậy thì lấy hư vô, là không, mà chẳng có, làm căn nguyên hóa nên mọi sự, lạ đời, không hay là chẳng có mà làm nên được đí gì cho có ru?” (tr.80)

 

*-ĐẠO NHO : Việc thờ ông Khổng.

              “Nhân vì sự ấy trong Đại minh thì lấy thờ ông Khổng làm nhất, mà gọi thánh hiền, là thánh và hiền nhất vậy. Song le nói thế ấy không phải lẽ đâu, vì chưng hay là ông Khổng Tử ấy biết đức Chúa cả làm nên mọi sự, là cội rễ mọi sự thánh, mọi sự lành hay là chẳng biết. Ví bằng đã biết, mà làm thầy thì phải dạy đầy tớ cho biết cùng, mà thờ đấy cho nên. Song le ông Khổng chẳng có làm sự ấy, vì vậy chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ, vì sự nhất phải hay đầu hết mà chẳng có dạy ai. Ví bằng ông Khổng chẳng biết đức Chúa Trời, là cội rễ, và cội rễ mọi sự lành, mọi sự thánh, nên thánh, nên hiền, làm chi được? Vì vậy thì chẳng khá gọi là ông thánh sốt.” (tr.81)

 

             “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn đục, có ra nhiều sự dối khác. Song le bắt mọi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thể có chém cây nào đục cho ngã, các ngành cây ấy cứ tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi chuyện dối trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.” (tr.83)

 

              Và cũng nên xem bức hí họa vẽ hai ông Thích – Lão nghiêm trang ngồi nói Đạo với nhau, thì ông thứ ba là Khổng Tử bò càng ra đất ôm bụng cười lộn ruột!

 

                                                       @

 

          Xúi dục tín đồ bên kia bỏ niềm tin là nhiệm vụ hàng đầu của tôn giáo.

          Hóa cho nên, vô tín là một tiền lệ mà tôn giáo đã lập nên. Một tiền lệ tối cần, nói theo toán học: VÔ TÍN là “điều kiện cần” của tôn giáo, không thể thiếu để lập giáo, truyền giáo; “điều kiện đủ” là lý thuyết.

 

          Tôn giáo, khi rao giảng là mời gọi người khác PHÁ CHẤP TÍN cái niềm tin cố cựu của người ấy. Đức Phật là vị lập giáo hăng hái nhất trong việc kêu gọi phá chấp.

 

          Quyền vô tín được mọi tôn giáo xem như đoàn tiền tiêu đi mở lối, dọn đường. Cách dọn đường này có khi bằng cả chiến thuật clear (dọn sạch).

 

          Nhưng một khi đã thiết lập được căn cứ rồi thì không một tôn giáo nào ưng thuận cho kẻ khác phá niềm tin của họ; như kẻ xâm lăng xác nhận quyền thống trị mà cấm quyền kháng chiến của người bị trị. Người Viêt Nam hẳng hiểu cái “giá trị kháng chiến” nó cao quí và thiêng liêng như thế nào ! Đánh đuổi quân xâm lược thống trị là dành lại quyền tự chủ. Một dân tộc bị đô hộ, một con người bị cưỡng bức tâm thức – giá như bị hũy bỏ quyền kháng chiến, có khác gì hệ kháng thể bị suy hoại vì vi khuẩn ngoại xâm ?

 

Con người mất đi cái sức đề kháng là một con người chết đứng. Kháng thể mà đánh bạn với quân thù là một hiệp ước nhượng quyền sống! - được quyền gì? – “Chết!”

 

       Quyền bôi nhọ, phi bác của các tôn giáo sao được phép tung hoành mà một cá nhân lại bị cấm phá chấp tín ?

 

       Tại sao lại bất công trong lãnh vực chính trị - xã hội : người ta đòi hỏi phải có lực lượng đối lập, đòi hỏi tự do ngôn luận thì trong tôn giáo mọi tiếng nói đối lập đều bị kết án: lạc đạo…dứt phép thông công…giàn hỏa…bom đạn…dao quắm…

 

       Trong tự do ngôn luận, tôi có quyền phát biểu bất cứ điều gì mà lương tâm tôi cho là phải. Đó là lý do mà quyền ngôn luận chuẩn thuận cho quyền tự do tư tưởng và tự do lương tâm.

 

       Mất đi quyền công bố tư tưởng chính là khi cái quyền ngôn luận bị khống chế. Tôi không tin vào một giáo lý nào mà bảo tôi phải câm, không được phát biểu điều tôi không tin thì cái lưỡi của tôi để làm gì ? Lưỡi đâu chỉ để ăn không mà thôi đâu !

 

      Tư tưởng thiết yếu phải được “nói ra” thì mới gọi là tư tưởng.

Và…

                         Ước chi vàng nói vàng hay,

                         Vàng chơi với lửa…sáng say lòng người

                        “Nói chín thì làm nên mười,

                          Nói mười làm chin, kẻ cười người chê.” [Cadao]

 

 

Vũ Ngọc Anh
Số lần đọc: 1998
Ngày đăng: 29.07.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường vào cõi vô hình - Lê Hải*
Báo Việt thời nối mạng toàn cầu - Lê Hải*
Vô ngôn sư - Vũ Ngọc Anh
Quan niệm của nhóm Dạ Đài và cách tân bước đầu của thơ Trần Dần - Chế Diễm Trâm
Thể tính thiền - Võ Công Liêm
Phong vị và phương ngữ miền Nam trong “Giỡn bóng chiêm bao” của Trần Phù Thế - Lâm Hảo Dũng
Phụ nữ dưới chế độ Đức Quốc Xã - Trịnh Ngọc Thìn
Tĩnh-vật/ Still-life - Nguyễn Quỳnh USA
Nhân Có Tập Văn Đưa Triết Học Vào Sáng Tác, Nhớ Lại Đặc Điểm Một Thời Kỳ (Bài viết khi đọc cuốn cảo-bút của Trần Nhựt Tân, sáng tác năm 1973, xb. Năm 1996) - Trần Văn Nam
Cảnh Cửu và sự cô đơn đến tận cùng - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Đặng Phùng Quân (truyện ngắn)
Cánh hoa vô ưu (tạp văn)
Đánh giặc (đối thoại)
Ta đi tìm Mình (tạp văn)
Thư mở...cho mầy (đối thoại)
Trái Cấm (tiểu luận)
“ Ừ ” (đối thoại)
Ngôn Pháp (nghệ thuật)
TomTom (tạp văn)
Chạy Mất Dép (tạp văn)
Thú tủi nhục (tạp văn)
Hóa văn (tạp văn)
Trái Cấm (tạp văn)
Vô ngôn sư (tiểu luận)
VÀNG và LỬA (tiểu luận)
Chuyện con tim (truyện ngắn)