Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
621
116.493.490
 
Gió bụi từ núi xa về
Nguyễn Hàng Tình

 

 

        Tây Nguyên đang ở mùa gió bụi, mùa của phong sương, của sức mạnh xứ sở cùng những rạo rực núi non. Tôi biết mùa khô luôn là mùa khó hiểu nhất của cao nguyên, như mười tám mùa khô đã trôi rong chơi giang hồ đi qua sông núi miền Thượng này…

     

      

             

 

 

             Bữa tiệc khó gặm của trời đất là gió, nắng, bụi đang bày ra, và được dân nông tất tả dồn tâm trí kể từ sau kỳ đón Tết cổ truyền của người Kinh, tháng hai đổ đi, nghĩa là phải trở lại rẫy nương ngay. Mùa buộc phải tần tảo của dân cày cao nguyên, dù bản địa hay nhập cư, như con ong đi lấy mật kia. Khác với mùa thư thái của người Kinh đồng bằng. Nó ngược 180 độ với mùa mưa, mùa có thể ngồi rung đùi, hết việc, ngắm cỏ cây tìm trời mà lên, phủ xanh núi đồi.

 

              Nếu không bộ hành thì phải ngồi xe máy lang bạt mới hy vọng cảm nhận được ít nhiều về mà đặc biệt cao nguyên.

              Mỗi năm, “mùa khô” một lần. Đây rồi, vẫn thứ nắng khô không khốc, đe nẹt, rồi lại ve vãn cái màu thậm xanh bạt ngàn của vườn rẫy cà phê, cao su, tiêu, điều.  Trời đất mang sự từ bi khốn nạn, như bảo: ráng chịu đựng đi, thế nào rồi mùa mưa cũng sẽ về! Nắng nóng đẩy cao nguyên mênh mông thêm. Gió chồng lên, và lang thang, lang thang như đến bất tận, làm cao nguyên  xa vời, nhớ nhung hơn, nôn nao, chạm hoài không tới, không hết. Bụi thì giăng khắp trời đất, đến độ ở đoạn qua cao nguyên Dak Lak, người ta gọi thủ phủ của Tây Nguyên  Buôn Ma Thuột  thành ..."Bụi Mù Trời", cho thoả hờn trách ông trời, vờ không yêu xứ sở. Hay đoạn qua Kon Tum, dải đất gần với miền hạ Lào với toàn đất cát và nổi tiếng với sự khốc liệt của khí hậu mùa  nắng cháy làm  kẻ nông nổi chợt thương bùi ngùi cho sự hao gầy dung nhan của con gái miền cao mà bảo: Trời cứ chơi trò đánh đố sắc đẹp(!). Từng thớ đất bazan rơi vào cơn khát nước định kỳ hẹn trước với trời đất, cây trồng tưới bao nhiêu nước cũng không thừa. Bà con cô bác như nghiên sông, nghiên suối, cố thọc thật sâu vào lòng đất mà vắt nước lên tưới rẫy vườn. Cỏ cây "sống chung với hạn", chơi trò sấp ngửa, còn nông dân ở vào kỳ cảm xúc hồi hộp bởi không biết mùa khô năm này có dài hơn, "tàn bạo" hơn  mùa năm trước, cây trồng gồng lên đến đâu.  Cao nguyên hiện ra cường tráng, vạm vỡ, và bền bỉ, đầy đủ, và "Tây Nguyên" nhất.

 

 “Ngôn ngữ” đấu tranh sinh tồn

 

              Chỉ giữa mùa màng thế này nó mới cho tôi đủ hoang vu để cảm nhận được ít nhiều về xứ sở mà Jacques Douners_nhà dân tộc học người Pháp suốt gần 30 năm trời trai trẻ chôn chặt, chung sống với người Tây Nguyên_ hôm nào còn gọi là " Miền đất huyền ảo". Thời của Jacques Douners, G.Condominas, hay tác gia của công trình kinh điển về Tây Nguyên “Les Jungles Moi” Mission Henri Maitre đã mù xa. Tây Nguyên đó là thứ Tây Nguyên xa xưa, Tây Nguyên sơn nguyên; Tây Nguyên của xã hội bán khai, của sức mạnh đại ngàn, của thực và ảo. Nếu có chút trách nhiệm nghiêm túc của của một kẻ rong chơi thì tôi phải quan sát hình hài cao nguyên của đương thời, bằng cái nhìn thực chân. Tôi không được phép “vẽ” ra Tây Nguyên hoang dã theo lối người ta hùa nhau tung hô bí ẩn, viết kịch bản cho một Festival cồng chiêng, cho một bữa uống rượu cần của sắc dân bản địa, hay đưa đàn T’rưng, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy thổ cẩm lên khán đài khi mà không gian rừng đã biệt xứ và quần áo may sẵn dịch vụ đến chân cầu thang nhà dài.

 

            Tây Nguyên giờ hình như không còn nhiều huyền ảo nữa, cạn dần bí ẩn, tất cả dường như đã lộ ra, phơi mình, mênh mông ra thay vì thu sâu vào trong tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bếp lửa nhà sàn ở những làng, bon, buôn, plei, kon.... Nhà xây ximăng, xe máy, tủ lạnh, tivi,  xe hơi, bia bọt, mì gói(fast food)... đã giúp "hiện đại hoá" dần cộng đồng. Tất cả đã không còn là xã hội bán khai. Đời sống cây công nghiệp, cà phê, cao su, hồ tiêu…, với nền nông nghiệp hàng hoá... đã thế chỗ cho nương cao lúa cạn. Sự có mặt của trên 40 sắc dân trên đất nước góp mặt đến vùng đất này tạo ra một sự đa dạng về văn hoá lẫn chồng  xen tâm trạng, tạo nên một Tây Nguyên mới, hấp lực mới, sinh động, với nhiều nghĩ suy, cơ hội, tâm thế, hỗn tạp... Nhưng dù thế nào, trong cuộc rong ruổi mênh mang như thế, khi bắt gặp đây đó hiện ra những cụm nhà dài là chỉ dấu về một làng M'nông, Ê Đê, J'rai, K'ho, Banah, Sê Đăng... lại là như uống được những ngụm tình cao nguyên sâu nặng thấm đẫm cái giá trị mộc mạc-hiền hoà- da diết của người sơn nguyên, thân thiện, nặng nợ với thiên nhiên.

 

                                                   

               *

 

 

             Tôi lướt qua cái vỏ vật chất bề ngoài của Tây Nguyên, thấy và cảm nhận nó vẫn bằng tâm thế một người khách, nên vui buồn của họ_những tộc người thuộc loại hình nhân chủng Indônesien, nói theo hệ ngữ Môn –Khơ me, hoặc Malayô- Pôlynesien_ như là một thứ xa xỉ cho khám phá của mình, chỉ dạng kiểu như ông nhạc sĩ Trần Tiến thấy: " Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhấp nhô bên đồi/ một mái tranh nghèo,  một nhà sàn đơn sơ"... Tôi cũng quí trọng câu nhạc của ông Nguyễn Cường_người từ Thủ Đô_ khi ông lẩy ra được cái vẻ đẹp đặc trưng của người cao nguyên: " Gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hoà". Thế đấy, nhưng những mùa phong sương, gió bụi tràn về trên cao nguyên, hành trang tôi mang vào người như một thứ  kích hoạt cảm xúc cao nguyên, vẫn chỉ là những lời ca của người bạn bản xứ của tôi, nhạc sĩ chân trần vùng Ea H'leo phía Bắc tỉnh Dak, Lak, địa bàn giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Y Phôn Ksor: " Một mình qua sông, qua núi đồi/...Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao/... Tôi như con thú hoang, lang thang trong rừng sâu… Tôi như hạt mưa khao khát lời!". Nhạc anh sáng tác ra hẳn hoi, nhưng anh bảo nó của Yàng, Yàng cho những thanh âm núi rừng máu thịt đó, nhờ nó được viết trên rẫy, lúc đi cày cuốc kiếm cơm trên rẫy, buổi còn kham khổ, chưa biết đến trường nhạc(nay đã học xong Đại học âm nhạc_ và hết viết được như thế nữa!). Y Phôn là người rặt cao nguyên, nhưng anh lại không mê lang thang cao nguyên vào mùa nắng gió như tôi. Có thể người ta không thèm cái họ dư thừa, nên tôi là trường hợp ngược lại. Anh rằng tôi “ đồng bào” hơn đồng bào, “rừng rú” hơn anh, và bảo tôi thích thì cứ đi mãi đi, đi cho hết không còn chỗ nào của cao nguyên, cho đến khi nào hiểu được Tây Nguyên thì về kể cho anh nghe với. Cái ông nhạc sĩ sơn cước này rõ là “làm sang” cho tôi rồi, chứ độ trong sáng và thật thà tôi tu mấy kiếp, luyện mấy mùa gió bụi núi non để được như “đồng bào” ! Tôi cũng đã biết nói dối, nói sao cho có lợi, để tồn tại được khỏe, bất chấp sự thật và  phẩm giá tối thiểu nhất của con người là yêu sự thật, gìn giữ sự thật, sống trung thực, thì tôi là loại phàm tục, hèn rồi. Người sơn nguyên không có “Xuân tóc đỏ”, “ Chí phèo”, khôn vặt, hay toan tính trên từng khắc sống, nhưng thế giới của tôi thì đầy.

 

“Vắt” những cú cuối cùng

 

            Tôi biết còn lâu tôi mới dám kể về Tây Nguyên cho Y Phôn nghe, vì anh mới là một phần thịt da thật sự của nó. Tuy nhiên trời đất lại chỉ cho tôi cái phần rìa mong manh bay bổng phấn son của nó, rằng: mùa khô kia là cái mùa thách thức cao nguyên, nhưng giúp xứ sở này rèn luyện, để cao nguyên hiện ra hết vẻ trai tráng của mình. Lướt đi trong gió núi bụi hồng trên chiếc xe máy của hãng Honda( “Lên đời” nhé ! Vì mười lăm trước còn chạy bằng xe City của Nam Hàn), lồng ngực nhiều khi cứ như bị nén dẹp lại_ ấy thế mà vẫn cứ thấy dạt dào. Mười tám năm chưa hết cơn thèm gió bụi. Mười tám năm chưa biết sợ nắng tàn sát của mùa khô sơn cước. Nên cứ đợi mùa phong sương trên Tây Nguyên như đợi những cô sơn nữ trưởng thành, đợi những cánh rừng khộp trút lá, đợi sông Da Dơng chảy lòi ghềnh thác, cát và cỏ biến Kon Tum thành sa mạc. Nhận ra sự bền bỉ kỳ diệu của con người trong cuộc giành giật với trời xanh từng mùa để sống.

 

           Trên hành trình đó, những con đường với mỗi loài thảo mộc từng lúc từng khắc lại nhận ra sự thay sắc, thay hương, thay đổi hình hài của nó. Có lúc lại mênh mang nghĩ suy trước những dải đồi trọc rộng lớn hiện ra. Kí ức về những cánh rừng già, hoài niệm về những loài mãnh thú hoang xa biệt, con cá lăng trên dòng Dak B'la, Sêrêpok, những giò phong lan thuỷ tiên tuyệt xinh cực hiếm ở rừng Lạc Dương, Lâm Đồng. Về những dòng sông mà ngay cả mùa khô cũng gập ghềnh, chảy siết, lòng nó đầy đá, đầy vực, đầy hốc, chứ không êm dịu, hiền hoà như sông nước miền xuôi(ngoại trừ mùa lũ). Đây đó trên những đồi cao là những cây Kơnia màu xanh thẫm như những dấu chấm hỏi chừa lại, vì đồng bào không bao giờ chặt hạ thứ cây có thần linh mang hình dáng chiếc dù và chịu hạn cực xuất sắc này. Chỗ khác lại dạt dào khi nhìn những dải vườn rẫy với muôn ngàn trụ tiêu phun lên, chống lên trời những trụ cột tươi xanh tưới bằng nhọc nhằn của dân lành. Những “dự án” lèn lỏi khai thác gỗ cú chót cũng bày ra ở mùa này, với những tiếng cưa máy hiện đại rền vang trong rừng xa và những đoàn xe bọ hung đầy gỗ tung bay trên đường cái quan. Những đám khói khổng lồ bốc lên xa xa cũng là chỉ dấu đặc trưng về mùa của cháy rừng. Đây mùa của hủy diệt. Đây là mùa của lửa. Ngược lại mùa đây là mùa của nước. Tây Nguyên có Vua Lửa và Vua Nước hẳn cũng trong dòng tư duy dân gian này. Những vị vua không ngôi, nhưng sự tôn kính thì thấm nhận thức sâu xa của cộng đồng.

 

              Nhưng đi giữa mùa gió bụi trên cao, có lúc nổi hứng mà bảo: chính cái thứ cây dã quì kia đã dắt cái tổ hợp " nắng-gió-bụi" ấy về đổ xuống cao nguyên, khi mà hình ảnh màu vàng hết mình đặc trưng loài hoa dại này phủ xuống khắp núi đồi, len lỏi ở mọi con đường lớn nhỏ, không muốn vắng mặt ở chỗ đất trồng nào. Rồi khi qua miền Easoup, lại sững sờ khi vướng phải rừng cây họ dầu vào kỳ rụng lá hiện lên một bức tranh khổng lồ ngợi ca về những chiếc lá vàng, cùng những cây cành trơ trụi của thiên nhiên. Những cánh rừng thi ca và hội hoạ ấy, hiện ra nhiều lắm ở vùng Đức Cơ, Chưprông(Gia Lai), Buôn Đôn(Dak Lak), Ya Hoa(Lâm Đồng), Ngọc Hồi, Dak Hà( Kon Tum)... Tôi ước một giấc ngủ say trên thảm lá vàng kia, hay một ngày nào đó sẽ mang theo người ta yêu thương nhất lang thang giữa rừng cây gầy guộc nọ. Tôi cũng từng nao lòng khi băng qua những con đường đầy bụi cây trúc mọc nối tiếp hai bên còn bền bỉ xanh, trong khi những loài cỏ cây khác khô cháy sạch vì nắng hạn. Dĩ nhiên tôi cũng từng phát điên lên khi đi giữa mù sương chất ngất ùa về bất ngờ của một ngày trên cánh rừng cao su ở Dak Song(Dak Nông), hay vùng Chư Sê(Gia Lai)...

 

               *

 

            Cái dải đất mênh mông, nhưng cứ qua mỗi vùng, mỗi bon, mỗi Plei... cũng một dòng sông đấy, nhưng mỗi đoạn gọi bằng một tên khác. Rồi nữa, núi nhiều thế, nhưng ngọn nào cũng có tên riêng. Điều này mới vỡ ra là vì sao người Tây Nguyên hễ cúng, hay cầu ước an lành, điều tốt, là cứ gọi tên núi, tên sông ra... Cư, Rú, hay Da, Ia, Ea, Dak, Kon... là núi/rừng và nước/suối/khe/khởi nguồn sức sống. Vì  làng, bon, buôn, bon... nào cũng đều cần có nước mới tồn tại, nên tên làng, tên xứ sở, quê quán, thường được gắn với nguồn nước ấy, đó là: Da Lat, Da Tẻh, hay Dak Mil, Dak Nông, Dak Lak, Plei Ku, Kon Tum, Kon Plong... Yàng nằm trên đấy, linh hồn con người nằm nơi đấy, số phận rơi đúng chỗ đấy, chỗ mà người ta gọi là rừng, suối, sông. "Rừng cạn cây, sông đổi dòng, thì họ không biết gọi cái gì để đánh cho vang tiếng chiêng, gọi cái gì khi cúng!", một nhà lâm học tại một hội thảo khoa học bàn về việc nên hay không triển khai chương trình khai thác Bauxit ở Dak Nông khi lo biến mất "không gian  xã hội " đặc trưng của Tây Nguyên đã nhắn gửi tâm tình như thế.

 

                *

 

             Mỗi một mùa gió bụi về trên cao nguyên, là một lần da thịt tôi đen thêm, xấu hơn(trong khi vốn đã không có nhan sắc), nhưng tôi vẫn cứ phóng xe một mình trôi qua những làng, bon sơn cước. Tôi thấy cuộc sống bình yên, hơn khi nhìn những người mẹ, người chị, người em gái nhỏ gùi chiếc gùi đựng mấy thứ thảo mộc từ rừng về làng. Cũng như thấy yêu quí vô cùng những cô gái Giẻ Triêng nơi cực bắc Tây Nguyên sắp đến tuổi trưởng thành tháng ngày kiên trì gùi những gùi củi khô về chất dưới gầm nhà sàn để làm "của hồi môn" cho chính mình chờ ngày bắt chồng( thế mà tôi u mê quá, không dừng xe sà vào tán tỉnh lấy lòng, để có cơ hội cưới ngay một nàng sơn cước tinh khôi!). Cộng đồng nhập cư của tôi qua Âu, Mỹ cũng bị vào hàng khôn ranh, thì tôi cũng ảnh hưởng cái hơi thở của cộng đồng ấy khi hiện diện ở Tây Nguyên này. Một nhà dân tộc học nào đấy người Pháp mách cho ai có tấm lòng với Tây Nguyên, rằng: " nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì hãy yêu để mà có thể hiểu !".

 

            Biết thì ai cũng biết, nhưng “hành” theo sự “hiểu”, cái đẹp mới là quan trọng; nhưng lại hiếm. Vậy thì tôi cũng mới chỉ là kẻ "thưởng thức" miền sơn nguyên, nương nhờ ở đậu đất họ, vay mượn từ trù phú đến cảm xúc, thưởng lãm phong sương, hít lấy làn hương của non ngàn, hơn là ôm lấy nó vào lòng, như một ân nhân, như một người tình, một món nợ lộng lẫy. Tôi chưa làm cho họ khôn lanh như tôi, hay họ không muốn thế. Họ có cách chọn tính hợp lý của họ, hay tôi áp đặt nhận thức, kiểu cách của tôi lên họ. Tôi thúc dục họ chạy đua với tôi, dù họ không biết chơi môn marathon. Vì thế nên bao năm rồi, tôi vẫn thế, vẫn nhìn và sống với Tây Nguyên như một du khách, một tay rong chơi, không bao giờ "hiểu" miền thượng này. Đó là sự dại dột lớn nhất khi anh sống trên một xứ sở hãy còn những diệu kỳ chưa rơi rụng hết mà anh nhận thực sai lạc hay cố tình không hiểu những điều giản dị của nó. Đội nắng mà đi, đi như điên như cuồng trong hoang vu, tôi nhận ra Tây Nguyên đang chật chội.

 

 

             Tác giả Bút ký vào một vùng rừng nguyên sinh bị thiên hạ đánh tráo thành “nghèo kiệt” để “gả”cho công

ty tư nhân san bằng hợp pháp trồng cao su ở Gia Lai

                      

           Vậy tốt hơn hết, tôi cứ làm khách gió bụi, khách của miền sơn cước. Làm khách, thì sống bằng lý trí, hành xử nửa vời được. Không giúp được gì cho họ, thì ít nhất tôi cũng đang thực hiện được một hành xử tối thiểu là không chặt đổ một cành cây rừng đầu nguồn, bắn hạ một con thú, lấp đi một dòng suối, hay xẻ tan một ngọn núi. Vậy thì, chỉ mỗi cái xe máy băng băng trên đường thôi, và viết về cái đẹp, cái đẹp của trời và đất, bỏ qua thế tục, nỗi khổ cùng những buồn đau khó để kể thật của tha nhân.

 

               *

 

           Đi cho hết mùa của gió bụi, của hủy diệt đi, sẽ đến mùa của sáng tạo, tốt tươi, vì thế nào nước cũng về, khi trời đất đã chia đều vòng quay mưa-nắng trên thân thể cao nguyên này../

 

                                                                                                            

      Mùa khô 2013

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 2622
Ngày đăng: 18.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc báo 3 - Lê Văn Thiện
Cửa Đại – Thủy Triều còn vang - Nguyễn Hùng
Không còn dây chuông để gọi Võ Hồng - Lữ Quỳnh
Ăn Tết ở Mỹ, - Nguyễn Quang Chơn
Về Gò Vấp, Nhớ Những Mảnh Vườn Xưa - Phạm Nga
Miền cần lao - Nguyễn Hàng Tình
Đầu năm đi lễ phật, cúng thần - Phạm Nga
Dưới bóng hoang dã - Nguyễn Hàng Tình
Nàng thơ tuyệt vời của cha tôi. - Yến Lan
Hạnh Phương - Nguyễn Đạt
Cùng một tác giả