Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.381 tác phẩm
2.747 tác giả
431
116.584.830
 
Hai mảnh hồn , người trong kịch “Hồn trương ba da hàng thịt’ của Lưu Quang Vũ
Trương Quang Cảm

 

 

Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) giữa những năm 60 của thế kỷ XX sáng tác thơ. Đến đầu những năm 80 chuyển sang sáng tác thể loại sân khấu và trở thành kịch tác giả nổi tiếng nhất của văn học giai đoạn sau 1975. Lưu Quang Vũ sáng tác thể loại kich chưa đầy mười năm, nhưng đã để lại một khối lượng gồm năm mươi tác phẩm. Trong số ấy, vở kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt được coi là xuất sắc nhất. Vở kịch dựa trên một truyện kể dân gian, trong đó Lưu Quang Vũ sáng tạo rất lớn.Tác giả chuyển thể loại từ truyện kể sang thể loại kịch nói, với ngôn ngữ kich: đối thoại, độc thoại và xây dựng được những xung đột kịch mà trong truyện kể dân gian không có. Đó là những xung đột kịch như giữa Hồn và Xác, giữa Hồn và những người thân trong gia đình, giữa Hồn và Tiên Đế Thích. Qua những xung đột kịch ấy, người đọc thấy được hai mảnh hồn, người trong nhân vật của Lưu Quang Vũ có triết lí sâu sắc .

 

Trương Ba là người làm vườn giỏi, đánh cờ cao thường chơi cờ với tiên. Bị Nam Tào , Bắc Đẩu bắt chết nhầ. Tiên Đế Thích(TĐT), người hay chơi cờ thương tình cho Trương Ba sống lại nhưng gia đình đã chôn mất xác, bèn cho hồn nhập vào xác anh hàng thịt vừa chết một ngày. Hai bên gia đình giành nhau đưa ra quan xử.Quan hỏi bà Trương Ba, chồng bà trước đây giỏi cái gì? Bà Trương Ba nói: Ông ấy giỏi đánh cờ. Quan hỏi vợ anh hàng thịt: Chồng cô trước đây giỏi cái gì? Cô vợ đáp: Giỏi mổ lợn. Quan sai khiêng tới một con lợn và một con dao bén cùng với một bàn cờ đã sắp sẵn. Quan sai Hồn Trương Ba (HTB)mổ lợn. HTB loay hoay  mãi không sao mổ được. Quan bèn sai đánh cờ, HTB đánh cờ rất cao.Quan xử cho HTB về nhà bà Trương Ba.

 

Sau mấy tháng sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với những người thân trong gia đình và tự xung đột với bản thân mình. Hồn ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy  trào ra thành  dòng độc thoại đầy nước mắt: “không, không, tôi không   muốn sống như thế này nữa. Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi lắm rồi. Ta bắt đầu sợ mi, muốn rời xa cái thân thể kềnh càng thô lỗ ngay tức khắc”.

 

Lời thoại của Hồn là các  câu cảm thán, ngắn, lời văn dồn dập, hối thúc. Thể hiện tâm trạng căng thẳng, bức bách đau khổ, dằn vặt, quẫn bách đến cùng cực, không thể chịu đựng dày vò hơn được nữa nên vụt đứng dậy. Nghe Hồn tự độc thoại nói, Xác lên tiếng ngay: “ông không tách ra khỏi tôi được đâu”. Hồn hết sức ngạc nhiên vì Xác cũng có tiếng nói: “mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù”. Thấy Hồn vừa phủ định vừa khinh miệt mình, Xác khẳng định lại vị trí và tác động của mình: “Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến”, “sức mạnh ghê gớm, lấn át cả linh hồn cao khiết”.Hồn tiếp tục  phủ định tiếng nói của Xác: “Mày chỉ là vỏ bề ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”.


Nghe thấy Hồn đánh giá mình thấp kém, Xác hỏi lại đầy thách thức: “Có thật thế không?”. Câu hỏi của Xác khiến cho Hồn chùn bước và đuối lí, buộc phải dần nhượng bộ, xác nhận sự ảnh hưởng của Xác: “nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được”.


Lại bị Hồn tiếp tục khinh miệt, Xác nhận thức sự lợi lí của mình, nên chuyển sang châm chọc: “Khi ông ở bên nhà tôi… Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… Đêm hôm đó, suýt nữa thì…” Với bằng chứng cụ thể, Hồn xấu hổ và kiên quyết phủ định: “là mày chứ, chân tay mày, hơi thở mày”. Xác vừa khẳng định vừa hỏi xoáy lại để tấn công tiếp: “ Thì tôi có ghen đâu! Ai lại đi ghen với chính thân thể mình…nhưng ta nên thành thực: Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì? Để thỏa mãn tôi, chẳng nhẽ ông không tham dự chút đỉnh gì?”Như vậy Xác dẫn dắt Hồn vào sự thật không thể phủ nhận – Hồn ít nhiều đã bị vấy bẩn, tha hóa bởi dục vọng của thân xác.  Lí lẽ của Xác khơi trúng điểm đen mà lâu nay vì trú ngụ trong Xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba trong khiết đã bị hóa màu.Hồn đuối lí bất lực  bèn la to: “Ta… ta đã bảo mày im đi!” Lời thoại của Hồn ngập ngừng lí lẽ như bị hụt hơi.Hồn bị dồn vào chân tường để buộc phải công nhận sự chế ngự của Xác. Xác khẳng định một lần nữa: “Hai ta đã hòa làm một rồi”. Xác nhấn vào sự thật đau đớn mà Hồn đang muốn trốn chạy, muốn phủ nhận, đẩy tình huống kịch lên cao trào. Hồn chỉ còn Cố gắng biện minh chống chế cứu vãn: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”.  Xác vẫn không buông tha, tấn công bằng sự  mỉa mai “Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”. Trước sự thực không sao chối cãi, Hồn phản ứng tiêu cự bằng cách  “bịt tai lại”. Đó là  nỗ  lực chối bỏ trong  tuyệt vọng. Xác tiếp tục dùng lời lẽ hiểm hóc sắc lẹm như dao mổ, phanh trần nỗi đau đang tấy mủ trong Hồn. Đó là nhờ  sức mạnh của Xác mà Hồn có thể: “tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi”. Mặc dù cố bịt tai, nhưng khi nghe Xác nói như vậy Hồn phải lên tiếng chối bỏ“sức mạnh làm ta trở thành tàn bạo”. Xác khôn ngoan biết là lỡ lời nên biện minh cho mình bằng những lí lẽ: “là hoàn cảnh” “cũng đáng được quí trọng”, không có tội. Hồn chỉ còn phản ứng yếu ớt: “Nhưng...Nhưng”
 Nhận biết Hồn bị dồn vào thế bí, Xác đưa ra giao kèo thỏa hiệp để chung sống: Xác sẽ “ve vuốt” Hồn bằng cách thông cảm với “những trò chơi tâm hồn”, nhận hết mọi điều xấu miễn là Hồn vẫn “làm đủ mọi việc để thỏa mãn thèm khát” của Xác. Nhận thức “lí lẽ ti tiện” của Xác, Hồn than  như là tuyệt vọng , bất lực : Trời!
 

Vừa dứt cuộc đối thoại, HTB đang ngồi lặng lẽ bên cái chõng, thì vợ bước vào hỏi: “Cái Gái chưa về hả ông?” HTB thẩn thờ trả lời: “Chưa”  Vợ Trương Ba nói như để giải thích: “ Nó sang nhà cu Tị từ sớm. Cu Tị bị ốm nặng”. HTB không giấu sự ngạc nhiên nói: “Ốm Nặng? Vậy mà tôi không biết”. Nghe chồng nói thế, người vợ ra điều nói lẫy: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa. Cu Tị ốm thập tử nhất sinh… Khổ thằng bé ngon là thế…Cái thân tôi thì sao trời lại không bắt đi cho rảnh”. Không để vợ nói tiếp nữa, HTB cắt ngang: Sao bà lại nói thế . Nghe chồng nói, người vợ đi thẳng vào vấn đề mà bà đang ấm ức: “Tôi nói thật đấy …Ông TB ạ, tôi đã nghĩ kĩ …Có lẽ tôi phải đi”. HTB hỏi lại: “Đi đâu?”. Người vợ tiếp tục nói thực lòng với bao hờn dỗi: “Chưa biết ! Đi cấy thuê làm mướn…đi biệt để ông được thảnh thơi…với cô vợ người hàng thịt..Còn hơn là thế này?”. Nghe vợ nói, HTB chỉ còn biết kêu gào: “Bà! Sao lại đến nông nỗi này?” Vợ: “Chỉ tại bây giờ..(khóc)ông đâu còn là ông Trương Ba nữa….Thằng Cả đã quyết định bán khu vườn  để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt. HTB quá ngạc nhiên nói: “Thật sao? Không được!”. Nghe chồng phản đối bà vợ: “Ông bảo không được nhưng tôi biết sự thể sẽ dẫn đến như vậy. Ông sẽ đành ưng chịu như vậy”

 

Như vây bà Trương Ba là người vợ vị tha, nhẫn nhịn, hết mực yêu thương chồng.Nhưng trước sự đổi thay của chồng, bà cũng không sao chịu nỗi.Nỗi đau hiện tại còn kinh khủng hơn giây phút bà tiễn thân xác chồng khỏi thế gian.Còn HTB thì lời thoại ngắn, toàn câu hỏi. Điều này cho thấy HTB trong một tâm trạng  ngơ ngác, thảng thốt, thẫn thờ, đau xót. Kết thúc đợt thoại này Hồn Trương Ba chỉ còn biêt ngồi xuống tay ôm đầu.

 

Khi Hồn TB ngẩng lên thì thấy Gái đứng trước mặt, HTB kêu đứa cháu như là cầu cứu: “Gái, cháu!”. HTB nghĩ đứa cháu sẽ chạy tới nhưng thật bất ngờ, Gái lùi lại nói: “Tôi không phải là cháu của ông”. Câu nói như là gáo nước lạnh tạt vào mặt HTB. Nhưng HTB vẫn giữ bình tĩnh dịu giọng khẳng định: “  Ông đúng là ông nội cháu”. Nghe HTB nói, Gái nhanh nhảu phủ nhận: ‘Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về  được  sẽ bóp cổ ông”. HTB  vẫn cố ra sức thuyêt phục bằng những chứng cứ như: “ Sáng nào ông cũng ra cuốc xới  chăm chút cây cối  ngoài vườn …chỉ có ông nội cháu  mới biết quí cây như thế”.  Gái tiếp tục phủ nhận: “Ông mà quí cây à? Sáng qua ..chiết cây cam…bàn tay giết lợn  của ông đã làm gãy tiệt cái chồi non. Cái bàn chân to bè như cái lưỡi xẻng giẫm lên nát cả cây sâm quí mới ươm…”. Trước bằng chứng cụ thể, HTB phải ngập ngừng run run: “Ông không dè…Đấy là tại…”. Vẫn không buông tha, Gái còn kể tội thêm: “Còn cái diều của cu Tị nữa. .Ông cầm lấy đòi sửa.Ông làm gãy cả nan, rách cả giấy”.  HTB phải suýt xoa : “ Thế ư? khổ quá”. Được thể Gái lên án: “Ông xấu lắm ,ác lắm! cút đi!Lão đồ tể cút đi”.

 

Như vậy cái Gái là người yêu thương gắn bó với ông hết mực. Ông chết , đêm nào cũng khóc, nâng niu từng chút kỉ niệm của ông. Bây giờ lại  phản ứng dữ dội.Lời lẽ tàn nhẫn, phũ phàng. Chối bỏ, xua đuổi Hồn Trương Ba.  Phản ứng quyết liệt của một đứa trẻ vốn tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, chỉ có hai màu sáng tối, kiên quyết không chấp nhận cái xấu, cái ác đã khiến HTB run rẩy. Những lời nói của đứa cháu nhỏ, thêm một lần nữa xoáy khoét vào nỗi đau sâu thẳm của ông, để ông cảm nhận thấm thía bi kịch bị chính những người thân yêu chối bỏ.
 

Chị con dâu ở trong nhà bước ra  nghe thấy những lời cuối cùng của Gái.
Một mặt chị gọi theo con gái: “Gái, quay lại đây, Gái”.  Một mặt chị quay sang nói với HTB: “Thầy, thầy đừng giận con trẻ …Chỉ tại nó nghĩ thầy không phải là ông nội nó , con dỗ dành thế nào nó cũng không nghe (rưng rưng) khổ thân thầy”. HTB cảm thấy ấm lòng: “Đến lúc này, cả nhà chỉ một mình con vẫn thương thầy như xưa”. Người con dâu khẳng định thêm: “Hơn xưa nữa…nhưng thầy ơi con sợ lắm…mỗi ngày thầy một đổi khác dần… có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…làm sao giữ được thầy ở lại hiền hậu vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”? HTB lại thất vong buồn rầu nói: “Giờ thì con cũng…”? Người dâu vội chữa lại nói: “Thầy đừng giận nếu con đã nói điều gì không phải”. “Không ta không giận.Cảm ơn con đã nói thật.Bây giờ thì đi đi, cho ta được ngồi yên một lát”.HTB nói.

Như vậy người con dâu thấu hiểu và cảm thông cho cha chồng: “Thầy khổ hơn xưa nhiều lắm”, “thương hơn”. Đồng thời nhận thức một sự thật đau đớn: “làm sao để giữ thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”.
Trước những lời lẽ chân thực của con dâu, HTB “lặng ngắt như tảng đá.


 Qua ba lượt đối thoại , đối  thoại với vợ, HTB đau khổ đến độ thẫn thờ, đối thoại với cháu gái, đau khổ khổ đến độ run rẩy và đối thoại với người con dâu, HTB đau khổ lặng ngắt như tảng đá. Lưu Quang Vũ rất tài khi diễn tả nỗi đau khổ của HTB ở mỗi đối tượng một khác.Đó là bi kịch của HTB càng bị đẩy lên tới điểm đỉnh.Những người thân thiết nhất cũng không chấp nhận nỗi tình trạng hai mảnh hồn, người bất nhất của chồng, cha, ông mình. Con người Phương Đông vốn coi gia đình là nền tảng tinh thần. Mất nó, con người gần như mất tất cả, rơi vào trạng thái đơn độc, chông chênh.
 

HTB đi đến một quyết định dứt khoát thắp nhang khấn mời Tiên Đế Thích(ĐT). TĐT hiện ra nói: “ Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá không xuống chơi cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi… tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?”.Nghe thấy TĐT nhiêt tình gần gũi, HTB vào thẳng vấn đề : “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt  được nữa , không thể được!’.  ĐT quá đỗi ngạc nhiên hỏi: “Sao thế? Có gì không ổn đâu!”. HTB bèn nêu lên nguyện vọng của mình: “Không thể bên trong một đằng ,bên ngoài một nẻo được.Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. ĐT đả thông cho HTB hiểu: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả? Ngay cả tôi đây….Mà cả Ngọc Hoàng nữa…” HTB không tranh luận xem ai có được toàn vẹn mà nêu lên một thực tế: “Sống nhờ vào đồ đạc…đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết.”Nghe HTB trách móc,ĐT hỏi vặn lại: “Nhưng mà ông muốn gì”? HTB đòi hỏi quyết liệt hơn: “..thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên  si đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này…Nếu ông không giúp tôi sẽ nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn , xác anh hàng thịt cũng mất…”. ĐT không chịu  nói: “Tôi đã phạm phép trời một lần. Trên thiên đình người ta còn đang treo tội tôi đấy để chờ xét xử… và cái khó là sắp xếp cho hồn ông nhập vào đâu đây.”

Như vậy ĐT khẳng định một hiện thực là từ thượng giới đến hạ giới không ai được toàn vẹn cả.Phải  chăng đây cũng là thông điệp của Lưu Quang Vũ cảnh báo xã hội bấy giờ là từ trên xuống dưới đang có hiện tượng sống giả, không ai sống toàn vẹn. Tiên Đế Thích  không hiểu được những suy nghĩ của Trương Ba “con người trần giới các ông thật kì lạ”. Vị thần tiên quyền phép biến hóa, yêu mến Trương Ba nhưng rốt cuộc vẫn mang tầm nhìn, điểm nhìn xa lạ, không thể thấu hiểu những suy nghĩ trần thế. Phải chăng Lưu Quang Vũ muốn nói vấn đề muốn sống toàn vẹn là vấn đề rất phức tạp và đầy khó khăn , Hồn và Xác phải luôn thống nhất hài hòa trong một con người. Không thể có linh hồn thanh khiết trong một thể xác dung tục, tội lỗi.


Có như vậy, khi con người bị vấy bẩn bởi những dục vọng bản năng thì đừng chỉ đổ lỗi cho xác thân, và ngụy biện cho rằng  linh hồn của mình thì  cao khiết.  Trong khi mọi người từ trên xuống dưới đều sống giả, vậy mà HTB đòi dược sống toàn vẹn. Đó là thái độ sống cần có của con người: dũng cảm, dám đối mặt, thừa nhận những sai lầm của bản thân, để không bao giờ trốn chạy. Khi Đế Thích so sánh: không thể đổi tâm hồn cao quí của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt. HTB liền khẳng định: Tầm thường nhưng  đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau.

 

Đang khi ấy cu Tị chết , hồn đang bay lên. Đế Thích đề nghị, tôi  sẽ làm cho hồn ông nhập xác cu Tị. Như vậy anh hàng thịt được sống, hồn ông cũng có chỗ trú, cái thân thể bé nhỏ của  cu Tị   sẽ không bị mất đi. HTB suy nghĩ một lát rồi không chịu vì như thế sẽ gặp bao rắc rối. HTB xin  cho anh hàng thịt và cu Tị được sống, còn riêng mình “ tôi đã chết  rồi , hãy để tôi chết hẳn’. ĐT lúc đầu không chịu , cuối cùng  phải chiều theo ý của HTB

 

Qua đó Lưu Quang Vũ muốn nói với chúng ta: Cuộc sống thật đáng quí nhưng sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, không được là mình thì thật vô nghĩa. “Sống” đơn thuần chỉ là đời sống thực vật của phần người,  sống “toàn vẹn” cả hai phần hồn và người mới là đời sống đích thực của một con người toàn vẹn. Để có được ý nghĩa chân chính đó quả không dễ dàng.
 Chi tiết  cu Tị chết đẩy bi kịch đến chỗ “mở nút”. ĐT đề nghị cho HTB được nhập vào xác cu Tị. Như vậy anh hàng thịt được sống, hồn ông cũng có chỗ trú mà cái thân thể bé nhỏ  của cu Tị sẽ không bị mất đi


Nhưng Trương Ba tưởng tượng ra cảnh khi nhập xác đứa bé,  bao nhiêu phiền toái khác do sự vênh lệch hồn xác sẽ xảy ra. HTB không đồng ý vì mình  là ông già gần 60 tuổi, còn cu Tị đang tuổi ăn tuổi lớn , chạy nhảy vô tư …bà vợ và các con tôi xử sự thế nào khi chồng mình bố mình  mang thân một thằng bé lên 10? Làm trẻ con không phải dễ? Nhận thức của HTB rất tỉnh táo và sáng suốt. Khác với những đoạn đối thoại trước, lời của Trương Ba ở đây dày đặc, không còn cái ngập ngừng, yếu thế, mà tự tin, chủ động bày tỏ.


Quá trình đưa ra quyết định dứt khoát “chết hẳn”, Trương Ba đã thực hiện cuộc phục sinh tâm hồn mình.Người ta lại thấy một Trương Ba nhân hậu, vị tha độ lượng.HTB nhận thức được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.Cuộc sống đáng quí biết bao (Ông tưởng tôi không ham sống hay sao?), nhưng sống mà không được là mình (sống giả tạo) thì chẳng có lợi cho ai ngoài “bọn khốn kiếp” đục nước béo cò.

Qua đoạn đối thoại, tác giả gửi gắm những quan niệm của tác giả về hạnh phúc, sự sống, cái chết. Có thể nói nếu  mâu thuẫn kịch giữa Hồn và Xác  là một sáng tạo độc đáo thì mâu thuẫn kịch giữa Hồn TB và Đế Thích tuy không độc đáo bằng nhưng mỗi lời thoại  được coi như châm ngôn, chân lí.
 

Văn học của ta trước 1975 và gần mười năm sau 1975 sáng tác theo khuynh hướng sử thi. Tác phẩm phải đơn nghĩa,  không chấp nhận nội dung tác phẩm được biểu hiện dưới nhiều mặt. Vở kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt được viết xong 1981 nhưng mãi đến 1984 mới được công diễn. Đây là một tác phẩm đa nghĩa.Một trong những tác phẩm đi đầu cho văn học đổi mới. Dựa vào truyện kể dân gian và thông qua hai mảnh hồn, người( hồn và xác) Lưu Quang Vũ phê phán lối sống chỉ coi trọng phần hồn mà coi thường phần xác , hoặc chỉ coi trọng phần xác mà coi nhẹ phần hồn và mạnh dạn phê phán lối sống giả, đang phổ biến bấy giờ. Sau ngày giải phóng chỉ có sáu năm mà Lưu Quang Vũ đã nhanh chóng phát hiện về một tượng sống xấu trong xã hội.Đó là lối sống bên trong một đường bên ngoài một nẻo.Miệng nói đạo đức liêm chính nhưng bên trong chẳng đạo đức liêm chính. Đồng thời tác giả còn cảnh báo lối sống ấy rất nguy hiểm, chẳng có lợi cho bản thân, gia đình , xã hội mà còn di hại lớn cho xã hội. Triết lý sâu sắc của tác phẩm là ở chỗ đó.

                                                                                                                                   

 

Trương Quang Cảm
Số lần đọc: 8109
Ngày đăng: 18.04.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đổi mới sân khấu toàn bộ sân khấu - Tuấn Giang
Cần đổi mới sân khấu - Tuấn Giang
Tôi Tên Là Louis Amsterdam - Nguyễn Quỳnh USA
Sân Khấu Mộc Thầu Hý - Giá Hai. - Tuấn Giang
Sang-Đi Đừng Để Em Mong! - Nguyễn Quỳnh USA
Vài Ghi Nhận Về Kịch - Nguyễn Vy Khanh
Sơn Ca 1 - Sâm Thương
Sơn Ca 2 - Sâm Thương
Sơn Ca 3 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 1 - Sâm Thương