Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.544.263
 
Có một ngày gọi là ST-Valentin
Hồ Đình Nghiêm

 

 

Anh thường ra ngồi ngoài quán, hầu như mỗi ngày, chẳng thay đổi địa điểm. Cà phê ở đó ngon, sự tĩnh lặng, ánh sáng vừa phải, trang trí đẹp, thoáng; và sau hết, ít có những cặp mắt tọc mạch ngầm dọ hỏi mấy đứa lỡ nấn ná câu giờ như anh. Cái mà anh không thích là lắm khi anh chợt nhìn ra, sợ hãi về nỗi cô đơn luôn vây khổn anh. Anh tính bỏ thói quen chẳng lành mạnh ấy đi thì một hôm bất chợt anh phát hiện có người con gái. Cô ngồi góc khuất, cũng lẻ loi một mình. Cô là khách quen, anh đoán thế, qua điệu bộ có vẻ thân thiện của đứa pha cà phê.

 

Chẳng hiểu do đâu anh tự đánh cuộc, cô ấy là người Việt. Nào có gì đặc thù để võ đoán đó là một người đồng hương? Có thể hồ đồ để nương nhờ vô hai chữ: Linh tính. Anh là người nhạy cảm. Và thông thường, nhạy cảm nó làm mình liêu xiêu ít nhiều nếu giác quan bù trất, trông chim hóa bướm. Để kiểm chứng anh làm mặt dày mày dạn tới gần làm quen. Có người bày: Đẹp trai không bằng chai mặt. Ừ, thì đôi khi cũng nên ca cải lương cho vấn đề được tới. Hiệu nghiệm, cô vui vẻ cho anh ngồi ghế đối diện. Chẳng sai, cô người Việt, in tuồng sinh ở Đà-nẵng, giọng khó nghe ra lúc ban sơ nhưng thánh thót rót vào tai khi đã có trớn, nhăng cuội toàn chuyện nắng mưa, nhưng vui thú. Cô có đôi mắt to, chút phiền muộn đọng chiếu. Trên vách treo bức tranh in lại chân dung thiếu nữ của Modigliani. Đôi mắt đó, nhãn quang này e thập phần chẳng sai biệt mảy may. Anh kiếm ra cớ để gợi chuyện và cô xì một tiếng. Chữ “xì” chẳng nói rõ điều gì. Chê bai? Phủ nhận? Hay ngụ ý: Xưa rồi Diễm, trăm người đều nói với ta có ngần ấy điều, chả mới lạ. Ngoài cửa sổ linh hồn ấy ra ta chẳng còn gì nổi bật ư?

 

Anh đi mua thêm một tách cà phê sau khi hỏi thứ mà cô đang uống. Mời. Anh nói. Cô bảo: Eo ôi, nhiều quá, dung nạp gắt, sợ táo bón. Một nửa thôi. OK? Cô sớt chia, đổ vào cái tách men có in vệt son môi còn ướt. Màu đỏ lấm lem nọ làm cho men sứ trắng trở nên nhạt nhòa. Anh thích sự vấy bẩn kia, tưởng tượng ra cái rít rát của nó dán chặt vào mồm miệng luôn khô khát của mình…

 

Chưa bao giờ anh thấy thời gian trôi mau như vậy mỗi khi được chuyện trò cùng cô. Binh pháp có câu: Dục tốc bất đạt. Mà ngay cả cẩm nang dành cho đầu bếp cũng thế. Lửa riu riu, vớt bọt cho tới hồi nước trong, đậy nắp lại. Đi đâu mà vội? Anh biết, nên anh dằn lòng chẳng nói ra cảm xúc đang réo sôi, chực trào. Khi xét thấy thời cơ đã đến, hoàn cảnh thuận lợi, có nghĩa là sau khi đã “cúng” cho quán nước đó trên dưới 500 đô, mòn nhẵn chỗ ngồi, anh bắt đầu nhập đề. Thằng cha đầu bếp đang chuẩn bị mở nắp, xem xương thịt đã nhừ chưa, cần gia giảm bột ngọt mì chính? Anh bóng gió một câu, cô như không nghe rõ. Cô ngó ra đường:  Hình như ông chẳng có một người bạn nào cả? Có chứ, có chứ. Nó bận bịu vợ con, lại thêm Tết đến nó lu bu chuyện cúng kiếng. Hồi hôm tao tắm táp sạch sẽ, cả mụ vợ cũng thế, đợi giao thừa tao liền đốt cho mụ cái pháo tống, la bai bải. Cái gì? Ồ, nó trêu ngươi, nó dem thèm tôi vậy mà. Có biết đốt pháo tống là gì không? Cô có vẻ nản, mặt cúi xuống, như thể đang ngó cái đầu gối. Cô không thích ỡm ờ, cô chẳng ưa đoán già đoán non, cô ghét nói xiên nói xẹo. Ưa gì thì nói rõ cho bà con nhờ, cha nội!

 

Cô gọi anh bằng ông, xưng tui. Cô trên ba mươi, đã từng làm vợ thằng đàn ông may mắn nào đó. Cô ra ngồi ngoài quán vì đang độc thân tại chỗ, có thể cô mượn khung cảnh ấy để làm vơi chút sật sừ hư hao sau đổ vỡ. Đường tình cô đi hơi ngắn, chẳng êm ả từng cây số, như thể leo lên tới đỉnh đèo Hải-vân thì chết máy, vì nguyên cớ gì thì anh không tiện hỏi. Anh rất mong là cô vất bỏ mọi thứ trên đèo heo hút lạnh để đón xe lui lại nơi xuất phát và anh là đứa lái xe ôm định mệnh kia. Cô hỏi tuổi anh. Năm mươi, anh man khai, cố giảm thiểu đôi ba năm cho đỡ già nua. Anh tin là cô chẳng phát hiện điều gian dối, và nếu biết sự thật thì có gì để phiền hà ở sự chênh lệch tuổi tác kia? Phải mà vợ chồng thì họa may “gôm”, cho nói lại, bởi như vậy trông chẳng xứng đôi vừa lứa, ngó lệch lạc, mất sướng. Già chết trước, dĩ nhiên, già xanh cỏ vất trẻ hồng nhan làm góa phụ mình ên, kể cũng nản. Ngay tình, hơn hai mươi năm là hố sâu cách biệt ấy, không chắc đứa tra có hột như anh lại khôn nẻ vỏ bằng cô. Cô thông minh, nhiều giác quan, nhiều linh tính, cô có thể đọc ra những âm mưu vừa chớm nẩy mầm trong trí anh, điều đó khiến anh đâm ngu ngơ vụng dại như thằng con trai mặt đang nổi mụn giọng đang bể tiếng. Lúng túng là trạng thái quen thuộc luôn đứng án giữa anh và cô. Như xăng pha nước làm máy nổ thậm thụt chạy cà rịch cà tang qua bao đèo cao núi lớn mãi bày biện.

 

Đầu năm, cô nói: Ông chưa lì xì cho tui! Chết chửa, anh than thầm. Hơn ba mươi năm lưu lạc, chưa ai lì xì cho anh cái gì cả, chính điều này làm anh quên thứ tục lệ oái ăm kia. Anh cố nhớ lại những ngày tết xưa rich và anh đồ rằng e lớn tuổi thì phải luôn lì xì cho đám hậu bối. Sao cô không làm một cuộc cách mạng nhỉ? Cô hào phóng đảo ngược lề thói hủ lậu kia để đường bệ lì xì anh bất kể một thứ bé tẻo teo làm bằng cớ mấy tháng quen nhau. Anh khổ sở tìm kế hoãn binh, cực lòng đánh trống lãng; và anh hứa có ngay có ngay, tới liền tới liền. Ngay và liền, có liền ngay được quy ra bằng đơn vị tuần. Mất bảy ngày đêm kiên cường bám trụ chiến đấu cùng laptop anh hoàn thành một truyện ngắn gửi đăng báo mạng nóng sốt làm quà mừng tuổi cô.

 

Hồi âm, trong email cô viết: “Tui hổng ưa món lì xì đó. Chữ nghĩa ông hoang dàn trời thiệt không hợp tạng tui. Sẵn, tui cũng bộc lộ, tui ngán X, PG-13 thì OK.” Tắt máy, buồn câm, giận lẫy cuộc đời anh chui vào giường nằm trùm chăn phủ đầu ngộp thở. Cảm giác như bị chìm xuống đáy, đắm đuối và trên mặt sông rộng mọi thứ vẫn tuần tự diễn trôi, lãnh cảm. Anh là đứa lái xe ôm và thắng xe đang hỏng, xe đổ đèo rợn cảm, muốn cảnh vật ngừng trôi chỉ có nước đâm đầu vào núi hoặc lòn lách nhắm hướng suối khe. Anh ngủ với ác mộng trong ba bữa tết căm lạnh. Anh câm lặng, tự đánh cuộc: Cô sẽ viết một cái email khác?

 

Khi buổi chiều giũ áo, bóng tối được đẩy lui bằng hai dãy đèn vàng đồng loạt mở bừng những con mắt. Con đường rộng ra, nhợt nhạt một chắn lối chẳng rõ mặt. Vẫn là nỗi bất an quen thuộc, rình rập khi anh dẫm bước trên lối đi nhiều giá băng. Gió táp vào mặt, rát bỏng và sau đó là cái tái tê chai lì, cộm cứng, mất phản ứng. Từng căn chung cư vuông vắn nhạt nhòe màu gạch không phủ sơn, trồi ra thụt vào để giữ lấy sự ghẻ lạnh cố hữu. Đồng dạng ở bề mặt, nhưng hoạt cảnh sẽ thay đổi trong từng căn hộ. Có thể nó nhốt sinh khí đầm ấm của một gia đình đang quây quần bên mâm cơm, có thể kẻ độc thân đang trụng mì ăn liền ở căn đối diện đầy quạnh quẽ, có thể hai đứa trẻ đang ngồi chơi game trước TV ở tầng dưới. Và có thể, trên tầng ba, người đàn bà ngồi trước computer gửi đi những tin nhắn: Làm sao tui có thể nói hết? Ông tới tui khoảng 7 giờ, dị đi hén.

 

Bảy giờ, cửa mở, anh ngó thấy một bán diện. Chỉ nửa khuôn mặt, chẳng biểu lộ toàn phần sự cảm xúc. Có thể nửa kia đang vui, cũng có thể phần khuất che đang mang chút phiền muộn. Cửa không rộng mở như rụt rè luôn chiến thắng một hân hoan, như hàng xóm rình rập và gặp gỡ này là hành động của kẻ phạm pháp. Anh từng có khi hành nghề đi giao Pizza, thường thì người đặt hàng vui vẻ mở rộng cánh cửa, mở toang hoác, thậm chí họ cả tin để quay lưng vào lấy tiền mặc tình anh có thể đứng quan sát những đồ vật bày biện tùy thích. Anh có thể cầm dao đâm ai đó, nếu muốn. Anh có thể lấy đi bất cứ thứ gì, nếu ưng. Bất cẩn hoặc đề phòng cảnh tỉnh đều vô nghĩa đối với phường bạc ác bởi cánh cửa đã mở ra. Anh lách người vào và anh phát hiện cái phong phanh có trên y phục của gia chủ. Áo xống ấy tựa một cánh cửa chỉ khép hờ hững, quên khóa. Anh đóng cửa bằng lưng, lẳng lặng khom mình cởi giày. Trên tấm thảm nhỏ kề cận có đôi dép để sẵn, dép đàn ông, anh mang nó với câu nói từ cuốn phim nào chợt hiện: Tôi không ngại mang giày cũ đâu! Là sao? Là cũ người nhưng mới ta? Sao tình yêu lại mang giày dép vào trong? Dẫm lui dẫm tới.  Có chà đạp không?  Thật bậy bạ!

 

Gia chủ đi vào bếp pha cho anh cốc cà phê chẳng màng hỏi han. Giam giữa bốn bức tường là nỗi lặng yên đang dấy lên một bồi hồi. Bồi hồi ngay cả tiếng ly tách va chạm, tiếng muỗng khuấy động và tiếng dép lê. Cà phê này tui mua ở quán ấy, thứ mà ông vẫn uống. Khói tỏa trên dung dịch đen, sóng sánh khi tách cà phê đặt xuống bàn. Cô kéo ghế, ngồi đi. Mặt bàn nhỏ, hai ghế đứng chầu hai bên, trên bàn cái laptop vẫn hoạt động. Như thể khi anh tới cô vẫn đang cắm cúi vào màn hình. Có gì lạ không? Anh hỏi rồi ngồi vào chỗ cô vừa định sẵn. Chị tui tên Đoan Trang, năm mươi hai tuổi, đang sống ở Quảng-ngãi, có cửa hàng thời trang. Bây giờ bên đó là bảy giờ sáng, tui có nói trước rồi, thích nói chuyện trực tiếp không, tui mở skype. Ông muốn tui đổi cách xưng hô? Tui sẽ gọi ông là anh, ông anh rể, ô-kê? Xem như năm mới tui lì xì ông một tin vui.

 

Cà phê đắng, muôn đời là thế. Anh uống không hết bởi nghẹn cứng một vật cản, thêm đường thêm mật thêm sữa cũng hoài công. Anh nuốt nước bọt, anh không ngờ cô là nhà soạn kịch và cô viết ra một kịch bản đậm chất khôi hài đen. Chị tui thích đọc truyện ông, nhất là những đoạn ông ưa dặm muối thêm mắm cho giường chiếu chăn gối lệch lạc nát nhàu. Cũng tội, bả vắng đàn ông đã lâu. Ông biết không? Tui hẹn ông tới hôm nay vì đây là ngày lễ tình yêu. Rất ấn tượng cho hai người.

 

Vậy sao? Anh ngạc nhiên. Chúng ta có nên đi tìm một quán ăn không? Ừ, ngày cho tình yêu, ấn tượng thật. Năm hai tuổi, ông chê già? Phải dòm mặt trước rồi hẳn quyết định. Chị tui để dành được mười ngàn đô, sẽ trao vào tay người mang chị ấy sang đây.

 

Anh bước lại cửa, mang giày. Tròng vào thân mũ mão khăn quàng áo ngự hàn. Cô vẫn ngồi yên trên ghế, mặt chẳng biểu lộ điều gì. Có khi cô từng là ngọn lửa giúp anh ấm người, có khi cô hiện thân là tảng băng sừng sững làm ngay cả chim chóc cũng biết vội bay lánh xa sự khắc nghiệt của lạnh lẽo, dễ đổ bệnh. Hơn ba mươi năm anh chưa được ai lì xì, hơn ba mươi năm anh khuấy quên một tờ lịch in đỏ ngày St- Valentin.

 

Anh tự mở cửa, tự đóng lại. Bước ra đường, gió tạt vào mặt anh buốt đau vết cắt lạnh thường hằng. Đường không ai, trống vắng. Đèn vẫn thắp đỏ và đèn chiếu dưới chân anh một bóng đen kẻ đồng hành, thoạt gầy thoạt béo thoạt ngắn thoạt dài, và cả hai đi trong câm nín, co ro.

 

 

Hồ Đình Nghiêm
Số lần đọc: 1745
Ngày đăng: 04.02.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang băm làm Quan đầu triều - Lê Huỳnh Thanh Tâm
Thi sĩ và thiếu nữ - Võ Công Liêm
MẶT NẠ - Trần Thanh Hà
TẢ TƠI - Nguyễn Hồng Nhung
Đãi kiến một bữa - Quế Hương
MƯỜI NĂM VÀ BẢY NGÀY - Ngô Thị Ý Nhi
N Ụ - Võ Công Liêm
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI - Thụy Vi
ÔNG LÃO BÁN ĐẬU PHỘNG RANG - Nguyễn Phương
Nụ hôn trầm tích - Từ Sâm
Cùng một tác giả
Mặt chuột (truyện ngắn)
Hư ảnh (truyện ngắn)
Cá không ăn muối (truyện ngắn)
Trắng xóa màu đêm (truyện ngắn)
Đơn thân (truyện ngắn)
Dáng lụa (truyện ngắn)
Phong thư tình (truyện ngắn)