Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
735
115.995.646
 
Khai Quật Di Tích Gò Ngục, Thanh Hóa
Trần Anh Dũng

 

Phía nam thành Nhà Hồ có khá nhiều kiến trúc phụ hợp thành hệ thống kiến trúc hoàn chỉnh của một tòa thành được coi là Tây Đô. Hiện tại các nhà Khảo cổ học mới tìm được một phần trong số các kiến trúc phụ đó. Di tích Gò Ngục (còn gọi là Góc Ngục, Gò Ngục Lớn) thuộc thôn Xuân Giai thuộc  xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là một trong số những kiến trúc phụ được phát hiện và khai quật gần đây. Theo truyền lại, Gò Ngục là nơi giam giữ các tội phạm của triều Hồ.

 

Cuối năm 2011 - đầu năm 2012, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ khai quật di tích Gò Ngục với diện tích 700m2.

 

Đợt khai quật này đã tìm được 2 lớp nền kiến trúc chồng lên nhau, theo thứ tự từ dưới lên trên, như sau:

 

Nền kiến trúc thời Trần – Hồ

 

Đây là gò đất đắp, dưới cùng là lớp đất gốc bị laterite hóa, có nhiều sỏi đầu ruồi màu đen nhạt. Lớp nền thời Trần – Hồ rất dày: 0,56m – 0,65m, sét màu xám vàng, được đắp chồng lên trên nền đất gốc.  Đáng lưu ý là trên bề mặt nền sét còn lưu lại một số viên đá vôi tương đối vuông vắn hình tứ giác. Hai viên lớn nhất dài từ 30cm – 40cm, rộng từ 20cm – 25cm và dày từ 20cm – 25cm. Nhiều khả năng đây là những chân tảng còn sót lại của kiến trúc thời Trần – Hồ. Khoảng cách giữa các viên 3,1m. Ở góc phía đông bắc của hố còn lưu lại 1 hàng gạch bìa, tương đương với mặt bằng của các viên đá vôi (từ 0,94 đến 0,96m), đã cho thấy nền kiến trúc được lát bằng gạch bìa lát nền. Có vẻ như kiến trúc được xây dựng rất tềnh toàng, không tìm thấy các trang trí kiến trúc, ngói sen hoặc những đồ gốm Trần – Hồ cao cấp. Nền kiến trúc có diện tích đúng bằng mặt gò (bắc nam 25m x đông tây 28m). Ngoài gạch bìa, trên nền kiến trúc thời Trần – Hồ còn phát hiện một số viên gạch hình múi bưởi màu xám, màu đỏ, không trang trí hoa văn, chất liệu và kích thước khác với thời Hán – Đường.

 

Tại khu di tích thời Trần Hồ ở xã Lang Đạo – Tuyên Quang, chúng tôi cũng tìm được hàng trăm viên gạch cùng loại. Chắc chắn là thời Trần – Hồ có sản xuất loại gạch múi bưởi.

 

Di tích cống thoát nước

 

Cống thoát nước ở hướng bắc, gần giữa gò, nằm thấp hơn so với nền kiến trúc lát gạch bìa  thời Trần –Hồ từ 6 – 18cm. Đầu cống nối với nền kiến trúc. Nước thải sẽ theo cống thoát về hướng bắc. Cống gần như còn nguyên vẹn, được làm bằng đá vôi xám xanh, dốc theo chiều bắc nam, 2 thành và nền cống được kè bởi các phiến đá vôi và đá phiến xám xanh, dài 3,3m (bắc nam) và rộng 0,58m (đông tây),

 

Kỹ thuật xây và kè cống không dùng chất kết dính ở Gò Ngục, cùng với chất liệu đá, rất giống với các cống thời Trần – Hồ tìm thấy ở đàn Nam Giao.

 

Nền kiến trúc thời Lê Sơ

 

Nằm chồng lên trên nền kiến trúc thời Trần – Hồ là nền kiến trúc thời Lê Sơ, được đầm bằng chính những mảnh ngói của nền kiến trúc Trần – Hồ cùng với ngói, mảnh gốm men, mảnh sành thời Lê Sơ. Nền kiến trúc thời Lê Sơ dày rung bình từ 12cm – 15cm. Đáng chú ý lớp nền này cũng nằm chồng lên lớp gạch bìa như đã nói ở trên.

 

Hiện vật thời Trần – Hồ

 

Đồ gốm men gồm các dòng men, men ngọc, men trắng, men xanh lá cây và 2 màu men (trong trắng ngoài nâu. Đồ sànhchủ yếu là mảnh lon.

 

Hiện vật thời Lê Sơ

 

Chiếm số lượng lớn, trong số những đồ gốm phát hiện ở đây có cả những đồ gốm trắng cao cấp, trong số này có bát lòng in sóng nước hình vảy cá, giữa lòng in chữ Phúc, gốm hoa nâu. Đồ gốm hoa lam hầu hết là đồ bình dân.

 

Đồ sành: tại đây phát hiện một số lượng lớn đồ đun nấu bằng sành và đất nung cùng khá nhiều đồ sành còn nguyên dáng như: vò, lọ, lon.

 

Vật liệu kiến trúc: phát hiện rất nhiều mảnh gạch bìa thời Trần – Hồ, mảnh ngói mũi vát thời Trần - Hồ và thời Lê, cùng một số mảnh ngói âm dương màu xám thời Lê so.

 

Kết quả khai quật đã cho thấy ở di tích Gò Ngục ít nhất có 2 niên đại, được thể hiện qua 2 nền kiến trúc và hiện vật.

 

Giai đoạn đầu thuộc thời Trần – Hồ.

 

Truyền thuyết trong vùng đều nói rằng đây là khu vực nhà ngục giam giữ tội phạm của triều đình ở thời Trần – Hồ. Điều này có vẻ hợp lý khi mà ở đây chỉ phát hiện được dấu vết kiến trúc đơn giản, nếu không muốn nói là sơ sài, với sự vắng mặt của ngói mũi sen, các loại hình trang trí kiến trúc như đã từng thấy trong các kiến trúc xung quanh khác của thời Trần – Hồ.

 

Đồ dùng sinh hoạt thời Trần – Hồ quá ít, vắng mặt những đồ gốm cao cấp cũng phần nào phản ánh tính chất của di tích.

 

Sự có mặt của những viên gạch múi bưởi hẳn liên quan đến những hầm ngục giam giữ những tội phạm nguy hiểm.

 

Giai đoạn thứ 2 ở thời Lê Sơ thế kỷ 15  - 16.

 

Thế kỉ 15, di tích có thể đã thay đổi mục đích sử dụng, khi mà ở đây đã tìm thấy một số đồ dùng gốm sứ cao cấp như chậu gốm hoa nâu, sứ men trắng mỏng cao cấp. Cuối thời Lê Sơ, trong cuộc chiến tranh Lê-Mạc, cùng với sự triển khai những công trình quân sự ở bên ngoài các cổng thành, thì ở khu vực phía tây nam và đông nam có một số kiến trúc có thể là những đồn binh hoặc trại lính để bảo vệ vòng ngoài của Thành Nhà Hồ. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi ở cổng thành phía nam phát hiện ra một lũy đá hình móng ngựa ở 2 bên sườn phía đông tây của cửa Nam và ngay tại mặt chính diện của cổng Nam có sự tăng lên đột biến của đồ gốm bình dân, mà chủ yếu là bát đĩa, vò, lọ, có thể là đồ dùng sinh hoạt của các quân sỹ đồn trú. Bên cạnh những đồ gốm này còn có một số ít đồ gốm cao cấp như bát men trắng in các chữ hán: Quan, Chính, Vương… cùng với bình tỳ bà, bát đĩa hoa lam trang trí đẹp… Có thể là những đồ dùng của một số quan chỉ huy cao cấp.

 

Như vậy, có thể nói đến thời Lê Sơ, Gò Ngục đã chuyển đổi tính chất từ nơi giam giữ tội phạm đã chuyển thành nơi đồn trú của các binh sĩ phòng thủ bên ngoài thành, hỗ trợ cho 2 bên sườn của lũy hình móng ngựa trước cổng thành.

.

Ngoài di tích Gò Ngục ở giữa, ở phía đông và tây còn có 2 gò khác hiện đã bị phá hủy, nhân dân cho biết cũng tìm được khá nhiều đồ gốm tương tự. Rõ ràng là, qua niên đại của đồ gốm, chúng ta có thể hình dung được trong cuộc chiến tranh Lê – Mạc đã có không ít các công trình công sự, trạm lính, cùng sự gia tăng của các binh sĩ đồn trú tập trung ở xung quanh để bảo vệ Thành Nhà Hồ.

 

Kết quả của cuộc khai quật đã cho thấy truyền thuyết về Gò Ngục chỉ đúng với thời Trần – Hồ, ở thời Lê Sơ di tích này không còn đúng với tên gọi của nó nữa. Những biến cố ở thời Lê Sơ đã làm thay đổi nhiều bộ mặt Thành Nhà Hồ và các khu vực xung quanh.

 

 

Cảnh quan di tích Gò Ngục-Mặt bằng nền kiến trúc thời Lê sơ-Cống thoát nước

 

 

Đồ gốm men thời Lê Sơ phát hiện được ở Gò Ngục

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 2379
Ngày đăng: 03.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Số Đồ Gốm Men Cao Cắp Đặc Sắc Phát Hiện Được Ở Thành Nhà Hồ Thanh Hóa - Trần Anh Dũng
Khai quật di tích thành nhà hồ lần thứ 3 - Trần Anh Dũng
Trang trí diềm mái thời Trần - Hồ ở đàn Nam Giao (Thanh Hoá) - Trần Anh Dũng
Ngói bít đốc ở đàn Nam Giao nhà Hồ - Thanh Hoá - Trần Anh Dũng
Biên Hòa – Từ màu men xanh đồng trổ bông - Đinh Lê Na
Gốm Chăm Bầu Trúc - Lê Ký Thương
Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt Văn - Hà văn Thùy
Thềm Biển Đông – Chiếc Nôi Của Người Việt - Hà văn Thùy
Một Số Loại Hình Gốm Men Qua Cuộc Khai Quật Địa Điểm Đoan Môn Và Bắc Môn - Trần Anh Dũng
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)