Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.000.642
 
Lê Hoàng Hoa: Người dựng nên lịch sử ngành truyền hình không chỉ của Việt Nam Cộng Hòa
Lê Hải*

 

Vậy là người bạn lớn và hàng xóm của tôi nhiều năm ở Warszawa đã ra đi nhẹ nhàng ở Sài Gòn, để lại nhiều di sản lớn mà chỉ mỗi cái tên Lê Hoàng Hoa là đủ để nói lên tất cả. Chỉ có điều, người dân miền Bắc và lớp trẻ lớn lên sau 1975 chỉ biết đến anh qua bộ phim Ván Bài Lật Ngửa - câu chuyện từng khiến không ít những người bạn cũ bên các nước phương Tây có thời phản đối anh rất dữ. Thế nhưng, nếu bạn đi vượt biên thất bại và vợ con đều chết, bản thân ngồi tù, bộ phim Chân Trời Tím được bày bên cạnh bộ truyện chưởng Kim Dung trong nhà Trưng bày tội ác Mỹ Ngụy, thì bạn còn lựa chọn nào khác hơn là đi làm phim cho một ông cán bộ đang làm vua trong ngành văn hóa văn nghệ ở Sài Gòn lúc bấy giờ - Trần Bạch Đằng? Không đơn thuần là cúi đầu phụng sự, mà Lê Hoàng Hoa đã xây dựng lại hoàn toàn một câu chuyện đầy chất phim với những nhân vật đi vào lòng người xem từ mọi tầng lớp và quan điểm chính trị, từ vai chính đẹp trai mặc măng tô trong rừng cao su giống như "16 khoảnh khắc mùa xuân", cho đến "gã đầu bạc" với những chiếc xe sport mui trần làm nên sắc thái cho Sài Gòn. Có lần ngồi trong quán cà phê ưa thích của anh dưới chân nhà trên đường Marszalkowska, Lê Hoàng Hoa hào hứng kể lại chuyện anh ra điều kiện với "đồng chí Tư Ánh" (bí danh của Trần Bạch Đằng) rằng phải đưa Chánh Tín ra khỏi trại giam, cũng vì tội vượt biên, về thủ vai chính, và không can thiệp vào chuyện làm phim. Thực vậy, nhờ anh Hoa mà khán giả Việt Nam, nhất là người miền Bắc biết được thế nào là văn hóa tiệc đứng, văn hóa khiêu vũ, văn hóa trượt ván nước, được thưởng thức bộ ngực đẹp trên màn ảnh, được xem cảnh rượt đuổi xe hơi trên đường đèo không kém gì phim Mỹ, được xem đoàn rước trên lưng voi hoành tráng không kém gì phim da đỏ của Đức, được theo dõi những màn đấu trí thông minh hồi hộp không kém gì các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết. Giới làm phim trẻ ngày nay vẫn còn tiếp tục học được rất nhiều kinh nghiệm từ bộ phim kinh điển này. Bản thân Lê Hoàng Hoa thì nhờ bộ phim này mà gượng dậy được sau biến cố và mất mát; giai đoạn làm phim đó đã đền bù cho anh một người vợ - đẹp như ca sĩ Thu Cúc mà những ai sống ở Sài Gòn thời 1970s-1980s chắc còn nhớ - và một cô con gái rượu nay đã thành một nhà tạo mẫu thành đạt ở London.

 

 

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa trên phim trường

 

Nhưng chắc ít ai biết hay nhớ đến một Lê Hoàng Hoa từng là giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Cộng Hòa, một Lê Hoàng Hoa từ năm 1958 đã lăn lộn khắp Việt Nam quay phim tài liệu cho USSOM, và một Lê Hoàng Hoa từ những ngày đầu tiên nhất của TV ở Việt Nam. Thời gian đầu suốt một năm rưỡi liền khi còn chờ xây anten và phải tạm phát sóng bằng máy bay trực thăng, anh đã vất vả chạy cho chương trình mỗi ngày, vừa phục vụ Sài Gòn vừa chuyển băng về các tỉnh ngay sau đó. Hết 15 phút "cúng cụ" bằng thời sự phục vụ tuyên truyền nhà nước với 7 bộ ngành luôn chực chờ kiểm duyệt cắt bỏ, là đến các chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ công chúng, với nhạc tiền chiến và cải lương, và nhất là những bộ phim kinh dị "kể lúc không giờ". Ký ức từ những năm tháng đó mới thực sự làm gương mặt của người đạo diễn tài ba sáng rực lên khi nói chuyện, hơn cả hai bộ phim anh tâm đắc là Ván Bài Lật Ngửa và Con Ma Nhà Họ Hứa. Dường như Lê Hoàng Hoa sinh ra để làm phim, và chỉ làm phim theo phong cách Mỹ. Nên nhớ thời tuổi trẻ của anh vào giữa thế kỷ 20, nước Pháp mới là biểu tượng văn hóa của người Việt và trung tâm văn minh của thế giới. Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Việt Nam chỉ là ba văn phòng của USSOM tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn đặt từ năm 1952. Và, cậu thanh niên đẹp trai từ Nha Trang về sống cùng gia đình ở Huế, Lê Hoàng Hoa, chỉ miễn cưỡng học tiếng Anh - qua quyển giáo trình bằng tiếng Pháp do người thân gửi từ Paris về - chẳng qua chỉ vì lương bổng ở văn phòng này cao hơn công chức thuộc Pháp mà thôi. Đến khi nhận vé máy bay sang Mỹ du học anh vẫn cùng người bạn từ văn phòng Sài Gòn rủ rê nhau bỏ trốn khi transit ở Paris. Mãi 6 tháng sau vì nghe bà dì cằn nhằn mỏi tai nên mới đành lên sứ quán Mỹ trình diện và chịu sang Mỹ học, với điều kiện đi theo ngành mình thích: điện ảnh. Như cậu bé trong bộ phim kinh đển Cinema Paradiso, Lê Hoàng Hoa mê phim từ bé, lúc Việt Nam còn cắt dán những đoạn phim rời chiếu câm trên tường cho người hiếu kỳ xem đỡ ghiền. Và nước Mỹ đã làm hài lòng chàng trai Việt mê phim, không chỉ bằng giáo trình dạy làm phim sau này trở thành kinh điển cho thế giới, mà còn bằng cả suất học bổng đặc biệt kéo dài liền tù tì 7 năm liền của General Motor. Lê Hoàng Hoa là một trong số 25 người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ, theo như thống kê mà đại sứ Việt Nam ở Mỹ lúc bấy giờ mà cũng là bố vợ ông Ngô Đình Nhu thông báo, khi gửi vé máy bay mời về tập trung. Có lẽ đó là những điều mà anh Hoa muốn người ta nhớ về anh, bên cạnh những gì mỗi người tự lấy ra để hâm mộ.

 

Với tôi, thì anh là tấm gương về điện ảnh, báo chí, gia đình, và cả nỗi cô đơn nữa. Những câu chuyện làm phim luôn khiến anh say mê. Tôi học làm phim từ anh không phải bằng những bài học khô khan hay kiểu đàn anh lên giọng truyền đạt kinh nghiệm, mà là đem ra hai phác thảo kịch bản tôi vẫn liên tục chỉnh sửa để cùng anh bàn xem chọn góc quay thế nào, hướng đi của diễn viên ra sao. Đang đi dạo ở London anh sẵn sàng hào hứng nép vào góc tường để mô tả chỗ đặt chân máy, hay rảo bước trèo luôn lên một chiếc xe buýt công cộng hai tầng vừa đến trạm gần đó mà kiểm tra một cảnh quay tôi muốn dựng để giảm chi phí thuê xe nhưng lại sợ thiếu sáng và tạp âm. Ngôi nhà của anh ở Warszawa có một góc làm việc riêng biệt được trang bị hệ thống máy edit phim luôn nâng cấp và cập nhật. Các bài báo và hồi ký của anh vẫn đều đặn xuất hiện trên các tờ báo của bạn bè bên Mỹ. Điện thoại của anh luôn dành thời gian nhiều nhất cho con gái trong thời gian du học, và nơi trang trọng nhất của phòng khách luôn là những bức tranh của Michelle vẽ từ khi còn bé. Toàn bộ thời gian và tâm trí còn lại, tất nhiên, luôn được anh dành cho chị Trúc Quỳnh, người vợ đảm đang luôn sẵn sàng tạm gác việc làm ăn quan trọng để chỉ đơn giản là đứng bên cạnh chồng tiếp khách. Nếu gặp anh ở Ba Lan, người ta sẽ thấy ngay hình ảnh của một con người không phải đến từ đây, của thời đại này, càng không giống với những người đồng hương Việt Nam của anh đang mưu sinh trên mảnh đât này. Nơi đó Lê Hoàng Hoa luôn cô đơn trong thế giới điện ảnh truyền hình mà anh đã tạo ra và mãi mãi thuộc về nó.

 

 

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa và trên phim trường

 

Vĩnh biệt anh, một người anh lớn. Cầu chúc anh hội ngộ với hương hồn ba người thân đã mất xác ngoài biển khơi, ca sĩ Phương Hồng Loan và hai người con trai Khôi và Nguyên.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 2614
Ngày đăng: 02.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nốt Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn La Ký Sự 6 - Nguyễn Khôi
Trường Sa Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
Nước Mắt Lâm Tặc - Nguyễn Hàng Tình
Một vài kỷ niệm sống động - Nguyễn Đăng Trúc
Sơn La Ký Sự 5 - Nguyễn Khôi
Sơn La Ký Sự 4 - Nguyễn Khôi
Dốc Mơ - Phạm Văn Nhàn
Nghe Kinh - Phạm Thanh Chương
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)