Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
637
115.993.475
 
“Phút Nói Thật Của Tên Khờ”
Bùi Công Thuấn

 

(Đọc tập thơ Dạo Đàn Bên Sông của Văn Công Mỹ, Nxb Trẻ 2012)

Dạo Đàn Bên Sông của Văn Công Mỹ (VCM), là thơ nhưng cũng  là những tiếng đàn dạo bên sông, nghe có vẻ dân dã, gần gũi sông nước Nam Bộ, nhưng cũng dẫn người đọc bước vào bầu khí nghệ thuật cổ thi. Con sông thơ ấy hội tụ bao nhiêu cảm hứng của thơ cổ điển. Thế nhưng người dạo đàn lại tự nhận mình là  một tên khờ .

1.”Tên khờ” là ai?

Tên khờ là người thơ (nhân vật trữ tình trong tập thơ- tôi không gọi là nhà thơ-tác giả)
Người thơ tự cho mình là một tên khờ. Khờ trong tình yêu, khờ vì mình sống ảo tưởng giữa đời, khờ vì những lúc cần tỉnh táo, thông minh, lịch lãm thì mình lại ngu ngơ.

Một chút nắng, một chút mưa
Chút giai điệu nhạc cho vừa câu thơ
Chút khắc khoải, chút mong chờ
Dầy lên một gã dại khờ yêu em

(Một Chút)
 

“Anh ca không hay,
                          Anh đàn nghe cũng dở”
Lại còn thêm nữa chút ngu ngơ
Cả một đời mơ ngày hạnh ngộ
Đâu biết gặp em đúng phút …khờ.

Anh khờ vì muốn làm thi sĩ…
Anh khờ vì muốn làm tài tử…
Anh khờ vì tưởng mình tỷ phú

Thôi chuyển phút khờ qua phút thật
Không làm “người ảo” nữa đâu em

(Phút Nói Thật Của tên Khờ)

Hóa ra trạng thái “khờ” chỉ là giả vờ thôi. Người thơ biết mình lúc nào nên “khờ”, lúc nào nên biết “thật”. Khờ là hồn nhiên, thánh thiện, lãng mạn khi tỏ lộ tình yêu. Cái “khờ “ấy là khờ duyên, là hạ mình làm thân cỏ cú thật êm cho em bước đi (Nguyện làm thân cỏ cú/ Ngóng em về cuối sân/ Không tin, em bước thử/ Gót sen sẽ tần ngần…). Gã khờ làm cái đuôi của em trong một thế giới chỉ có thơ, nhạc, mộng mơ và thanh khiết. Trong thế giới ấy, tình yêu  ngự trị trên cao, ánh ngời Ơn Cứu Độ.

Chắc chắn anh sẽ quỳ giữa chợ
Chịu đóng đinh câu rút hình hài
Hy vọng em hiền như Đức Chúa
Ban phép lành cho một …con nai

(Ân Hận )
 

Em trở thành nguồn thi hứng trong Dạo Đàn Bên Sông. Người thơ đối thoại với em, tỏ bày với em, trêu ghẹo em để em vui, nịnh bợ em để được em tha thứ, trao gửi những nghĩ suy không nơi trao gửi, em trở thành thế giới tâm tưởng của riêng tư. Em là một nhân vật trong thế giới nghệ thuật của hồn thơ VCM

Không có em đàn làm sao anh hát
Không em nhã nhạc làm sao anh ca

(Nói Với Phu Nhân)
 

Em là cội nguồn, em là vĩnh cửu, em là thanh tân, em là đam mê, em là nắng chói

Vẫn là em tự nghìn xưa
Áo tinh khôi níu gió đùa bước chân
Môi hồng biết níu thanh tân
Em độ lượng níu thanh xuân cho chồng

(Vẫn là em)
 

Tháng  Ba thơ tươi rói
Em mới đến huy hoàng
Áo xiêm như nguồn cội
Khoác vào đời hân hoan…

(Tháng Ba Và Em)
 

Tranh danh hay đoạt lợi
Cũng thua một chữ “Thiền”
Thà anh làm chiếc lá
Rụng vào bàn tay em

(Lá)
 

Vì em là thánh nữ quyền uy, thánh nữ  linh thiêng trong tình yêu như thế, anh có thể làm tất cả, mà không biết sợ 

…Nếu tình đóng cửa cài then
Anh làm kẻ trộm bay lên hàng rào
Nếu tình sắc lẻm gươm đao
Anh làm bại tướng té nhào trước em
Nếu tình chất ngất oan khiên
Anh làm tu sĩ độc quyền cầu kinh…

(Tặng Th. Ngày Mới Lớn)
 

…Anh chẳng sợ chi ngày xích đạo
Chẳng rét run khi bão thét gầm
Lỡ yêu là anh không hối hận
Dù tình như một nhát gươm đâm

(Gửi Người Em Viễn Xứ)
 

Hiện tiền anh lãng tử
Tất nhiên tội quá chừng
Chỉ mong em thánh nữ
Mở hết lòng bao dung

(Hóa Thân Vào “Tình Nghệ Sĩ” Paul Gallico)

Nhìn kỹ vào nhân vật em, người đọc không thấy cuộc sống trần tục, đời thường của nàng. Nàng thấp thoáng, nhẹ nhàng , như thật như mơ, như gần như xa, là thánh nữ, là con mèo, là bao dung. Nhân vật này mang dáng dấp kiểu nhân vật lãng mạn, chưa đạt tới kiểu nhân vật tư tưởng, nhưng ít nhiều đã có những lấp lánh bất chợt của sự thăng hoa. Em mới đến huy hoàng/Áo xiêm như nguồn cội..Thà anh làm chiếc lá/Rụng vào bàn tay em

Điều có thể ghi nhận là, trong một giai đoạn dài sau 1945, hình tượng nhân vật em kiểu lãng mạn-tư tưởng đã bị thay thế bằng nhân vật hiện thực công- nông- binh (thí dụ Con Gái Bắc Giang, Người Con Gái Việt Nam, O Du Kích…trong thơ Tố Hữu); và thơ đương đại,  các nhà thơ trẻ nghiêng về khai thác nhục cảm trong tình yêu, thì Văn Công Mỹ vẫn giữ được vẻ đẹp của một kiểu thẩm mỹ thơ Sài gòn trước đây. Đó là điều đáng quý, nó gợi ra bầu khí thơ lãng mạn của Sài gòn với Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên…mà ít nhiều đã có những khác biệt và làm mới thơ lãng mạn trước 1945.

2.Dạo đàn bên sông

Thi tứ chủ đạo này chứa đựng điều gì? Xin hãy nghe VCM tự tình.

Bên sông gõ đàn ta hát
Chiều xưa sóng vỗ mạn thuyền
Quê hươngnửa đời được mất
Bóng người sợi tóc bay nghiêng…

(Thơ Tặng Hiền Thê)
 

Thơ chép thả xuống sông
Vọng âm không trở lại
Bèo bọt hoa trôi chăng
Sao đời ta trôi mãi

(Bèo bọt)
 

Nằm ngửa mặt bên sông
Ngó trời xanh mây trắng
Thấy gì ở cõi không
Tiếng đời rơi tịch lặng

(Cõi Không)
 

Đôi khi ngồi lại bên quán nọ
Ngó con cá quẫy nhánh sông này
Thấy trong bèo bọt chùm hoa nở
Chút bùi ngùi lạnh sớm sương bay

…Ô hay, bữa nọ trong quán nhỏ
Bẻ kiếm bên sông hát đỡ buồn
Cổ nhân mất mười năm đầu bạc
Sá gì ta ở ẩn ngang xương

(Quán Nhỏ bên Sông)

Bên sông có quán nhỏ, có con cá quẫy, có sóng vỗ mạn thuyền, có bèo bọt hoa trôi. Người thơ nằm ngửa mặt, nhìn mãi vào cõi không, mà tra hỏi. Người thơ bẻ kiếm, hát cho đỡ buồn, sống đời ở ẩn ngang xương, tự so sánh thái độ “ở ẩn ngang xương” của mình  với “cổ nhân mất mười năm đầu bạc”… những hình ảnh ấy gợi ra bầu khí nghệ thuật rất quen thuộc trong thơ cổ điển và thơ lãng mạn, vì thế nó có sức lay động và khơi gợi nhiều cảm xúc đối với người đọc, cũng là cách người thơ tỏ lộ lòng mình. Đâu đây thấp thoáng  sông Dịch và hình bóng Kinh Kha bi tráng .
 

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn 
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”
(Dịch : Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghê /Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về)
 

Cũng đâu đây, trên bến Tầm Dương, là tâm sự của khách thơ Bạch Cư Dị, người bị bị giáng chức là Tư Mã Giang Châu, trong Tỳ Bà Hành 
Đêm khuya sực nhớ vòng tuổi trẻ 
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen 
Nghe đàn ta đã chạnh buồn 
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời 
Cùng một lứa bên trời lận đận 
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau 
Từ xa kinh khuyết bấy lâu 
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai
(Tỳ Bà Hành-Phan Huy Vịnh dịch)
 

Có cả hình ảnh “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên /Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” trong Tạp Thi của Nguyễn Du, người mà VCM gọi là “cổ nhân mất mười năm đầu bạc”. Nguyễn Du phải lưu lạc 10 năm mà ông gọi là“thập tải phong trần”, nếm đủ mùi gian khổ, nghèo đói bệnh tật trên đất Bắc khi trốn chạy Quang Trung. Và không khí lãng mạn, ngang tàng của người ly khách trong  Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, “Một giã gia đình một dửng dưng/… chí nhớn chưa về bàn tay không…”
 

Tất nhiên nghệ thuật lãng mạn của Dạo Đàn Bên Sông không khắc họa một chân dung cụ thể người thơ như thế nào, và ngay cả những hình ảnh được so sánh (Kinh Kha, Nguyễn Du, Ly Khách..) cũng chỉ là ẩn dụ cho những gì nhà thơ muốn nói. Người thơ nhìn trời sâu thẳm mà tra hỏi, phải chăng đời ta chỉ là bọt bèo mà sao trôi mãi. Câu hỏi không có hồi âm.” Thơ chép thả xuống sông/Vọng âm không trở lại”. Đã gần hết một kiếp nhân sinh lên thác xuống ghềnh, may ra còn chút hy vọng.

Ngồi bên sông liếc nước trôi
Thả 55 tuổi xuống đời lênh đênh
Ban mai thác, xế chiều ghềnh
May ra được trận gió hiền nửa khuya

(Hy vọng cuối)

Thái độ “bẻ kiếm” được VCM nhắc lại hàm nghĩa gì?
 
Ô hay, bữa nọ trong quán nhỏ
Bẻ kiếm bên sông hát đỡ buồn

(Quán Nhỏ bên Sông)

Nước lên chiều xuống khơi khơi
Có phù du cũng rối bời tóc bay
Này môi mắt, này chân tay
Này là hư ảo hình hài sắc, không

Mây trôi cho trắng tận lòng
Bên sông bẻ kiếm vời trông luân hồi

(Bẻ Kiếm Bên Trời)
 

Thái độ thứ nhất, bẻ kiếm ở ẩn, bắt chước người xưa 10 năm đầu bạc, người thơ về ở ẩn ngang xương. Thái độ bẻ kiếm thứ hai quyết liệt hơn, bởi hình hài này, chân tay này là sắc , không, hư ảo, thì dù có cầm kiếm cũng nào có ý nghĩa gì. Phù du cho đến tận cùng, dù có vời trông bến sông (nhìn bờ bên kia xa vời, bỉ ngạn), thì cũng không thoát khỏi luân hồi. Hơn thế người thơ luôn bị ám ảnh về thân phận mình, thân phận rong rêu, trôi dạt trong u minh

Nhánh rong buồn buổi bôn ba
Lòng sông trong đục quê nhà mù tăm
Nổi trôi đâu một chỗ nằm
Thôi thì lỡ vận trăm năm xứ người

(Rong buồn)
 

Chốn vô minh ấy đã từng
Chân cao chân thấp lạnh lùng bước vô
Gặp u mê phải đội mồ
Sống lây lất để đợi chờ kiếp sau

(Vô Minh)

Lại có khi thảng thốt, thấm rất sâu kiếp nhân sinh:

Nửa đêm choáng váng sao rơi
Tử vi chiếu mạng một lời trối trăn
Đất trời hư cấu tôi chăng
Cớ sao vũ trụ có thằng nửa say

(Hư Cấu)
 

Núi khóc thành sương
Thác rơi thành lệ
Mây thành hoang đường
Tôi thành dâu bể

(Vô cùng)
 

Tứ thơ có cái khoáng đạt chẳng kém gì sự hùng vĩ của Lý Bạch
Nỗi buồn thế sự đã thành ẩn ngôn (Mây kia biết quỵ lụy trời/ Cho tôi quỵ lụy một lời ẩn ngôn). Nhưng từ nỗi buồn thế sự, VCM chuyển sang cái nhìn theo thế giới quan Phật Giáo, đời là sắc, không, là phù du hư ảo. Rất may VCM không rơi vào nỗi tuyệt vọng của hư vô, mà thăng hoa trong vạn pháp của Hoa Nghiêm
 

…Già cuộc phù sinh mộng tưởng
Lòng sen đột ngột tinh khôi
Cõi người mênh mang vô lượng
“Hành phương Nam” vẫn đủ đôi!

(Thơ Tặng Hiền Thê)

Cái rừng, cái ná, cái chim
Cái nương rẫy gói trái tim con người
Cái lau lách trắng nụ cười
Cái sông suối nối cái đời ngây thơ


Bài thơ có những tứ thơ tư tưởng tuyệt hay. Bao nhiêu gian khó truân chuyên của cuộc nhân sinh chuyển hóa thành niềm vui đầy ắp tình người, thành nụ cười ngây thơ trắng bờ lau lách nhân gian. Một sự thăng hoa như thế, không phải trong nhất thời tâm thức người thơ đạt được.Nguyễn Du phải mất 10 năm “thập tải phong trần”, Phạm Thiên Thư phải 10 năm tịnh tâm trong chùa, và VCM phải 40 năm nung nấu trong lò nhân gian mới tới được.

Trái tim có rướm máu
Mới thật trái tim mình

(Hóa Thân Vào “Tình Nghệ Sĩ” Paul Gallico)
 

Cuối năm Đà Lạt
Anh hóa …lạc đà
Trên lưng, cái bướu
Chở đầy cỏ hoa

(Tháng chạp)
 

Trở lại thi tứ “Dạo đàn bên sông”, Văn Công Mỹ muốn gửi thông điệp gì? Có thể nói mỗi bài thơ trong tập này đều là tiếng đàn VCM muốn gửi đến bạn tri âm tri kỷ. Có tiếng thanh thoát, có tiếng bi hùng, có tiếng ngọt ngào, có tiếng đắng cay. Nhưng dù là âm điệu có khác nhau thì tiếng lòng VCM vẫn vậy, tinh ròng , khôi nguyên sự chân thành mộc mạc

Lời thơ tôi tệ như tôi
Có canh tân cũng rã rời vô duyên
Cũng may còn biết yêu em
Tôi đem ván mục đóng thuyển chở thơ

    (Ngó Lại Mình)

3. Cái “vô duyên” của thơ Văn Công Mỹ

 Từ xưa đến nay chưa có ai  “Đem ván mục đóng thuyền”cả, bởi con thuyền bằng ván mục ấy sẽ vỡ ngay khi gặp sóng gió. Trong cách nói của VCM, “ván mục” là “lời thơ”, “thuyền” là hình thức thơ, “đóng thuyền” là quá trình sáng tạo. VCM cũng nói rõ sự bất lực của mình trong nỗ lực cách tân thơ

Lời thơ tôi tệ như tôi
Có canh tân cũng rã rời vô duyên


Tôi nghĩ đó là sự chân thành của một người làm thơ thận trọng. Ai làm thơ cũng muốn nhặt những hạt châu ngọc để dệt nên những tác phẩm lấp lánh với thời gian và neo đậu lại được trong lòng người đọc. Nhưng thiên tài là trời cho, không phải muốn làm thơ hay là  thơ sẽ hay.Với bất cứ một tác giả nào, thơ anh phải có cái riêng, cái độc đáo và những giá trị mà không có ở các tác giả khác. Anh đóng góp được gì thêm cho thơ ca của thời đại? Thơ của anh có góp phần thúc đẩy thơ ca dân tộc tiến thêm những bước mới hay không? Nhà thơ Bùi Chí Vinh trong lời giới thiệu đã khẳng định “Văn Công Mỹ đã tự thiết lập được cách nói riêng cho mình, bất chấp đề tài và nội dung từng bài thơ trước đó đã có quá nhiều người đề cập”. Nhà văn Lê Hoài Lương cũng nhận xét :”Ít nhất là sẽ gặp những bất ngờ thú vị với cách thể hiện rất riêng của anh từ những đề tài, nội dung quen thuộc như đã dẫn. Đó là nét bụi bặm, tự giễu và cách nói dân dã, tất cả thường được bật ra một cách nguyên sơ. Nó tự nhiên và lóng lánh.”(1) Có được cách nói riêng, có được nét nghệ thuật riêng thì đó là sự thành công của một tác giả.

Tôi nghĩ, thơ Văn Công Mỹ có nhiều tố chất đặc sắc, và VCM có thể có những đóng góp vào dòng chảy thơ ca đương đại, tuy sự đóng góp này chưa thật mạnh mẽ và ấn tượng. Thơ Văn Công Mỹ có cái tài hoa của thơ lãng mạn, có chất trí tuệ của thơ Đường và đạt đến một tầng nấc nào đó về tư tưởng của thơ Thiền, nhưng đồng thời có sự kết hợp rất tự nhiên chất dân dã Nam Bộ trong một thể loại mà nhiều người còn đang thử nghiệm là Tứ Tuyệt Lục Bát

Tứ tuyệt là thể loại đặc trưng của thơ Đường. Thi pháp thơ Đường tập chú vào việc xây dựng , khám phá những  những tứ thơ trí tuệ. Trái lại, Lục Bát ca dao có đặc trưng thi pháp trái ngược với thơ Đường, đó là kiểu ngôn ngữ biểu cảm, sử dụng chất liệu đời thường, điệu thơ là điệu nói bộc trực. Tứ Tuyệt-Lục Bát mang đặc trưng thi pháp của hai thể loại ấy. Nhưng làm thế nào để có thể phối hợp hai kiểu thi pháp rất khác nhau ấy trong một bài thơ chỉ có 4 câu, ngắn đến nỗi khi mà ý tưởng vừa triển khai thì tác giả đã buộc phải kết thúc.Văn Công Mỹ đã thực hiện điều này một cách tài hoa. Anh mở đầu bài thơ tự nhiên như lời ăn tiếng nói trong ca dao, và thực hiện một bước nhảy vọt về tư tưởng đạt tới phẩm chất nghệ thuật của Tứ Tuyệt. Sự chuyển hóa này cũng tự nhiên như bản thể sự vật là vậy
Xin đọc :

Cái rừng, cái ná, cái chim
Cái nương rẫy gói trái tim con người
Cái lau lách trắng nụ cười
Cái sông suối nối cái đời ngây thơ
(Tứ Tuyệt Ở B’Lao)

Việc dùng từ “cái” đặt trước các danh từ là cách nói dân dã quen thuộc : Cái rừng, cái ná, cái chim, nhưng mạch thơ nhanh làm người đọc không nhận ra sự mới lạ trong các dùng từ “cái” ở những câu thơ sau đó : Cái nương rẫy, Cái lau lách, Cái sông suối. Nương rẫy là vật thể lớn không thể gọi là “cái”. Sông suối là dòng chảy dài rộng , không thể là “cái”. Từ “cái” chỉ dùng cho tĩnh vật, lau lách mọc thành bờ bãi ven sông, cũng không thể gọi là “cái” được. VCM dùng từ “cái” để chỉ những sự vật cụ thể đếm được, bày ra sự bề bộn của đời sống lao động của người thơ khi ở rừng B’Lao, làm nương rẫy, với cái ná, cái cuốc chim, sống với sông suối, lau lách hoang dã, mà hoa lau nở trắng bờ bãi.Đó là chất thơ dân dã. Chất nghệ thuật ấy chuyển hòa thành chất thẩm mỹ-tư tưởng của thơ Đường ngay lập tức trong mạch suy tư nhận thức khám phá hiện thực: “Cái nương rẫy gói trái tim con người”. Hoa lau nở trắng không còn là hoa lau hiu quạnh ở bến Tầm Dương mà là trắng trời nụ cười như hoa. Sông suối là nơi lặn lội chìm đắm lại “nối cái đời ngây thơ”, tức là làm cho cái hồn nhiên, thanh khiết của đời người dài thêm mãi, trẻ trung mãi. Thơ kể việc trở thành thơ tư tưởng.

VCM không than thở gì về nỗi vất vả, thiếu thốn quạnh hiu khi làm nương rẫy ở B’Lao như kiểu thơ hiện thực than thân, cũng không tụng ca lao động như thơ Hiện Thực XHCN, cũng không hoàn tòan thoát tục để suy nghiệm về lẽ sắc-không như thơ Thiền. Bài thơ rất hiện thực (do hiệu quả của từ “cái”) nhưng lại thoát lên thành tư tưởng. Tuyệt nhiên không có “cái tôi” như kiểu nhân vật trữ tình trong thơ Lãng Mạn, trái lại, nhân vật “Tôi” hòa trong cảnh vật, hóa thân thành cảnh vật trong cái nhìn Hoa Nghiêm. Cảnh vật, sự việc, dù là cái ná , cái chim, cái sông suối, cái lau lách đều “gói trái tim con người”, nói bằng ngôn ngữ đời thường, đó là lòng yêu thương bao trùm lên toàn thế giới hiện thực, nói bằng ngôn ngữ Thiền, vạn pháp đều là Tâm. Hoa Nghiêm dạy rằng tất cả pháp, kể cả sơn hà đại địa đều là Pháp thân Phật. Dưới mắt người hành đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, con ong, cái kiến cho đến cọng cỏ, bụi gai,  cái gì cũng dễ thương, cũng là Phật (Tâm)

Như vậy, bạn đọc có thể nhận rõ sự kết hợp, chuyển hóa về thi pháp rất tự nhiên trong Tứ Tuyệt-Lục Bát của VCM. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất khổ nhọc của người làm thơ. Ấy là, phải nắm được đặc trưng thi pháp của Lục Bát ca dao, và đặc trưng thi pháp Tứ Tuyệt Đường thi, lại phải chuyển được cái tâm sai biệt thành tâm Bát Nhã trong cách nhìn Hoa Nghiêm để thể hiện thành những tứ thơ cụ thể, đồng thời người thơ không được rời xa quy luật của sự sáng tạo, ấy là tìm kiếm những tứ thơ mới, cách nói mới, độc đáo. Tôi cho rằng Tứ Tuyệt Ở B’Lao là một thành công đặc sắc của thơ VCM

Thực ra những bài như thế chưa có nhiều trong tập thơ, mà ấn tượng người đọc nhận ra ngay là những bài có chất tài hoa kiểu thơ lãng mạn và những bài có chất hài dân dã. Những bài như thế đọc lên là cảm được ngay, nhưng lại không đọng lại được điều gì, ngoài chất tài hoa của câu chữ

Những người bạn gái ngày xưa
Khăn len, yếm thắm khi chưa lấy chồng
Giờ son phấn nhớ má hồng
Giờ tôi già chát đèo bòng cố nhân…

(Những người bạn gái)
 

Lòng nguôi tới bến chưa em
Để anh lại hát lời mềm môi xưa
Trăm năm nào phải chuyện đùa
Câu thề ước cũ mút mùa sao quên

(Còn lâu mới quên)

VCM cố ý dùng từ của văn nói bình dân (già chát, tới bến, mút mùa), dùng cách nói bình dân (Còn lâu mới quên) theo thi pháp ca dao.Những bài này có cái ý vị nhẹ nhàng, có cái tài hoa ngấm ngầm và có nét của thi ca truyền thống, chứa đựng nhiều cái “duyên” của thơ VCM, không phải là cái “vô duyên” như anh nói.
 

Xin đọc:
 

Buổi về phố thị lấm lem
Uống ly trà đá đã thèm giấc trưa
Đêm, đèn xanh đỏ đong đưa
Sài gòn trở lại nghe thừa bước chân

(Trở Lại)
 

Xin đọc bài thơ thật chậm, lắng mình vào những cảm giác mà bài thơ đem tới, rồi ngẫm nghĩ (một xíu thôi) đèn Sài gòn đong đưa ngọn xanh ngọn đỏ, và giữa cái xô bồ hối hả ấy là có một bước chân thừa. Vâng , trở về Sàigòn, thành phố hoa lệ ngập ngụa hưởng thụ, người thơ không hòa nhập vào cái xã hội ồn ào xô bồ ấy, mà vẫn giữ nguyên cái lấm lem vất vả của người quê, vẫn cảm nhận được cái tuyệt diệu của ly trà đá sau giấc trưa, và thấy rõ lòng mình không thể lăn vào cái đong đưa của đêm Sài gòn. Người thơ bước chân trên phố mà thấy mình như một người thừa của thành phố này. Hay nói cách khác, người thơ giữ nguyên vẹn sự tinh khôi dân dã của tâm hồn mình. Tâm hồn ấy nặng tình với quê hương (Mưa Rơi Xứ Q., Hoài Hương), đau đáu với thân phận (Dấu Hỏi), và tha thiết với em hơn (Giao Thừa…)

Tuy vậy, cái “nhẹ tênh” của tập thơ Dạo Đàn Bên Sông là sự vắng bóng những vấn đề nóng bỏng của đời sống hiện thực. Người thơ có nói đến “cổ nhân mất mười năm đầu bạc”, nhưng lại chưa thể hiện cái nhìn và tấm lòng của mình trước cuộc bể dâu như Nguyễn Du :”Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.VCM có nói đến “Quê hương nửa đời được mất”(Thơ Tặng Hiền Thê), có nhận ra xung quanh mình cõi mộng và cõi thực đười ươi (Mơ Mộng ), có nói đến sự bất lực trước bão lụt (Bão, Má Và Cơn Bão), có cảm thương cho thân phận ca nhi (Ca Nhi).. nhưng những xúc cảm ấy chỉ thoáng qua, chưa thành một dòng thơ thôi thúc trái tim tác giả và người đọc. Người thơ dường như muốn xa lánh cõi người để tìm chốn an nhiên (?), hay muốn tìm câu trả lời cho những vấn đề ấy trong cõi lặng không ?

Nằm ngửa mặt bên sông
Ngó trời xanh mây trắng
Thấy gì ở cõi không
Tiếng đời rơi tịch lặng

(Cõi Không)

Tất nhiên nhà thơ khi sáng tác, có sự chọn lựa riêng đề tài, nội dung, để thể hiện những cảm thức của mình. Và vì thế giới tâm hồn con người là một thế giới của vô cùng nên không thể có bất cứ loại hình sử dụng ngôn từ nào có thể chuyển tải được. Ngôn ngữ chỉ là cái vỏ chữ, nó nhốt tư tưởng vô cùng trong một không gian quá hạn hẹp, vì thế mỹ học Thiền mới tìm đến vô ngôn

Thà anh làm chiếc lá
Rụng vào bàn tay em

(Lá)
 

Thấy trong bèo bọt chùm hoa nở
Chút bùi ngùi lạnh sớm sương bay
(Quán Nhỏ Bên Sông)
 

Cuối năm Đà Lạt
Anh hóa… lạc đà
Trên lưng, cái bướu
Chở đầy cỏ hoa

(Tháng Chạp)
 

Những tứ thơ như vậy đủ sức nói rất nhiều điều không cần ngôn ngữ, và có dùng ngôn ngữ cũng không thể nói được cái vô ngôn của tứ thơ. Điều ấy đem đến thú bị bất ngờ cho những ai tri âm với VCM bên bờ sông vô thường này

Dạo Đàn Bên Sông của Văn Công Mỹ là tiếng đàn mời gọi tri âm, là tiếng đàn tri âm, không phải tiếng nói, mà là cái “vô thanh” của tiếng lòng. Hãy bỏ ngôn từ của thơ VCM đi, bạn sẽ nghe được cái “vô thanh” thiết tha yêu đời yêu người ấy (“Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”-Tỳ Bà Hành-Bạch Cư Dị)
 

…Bỏ sau lưng già cỗi
Vườn yêu lại nảy chồi
Trái tim anh biết đói
Uống ái tình trên môi

Tháng Ba em lạ lắm
Bão giông đã qua rồi
Trời nắng ơi là nắng
Thơ bắt đầu lên ngôi

(Tháng Ba và Em)

Tháng 6 năm 2012

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 1893
Ngày đăng: 05.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn Không Những Nổi Đau Của Người Phụ Nữ Thời Nay? - Hương Lan
Không Chỉ Là Gió Và Đêm - Nguyễn Thành Thi
Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi - Lâm Xuân Vi
Bên Sông Vọng Một Tiếng Đàn - Lê Hoài Lương
Joseph Huỳnh Văn Thi Sĩ Của Những Chữ - Nguyễn Tấn Cứ
Nguyễn Thánh Ngã - Mùa Đã Men Say Lắp Bắp - Trần Hòang Vy
Tuệ sỹ trên ngõ về im lặng - Tâm Nhiên
Hai Bàn Tay Thì Đầy - Bùi Việt Thắng
Phía Sau Những Bóng Mờ - Nguyễn Đông Nhật
”Bờm ơi là bờm !” - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)