Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
487
115.866.488
 
Thảm họa báo lá cải, trách nhiệm thuộc về ai ?
Hồng Chung

 

Chưa bao giờ các bài báo lá cải xuất hiện nhiều trên các báo giấy và báo mạng của Việt Nam nhiều như bây giờ. Đặc biệt là báo mạng, có đối tượng độc giả trẻ rất lớn. Các mảng mà các báo này khai thác thường là những chuyện vụn vặn ở tầm vi mô, không khác những chuyện vặt vãnh được những người rảnh rỗi (thường là mấy bà mấy chị buôn dưa lê ở vỉa hè) khai thác, và tập trung đưa nhiều hình ảnh, thông tin thì hời hợt. Có cả cải sạch, và cải bẩn, những dù gì thì cũng là cải.

 

Có ý kiến cho là nhu cầu độc giả đa dạng, nên báo chí phải đáp ứng các đối tượng khác nhau có nhu cầu khác nhau đó. Lại có người cho là làm báo là một nghề vất vả, thu nhập không cao, nên các thông tin "lá cải" bổ sung vào thu nhập của họ và giúp các báo có thêm người đọc, thậm trí đưa cả văn hóa chính trị đến với bạn đọc bình dân. Chưa kể bạn đọc Việt Nam, do dân trí chưa cao, nên “nhu cầu” các thông tin lá cải cũng nhiều hơn ở nhiều nước khác, có cầu thì phải có cung. Có ý kiến cho rằng báo chí ngày càng cởi mở hơn, nên các dạng bài "lá cải" phản ánh một thực tế báo chí tự do hơn. Cũng lại có ý kiến cho báo chí Việt Nam còn chịu kiểm soát chặt chẽ (trong khi bao vẫn đề xã hội bức xúc), nên các thông tin lá cải là một hướng để tăng lượng người đọc, và giúp người đọc giải stress trước những vẫn đề cuộc sống hối hả căng thẳng. Và cũng không thiếu ý kiến cho là các bài báo lá cải phản ánh trình độ còn "non", hay "yếu" của các nhà báo, không có khả năng viết những bài báo có chiều sâu hơn.

 

Dù gì có một thực tế, cuộc sống nhiều căng thẳng, nhu cầu đọc các thông tin giải trí là nhu cầu của đại bộ phận dân chúng, nên các bài báo có tính chất "lá cải" ít nhiều đáp ứng được phần nào nhu cầu đó. Nước nào cũng có báo lá cải, ở phương Tây nơi chủ nghĩa tư bản phát triển, báo chí không chỉ được xem là quyền lực thứ tư mà còn là một sản phẩm văn hóa, một loại hàng hóa được bán trên thị trường và có tính chất kinh doanh thu lợi nhuận, do đó báo lá cải cũng rất nhiều. Và nhiều tờ báo được cho là nghiêm túc cũng vẫn hay xuất hiện một số bài "lá cải" ít nhiều để thêm gia vị cho tờ báo.

 

Nhưng nguy hiểm ở đây, là các báo xu hướng "lá cải" hóa đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, làm không ít độc giả có nhu cầu đọc các bài báo nghiêm túc phải "nổ mắt"  hay "cười vỡ bụng" vì các thông tin lá cải tràn ngập, lan vào cả các báo hay được xem là "sạch sẽ". Các hình ảnh sexy ngày càng xuất hiện nhiều trên các báo mạng lẫn báo giấy, nhất là các báo mạng. Thay vì quảng bá cho các ngôi sao, nghệ sỹ nổi tiếng hay có tài thực sự, họ lại lăng xê cho các "ngôi sao" không xứng đáng cả tài lẫn đức, bằng những hình ảnh hay các nội dung giật gân, gây tò mò, đứng đằng sau đó là những lợi nhuận rất khó đo đếm. Các bộ phim, các bài hát có tính chất nghệ thuật, nhân văn và có tính thẩm mỹ cao không được quảng bá nhiều so với các phim cấp ba, hay đầy tính bạo lực, tình dục, nội dung nhảm nhí, các bài hát vô bổ, nhạt nhẽo, các ca khúc nhái, rẻ tiền. Văn chương ít được tuyên truyền, và nếu có đa phần là các tiểu thuyết tình cảm ướt át, khêu gợi nhục dục. Ở đây cần phân tích thêm, cho dù nhu cầu rất đa dạng, nhưng không thể đánh đồng mọi thứ. Quảng bá sự đa dạng của các loại hình phim, nhạc... là cần thiết, phản ánh một sự thực sự đa dạng và tự do hơn trong thưởng thức văn hóa của công chúng, nhưng cũng cần có một sự gia giảm liều lượng và định hướng rõ nét, hướng đến nâng cao thẩm mỹ của người nghe, người xem.

 

Đáng ngại hơn là ngày càng có nhiều bài viết khai thác chuyện đời tư của những người nổi tiếng, nhất là các nghệ sỹ, và việc phản ánh đó không nhằm hướng tích cực định hướng lối sống của những người được phản ánh hay người đọc sao cho tốt hơn. Ngày càng có nhiều câu chuyện "tình - tiền - tù -tội", với những bài viết khai thác mặt xấu của xã hội, nhưng không hẳn hướng đến vạch mặt phê phán, mà dường như cổ súy cho nó, hoặc mô tả một cách quá chi tiết với những tình tiết "mùi mẫn", khơi gợi tình dục, ghê rợn, gây tác hại tâm lý người đọc. Các câu chuyện chém giết giật gân, hay nhưng mẩu tin hiếp dâm, cưỡng dâm, loạn luân ...từ ngữ thô lỗ, các câu chuyện chơi bời trác táng của một số "đại gia", "thiếu gia" không hướng đến sự phê phán cũng tràn đầy các báo. Các bài viết định hướng lối sống thác loạn, hay lối sống thực dụng, coi trọng tiền bạc, cá nhân ích kỷ, những câu chuyện "tâm lý gia đình" phơi bày những thứ dung tục nhảm nhí... trái với các nguyên tắc chung của đạo đức cộng đồng hay truyền thống văn hóa dân tộc cũng được nhiều báo khai thác. Chưa kể là sự quảng bá cho tệ mê tín dị đoan, lối sống lạc hậu...

 

Theo thống kê sơ bộ của người viết dựa trên nhiều trang web đánh giá lượng view truy cập, thì ở Việt Nam, hầu hết các báo mạng có thiên hướng lá cải lại là các báo tăng lượng người đọc nhiều nhất, hay đứng hàng đầu trong số các trang web ở Việt Nam. Các trang tin zing, 24h, kenh 14, ngoisao.net, 2sao, eva, afamily, phunutoday, ngoisao.vn, phununet, tin, trang tin của yahoo,... là các trang có nhiều bài thuộc dạng lá cải nhất thì cũng là các trang có lượng view rất cao, hay đang tăng lên nhanh chóng. Các trang tin của zing, 24h, hay các phụ trang ngoisao, 2sao, các báo tuổi teen hay phụ nữ như kenh 14, afamily đều có lượng người đọc từ vài triệu lượt đến vài trăm ngàn mỗi ngày và các bài lá cải là những bài hot nhất. Tương tự, nhiều bài lá cải giật tít câu view mặc dù nội dung nhảm hay nhạt nhẽo trên giaoduc.net, vietnamnet, vnexpress, dantri, datviet... cũng thu hút lượng độc giả rất lớn.

 

Các báo nghiêm túc hơn, như thethaovanhoa, tuoitre, thanhnien, laodong, nguoilaodong, tienphong, vietnamplus..., có nhiều bài viết chất lượng và chiều sâu thì số lượng người đọc có chiều hướng đi xuống hoặc ít cải thiện thứ hạng của mình. Các báo Đảng lượng view còn thấp hơn, hay bị xem là "khô khan". Trong khi đó, các báo nước ngoài, BBC có thứ hạng cao nhất, VOA, RFA, RFI có thứ hạng thấp hơn. Một số blog cá nhân có lượng người đọc khá cao, phản ánh các vấn đề xã hội nóng bỏng, nhưng tin tức cũng có chiều hướng dễ dãi hoặc lá cải theo hướng khai thác các đề tài chính trị vi mô, và khó kiểm chứng đúng - sai. Trên báo giấy, cũng ngày càng xuất hiện nhiều những phụ san, chuyên san lá cải, với rất nhiều các bài viết rẻ tiền, nhảm nhỉ, kích động lối sống cá nhân, bệnh hoạn. Chạy theo lợi nhuận, bỏ qua tính định hướng, giáo dục trở thành một mốt làm ăn của rất nhiều báo hiện nay, cho dù đều là các báo của các cơ quan nhà nước hay các đoàn thể nghề nghiệp, về mặt hình thức. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản thiên hữu thực sự đang lan tràn trên mặt trận văn hóa truyền thông.

 

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, nhiều tờ báo nghiêm túc nhưng lượng tin bài còn ít, hay thiếu sự cập nhật, đơn điệu nội dung, nghèo nàn hình thức, hoặc văn phong đề tài thiên hướng quá "thượng lưu", "sang trọng" do đó tạo cơ hội cho các trang thiên về lá cải có dịp lấn áp.

 

Trong khi đó, trí thức Việt Nam dường như còn quá ít tham gia góp ý vào vấn nạn báo lá cải ở Việt Nam. Vừa qua, một loạt các báo (phunuonline, CATPHCM, Nhandan...)  nhân kỳ Quốc hội đang họp đã tham gia tranh luận báo lá cải ở Việt Nam, và tác động của nó đến đời sống xã hội, trước hết đầu độc giới trẻ và một bộ phận hiểu biết hạn chế, cuốn họ vào lối sống cá nhân, thực dụng, lãng quên các vấn đề lớn của xã hội, tạo đà cho tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ngày càng nhân rộng, tổn hại lợi ích chung xã hội. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sắp đến, cũng xin có đôi lời nhắn gửi mong mỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng, giới trí thức, và các nhà báo có lương tâm quan tâm nhiều hơn đối với sự nghiệp báo chí nước nhà./.

 

Hồng Chung
Số lần đọc: 2526
Ngày đăng: 05.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Máy Xưng Tội Tự Động - Vũ Ngọc Anh
Đôi lời xin trao đổi với dịch giả Trần Thiện Đạo về bài báo “Dịch loạn” - Nguyễn Thành Nhân
đọc sử để thấm lẽ đời vua hiền - tôi sáng - Đinh Văn Hạnh
Thư Ngỏ Gửi Anh Đặng Hùng Võ - Vũ Ngọc Tiến
Một Phần Vạn - Huỳnh Văn Úc
Thư Ngỏ: Kính gửi ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên - Huỳnh Văn Úc
Những điều chưa biết về tác giả bài hát Quê hương - Từ Nguyên Thạch
“ Ừ ” - Vũ Ngọc Anh
Hai bài Nói Về Bản Dịch - Trần Thiện Đạo
Nói thêm về bài hát Quê Hương - Từ Nguyên Thạch