Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
761
116.612.841
 
Xem phim Người nông dân nổi dậy, ngẫm công lý và một nền tư pháp trong sạch
Anh Dũng

 

 

Người nông dân nổi dậy (Jacquou le croquan) là bộ phim rất nổi tiếng chiếu tại Việt Nam giữa những năm 1980. Nguyên tác văn học cũng được xuất bản sau đó, dựa theo phiên bản xuất bản tại Pháp năm 1971. Tiếp nối bài “Jacquou, người nông dân nổi dậy – từ tiểu thuyết đến phim”, tôi cũng xin có đôi lời về tác phẩm này, mà từ sách đến phim đã bộc lộ tư tưởng có đôi chút khác biệt giữa nhà văn với các biên kịch và đạo diễn.

 

Tiểu thuyết của Eugène Le Roy đã từng chịu chỉ trích của phe cánh hữu tại Pháp cũng dễ hiểu, vì người giàu và kẻ nghèo không bao giờ có một tiếng nói chung, và những người thiên hữu dĩ nhiên không bao giờ muốn có một Giắccu nổi dậy động đến địa vị hay quyền lợi của họ, chưa kể họ còn lo xa Giắccu rồi sẽ trở thành một quý tộc mới. Cái vòng luẩn quẩn của xã hội Pháp sau nhiều biến cố động trời khiến không ít người phải suy ngẫm. Nhưng như tiểu thuyết đã mô tả, Giắccu vẫn là Giắccu, giản dị và nghèo đói đến cuối cuộc đời mình. Cái mà ông làm được là bớt đi một bạo chúa, “tạo  nơi người dân niềm tin vào công lý”, ruộng đất (không phải xung công) được bán cho các nhà đầu cơ rồi chia nhỏ bán cho các nông dân, chấm dứt chế độ đại điền chủ, và nông dân có quyền tư hữu ruộng đất, nhờ đó bộ mặt nông thôn thay đổi. Dù cái kết của câu chuyện là hạnh phúc của nhân vật chính trong cuộc sống gắn bó với tự nhiên, nhưng vẫn buồn.

Xem phim năm 1969, người ta còn cảm nhận được cái buồn hơn thế, dù không quá là u ám. Ai cũng biết sau cuộc Cách mạng 1830, những người “tự do ôn hòa” và những người “bảo thủ ôn hòa” đã xếp đặt một chế độ mới, dù cho Sáclơ X đã lưu vong, nhưng đó không phải là một nền cộng hòa mà những người nông dân và thị dân đã hát ca ngợi trong phiên tòa xử Giắccu. Cảnh đoàn người ra về nơi rừng Barát, trên nền một bản nhạc cổ điển khá buồn, báo trước một tương lai không quá sáng sủa.

 

 

Phim 2007 thì cảnh cuối là Giắccu chia tay Galiốt, anh đã hỏi cô gái “Em có nhớ cánh rừng không”.  Cô gái hồn nhiên trả lời “Cánh rừng ư, không. Trên thế giới này có rất nhiều cánh rừng”. Phải rồi, rừng thì có nhiều lắm, nhưng trong trái tim cô Giắccu thì chỉ có một mà thôi. Nhưng cô vẫn quyết tâm đi, vì còn muốn mở rộng tầm mắt mình, khám phá nhiều “cánh rừng” có thể rộng lớn hơn nhiều rừng Barát quê hương cô.

 

Một bộ phim đẹp, có ý nghĩa trong giáo dục con trẻ, cũng như cậu bé Giắccu đã trở thành thần tượng, một hình mẫu của biết bao người một thời tuổi trẻ. Ngày nay thì con trẻ  xem nhiều hơn những bộ phim bom tấn về những mẫu anh hùng siêu nhiên chống trả người ngoài hành tinh, hay những phim truyền hình sướt mướt ca ngợi những mẫu vua chúa của Trung Hoa hay Hàn Quốc, cái nề nếp gia trưởng hay kiểu mẫu Tống nho, hơn là các tác phẩm có tính nhân văn và giáo dục mở mang kiến thức rộng. Oscar hay Cành cọ vàng cũng chẳng làm mấy người quan tâm, bằng doanh thu của các bộ phim, hay kinh phí mà người ta dành cho nó…

 

Trở lại với câu chuyện Giắccu. Tranh cãi giữa cánh tả với với cánh hữu giờ cũng đâu quá quan trọng, vì tả hay hữu giờ đã xích lại gần nhau hơn. Chẳng một ứng cử viên cánh hữu nào đị vận động tranh cử lại dám nói tôi là người đại diện cho tư sản, trong khi người nghèo cũng có quyền tự lựa chọn cho mình người nắm quyền thông qua lá phiếu mà họ có thể sáng suốt lựa chọn. Le Roy mà sống vào thời này nước Pháp, có lẽ không phải viết tiểu thuyết trên. Nhưng thời mà ông sống lại khác, cái thời mà những nông dân “ngu dốt” không được xem như là con người, luật pháp bỏ rơi họ, “không có công lý cho những người nghèo”, cái thời mà đúng như anh hàng xén nói với mẹ con Giắccu khi họ lên tỉnh dự phiên tòa xét xử Máctanh Pheran, rằng “tòa án là của bọn tư sản, của bọn nhà giàu”. Hãy thử xem lại cái phiên tòa oan nghiệt đó, mà cha của Giắccu bị án tù 20 năm khổ sai và sau đó chết rục vì cực nhọc do bọn Nănxắc đưa đẩy vào. Phiên tòa chẳng lấy gì làm công bằng cả, dù cũng có trạng sư, dù có đầy đủ nhân chứng để chứng minh ông ta không đáng cái mức án đó. Nhưng luật pháp không công bằng khi tòa án không độc lập, cả biện lý đại diện Viện kiểm sát và chánh án chủ tọa đều là người cùng một phe Nănxắc, và cả cái bồi thẩm đoàn đã đứng về phía người giàu mà quên đi sự công tâm đáng và cần có.  

 

Phiên tòa xử Giắccu lại khác, cái thời kỳ mà ông hiệp sỹ trước đó đã cảnh báo, cách mạng 1789 đã dạy cho giới quý tộc và tăng lữ một bài học, nhưng họ đã phớt lờ bài học đó, đẩy người nghèo vào đường cùng và buộc họ phải đứng lên. Ông trạng sư đã nói rất đúng “bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực, và bất công sẽ gây ra việc vi phạm những luật lệ của công lý”, “chẳng có gì ngạc nhiên khi công lý và lòng nhân đạo bị chà đạp và xúc phạm như thế, thì nông dân sẽ nổi dậy và xét xử những kẻ thủ phạm”. Ông không nói Giắccu là hoàn toàn vô tội, vì luật pháp thời đó không cho phép hành động như vậy, nhưng ông nói “tội của họ có thể tha thứ được”, vì “vì thiếu pháp luật, họ phải dùng đến bạo lực để phục vụ cho công lý”, dù “đây không phải là nền công lý cao cả và nghiêm minh mà nhân loại ao ước”. Thậm trí, trạng sư không hề đưa ra viện dẫn luật pháp thời đó, mà ông dựa vào Tuyên ngôn nhân quyền, vào những sự kiện “những người phải bảo vệ họ chống lại những xúc phạm và những bạo ngược đã bỏ rơi họ”,  hay “hành động của tên bạo chúa…đưa chúng ta quay lại thời kỳ buồn thảm của chế độ phong kiến…không bị trừng phạt”, để thuyết phục lương tâm các bồi thẩm tuyên bố Giắccu vô tội.

 

Tất nhiên như tâm sự của Giắccu sau này “tự mình thi hành công lý, đó là một việc không hay”. Trong tiểu thuyết đã viết rõ “con người chỉ nổi dậy khi bị đẩy vào cảnh quá cùng cực vì không kêu cầu được công lý. Vì vậy những cuộc nổi dậy của nông dân ngày trước rất thường xảy ra, dần dần đã trở nên hiếm hơn và cuối cùng là hết hẳn, bây giờ là lúc mà mỗi người cho dù là thấp cổ bé miệng, cũng đều có thể trông nhờ vào pháp luật bảo vệ mình. Đối với tôi, tôi tin rằng mình là người nổi dậy cuối cùng của vùng Pêrigo”. Người dịch không quên chú thích “quan điểm này ít nhiều cũng xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử nước Pháp thời sau cuộc cách mạng quân chủ tư sản 1830”, nhưng “thực tế lịch sử thế giới cho thấy rằng cho đến cuối thế kỷ XX này, vẫn còn có “những người nông dân nổi dậy” dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là những nước còn nằm trong sự chi phối của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc”. Rõ ràng, trong thời kỳ đầu thế kỷ XIX, khi phong trào cánh tả còn yếu, và chủ nghĩa tư bản chưa điều chỉnh, phong kiến còn hoành hành, thì một Giắccu không phải là chuyện hiếm, khác với một chủ nghĩa tư bản ít nhiều đã điều chỉnh, và cánh tả có nhiều khuynh hướng  như thời của tác giả viết, song đói nghèo và bất công thì vẫn còn.

 

Ở đây tôi xin nói thêm về cơ chế xét xử thời kỳ đó tại Pháp. Các bị cáo không bị xem là có tội khi chưa có bản án của tòa án, do đó vẫn mặc thường phục. Ở tòa, thẩm phán làm chủ tọa lý thuyết là đứng giữa hai bên (luật sư và công tố), nhưng, người ra phán quyết lại là các bồi thẩm về lý thuyết đại diện cho nhân dân. Nhìn qua, cảm giác thủ tục đó là tiến bộ, nhưng không hẳn như vậy. Thẩm phán và biện lý vẫn có thể thông đồng với nhau, vô hiệu hóa hay gây bất lợi cho bào chữa của trạng sư, dẫu vậy hội đồng bồi thẩm, những người chỉ biết lắng nghe bỏ phiếu kín quyết định bị cáo có tội hay không có tội, nếu họ được bầu một cách tự do và dân chủ thì phán quyết của họ mới thật sự công tâm.

 

Cơ chế tổ chức chính quyền và  tố tụng của Pháp phải trải qua rất nhiều thời gian, để có thể tòa án độc lập hơn như ngày nay. Trước hết phải là bảo đảm cho các  nhân viên thực thi pháp luật độc lập khi thực thi nhiệm vụ của họ (bản thân họ cũng độc lập với nhau), mà không chịu tác động từ các thế lực khác, cho dù đó là từ ngành lập pháp, hành pháp hay các đảng phái. Thứ hai đại diện cho nhân dân sẽ phán xét các bị cáo có tội hay không có tội chứ không phải là ông chủ tọa. Như vậy sự độc lập của các bồi thẩm ra phán quyết với thẩm phán chủ tọa phiên tòa, và dĩ nhiên đại diện cơ quan công tố là một yêu cầu cần thiết.

 

Cho dù trên thế giới này chẳng tìm đâu ra một nền tư pháp hoàn toàn độc lập, vì các nhân viên tư pháp cũng là những con người, tác động từ đâu, kể cả từ cử tri (cũng không hoàn toàn là tốt), vẫn có thể xảy ra. Song cơ chế bảo đảm cho tư pháp độc lập, không chịu sự chỉ đạo bắt buộc của “ông A ông B”  nào đó, và họ có thể làm việc một cách chính trực theo pháp luật và lương tâm để đưa ra phán quyết, là chủ trương của các nhà nước muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, dân chủ và minh bạch.

 

Ngày nay nền tư pháp của Pháp đã khá mạnh lên nhiều, họ còn có thể đưa cả tổng thống hay cựu tổng thống vào tù hay lôi ra phán xét một cách công khai mà không phải ngại một thế lực nào. Jacques Chirac đã từng phải lao đao về pháp luật sau khi rời nhiệm sở, và cũng từng được ví như Jacquou le croquant để nói về sự khốn khổ của ông, hay Nicolas Sarkozy mới rời ghế vài ngày, mất quyền miễn tố, cũng đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật săm soi. Xem lại bộ phim trên hay đọc cuốn tiểu thuyết rất có chiều sâu dù đã “rơi vào quên lãng” nơi này hay nơi khác, vẫn học ra được nhiều điều, để ngẫm xây dựng một hệ thống pháp luật và một nền tư pháp trong sạch, công minh mà xã hội ao ước.

 

Jacquou, người nông dân nổi dậy - từ tiểu thuyết đến phim

Hà Anh

http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18578

 

Anh Dũng
Số lần đọc: 2283
Ngày đăng: 24.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Jacquou, người nông dân nổi dậy - từ tiểu thuyết đến phim - Hà Anh
Phim Có Thể Là Một Áng Văn Học Không ? - Vũ Ngọc Anh
Chuyến Xe Mang Tên Dục Vọng - Sâm Thương
Công Dân Kane: Số Phận Con Người - Sâm Thương
Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp - Sâm Thương
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng - Sâm Thương
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Chuyện Dế Mèn - Phạm Toàn
Marlon Brando: nhân vật bi kịch - Sâm Thương