Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.376 tác phẩm
2.747 tác giả
759
116.499.139
 
Miếu - Hòn Bà Bãi Sau Viên Ngọc Quý Của Du Lịch Vũng Tàu
Đinh Văn Hạnh

 

1. Hòn Bà, viên ngọc trước mặt rồng.

 

Khi mô tả hình thế sơn thủy Vũng Tàu, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết đầu thế kỷ XIX, cho biết:

 

“Tục gọi là núi Gành Rái (tức núi Lớn núi Nhỏ), cách phía đông trấn 243 dặm rưỡi. Phía bắc từ trong chằm lớn băng qua khe rạch, tụ họp cát đá, chạy về hướng đông mà mọc ra, quanh vòng qua hướng tây, uốn lượn dáng như con rồng xanh tắm biển, rồi nổi lên 3 ngọn núi đá đứng sững như chân đỉnh ở giữa biển; dựng làm bãi neo cột nêu giữa biển, để chỉ rõ bờ bến cho thuyền nam bắc qua lại và ngăn sóng lớn dậy cuộn suốt ngày. Đầu núi làm cửa phải cho Tắc Ký (tức cửa Lấp, Phước Tỉnh), đuôi núi làm bình phong che ngoài cho Cần Giờ, phía trong có vũng lớn làm chỗ cho ghe thuyền neo đậu nghỉ ngơi (tức bãi Trước). Trên núi có suối nước ngọt phun ra, dưới có dân chài sinh sống, thật là một cửa bể có phong cảnh đẹp nhất. Ở đầu gành thường có rái cá xuất hiện, nên mới có tên là núi Gành Rái (Q.II, Sơn xuyên chí).

 

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết muộn hơn, nửa cuối thế kỷ XIX về núi Thát Ky (tức núi Lớn núi Nhỏ Vũng Tàu), cũng cho biết:

 

“Núi Ghềnh Rái: Ở cách huyện Phước An 26 dặm về phía đông nam, đầu ghềnh thường có giống rái biển xuất hiện, nên gọi tên thế. Núi từ trong rừng phá phía bắc, vượt qua khe suối, nhóm họp đá cát, vươn ra phía đông quanh lại phía tây, như hình con rồng xanh lượn theo biển. Có ba ngọn núi đá đứng sững thành hình chân vạc, như trụ biển cắm giữa biển để tàu thuyền phương nam phương bắc nhận rõ đường đi; ngăn cản sóng gió ào ào suốt ngày; phía đầu núi là cửa ngõ bên hữu của Ngọc Tỉnh, phía cuối núi là bình phong bên ngoài cửa Cần Giờ, trong có vũng lớn gọi là Vũng Tàu, để che chở cho thuyền tàu đổ nghỉ. Trên núi có suối nước ngọt, chân núi tụ họp dân chài, thật là chỗ cửa quan rất xung yếu. Ngoài biển có chỗ ranh giới đường nước, gọi là Giáp nước; mùa gió nồm thì giáp nước dời về phía bắc, mùa gió bấc thì giáp nước dời về phía nam, thuyền biển thuộc đường tránh trước thì không xẩy ra tai nạn” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế 1992, tr. 49-50).

 

Nếu núi Lớn núi Nhỏ Vũng Tàu liền một dãi là con rồng xanh giữa biển như người xưa đã nhận thấy qua hai tài liệu trên thì Hòn Bà bên mũi Nghinh Phong chính là viên ngọc trước mặt con rồng xanh ấy. Theo thuật phong thủy, Hòn Bà chính là linh huyệt của thế đất.


 

2. Miếu thờ Thủy Long Thần Nữ.

 

Hòn Bà cách bờ chừng 180m, lúc triều cạn, có diện tích ước khoảng 5000m2. Diện tích và khoảng cách trên là do chúng tôi ước tính trên bản đồ không ảnh. Vì hiện nay Hòn Bà chưa có số các số đo chính thức của cơ quan chức năng.

 

Trên một số bản đồ vẽ thời Pháp, chúng ta thấy Hòn Bà, được ghi là Ile d' Archinard. Ile d' Archinard vốn là tên một viên tướng trong quân đội viễn chinh Pháp. Thực ra, Hòn Bà đã được ngư dân Vũng Tàu gọi bằng tên ấy từ rất sớm…

 

Trên Hòn Bà hiện có miếu thờ Bà Ngũ Hành, dân địa phương gọi là miếu Hòn Bà. Ngoài ra, còn có các miếu nhỏ, phối tự, thờ Diêu Trì Phật Mẫu, miếu Sơn Thần, miếu Thập Nhị Cô Hồn, tượng Phật Bà Quan Âm.

 

Tương truyền miếu Hòn Bà được xây dựng lần đầu từ năm 1832, để thờ Thủy Long Thần nữ. Ban đầu miếu chỉ là cái chòi tre lá. Dân làng Thắng Tam đi đánh cá lên khấn nguyện thường gặp may, được nhiều tôm cá. Sau này miếu Hòn Bà được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn bằng tre lá. Sau trận lụt lịch sử năm Thìn (1952), có thể vào khoảng năm 1953, miếu Hòn Bà được sửa chữa, xây lại bằng vật liệu bền vững. Sự phối tự (Năm) Bà Ngũ Hành từ đối tượng thờ duy nhất của miếu là Thủy Long Thần Nữ có lẽ mới được ngư dân Thắng Tam thực hiện thời gian sau này.


Trong số hàng chục di sản văn hóa biển của Vũng Tàu, có lẽ miếu Hòn Bà là di tích rất ít được biết đến. Nhiều người dân sống ở Vũng Tàu đã mấy chục năm nhưng chưa một lần ra được Hòn Bà, dù nghe nói ngoài đó thờ Thủy Long thần nữ rất linh thiêng. Đối với du khách điều đó còn khó khăn hơn. Nếu đi thuyền, sóng lớn, sẽ rất khó ghé vì nhiều ghềnh đá, không có bến đỗ. Nếu lội bộ thì phải am tường con nước lên xuống và phải biết chọn thời điểm thích hợp để đến và rời khỏi Hòn Bà trước khi triều lên. Và mỗi tháng cũng chỉ có ba bốn ngày như thế…

 

Chánh điện miếu Hòn Bà có các bàn thờ: Bài vị Ngũ Hành Linh vị với hai bộ tượng Bà Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, trong đó Bà Thủy Long thần nữ ở vị trí trung tâm.

Bên phải bàn thờ Bà Ngũ Hành là bàn thờ Tiền hiền, trên có bài vị Hồ Văn Khỏe (1971). Trên bàn thờ này còn có một tấm bảng nhỏ ghi “Nguyễn Quang Minh tiền hiền khai hoang hòn Bà bãi Sau năm 1781”.

Bên trái bàn thờ Bà Ngũ Hành là bàn thờ Hậu hiền.

 

Phía trước bàn thờ Bà Ngũ Hành, là hai bàn thờ Tổ Cô (bên phải) và Ông Chúa Sơn Lâm (bên trái).

Đối diện với bàn thờ Bà Ngũ Hành phía cuối chánh điện là bàn thờ Thiên.

 

Mỗi năm miếu Hòn Bà cúng bốn lệ vào ngày Rằm. Tháng Giêng, cúng lễ từ 5 giờ sáng đến 9 giờ sáng; tháng Tư và tháng Bảy từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối; và tháng Mười từ 5 giờ sáng đến 9 giờ sáng-6 giờ sáng ngày 16 tháng Mười lệ cúng Nghinh Bà về miếu Bà Ngũ Hành (khu di tích Đình thần Thắng Tam). Lễ cúng miếu Hòn Bà không giống với miếu thờ Bà các nơi khác. Do tọa lạc giữa biển nên lịch lễ cúng Bà đi theo con nước (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau đi vào buổi sáng; từ tháng 4 đến tháng 8 đi vào buổi chiều).

 

3. Tôn tạo hòn Bà để tạo điểm nhấn mới cho du lịch Vũng Tàu.

 

Miếu Hòn Bà là một di tích lịch sử văn hóa, chứa đựng yếu tố văn hóa biển, phản ánh quá trình lao động, nghề nghiệp và đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Vũng Tàu. Hòn Bà cùng với cảnh quan mũi Nghinh Phong - núi Nhỏ, bãi Vọng Nguyệt và bãi Sau tạo thành quần thể cảnh quan sơn thủy, biển đảo đẹp nhất của Vũng Tàu.

 

Một vị trí có cảnh quan đẹp lại có cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu cho đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân, với những yếu tố văn hóa biển sinh động thực sự hấp dẫn đối với nhà quản lý và kinh doanh du lịch.

Cần tôn tạo miếu Hòn Bà, cải tạo cảnh quan và rất cần có một chiếc cầu đi bộ ra hòn Bà không chỉ là mối quan tâm của lãnh đạo tỉnh, những người làm công tác quản lý, kinh doanh du lịch và du khách mà cũng là mong muốn của những người đại diện cho ngư dân quản lý di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thắng Tam.

 

Hòn Bà và miếu Hòn Bà là một cảnh quan du lịch hấp dẫn, một địa chỉ tâm linh tiêu biểu cho văn hóa biển Vũng Tàu. Là viên ngọc trước mặt con rồng xanh uốn lượn trên biển, hòn Bà chính là linh huyệt của thành phố Vũng Tàu. Tôn tạo di tích danh thắng, xây dựng một chiếc cầu đi bộ ra hòn Bà phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, tương xứng với một thành phố mở, năng động và hiện đại như Vũng Tàu không chỉ là mong muốn của nhiều người, mà rất có thể sẽ tạo ra được điểm nhấn mới, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Vũng Tàu…

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 2845
Ngày đăng: 15.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du lịch duyên hải nam Trung bộ: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VĂN HÓA BIỂN - Đinh Văn Hạnh
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu - Nguyễn Quỳnh USA
Dân Chủ và văn hóa Việt Nam - Nguyễn Đăng Trúc
Nhìn Nhận Phạm Quỳnh Trong Quá Trình Phát Triển Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX Đến Năm 1945 - Trần Thanh Hà
Văn-Hóa Việt-Nam 18 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 17 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 16 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 15 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 14 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 13 - Nguyễn Thế Thoại
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)