Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
554
115.980.652
 
Bước Ngoặt
Văn Công Mỹ

 

Tuấn lơ ngơ bước đi trên những đoạn phố ngắn, đầu óc lan man nghĩ. Trong khi chuyện bận tâm sáng nay là tìm mua bằng được dàn âm thanh cho cái quán café thì cái đầu cứ nghĩ lung tung về chuyện thay thay đổi đổi của cuộc đời. Ừ, cũng chính cái sự đổi thay mà anh đang suy nghĩ  nó dẫn đến cái việc sáng nay anh phải đi tới đi lui nhiều bận trên cái khu chợ trời nổi tiếng của thành phố này.

 

Coi, cách đây bốn năm đang ngon lành với một công việc có chút bổng lộc ở một công ty xuất nhập khẩu. Vợ đang là biên tập viên truyền hình tỉnh nhà. Thêm thằng con trai sáu tuổi kháu ra phết. Thêm nữa, cơ quan cho miếng đất, chạy vạy cất được cái nhà rõ lớn. Thêm nữa, cùng với gia đình đang kinh doanh hai cái quán café to, thu nhập hàng tháng ổn. Ngày nọ nhận cái thư của ông anh vợ  : “Hai tháng nữa gia đình anh xuất cảnh theo diện HO. Tụi em không vào thì anh bán cái nhà cho người khác.”

 

Coi, cái này giống như ông trời sắp. Đã từ lâu vợ thường hay nói ra miệng cái mơ ước đời mình là phải được sống ở cái thành phố hoa lệ ấy mới thỏa đời, ngặt nỗi không có cái nhà để an cư. Nay giống như cầu được ước thấy. Bạn bè, người thân té ngửa khi chứng kiến vợ chồng con cái bỏ hết nhà cửa, công ăn chuyện làm dắt díu nhau hành phương nam với bốn chỉ vàng lận lưng.

 

Coi, không là thay đổi thì là gì? Ngày đặt chân vào cái thành phố náo nhiệt này vợ chồng đèo nhau trên cái cúp cà tàng mượn của ông anh ban ngày đi khắp chốn để tìm cơ hội, để đêm về dưới mái nhà lợp tôle hăm hở cùng nhau thêu dệt ước mơ. Thằng con trai thôi chấp nhận nhà mình chưa có ti vi thì sang nhà hàng xóm coi ké con ạ. Suốt hai tuần phơi nắng đen nhẻm cả người cuối cùng với chừng đó vốn liếng chỉ đủ sang được một cái quán café nhỏ xíu ở trong góc một cái chung cư đã xuống cấp. Ấy vậy mà trời thương, thức khuya dậy sớm kì cà kì cục mỗi ngày mười sáu, mười bảy tiếng đồng hồ pha pha chế chế, hàng tháng cũng còn dư được … nửa chỉ ! Và chắc hẳn  với cái bầu máu nóng hực, với cái độ sung sức của tuổi ba lăm hồi đó vợ chồng xem chuyện đầu tắt mặt tối ấy nhẹ tợ lông hồng. Rồi một ngày đẹp trời nọ thản nhiên như không cả hai lao vào một đám sình hóc hẻm ven sông, quần quật ngày đêm như đứa khùng lôi đất lôi cát , kéo tranh tre nứa lá về mở thêm cái quán café nữa! Ôi trời, cái hóc bà tó này đẻ ra vàng. Khởi đầu chỉ dám bày ra trăm ghế vậy mà sáu tháng sau mỗi đêm cuối tuần ngàn chỗ không đủ cho cái đám loi choi từ khắp nơi kìn kịt đổ về. Cũng phải thôi, hồi ấy ở cái thành phố mười triệu dân này đâu đếm được đầu ngón tay những quán café khá nổi 343, Báo Chí, Lầu Phượng…so với đằng này sông nước hữu tình, gió mát trăng thanh, là dưới cơ thấy rõ.  Quán mang tên tây đàng hoàng, Moon Light, nghe cũng kêu. Rồi mấy thằng nhóc dân chơi đòi nghe nhạc tuyển này nọ, vợ lưu ý chồng đi kiếm cho bằng được dàn máy xịn đem về “dập” cho nó đã.

 

Miên man nghĩ, chân dừng ở cái tiệm khá lớn chứa đầy những đầu disk, amply, loa… Đang nghe Tuấn kể lể dông dài, thằng chủ tiệm cắt ngang: “ Thôi, tui hiểu rồi. Đồ ông kiếm chỉ có một thằng ở khu này mới take care được!” . Từ đó Tuấn biết Lão Mập.

 

Lão Mập xởi lởi, thân thiết như đã quen biết từ lâu cười hề hề hỏi Tuấn: “Sao, ông anh kiếm hàng gì?”.Tuấn chưa nói hết câu, lão tới luôn: “ Quán của anh phải chơi pre-power !”.Trời đất, hồi giờ nào quan hệ với mấy ông anh có tiếng chơi đồ dữ, Tuấn nhớ tháng trước mấy ổng khoe bữa nay mới sắm được cái Sansui 500, cặp loa Pionner 2500, cặp bass ba tấc nghe nhức nhối luôn. Lão Mập nghe vậy cười rổn rảng: “Chỗ của anh mà khiêng mấy cái đó về thì nghe như dế nó kêu”. Lần đầu tiên Tuấn biết cái pre-power, cái mixer mười tám cần, và dàn loa JPL với những cái loa bass bốn tấc. Theo lẽ thường cũng cò kè bớt một thêm hai, Lão Mập nói: “Dứt giá năm nghìn, ông anh cứ đem về xài khi nào có tiền, trả!”.Nghĩ cũng lạ, lão tuổi nhâm thìn mà cứ kêu Tuấn bằng anh xưng em ngọt xớt: “Giờ anh em mình qua bên kia uống café”.

 

Quán café tọa lạc ngay góc đường chính của thành phố mang bảng hiệu tiếng Ý. Lão Mập giải thích: “Nói theo tiếng Mỹ là Hello ấy mà”. Khách khứa đa phần là đám Tây:  ba lô có, nhân viên văn phòng có. Thêm một vài chàng Việt kiều da mặt trắng bóc, râu ria tỉa tót khéo léo đi kèm là mấy em gái mắt sáng như nai, chân dài bước chậm rãi. Máy lạnh thả hơi lạnh ngắt. Không khí sực nức mùi nước hoa hàng hiệu. Tiếng nhạc êm như ru. Không gian ấy làm con người ta như sống chậm lại :  ăn, uống, nói, đi…và tự thấy mình sang cả hẳn! Nói nào ngay, tuy là tiếng đã bốn năm sống ở cái hòn ngọc viễn đông này nhưng Tuấn cũng chỉ quanh quẩn ở cái chung cư nghèo nàn cất từ thời ông Thiệu. Trước có la cà quán xá thì cũng mấy cái quán thời thượng, chủ yếu là ngồi để… học nghề. Tiền thì có leng keng trong túi nhưng ngó mấy cái quán máy lạnh khu trung tâm thấy ngài ngại đố dám bước vào, nói chi cái kiểu Lão Mập cợt nhả xí xô xí xào với mấy thằng Tây, rồi vỗ vai bồm bộp như quen mấy gã Việt kiều từ kiếp trước. Tuấn thoáng nghĩ  phải đưa vợ con đến nơi chốn này nhân ngày sinh nhật của vợ mình, và mỉm cười hình dung vợ con diện đồ đẹp thật đẹp đang khép nép, ngơ ngác đi bên cạnh mình. Lão Mập sành sỏi , quen thuộc kêu thằng nhóc phục vụ : “ Cho ông anh này một phần tái vừa, còn tớ…như cũ !”. Tuấn cũng ráng làm mặt tỉnh, cơn run lúc nãy khi mới bước vào đã hết khi anh ngồi trên chiếc ghế nệm bọc da êm ái. Sự tự tin của người có tiền nhanh chóng quay lại trên dáng ngồi vắt chéo chân, Tuấn giả bộ bàng quan ngó lung ra đường. Những cô gái bước đều đều ngoài nắng trưa, cao ráo, dấu vẻ đẹp tây phương trong cặp mắt kính đen che gần hết khuôn mặt. Những gã đàn ông quần áo thẳng tắp  vội vã vừa đi vừa nói chuyện lắm lúc như muốn đâm sầm vào nhau. Họ đi nhanh trông y như trong cuốn phim Mỹ mà Tuấn mới coi đêm qua. Hồ như có một thế giới khác, khác nhiều so với cái thế giới chung cư mà Tuấn đang sống. Hết nhìn ra đường, Tuấn vờ lơ đãng ngó xung quanh rồi kín đáo nhìn xuống chân mình mang đôi dép mới tinh vợ mới sắm tuần trước thấy có cảm giác ngượng ngượng…

 

Thằng nhóc nghiêm trang đặt dĩa thịt bò to quá khổ trước mặt Tuấn.Miếng thịt dày cháy xém bốn cạnh vuông vức. Tuấn lóng ngóng với bộ dao nĩa sáng loáng trong tay. Ừ nhỉ, ngon thật, mà thơm nữa. Tuấn vừa nhai vừa gật gật đầu khi Lão Mập miệng nói cho biết đây là thịt bò nhập khẩu, tay lão dùng nĩa xoắn xoắn mấy sợi mì, gật gù : “ Quán này em khoái nhất món mì Ý”. Bữa ăn thật lạ và ngon. Bộ dạng no đủ, lười biếng, Tuấn khoan khoái ngả người trên chiếc ghế rộng nhấm nháp tách café nhỏ xíu nổi bọt trắng xóa điểm thêm chút sô cô la ở giữa. Tuấn lơ mơ buồn ngủ, tai nghe đều đều giọng Lão Mập kể những chuyện buồn vui của cái thời mới mở cửa ở thành phố này. Loáng thoáng những âm thanh như xé gió của thứ ngôn ngữ lạ hoắc ; có những tiếng dỡn hớt kìm nén của một đám tây ta lẫn lộn ở trong cùng góc quán…

 

Không uống chút rượu nào nhưng đầu óc Tuấn lâng lâng, lảo đảo khi ngồi trên chiếc Dream phóng nhanh về nhà giữa buổi trưa tháng tư nắng chói chang, gay gắt trên đầu. Trong cái hanh hao, ngột ngạt, ầm ào trên đường, giật mình Tuấn có một cái cảm giác rõ rệt là mình vừa mắc một lỗi lầm khi nhớ lại lời nhắn của vợ sáng nay: “ Trưa, em và con chờ anh về ăn cơm. Có món thịt heo kho Tàu với dưa cải chua đấy !”.

                

 

Văn Công Mỹ
Số lần đọc: 1795
Ngày đăng: 23.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bọt Biển - Diệp Hồng Phương
Lời Thú Nhận Cuối Cùng - Đặng Hồng Quang
Bọn Bốn Đứa - Võ Xuân Phương
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn
Quán Bên Sông - Mang Viên Long
Tình Quê Xa Khuất - Lê Văn Thiện
Tiếng động - Nguyễn Đạt
Đêm phương Nam cuối cùng - Lưu Thuỷ Hương
Lỗi Tại Ai - Lan Hương
Không Môt Chỗ, Để Về - Trần Yên Hòa