Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.532.920
 
Nhà Thơ Hải Quân Nhưng Tâm Hồn Hướng Về Châu-Thổ Hơn Là Về Đại-Dương
Trần Văn Nam

 

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên trước năm 1975 là một sĩ quan hải quân, và khi ra hải ngoại ông hoạt động về báo chí Việt ngữ ở vùng thủ đô Hoa Kỳ, có một số thơ đăng trên các báo Việt ở Washington DC. Vì vậy khá nhiều người không được biết tên nhà thơ Giang Hữu Tuyên. Đến khi ông mất khoảng gần cuối năm 2004, báo Việt ngữ ở quận Cam California loan tin cùng phổ biến bài thơ rất cảm động của ông, bài “Trời Mưa Đi Phát Báo” nói về nghiệp nghề đi phát báo Việt Ngữ của một cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, làm nhiều người muốn tìm đọc thêm thơ của Giang hữu Tuyên. Bài thơ ấy nếu đã từng đọc trước đây, người viết bài này sẽ không khỏi liệt kê nó thuộc hàng hay nhất của loại thơ “Hội Nhập Buồn” khi mới định cư ở xứ người,  sánh vai cùng “Thơ Xuân Đất Khách” của Thanh Nam hoặc “Mai Mốt Anh Về” của Cao Tần.

 

Tìm đọc thêm thơ của Gianh Hữu Tuyên, ta lại bắt gặp những vần thơ buồn phản ánh một đời sống chưa thích nghi vào hoàn cảnh mới, làm những việc không đúng sở thích. Có người sẽ hỏi ngay, sở thích đó có phải là ngành đi biển? Theo thiển nghĩ thì không phải như vậy, vì trong thơ Giang Hữu Tuyên có rất ít dấu vết yêu đại dương như trong thơ một số thi sĩ thuộc binh chủng Hải Quân (xin sẽ nhắc đến vài người ở đoạn sau). Đọc thêm đoạn thơ hội nhập buồn nơi xứ người sau đây, ta xúc động nỗi buồn của ông lúc hoàng hôn đời người, song hành với tâm tình mãi hướng về quê hương Việt Nam:

 

Từ nay chín cửa mưa mù lối

Sóng nước bồng bềnh nhánh củi trôi

… Áo cơm lần lữa qua ngày tháng

Mộng ước lui dần xuống kẽ tay

… Mai này trong chuyến tàu thiên cổ

Nếu có người thương tiếc tiễn đưa

Xin hãy rắc thêm vào huyệt mộ

Chút tình hệ lụy núi sông xưa.

(Trích bài: Đất Gọi Người Đi)

 

Người viết bài này tìm đọc được những bài thơ hoài hương miền quê sông nước châu thổ sông Cửu Long của Giang Hữu Tuyên trên Internet: có bài hằn dấu vết sáng tác tại Hoa Kỳ bằng các từ ngữ chỉ địa danh, nhưng có bài mang dấu vết thời gian ông phục vụ trong ngành hải quân, hoặc mang kỷ niệm thuở  còn đi học.  Đó là do hồi-tưởng, hay đã sáng tác khi ở trong nước trước 1975? Các bài thơ không ghi thời điểm sáng tác, cũng không lưu dấu từ ngữ về không gian lúc sáng tác đang ở nơi nào, chỉ dàn trải tình cảm quá khứ mà thôi. Vậy những bài tình quê hương có thể được sáng tác từ khi ở nước ngoài, hoặc có thể từ khi đang trên con tàu hải quân, hoặc từ khi mới từ giã đời học trò để bước vào quân ngũ. Khác thời điểm, nhưng chung nỗi niềm nhớ quê, và quê đó đậm tình sông nước Miền Nam. Như bốn bài thơ nhớ quê sông nước dưới đây, một bài làm ta biết rõ sáng tác từ tiểu bang Virginia Hoa Kỳ sau 1975, và sáng tác trong thời điểm Việt Nam-Hoa Kỳ chưa thiết lập bang giao nên ra đi coi như vĩnh biệt Tổ Quốc:                                                                          

 

… Hồn bình nguyên rộng trên tay

Căng đầy nỗi nhớ sông đầy phù sa

Ơi miền Nam, ơi quê nhà

Dưới ao sen nở mẹ già vo cơm

… Mưa phù gió phất qua hiên

Em gom củi đước đốt lên nỗi niềm

Chị ngồi vá chút buồn riêng

Anh đi như thể là thiên thu rồi

(Trích bài: Mưa Arlington, Nhớ Mưa Quê Nhà)

 

Một bài thơ khác làm ta phân vân phải chăng tác giả viết từ khi rời ghế nhà trường, mãi sau này mới đăng trên báo Việt Ngữ ở Washington DC, trong đó chan chứa niềm nhớ quê ruộng vườn song hành với nhớ thời mới từ giã hoa-niên, từ giã người yêu sông nước Cửu Long để ra Nha Trang học ở Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Trong bài thơ có hình dáng bóng núi và tình hướng về Miền Tây Nam Bộ, nên ta có thể phỏng đoán nó được gợi hứng do xúc cảm từ Nha Trang. Nhưng bài thơ sáng tác nơi đâu, có thể tại Hoa Kỳ như một hồi ức; mà cũng có thể sáng tác từ lâu tại Việt Nam, đến khi ra nước ngoài mới cho xuất hiện:

 

Anh đi châu thổ mưa buồn vương vãi

Mấy hàng dừa xanh lả ngọn mong chờ

Em tiễn đưa anh bằng đôi mắt biếc

Của ngày mực tím giấy ngây thơ

… Từ hiên nhỏ nhìn ra con sông rộng

Dáng núi chiều hùng vĩ chắn chân mây

Thuyền ai thấp thoáng đi về phía ấy

Mà vang rền giọng hát cuối trời Tây

(Trích bài: Bông Bưởi Chiều Xưa)

 

Và hai bài thơ khác cũng làm ta phân vân tương tự về không gian và thời gian sáng tác, không rõ có phải ông đã sáng tác lúc tàu Hải Quân đang chạy sát bờ duyên hải Cà Mau, và rồi cho bỏ neo đậu trên dòng Sông Trẹm; hoặc chỉ sáng tác như một hồi tưởng lúc đang sống tại Mỹ. Ta có thể cảm thông xúc cảm của Giang Hữu Tuyên: lúc tàu đang dọc dài duyên hải, nhà thơ đã đánh hơi được hương mùa Xuân bông cúc vàng của ngày Tết nơi đất liền. Trong thơ ông không có tiếng trùng dương réo gọi viễn du mà lại có tiếng vọng cổ của điệu buồn lặng lẽ phù sa trên dòng sông châu thổ vừa “thức giấc yên ba”. Và khi đậu tàu trên dòng sông Trẹm thường ửng đỏ do lá mục của rừng tràm U Minh, vùng lửa đạn thời chiến tranh Việt Nam trước 1975, ông đã từng xúc cảm với ý tưởng chỉ hai bờ sông Trẹm cũng đã là hai chiến tuyến, hai chiến tuyến thu nhỏ của hai chiến tuyến lớn Nam Bắc thời chiến tranh Việt Nam trước 1975. Xúc cảm để sáng tác lúc tàu đậu trên sông, hay xúc cảm khi hồi tưởng tại Hoa kỳ, ta chẳng biết vì không có ghi thời điểm dưới bài thơ:

 

Mùa Xuân về từ hơi biển lạ

Bông cúc vàng mặn gió xa xăm

… Cùng với đàn chim đang chao liệng

Con sông dài thức giấc yên ba

Em nghe không mơ hồ trong gió

Có điệu buồn của nước phù sa

(Trích bài: Điệu Buồn Phù Sa)

 

Chinh chiến người đi như lá mục

Giòng sông kia đỏ nước thêm hoài

Máu ai chảy từ bao năm trước

Mà nối không liền được đất đai

(Trọn bài: Về Giòng Sông Trẹm)

 

Quả thật nhà thơ Giang Hữu Tuyên đậm tình với sông nước miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long, vì ngay từ thời thanh niên, cũng có thể ngay từ niên thiếu, ông đã chung đụng với bùn lầy vườn quê quanh nhà như vén đất hay giềng bờ ao khi nước lụt; quen với hương mắm ăn kèm rau dừa, loại rau mọc dồi dào quanh bờ ruộng; quen  thấy những bầy ròng ròng đỏ ửng (bầy cá con giăng một hàng khá dài theo cá lóc mẹ thường gặp trong mương rạch). Những ai đã từng ở vùng quê Nam bộ mới cảm nhận được hương mắm và cảnh sắc thân ái miệt vườn như Giang Hữu Tuyên:

 

Rau dừa xanh ngọn dưới mương

Bếp chiều nồi mắm tỏa hương ngạt ngào

Con giờ lưu lạc phương nào

Đêm đêm chiếc bóng mẹ rầu con ơi

Rạch kia đã cạn hết rồi

Không con, ai vét đất bồi ấy lên?

Nhớ mùa nước lớn tràn hiên

Một tay con đắp con giềng bờ ao

Miệng cười con nói không sao

Cá không vượt nổi đăng cao như vầy

Ao giờ lau sậy mọc đầy

Ròng ròng đỏ ửng một bầy, con ơi!

(Trọn bài thơ: Không Con, Ai Vét Đất Bồi Ấy Lên)

 

Giang HữuTuyên viết về lời mẹ nhắc tới bầy cá ròng-ròng để gợi kỷ-niệm mà nhớ mẹ, mẹ ông biết sở thích thuở bé của những đứa con nay đã xa cách. Những lời thơ như trên chỉ mang tính tường thuật kỷ niệm đồng quê, không có câu thơ nào bóng bẩy thuộc tu-từ-pháp; nhưng thật đậm đà tình yêu sông nước, mương rạch, vườn quê. Sở dĩ người viết muốn trích nguyên bài thơ này ra đây để thấy khuynh hướng tâm hồn Giang Hữu Tuyên, một nhà thơ Hải Quân nhưng rất ít đề cập đến cảnh quang trùng dương biển cả. So sánh với thi ca của một vài nhà thơ cũng thuộc Hải Quân trước đây như Hữu Phương, Tôn thất Phú Sĩ, Phạm Hồng Ân, ta sẽ thấy nhà thơ Giang Hữu Tuyên có rất ít câu liên hệ đến trùng dương biển cả. Còn ba nhà thơ kể trên cũng là sĩ quan Hải Quân từ cấp úy đến cấp Phó Đề Đốc, họ đều nói nhiều về biển, có người còn gắn bó tình yêu biển ngang với tình yêu đầu đời. Khi giải thể quân ngũ sau năm 1975, lòng yêu biển vẫn còn, dù chỉ còn trong tiếc nuối:

 

… Cái thú về khơi xin giã biệt

Gió bão ngày xưa quá rã rời

Cũng chẳng còn gì tôi tha thiết

Im lặng mà xem chuyện đổi dời

 (Hữu Phương, trích trong bài: Ước Vọng Giã Từ)

 

… Vừa biết yêu, anh lỡ lầm yêu biển

Tháng năm dài theo con tàu lênh đênh

Bước phiêu du nhiều khi nghe hiu quạnh

Neo tuổi vàng giữa sóng nước mông mênh   

(Tôn Thất Phú Sĩ, trích trong bài: Xin Đừng Trách)

 

… Con tàu đó, xác thân vùi trong cát

Nửa thân tàu nằm yên ngủ thâm sâu

Nửa thân kia vương víu vọng trời cao

Con chim biển khóc tình sao Bắc Đẩu

(Tôn Thất Phú Sĩ, trích trong bài: Ngơ Ngác Giữa Âm Xa)

 

…Từ sông ra biển xuôi theo nước

Đêm ghé Hòn Tre hẹn chuyến đi

… Mai nương sóng bạc qua Hòn Nghệ

Lơi lả trăng nghiêng một góc trời

… Mai hết kiếp người xin hóa núi

Ngàn năm hùng vĩ mũi Kwala

(Phạm Hồng Ân, trích trong bài: Từ Sông Ra Biển)

 

Ta đã đọc bài thơ “Về Giòng Sông Trẹm” của Giang Hữu Tuyên đã nói ở trên, và ta đã biết ông đau lòng vì đất nước nằm trong hai chiến tuyến, chiến tuyến hai bờ sông Trẹm ở Cà Mau là bối cảnh thu nhỏ của chiến tuyến hai bờ sông Bến Hải chia đôi nước Việt Nam. Đó là chiến tuyến địa lý phân chia, nhưng sự phân chia lòng người còn phức tạp hơn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thành đến ba bốn chia lìa, chia lìa do khuynh hướng chính trị, hoặc chia lìa do hoàn cảnh. Điển hình sự phân ly hiện hữu ngay ở trong nội bộ một gia đình: Hồi còn thơ ấu, mẹ nấu nồi canh mồng tơi tím thì bốn người con cùng ăn ngon bên mẹ bên cha. Khi lớn lên, cả bốn người con ở vào tuổi ràng buộc vào cuộc chiến; người theo bên này người theo bên kia; người thuộc thành phần phản chiến không ở phe nào; người chị gái thì mất chồng vì viên đạn tai bay vạ gió tình cờ. Giữa thời chiến, nồi canh mồng tơi mẹ nấu vẫn tím như ngày xưa mà không còn người con nào ở trong gia đình nữa:

 

Trái mồng tơi ngày xưa mầu tím

Canh mồng tơi ngày xưa mẹ nấu cả nhà ăn

Con lớn lên con làm lính

… Trái mồng tơi ngày xưa mầu tím

Canh mồng tơi ngày xưa mẹ nấu cả nhà ăn

Anh lớn lên, anh làm cách mạng

… Chị lớn lên, chị thành sương phụ

Ôm con, khóc chồng bởi viên đạn tình cờ không thuộc cả đôi bên

… Em lớn lên, em làm phản chiến

Chống Mỹ, chống Tàu, chống cả Liên Xô

… Trái mồng tơi bây giờ mầu vẫn tím

Canh mồng tơi bây giờ mẹ nấu chẳng ai ăn

Mỗi chiều lần mò ra hàng mồng tơi cũ

Mắt mẹ buồn vì thương nhớ những đứa con xưa.

(Trích bài: Mầu Tím Mồng Tơi)

 

Ta chợt nhớ tới phim truyện “The Fighting Sullivans” nói về một gia đình có năm người con trai ở Tiểu bang Iowa Hoa Kỳ. Người cha làm nghề lái tàu hỏa xa. Mỗi khi xe lửa đi qua tháp cao cung cấp nước cho đầu máy (kiểu xe lửa chạy bằng hơi nước thuở xưa) thì cả năm anh em đều có mặt trên tháp nước ấy để chào người cha đi qua. Họ rất nghịch ngợm lúc thiếu niên. Lớn lên, đáp lời kêu gọi nhập ngũ chống Nhật, cả năm tự nguyện lên đường tòng quân trong Đệ Nhị Thế Chiến, kể luôn người em út lập gia đình trước các anh lúc ấy đang độc thân. Cả năm anh em đều thuộc Hải Quân và muốn cùng phục vụ trên một tàu chiến. Tàu chiến của họ lâm trận ở vùng biển quanh quần đảo Guadalcanal ở Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 1942, bị chìm vì thủy lôi, và họ đều mất tích theo tàu. Đây là chuyện thật được viết thành phim. Hiện ở thành phố Waterloo Tiểu bang Iowa có nhà tưởng niệm năm anh em gia đình Sullivans. Phim đã có chiếu ở Việt Nam khoảng đầu thập niên 1950 với nhan đề bằng tiếng Pháp “J’avais cinq fils”. Chính phim này (sản xuất năm 1944) là một trong vài nguồn cảm hứng cho phim truyện cũng chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến nhưng ở mặt trận chống Đức Quốc Xã bên trời Âu, phim“Saving Private Ryan” (Cứu Lấy Người Con Trai Cuối Cùng Của Giòng Họ Ryan – sản xuất năm 1998). Những tương tự thật buồn làm ta ghi nhớ: đoạn cuối của bài thơ với hình bóng người mẹ một mình ngồi bên nồi canh mồng tơi; còn trong phim “The Fighting Sullivans” thì người cha lái tàu qua bồn tháp nước và mường tượng có bóng ảo của năm người con trong mây mờ.

 

(Trích Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo”, số 51, tháng 4 năm 2012. Bản gửi từ tác giả)

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2357
Ngày đăng: 17.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hậu Tâm Khảo - Mạc Tuấn Đinh Trần Toán
Lệ Đá Xanh - Trần Thanh Hà
Hai Bài Thơ Trong Thời-Cuộc Mà Như Ðứng Ngoài - Trần Văn Nam
"Phận đèn", tứ tuyệt thi Kinh Bắc... - Đặng Văn Sinh
Con chim chỉ được hót trong đêm - Nhật Tuấn*
Khúc Tình Buồn - Trần Thanh Hà
Phạm Chu Sa Mênh Mông Cõi Tình - Nguyễn Lệ Uyên
Một Vạt “Nắng trên đồi” - Chế Diễm Trâm
Đánh thức châu thổ - Trần Quang Quý
"Nguyễn Thị Lộ", một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá vợ chồng Nguyễn Trãi - Đặng Văn Sinh
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)