Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
564
116.588.319
 
Nguiễn Ngu Í , những trang văn giữa cơn điên - tỉnh
Phan Chính

Anh mất vào tháng 2 năm 1979. Ở trên một ngọn đồi ngảnh Tam Tân có nấm tro tàn hài cốt của anh được mang từ an dưỡng địa Phú Lâm về nằm bên cạnh mẹ, cha. Nghe tiếng sóng xao xác từng cơn mới thấy cả cuộc đời anh dẫu phiêu bạt đến đâu cũng an bài ở hai câu thơ : “Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi – Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi…”

 

Ngoài tập “Nguiễn Ngu Í, cuộc đời và văn nghiệp” của Châu Hải Kỳ (1993), mới đây tôi có được tập sách gồm hơn chục bài viết “Qua ký ức của những người thân” do vợ anh, chị Nguyễn Thị Thoại Dung góp nhặt. Cuộc đời và tấm lòng của anh với văn chương được ghi nhận thật phong phú. Từ những người đồng thời với anh như Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê… và kể cả những nhà văn, nhà báo ở Sài Gòn có dịp gần gũi với anh cũng biểu lộ mối đồng cảm, chân tình. Người cùng thời, cùng quê với anh như nhà văn, nhà báo Lê Phương Chi (Lê Thanh Thái), Đỗ Đơn Chiếu (Châu Anh) … rất rõ bao nỗi thăng trầm cùng các giai thoại văn nghệ thật thú vị về anh.

 

Cái điên đeo đẳng với anh gần hết cuộc đời cũng không dễ chịu gì cho những người thân, bạn bè mỗi khi bị anh “hành tội” lại trở thành kỷ niệm khó quên. Với tôi lại có cảm giác những trang viết của Nguiễn Ngu Í dù với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà thơ cùng với bút danh và chữ viết I ngắn khác người cũng thấy được tấm lòng của anh thật tỉnh táo, cái tình của anh đối với cuộc đời. Anh dám đương đầu và thách thức: “Kiếp sau xin cứ làm người. Còn bao nhiêu việc trên đời, còn bao…”.

 

Lần theo quãng đời chưa hết tuổi 60 của Nguiễn Ngu Í từ chốn quê Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi ) với tuổi thiếu thời thấm đậm khí tiết của người cha giàu lòng yêu nước. Đó là thầy giáo Nguyễn Hữu Hoàn khi phong trào Đông Kinh nghĩa thục thất bại, bỏ xứ tìm chốn ẩn thân rồi ra tay giúp đỡ những người tù Côn Đảo vượt biển để chịu án lưu đày. Rất sớm, anh rời gia đình vào Sài Gòn học chữ. Dưới mái trường trung học Trương Vĩnh Ký, anh có điều kiện tiếp xúc được môi trường mới làm sáng lên tư tưởng cấp tiến và hoạt động văn chương. Chính ở đó anh có nhiều người bạn ảnh hưởng rất lớn đến ý chí và hoạt động của anh. Có lẽ cái nghiệp báo, bắt đầu cho sự nghiệp văn chương của anh từ năm 1942 với Nam kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, rồi làm phụ tá thư ký toà soạn tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát, rồi Mai Văn Bộ điều khiển. Tuổi thanh niên của Nguiễn Ngu Í hừng hực sôi nổi với các phong trào yêu nước ở Nam bộ (Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên tiền phong…).

 

Cách mạng tháng Tám 1945 ở quê nhà, Nguiễn Ngu Í có mặt với  chức Tổng thư ký Ủy ban NDCM xã. Chất lãng mạn đã gây cho anh những oan trái, rồi phiêu bạt ra tận Hà Nội, miền Trung không thôi lận đận. Định mệnh đã dành  cho anh sự ưu ái tuyệt vời có người bạn đời là cô giáo Nguyễn Thị Thoại Dung khi ở Quảng Ngãi. Câu hỏi của nữ sĩ Tùng Long hồi chị sắp nhận lời cầu hôn với anh được chị trả lời : “Vì muốn đời khỏi mất một kẻ có lòng, tôi xin đem cuộc đời của tôi mà chăm nom, lo lắng cho Ngư, khuyến khích Ngư làm được chút gì mà Ngư đang đeo đuổi, ôm ấp… (tên thật của anh là Nguyễn Hữu Ngư). Điều đó đã đúng với chị khi cùng anh vượt qua bao thác ghềnh của cuộc sống, chịu đựng những năm tháng bên từng cơn điên chợt đến, chợt đi.

 

Lúc còn sống, từ một thầy giáo dạy học rồi đến khi làm báo, viết văn Nguiễn Ngu Í đã để lại nhiều dấu ấn bởi tài năng nhưng cũng lắm giai thoại trong bạn bè. Nhà thơ Hoàng Hương Trang, dược sĩ Hồ Trường An nhắc đến Nguiễn Ngu Í về những chuyện “yêu lung tung những người đàn bà làm văn nghệ”. Có những bực bội, lồng lộn như Nguyễn Thị Hoàng, lại có Trùng Dương, Vân Trang, Thụy Vũ … im lặng cảm thông coi như một sự bông đùa. Có lần anh lặn lội tìm đến nhà văn Nguyễn Thị Vinh với bước đi nhất bộ nhất bái buộc bà phải thốt lời xưng em mới thôi. Chừng như giả điên, thực ra trong anh có nỗi si mê nồng cháy của người nghệ sĩ.

 

Tác phẩm “Sống và viết” của Nguiễn Ngu Í là những bài phỏng vấn các nhân vật văn nghệ trên tạp chí Bách khoa trước đây được chú ý bởi cách hỏi chuyện khá sinh động, lôi kéo người đối thoại vào cuộc dù khó tính đến mấy. Rồi tập thơ Điên (1970) do anh chủ xướng với những bài thơ điên thứ thiệt của những người có tâm bệnh hẳn hoi.

 

Những tác phẩm mà chị Thoại Dung còn giữ lại trên 12 tập và một số bản thảo dang dở gồm biên khảo lịch sử, bút ký, tiểu thuyết, thơ … để thấy ở anh mang nhiều hoài bảo, nhiệt tình và hết lòng với nghiệp văn chương. Len lỏi trong anh là những cơn điên mà ít ai hiểu được. Khi đề tựa cuốn sách Quê hương (1967), học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết :“ Anh nhiều ý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng lại càng dữ…”

 

Cái tình của Nguiễn Ngu Í đối với quê hương rất lớn. Ở đó với anh trĩu nặng bóng hình “ Má ơi, con má điên rồi – Má còn trông đứng, đợi ngồi mà chi…”. Năm 1977, trước ngày anh mất hai năm, từ dưỡng trí viện Biên Hoà anh viết một bức thư để lại cho Yung (tức Dung) với lời lẽ thật chân thành nhưng không hết nỗi xót xa và bất lực trước bao mơ ước. Cái phần đời cuối cùng thấm đậm như anh đã dặn dò “ Chỉ còn chút tình nghĩa đối với nhau. Vậy Yung cố hết sức bình tĩnh đối với người đời, việc đời, và bao la đối với anh”. Một chút tỉnh giữa hai cơn điên, anh trở lại bản chất hồn nhiên với nỗi khát khao bừng cháy và lao theo sự say mê của mình là những trang văn. Một đời người, một đời văn, Ngu Í- Nguyễn Hữu Ngư là một hiện tượng độc đáo trong hoạt động văn học ở miền Nam trước đây và cũng là một khuôn diện văn nghệ đáng nhắc đến vì tấm lòng anh sâu nặng mảnh đất này./.

 

Phan Chính
Số lần đọc: 2507
Ngày đăng: 26.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phi mai bất thành... Tết - Văn Thành Lê
Xứ người, Tết năm ấy - Khải Nguyên
Bàn Lại Chuyện “Việt Nam Đón Mèo, Châu Á Chào Thỏ” - Hà văn Thùy
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II) - Vương Trung Hiếu
Cỏ sẽ lên xanh - Nguyễn Thị Hậu
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)