Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
741
116.542.905
 
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần II)
Vương Trung Hiếu

4. Mai đỏ Nam Phi

 

Ở Nam Phi có một số loài mai đỏ có tên khoa học là Ochna serrulata, Ochna multifloraOchna atropurpurea. Tất cả đều cùng họ  Ochnaceae. Người nước ngoài gọi chúng là Mickey mouse plant, bird's eye bush, small-leaved plane và  carnival bush.

 

A. Loài ochna serrulata

 

Còn có tên khác là Ochna mossambicensis, họ ochnaceae. Tên tiếng anh là the Mickey mouse plant. Loài mai đỏ này thường nở hoa vào cuối mùa đông hoặc mùa xuân và nở hoa lần nữa vào đầu mùa hè. Hoa có mùi thơm ngào ngạt. Đây là loài hoa mà người Nam Phi thích trồng trong chậu, đặt nơi có nhiều nắng trời. Loài Ochna serrulata cũng thuộc dạng cây bụi nhỏ, cao từ 1 đến 2 m,  nhưng đôi khi có cây lại cao đến 6 m, tuy nhiên người ta vẫn cho rằng nó là loài cây nhỏ. Nó có thân mảnh khảnh với vỏ cây nhẵn, màu nâu bóng. Cành nhánh phủ những đốm nhỏ, màu sáng. Lá hình elip dài khoảng 13-50 mm, song đôi khi lá lại hẹp, đầu lá tròn. Lá dầy và dai. Mép lá có gai nhọn thẳng, lá có gân giữa lớn và những gân phụ hai bên rất dễ nhận thấy. Vào mùa xuân cây có tán lá non màu đồng thiếc pha hồng nhạt sau đó chuyển sang màu xanh bóng.

 

Loài cây bụi tuyệt đẹp này nở hoa  màu vàng hoặc cam vào mùa xuân (tháng 7 đến tháng 11), hoa có đường kính khoảng 20 mm. Tuy những cánh hoa rụng khá sớm, song chúng vẫn kịp cho  người đời nhìn ngắm vẻ đẹp của nó. Trong hoa có khoảng từ 5 - 6 trái hình cầu, giống như trái mọng. Lúc đầu trái màu xanh, khi chín chuyển thành màu đen. Những trái này gắn chặt vào đài hoa một cách dẻo dai khi đang phát triển. Những đài hoa nở rộng dần và trở thành màu đỏ, trong phần lớn trường hợp toàn bộ cây như phủ một màu đỏ.

 

Người ta tìm thấy loài Ochna serrulata ở bờ biển cận nhiệt đới của Nam Phi. Chúng mọc ở những nơi ngang với mặt nước biển cho tới độ cao 1.800m. Người ta còn nhận thấy chúng ở mọc ở mép của những khu rừng, trên triền đá của ngọn đồi và cả trên đồng cỏ. Tuy mọc thành bụi trong rừng, song chúng có thể tăng trưởng ở nhiều môi trường khác nhau.

 

Hoa của loài mai này thu hút nhiều ong và bướm tìm đến. Chim thường ăn trái chín của loài cây này. Hạt được gieo rắc khắp nơi bởi chim và nước. Nhìn chung, cây thích nghi với nơi có ánh nắng đầy đủ hoặc từng phần. Tưới cây mỗi tuần từ 3 đến 5 lần.

 

Ở Nam Phi, tộc người Zulu sử dụng nước sắc của loài mai này để làm giảm bớt nỗi đau của trẻ con khi chúng bị bệnh về xương hay viêm ruột hoại thư (gangrenous rectitis).

 

Một loài mai đỏ khác rất giống với loài Ochna serrulata cũng được tìm thấy ở Nam Phi, đó là loài Ochna serrulata (hochst.) Walp., họ Ochnaceae.

 

Nhìn chung, tên chi Ochna xuất phát từ chữ Ochne trong tiếng Hy Lạp cổ, một chữ dùng để chỉ cây lê hoang dã, vì lá của giống này tương tự như  lá của cây lê nên người ta mới đặt tên chi như thế. Còn cái tên loài serrulata được đặt như thế vì mép lá có răng cưa.

 

B. Loài Ochna multifloraOchna atropurprea

 

 

Tên thông thường: Mickey mouse bush, small-leaved plane, carnival bush, fynblaarro oihout (afr.), umbomvane (zulu) và ilitye (xhosa). Hai loài mai đỏ này thuộc dạng cây bụi, cao khoảng 2,5m, thích bóng râm. Chúng thích nước ở mức độ trung bình trở xuống, thích đất có tính hơi acid một chút. Vào mùa hè chúng nở hoa vàng và đỏ.

 

3. Loài Ochna thomasiana

 

Còn tên gọi khác là Ochna kirkii. Loài mai đỏ này thuộc dạng cây bụi hay cây nhỏ, cao từ 1,5 đến 5m. Thân có nhiều "hột mụn" màu trắng. Hoa nở quanh năm và có 5 cánh màu vàng, đường kính khoảng 3 - 6 cm, tỏa hương thơm ngát. Chúng có đặc điểm là không có lá kèm và cuống lá. Hình dạng lá như hình elip hẹp, màu xanh. Lá xen kẻ nhau, kích cở từ 2,5 đến 5 cm,  có một số lông cứng trên bề mặt lá. Bầu nhụy ở trung tâm hoa.

 

Một khi những cánh hoa rụng, các lá bắc (bracts) sẽ trở nên màu đỏ tươi, bên trong có từ 1 đến 5 trái màu xanh (hoặc vàng nhạt). Trái có kích cở khoảng 1,3 cm dựng thẳng trong những lá bắc giống như làm bằng sáp. Những lá này sẽ tồn tại một thời gian dài trong giai đoạn trái chín trở thành màu đen. Loài mai này có hoa lớn hơn loài Ochna serrulata, thích hợp với lượng nước trung bình.

 

5. Mai đỏ Nhật Bản

 

Những loài mai này có tên khoa học là Prunus armeniaca L.), họ Rosaceae. Chúng có hoa giống như hoa đào. Thân cây đầy những mảng trắng, cành nhánh mọc thẳng, khẳng khiu. Hoa có phần giống như mai mơ hà nội, song lại màu đỏ hoặc hồng. Do đó ta có thể coi chúng là mai mơ Nhật Bản. Ngoài những loài vừa kể, ở Nhật Bản còn một loại mai hoa hồng nhạt rất lạ. Nó có cành rủ, hoa màu hồng nhạt và rất sai hoa. Người ta gọi chúng là mai liễu.

 

6. Mai đỏ châu Phi

 

Những loài mai đỏ phổ biến nhất ở Nam Phi có tên khoa học là Ochna serrulata, Ochna thomasianaOchna mossambicensis. Tất cả đều cùng họ Ochnaeace. Trong đó có một loài rất đặc biệt: hoa vàng xen kẻ với hoa đỏ (có trái đen). Thông thường, có loài mai sau khi rụng hết cánh vàng, chỉ còn lại đài hoa màu đỏ (mai tứ quí), còn loài mai này lại có cả hai màu hoa  cùng xuất hiện một lúc. Ngoài ra, còn một loài mai đỏ khác không có liên quan gì với những loài và chi kể trên, chúng có tên khoa học là Clerodendrum tomentosum. Hoa chùm màu đỏ, có năm 5 cánh bầu tròn với đỉnh cánh nhọn. Giữa nụ hoa là một trái màu đen lớn, trùm kín cả phần bên trong hoa. Nhìn chung hoa rất nhỏ so với lá.

 

III. Mai trắng

 

Sái Thuận (1.441- ?) Là người làng Song Liễu, Thuận Thành. Ông đỗ tiến sĩ vào thời Lê, giữ chức Hiệu lý ở hàn lâm viện. Về sau ông được vua Lê Thành Tông giao chức sái phu trong nhóm Tao đàn Nhị thập bát tú. Ông là người giỏi văn chương thi phú, rất yêu hoa mai, đặc biệt là hoa mai trắng. Bài thơ mai hoa sau đây, trích trong Lã Đường thi tập của ông đã toát lên được sự thanh cao của loài mai trắng:

 

Băng thu bất thụ hồng trần uyển

Tố chất năng hàm bạch ngọc tu

 

Nghĩa là:

Phong tư như băng tuyết chẳng nhuốm bụi hồng

Phẩm chất trong trẻo, hàm chứa vẻ thẹn của viên ngọc trắng

Nhà thơ Lư Mai Pha (Trung Quốc) cũng có bài Tuyết mai nhị thủ", miêu tả cảnh khoe hương sắc giữa mai và tuyết:

 

1

Mai tuyết tranh xuân vị khẳng hàng

Cao nhân các bút phí bình chương

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch

Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương

 

2

Hữu mai vô tuyết bất tinh thần

Hữu tuyết vô thi tục liễu nhân

Nhật mộ thi thành thiên hựu tuyết

Dữ mai tịnh tác thập phần xuân

 

Hải đà dịch:

 

1

Mai,tuyết giành xuân chẳng chịu nhường

Thi nhân đành bỏ chuyện giai chương

Mai thua tuyết ấy vài phân trắng

Tuyết hẳn nhường mai mấy bậc hương

 

2

Giành xuân mai tuyết chẳng nhường

Thi nhân cạn hứng giai chương, thở dài

Nhờ khoe trắng tuyết hơn mai

Mai thời hơn tuyết một vài thoáng hương

 

Không biết hai nhà thơ trên muốn nhắc đến loài mai trắng nào, bởi vì mai trắng có rất nhiều loài. Ở đây, chúng tôi xin phép giới thiệu một số loài như sau: Ochna mauritiana, Serissa foetida, Serissa foetida"kyoto", Serissa foetida 'mt. Fuji', Serissa foetida 'flore pleno', Wrightia arborea, Wrightia antidysenterica, Wrightia religiosa, Wrightia religiosa variegata, Wrightia religiosa (Echites religiosa), Wrightia sp., Wrightia tomentosa và Wrightia zeylanica…

 

1. Mai chiếu thủy Việt Nam

 

Có tên khoa học là Wrightia religiosa, họ Apocynaceae. Người ta còn thấy loài mai này ở thái lan. Chúng có tên thông thường là sacred buddhist,   wild water plum và water jasmine.

 

Mai chiếu thủy là một trong những loài hoa đẹp nhất, hữu ích nhất và khiến nhiều người say mê nhất trong các loài hoa thơm nhiệt đới. Chúng thuộc dạng cây bụi, hoa thơm ngọt mọc dọc theo những cành cây mảnh khảnh. Loài mai này rất khỏe, tăng trưởng nhanh, thích hợp với nhiều môi trường sống khác nhau. Tuy nhiên cũng có loài tăng trưởng rất chậm.  Mai chiếu thủy rất thích nước, do đó người nước ngoài còn gọi nó với cái tên là "hoa nhài nước" (water jasmine). Chúng có những đặc tính của loài cây và khi được tạo thành bonsai thì trông giống như một cây cổ thụ thu nhỏ.

 

Mai chiếu thủy có lá nhỏ, hoa tỏa mùi thơm ngọt trong không khí. Tuy nhiên, những đặc tính thú vị nhất của chúng là: bạn có thể tạo dáng cho chúng ở mọi thế bonsai mà bạn có thể nghĩ ra.

Mai chiếu thủy có thân xù xì, vỏ cây màu nâu với những miếng trắng nhỏ.  Có nhiều cành nhỏ mọc từ gốc thân, dễ uốn tỉa. Lá mỏng màu xanh bóng và có hình oval, mọc đối nhau ở hai bên cành. Hoa thơm, màu trắng, thường mọc thành chùm, có cuống dài thòng xuống. Mai chiếu thủy có loại cánh đơn và loại cánh kép. Quả đôi dài hẹp thòng xuống. Hạt có lông mềm.

 

Mai chiếu thủy tăng trưởng tốt trong môi trường có độ ẩm từ trung bình đến cao, nơi có ánh sáng đầy đủ hoặc một phần bóng râm. Anh sáng càng nhiều thì lá càng xanh hơn và tán lá sẽ trở nên dầy đặc. Nếu thiếu phân và nước, lá sẽ ngả sang màu vàng. Mai chiếu thủy có ưu thế là thích nghi với bất kỳ loại đất nào ngoại trừ trồng trên cát. Cây có nhiều dáng thế khác nhau một cách tự nhiên, thông thường nhất là phần gốc có tán lá rộng hơn phần đỉnh và có nhiều tầng lá.

 

Mai chiếu thủy có 3 loại: lá kim, lá trung và lá to.

- Lá kim (lá nhỏ): loài này có lá nhỏ nhất trong 3 loại, khi trồng chậu thì lá giảm kích cỡ xuống. Cây dễ chăm sóc nhưng không chịu nỗi sự thiếu quan tâm như loại lá to. Nếu là cây nhập khẩu, chúng vượt qua stress giỏi hơn hai loại còn lại. Hoa của mai chiếu thủy lá kim nhỏ hơn loại lá to và khó ra hoa hơn một chút. Đây là loại cây làm kiểng bonsai rất tốt, song phải mất nhiều thời gian để chúng phát triển thân to bè và lá nhỏ lại.

- Lá trung: loại này có lá hẹp hơn loại lá to, song cách chăm sóc thì như nhau. Chúng có thể khó ra hoa hơn loại lá to.

- Lá to: loại này dễ chăm sóc, nhưng cần có nhiều ánh sáng hơn. Một điều đặc biệt là, chúng không chịu nỗi sự ẩm ướt bộ rễ trong mọi thời điểm hoặc sẽ cho thấy bệnh vàng lá (khiến lá vàng úa).

Loại lá to và lá trung thường được trồng trong các chậu kiểng lớn ngoài trời, còn loại lá nhỏ rất thích hợp để làm kiểng bonsai. Người ta có thể ghép ba loại này với nhau để tạo nên một cây mai chiếu thủy lạ và đẹp. Thông thường họ sử dụng những cành mai chiếu thủy lá nhỏ ghép vào gốc cây mai chiếu thủy lá to hay ghép với loài lồng mức để tạo dáng cây cổ thụ. Loại mai chiếu thủy được ưa chuộng nhất là loại cây có gốc to, xù xì mà người ta thường gọi là mai chiếu thủy gù.

 

Người ta nhân giống mai chiếu thủy bằng cách chiết và giâm cành. Loài mai này thích nơi có bầu khí quyển giống như trong rừng hoặc ở nơi gần với bờ biển. Khả năng chịu ngập nước của chúng khá tốt.  Hoa nở quanh năm và khá thơm. Khi trồng cây này bạn cần tưới nước mỗi tuần từ 3 đến 5 lần.

 

2. Mai chiếu thủy Thái Lan

 

Ở Thái Lan có một loài mai chiếu thủy giống như mai chiếu thủy Việt Nam. Nó có tên khoa học là Wrightia religiosa. Ngoài loài này còn một loài khác có tên khoa học là Echites religiosa. Cả hai cùng họ là Apocynaceae. Tên thông thường của hai loài mai chiếu thủy này là sacred buddhist, wondrous wrightia, wild water plum và water jasmine. Chúng là hai loài cây phổ biến nhất ở Thái Lan. Bạn có thể thấy chúng ở bất kỳ nơi đâu dọc theo những con đường, hàng rào, bờ dậu, sân vườn hay ở trong chậu.

 

Mai chiếu thủy Thái Lan có trái đôi, dài khoảng 23 cm. Loài mai này rất dễ trồng, không cần tốn nhiều công chăm sóc mà chỉ cần tưới nước thường xuyên. Chúng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá lạnh. Nếu nhiệt độ hạ xuống 65o F thì cây sẽ bị rụng lá và nhiệt độ càng giảm hơn nữa thì cây sẽ càng trở nên xấu xí. Trong môi trường nhiệt đới và cận nhiệt đới mai chiếu thủy Thái Lan sẽ tăng trưởng tươi tốt, lá mọc nhiều và rậm. Hoa sẽ nở quanh năm và có mùi thơm lan tỏa trong không khí. Do những loài mai này có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nên người ta dễ tạo chúng thành cây bonsai trong một thời gian ngắn. Theo truyền thống, người dân Thái Lan có thể sử dụng loài mai này như một loại thảo mộc làm thuốc.

Ở Thái Lan còn có những loài mai chiếu thủy khác khá đẹp. Cánh hoa màu đỏ hoặc cam chứ không trắng như mai chiếu thủy Việt Nam và hoa nở quanh năm. Giống này có tên khoa học là Wrightia coccinea. Riêng giống mai chiếu thủy có tên khoa học là Wrightia pubescens là "đặc sản" của các tỉnh miền bắc Thái Lan. 

 

3. Mai chiếu thủy Indonesia

 

Loài mai này rất đẹp, không mọc thành chùm nhỏ chứ không nhiều như mai chiếu thủy Việt Nam. Thân cành màu nâu, lá có gân. Hoa trắng 5 cánh. Nó có tên khoa học là Wrightia religiosa, họ apocynaceae.

 

4. Mai trắng Thái Lan

 

Ở đất nước này có vài loài mai trắng với tên khoa học là Wrightia dubia, Cameraria dubiaWrightia cambodiensis. Tất cả đều nằm trong họ Apocynaceae. Những loài này hiếm khi có mùi thơm, tuy nhiên hoa của chúng thì khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Hoa có hình dáng như con sao biển, rộng khoảng 5 cm và trông giống như một vật bằng sáp, do con người chế tạo ra. Cây có thể là một cây nhỏ đơn lẻ hay dạng cây bụi. Rất dễ tổn thương trước thời tiết lạnh giá.

 

Ngoài những loài trên, ở Thái Lan còn có hai loài mai trắng khác có mùi  thơm.

- Loài Wrightia tomentosa, họ apocynaceae, có hoa lớn màu trắng, mùi thơm dịu. Loại này thuộc dạng cây bụi, cao từ 1,5 - 3 m. Thích nghi với nơi có ánh nắng đầy đủ. Mỗi tuần cần tưới cây từ 3 đến 5 lần.

- loài Wrightia sp., họ Apocynaceae, có mùi thơm ngào ngạt. Người ta còn gọi nó là Thai cherry wrightia. Loài này thuộc dạng cây bụi, thân gỗ và mọc như cây leo. Người ta có thể uốn tỉa chúng để thành cây nhỏ xinh đẹp hoặc một bụi cây duyên dáng. Song tốt nhất là để chúng bò leo tự do: những nhánh xoắn của chúng sẽ tạo thành hình thù kỳ lạ. Cây tăng trưởng chậm, cao từ 1,5 - 3m, song đôi khi lại có cây cao tới 7 m và thích hợp với nơi có ánh nắng đầy đủ. Mỗi tuần cần tưới nước khoảng 3 đến 5 lần.

 

Cây có lá to giống như những loài mai trắng có mùi thơm khác. Lá dài khoảng 7- 10 cm, rộng khoảng 5 cm, khiến người ta dễ liên tưởng đến lá của cây táo. Hoa có màu trắng và rất thơm, thu hút ong bướm và chim chóc. Cây nở hoa rất nhiều vào mùa xuân và mùa hè.

 

5. Mai trắng Indonesia

 

Có tên khoa học là Wrightia arborea, họ apocynaceae : hoa có kích cở khoảng 2 - 3 cm, mọc thành chùm trên cành. Hoa thường có màu trắng, song cũng có khi lại màu xanh hoặc màu vàng nhạt. Thân và cuống lá có lông. Bao phấn hình nón quanh vòi nhụy, hoa nở vào thánh năm và tháng sáu. 

 

6. Mai trắng Sri Lanka

 

Có tên khoa học là Wrightia antidysenterica, họ apocynaceae. Loài này còn có những tên phổ biến khác là snowflake, milky way, winter cherry tree, arctic snow, pudpitchaya, sweet indrajao và hyamaraca.

 

Mai trắng Sri Lanka đôi khi được xếp vào giống Holarrhena, có tên khoa học là Holarrhena pubescens. Chúng là loài cây bụi, gồm có hai loại: loại bụi nhỏ cao khoảng 0,5 đến 1,5m; loại bụi lớn cao từ 1,5 đến 3m, mọc chen chúc rậm rạm và có hoa nở quanh năm. Hoa màu trắng khoảng 2,5cm, nhìn từ xa trông giống như những ngôi sao nhỏ. Cây thích nghi với nơi có ánh nắng đầy đủ, mỗi tuần cần tưới từ 3 đến 5 lần. Đây là loài cây cảnh lý tưởng để trang trí trong sân nhỏ hoặc hàng hiên. Có thể tăng trưởng dễ dàng như những loại cây trồng trong nhà. Không cần phải cắt tỉa cành lá. Nhìn chung, cây thu hút bướm và chim.

 

Ở Ấn Độ người ta dùng loài cây này để làm thuốc. Vỏ cây có đặc tính chống lại vi khuẩn và infammatory, do đó người ta thường chiết xuất tinh chất của nó để chữa bệnh đau miệng (mouth sores). Lá dùng để điều trị một số rối loại của da, bệnh vẩy nến (psoriasis) và những bệnh viêm da không rõ ràng…Vỏ cây còn được dùng để làm giả một loại thuốc nổi tiếng là Holarrhena antidysenterica.

 

Mai trắng Sri Lanka liên quan với loài mai có tên khoa học là wrightia tinctoria, một loài cây phân bổ rải rác ở những vùng nhiệt đới. Người ta thấy chúng ở những cánh rừng mưa và đầm lầy của Ấn Độ và Malaysia. Chúng là loài cây có kích cở từ nhỏ cho tới rất cao. Bộ rễ rộng và thường bung ra.

 

7. Mai trắng Miến Điện

Có tên khoa học là Wrightia zeylanica, họ Apocynaceae. Loài mai này khá giống với mai chiếu thủy Indonesia, song hoa to hơn, có 5 cánh suôn và dài hơn. Cuống hoa khá dài.

 

ở việt nam có hai loài mai trắng khác mà người ta cũng gọi là mai miến điện. Chúng còn có tên là mai cẩm thạch, mai đốm hay mai Long Xuyên.

 

Loài thứ nhất rất lạ và đẹp, chỉ có ở vài tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có cành nhánh như cây mai vàng, lá hơi to, màu nửa trắng nửa xanh. Hoa có từ 10 đến 13 cánh màu trắng xòa rộng, to và tròn. Dọc theo cánh hoa có vài đường gân nổi lên, trông rất lạ. Giữa hoa là một chùm nhụy dài màu vàng nghệ. Đài hoa màu xanh nhạt, bên trong màu xanh xám.

 

Loài thứ hai hoa có 5 cánh tròn, chùm nhụy dài, bên ngoài chùm nhụy là những sợi màu vàng nhạt, còn bên trong là những sợi màu vàng sậm. Hoa mọc thành bó trên cành rất đẹp.

 

Họ Apocynaceae

 

Apocynaceae là họ của những cây hoa nhiệt đới, bao gồm loại cây đơn, cây bụi, thảo mộc và dây leo. Người ta tìm thấy nhiều loài cây trong họ này phân bố ở các rừng mưa nhiệt đới và phân lớn chúng sinh trưởng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.  Một vài loài khác thuộc dạng thảo mộc lại phân bố ở những vùng ôn đới.  Nhiều loài có nhựa trắng đục và có nhiều loài khác lại chứa chất độc ăn vào rất nguy hiểm. Tuy nhiên một vài chi khác thuộc họ này như chi Adenium lại có nhựa mủ trong và đục. Còn riêng chi  Pachypodium thì hoàn toàn có nhựa trong. 

Họ Apocynaceae thuộc bộ Gentianales, lớp Magnoliopsida, ngành Magnoliophyta.

 

Hiện nay người ta công nhận họ Apocynaceae gồm có 1.500 loài nằm trong khoảng 424 chi. Họ này có 5 họ phụ là: Rauvolfioideae, Apocynoideae, Periplocoideae, Secamonoideae và Asclepiadoideae. Tuỳ theo sự phân loại của những nhà khoa học, đôi khi ta lại thấy ba họ phụ phía dưới (3,4,5) lại được xếp vào họ Asclepiadaceae.

 

Miêu tả

 

Các chi cây thuộc họ Apocynaceae đều có lá đơn và lá thường đối nhau, chéo góc hoặc uốn thành vòng. Hoa thường có màu sắc sặc sở, những cánh hoa đối xứng với nhau trên một trục tròn chính. Hoa nở  riêng từng đóa hoặc tập hợp lại thành thành chùm và đều có cơ quan sinh dục cả đực lẫn cái với năm đài hoa có dạng thùy. Nhụy hoa nằm bên trong và bầu ngụy thường phồng lên. Quả thường thuộc dạng hạch, hột hoặc nang.

 

8. Chi mai

 

Chi mai là một trong tứ quí theo quan niệm của Trung Quốc: "Tùng-Cúc-Trúc-Mai". Nó có tên khoa học là Prunus mume sieb. Et zucc. Loài mai này cũng là đặc sản của miền bắc giống như hoa đào vậy. Chi mai cùng họ với mận và đào (rosaceae). Nó là giống mai trắng, có "ngoại hình"nhỏ nhắn. Nhìn chung cả thân, lá và hoa của nó đều nhỏ hơn so với mơ ăn quả, nhất là những loại mơ ở vùng Hương Sơn và núi Hòa Bình của Chu Mạnh Trinh. Nó không giống như mai vàng hay mai tứ quí ở Nam bộ.

 

Chi mai rụng lá vào mùa đông và bắt đầu nở hoa khi mùa xuân đến, đặc biệt là vào dịp tết nguyên đán. Lúc mới nở hoa có màu đỏ hồng sau đó chuyển sang màu trắng, có mùi thơm thoang thoảng rất khó nhận ra. Chúng có thể sinh trưởng tốt trên đất khô cằn, ở nơi nhiều nắng và chịu được thời tiết lạnh. Nó là loài cây thích khô chứ không ưa nhiều nước. Người ta có thể nhân giống chi mai bằng cách giâm cành hay chiết cành bánh tẻ đều được. Tuy nhiên hiệu quả nhân giống sẽ tốt hơn khi ta áp dụng vào đầu mùa xuân.

 

9. Bạch tuyết mai

 

Ở Việt Nam người ta còn gọi loài mai này là bạch ngọc mai. Người phương Tây gọi nó là hồng tuyết (snow rose). Loài này có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên khoa học là Serissa foetida, họ Rubiaceae. ở Trung Quốc người ta còn gọi nó là cây Thiên tú, còn người phương Tây gọi nó là "tree of a thousand stars" hay "Chinese flowering white serissa".  Nó thuộc dạng cây bụi, phát triển cành nhánh sum suê và có thời gian ra hoa khá dài. 

 

Loài hoa này mọc hoang dã ở những vùng rừng cận nhiệt đới và những cánh đồng ẩm ướt. Bạch tuyết mai cao khoảng 45 - 60 cm, lá hình oval khá dầy và có màu xanh lá cây đậm. Khi héo lá có mùi vị khó ngửi (do đó người ta mới gọi nó là foetida). Nhánh mọc thẳng và tỏa ra mọi hướng, tạo thành một mái vòm rộng và rậm. Thân cây tròn, màu xám, xù xì và thô nhám, trồng lâu năm thân cây sẽ có màu sáng, nhạt hơn. ở miền bắc trung quốc cũng có giống hoa này, tuy nhiên hoa nhỏ hơn, có hình loa kèn.

 

Bạch tuyết mai còn có loại hoa đôi và trên lá có thể điểm những đốm nhỏ hay màu sắc sặc sở. Loài này còn những thứ khác như: variegata, variegated pink, pink mystic, snowflake, snowleaves, mt. Fuji, Kyoto và Sapporo.

 

Bạch tuyết mai nở hoa quanh năm, đặc biệt là từ đầu xuân đến cận thu (vào dịp Lễ Tạ ơn hay Lễ Giáng sinh ở phương Tây). Hoa có hình cái phễu, rộng 1cm. Lúc mới nở nụ hoa có thể có màu trắng tinh hoặc từ màu hồng nhạt chuyển dần sang màu trắng hoàn toàn. Bạch tuyết mai là một trong những loại hoa bonsai phổ biến nhất ở Nhật Bản. Việc trồng và chăm sóc giống hoa này không khó, song bất tiện ở chỗ nó thường bị lá rụng khi hứng chịu những trận mưa kéo dài hay bị ngập trong nước. Ngoài ra nó không thích hợp với điều kiện thời tiết quá lạnh hay quá nóng bức, thậm chí khi dời nó đến vị trí mới thì lá cũng có thể bị rụng. Tuy nhiên, cây sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại sau khi được chăm sóc tốt. Trong giai đoạn cây ra hoa ta cần đặc biệt chú ý đến việc bón phân. Bạch tuyết mai tăng trưởng nhanh, khi cần thiết ta có thể cắt bỏ hết những cành nhánh phụ hoặc cắt cành thường xuyên để tạo dáng cho nó. Do cây có bộ rễ phát triển nên người ta thường trồng ở thế "rễ lộ hay rễ leo đá" (exposed root or root over rock styles).

 

Nhìn chung có thể trồng loài mai này theo mọi phong cách, ngoại trừ áp dụng thế trực (thẳng đứng) hay thế chổi. Nếu đặt cây trong nhà cần có ánh sáng khoảng 1.000 lux. Tốt nhất cần có đèn khoảng 12 giờ mỗi ngày. Nếu nhận quá ít ánh sáng cây sẽ tăng trưởng chậm.

 

10. Bạch tuyết mai Nhật Bản

 

- Bạch tuyết mai 'variegated pink': hình dáng như ngôi sao, màu hồng nhạt, rộng khoảng 1,30cm. Hoa nở vào cuối xuân cho tới mùa thu. Cây có tán lá màu xanh đậm, khá rậm rạp, phản ứng tốt trước việc cắt tỉa. Người ta có thể trồng chúng trong chậu hoặc trồng làm hàng rào thấp. Cây trưởng thành cao khoảng 76,2 cm, rộng 91 cm.

 

- Bạch tuyết mai 'kyoto': tán lá màu xanh đậm rậm rạp và rất nhỏ. Người ta thường dùng loài này để làm bonsai. Nó tăng trưởng chậm. Nếu trồng ngoài trời thì cần cung cấp bóng râm một phần cho cây, còn trồng chậu trong nhà thì cần có nhiều ánh sáng.

 

- Bạch tuyết mai 'mt. Fuji': lá nhỏ màu xanh đậm, mép lá có viền màu trắng kem. Hoa nở suốt mùa xuân và mùa hè. Người ta thường trồng cây này để làm bonsai trong chậu hoặc trồng làm hàng rào thấp. Cây thích môi trường có bóng râm.

 

- Bạch tuyết mai 'flore pleno': loài này thuộc dạng cây bụi khỏe mạnh, có hoa đôi màu trắng, dường như nở liên tục quanh năm. Trồng cây này làm hàng rào thấp rất đẹp. Cây không bị ảnh hưởng khi được cắt tỉa. Cây có thể tăng trưởng tốt ngoài nắng hoặc nơi có bóng râm từng

Tất cả những loài bạch tuyết mai trong mục này đều có tên khoa học là Serissa foetida, họ Rubiaceae, bộ Gentianales, lớp Magnoliopsida, ngành Magnoliophyta.

 

11. Mai Nhật

 

Có tên khoa học là Prunus mume sieb. Et zucc và cùng họ với hoa anh đào. Do đó nó khá giống với loài hoa này. Cây chi mai miền bắc Việt Nam cũng là một loại mai Nhật. Xét về ngôn ngữ, cái từ "apricot" sử dụng cho những giống mai Nhật tỏ ra chính xác hơn là chỉ chung cho mai Việt Nam.

Mai Nhật có nhiều loại, giống mai màu trắng nở sớm hơn mai hồng. Có loại mai cành cứng, vươn thẳng lên và có loại cành rủ xuống như cành liễu, do đó người ta thường gọi là mai liễu.

 

Ở Nhật, mai là loài hoa đứng thứ hai trong bốn loài hoa tiêu biểu cho mùa xuân: anh đào-mai-đào-mận. Mới nhìn bốn loại hoa này người ta khó phân biệt vì dáng vẻ bên ngoài của chúng khá giống nhau, tuy nhiên khi quen nhìn và quan sát kỹ một chút ta vẫn có thể phân biệt được chúng.

 

Mai nhật có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào xứ sở Phù Tang vào thời Nara (thế kỷ thứ 8). Còn hoa anh đào thì mãi đến thế kỷ 17-18 (thời Edo) người Nhật mới hoàn toàn "quen biết" loài hoa này. Mai Nhật ra quả vào khoảng tháng 6-7 hàng năm, tức khoảng tháng 5-6 Âm lịch ở Nhật.

 

Ở xứ sở Phù Tang, chi hoa này tượng trưng cho những người sinh vào ngày 1 tháng 1 và ngày 3 tháng 2. Hai ngày này mang ý nghĩa là sự tươi mới và tốt đẹp vượt qua mọi khó khăn, bởi vì trong những ngày này thời tiết ở nhật thường khắc nghiệt, song chúng vẫn nở hoa tươi thắm, khoe sắc điệu đàng và bất chấp  hoàn cảnh. Ngày 1 tháng 1 chính là ngày đầu năm, còn 3 tháng 2 là ngày Setsubun, khởi đầu cho một mùa xuân mới.

 

Lúc đầu xuân, nếu dạo chơi trên đường phố Tokyo bạn sẽ thấy hoa mai nở. Do thời tiết còn khá lạnh nên bạn chỉ thấy được loài hoa này, mãi đến giữa tháng ba hoa anh đào, hoa mận và hoa đào mới thật sự rộn ràng sắc xuân. Để thưởng thức mai nhật, bạn hãy dành thời gian đến vùng tây-bắc Tokyo, rảo bước ở khu vực gần chùa Kinkaku và đền Kitano Tenmangu, nơi đây hoa mai nở rất nhiều. Chắc chắn tâm hồn bạn sẽ trở nên thanh khiết và an bình hơn.

 

12. Mai mơ

 

Nhà thơ Nguyễn Bính có câu "Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi" là nói về loài mai này. Chúng còn được gọi là hạnh mai. Tên khoa học là Prunus mume, họ Rosaceae.

Mai mơ Việt Nam là một cách gọi của dân ta, chứ thực chất chúng là cây mơ, cùng một chi với mai Nhật, tuy nhiên khác loài hay cùng một loài mà khác thứ, bởi vì chi cây mơ có đến khoảng 300 loài trở lên. Mai mơ là loài cây cao từ 6 đến 9 m, lá rộng tròn và dài, đầu nhọn, chung quanh mép lá có răng cưa. Hoa nở vào mùa xuân, sau đó lá mới đâm chồi. Loài này có hoa màu đỏ tía hay xanh thẫm hoa màu trắng hoặc hồng. Loài có hoa màu trắng được gọi là lục ngạn mai, hoa kết thành quả, lúc còn non quả màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng. Trái có vị chua ngọt, mùi thơm dịu.

 

Người ta thường lấy trái mơ rim với đường để làm ô mai xí muội, một món ăn mà thanh thiếu niên rất thích, nhất là nữ giới. Có lẽ ô mai gắn liền với thiếu nữ nên có nhà văn mới đặt ra từ là "tuổi ô mai" để chỉ những cô gái mới lớn. Còn từ "xí muội" được gọi theo âm Quảng Đông có nghĩa là tiểu mai.

Mai mơ Việt Nam mọc nhiều ở vùng rừng núi quanh chùa Hương, thuộc địa phận Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây ở miền bắc. Song người ta còn thấy chúng xuất hiện ở nhiều nơi khác, cũng ở miền bắc.

 

13. Mai mù u

 

Còn gọi là nam mai, có tên khoa học là Ochrocarpus samensis, họ Guttiferae. Loài mai trắng này phân bố rộng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra người ta còn thấy chúng mọc rải rác ở vùng Thừa Thiên - Huế. Nam mai xuất phát từ sự tích vua Gia Long Nguyễn Ánh "sa cơ thất thế" tìm đường bôn tẩu. Tuy gọi là mai, song thực chất loài này chính là cây mù u, họ măng cụt.

 

Mù u là loài cây thân mộc, dùng để làm cột nhà, cầu khỉ và cả làm cối xay, làm chày…nó có lá dày, to bằng bàn tay người lớn. Hoa có 5 cánh giống như loài bạch mai. Trái tròn, to bằng ngón chân cái, ăn không được. Người ta dùng vỏ trái để làm gáo múc nước mắm, nước cốt dừa, còn hột thì ép làm dầu thắp đèn. Loại dầu này không sáng lắm và có rất nhiều khói. Nhà thơ kiên giang có bài thơ về cây mù u buồn man mác, gợi nhớ đến làng quê, đậm đà tình nghĩa:

…..

Lượm tiếp ngoại mù u mới rụng

Xe đèn thắp đỡ tối ba mươi

ở nhà quê nhớ thời đồ khổ

Đèn đuốc mù u vẫn sáng trời

…móc ruột mù u chừa vỏ mỏng

Anh làm gáo nhỏ, chơi nhà chòi

Nước mưa, em uống năm, mười gáo

Uống nước nhà quê nhớ suốt đời

…cây mù u cỗi người ta đốn

Làm cối, làm chầy, giã gạo thuê

Mất ngoại, xa em, buồn héo ruột

Mình anh thờ thẫn dạo đường quê

Đèn mù u, chiếc gáo mù u

Đã lắng chìm trong bụi mịt mù…

 

Cây mù u còn là nguồn cảm hứng để trịnh hoài đức và một số cây bút tên tuổi khác sáng tác nên thi tập bất hủ "mộng mai đình".

 

14. Bạch mai

 

Còn gọi là Bạch khê hay Mai khê. Đây là một loài mai có hoa trắng tinh giống như loài sứ trắng, hoa có 4 cánh dày, mùi thơm ngào ngạt và rất quí hiếm ở việt nam. Bởi vì số lượng loài mai này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chúng tôi chưa có tài liệu để biết tên khoa học chính xác của loài mai này.

 

Có người cho rằng cây bạch mai cao đến 15 m, như vậy loài mai này xứng đáng là "vô địch" về kích cỡ so với các loài mai khác ở Việt Nam, xứng đáng được ghi tên vào sách kỷ lục của nước nhà. Loại mai nầy gốc sần sùi, lá xanh bóng giống như cây mù u, song lá nhỏ hơn.  Nó không có mủ như cây mù u. Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa bạch mai mọc trong vùng núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh là nhiều nhất. Song ngày nay hình như không còn nữa. Chùa Giác Duyên thuộc địa phận chợ lớn, Tp. Hồ Chí Minh cũng có loài mai này. Ở lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang) cũng có bạch mai, nhưng chẳng nơi nào có được một cây mai thân to như cây cổ thụ "trụ trì" trước sân đình phú tự xã Phú Hưng, tỉnh Bến Tre. Đây là cây mai to nhất, thọ nhất ở Việt Nam (trên 300 tuổi), được gọi là mai thần.

Theo nhà nghiên cứu An San, ở Việt Nam "…chỉ còn một gốc mai này mà thôi.  Cho nên đình Phú Tự luôn được trùng tu, và cây bạch mai được gọi là "thần mai", được tuyên dương là danh thắng nườc nhà.  Dân tứ xứ về đây chiếm bái linh thần và ngưỡng vọng vẽ thanh u cổ kính và thanh nhã của bạch mai.  Danh mộc thì ở rừng sâu, mai thần thì ở núi cao, sao lại mọc tại làng Phú Hưng.  Rừng sâu núi thẳm là nơi thích nghi cho loài kỳ hoa dị thảo, nhưng bạch mai về đây là chọn chốn địa linh chăng? Hẳn từ xưa tại làng bảo thành mây trời chớn chở, sóng nước bổ gành mà mai đã về đây.  Mai về đây là bảo vệ cho ngôi đình làng, bảo vệ cho tỉnh lỵ Bến Tre, nơi phượng thờ Phan Thanh Giản tức Phan Lương Khê được bình an: "tam Kiến, nhứt Chương" là một Chương Thiện và 3 tỉnh bắt đầu bằng chữ Kiến là Kiến Tường, Kiến Phong và Kiến Hòa là các nơi mà cuộc chiến quốc cộng tàn phá nhiều nhứt.  Trước đó, Tây cũng ruồng bố và đốt phá các tỉnh nầy, sổ bộ, nhà cửa tiêu tan.  Thế nhưng, đa số các ngôi đình còn nguyên, nhứt là cây mai thần, thân không bị một vết đạn, một mảnh bom.

 

Mai chỉ trổ bông vào rằm tháng giêng, cũng tiết xuân, nhưng mà xuân muộn.  Cũng không như nhị độ mai, vì mai thần chỉ trổ một lần trong 1 năm.  Tương truyền người mình có lệ hay đi hái lộc bẻ bông về chưng 3 ngày Tết.  Nơi nào có cạy mai đẹp là được chiếu cố 1 cành.  Do đó mai thần cũng nằm trong số nạn nhân bị chiết cành, chặt nhánh.  Ông từ đình Phú Tự, thấy cây mai đẹp như vậy nếu năm nào cũng bị chặt bẻ thì còn gì là mai !  Ông bèn khấn nguyện linh-thần phú tự và ra quỳ trước gốc mai van váy:" nếu là mai thần thì từ nay trở đi xin đừng trổ bông vào dịp Tết.  Chỉ chờ sau đó ít lâu mà ra bông, sẽ thoát khỏi cảnh chặt cành bẻ nhánh.

 

Lời khấn nguyện linh ứng sao đó, mà từ hơn 300 năm nay, gốc mai thần chỉ trổ bông vào dịp rằm thượng ngươn mà thôi.  Đã là thần mai, hẳn xoay quanh có rất nhiều huyền thoại.  Ai tin hay không tùy ý, nhưng thực tế gốc mai còn đó.  Và ban quý tế đình làng phú tự đang chờ đợi sự góp tay của đồng hương hãi ngoại để vun quén một kỳ tích duy nhứt còn lại tại việt nam sau bao hưng phế của cuộc đời".

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tức Sương Nguyệt Ánh, ái nữ của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu vốn là người rất yêu hoa mai, đặc biệt là bạch mai. Bà cùng quê với hai danh nhân Phan Thanh giản và Võ Trường Toản, cũng đều xuất thân từ rừng mai Ba Tri, và bà đã có bài thơ viết về cây bạch mai kể trên như sau:

 

Non linh đất phước trổ mai thần

Riêng chiếm vườn hồng một cánh xuân

Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng

Sương sa bóng nguyệt trổ màu ngân

Mây lành gió tạnh nương hơi chánh

Vóc ngọc mình băng bặt khói trần

Sắc nước hương trời nên cảm mến

Non linh đất phước trổ mai thần.

 

Ghi chú: có tài liệu về bài thơ kể trên khác vài từ do với bài thơ mà chúng tôi giới thiệu. Trong đó, cụm từ "hoa thần" thay thế cho cụm từ "mai thần".

 

Nhìn chung, ngoài "chức danh" được phong tặng là "thần", bạch mai từng có một thời huy hoàng trên thi đàn Việt Nam, bởi vì nó chính là biểu tượng của nhóm "Bạch mai thi xã". Theo Gia Định Thành Thông Chí của trịnh hoài đức, vào giữa thế kỷ 19 nhóm thi xã này đã ra đời chùa Viên Giác, gò Cây mai. Nhóm này qui tụ nhiều cây bút lừng danh của Nam kỳ như Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp và Huỳnh Mẫn Đạt v.v.

 

15. Bạch song mai

 

Loài hoa này mọc khá nhiều ở huyện Thanh Trì (miền bắc Việt Nam). Hoa có màu trắng tinh. Loài này ra hoa kết trái đôi nên được gọi là song mai. Chúng là một trong những loài mai trắng đẹp nhất ở miền bắc, do đó những nghệ nhân thích uốn tỉa cây mai này làm cây cảnh riêng, chưng bày cho người đời thưởng thức và ngợi khen.

 

16. Mai trắng Pháp

 

Đây là một loài mai trắng khá đặc biệt, vì nó thuộc chi Ochna, trong khi đó những loài mai trắng kể trên lại nằm trong những chi khác. Loài mai này có tên khoa học là Ochna mauritiana. Người pháp gọi chúng là bois bouquet banané, bois bouquet bonne anneé, arbre à  bouquets.

 

Mai trắng Pháp là loại cây bụi, cao từ 1,4 đến 4m, hoặc loại cây nhỏ cao từ 3 đến 8m. Thân cây nhẵn. Vỏ của nhánh cây màu nâu vàng. Lá màu đỏ hơi lục. Chúng có cuống lá dài 3-5mm. Mép lá có hình răng cưa. Những lá kèm (stipules) dài 3-5mm, có hình tam giác hẹp.

 

Hoa nở thành chùm, mỗi chùm từ 8 đến 14 đóa. Cuống hoa dài 1,5 - 2,5 cm. Cánh hoa màu trắng, hình oval hẹp, kích cỡ 8-10   2.5-3 mm.

 

Có 20-30 nhụy hoa trong một đóa với những sợi nhỏ dài 2,5 đến 4 mm. Bao phấn màu vàng, dài 1,5 - 2 mm, bung ra theo chiều dọc. Có 5-8 lá noãn. Vòi ngụy ngắn, chia ở đầu thành 5 nhánh, mỗi nhánh dài 1,5 mm.

Mai trắng Pháp khá đẹp, người ta có thể trồng trong sân nhà để tăng thêm giá trị thẩm mỹ của bố cục sân.

 

Họ Rubiaceae

 

Rubiaceae là một họ cây hoa, được gọi khác nhau theo từng trường hợp. Nó có thể là họ cây thiên thảo, họ bedstraw hay họ cây cà phê. Những cây trồng thông thường ở đây là cây cinchona, partridgeberry, gambier, ixora và oni. Một số họ được công nhận trước đây (Dialypetalanthaceae, Henriqueziaceae, Naucleaceae và Theligonaceae) đã được nhập vào họ Rubiaceae hiện nay. Theo nghiên cứu di truyền học của nhóm Angiosperm Phylogeny group thì vào thời điểm này họ Rubiaceae có 600 chi và hơn 10.000 loài./.

 

hết

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 4133
Ngày đăng: 22.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Xuân Nói Chuyện Cây Mai (phần I) - Vương Trung Hiếu
Chiên và Lừa /Cám ơn em và những bài hát cũ - Nguyễn Thành Nhân
Ngày Tết Tản Mạn Về Văn Hoá Gia Dụng - Trương Quang Cảm
Nhất Chi Mai - Chất Người Muôn Thuở - Phan Trang Hy
Huế của vườn xưa - Tôn Nữ Giáng Tiên
Nhà Thơ Yến Lan, Sáng Ngời Một Nhân Cách… - Trần Minh Nguyệt
Tha thứ hay không tha thứ - Vũ Ngọc Anh
Lặng Lẽ Với Mùa Xuân… - Mang Viên Long
Nguyễn Hiến Lê: Dạy Và Tự Học (*) - Vương Trung Hiếu
Al-Assad sẽ phải chết giữa những đống phân lạc đà! - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả