Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
444
116.599.273
 
Hai Người Chưa Gặp
Nguyễn Thị Hải Hà

Truyện hay Giáng Sinh ngoại quốc, John McNulty, Nguyễn Thị Hải Hà dịch

 

Eddie Casavan và Harry Marnix đang đi trên Đại lộ thứ Năm, khoảng đường cắt ngang đường thứ Năm Mươi, thì chợt nhận ra lễ Giáng sinh đang bao trùm họ. Có vẻ nó nắm giữ ông Casavan chặt chẽ hơn, nhưng cả hai đều cảm nhận được lễ Giáng sinh đang kẹp lấy họ. Cửa sổ các cửa tiệm, không khí lạnh giá, đèn được thắp sáng lên lúc xế chiều, và có lẽ vài ly rượu mạnh họ uống khi đi dạo đã tạo nên cảm giác này.

 

Họ rẽ qua đường khác khỏi Đại lộ khi Eddie nói, “Dường như tôi không còn muốn có quà Giáng sinh nữa.”

“Giáng sinh là để cho trẻ con thôi,” Harry nói. “Đó là mùa cho trẻ nhỏ, Giáng sinh.”

“Ngay cả khi tôi đã trở thành người lớn tôi vẫn muốn có quà vào lúc Giáng sinh,” Eddie nói. “Tôi bốn mươi chín tuổi và chỉ mới chừng vài năm trước tôi chợt nhận ra là tôi không còn muốn có quà vào dịp Giáng sinh nữa. Năm nay cũng thế. Những hàng hóa trưng bày ở cửa sổ trông đẹp lắm, nhưng tôi chẳng ham thích món nào.”

“Phần lớn chỉ toàn là đồ trẻ con – làm quà cho trẻ con lúc Giáng sinh,” Harry nói.

“Tôi biết thế, nhưng ý của tôi không phải thế,” Eddie trả lời. “Chúng mình vào đây đi. Tôi rảnh rang độ một giờ đồng hồ. Bác có phải đi đâu không?”

“Vào thì vào,” Harry nói. “Không, tôi không đi đâu cả. Ít nhất là không ngay bây giờ.”

 

Hai người không say rượu. Chỉ hơi nói nhiều, có lẽ - chẳng thân nhau. Eddie gọi hai ly rượu. “Hai ly Scotch sủi bọt,” ông nói, một cách nói lóng mà dân New York dành riêng cho rượu scotch pha sô-đa.

“Thậm chí tôi cũng chẳng muốn đi đâu vào dịp Giáng sinh, ý của tôi là thế,” Eddie tiếp tục nói lúc người phục vụ pha rượu và đặt chai rượu lên quầy.

“Trước kia tôi thích tham dự những cuộc đua xe gắn máy kéo dài những sáu ngày,”  Harry nói.

“Người ta không tổ chức loại đua xe này vào lễ Giáng sinh,” Eddie nói.

“Tôi biết thế, tôi từng thích đến những cuộc đua vào mùa đông nhưng bây giờ tôi không còn thích nữa,” Harry giải thích. “ Nói cho đúng, người ta không tổ chức nữa.”

“Vào dịp Giáng sinh tôi thường có dự tính sẵn,” Eddie nói. “Cho đến một hai năm trước đây, tôi luôn luôn chọn một nơi để đi chơi hay làm một cái gì đó thật đặc biệt để mừng Giáng sinh. Bây giờ tôi chẳng muốn quà gì, cũng chẳng muốn làm gì.”

“Người ta thường hét to ‘B-r-r-rocco!’ ở các cuộc đua xe gắn máy,” Harry nói.

 

Câu nói như rơi vào khoảng không, Eddie và Harry mân mê hai cái ly chân cao.

~ ~ ~

 

 “Có một việc tôi rất muốn làm vào dịp Giáng sinh.” Eddie nói sau khi im lặng khá lâu. “Nhưng điều này thật là bất khả thi, có thể nói là điên rồ.”

“Giáng sinh vốn là chuyện điên rồ, hơi tí thôi.” Harry nói.

“Điều này chỉ có thể xảy ra nếu có cái đèn thần của Aladin. Bạn cọ lên cái đèn, rồi bạn được toại nguyện,” Eddie tiếp tục. “Hay là một trong những vị quái tiên nhân hậu từ trong cái chai Scotch ở đằng kia nhảy ra rồi cho chúng ta một điều ước. Chuyện trẻ con, tôi đoán thế.”

“Giáng sinh là trò của trẻ con,” Harry nói. “Nghĩ cho cùng, những cuộc đua xe gắn máy sáu ngày cũng trẻ con chẳng kém gì. Có vẻ như Giáng sinh đang đi trên Đại lộ, phải không? Nếu như có một quái tiên từ trong chai nhảy ra ngoài, thì sao nhỉ?”

“Tôi cũng vừa nghĩ đến điều ấy,” Eddie nói. “Hắn có thể cho tôi một điều ước.”

“Điều gì?”

“Tôi muốn được mời hai người bữa ăn tối mừng Giáng sinh, hai người tôi chưa bao giờ gặp mặt.”

“Hử?”

“Một trong hai người có thể bây giờ cũng đến bốn mươi tuổi, một người đàn bà,” Eddie nói. “Ồ, nói cho đúng, tôi không biết cô ấy bao nhiêu tuổi. Tôi không biết cô ấy mấy tuổi khi tôi gặp lần đầu. Mà thật ra, tôi chưa bao giờ gặp mặt cô.”

“Một nữ minh tinh? Hay một người thuộc vào giới trình diễn?”

“Ồ, không, không phải thế. Giời ạ, bác cho tôi là trẻ con đấy à?”

“Không, theo ý của tôi, Giáng sinh dành cho trẻ con. Tôi không ám chỉ bác khi tôi nói thế.”

“Từ đó, tôi thường xuyên nghĩ đến cô ấy. Khi ấy tôi đang gặp hoàn cảnh khó khăn, dễ cũng mười lăm năm trước. Tôi thuê một phòng nhỏ có sẵn giường ở đường thứ Ba Mươi Chín hướng Đông.”

“Ờ loại phòng cho thuê như thế thật là đáng nhớ nhỉ!” Harry nói góp vào.

“Loại phòng cho thuê ấy nếu bác đã sống qua rồi thoát ra khỏi bác sẽ không bao giờ quên.” Eddie nói.

“Tôi đã từng trải qua chỗ ấy rồi.” Harry gật đầu.

“Giời ạ, lúc ấy tôi thật là chìm xuống tận đáy!” Eddie nói. “Tôi say sưa quá độ và mất việc làm liên miên hết việc này đến việc khác. Lần ấy tôi đang tìm việc làm và cứ khoảng bốn giờ chiều tôi trở về phòng trọ. Vì thế tôi không hề gặp mặt cô gái ấy.”

“Cô nào?” Harry hỏi.

“Cô gái mà tôi muốn đãi bữa ăn tối mừng Giáng sinh.”

“Nếu như có một quái tiên nhảy ra từ trong chai,” Harry nói.

“Vâng, nếu có một quái tiên như thế nhảy ra. Tôi nhớ tôi đã uống vài ly bia sau khi người ta hứa hẹn sẽ thuê tôi với vẻ không chắc chắn, và tôi gieo mình xuống giường trong cái phòng trọ nhỏ bé ấy khi tôi về lúc bốn giờ chiều. Căn phòng này nhỏ nhất trong các phòng tôi đã từng trọ, cũng cô đơn nhất.”

“Mấy cái phòng trọ thường mang vẻ cô đơn.” Harry nói.

“Vách tường mỏng lắm. Tấm vách cạnh giường ngủ của tôi rất mỏng. Mỏng như tấm giấy các-tông của mấy cái thùng. Cô gái ấy sống ở phòng bên cạnh, cô gái tôi chưa từng gặp mặt.”

“Ồ, thế à, thế à?” Harry nói.

“Tôi có thể nghe tiếng cô gái ấy di chuyển chung quanh phòng. Đôi khi cô hát ngân nga nho nhỏ trong cổ họng và tôi có thể nghe thấy tiếng của cô. Tôi nghe cô mở cửa sổ hay đóng lại nếu trời mưa.”

“Nhưng không bao giờ nhìn thấy cô ta?” Harry hỏi.

“Không bao giờ, thế mới nói. Tôi tưởng chừng như tôi đã quen cô ấy, qua những tiếng động tôi đã nghe. Tôi nghe cô ấy rời phòng trọ mỗi buổi chiều chừng bốn giờ mười lăm phút. Cô ấy có tiếng bước chân nghe rất đáng yêu. Tôi đoán cô làm nghề hầu bàn ở đâu đó, hay một thứ công việc nào tương tự, bác có đồng ý không?”

“Tôi không biết, có thể cô làm người hầu bàn, nhưng tại sao lại như thế?” Harry nói và bưng ly uống.

“Tại sao cô ấy làm hầu bàn hay tại sao tôi đoán cô là hầu bàn?” Eddie hỏi.

“Ừ, tôi muốn biết tại sao?” Harry trả lời có vẻ như ông ta muốn biết tại sao ông bạn đoán cô gái làm nghề hầu bàn.

“Ồ, có thể tôi sai. Cô có một công việc khá vững như nghề hầu bàn. Cô thường về nhà đúng giờ vào lúc một giờ mười lăm khuya. Bác có thể dùng thời gian cô đi về như là đồng hồ ấy. Tôi thường nhìn đồng hồ khi cô ấy đi làm về. Bước chân của cô đầy vẻ mệt mỏi khi cô đi vào hành lang. Cô ấy phải làm việc chăm chỉ lắm. Cô ấy tra chìa vào ổ khóa và tôi nghe thấy tiếng động. Tôi ngủ không say vì lo lắng với chuyện tìm việc làm hết cái nọ đến cái kia. Lúc ấy đâu như chừng một giờ mười lăm theo cái đồng hồ của tôi. Tôi theo cái đồng hồ ấy. Tôi vẫn còn giữ nó.”

“Có nhiều người không thích giữ đồng hồ trong phòng ngủ,” Harry nói.

“Họ chưa từng ở phòng trọ nghèo,” Eddie nói. “Đồng hồ là món đồ rất quí giá trong gian phòng trọ. Cái đồng hồ của tôi có màu xanh lục giá tám mươi chín xu. Trong phòng trọ cái đồng hồ là bạn. Tiếng đồng hồ tích tắc làm bạn có cảm tưởng không ở một mình, nói có trời, nếu như bạn chỉ có mỗi cái đồng hồ ở chung phòng.”

“Chưa bao giờ gặp mặt cô gái ấy – có phải bác đã nói thế?”

“Chưa gặp mặt bao giờ. Có lẽ cô ta không phải là một cô gái trẻ. Tôi không thể chứng minh cô ấy là một người phụ nữ đứng tuổi hay còn trẻ. Khi cô ngâm nga, tôi thấy giọng của cô trẻ. Buồn cười là tôi chưa bao giờ gặp mặt cô ấy ở hành lang. Chẳng có lần tình cờ nào. Nhưng tôi có nói chuyện với cô một lần.”

“Nói chuyện với cô ấy?” Harry hỏi.

“Vâng, đó là câu nói đùa. Tôi bảo với bác là tôi có thể nghe tất cả mọi tiếng động. Giường của cô ấy ở sát bên cạnh giường tôi, chỉ có cái vách mỏng ở giữa. Một buổi chiều cô ấy thức dậy và cô hắt hơi. Nghe tiếng hắt hơi bên phòng bên kia khá buồn cười. Vì thế tôi nói rất to, “Chúa phù hộ!”

 

Tôi nhớ là cô ấy cười to. Tiếng cười của cô như tiếng của cô gái hai mươi lăm tuổi.”

“Nhưng bác không biết tuổi cô, phải không?”

“Không, bây giờ và về sau tôi cũng sẽ không bao giờ biết. Nhưng nếu lúc ấy cô hai mươi lăm, bây giờ cô phải ở tuổi bốn mươi, đúng không?”

“Chuyện này xảy ra bao giờ nhỉ?”

“Tôi đã bảo chừng mười lăm, có thể mười sáu năm trước.”

“Hai mươi lăm cộng mười lăm là bốn mươi, vâng. Cô ấy có thể khoảng bốn mươi bây giờ,” Harry nói. “Cô ấy có thể chỉ là một kẻ đàng hoàng. Bác có bao giờ nghĩ thế không?”

“Harry, Harry, Harry, bác chẳng hiểu gì cả. Cô ấy không thể nào là một người hư hỏng. Một kẻ hư hỏng không cần phải sống trong loại phòng trọ tồi tàn như thế. Tôi muốn quen với cô ấy chỉ vì hai chúng tôi đều đang trải qua thời kỳ khó khăn, trước sau vẫn vậy, chúng tôi vẫn không hề gặp nhau ngoại trừ khi tôi nói ‘Chúa phù hộ.’ ”

 

Harry nốc hết ly rượu của ông ta và nói vui vẻ, “Không, tôi không có ý như thế. Tôi không nghĩ cô ấy là người lười biếng, vô công rồi nghề.  Vâng, tóm lại, cô ấy bây giờ có lẽ chừng bốn mươi.”

~ ~ ~

 

Eddie uống cạn ly và vẫy tay gọi người bán rượu. Ông ta đến rót sô-đa vào trong ly. Eddie rót whiskey vào ly và khi ông đặt chai rượu xuống ông nhìn cái chai như chờ đợi điều gì chừng một hay hai phút.

“Và ông ấy có lẽ cũng khoảng tuổi của tôi bây giờ, chừng bốn mươi chín hay cỡ ấy, phải không?” Eddie hỏi.

“Xin lỗi bác, ông nào thế?” Harry hỏi. “Ô, nhớ rồi, cái ông ấy.”

“Người đàn ông mà tôi muốn mời đi ăn tối cùng với cô ấy để mừng lễ Giáng sinh ở một nơi sang trọng nhất. Mời cả hai người. Bây giờ tôi có rủng rỉnh tí tiền rồi. Tôi đã thoát khỏi thời gian phải sống trong phòng trọ, đúng không nào? Tôi nghĩ đến điều này lúc đi trên Đại lộ khi tất cả đèn trang trí đều được bật lên sáng rực.”

“Bác lại nói làm xàm rồi, bạn già. Người ấy là ai, còn sống hay đã chết?” Harry hỏi.

“Chuyện trong quá khứ mà. Tôi không biết ông ấy ở đâu, đã chết hay còn sống. Tôi không hề nhìn thấy mặt ông ấy. Ông ấy là người lính đã đỡ tôi đứng lên ở bên Pháp. Ông ấy nâng tôi lên từ mặt đất, trong bóng tối đen kịt, và ông ấy không cần phải làm thế.”

“Trong chiến tranh?”

“Đúng rồi, trong chiến tranh. Không phải cuộc chiến này, cuộc chiến kia cơ. Nhưng tôi dám cuộc với bác là chuyện như thế cũng xảy ra ở cuộc chiến này.”

“Lúc bác bị trúng đạn, phải không?” Harry hỏi.

“Đúng rồi, dĩ nhiên. Bác biết là tôi ghét những người lính chuyên nghiệp như thế nào rồi, mấy cái tên luôn luôn nói về cuộc chiến tranh kia. Tôi không muốn bị liệt chung vào nhóm người này.”

“Ồ, tôi biết mà, Eddie. Tôi biết. Nhưng tôi biết bác cũng phục vụ trong cuộc chiến tranh kia và bị thương.”

“Không phải là chuyện bị bắn. Chuyện chẳng có gì. Chỉ mỗi ông ấy là tôi thường nghĩ đến rất vô cớ từ nhiều năm nay. Tóm lại, đêm ấy tối đen vô cùng và hoàn toàn không tiếng súng. Ông Thượng sĩ đầu tiên tên Baker đi chung với tôi. Về sau tôi mới biết, ông ấy tử thương. Ông ấy hứng những mảnh to của quả đạn. Tôi chỉ hứng mấy mảnh nhỏ. Chúng tôi đang đi bộ trở lại cái làng nhỏ ấy để tìm chỗ ngủ.”

“Một làng nhỏ của Pháp?” Harry hỏi.

“Chứ còn cái gì bây giờ? Chuyện này xảy ra ở Pháp, Giời ạ, vì thế đó phải là một làng nhỏ của Pháp. Thế rồi, chúng nó bất thình lình thảy qua phía chúng tôi một trái và nó nổ ngay chỗ chúng tôi, bởi vì sau đó tôi thấy mình bấu tay vào bức tường của căn nhà mà chúng tôi đang đi dọc theo. Tôi cố gắng đứng lên nhưng đôi chân tôi như bị biến thành dây mềm quặt nằm dưới thân hình tôi. Khi tôi cố đứng lên chúng lại khuỵu xuống khoanh lại.”

“Bác bị trúng thương chứ còn gì,” Harry nói. “Tôi đã nhiều lần nhìn thấy đôi chân của bác lúc đi bơi, những vết sẹo vẫn còn.”

“Ồ, tôi chẳng để ý đến chúng nữa. Vấn đề là, người đàn ông ấy. Khi tôi tỉnh lại, trong bóng tối dày đặc, có người dùng chân dọ dẫm lên thân hình tôi. Và cái người ấy nói, ‘bị gì thế, bị gì thế?’ Tôi trả lời ông ấy. ‘Cặp giò chết tiệt của tôi.’”

“Đó là người đàn ông bác nói lúc nãy, phải không?”

“Vâng, đúng là ông ấy.” Eddie nói. “Rồi tôi lại ngất đi. Tôi không bao giờ nhìn thấy ông ta. Không bao giờ thấy mặt. Ông ấy có thể da trắng hay đen. Ông ta có thể là một vị thiên thần, cho đến bây giờ tôi chỉ biết có ngần ấy. Tóm lại, ông ta là người mang tôi ra khỏi cái bóng tối mịt mùng ấy, và ông không bị bắt buộc phải làm. Ông ấy có thể bỏ tôi nằm ở chỗ ấy. Và lúc ấy có lẽ tôi bị chảy máu ghê gớm. Tỉnh lại lần nữa, tôi thấy tôi đang nằm trên bàn. Đó là một trạm cứu thương ở dưới hầm của một căn nhà nào đó. Một vị bác sĩ đang rưới cả bình thuốc tê vào các cái lỗ trên chân tôi. Thuốc tê ấy trở nên lạnh kinh người nếu rót lên bất cứ cái gì. Người đàn ông không có ở đấy. Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì đến ông ta. Nếu không có người đàn ông tôi không hề biết mặt ấy, tôi không còn sống cho đến ngày hôm nay.”

“Hôm nay là một ngày rất đẹp để có mặt nơi này,” Harry nói.

 

Eddie cầm ly rượu và Harry cũng làm thế. “Đó là hai người – hai người mà tôi muốn được mời họ đi ăn tối khi đêm Giáng sinh lại về. Nhưng tôi sẽ không làm.”

“Đúng rồi, bác sẽ không làm,” Harry nói. “Không có anh quái tiên nào nhảy ra khỏi cái chai ngoài rượu Scotch.”

 

John McNulty (1895 – 1956), người Mỹ, là phóng viên và nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Truyện ngắn trên đây tượng trưng cho những truyện về đời sống ở New York, là một trong những nét đặc biệt của McNulty. Ông thường viết ở tòa soạn báo The New Yorker và thường cùng các nhà văn như James Thurber, Joseph Mitchell, E.B. White uống rượu ở Costello. Tác phẩm của McNulty nằm trong chương trình Cao học Văn chương ở Đại học như Duke và Pitt.

 

 

Nguyễn Thị Hải Hà
Số lần đọc: 1669
Ngày đăng: 20.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặng Phùng Quân - Vũ Ngọc Anh
Trăng Sáng Trên Núi Trường Úc - Võ Xuân Phương
Chia Tay - Lê Văn Thiện
Chuyện giếng nước Samari /Niêm hoa vi tiếu - Vũ Ngọc Anh
Người Tình - Nguyễn Hữu Tình
Gái - Nguyễn Hữu Tình
Buồn Quán Nhỏ - Hà Thúc Sinh
Chết - Ngọc Châu
Giáng Sinh Ở Tokio - Nguyễn Thị Hải Hà
Giáng Sinh - Nguyễn Thị Hải Hà