Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
710
116.547.582
 
Diện mạo Văn học Thành phố Hồ Chí Minh - Nhìn từ phương diện đội ngũ nhà văn và người đọc
Trần Hoài Anh

Khi nghiên cứu một nền văn học hay một vùng văn học không thể không nói đến đội ngũ nhà văn và người đọc, những người đã, đang và sẽ làm nên diện mạo đời sống của vùng văn học đó. Vai trò của đội ngũ nhà văn và người đọc vì thế, là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự tồn sinh của đời sống văn học xét trong tương quan biện chứng của mối quan hệ Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc. Văn học Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm (1981 - 2011) cũng không nằm ngoài qui luật này.

 

Ba mươi năm, khoảng thời gian không thể nói là dài so với tiến trình phát triển của văn học dân tộc nói chung và văn học của vùng đất: Sài Gòn - Gia Định nói riêng, đã có hơn 300 năm tạo lập. Nhưng 30 năm ấy cũng đủ để cho một con người hiện hữu và trưởng thành và cũng là thời gian cần để hình thành một thế hệ nhà văn mới tiếp bước các nhà văn lớp trước làm nên một diện mạo mới cho văn học Thành phố.

 

Quả thật, nhìn vào đời sống văn học Thành phố những năm qua, ta vui mừng trước sự sáng tạo dồi dào, đa dạng và phong phú của đội ngũ nhà văn. Sự phong phú đa dạng này đã tạo cho bức tranh văn học Thành phố nhiều gam màu độc đáo, sinh động và đầy ánh sáng đang song hành cùng với sự phát triển năng động về nhiều mặt của mảnh đất phương Nam dấu yêu này.

 

Nhận diện văn học Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua từ phương diện đội ngũ sáng tác, chúng ta thấy sự tiếp nối thật rõ ràng giữa các thế hệ nhà văn, với nhiều cá tính sáng tạo mà sợi dây nối kết họ là tình yêu văn học và tình yêu mảnh đất Sài Gòn năng động và sáng tạo, Sài Gòn của giao lưu và đổi mới... Chính vì vậy, thế hệ các nhà văn trưởng thành từ những năm kháng chiến trong vùng giải phóng, hoặc từ miền Bắc chuyển vào, bao năm qua đã không ngừng lao động sáng tạo làm nên diện mạo văn học Thành phố từ những ngày đầu khi Thành phố được giải phóng như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, Võ Trần Nhã, Hoài Vũ, Đinh Quang Nhã, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Bảo Định Giang, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Duy, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Ý Nhi, Trần Nhật Thu, Trúc Chi… Hay những nhà văn đã từng sáng tác trước 1975 ở đô thị miền Nam như: Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Nguyên, Kiên Giang, Phương Đài, Hà Huy Hà… Rồi tiếp đến là thế hệ những nhà văn trưởng thành sau năm 1975 và tác phẩm của họ xuất hiện khá nhiều trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước mà dấu ấn của nó đến hôm nay vẫn còn là một thách thức với các thế hệ nhà văn trẻ sau này như: Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Hoàng Đình Quang, Trầm Hương, Lê Thị Kim, Lý Lan, Thanh Nguyên, Trương Nam Hương, Phạm Thị Ngọc Liên, Khánh Chi, Bích Ngân, Phạm Sĩ Sáu, Ngô Thị Kim Cúc, Lê Minh Quốc... Có thể nói đội ngũ những nhà văn này, có thể xem là lớp nhà văn bản lề, làm gạch nối giữa các nhà văn cách mạng và kháng chiến với những nhà văn của các thế hệ 7x, 8x, 9x sau này ở Thành phố.

        

Tiếp sau thế hệ này là hàng loạt các nhà văn mà tên tuổi và tác phẩm của họ gắn liền với đời sống văn học của đất nước ở những năm đầu thế kỉ XXI và cũng gắn với những tìm tòi, những khám phá, sáng tạo nên cũng tạo được dấu ấn trong công chúng văn học không chỉ riêng của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn trong công chúng văn học cả nước. Đó là những gương mặt khá ấn tượng như: Phan Thị Vàng Anh, Phan Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thu Phương, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Ly Hoàng Ly, Phan Trung Thành, Nguyễn Thị Cẩm Châu, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Gia Bảo, Trương Gia Hòa… Đây là thế hệ đã bắt đầu đi vào độ chín của hành trình sáng tạo và họ đang giữ vai trò trung tâm trong lực lượng sáng tác của văn học Thành phố. Nhiều nhà văn trong số họ gần đây đã có những tìm tòi, bứt phá khỏi những thói quen trong thi pháp của mình, để làm mới mình ở những thể loại văn học vốn không phải sở trường của họ và cũng đã có được những thành công bước đầu như: Trần Nhã Thụy với tạp văn: Cuộc đời vui quá không buồn được, Phan Trung Thành với trường ca Ăn Xà Bông, Nguyễn Hữu Hồng Minh với thiên đường, Tiến Đạt với Thể xác lưu lạc Nguyễn Vĩnh Nguyên với Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, Phan Thị Vàng Anh với Nhân trường hợp chị Thỏ Bông

 

Lớp sau tiếp bước lớp trước, sự vẫy gọi giữa các thế hệ nhà văn Thành phố 30 năm qua đã tạo nên một sự tiếp nối khá vững chắc. Vì vậy, Sau thế hệ của các nhà văn mà tác phẩm đã xuất hiện khá nhiều ở những năm đầu của thế kỉ XXI, văn học Thành phố Hồ Chí Minh lại chào đón một thế hệ nhà văn mới, những nhà văn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng tác phẩm của họ thì chẳng bao giờ trẻ. Bởi những vấn đề đặt ra trong sáng tác của họ là những vấn đề thấm đẫm chất nhân sinh, nhân tình, nhân cảnh của con người hiện đại với một lớp công chúng cũng rất hiện đại. Đọc tác phẩm của họ khiến chúng ta vững tin hơn vào một thế hệ nhà văn trẻ, hiện đại mà vẫn truyền thống, truyền thống mà vẫn hiện đại. Những khám phá và sáng tạo của họ nhiều khi có thể gây “dị ứng” / “sốc” cho một số bạn đọc nào đó, bởi thói quen trong thưởng ngoạn văn học của mình. Nhưng nếu bình tâm nhìn nhận, ta thấy nó vẫn không đi ra ngoài dòng chảy của hiện thực đời sống. Vì vậy, nó vẫn thực hiện được thiên chức của văn chương là hoàn thiện nhân cách con người với tư cách là đối tượng khám phá của văn học ở mọi chiều kích: từ ý thức, vô thức, tiềm thức, ở mọi khía cạnh: từ cái thấp hèn đến cái cao cả, cái ác đến cái thiện, từ phần Con đến phần Người. Bởi nói như Mác: cái gì thuộc về con người thì không xa lạ với tôi. Và vì vậy, cái gì thuộc về con người thì không thể nào “xa lạ” với văn học.

 

Ta có thể nhận diện thế hệ nhà văn này qua đời sống văn học của Thành phố và của cả nước trong những năm gần đây với những gương mặt như: Phương Trinh, Trần Thị Hồng Hạnh, Hải Miên, Bích Khoa, Võ Thu Hương, Nguyễn Thiên Ngân, Trương Anh Quốc, La Thị Ánh Hường, Hoàng My, Nguyễn Thị Hải, Thiên Di, Yến Linh ( văn xuôi )… Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Ngọc Anh, Khương Hà, Phạm Phương Lan, Lê Văn Lâm, Thục Ninh, Hoa Níp, Nguyệt Phạm, Hoàng Thanh Tâm, Đỗ Thanh Vân, Lê Thùy Vân. (Thơ). Đặc biệt, trong các nhà văn thuộc thế hệ nhà văn trẻ dưới 35 tuổi của Thành phố hiện nay, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của những cây bút đang còn ngồi trên ghế nhà trường như: Yến Linh, Lưu Quang Minh, Ngô Thúy Nga, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Đặng Trường... Chính những nhà văn thuộc thế hệ này sẽ là chủ nhân của văn đàn Thành phố trong những năm tiếp theo của thế kỉ XXI. Vì vậy, họ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như tạo nên diện mạo mới cho văn học Thành phố trong tương lai. Và có lẽ đây cũng là thế hệ nhà văn cần có sự “tiếp lửa” của các thế hệ nhà văn lớp trước, cần sự động viên kịp thời của công chúng văn học, cũng như sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà văn Thành phố. Bởi lẽ, nếu chúng ta thiếu quan tâm đến thế hệ nhà văn này thì vô tình ta sẽ cản trở sự phát triển của văn học Thành phố trong hiện tại và cả tương lai!? Vì lẽ trường tồn của văn học thành phố nói riêng và văn học cả nước nói chung, nên chăng, Hội Nhà văn Thành phố cần đầu tư chiều sâu và chăm lo thật sự cho đội ngũ nhà văn này!

 

Một điều, chúng tôi cũng muốn nói đến khi nhận diện văn học thành phố Hồ Chí Minh trong 30 năm qua từ phương diện đội ngũ nhà văn và người đọc đó là sự phát triển về đội ngũ các thế hệ nhà văn thuộc chuyên ngành lý luận - phê bình. Cũng như tình trạng chung của cả nước, lực lượng lý luận phê bình văn học của Thành phố Hồ Chí Minh trong 30 năm qua, ngoài những nhà lý luận phê bình đã thành danh, đã khẳng định tên tuổi của mình trong lĩnh vực lý luận phê bình như: Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà, Trần Hữu Tá, Huỳnh Như Phương, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Lê Tiến Dũng... và năm 2010 kết nạp thêm một số tác giả như: Đoàn Lê Giang, Trần Hoài Anh, Võ Văn Nhơn, Phạm Ngọc Hiền, Năm 2011 chỉ có duy nhất một nhà lý luận phê bình được kết nạp đó là Vũ Thụy Đăng Lam... Như vậy, xét về một phương diện nào đó, đội ngũ lý luận phê bình văn học của Thành phố Hồ Chí Minh là rất “khiêm tốn”, nếu không muốn nói là còn rất mỏng và chưa có sự tiếp nối giữa các thế hệ như ở đội ngũ sáng tác. Vì vậy cùng với việc quan tâm đối với đội ngũ nhà văn trẻ như đã nói ở trên thì đây cũng là một vấn đề mà Hội Nhà văn Thành phố cũng như những người có trách nhiệm xây dựng nền văn học Thành phố phải suy nghĩ để làm thế nào lấp đầy khoảng trống trong sự tiếp nối giữa các thế hệ của đội ngũ nhà văn làm công việc lý luận phê bình ở Thành phố của chúng ta. Vì họ chính là chiếc cầu nối quan trọng giữa nhà văn và công chúng bạn đọc.

 

Khoảng trống ấy nếu chúng ta không quan tâm và tích cực tìm biện pháp lấp đầy thì chắc chắn sẽ tạo nên một sự đứt gãy, sự hụt hẫng trong đội ngũ lý luận, phê bình. Và như thế, diện mạo văn học Thành phố cũng không thể hoàn thiện, dù ở góc nhìn nào!? Đây cũng là một thách thức đang đặt ra nếu không muốn nói đó là một thách thức đáng báo động của đời sống văn học Thành phố 30 năm qua cũng như trong thời gian sắp tới. Bởi sáng tác và lý luận phê bình bao giờ cũng là đôi bạn song hành của một nền văn học, của một tiến trình văn học xét từ nhiều phương diện.

 

Như vậy, diện mạo văn học thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua (1981- 2011) nhìn từ phương diện đội ngũ nhà văn và người đọc, chúng ta thấy có được những thành tựu đáng mừng mà rõ nhất là sự tiếp nối của các thế hệ nhà văn và sự đóng góp, sự khẳng định của từng nhà văn cũng như từng thế hệ nhà văn trong quá trình vận động và phát triển của văn học Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Điều đó đã góp phần khẳng định bước đi đúng đắn của văn học thành phố, đáp ứng được phần nào nhu cầu và kỳ vọng của công chúng văn học ở một Thành phố năng động và sáng tạo này.

Bằng sự lao động sáng tạo miệt mài của các thế hệ nhà văn mà sự khẳng định rõ nhất là nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố, Hội Nhà văn Việt Nam, của các Bộ ngành và kể cả giải thưởng quốc tế trao cho các thế hệ nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua cũng đã góp phần rất lớn làm nên diện mạo văn học dân tộc trong thời kì đổi mới của đất nước. Điều đó đã khẳng định một điều có tính tất yếu: chính nhà văn với quá trình lao động sáng tạo trong cô đơn và thầm lặng ( vốn là đặc điểm của lao động nhà văn ) của họ đã góp phần rất lớn làm nên diện mạo của văn học.

 

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đáng vui, diện mạo văn học Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm qua vẫn còn những khiếm khuyết, những khoảng lặng cần được khắc phục như chúng tôi đã đề cập ở trên. Vì vậy, để diện mạo văn học của Thành phố được hoàn thiện tương xứng với vai trò của một Thành phố năng động và sáng tạo, cũng như lòng mong mỏi của người đọc chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

 

Phải tập trung đầu tư vào nhân tố con người ở cả hai phía: những người sáng tạo ( đội ngũ nhà văn) và những người tiếp nhận sự sáng tạo đó ( công chúng văn học). Bởi, con người không những là đối tượng để văn học khám phá và sáng tạo mà còn là chủ thể sáng tạo và tiếp nhận văn học. Quan tâm đến con người tức là chúng ta quan tâm đến vấn đề trung tâm của đời sống văn học. Làm thế nào để nhà văn không cảm thấy mình bị cô độc, bị lẻ loi, “bị hạn chế” * trong quá trình thực thi thiên chức của mình đó là quá trình sáng tạo văn học thì  nền văn học của dân tộc nói chung và văn học Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng mới có những mùa quả ngọt, những vườn hoa trái sum suê, nhiều hương sắc. Và lúc đó diện mạo văn học sẽ linh động và phong phú như chính sự đa dạng và phong phú của cuộc đời.

 

Phải tạo được một đời sống văn học sinh động, cởi mở, một nền văn học không chỉ lấy nhà văn làm trung tâm mà còn lấy người đọc làm trung tâm; phải sáng tạo trên tinh thần tôn trọng người đọc, xem người đọc là những người đồng sáng tạo, là những người tri âm với nhà văn để mỗi nhà văn chúng ta luôn thật sự cảm thấy hạnh phúc khi tác phẩm mình được người đọc tiếp nhận.

 

Nhìn diện mạo văn học Thành phố Hồ Chí Minh trong 30 năm qua từ phương diện đội ngũ nhà văn trong mối quan hệ với người đọc cũng là một cái nhìn cần thiết và có giá trị nhân văn. Bởi vì chính nhà văn - người trực tiếp lao động sáng tạo văn học và người đọc – người tiếp nhận văn học sẽ là những nhân tố làm nên diện mạo của văn học và họ cũng chính là những người giữ vai trò quyết định cho sự tồn sinh của một nền văn học.

 

Nền văn học Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ như thế nào, lệ thuộc phần lớn vào yếu tố con người mà quan trọng nhất là đội ngũ nhà văn và công chúng văn học. Phải làm thế nào tạo những bệ phóng để những nhà văn có thể bay cao, bay xa trong chân trời lao động sáng tạo của mình để chúng ta khỏi xa xót mà thốt lên trong nuối tiếc vì có “những chân trời không có người bay và những người bay không có chân trời” ** Và đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn nói đến trong bài viết này nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh

( 1981- 2011 ).

 

Chú Thích:

* Tên một bài thơ của Hồ Chí Minh trong tập Nhật ký trong tù

* * Thơ Trần Dần

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2418
Ngày đăng: 15.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thi Sĩ Mùa Xuân Nguyễn Bính - Chế Diễm Trâm
Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 12- hết - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 11 - Nguyễn Đăng Trúc
Mấy Ý Nghĩ Về Thơ - Quang Dũng
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 10 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 9 - Nguyễn Đăng Trúc
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 8 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam: Tư Tưởng Nguyễn Du Qua Đoạn Trường Tân Thanh 7 - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)