Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
507
116.595.023
 
Nhân ngày nhà gíao 20 tháng 11: Cuộc tuyển sinh kỳ lạ
Vân Long

Đó là một ngày cuối thế kỷ 20! Được may mắn sống qua giao điểm của hai thế kỷ, cũng là của hai thiên kỷ, cái thời khắc thật thiêng liêng với mỗi người, hầu như ai cũng muốn làm một công việc gì để góp phần khép lại cái thế kỷ dầy đặc những sự kiện, những biến động của đất nước, mà trong đó mỗi con người chúng ta trưởng thành và đanh quánh lại…

 

Với tôi, thời điểm đó tôi đang tìm thêm tư liệu về hoạ sư Nam Sơn, góp phần chứng minh ông là người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với danh họa  người Pháp Victor Tardieu.

 

Họa sư Nam Sơn mất năm 1973, chỉ còn cách tìm hiểu qua tư liệu. Những tư liệu ở dạng văn bản, tranh, ảnh chụp thì ông An Kiều con trai thứ của cụ còn lưu trữ khá nhiều. Nhưng mảng quan trọng là tư liệu sống! Giá gặp được những người học trò khoá đầu tiên cụ giảng dậy thì chắc sẽ tiếp xúc với  toàn những chuyện xa xưa nhất đáng ghi nhớ. Hỏi các bậc cao tuổi trong giới họa, tôi được biết : 10 sinh viên khoá đầu Trường Mỹ   thuật Đông Dương, nay chỉ còn hai người: Họa sĩ Lê Phổ hiện sống ở Paris và họa sĩ Công Văn Trung (hai vị nay đã mất) hiện cư ngụ ở một ngõ hẻm cuối làng Hoàng Mai, Hà nội. Cả hai đều đã 93,94 tuổi cả rồi!

 

Tôi giở cuốn Trường Đại học Mỹ thuật Hà nội (1998), được biết cụ Trung sinh năm 1907, tốt nghiệp khoá 1925-1930 Trường Cao đẳng Mỹ thụật Đông Dương, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã giảng dậy và công tác tại trường từ 1957. Cụ từng được Huy Chương Vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 (vậy là 83 tuổi, cụ vẫn gặt hái niềm vui trong lao động nghệ thuật). Tôi và anh An Kiều ngắm ảnh chụp bức tranh sơn khắc (coromandel) Phong cảnh Sài Sơn của cụ mà thán phục, trên nền đen là ánh thếp vàng cảnh chùa Thày, núi non cảnh sắc thật sinh động, hai màu chủ yếu đen và vàng vừa hài hoà vừa sang trọng. Cụ còn ba tác phẩm tiêu biểu nữa là Tháp chùa Phổ Minh, Bình minh đất nước (sơn khắc) và Mỏ Tĩnh Túc (lụa).

 

Họa sĩ Công Văn Viên, con trai út cụ đã cho chúng tôi địa chỉ. Chúng tôi hỏi thăm ngoắt ngoéo mãi mới tìm được nơi cụ ở cùng bà Kim con gái cụ.  Đó là một lão ông đôn hậu, nhỏ bé. Tai cụ chỉ còn nghe được một bên. Mắt, theo cụ nói, chỉ còn chừng 30, 40 %. Vậy mà khi nghe tôi giới thiệu “Anh An Kiều đây là con trai cụ Nam Sơn, mắt cụ bỗng loé lên một ánh sáng khác lạ, anh An Kiều đã kịp ghi ánh sáng đôi mắt đó vào    chiếc máy quay phim bất ly thân của anh. Cụ bỗng nhanh nhẹn hẳn lên, và vồn vã:

“Trời ơi! Giá anh để râu như cụ Nam Sơn thì đúng là cụ năm đó rồi! Người thày, người ân nhân của tôi! “

 

Khi chúng tôi đã an tọa trong phòng khách, nghe anh An Kiều hỏi thăm sức khoẻ cụ, ông Công Văn Nghĩa (nghệ sĩ sơn mài) con trưởng cụ, đỡ lời: “Ấy, mấy năm nay mắt kém, cụ cháu mới nghỉ vẽ, nhưng vẫn làm việc mỗi ngày vài tiếng, cụ đang hoàn thành công trình nghiên cứu về       lịch sử mỹ thuật truyền thống của nước ta…”

Cụ Trung chậm rãi ngắt lời con:

--Ừ! Trang sách không biết nói, nhưng chúng giữ tư liệu soi sáng cho đời  sau …tôi nghe…ông Lê Phổ mất rồi phải không?

 

Anh An Kiều trả lời:

 

-- Thưa cụ, hoạ sĩ Lê Phổ vẫn còn sống ở Paris, tôi cũng vừa được gặp,  cụ Lê Phổ có hỏi thăm cụ đấy ạ! Cụ còn nhớ hết những hoạ sĩ cùng khoá   với cụ không ạ?

-- Úi giời! Tôi không quên ai! Còn thày  Nam Sơn là người đặc biệt, làm   sao quên được !

Dẫu nói vậy, nhưng có lẽ vì thời gian quá lâu làm gián đoạn ký ức hay do quá vui gặp lại hình bóng người thày cũ qua người con của thày     mà lời kể của cụ từ việc nọ chuyển qua việc kia một cách đột ngột:

 

-- Tôi dạy ở Mỹ thuật Yết Kiêu mãi, sau Mỹ thuật Công nghiệp mời tôi sang dạy rồi tôi về hưu ở đấy! Bạn bè..học trò, nhiều kỷ niệm lắm! Tôi rất nhớ các anh các chị đã học tôi, chị Giáng Hương, anh Đường Ngọc Cảnh, rồi Kim Bạch, Lê Thiệp…Ông Tardieu khôn lắm, khoá đầu mà đòi kéo dài 5 năm thì ai cho, ông chỉ xin 3 năm, hết 3 năm lại xin thêm một năm, rồi một năm nữa… thế là khoá đầu chúng tôi được học 5 năm.

 

Cuối câu chuyện, cụ toàn nói về thày Nam Sơn, thấy rõ sự xúc động trong hơi thở của cụ khi kể lại hồi mình là chàng trai 18 tuổi! Nhất là cuộc thi vào trường độc đáo của cụ!...Chỉ lúc tôi và An Kiều ra về, xem     lại cuốn băng hình, ráp nối lại các mẩu chuyện, đối chiếu lại  các văn bản gốc còn lưu  giữ được, tôi mới hình dung ra rõ ràng những sự việc liên quan đến lịch sử Trường Cao đẳng mỹ thuật.

 

“ Không có thày Nam Sơn thì không có Công Văn Trung ngày nay!” cụ khẳng định đến hai ba lần câu ấy!  Thì ra, Công Văn Trung từ năm 18 tuổi rất thích vẽ, nhưng cậu luôn vấp phải điều các cụ nói là “lực bất tòng tâm”. Trong óc chàng, cả trong những giấc mơ, luôn xuất hiện những đường nét bay lượn hài hoà. Nhưng khi cầm đến bút, những ngón tay luôn phản lại sức tưởng tượng…Cảm thấy thiên hướng hội họa của mình mạnh hơn kiến trúc mà cậu đang theo học, cậu thử vẽ từ dáng cây, hòn non bộ, con mèo, con gà…nhưng luôn không đạt được ý định. Cậu biết là muốn làm gì cho tốt cũng phải học, nhưng học ai, học theo cách nào? Học các cụ nhà nho vẽ “mai, lan, cúc, trúc” thì khó mà vẽ được cô gái anh đang mơ tưởng trong đời thực…Khi đọc thông báo tuyển sinh trường Mỹ thuật, anh thấy đây đúng là cái trường anh cần! Cho nên anh đã viết đơn, chuẩn bị hồ sơ khá sớm. Chỉ tiếc anh đã không gửi hồ sơ ngay tại Hà nội mà anh lại cho là Bộ Giáo dục Pháp thông báo, thì gửi hồ sơ ngay về Bộ, về Paris cho chắc!   Chính vì cái nhầm chết người này mà mấy ngày thi tuyển sinh, giữa đám sĩ tử lo âu, hồi hộp, có một chàng trai như người mất hồn hỏi hết thày ta đến thày tây xem vì sao mình không có tên trong danh sách dự thi?

 

Khi môn thi cuối cùng kết thúc, anh học trò đã hoàn toàn tuyệt vọng, thì thày Nam Sơn (qua mấy ngày chầu chực anh đã biết con người năng nổ kiểm tra từng thí sinh, lại trực tiếp coi thi này chính là họa sĩ Nam Sơn đã minh họa những bài học trong sách Quốc Văn luân lý giáo khoa thư anh đã học) gọi anh vào văn phòng. Thày mời anh ngồi, rồi rút ngăn kéo   lấy ra tập hồ sơ có lá đơn của chính anh đặt lên bàn. Trước sự ngạc nhiên của anh, thày từ tốn:

-- Hồ sơ của anh mãi sáng nay mới được chuyển đến (thày chỉ cho anh xem dấu bưu điện).

 

Lẽ ra, chỉ còn cách anh chờ đến năm sau, tuyển sinh  vào khoá 2. Nhưng mấy hôm nay, tôi vẫn để ý đến anh, đến sự thất vọng,    lòng hiếu học không được toại nguyện. Chờ thêm, biết đâu cuộc đời  lại lái anh sang hướng khác… Cho nên, tôi quyết định: đặc cách cho anh thi một mình, do chính tôi coi thi, bắt đầu từ sáng mai…

 

Công Văn Trung từ lúc nghe thày nói, sắc diện, tình cảm anh chuyển qua nhiều cung bậc. Từ thất vọng đến hy vọng, cuối cùng là kinh ngạc. Bởi anh đã chứng kiến, mấy ngày coi thi thày Nam Sơn đã vất vả đến thế nào, nghe nói thày phải làm thay cả phần việc của ông Giám đốc người Pháp bị ốm, không sang Đông Dương được! Nhưng đó là công việc buộc  thày phải đảm trách, còn bây giờ đúng lúc thày cần xả hơi, lấy lại sức thì lại phải bắt đầu ngần ấy động tác, thủ tục, lại ròng rã cả tuần lễ chỉ vì một mình anh? Không thể tin được điều đó !

 

Thế mà phép lạ ấy đã xẩy ra: Thay vì gần 300 thí sinh ngồi thi, là một trò Công Văn Trung cặm cụi với đủ ngần ấy môn như điều 18 trong Nghị định thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà anh đã nhập tâm:

1- Dessin d académie (vẽ người) 6 buổi  3 giờ, hệ số 7.

2- Décoration (trang trí) 2 buổi – 8 giờ, hệ số 5.

3- Perspective (viễn cận) 1 buổi 4 giờ, hệ số 2.

 

Ngoài ra, còn kiểm tra trình độ văn hoá chung: một bài luận tiếng Pháp     và một bài chính tả tiếng Pháp. Môn này không tính vào bảng xếp hạng tổng kết.

Cuộc thi một thày một trò đã diễn ra nghiêm túc đủ buổi, đủ giờ, không tắc trách, không vội vã…(Nghe đến đây tôi liên tưởng đến cảnh trong phim vương triều Ung Chính, anh học trò làm bài chậm cuối cùng được chính tay Ung Chính thắp nến cho thi và kiên nhẫn đợi. Điểm gặp nhau của những con người sẵn sàng thắp đuốc đi tìm người tài). Cụ Công Văn Trung kể lại, không nén nổi sự bồi hồi cảm kích dù câu chuyện đã xẩy ra từ ba phần tư thế kỷ: “ Trong mấy ngày liền coi thi, dường như thày Nam Sơn đã phát sinh mối cảm tình đặc biệt với tôi. Nhưng cụ không hề “gà” cho tôi mà chỉ luôn khuyến khích động viên cho tôi đừng nản, đừng sốt ruột…Tôi rất nhớ tâm trạng mình lúc ấy, vừa e ngại khi       phải làm phiền một người tốt như vậy, muốn làm bài nhanh cho thày được nghỉ sớm, vừa thấy phải cố gắng thế nào cho xứng với đặc ân này! Và tôi bỗng toát mồ hôi hột khi nghĩ đến lúc xướng danh lại không có tên mình trong số người thi đậu! ”

 

May thay! Kết quả kỳ thi tuyển với gần 300 thí sinh toàn Đông           Dương đã cho ta thấy hết sự cố gắng của anh thí sinh đặc biệt này:

 

Đỗ đầu là Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh- Tự Lực văn đoàn, ông chỉ học Mỹ thuật năm đầu, sau sang Pháp học Khoa học tự nhiên). Đỗ thứ hai là Mai Trung Thứ. Đỗ thứ ba là Công Văn Trung với điểm trang trí cao nhất: 18 điểm . Rồi đến Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Georges Khánh, Lê Phổ…Thí sinh Lê Phổ này khi thi tuyển thì đỗ thứ 9 nhưng tốt nghiệp ông lại là thủ khoa!  Kỳ thi ấy chọn được 10 người chính thức thì có một người Lào, một người Cao Miên, 8 người Việt. Trong khoá học diễn ra sau đó, có 4 người bỏ cuộc. Mới thấy con     đường nghệ thuật nhiều thử thách ghê gớm lắm! Vậy là ra trường chỉ còn 6 họa sĩ Việt: Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Georges Khánh, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh.

 

Nhìn vẻ mặt tập trung, mắt nhắm lại cho dĩ vãng hiện ra, nhìn cái dáng run rẩy khi cụ Công Văn Trung đứng dậy, chúng tôi mới thấy mình còn là người may mắn được nghe người họa sĩ gánh gần trọn thế kỷ trên vai trực tiếp kể một kỷ niệm tuyển sinh đặc biệt, có một không hai này.

Tôi và An Kiều không uổng công tìm gặp, vì chỉ một thời gian ngắn sau đó cụ Công Văn Trung đã thành người thiên cổ, để ai đó muốn tìm hiểu cụ, chỉ còn cách tra trong Từ điển Mỹ Thuật: Công Văn Trung           (1907-2004).

Câu chuyện về cụ Trung còn một đoạn vĩ thanh rất “có hậu” :

 

Khi cụ Trung mất, các con cụ nhớ ngay đến ông An Kiều con cụ Nam Sơn, ân nhân của gia đình, cho người đến báo tin buồn. Ông An Kiều  mang đến viếng tang cụ một kỷ vật vô giá với gia đình cụ và có thể là tư liệu quý trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: băng ghi hình, ghi âm  câu chuyện tôi vừa nghe cụ Công Văn Trung kể lại về kỳ tuyển sinh kỳ lạ ở trên. Hôm tang lễ, gia đình cụ Trung nhờ ngay ông An Kiều đọc điếu văn, gói ghém thật đẹp cái duyên kỳ ngộ thày trò từ gần tròn một thế kỷ: Cụ Nam Sơn mở rộng cửa Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương đón học trò, một tài danh hội họa tương lai vào trường, con cụ Nam Sơn, ông An Kiều lại đọc những lời có cánh, tiễn đưa cụ Công Văn Trung sang thế giới bên kia, 80 năm sau…

 

 

 

 

Vân Long
Số lần đọc: 1762
Ngày đăng: 20.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tưởng Nhớ Nhà Văn Võ Phi Hùng: “Đời Có Tên Tụi Mình” - Trần Hữu Dũng
Thái Tuấn 1918-2007 - Đặng Tiến
Vũ Hoàng Chương (1915 - 1976) - Đặng Tiến
100 năm ngày mất Tiểu La Nguyễn Thành (1911-2011): CÒN ĐỌNG LẠI MỘT NHÂN CÁCH ĐẤT QUẢNG - Nguyễn Tam Phù Sa
Chủ bút Bách Khoa - Nhiều Tác Giả
Thảo Trường -1936- 2010 - Đặng Tiến
Trần Mai Châu: làm thơ, dịch thơ và bàn về thơ - Huỳnh Như Phương
Sơn Nam, Việt Nam - Đặng Tiến
Nhà Thơ Nữ Christina Rossetti (1830 –1894) - Đỗ Tư Nghĩa
Nhà Thơ Nữ Sara Teasdale ( 1884 – 1933) - Đỗ Tư Nghĩa