Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.381 tác phẩm
2.747 tác giả
417
116.584.464
 
Từ Hài Cú Nhật Bản, Lục Bát Ba Câu Nguyễn Tôn Nhan, Ý Niệm Rời Về Haiku Việt Của Chu Ngạn Thư
Ngô Nguyên Nghiễm

Thời gian hơn mấy thập niên trở lại đây, nghệ thuật chuyển biến sáng tạo và lập dựng nhiều trường phái tân hoá, cách điệu và đầy trí dũng. Đương nhiên, giữa sự đột biến của một thời văn minh xã hội, đưa khoa học lên hàng kiệt xuất mà cách đây cả thế kỷ trở về trước có ai ngờ một cuộc cách mạng tri thức tuyệt vời, y như nguyên bản của những ước mơ phù thuỷ hay thần thoại của thời cổ tích Phong Thần, Liêu Trai Chí Dị, U Minh Liệt Truyện, Harry Potter…đều trở nên hiện thực. Cái chớp cánh lên không xuyên suốt hàng trăm ngàn cây số, phiêu du trong vũ trụ, đến mọi chuyển biến trong các độ nhạt chuyên ngành khác đều như một giấc mộng phù sinh, thời @ đã đưa thuần phong nhĩ, thiên lý nhãn và những cách điệu truyền âm như một cách phiêu thoát. Đường đời con người không dài, nhìn lại bản thể có được phục nguyên như tư chất tiên thiên lúc mới khai sinh không thì mới thấy cái uyên nguyên của trời đất đã là một bí mật với những kẻ thoát thai lại chìm đắm trong ngõ tối của mọi khuynh loát u mê trong dòng luân lưu của cuộc sống. Người ta có tâm huyết và duyên cơ đi tìm kẻ đạo, vạch mù sương trên ánh đuốc giác ngộ lầm lũi vượt đỉnh thái hư, hầu chấp cánh cho bản lai bước vào cái vô tử vô sinh, dù đó là nghệ thuật hay tâm thức, thì sự diệu kỳ đã giải thoát con người qua khỏi trăm nẻo u mê. Đạo giáo sinh ra khá nhiều, mà bước đi chung vẫn chưa hề có mặt, mỗi hình thái cực đoan và phi đạo vẫn tiếp diễn xảy ra. Cái ác vẫn chập chùng giăng mắc trong kiếp sống lưu sinh của con người, đâu biết đâu hiểu nẻo ra đã lạc lối chưa nào. Càng ngày, càng chất chồng những bất hạnh lên vai nhân loại, bởi đi đôi với cái tạm gọi là Thiện, cái tạm gọi là Ác, vẫn ngang ngửa nhau sức tàn phá và đối kháng như thời Siddhartha chờ bình minh giác ngộ, Ma vương hiện hình đầy rẫy, gieo mọi tư hướng để đẩy lùi nền sáng của ngọn đuốc minh triết đang hùng vĩ soi rọi. Cái đối kháng nhiều lúc thần lực không thua sút nhau, vì mỗi bên đạt ngộ theo cách chuyển bí mật của kẻ hở vũ trụ, của duyên nghiệp thông hành trên ngõ ngách của huyền vi. Đến “Om mani pad me hum”, hoa sen nở trong lòng, thì chân lý là dấu ấn pháp giới cũng chính chiến thắng bản thân mình.

 

Nghệ thuật cũng vậy, có cái đi thẳng vào một chiều hướng xuyên sâu ở một giai đoạn cực thịnh của một quan niệm, một triết lý thời thượng, nếu có một sự bùng vỡ như những hòn bi va chạm toé lửa sẽ nảy sinh những chuyển biến có lợi cho cuộc hành trình. Chỉ có câu hỏi, sự hồi sinh hay huỷ diệt có phải là chân lý vĩnh cửu, để nghệ thuật thoạt biến thoạt hiện như những ảo giác hay sự thật mà chân lý đã điểm tô thế giới nhân gian, như hoa nở rực rỡ từ những ngọn đồi đầy gió thu phong man mác dưới bình minh hay ánh trăng vàng, hay là hoa nở trong lộc bình lẻ loi trong phòng khách thừa trừ. Cái nhức đầu của người làm văn nghệ là cứ nhai đi nhai lại những giọng điệu của màn đêm, cũ rích từ ngàn năm xưa nên người nghệ sĩ chính tự bản thân phải sáng hoá chính mình đưa một tiểu vũ trụ hoà nhập bản thể vào tam thiên đại thiên thế giới, hay còn những thế giới ngoài cõi đại giác đã vạch sẵn.

 

Sự thuần hành trên lẽ đạo là tất nhiên đưa đẩy vun trồng chân tâm được phóng hoạt lớn nhỏ thường hằng. Khi lớn bao trùm cả vũ trụ mênh mông, khi nhỏ đến hạt cát cũng chẳng ra gì. Nhưng ai biết trong cái hạt cát đó, chứa đầy cả một không gian siêu thoát và đạt ngộ. Vì vậy, mỗi tư hướng của nghệ sĩ đã là cái ngộ vọng tức thời, đưa đẩy cái lẻ loi thành đại chúng. Tôi thầm cảm ơn những điều gì mình biết được nhào nắn không hiểu từ bao nhiêu ngày tháng của thời gian mơ hồ, và tôi chiêm nghiệm bao nhiêu sự hoá thân chân chính để làm sống lại trí tuệ giác tha của bằng hữu văn nghệ . Cái mới mà chính bạn bè bỗng nhiên tìm thấy, thật kỳ bí và mở rộng cho nghệ thuật như một ánh sáng tuyệt diệu soi thêm trên thềm hoa cỏ buổi đẫm sương, mát dịu và thanh thoát lòng người.

 

Hôm Lưu Vân ghé tạt qua thăm tôi, có lẽ đã gần năm, sau những giọt rượu nồng lay láng tình văn hữu, bỗng nhiên anh vui cười báo về một lối ngoặc trong thơ của nhà thơ Chu Ngạn Thư , áp dụng thơ Hài Cú Nhật Bản, với ý niệm là làm mới với danh nghĩa Haiku Việt. Lưu Vân tán thán, sự thành công đậm đà trong nét thơ này có một hào nhoáng cách tân và sâu sắc. Chu Ngạn Thư là một nhà thơ có nhiều công lao góp mặt với văn nghệ Việt Nam từ thuở xa xưa, trải qua bao nhiêu ngày tháng chung đụng với không gian thơ, hẳn nhiên đã đạt hoả hầu tuyệt diệu. Thì chuyện tạo tác một khuynh hướng đa thể cách,lại là chuyện đương nhiên, và thêm cho khu vườn nghệ thuật đầy những cánh hoa phục nguyên mới lạ. Tôi lật đật nhìn lại, một Khế Iêm, Đoàn Minh Hải, Lý Đợi, Nguyễn Phan Thịnh, cách tân thơ qua ngõ Tân Hình Thức, rồi Nguyễn Tôn Nhan dìu mình từ thuở 16 tuổi với Thánh Ca chuyển sang thể sấm thi ba câu lục bát, giờ đây Việt Nam lại có thêm một dòng thơ mượn thể Hài Cú Nhật Bản, mà Chu Ngạn Thư tạm gọi là Haiku Việt. Sự thành công hay không sẽ để thời gian hậu kiểm, nhưng cái đáng quý là anh em đã tu chỉnh trong sạch để dọn mình cho bước du hành đầy ý nghĩa cho cuộc sống nhân sinh.

 

Hài Cú Nhật Bản là một loại Thiền thi, chấp nhận lẽ huyền diệu đương nhiên của trời đất và sự đạt ngộ của thế nhân. Sự trong sáng là bản thể huyền nhiệm của Hài Cú, đưa tất cả cái tự nhiên của chân lý vũ trụ nhập vào thơ, nhễu vào tri thức giác ngộ cho cục diện hữu hình hiện thân lên ngôn ngữ. Không lý luận, không gò ép, với hình thức 17 âm sắc, càng ngắn càng tốt, để thể hiện cái không hư của đạo pháp, cái trung đạo giữa đạt ngộ. Thơ cứ tự nhiên nhập thể vào ngôn ngữ, như ảnh tượng xảy ra trong lý nghĩa của huyền đạo, không một ý kiến tha nhân mà chính người chiêm nghiệm sẽ đi sâu hay không vào ý nghĩa của thơ, tuỳ tâm thức sẵn có của mình. Nhật Chiêu, có bài “Giấu Mình Trong Hương” đăng ở Giác Ngộ số 74 tháng 5/2002, kính mừng Phật Đản PL 2546, có viết:

 

Và mọi lý thuyết đều  màu xám (geothe) như ý nghĩ của bài tắc sau đây trong Bích nham lục: “Lục Hoàn đại phu (một học giả Phật giáo thời Lục Triều) hỏi Thiền sư Nam Tuyền:

- Tôi nhớ Triệu Pháp sư nói: “Trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật cùng ta đồng thể. Kỳ quái thật!

Nam Tuyền chỉ bông hoa trước sân và đáp:

- Người thời nay nhìn hoa này không như hoa mà như mộng.

Thiền sư nhắc nhở học giả rằng hoa hiện thể như hoa, bao giờ cũng là hoa. Hoa có ở đây, bây giờ, trước mắt ta, với hương sắc diệu kỳ. Không cần ký luận, không cần giấc mơ.

Hoa có đây, bên hàng giậu:

Ta nhìn sâu xa

Bên hàng giậu nở

Cành Nazuna

Bashô

(Yoku mireba

Nazuna hana saku

Kakine hana)

 

Đấy là cái nhìn đưa ta vào tinh tố của sự vật, niềm vui của sự vật, cái nhìn của Trang Tử trước những con cá bơi lội tung tăng dưới hào. Trang vui niềm vui của con cá và Bashô vui niềm vui của hoa.

Ta nhìn sâu xa

Dưa nằm trong cỏ

Hé mấy nụ hoa

Shiki

(Yoku mireba

Kiuri no tsobomi ya

Kusa no naka)

 

“Nhìn sâu xa” (yoku mireba) là cái nhìn thiền, một cái nhìn trong suốt, lắng đọng, như như. Cái nhìn đó “giấu mình” vào sự vật, lặn vào sự vật chứ không mổ xẻ, phân tích. Cái nhìn đó không cần gọi tên, không cần xếp loại:

 

Trong cỏ xanh

Cành hoa không biết

Nở ra trắng  ngần

Shiki

(Kusa mura ya

Na mo shiranu hana no

Shiroku saki)                                                                                        

Những bông hoa giấu mình trong cỏ, trong hàng giậu, trong hương thơm, trong bóng trăng, trong sự vô danh. Cái đẹp của hoa chỉ hiện ra trong cái nhìn sâu xa của tình yêu.”

 

Sự diệu kỳ của Hài Cú Thiền học Nhật Bản đã là một bản sắc siêu tuyệt điểm tô cho văn hoá Nhật Bản nhập thần giữa thiên địa mênh mông. Đó là một loại Thơ Thiền âm hưởng sâu sắc cái đạt ngộ siêu thoát, đưa bản thể vũ trụ hội nhập chan hoà trong cái tiểu vũ trụ thường hằng. Mà bây giờ từ một thành không, tan biến giữa tinh hoa tuyệt diệu của một thế giới vĩnh cửu như kinh sách dẫn chứng?

 

Bước qua một lối giữ hồn dân tộc như thơ lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan, anh cũng đã là một kỳ nhân trong nhập định với thơ. Xuyên suốt gần nửa thế kỷ chung sống với thi ca, Nguyễn Tôn Nhan thành công trong nhiều thi tập và tuôn chảy nhiều tư hướng sáng tạo với thơ. Đã từng bước đi trong ngõ sáng hoá, lập thuyết cho thơ, nhưng cuối cùng qua 3 giai đoạn thơ của Nguyễn Tôn Nhan, anh lại nhập thể hồn Việt vào bản chất thơ lục bát ba câu, mà tôi tạm gọi là sấm thi. Bước qua giai đoạn ẩn dụ, Nguyễn Tôn Nhan đã như một lão Trang Chu lẫn thẫn bước vội trên nét vạch của hà đồ lạc thư,  đưa thơ ba câu trở nên một thừa truyền, khoát vai dịu ngọt với những câu thơ của một Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiên đoán vận mệnh 500 năm trước và 500 năm sau. Hay một Nostradamus, lập dựng sự diệu kỳ không ai hiểu nổi, ảnh hưởng cả một vùng trời phương Tây, kể cả vùng Địa Trung Hải, đến nỗi sự say mê sấm  Nostradamus, đã hoàn sinh tin đồn nhà tiên tri đang hoá thân ở Tây Ban Nha.

 

Thơ lục bát ba câu của Nguyễn Tôn Nhan, cũng đạt được tinh tuý của một tân thi, làm mới câu thơ và thấm nhập nét vạch liền vạch đứt của dịch lý, đã đưa đẩy thơ ba câu của anh thành một loại truyền sai cho dịch lý phương Đông mà Trung Hoa là chính sử, mặc dầu còn chút hồn Việt Nam là lục bát chân phương.

 

Bước đến thơ Chu Ngạn Thư, tài hoa đã định sẵn bởi vì suốt quá trình nghiêm túc và khổ hạnh với thi ca, nghiệp chướng đã ươm đúc cho tâm anh một hồn thơ diệu vợi, mà mấy mươi năm trước tôi vẫn thầm thích thú thơ Chu Ngạn Thư trong những bài được giới thiệu trên tạp chí đương thời.  Chu Ngạn Thư đã  là một nhà thơ chứng kiến ngang tầm với sự trôi nổi của đất nước, kể cả với thi ca, sự lên voi xuống chó của đời thường chỉ là một bếp lửa cho anh hơ ấm lại những phong trần ngày tháng bám víu vào lẽ sống. Chu Ngạn Thư suốt đời vì bằng hữu nghĩa tình, vì thuỷ chung…Nên thơ Chu Ngạn Thư đậm đặc một nhân cách hiền giả, tạo được sự kính trọng của bạn bè văn nghệ đối với anh, đó cũng là lẽ đương nhiên thôi.

 

Lưu Vân có đem cho tôi một tài liệu dày về thơ Haiku Việt của Chu Ngạn Thư, tôi vội vã đọc nghiền ngẫm trong những thích thú riêng tư. Vượt thoát qua bao nhiêu ngày thử thách trong cuộc đời, tất cả kỷ niệm và sự sống đã dàn trải dày đặc trong ý thức, đã khiến Chu Ngạn Thư già dặn và logic hơn khi bước chững chạc trong một cách tân mới:

 

Bờ kia ngàn dâu thắm

Trách chi đời huyễn mộng cuối trời

Lá vàng đáo ngạn ư?

 

Thơ hài cú là được cái huyền diệu đang vi vu ẩn tàng trong trời đất, sự bất chợt cô đọng trong ngôn ngữ chỉ là một cách hoá thân để giao truyền với nhân gian. Nên cái ý và cái tâm, phải chuyên chở làm một, hư nhiên tự tại để dễ thấm nhập vào bản thể đạo và đời. Chu Ngạn Thư cũng đạt được một thành công khá sâu rộng trong sự chuyển hoá này, chỉ có điều tôi thắc mắc là thơ Haiku Việt còn quá nhiều dấu hỏi. Chính vì vậy, cái mới của Chu Ngạn Thư sẽ thấm nhập vào sự thế hiện hữu, khác cái bãng lãng siêu thoát của Hài Cú Nhật Bản. Khiến Haiku Việt như đang là bước đường hoá thân của Nho đạo:

 

Tên đồ tể múa đao

Tên làm thơ ngồi nhấp chuột

Tên nào sát sanh hơn?

 

Hay:

 

Muốn lấy đá thử vàng

Vàng dát mỏng chân đám hạc đình

Đá ngồi mài nước chảy!

 

Chu Ngạn Thư đã thành công trong hành trình sáng tạo một cách tân thơ, giúp người đọc được ngồi dưới giàn hoa thiên lý, ngắm trăng và ngâm nga những tư khúc đầy tâm thức của nhà thơ. Đưa đẩy thơ Chu Ngạn Thư lên thêm một phương trời tuyệt diệu và đầy tao ngộ với sáng hoá. Sự mơ ước và nguyện vọng của kẻ làm văn nghệ là được đứng bằng đôi chân và khối óc của mình, nên việc tạo tác tìm tòi của nhà thơ Chu Ngạn Thư là một điểm chính khuất phục bạn bè.

Tôi thích thú nhiều bài Haiku Việt, 17 chữ của Chu Ngạn Thư đánh dấu một sự nắm bắt ngôn ngữ và tư tưởng một cách sâu sắc

 

Không nghe rặng liễu than

Đèn câu thấp thoáng đuôi tầm mắt

Biển trầm nhất cô liêu

 

Lục bình hay nước trôi

Nỗi nhớ bỏ quên màu hoa tím

Bây giờ ở trời tây

 

Chiết cành hoa đang nở

Chiết chữ hết một thời son trẻ

Chưa đáng chân tiểu đồng!

 

Tiếng hát âm trong lòng

Ngọn núi vẫn xanh chiều mưa mù

Sắc và thanh dạ tưởng

 

Chúng ta có quyền chờ đọi những hoá thân tuyệt diệu của nhà thơ, trong cái thanh khí uyên nguyên ngày càng thoát vị trong đời sống hôm nay…

 

Viết tại Thư trang Quang Hạnh

Ngô Nguyên Nghiễm
Số lần đọc: 2080
Ngày đăng: 19.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương gì thì gì, nhưng trước hết… - Đặng Phú Quốc
Cảm Nhận Tây Du Ký - Vũ Ngọc Anh
Góp Một Lời Bàn Về Kết Truyện Tấm- Cám - Phạm Phù sa
Về bài “Ngoại cảm trong đời sống người Việt” - Hà văn Thùy
Kính gửi: Đoàn chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga - Hà văn Thùy
Trở về với bản gốc thơ nôm Hồ Xuân Hương - Nguyễn Khôi
Trả Về Bản Gốc Chinh Phụ Ngâm - Do Đoàn ThỊ Điểm Dịch - Nguyễn Khôi
Cái Gia Gia Là…Cái Nhà! - Vương Trung Hiếu
Tạp chí khoa học Nature lên tiếng về sự chính trị hóa trong khoa học qua đường chữ U 9 đoạn ở Biển Đông - Nguyễn Đức Hiệp
Lời Cuối Cùng Thưa Với Ông An Chi ! - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Vách đá (truyện ngắn)