Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
692
115.999.914
 
Nhớ Nguồn 1
Nguyễn Đăng Trúc

Định Hướng Tùng Thư

13 g rue de l’ILL, Reichstett, France

ESBN    2-912554-33-0

Tái bản lần thứ hai

2005

 

 

Lời nói đầu

 

Đây không phải là một luận văn triết  học, nhưng là tập hợp một số suy tư về một  vài chủ đề nhất định  được đăng trong Tập San Định Hướng. Các chủ đề xem ra rời rạc, nhiều ý tưởng lại được lặp lại nhiều lần; những hiện tượng đó đi ngoài qui ước của một tác phẩm triết học theo khuôn khổ cổ điển; nhưng chúng vẫn được cho ấn hành thành một quyển sách, vì xuyên qua những chủ đề đó tôi chỉ muốn đào sâu câu nói lạ thường của Martin Heidegger:

 

Điều làm cho chúng ta suy nghĩ hơn cả trong thời đại của chúng ta, một thời đại đang làm ta suy nghĩ, đó là chúng ta chưa từng suy nghĩ  [1].

 

Chúng ta chưa từng suy nghĩ, vì theo nhà tư tưởng này:" Có thể là con người truyền thống đã quá mải miết hành động và không mấy suy tư suốt qua bao thế kỷ " [2].

Để hiểu thế nào là hành động theo quan điển của Martin Heidegger, tôi xin ghi lại một cử chỉ đặc trưng của nhà tư tưởng này khi ông đề tặng cuốn sách của ông: " Kant et le problème de la métaphysique" tưởng niệm triết gia Max Sheler tạ thế bất ngờ vào năm 1924.  Vào đầu năm ấy, Max  Sheler định cho xuất bản cuốn "Anthropologie philosophique" (Nhân học triết học) nhằm khai triển vấn nạn "con người là gì, vị thế của nó như thế nào trong hữu thể ?". Max Sheler được biết đến như một triết gia đã có công truy cứu về bản tính con người, được gọi là nhân vị, kết dệt bởi các hành vi yêu thương và liên đới.

Martin Heidegger không chỉ trích Max Sheler về việc triết gia này đặt lại vấn đề con người như nền tảng của suy tư triết học, vượt qua những hệ thống duy lý truyền  thống chỉ tập  chú truy cứu các ý niệm trừu tượng. Nhưng Heidegger cảnh giác rằng những nội dung như nhân vị, yêu thương, liên đới...có nhảy vọt ra khỏi tiền kiến về cách đặt vấn đề căn bản về con người hay không? Tiền kiến đó ở trong câu hỏi khởi đầu của Max Sheler "Con người là cái  gì ?". Chữ "cái gì" hàm ngụ một vật thể trụ vào bản chất của mình, không tương quan cần thiết với cái gì khác mình, đồng thời tiên đoán con người như một vật thể có khả năng am tường các bản chất đó. Suy tư biến thành hành động thu tóm toàn bộ các bản chất vật thể thành một tổng thể, một Đại Ngã đang hình thành.

Nhưng truyền thống của lối suy tư đó như lời của Gioan: " Suốt đêm, họ đã chẳng bắt được gì" [3]. Tất cả là đêm tối vì con người không phải là "cái gì", cũng không  phải là toàn thể những cái gì cộng lại, nhưng mỗi người là một "ai".

Chữ "ai" không phải là thế giới của hành động qui về mình, nhưng là cảnh vực của Lời nói, để gọi tên mỗi người khác mình, lôi mình ra khỏi cơn mê của "chấp ngã" hành động.

Cả một truyền thống triết học đã hành động quá nhiều để mặc nhiên hay minh nhiên xây dựng cho cái tôi của thế giới vật thể; nên khởi đầu học lại suy tư không phải làm thêm một thế giới của một "cái gì" khác nữa; nhưng là tập lắng nghe âm vang của Lời ẩn kín giúp con người bước vào ngưỡng cửa của cảnh vực của Ai những ai.

"Ai ?", một chữ mà mọi người đều đã s ử dụng,  nhưng ngay cả bậc thánh hiền cũng bất cập trước mầu nhiệm của con người khi nó là "một ai".

 

Reichstett, ngày 05 tháng 03 năm 1994

 

 

 

Mối tình Non Nước

ý nghĩa thi ca

 

 

Nói và làm

 

Thắc mắc về con người nếu không bị quên lãng, thì cũng chỉ được xem là một xa xỉ, một lãnh vực giải trí đứng bên ngoài những câu hỏi về các chương trình hành động được xem là đúng  đắn và thực tiển.  Chúng ta không phải đã vượt qua thời đại của những thắc mắc "vô ích" đó để sống trong thời đại của hành động hữu hiệu hay sao?  Chúng ta không phải đã sống trong thời điểm của ánh sáng do lý trí con người làm nên lịch sử chính mình hay sao?  Phải chăng chỉ có kẻ mù mới không thấy thế giới "vinh quang" đó của con người? Thời "vinh quang" của con người không còn là thắc mắc, nói, nhưng là hành động, "biến sỏi đá thành cơm", và rốt ráo là "người làm nên người", không phải vậy sao?

Thực ra, nếu thời đại chúng ta, những kẻ chính thức và triệt để muốn làm nên một xã hội của con người "không nói", thì ý đồ căn cơ đó không phải là phát minh của xã hội tân  kỳ ngày nay, nhưng nó gắn chặt với thân phận con người.

Văn hóa Do Thái, Kitô giáo gọi tên con người đó là Adam hái trái cấm; thi ca Hy lạp cô động trong các nhân vật Oedipe, Prométhée; kinh sách Trung Hoa đưa ra hình ảnh Bá Cổn, Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng; và Tây phương cận đại được Goethe mô phỏng qua nhà thông thái Faust bán hồn cho qủi:  Khởi thủy là hành động.[4]

Hành động gọi là khởi thủy, không phải là làm việc này hay việc khác, nhưng biến ta thành một cái gì do tự ta và vì ta. Ngôn ngữ nhà Phật gọi hành (karma), có căn nơi chấp ngã. "Chấp" là đóng khung lại và biến thể "ngã" thành một cái gì tuyệt đối, bao trùm. Trong vị thế độc tôn của "ngã", không còn có ai, có kẻ nào khác để Lời nối kết mối tương giao. Hành động nguyên thủy đó biến tất cả "kẻ khác" thành dụng cụ làm nên "ngã"; và Lời bấy giờ đã bị biến thành phương thế cân đo, đong đếm phục vụ cho hành động "ta làm nên ta" này.

Đi tìm một trật tự mới cho xã  hội con người, phải chăng  chỉ là tổng hợp các yếu tố cũ nơi thế giới của Faust mà xã hội đang đeo đuổi, phác họa ra một kiếp hành động khác trong muôn kiếp đọa đày của karma – là bô lô, ba la thảo luận về các chương trình hành động trong khung cảnh của "chấp ngã" như thế?

 

Trước những đổ vỡ của trật tự cũ, vấn đề ưu tiên và then chốt có phải là tiếp tục nêu lên nhiều câu hỏi "phải làm gì ?", hay dừng lại giây lát lắng nghe một lời của "Ai" nói,  một âm vang làm nổ bung vỏ cứng của chấp ngã, để có được lời nói  thật sự nối kết người với người, tạo nên hồn của cuộc sống xã hội?

Nhà tư tưởng Jean Brun  trong cuộc hội thảo quốc tế về triết học tổ chức tại Roma năm 1978, đã mạnh dạn phát biểu:          

 

      Làm gì?

- Không có gì để làm cả! Không có gì để làm vì không có vấn đề thêm một cái làm khác vào vô  số cái làm đã đày đọa chúng ta. Vấn đề là "chân chất tính thể của mình (être) [5].

 

Nói cách khác, trước tất cả mọi câu hỏi "làm gì ?", ưu tiên và nền tảng phải là thắc mắc "làm người".

 

 

Hưng ư thi  [6]

 

"Làm người" mà Khổng Tử gọi là Đạo Nhân tức là cuộc sống nối kết trời-đất-người, mà trí năng và hành động của chấp ngã đã biến thể thành phản ứng, tương quan vô hồn giữa vật này với vật khác. Tìm lại người và quê hương của nó cũng là tìm lại lời nói chân thật biểu lộ sự nối kết của Đạo Nhân.

 

Lời nói là nhà của Tính Thể.  Những nhà tư tưởng và thi hào là những kẻ coi sóc chốn ấy [7].  

 

"Lời nói", đơn sơ như thế, nhưng Khổng Tử phải dạy con là Bá Ngư:

 

Bất học Thi, vô dĩ ngôn [8]

(Không học Thi, không có lời để nói)

 

Vậy lời nói từ thi ca là gì, mà bậc thầy của nhân loại, một kẻ suốt đời dấn thân cải tạo xã hội như Khổng Tử đã đặt nó làm nền cho sinh hoạt con người?

Cũng mang nỗi lo âu cho tình trạng Nước Non đôi cảnh chia lìa, vì "hồn dân tộc" đã trốn thoát, kẻ sĩ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích đã dạy cho ấu nhi của vườn trẻ Hương Linh do người sáng lập tại Huế bài đồng dao:

 

Cái nhà là nhà của ta

Công khó ông cha lập ra

Cháu con luôn gìn giữ lấy

Muôn năm nhớ Nước Non Nhà

 

Cái nhà là nơi cư ngụ cho xã hội tình nghĩa cụ thể của con người, là nơi thể hiện tình Nước và Non.

Cái nhà của cuộc sống tinh thần con người là Lời, tức là tương giao vô vị lợi của Đạo Lý, tình nghĩa, là nơi mà cái tôi, như thánh Phanxicô Assisi nói, "đã  chết đi" từ bao giờ: cha sống vì con, vợ sống  vì chồng, chồng lao nhọc vì vợ, và con cái an tâm trong niềm tin vào cha mẹ.

Thi ca là cái nhà của lời con người, vì hồn thi ca không phát xuất tự mình, diễn tả sự khôn ngoan hay trí tưởng tượng của mình, nhưng là dấu tích của âm vọng từ Non Cao, của thần nhập từ bên kia bờ thế sự.

 

 

Hồn của Thơ và Tình Non Nước

 

Thơ là một lời nói, nhưng hình thức thô thiển nhất để phân biệt với lời nói thông thường là tiết điệu nhịp nhàng của thơ. Tiến xa hơn nữa, người ta đòi hỏi lời thơ phải đáp ứng những tiêu chuẩn đẹp đẽ của ngôn từ. Cũng còn được đánh giá thật sự là thơ khi lời thơ đủ sức tác động đưa người nghe, người ngâm, đọc, bước qua cảnh vực khác với thế giới đang sống . Từ tác động đó người ta phải nghĩ đến thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng cũng còn là trí tưởng tượng không sản xuất ra những ý niệm áp dụng vào hành động thực tiển, hay bị thúc bách bởi lợi ích của cuộc sống thực tiển. Không gì ngượng ngùng, nếu không nói là xúc phạm với thơ hơn là phải nghe một bản vận văn ca tụng, nịnh hót một chế độ để cầu chức tước hay kiếm ăn. Cũng như không ai xếp những câu vè quảng cáo vào ngôn ngữ của thi ca. Những yếu tố sơ đẳng đó thường là những mẫu mực để những nhà phê bình văn học xếp loại và đánh giá thi ca .

Trực diện với cuộc sống xã hội ngày nay, trong tiềm thức sâu xa và tập thể của một con người gọi là văn minh, của các nhà thông thái, của một Faust đã dùng "bàn tay" tự tạo nên mình thay lời nói, thì Đông cũng như Tây hầu như đã không còn đoái hoài gì đến thi ca nữa. Nếu phía Đông đã chuyển thơ thành dụng cụ phục vụ bộ máy sản xuất, thì Tây cũng chỉ còn mấy câu nói xuôi tai dùng trong quảng cáo. Thi ca đã cáo chung không phải chỉ trong sách báo, mà ngay cả trong cuộc sống dân gian. Một hiện tượng văn học qua đi trong sự hững hờ, không nuối tiếc của ngay những kẻ gọi là làm văn hóa. Thi ca nếu còn được nhắc nhở thì cũng chỉ là một sinh hoạt tối thiểu của một thế hệ quá tuổi sản xuất, một trò giải trí lỗi thời. Đó là dấu chứng của một xã hội mang tiền kiến vô thức thu gọn Chân-Thiện-Mỹ vào hiệu năng của hành động. Hiện tụợng vắng bóng thi ca không phải chỉ vì tâm thức con người không còn cảm nhạy về thơ vì đã mãi ưu tư hành động; nhưng trước đó, thực tế của văn học thi ca đã từng mất hồn sống của mình rồi.

Thơ mất hồn vì thơ chỉ được xem là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người.  Nếu lấy ngôn từ của Kant để nói về trí tưởng tượng, thì trí tưởng tượng hướng đến nhận thức sự vật gọi là trí tưởng tượng sản xuất (l'imagination productive). Phải chăng khi trật lề không đóng khung được vào đối tượng nhận thức, ngôn ngữ bấy giờ trở thành đối tượng của ảo ảnh để tạo thành thế giới thi ca! Từ tiền kiến về thi ca là thế giới của không thực, sản phẩm của trí tưởng tượng mông lung, thơ trở thành một lối tự thoát, một hình thức đào ngũ trước thực tế.

 

 Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,

 Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây  [9]

 

Thơ như thế không phải là Lời đến với người, nhưng thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người làm nên một thế giới ảo tưởng. Thơ ấy kỳ thực cũng chỉ là lời của một hành động con người: hành động sản xuất của giấc mơ.  Nhưng hành động lại phải gắn liền với hiệu năng; trong khuôn khổ này, thơ không đáp ứng tiêu chuẩn của hành động là hiệu năng sản xuất, nên thơ tự mình đào thải chính mình.

Khi Khổng Tử nói "hưng ư thi", toàn nội dung của tư tưởng ngài không cho phép ta quan niệm được thi ca theo nghĩa vừa trình bày. Thơ hưng chấn tâm hồn, thơ tạo nền cho lời nói chân thật  như Luận Ngữ đã diễn tả, thơ như thế hàm ngụ việc nghe và nhận. Trong quan điểm "hưng ư thi" đó, Khổng Tử nói rằng ngài thuật lại mà không làm ra.

Chỉ có thể thuật lại khi đã nghe và cảm nhận, khi ngộ được sức hưng chấn của thơ. Chúng ta hãy tạm quên quan niệm lịch sử hàng ngang, một cái nhìn quá tân thời đối với Khổng Tử để cập nhật ngôn ngữ thi ca của ngài khi ngài nói về thuở Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn cũng là thời của "Đại Ký  Ức", không khác nội dung của Mnemosyne trong văn hóa Hy lạp mà Heidegger giải minh:

 

Nơi Hoelderlin, Mnemosyne là tên của một nữ thần, con Trời và Đất. Khi đính hôn với Zeus, Đại Ký Ức trở thành mẹ của thi hứng. Đùa chơi, nhảy nhót, thi ca được Đại Ký Ức cưu mang. Chữ đó ở đây hẳn nhiên nói đến một cái gì khác với khả năng được gọi là thuộc về tâm lý: tức là khả năng lưu trử hình ảnh của quá khứ trong lối biểu tượng thông thường. Đại Ký Ức tư tưởng về điều đáng được con người suy nghĩ. Nhưng tên của bà mẹ các niềm hứng khởi không có nghĩa là "trí nhớ" được hiểu như là một hành vi của tư duy hướng đến bất cứ một vật nào có thể tư duy. Đại Ký Ức ở đây là nguồn mạch tư tuởng, một khi tư tưởng quay về với điều người ta đã từng suy nghĩ trước đó, vì điều này luôn muốn được xem là tiên quyết . Đại Ký Ức là nguồn mạch làm ta suy tư đến điều phải lưu ý trước bất cứ một điều gì ... Đại Ký Ức, một kỷ niệm nằm trong ta buộc ta quay về với điều phải suy nghĩ, là vùng đất làm trào vọt lên thi ca.[10]

 

Qua lối minh giải đó Heidegger muốn nói lên rằng Đại Ký Ức là tiếng vọng khác lạ, một trái tim luôn khắc khoải (theo ngôn ngữ của thánh Augustinô) như đã có từ bao giờ khi con người là người. Tiếng vọng buộc ta phải suy nghĩ về một cái gì ngay cả trước sự suy nghĩ của ta. Một cái gì gần gũi với ta, nhưng là khác với ta, khác đến nỗi nó vượt lên trên tất cả các hình ảnh xa xưa nhất mà trí tưởng tượng và ký ức có thể mô phỏng. Huyền thoại Nghiêu Thuấn, một hình ảnh quá khứ nhưng như không thuộc về thời gian lịch sử, một Đại Mẫu Mực, một "nghĩa" của thân phận làm người và xã hội, khi "nghĩa" được hiểu là "cái phải là như thế". Thi ca cũng như tư tưởng không phải là sinh hoạt của tưởng tượng đẻ ra hình ảnh, nhưng là sự nhớ lại theo ngôn từ thi ca của Platon. Nhớ lại không được hiểu ngây ngô là quay về một thế giới trước khi con người là người; qua hình ảnh thi ca đầy ắp trong các tác phẩm của Platon, thế giới bên kia, trước đây, cũng là đây, trong tâm hồn con người. Trong tác phẩm Phèdre, ông viết:

 

Một loại nhập thần và xuất thần thứ ba là loại đến từ các Thần Thi, và khi nó đến với một tâm hồn đơn sơ, trong trắng, khi nó thức tỉnh và làm cho tâm hồn đó ngây ngất, trong nhịp điệu của ca nhạc cũng như trong tiết tấu của tất cả các loại thể văn, khi nó ca ngợi các kỳ công của người thuở trước, thì nó giáo hóa cho hậu thế! Ngược lại, ai không ngây ngất bởi thần thi mà chủ tâm đi vào thi ca, với xác quyết rằng bằng kiến thức kỹ thuật có thể đủ làm cho mình trở thành thi sĩ, kẻ đó hẳn chỉ là thi công bất toàn; trước thi ca của người đầy thi hứng, thơ của kẻ sáng suốt bình thường không "có gì  là thơ cả [11].

 

Trong khuôn khổ của ngôn ngữ thi ca, nói đến hồn,  Đại Ký Ức, nhập thần, xuất thần tưởng chừng như nói đến một cái gì khác với một chân trời sáng tỏ, mở toang của thế giới nhận thức thuộc lý trí. Đại Ký Ức như ở bên kia bờ của cuộc sống gọi là tự nhiên, với những thúc bách, nhu cầu, kể cả nhu cầu suy tư, tò mò hiểu biết của mình, cùng nhịp điệu với thời gian trôi chảy, thích ứng với những hoàn cảnh không gian, và môi trường sinh hoạt thăng trầm của xã hội. Thánh Phaolô gọi cuộc sống tự nhiên này là cuộc sống của thân xác, mang tất cả ưu tư thế sự, của một loài người có thể có những tài năng được xem là cao độ hơn các loài sinh vật khác; nhưng, chỉ thế thôi thì loài người đã mất hồn, vì "sống" đối với người không chỉ là trôi chảy  với thời gian mà còn là khắc khoải về căn nguồn của mình. Thi sĩ Tản Đà nói:

 

 Nước Non nặng một lời thề,

 Nước đi đi mãi, không về cùng non [12]

 

Hai câu thơ tiếp theo, Tản Đà đưa ta vào cốt lõi của hồn thơ:

 

Nhớ lời nguyện Nước thề Non,

Nước đi chưa lại, Non còn đứng không

 

Hồn thơ là nhớ lại một lời nguyện thề, gắn Non với thân phận của Nước. Nhưng Nước mãi đi và Non vẫn đứng đấy một mình, như là không gì cả đối với Nước!

Quên Non, Nước mất hồn, và người mất lời nói. Sinh làm kiếp người, bơi vào giòng  nước, nhập cuộc với đời, con người mang lấy nghiệp "quên"; văn hóa Kitô giáo gọi là tội nguyên tổ, tội của tự do làm người, vì con người là người. Thi hào Sophocle mượn hình ảnh của Oedipe để biểu  tượng cho "kiếp người  quên lãng", không hay biết nguồn gốc là Non, nên mãi nghĩ rằng thời gian luôn bung mở và nhận thức hiểu biết của con người là chân lý trọn đầy. Hoặc nói như Héraclite, Non vẫn nói bằng muôn nghìn cách, nhưng con người thế sự đầy ứ ưu lo cho mình mà thôi, nên nghe cũng chẳng hiểu gì :

 

Họ nghe mà không hiểu gì, không khác những người điếc. Cách ngôn áp dụng đúng trường  hợp của họ: Họ hiện diện, nhưng kỳ thực đang vắng mặt  [13]

 

Œdipe, trong kịch bản của Sophocle, có ngờ đâu khi nhập cuộc với  thời gian thì cũng chính là lúc gươm của tự tay mình giết chết thân phụ mình là Laios. Ngập vào "Nước" là  thời gian, con người  đã nhúng tay vào tội nguyên tổ giết cha, tức quên Nguồn. Con người biết thật nhiều, nhưng không biết Cha, nên lầm lạc và mãi lầm lạc. Thi ca như kẻ mù, một sự đối nghịch của "ánh sáng" của thân xác-trần thế, qua hình ảnh người tiên tri mù Tirésias đến báo cho Oedipe hay rằng:

 

Bởi vì ông sỉ nhục tôi là kẻ mù, tôi sẽ nói cho ông hay việc này: Ông có hai mắt, nhưng ông không thấy ông đã rơi vào hố thẳm, ông không biết ông  đang ở đâu và ăn nằm với ai. Ông có hay ai sinh ra ông không? Ông không hay chính ông là thù địch của người thân của ông, kẻ sống cũng như ngưới đã khuất [14]

 

Cũng như người mù Tirésias, người điên (kẻ không bình thường theo khôn ngoan thế sự) của F. Nietzsche đã một lần nữa hét to:

 

Người điên có lúc cần phải hét to lên: "Thần đi đâu rồi? Tôi nói cho bà con hay, chúng ta đã giết thần rồi. Bà con cũng như tôi! tất cả chúng ta là những kẻ sát thần. [15]

 

Chúng ta giết Thần hay nói cách khác, Thần không đóng khung trong thế giới chỉ có mặt ta dưới bóng nước. Thần vô phương, vì không có một nơi nào ta định được cho Thần ở, dẫu Thần ở mọi nơi, như Trang Tử nặng lời nói Đạo ở ngay trong đống phân bò. Hồn thơ là Thần đến, nhưng Thần không cư ngụ trong lời hoa mỹ do tài con người xếp đặt. Một trăm thợ vẽ tài ba dẫu có sao lại tinh tế đến đâu một bức tranh nhỏ của Van Gogh, cũng không làm cho những bức họa đồ đó trào vụt lên cái thần của họa sĩ này.

Hồn thơ như một  sức từ ngoài nhập đến. "Nhớ Lời", không phải do suy tư mà nhớ, do "ngã" được định vị từ trong giòng nước thời gian tự quay lại nhìn mình. "Nhớ Lời" của Tản Đà không có chủ từ rõ rệt đi trước, như đã mang âm hưởng câu nói bất hủ của đức Buddhaghosa:

 

Có khổ, nhưng  không thấy người khổ [16]

 

"Nhớ lời" là hồn thơ đến từ bờ bên kia.

 

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn giòng lệ chờ mong tháng ngày. .

 

Thánh Augustinô trong cuốn Confessiones gọi nguồn của nhớ là "Misericordia", tức là "Đại từ tâm" của Non.

Nhớ như thế phải chăng là hồn thơ đã nhập vào lời trần, để lời trần không còn nhi nhô hoan lạc với thời gian mở rộng,  nhưng vướng lấy âm hưởng của Non trong lối nói khác đời, tiêu cực, thiếu vắng. Augustinô đã hỏi trời, đất, cây cỏ, nhưng Thần không phải chúng. Những nhà đại thi hào muôn thuở của nhân loại đều nhập Thần để khai mở lối nói thi ca này. Tất Đạt Đa gọi nỗi nhớ  đó là "khổ", Lão Tử gọi là "vô", Kinh Thư gọi là "Đạo tâm duy vi" không phải là đạo của tâm con người vốn là "duy nguy", Pascal trong Pensées cảm nhận hồn thơ nơi tâm thức về "thinh lặng miên viễn" [17].

Hồn thơ đến như một cơn đau, nỗi khổ vô tận của thời gian và kiếp làm người "hay quên", một cảm xúc thiếu vắng mà không một yếu tố chất liệu nào của trần gian lấp đầy được. Thi hào Hoelderlin gọi là nỗi "nhớ quê - nhớ nhà". Heidegger lấy lại hình ảnh này để nói lên cơn đau đó:

 

Nỗi nhớ nhà, nhớ quê là cơn đau mà sự gần gũi của cái gì thật xa vắng ập đến trên ta [18] 

 

Cảm được sự gần gũi của Lời thật xa, của lời thề muôn thuở Non-Nước sẽ hưng chấn con  người và cộng đồng huynh đệ thật sự, để lời nói không chỉ làm dụng cụ tính toán của hành động, nhưng còn là sự sống nối kết Đất-Trời-Người.

Lời thơ sẽ dẫn đưa lời trần thế, từ ưu lo khai thác, khám phá vật này vật kia đến cảnh giới tương giao giữa người với người, được nối kết với Non cao thật gần và thật xa.

Lời thơ sẽ tuyệt tác khi còn là tiếng vọng của Non cao "khuất mặt" để từ đáy lòng con người cảm nhận nỗi khắc khoải về quê nhà mình, cảnh vực của Nước-Non-Nhà để đón nhận cái "Khổ" cứu thoát.



[1] M. HEIDEGGER, Qu'appelle-t-on penser ?  bản dịch của Aloys Becker và Gérard Granel, PUF, Paris, 4è éd. 1983,  tr. 24

[2]  M. HEIDEGGER, sd. tr. 23

[3] Gioan 21. 3

[4] GOETHE, Faust - tập đầu - vần thơ 1237

 

[5]  Jean BRUN - La Politique et le Mal radical, dans  Religion et Politique, Actes du Colloque à Rome,1978, Montaigne, Paris, 1978,tr 144

[6]  Luận Ngữ - VIII-8.

[7]   M. HEIDEGGER, Lettre sur l'humanisme (bilingue), Aubier,tr 27

[8]  Luận Ngữ ,XVI-13

[9] XUÂN DIỆU - Thơ Thơ

[10] M. HEIDEGGER - Essais  et Conférences - Que veut dire "penser»? - Ed. Gallimard - 1958, tr 161

[11]   PLATON,  Phèdre  245 a

[12]   TẢN ĐÀ, xb Tùng Văn, trang 47

[13]   HÉRACLITE, câu 34

[14]   SOPHOCLE, Oedipe-Vua, câu  400- 410 .

[15] F. NIETZSCHE – Le gai savoir - l'Insensé  125

[16] Visuddhimagga  - Text Society -Londres - tr. 513

[17] cf:  Le silence éternel de ces espaces infinis m'effraie.

[18]  M. HEIDEGGER  -  Essais  et  conférences  -  Qui est Zarathoustra de Nietzsche? - Gallimard - 1958, tr 125).

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 1886
Ngày đăng: 03.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Thày Của Đời Sống - Nguyễn Hồng Nhung
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche : Der Wille Zur Macht - Chí Hùng-Vĩ, (Í-Chí Vươn Tới Quyền-Lực) - Nguyễn Quỳnh USA
Tạp-chí Bách Khoa và văn-học miền Nam - Nguyễn Vy Khanh
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 4 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche-Der Wille Zur Macht, Chí Hùng-Vĩ - Nguyễn Quỳnh USA
Trào Lưu Lãng Mạn Ở Phương Tây Và Việt Nam 2 - Nguyễn Phú Yên
Trào Lưu Lãng Mạn Ở Phương Tây Và Viêt Nam 1 - Nguyễn Phú Yên
Đọc Và Fê-Bình Sein Und Zeit Nguồn-Sống (Bản-Thể)Và Thời-Jan của Martin Heidegger (1889-1976)- 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche : Der Wille Zur Macht - Chí Hùng-Vĩ, (Í-Chí Vươn Tới Quyền-Lực) - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)