Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.503.945
 
Sân Khấu Mộc Thầu Hý - Giá Hai.
Tuấn Giang

Là nghệ thuật sân khấu kinh điển của dân tộc Nùng, tồn tại phát triển gần nửa thế kỷ ở các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh… một số  vùng giáp biên. Mộc thầu hý, Giá hai, là hai hình thức sân khấu khác nhau nhưng chung một hệ thống làn điệu, bài bản ca nhạc. Tuy hai mà một, tuy một nhưnglà hai thể loại sân khấu.

 

Mộc thầu hý , sân khấu múa rối que,  còn gọi là “xướng  bất lạp” của người Nùng di cư vào nước Đại Việt thế kỷ XVIII, khoảng năm 1730. Những người Nùng đầu tiên đến  sinh sống mang theo hát múa, diễn xướng dân gian,múa rối  Mộc thầu hý. Mộc thầu hý một hình thức sân khấu cổ, lúc sống dậy, khi mất đi, không phải lúc nào đều hưng thịnh trường tồn. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Mộc thầu hý sống theo các nghệ nhân dân gian diễn mua vui hội làng, là nghệ thuật múa rối que, rối dây, thậm trí phát triển rối tay, do một số nghệ nhân vẽ mực lên đầu ngón tay làm trò. Diễn rối dây làm con rối nhỏ, chỉ to bằng ngón tay cái, điều khiển đánh kiếm, đao, kích, múa gậy… diễn trò vặt  ở phố chợ, thị trấn huyện lỵ, tập trung trẻ em, người lớn để bán đồ chơi, con rối, bán thuốc lá rừng. Còn diễn ở hội làng, sòng bạc bằng con rối lớn, rối que. Con rối thường là các nhân vật diễn tích tuồng Tầu: Quan Công, Trương Phi, Tôn Ngộ Không… mặc trang phục lộng lẫy như các nhân vật cổ Kinh kịch,Vịêt kịch. Thời phong kiến thuộc Pháp, Mộc Thầu hý diễn nhiều ở nhà quan, các sòng bạc… Vào năm 1930, Mộc thầu hý phát triển hầu hết các huyện giáp biên, một số huyện có đội Mộc thầu hý diễn trích đoạn, hoặc  vở múa rối.

 

Múa rối Mộc thầu hý, giai đoạn 1930 – 1945, diễn nhiều ở Cao Bằng do các đội ở địa phương và những nghệ nhân bên kia sang biểu diễn, bán thuốc ở phố chợ và các sòng bạc. Mộc thầu hý, giai đoạn phong kiến thuộc Pháp, phát triển mạnh từ diễn trích đoạn, tiến lên diễn trọn một chương trình bằng các vở: Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Ngọc Phù Dung, Tôn Ngộ Không, Quan Công thuỷ chiến Bằng Đức, Hoa Mộc Lan… Mộc thầu hý, đầu tiên tồn tại trong các nghệ nhân dân gian người Nùng, thường diễn trích đoạn ở phố chợ, làng quê chưa bao giờ lên sân khấu. Đến thời kỳ phong kiến thuộc Pháp, Mộc thần hý thoát khỏi môi trường dân gian len lỏi vào sòng bạc, nhà quan diễn trọn vở múa rối thành một hình thức sân khấu múa rối cạn (rối que). Mộc thần hý là sân khấu cổ xưa, thường diễn các câu  chuyện tình  thần thoại cổ nhiều mô típ chủ đề giống nhau, tập hợp kể về các vị thần, nhân vật anh hùng, kẻ nghèo hèn đói rách, đề cao ý thức  địa vị xã hội. Những mẫu truyện thần thoại ấy, để lại dấu tích ra đời từ xã hội chiếm hữu nô lệ, dưới dạng nguyên hợp điển hình. Truyện thần thoại, phản ánh thực tiễn đời sống xã hội , huyền ảo , huyễn hoặc hiện thực, lý giải đa nguyên con người, vũ trụ, cuối cùng bảo vệ thần quyền, địa vị xã hội, kẻ nào vượt rào sẽ chết. Vở múa rối Ngọc Phù Dung, khá phổ biến ở Cao Bằng. Vở diễn kể lại mối tình Ngọc Phù Dung, yêu tha thiết chàng trai mồ côi, nghèo hèn. Ngày ngày, chàng  phải vào rừng hái củi, kiếm tiền nuôi mẹ già, ốm đau bệnh tật, ở xó rừng u tối. Ngọc Phù Dung, con gái nhà quan, giầu có nhất vùng,  đem lòng yêu chàng trai nghèo xơ xác. Bởi nàng cảm mền con người hiếu thảo, chịu khó, chịu khổ, yêu thương mẹ già. Ngọc Phù Dung, cô gái đẹp như hoa hậu thời nay, nết na dịu dàng  yêu say đắm chàng trai đốn củi. Tình yêu ấy, phạm vào, lễ giáo gia phong trong xã hội phân chia đẳng cấp, đến ngày nay ít người còn nghĩ được, nói gì chuyện xưa là điều không thể. Ngày nay, nhiều người Việt Nam còn sống theo quan hệ Văn hoá, thế hệ sau nghe theo, làm theo trật tự thế hệ trước, chưa biết mình đang đứng ở đâu, phải sống với hàng tỷ người cả hành tinh, đâu chỉ có riêng ta. Còn phân biệt các cặp quan hệ xã hội; ông chủ – làm thuê, quan chức – dân thường… Sao không tự hỏi mình? địa vị nào chẳng quan trọng mà anh mang lại giá trị gì cho xã hội. Câu chuyện Ngọc Phù Dung,là mối tình vụng trộm, cuối cùng bị bại lộ, thần núi kể cho nhà quan biết, hai bên thần quyền ra sức ngăn cấm, họ không được yêu nhau. Ngọc Phù Dung, tương tư ốm đau kéo dài, chết mòn trên nhung lụa phù hoa. Bà mẹ nghèo, biết chuyện nàng Phù Dung qua đời.  Thương con trai, yêu cô gái nhà quan, dân dã tốt bụng, hận đời nghèo khó, bà chết trong tủi hờn. Nhớ chàng trai sống côi cút ở ngôi nhà lá ven rừng, muốn xoa dịu nỗi đau người tình, Ngọc Phù Dung hoá thành cây hoa phù dung mọc bên cửa số nhà chàng. Mỗi sớm mai, nhìn cây phù dung, chàng như thấy nàng đi lại trong gương. Sống với cái bóng như hoa phù dung, sớm nở tối tàn càng đau khổ , chàng trai nuốt nước mắt ra đi, để lại bài học cho những  người muốn có  tình yêu tự do. Bất cứ ai, phạm vào ý thức hệ xã hội chiếm hữu nô lệ, sẽ bị trừng phạt bằng cái chết khổ đău  li biệt.

 

Múa rối Mộc thầu hý phát trỉên mạnh dưới thời đại xã hội chủ nghĩa, vào thập niên 60 thế kỷ XX, nhiều huyện ở Cao Bằng có đội Giá hai. Những đội Giá hai không diễn múa rối, chuyển sang diễn kịch hát dân ca. Từ múa rối cạn Mộc thầu hý, chuyển dịch sang kịch hát Giá hai diễn bằng diễn viên, Cao Bằng có hai thể loại sân khấu khác biệt. Mộc thầu hý diễn bằng  con rối,  Giá hai do diễn viên thể hiện trên sân khấu người trình diễn.

 

Tên gọi sân khấu Giá hai, một thông điệp ngắn gọn do người làm nghề đặt tên. Thuật ngữ Giá hai, lấy từ câu nhạc lưu không điệu hát Sai hoa, có đoạn: giá i ì i hai, giá i i ì hài… bỏ các vần i, ghép lại thành Giá hai. Gọi là Giá hai, dễ nhớ . Số phận sân khấu Giá hai như nàng Kiều, hay  đứt gánh giữa đường, gặp trời yên bể lặng hưng thịnh, khi sóng lớn, bão giông, chết lặng. Mấy năm 1962 – 1965, Giá hai  phát triển mạnh,  riêng huyện Hà Quảng 14 đội Giá hai, đồng loạt các huyện thị, xã giáp biển thành lập đội sân khấu không chuyên diễn Giá hai. Giá hai  hấp dẫn công chúng, ảnh hưởng đến Đoàn Ca múa nhạc Cao Bằng diễn kịch hát Giá hai. Từ sân khấu riêng người Nùng lan rộng sang Kịch hát Dân ca Tày- Nùng, đến Kịch hát Dân ca Tày Nùng, sân khấu Giá hai  biến đổi sang thể loại  Kịch hát Dân ca.

 

Kịch hát Dân ca, là sân khấu kịch, hát các bài dân ca như Kịch hát Dân ca Huế, Kịch hát Dân ca Bài chòi, Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh, Kịch hát Dân ca Tày- Nùng, diễn kịch hát Dân ca Tày – Dân ca Nùng. Sự phát triển quá đà ấy, dẫn đến tỉnh Cao Bằng ra đời ba hình thức thể loại sân khấu:

 

-       Mộc thầu hý( múa rối que).

-       Giá hai (sân khấu người diễn).

-       Kịch hát Dân ca Tày – Nùng(hát dân ca).

 

Sân khấu Giá hai chuyển từ sân khấu múa rối cạn Mộc thầu hý (xướng bất lạp) diễn bằng con rối, kỹ thuật điều khiển là que, xào, sang người diễn. Nội dung, hình thức Giá hai, cấu trúc kịch bản, sân khấu giống như Mộc thầu hý. Kịch bản gồm lời thoại, kết nối  bài ca. Giá hai khoảng 15 làn điệu, có một làn điệu hát  làm nội dung xương sống sân khấu là điệu Sai hoa. Qua bao nhiêu thăng trầm, biến đổi số phận nhân vật nói: Pờ, Sang pìn tẻo, Thán… lại quy về Sai hoa. Sai hoa có câu nhạc lưu không, lặp đi lặp lại, giai điệu đặc trưng: Giá í ì ì hai, Giá í i ì hài, giá í ì ì hai, Giai í i ì hài, giống câu Vọng cổ xuống hò của cải lương. Câu nhạc lưu không này, càng nghe càng thấm, có chức năng làm cầu nối các điệu hát, lời thoại để quay về  Sai hoa. Sân khấu Giá hai một thời thành công, có vở dự Hội diễn đoạt giải A( tương đương huy chương vàng thời nay). Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiêp năm 1966,vở: Cây pơ ren Trường Sơn  của Nông Đình Tuấn, giải A. Nhiều vở  Giá hai, công chúng hâm mộ, phục vụ thành công nhiệm vụ sản xuất, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, động viên tuổi trẻ dân tộc  lên đường chiến đấu, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Mộc thầu hý, Giá hai, hai hình thức sân khấu của dân tộc Nùng, là nét sinh hoạt văn hoá nghệ thuật truyền thống  bị đánh mất. Sân khấu Giá hai phát triển, dần chuyển sang kịch hát dân ca Tày Nùng, thành hình thức sân khấu mới mang ý nghĩa bảo tồn, phát triển dân ca các dân tộc, ra đời trong giai đoạn chiến tranh ác liệt thành công, naylại bị bỏ quên.

 

Kịch hát Dân ca Tày Nùng quá trình ra đời,  chịu ảnh hưởng sân khấu Giá hai,phong trào diễn Kịch hát Dân ca việt ... Từng bước biến đổi ,lúc đầu diễn Giá hai, nguyên bản sân khấu truyền thống với các vở cổ: Ngọc Phù Dung, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, Quan Công thuỷ chiến Bàng Đức, Quan Công – Trương Phi… Sau diễn Giá hai với kịch bản mới, nói về cuộc sống con người đồng bào dân tộc Nùng trong nhịp sống hiện tại. Nội dung âm nhạc lời ca thay đổi theo  đời  sống con người mới, bên cạnh những điệu nói Pờ, thán, hát dân ca Nùng: Hà lều, Nàng ới, Ru con, Hát then Nùng… đến vở Đường về bản mới, chuyển thành  Kịch hát Dân ca Tày – Nùng. Vở này, không hát những làn điệu Giá hai, chỉ hát các loại dân ca Tày Nùng: hát ru, si lượn, hát Then Tày, những điệu dao duyên, lao động sản xuất dân ca Nùng. Đây là vở diễn, giới thiệu sân khấu Dân ca Tày- Nùng. Kịch hát Dân ca Tầy –Nùng,một thời tồn tại nhiều người yêu thích cac vở tham dư Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đoạt giải A:Về bản mới của Nông Đình Tuấn,Lên đường-Nông Viết Khang, Chiếc vòng bạc-Sáng tác tập thể,Đội văn nghệ Lạng Sơn,Cô gái người Mông…

 

Mọi thành công sân khấu các dân tộc, qua cuộc chiến tranh, sang thời kỳ đổi mới, thời đại kim tiền, những hình thức sân khấu dân tộc, truyền thống đi vào dĩ vãng, chỉ còn trong cõi nhớ. Năm 2000, Viện Âm nhạc kết hợp với Sở Văn hoá Thông tin Cao Bằng, lập dự án phục hồi Giá hai gần một tỷ đồng. Sau khi tiêu hết tiền, Giá hai chẳng còn tăm hơi, không vinh danh gì sau dự án. Bởi cách làm tuỳ hứng, thiếu định hướng khoa học lâu dài, chúng ta quen tiêu tiền lãng phí theo lối đầu cơ chính trị, mà không quan tâm đến giá trị văn hoá khoa học của đồng bào dân tộc.

 

Sân khấu của người dân tộc, cần phục hồi lại mọi giá trị nghệ thuật truyền thống theo tinh thần thời đại.  Nghĩa là bảo lưu truyền thống, phát triển vào cuộc sống mới. Trong thời kinh tế thị trường, nghệ thuật là một loại hàng hoá, theo quy luật có cung, mới cầu, nhưng phải làm một việc không cầu mà cung, vì là sản phẩm hàng hoá đặc biệt. Trước tiên, nên dựng lại múa rối cạn Mộc thầu hý, tiếp đến Giá hai, Kịch hát dân ca Tày Nùng. Đây là sân khấu truyền thống, muốn tồn tại trong đời sống mới, tranh đua cùng các loại hình nghệ thuật khác lạ toàn cầu hoá, đang là dòng xoáy cuốn hút thế hệ trẻ đầy hấp dẫn, giải pháp khả thi:

 

-       Tỉnh Cao Bằng, Bộ Văn hoá, Vụ dân tộc và Miền núi, Uỷ ban Dân tộc… các đoàn thể Trung ương - địa phương đầu tư kinh phí, sân khấu dân tộc sẽ sống dậy – sống dậy mạnh mẽ.

-       Các Nhà văn hoá huyện, nuôi dưỡng phong trào sân khấu: Mộc thầu hý, Giá hai, Kịch hát Dân ca Tày Nùng, bằng khán giả tiềm năng truyền thống cũ.

-       Đầu tư thử nghiệm từng loại: Mộc thầu hý, Giá hai, Kịch hát Dân ca Tầy – Nùng,  từng bước nhân rộng , tạo công chúng mới đến với nghệ thuật các dân tộc.

-        Sau cùng, nhân dân địa phương tự nuôi dưỡng mới tồn tại lâu dài.

 

Thế kỷ XXI, nhịp sống khoa học công nghệ đang đồng nhất dân tộc, quốc tế hoá con người thời đại. Phục hồi văn hoá, nghệ thuật truyền thống từng dân tộc, là nuôi dưỡng tâm hồn, dáng vóc mỗi quốc gia, dân tộc. Mong sao các Nhà quản lý văn hoá quan tâm phục hồi sân khấu, nghệ thuật các dân tộc./.

 

Hà Nội tháng 8 năm 2011.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3282
Ngày đăng: 03.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sang-Đi Đừng Để Em Mong! - Nguyễn Quỳnh USA
Vài Ghi Nhận Về Kịch - Nguyễn Vy Khanh
Sơn Ca 1 - Sâm Thương
Sơn Ca 2 - Sâm Thương
Sơn Ca 3 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 1 - Sâm Thương
Gia Tài Kếch Xù 2 - Sâm Thương
Con Sâu Trong Mắt - Lữ Kiều
Kẻ Phá Cầu - Lữ Kiều
Cái Bóng Hình - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)