Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
757
116.498.889
 
Tưởng Niệm Họa Sĩ Thái Tuấn
Văn Quang

 

Họa Sĩ Thái Tuấn 90 tuổi, đã từ trần lúc 13 giờ ngày 26-9-2007 tức ngày 16 tháng tám năm Đinh Hợi.


Trong gần một tháng vừa qua, lão họa sĩ đã nằm tại bệnh viện. Nhưng đến trưa ngày 26-9, ông đã được đưa về nhà và mất trên đường về nhà riêng tại số 150/31/5 Đường Lý Chính Thắng, Quận 3, TP. Sài Gòn.


Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 27-9-2007 tại nhà thờ Tân Định, Q1, TP. Sài Gòn.
Lễ động quan cử hành lúc 7 giờ sáng ngày 29-9-2007, hoả thiêu tại Bình Hưng Hoà.
Hoạ sĩ Thái Tuấn sinh năm 1918 tại Hà Nội. Sau năm 1975, đã có thời gian ông định cư tại Pháp. Nhưng năm 2006, ông trở lại Sài Gòn sống cùng các con, tiếp tục sáng tác và đã có vài cuộc triển lãm tại Sài Gòn. Triển lãm cuối cùng của lão hoạ sĩ Thái Tuấn được mang tên “Về Nguồn”, từ ngày 9 đến 21 tháng 12 -2006, tại Phòng tranh Tự Do đường Hồ Tùng Mậu Sài Gòn.


Tính theo thời gian và không gian, sáng tác của hoạ sĩ được chia làm 3 giai đoạn: Trước năm 1975 tại Sài Gòn; sau năm 1975 ở nước ngoài và từ 2006 ở VN.


Xin chia buồn cùng tang quyến, cầu chúc linh hồn lão hoạ sĩ an nghỉ vĩnh hằng.
Những người “anh em cũ” trong tang lễ cố Họa Sĩ Thái Tuấn


Tang lễ cố hoạ sĩ Thái Tuấn chắc chắn sẽ có rất nhiều “anh em cũ” đến tiễn đưa “lão làng” về nơi an nghỉ cuối cùng. Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với tôi như thế trước khi tôi từ Lộc Ninh về Sài Gòn .Tôi hiểu “anh em cũ” có nghĩa là những anh em hoạt động trong lãnh vực văn học nghệ thuật trước năm 1975 ở miền Nam, chứ chẳng riêng gì ở Sài Gòn. Hoạ sĩ Thái Tuấn đã trở thành một trong số vài nghệ sĩ nhiều tuổi nhất còn sống ở thành phố này. Ông trở thành “cây đại thụ”, cũng như những hàng cây cổ thụ mà từ khi những người Bắc di cư vào Nam năm1954, đã nhìn thấy trên những con đường đẹp nhất “đô thành” thời bấy giờ.


Ông hoạt động liên tục từ khi ở miền Bắc “di cư” vào miền Nam. Sau năm 1975, ông cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, tìm đường ra nước ngoài định cư. Ông qua Pháp và vẫn tiếp tục sáng tác. Suốt cuộc đời ông không làm gì ngoài nghệ thuật, không biết gì đến những công việc khác ngoài việc vẽ tranh. Năm 2006, ông trở lại Việt Nam và lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông trở lại sống


 trong căn nhà ở “tuốt tắp” trong con hẻm nhỏ giữa đường Yên Đổ, nơi ông đã sống từ những ngày trước đây. (Xin mở ngoặc là chẳng biết cụ Tam Nguyên Yên Đổ mắc tội gì, bây giờ con đường Yên Đổ đã đổi thành đường Lý Chính Thắng. Xin bạn đọc nhớ kỹ kẻo lầm).
Nhà ông là một ngôi nhà khó tìm nhất trong những căn nhà ở Sài Gòn. Nhờ bất cứ ai chỉ đường vào nhà ông, chắc khó mà chỉ được. Lỗi ngõ quanh co, quẹo trái, rẽ phải liên miên và những con đường chỉ đủ cho hai chiếc xe gắn máy tránh nhau. Ngôi nhà nhỏ hẹp của ông nằm khép nép trong một xóm lao động. Và từ hơn nửa thế kỷ qua đến nay, nó chỉ được sửa chữa qua loa cho “sạch nước cản”, chứ không phải là một sự “đi lên” hay “đi xuống”. Cuộc sống của ông thanh đạm lắm. Con người ông cũng vậy, giản dị, xuề xoà, đối với ai ông cũng thân thiện, niềm nở.
Năm 2006, khi ông từ Pháp trở về VN, tôi đến thăm ông vài lần. Những ngày sau cùng, ông sống trên căn lầu nhỏ, hệt như cái chuồng chim. Chiều ngang 2m chiều dài gần 3m, nhưng có được cái máy lạnh. Khách đến chơi, không được quá 3 người. Chỗ đâu mà ngồi. Cũng chẳng có chỗ treo tranh như nhà nhiều hoạ sĩ khác. Trong phòng ông chỉ đủ chỗ treo một hai bức mới nhất. Mỗi khi cần giới thiệu một bức tranh nào, ông phải nhờ một người con mang từ một nơi nào đó trong nhà vào phòng.


Chính ở nơi này ông đã sáng tác 13 bức tranh trong triển lãm vào tháng 12 năm 2006, tôi đã có dịp tường trình với bạn đọc trong bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn” số 118 ngày 20-12-2006. Không ngờ đó lại là lần triển lãm cuối cùng của Thái Tuấn và sau đó vài ngày là bữa cơm thân mật của anh em chúng tôi, cũng lại là bữa ăn với nhau cuối cùng ở nhà hàng Cơm Niêu. Thái Tuấn mang theo một chai rượu vang, đúng à kiểu Tây. Bữa đó có cả cụ Mạnh Đan, vợ chồng Đằng Giao, Nguyễn Thụy Long do bà chủ báo Cỏ Thơm ở Virginia về mời.

 

Những ngày cuối cùng


Anh cứ hẹn tôi, lúc nào sẽ lên Lộc Ninh nằm chơi vài ngày, nếu thích sẽ vẽ mấy cô gái thượng. Trong hàng loạt tác phẩm của anh, hầu hết diễn tả vẻ đẹp thiếu nữ thuộc nhiều thành phần khác nhau, có lẽ chỉ thiếu một số cô gái miền sơn cước. Tôi nghĩ đó cũng là dự định của anh vào 
thời gian này. Nhưng ý tưởng chưa thực hiện được thì anh đã nằm bệnh viện. Sau này, thỉnh thoảng anh điện thoại cho tôi, hỏi thăm cây cỏ hoa lá, nhưng tiếng anh khào khào qua điện thoại, chỉ được vài câu rồi con anh phải “phiên dịch” lại.


Trước ngày anh ra đi, tôi vẫn nhận được tin tức anh qua điện thoại. Vài ngày trước khi mất, các con anh nói rằng bây giờ anh chỉ “bút đàm”, tức là chỉ nói chuyện bằng giấy bút, chứ không nói được. Mới hôm trước ngày 25-9, được tin anh ra khỏi phòng cấp cứu. Trưa hôm sau, 13 giờ ngày 26-9-2007, được tin anh mất trên đường từ bệnh viện về nhà. Tôi cấp tốc thông tin đến bạn bè khắp nơi. Một số bạn nhanh chóng hồi âm và giao cho tôi nhiệm vuà thay mặt đi phúng điếu hoặc chuyển lời phân ưu đến tang quyến.

 

Những người “anh em cũ”


Tôi đáp chuyến xe đò vào sáng sớm về Sài Gòn. Trước đó tôi đã nhờ Hàm Anh đặt sẵn vòng hoa để mang đến nhàtưởng niệm, trong khuôn viên nhà thờ Tân Định, nơi quàn linh cữu cố họa sĩ. Mới đó mà hôm nay đã thành “cố” rồi!


Khi tôi đến nơi đã là gần trưa, 3 người con trai của anh Thái Tuấn đón sẵn, đưa vòng hoa của các bạn ở nước ngoài và chúng tôi vào bên bàn thờ người quá cố. Rất nhiều vòng hoa của thân nhân và thân hữu để la liệt bên linh cữu. Những cái tên rất quen của “làng văn, làng báo Sài Gòn những ngày xưa”, tôi không thể kể hết.


Người con đầu của anh Thái Tuấn cũng đã ngoài 60, Thái nắm tay tôi kể:

- Bác Tú Duyên và bác Mạnh Đan vừa ở đây về thì chú tới.


Anh Tú Duyên năm nay đã 92 rồi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. Thái đưa cho tôi xem mấy hàng chữ của hoạ sĩ Tú Duyên vừa ghi trong cuốn sổ lưu niệm. Nét chữ mới chỉ hơi run, nhưng lời lẽ thì vẫn còn rất trẻ: Anh viết: “Cầu cho linh hồn hoạ sĩ yên vui. Còn tôi hơn bồ 2 tuổi còn ngồi đây viết những lời như thế này. Thân chào linh hồn hoạ sĩ. Đồng nghiệp Tú Duyên. Ngày 27-9-2007”.
Phía dưới trang giấy kẻ ô vuông là dòng chữ của Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh “râu dài” Mạnh Đan: “Vô cùng thướng tiếc người bạn cố tri. Thái Tuấn ra đi không bao giờ trở lại. Vĩnh biệt. Nguyễn Mạnh Đan”.


Còn vài chục trang giấy như thế của những người thân, những người bạn, những người anh em, già trẻ lớn bé, lớp trước lớp sau, tôi không thể kể hết. Điều đó chứng tỏ khi sinh thời ông đã sống như thế nào. Đó là điều quan trọng chứ không phải là tên tuổi, nổi danh hay không nổi danh. Thái độ sống và cách sống với những người xung quanh mới chính là con người thật.

 

Có gặp Lê Xuyên xin đừng nói chuyện thế gian


Ngày 29-9 vào ngày thứ bảy, linh cữu của cố hoạ sĩ Thái Tuấn được đưa lên toà nhà thờ chính Tân Định làm lễ. Rất đông thân nhân bạn bè thuộc đủ thành phần đến dự lễ. Bước chân vào nhà trong thờ, tôi gặp ngay những khuôn mặt quen thuộc như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Cù Nguyễn, Hàm Anh, Trịnh Cung, Nguyễn Quốc Thái, Mạnh Đan, Nguyễn Đạt...
Trong lúc chờ đợi đưa linh cữu ra ngoài xe, tôi có dịp nói chuyện với Dương Nghiễm Mậu. Hồi này anh cắt tóc ngắn, kiểu cắt “bốc” của những cậu học sinh khi còn nhỏ. Anh vẫn trẻ trung như thanh niên. Tôi chưa kịp cười anh đã giải thích ngay: “Ấy cắt tóc như thế để chúng nó không nắm được tóc mình”. Nguyễn Nghiệp Nhượng nhún vai phê một câu ngắn gọn, nhưng đầy đủ ý nghĩa: “hơi muộn”. Một anh bạn nào đó hùa theo: “Không những nó nắm tóc ông mà còn bị nò ghè cho gãy xương”. Tôi hỏi lảng: “Cuốn sách của ông ra sao rồi? Hết bán được rồi phải không?”. D.N.Mậu cười tỉnh như không: “Chỉ không bán được ở Sài Gòn thôi. Còn các nơi vẫn bán như thường. Mình chỉ ngại cho nhà xuất bản, họ bỏ vốn in khá nhiều. Mình thì cứ bình an vô sự”.  - “Té ra thành phố Sài Gòn lại không cởi mở bằng những nơi khác?” - “ Ở đó mà cởi”...
Câu chuyện xoay quanh những chuyện “văn nghệ lẩm cẩm” như thế. Tôi gặp một số các chị quả phụ Trần Lê Nguyễn, Minh Đăng Khánh... cùng một số rất ít những người làm văn làm báo sau này hoặc từ miền Bắc vô Nam sau năm 1975. Nếu không có những dịp như thế này, khó có dịp nào anh chị em “Sài Gòn của chúng ta xưa” gặp nhau đông đủ được đến vậy. Dù trong tang lễ nhưng mọi người đều nhân cơ hội này thăm hỏi nhau vô số chuyện gia đình, chuyện anh em bên này bên kia.


Đúng 8 giờ, chiếc xe chở linh cữu ra khỏi khuôn viên nhà thờ Tân Định, hướng về nhà hoả thiêu Bình Hưng Hoà.


Thôi, anh ra đó gặp Phan Nghị, Lê Xuyên à Anh đừng nói với Lê Xuyên rằng dù anh ấy đã ở thế giới bên kia, nhưng sách của anh ấy cũng không được bán ở Sài Gòn, kẻo anh ấy buồn, tội nghiệp cả cho người đã chết! Thế gian còn nhiều chuyện đau lòng lắm. Xin quý vị hãy yên nghỉ.
Vĩnh biệt hoạ sĩ tài hoa Thái Tuấn.

                       

cothommagazine.com

Văn Quang
Số lần đọc: 1438
Ngày đăng: 26.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng - Đặng Tiến
Tường Linh - thơ một đời… - Huỳnh Như Phương
Dã Quỳ Trầm Lặng - Ban Mai
Nhân Kỷ Niệm 5 Năm Ngày Mất: Người Sáng Lập & Chủ Bút Tạp Chí Bách Khoa - Mang Viên Long
Hủ Tíu Nam Vang - Nguyễn Linh Khiếu
Quê Nội Có Mưa Không? - Võ Thụy Như Phương
Nefelejcs – Đừng Quên Em của Nguyễn Hồng Nhung - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc: Đạo Đức Kinh- Lão TỬ - Nguyễn Hồng Nhung
Trước, Sau - Thụy Vi
Một Câu Hỏi, Đủ Nhức Đầu - Thụy Vi
Cùng một tác giả